Trang

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Vai trò và những khủng hoảng của triết học...


 VAI TRÒ VÀ NHỮNG KHỦNG HOẢNG CỦA TRIẾT HỌC HIỆN ĐẠI THEO THÔNG ĐIỆP ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ CỦA ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAO-LÔ II



Triết học đã được “thai nghén” và chính thức bước ra khỏi “cánh gà của sân khấu huyền thoại” khi con người biết suy tư và đặt câu hỏi về mọi sự, cũng như tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đó mà không dựa vào bất cứ một thế lực siêu nhiên nào. Từ đó, triết học ra đời, đẩy những hyền thoại vào dĩ vãng và dần khẳng định vai trò của mình trên con đường đạt tới chân lý. Trong lịch sử của mình, triết học luôn đóng một vai trò nhất đinh, lúc thịnh, lúc suy trong việc giúp lý trí tiệm tiến chân lý. Cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, triết học dường như đang bị khoa học hạ thấp và phần nào mất đi vai trò của mình đối với con người hiện đại. Nhận thức được tình trạng này, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II trong thông điệp Đức tin và lý trí, đã đề cập đến những vai trò của lý trí, mà theo ngài lý trí và đức tin như “đôi cánh phượng hoàng” giúp trí khôn vươn lên chiêm ngắm chân lý, nhất là đối với Ki-tô giáo. Cùng với đó, ngài cũng như nói lên những cuộc khủng hoảng mà triết học hiện đại đang phải đối diện, để từ đó đưa ra những nhiệm vụ cần thiết của triết học trong thời kì mới.



1. Vai trò của triết học


 

Đức tin và lý trí, hai con đường cùng dẫn tới một chân lý duy nhất, không hề mâu thuẫn đối lập nhau, trái lại độc lập và tương hỗ và làm sáng tỏ nhau. Mỗi lãnh vực đều có vai trò riêng trong địa hạt của mình, nhưng không bao giờ hoàn toàn tách biệt nhau. Trong thông điệp, Đức Thánh cha cũng đã nói đến một số vai trò hay vị thế của triết học, nhất là những đóng góp của triết học đối với thần học Kitô giáo.

Trước hết, triết học giúp con người thoát khỏi thế giới của thần thoại và tạo dựng chỗ đứng cho suy tư bằng lý trí. Điều này được Đức thánh cha đề cập khi nói đến vị thế của nền triết học trước Chúa Giáng Sinh, một nền triết học hoàn toàn độc lập với Mặc khải của Tin Mừng. Theo đó, triết học, vẫn như bản chất cố hữu, luôn thể hiên một khát vọng chính đáng của con người là “ham hiểu biết” như Aristote khẳng định. Quả thế, triết học hiểu như một sự tìm kiếm chân lý trong trật tự tự nhiên nhờ sử dụng các năng lực của lý trí và theo Đức thánh cha, triết học không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc tìm kiếm chân lý trong trật tự tự nhiên, nhưng bao giờ cũng mở ra cho cái siêu nhiên, một vai trò chuẩn bị của triết học cho thần học. Từ đó, Đức thánh cha khẳng định, ngay cả khi suy tư thần học sử dụng những khái niệm và luận cứ triết học, người ta vẫn phải tôn trọng đòi hỏi về một sự tự lập chính đáng của tư tưởng, vì theo ngài, chính lập luận theo những tiêu chuẩn lý tính chặt chẽ là một bảo đảm để đạt tới những chân lý phổ quát.



Vai trò thứ hai của triết học theo Đức thánh cha nằm ở vị thế mà triết học đã chọn lựa thường được gọi là triết học Kitô giáo. Cách gọi này hoàn toàn không gợi ý rằng có một triết học chính thức của Giáo Hội, bởi vì bản thân đức tin không phải là một triết lý, nhưng ngài muốn nói tới một cách thức Kitô giáo làm triết học. Qua đó, triết học thể hiện vai trò của mình trong mối liên hệ năng động với đức tin, một mối liên hệ tương hỗ. Đồng thời, thuật ngữ này còn bao gồm những phát triển quan trọng của tư tưởng triết học nếu thiếu phần đóng góp trực tiếp hay gián tiếp của đức tin, chúng đã chẳng thể có được.



Theo Đức thánh cha, triết học Ki-tô giáo vừa đóng vai trò chủ thể, nghĩa là những người làm triết học dùng đức tin của họ để thanh luyện lý trí, giải thoát lý trí khỏi tính tự phụ vốn là chước cám dỗ tiêu biểu của các triết gia, mà một số triết gia đã dùng lý trí như cứu cánh để phủ nhận những thực tại siêu nhiên. Điều này đã được chính thánh Phao-lô, các Giáo phụ và các triết gia như Pascal, Kierkegaard từng lên án. Các triết gia khiêm tốn này đã can đảm đề cập đến những vấn đề khó giải quyết nếu không biết đến các dữ kiện của Mặc Khải như vấn đề sự dữ và đau khổ hay bản tính Thiên Chúa, từ đó giúp cho lý trí có chỗ đứng đúng đắn.



