Trang

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

Thừa Tác Viên Ngoại Thường

 



Thừa Tác Viên Ngoại Thường
 



Theo thống kê trong chuyến thăm Ad Limina 5.3.2018 của Hội đồng Giám mục Việt Nam thì cho đến đầu năm 2018, Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam có 7 triệu giáo dân, với 4.000 linh mục, 4.500 giáo xứ, 22.000 tu sĩ với hơn 240 dòng tu, hơn 2400 đại chủng sinh. Có những giáo xứ lớn trên mười nghìn tín hữu, vì vậy có nhiều thánh lễ được cử hành mừng kính Chúa sống lại trong ngày Chúa Nhật và cả lễ mừng trước vào chiều ngày thứ bảy. Vì thế, giáo xứ cần có khá nhiều Thừa Tác Viên ngoại thường để giúp vị chủ tế cho các tín hữu rước lễ. Không kể những nơi vùng sâu, vùng xa; những nơi thường xuyên không có Thừa Tác Viên có chức thánh.


I. Vài Dòng Lịch Sử

Thừa Tác Viên ngoại thường là một đặc ân Hội Thánh ban để tín hữu phục vụ dân Chúa như chính Thiên Chúa đến thế gian để phục vụ chớ không phải để được phục vụ.

* Trong những ngày đầu của Hội Thánh sơ khai, luật lệ và việc trao Mình Thánh Chúa có ít ràng buộc. Ví dụ: một bệnh nhân có thể nhờ người nhà hoặc bạn bè mang Mình Thánh Chúa đến cho mình.

* Vào thời Trung cổ: từ thế kỷ 8 - 20, Hội Thánh giới hạn mục vụ Thánh Thể chỉ dành cho Giám mục và Linh mục. Phó tế cũng là Thừa Tác Viên ngoại thường.

Thời gian này giáo dân không được rước Mình Thánh Chúa bằng tay. Thỉnh thoảng trong những trường hợp đặc biệt mới được cho rước Máu Thánh.

* Từ Công Đồng Vatican II, Hội Thánh đã nới rộng và thay đổi mục vụ Thánh Thể. Phó tế có chức thánh thuộc hàng giáo sĩ nên là Thừa Tác Viên thường lệ. Các giáo dân được ủy nhiệm gọi là Thừa Tác Viên ngoại thường. Ngoại thường có nghĩa là ở ngoài hàng giáo sĩ.

* Năm 1972-1973, vì nhu cầu của Hội Thánh, luật mục vụ Thánh Thể cho phép Thừa Tác Viên ngoại thường đưa Mình Thánh Chúa đến người bệnh ở nhà hoặc trong bệnh viện.

II. Vài Điều Quy Định

* Thừa Tác Viên là ai?

Thừa Tác Viên là người được ủy thác một chức vụ trong Giáo Hội, được quyền bính Giáo Hội cho phép qua Đức Giáo Hoàng hoặc Đấng Bản Quyền địa phương. Sự cho phép này có thể phải kèm theo việc phong chức. “Thừa Tác Viên Thánh Thể” là người được phép cử hành Bí Tích Thánh Thể (dâng Thánh Lễ). Phép này được ban qua Bí Tích truyền chức linh mục.

- Giáo Luật điều 900§1 xác định rằng: “Chỉ có tư tế đã được truyền chức thành sự là thừa tác viên có thể cử hành Bí tích Thánh Thể với tư cách là chính Đức Kitô (in persona Christi).

- Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma cũng dạy rằng:

+ Mọi cử hành Thánh Thể hợp pháp đều do Ðức Giám mục chủ trì hoặc trực tiếp, hoặc qua các linh mục là những trợ tá của ngài. (QCTQ số 92).

+ Trong Hội Thánh, linh mục đã lãnh nhận Bí tích Truyền chức, được quyền dâng hy lễ trong tư cách của Chúa Kitô. (QCTQ số 93).

- Thánh bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí tích trong Huấn thị Bí Tích Cứu Độ dạy rằng: “Chỉ duy có tư tế đã được truyền chức hữu hiệu là Thừa Tác Viên hiện thân của Đức Kitô, in persona Christi, có khả năng cử hành Bí tích Thánh Thể.” (HT BTCĐ 154).

* Thừa Tác Viên trao Mình Thánh Chúa

Bộ Giáo Luật điều 910§1 đã quy định: “Thừa Tác Viên thông thường trao Mình Thánh Chúa là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế”. Vì thế, chỉ có Giám mục, Linh mục và Phó tế mới là “Thừa Tác Viên thường lệ trao Mình Thánh Chúa” do chức thánh mà họ lãnh nhận.

- “Các thầy giúp lễ, bởi việc lãnh nhận thừa tác vụ, cũng như giáo dân, theo các quy tắc của giáo luật, đã lãnh nhiệm vụ trao Mình Thánh Chúa, được gọi là Thừa Tác Viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa, kể cả ngoài lúc cử hành Thánh Lễ (x. GL 910§2; HT BTCĐ 155).

- Thừa Tác Viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa là các tín hữu được ủy nhiệm để phụ giúp linh mục chủ tế trao Mình Thánh Chúa cho anh chị em giáo dân. Họ là những gương mẫu trong đời sng đức tin và luân lý, được tuyển chọn và phục vụ cộng đoànCác Thừa Tác Viên này chia làm 2 loại: Loại từng lần và loại thường xuyên.

+ Loại từng lần (ad actum): là những người được ủy nhiệm trao Mình Thánh Chúa do nhu cầu của từng lần như khi quá đông giáo dân rước lễ hơn bình thường mà một mình chủ tế trao Mình Thánh Chúa sợ Thánh Lễ kéo dài quá lâu, hay khi chủ tế đau yếu hoặc khi cần đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân mà bình thường linh mục vẫn thực hiện công việc này, nhưng hôm đó linh mục mắc ngăn trở thì ngài ủy nhiệm cho một Thừa Tác Viên làm thay... Những Thừa Tác Viên ngoại thường từng lần sẽ hết quyền ngay sau khi thi hành xong nhiệm vụ được trao phó.

+ Loại thường xuyên (ad habitum): Là những người được ủy nhiệm trao Mình Thánh Chúa cách thường xuyên trong các Thánh Lễ hoặc đưa Mình Thánh Chúa đều đặn cho bệnh nhân. Những người này ngoài việc cho rước lễ còn có nhiệm vụ coi sóc Mình Thánh Chúa, xướng các ý nguyện trong lời nguyện chung, chủ tọa các buổi cử hành phụng vụ Lời Chúa khi thiếu thừa tác viên có chức thánh.

Thừa Tác Viên thường xuyên được hiểu là những người giúp linh mục chủ tế trao Mình Thánh Chúa cách đều đặn, thường xuyên không cần ủy nhiệm lại từng lần, vì thế những người cho rước lễ hằng ngày, hàng tuần, theo phiên hoặc theo các dịp lễ trong năm… đều được gọi là Thừa Tác Viên thường xuyên. Linh Mục chủ tế phải xin phép Đấng Bản Quyền giáo phận và được sự đồng ý của Ngài về những Thừa Tác Viên thường xuyên này.

Khi tuyển chọn tín hữu làm Thừa Tác Viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa cần theo lời của Đức Thánh Cha Phaolô VI: “Ứng viên nam nữ được chỉ định phải là những người được hướng dẫn đầy đủ về mặt giáo lý, chu toàn mọi bổn phận trong đời sống của người Kitô hữu về phương diện luân lý cũng như đức tin. Đương sự còn phải tỏ ra xứng đáng với sứ vụ trọng đại này, luôn học hỏi, đào sâu về Bí Tích Thánh Thể, làm gương sáng cho mọi tín hữu qua lối sống thánh thiện và lòng tôn kính Bí Tích cao trọng này. Tuyệt đối không chỉ định những thành phần có thể là căn cớ gây tiếng xấu trong Cộng Đoàn Dân Chúa”.

Người nữ tín hữu có thể được ủy nhiệm làm Thừa Tác Viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa không? Hội Thánh Việt Nam chưa có lựa chọn này. Có lẽ vẫn còn nặng tính văn hóa dân tộc trọng nam khinh nữ, trừ các nữ tu. Còn Hội Thánh Châu Âu vẫn có những phụ nữ cho rước lễ.

* Thừa Tác Viên ngoại thường thi hành nhiệm vụ trong Thánh Lễ

Các Thừa Tác Viên ngoại thường không cho rước lễ khi có các Thừa Tác Viên có chức thánh hiện diện (Huấn thị Bí Tích Cứu Độ, 157). 
 

Qui định sách lễ Roma 2000, linh mục chỉ được phép ủy nhiệm cho các Thừa Tác Viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa khi số linh mục hay phó tế không đủ để trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân (QCTQSLRM năm 2000, số 162), lúc này linh mục mới được phép ủy nhiệm cho các Thừa Tác Viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa. Trong số các Thừa Tác Viên ngoại thường này, thy đã lãnh tác vụ giúp lễ đứng hàng đầu.

Trong cử hành Thánh Lễ, Thừa Tác Viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa chỉ có nhiệm vụ là trao Mình Thánh cho giáo dân; vì thế họ chỉ tiến tới bàn thờ sau khi linh mục đã rước lễ và luôn phải nhận bình đựng Mình Thánh Chúa từ tay linh mục. Việc phân phối Mình Thánh hay Máu Thánh vào các bình thuộc chức năng của linh mục và phó tế (QCTQSLRM năm 2000, số 162).

Các Thừa Tác Viên ngoại thường không phép rước bình đựng Mình Thánh Chúa từ Nhà Tạm xuống hoặc cất Mình Thánh Chúa lên Nhà Tạm.

 

Các Thừa Tác Viên ngoại thường không được tự rước Mình Thánh Chúa, và cũng không tự động lấy bình đựng Mình Thánh Chúa, phải chờ linh mục chủ lễ trao cho. Nếu ra trễ, bất đắc dĩ, trong trường hợp này các Thừa Tác Viên ngoại thường có thể tiến lên Bàn Thờ và tự lấy bình đựng Mình Thánh Chúa, nhưng không tự rước lễ.
 

Các Thừa Tác Viên ngoại thường không được sang Mình Thánh Chúa từ bình này sang bình khác trên Bàn Thờ, còn lúc đang cho rước lễ mà thiếu, các Thừa Tác Viên ngoại thường có thể đến người bên cận để lấy.
 

Các Thừa Tác Viên ngoại thường không được dồn Máu Thánh từ các chén lại, tuyệt đối cấm (x. Huấn thị BTCĐ, 106). Thừa Tác Viên ngoại thường không được dồn Mình Thánh từ các bình đựng lại và tráng bình hay tráng chén. Đó là việc của linh mục, của phó tế hay của thầy đã nhận tác vụ giúp lễ (x. QCTQRM 2002, 279).
 

Trong trường hợp hết Mình Thánh Chúa mà còn đông người rước lễ, các Thừa Tác Viên ngoại thường có thể bẻ Bánh Thánh nhỏ ra.
 

Dù một ngày dự lễ và trao Mình Thánh Chúa ba hoặc bốn lễ, các Thừa Tác Viên ngoại thường cũng chỉ được rước lễ hai lần (x. GL 917).
 

Thừa Tác Viên ngoại thường đem Mình Thánh cho một bệnh nhân
 

Thừa Tác Viên ngoại thường đem Mình Thánh cho một bệnh nhân rước lễ, nếu có thể được, từ nơi Mình Thánh Chúa