Đồng thời, triết học Ki-tô giáo vừa có vai trò khách thể, khía cạnh có liên quan đến nội dung. Theo đó, triết học đóng góp vào thần học khi cho thần học mượn những hạn từ của triết học để làm rõ và diễn đạt những chân lý lý trí có thể diễn tả, dù chỉ là một phần nào đó, vì chỉ với lý trí chân lý đó không thể khám phá, chẳng hạn như khái niệm về Thiên Chúa có ngôi vị và tự do, hay triết học về hữu thể,…

Từ góc độ này, theo Đức thánh cha, các triết gia không trở thành thần học gia, vì họ đã không tìm cách hiểu và trình bày các chân lý đức tin từ nền tảng Mặc Khải. Họ vẫn tiếp tục làm việc trong địa hạt và với những phương pháp thuần lý riêng, tuy rằng họ nới rộng công việc nghiên cứu tới những khía cạnh mới của chân lý.



Thông điệp cũng đề cập đến một vai trò khác của triết học, đó chính là điều mà thánh Tô-ma Aquino đã đề cập đến trong Tổng luận của mình, khi coi triết học là nữ tỳ của thần học. Một vị thế trợ giúp không hề có tính hạ thấp triết học, trái lại là giúp cho triết học có một vị thế xứng đáng trong lòng thần học. Qua đó, thần học cậy nhờ triết học để làm sáng tỏ chính mình, cũng như để cho thấy giới hạn của lý trí và ngôn ngữ của con người trong việc diễn tả thực tại siêu việt là Thiên Chúa. Tuy vậy, triết học cũng làm tốt vai trò của mình trong việc đóng góp cho thần học, như một công trình của lý trí phê bình dưới ánh sáng đức tin.

Trong vị thế này, triết học được đặt cách trực tiếp hơn, giống như thần học, dưới quyền hành và sự suy xét của Huấn quyền vì những liên quan của nó đối với sự hiểu biết Mặc khải. Cùng với đó, mặc dù hoạt động một cách độc lập và sáng tạo, nhưng triết học vẫn phải tôn trọng một số đòi hỏi mà các chân lý đưa ra khi nó tiếp xúc với thần học. Từ đó, đòi hỏi của lý trí và sức mạnh của đức tin tìm được sự tổng hợp cao nhất mà tư tưởng loài người từng đạt tói, bởi vì theo Tô-ma Aquino thì lý trí hay triết học vẫn được bảo vệ một cách triệt để tính mới mẻ do Mặc khải đem lại mà không hề bị hạ thấp công trình riêng của mình.



Như thế, theo Đức Giáo hoàng, triết học luôn đóng một vị trí đặc biệt trong lịch sử nhân loại, và nhất là trong lịch sử phát triển nền thần học của Giáo hội. Triết học tiền Kitô giáo như một bước đệm thể hiện khát vọng tìm kiếm chân lý của con người, và giúp con người thoát khỏi những huyền thoại màn tính hư cấu hay hoang đường. Và khi Ki tô giáo xuất hiện, thần học đón nhận triết học vào lòng thần học, tạo cho triết học một vị trí xứng đáng, thì triết học đã tỏa sáng và có những đóng góp quan trọng cho nền thần học. Nơi đó, Mặc khải trở thành điểm gặp gỡ và nối kết đích thực giữa tư duy triết học và thần học trong mối quan hệ hỗ tương, đúng như lời các Giáo phụ đã dạy: “Người tin không là gì khác hơn là tư duy với sự ưng thuận… người tin cũng là người suy tư. Khi tin người ấy tư duy và khi tư duy người ấy tin… Nếu đức tin không suy tư, đức tin không là gì hết”.



2. Những khủng hoảng của triết học hiện đại

 

Dù triết học đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và nhất là trong thần học, song cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, một số trường phái triết học muốn tách lý trí ra khỏi đức tin, thậm chí loại trừ đức tin, xây dựng cho mình một vị thế độc tôn mà không cần đến ánh sáng của đức tin nữa. Cùng với đó, khoa học phát triển và cũng muốn tách lý trí ra khỏi đức tin và coi khoa học là một công cụ, một ngôn ngữ toàn năng để giải quyết mọi vẫn đề của con người mà không cần đến tôn giáo. Từ những nguyên nhân trên, triết học hiện đại đang gặp những cơn khủng hoảng mà theo Đức thánh cha gọi là một “cuộc khủng hoảng về ý nghĩa” khi các quan điểm về cuộc sống và về thế giới, mà thường có tính khoa học, đã sinh sôi nảy nở đến độ xé nhỏ tri thức, hay biệt hóa ngày càng gia tăng.

Trong thông điệp, Đức thánh cha đã nói lên tình trạng hàng loạt lý thuyết thi nhau đem lại một câu trả lời cũng như có nhiều cách khác nhau để quan niệm và giải thích thế giới và đời sống con người, chỉ làm trầm trọng thêm nỗi nghi ngờ mà rất dễ dẫn con người đến thuyết hoài nghi, thái độ dửng dưng hay những loại hư vô chủ nghĩa khác nhau.


Triết thuyết đầu tiên mà ngài nói đến chủ nghĩa triết trung, chỉ những người có khuynh hướng sử dụng những ý tưởng cá nhân rút ra từ những nền triết học khác nhau mà không quan tâm đến tính cố kết nội tại của chúng, tới vị trí của chúng trong một hệ thống hay bối caanhr lịch sử của chúng. Từ đó, họ có nguy cơ không phân biệt được phần đúng của một học thuyết với những yếu tố sai lầm hoặc không thích hợp với những nhiệm vụ trước mắt mà nó có thể chứa đựng.

Triết thuyết tiếp đến mà Đức thánh cha đề cập đến là chủ nghĩa duy khoa học, một chủ nghĩa có thể nói rất thịnh hành trong nền khoa học hiện đại. Đó là quan niệm triết học từ chối nhìn nhận giá trị của những lối nhận thức khác với những lối nhận thức của khoa học thực nghiệm, nó đẩy những nhận thức tôn giáo, thần học, đạo đức, thẩm mỹ vào lãnh vực tưởng tượng. Trong viễn tượng này, các giá trị bị coi như sản phẩm của cảm xúc và ý niệm hữu thể bị loại bỏ để dành chỗ cho “sự kiện tính” thuần túy.

Một triết thuyết nữa được nhắc đến để nói lên cuộc khủng hoảng mà triết học hiện đại đang phải đối diện, đó là chủ nghĩa duy thực dụng, một chủ nghĩa không kém phần nguy hiểm. Đó là một thái độ của trí không loại trừ những suy xét hay phán đoán lý thuyết căn cứ trên những nguyên tắc đạo đưc khi lựa chọn. Điều đó đẩy người ta tới chỗ ủng hộ một quan niệm dân chủ không đặt nền tảng trên một quy chiếu nào về những giá trị bền vững.

Những chủ nghĩa trên, theo Đức thánh cha, đã đưa tới một quan niệm tổng quát, mà ngày nay đang xuất hiện như cái khung chung của triết học đã loại bỏ ý nghĩa của hữu thể, dẫn tới nền triết học dựa trên chủ nghĩa hư vô, hay một nền triết học duy hiện tượng, duy tương đối triệt để, mà Đức thánh cha phải đau xót thốt lên “chân lý và tự do cùng đi với nhau hoắc cùng tiêu tan với nhau”.

Hậu quả là trí không của con người thường bị xâm chiếm bởi một thứ tư duy mơ hồ khiến nó càng ngày càng quay về mình hơn, tự khép lại trong giới hạn của tính nội tại riêng, không mảy may quy chiếu về cái siêu việt. Một nên triết học mà không còn đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống nữa thì sẽ rơi vào nguy cơ giản lược lý trí vào những chức năng hoàn toàn phụ thuộc và không còn say mê tìm kiếm chân lý nữa.


3. Tạm kết
 

Đứng trước cuộc khủng hoảng này, theo Đức thánh cha, triết học trước hết cần phải tìm lại chiều kích khôn ngoan để thích hợp với Lời Chúa, tức là tìm kiếm ý nghĩa cuối cùng và toàn diện của cuộc đời. Làm như thế, triết học không chỉ là yếu tố phê phán quyết định để xác định các nền tảng và giói hạn của lĩnh vực tri thức mà còn là khuôn khổ cho tính thống nhất của nhận thức và hành động của con người, đưa chúng quy về cùng một cùng đích và ý nghĩa chung cục. Cùng với đó, triết học cần phải xác nhận rằng con người có khả năng biết chân lý, đạt tới một số nhận thức về chân lý khác quan theo quy tắc chân lý là sự tương hợp giữa sựu vật và trí khôn mà các bậc thầy Kinh viện đã tham chiếu. Tóm lại, đây là lúc triết học phải đối diện thay vì lẩn tránh khủng hoảng và tìm cách giải quyết cũng như khẳng định vai trò của mình.

Tác giả: Khiêm Nhu

 

https://gpbuichu.org/news/Suy-tu/vai-tro-va-nhung-khung-hoang-cua-triet-hoc-15937.html

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét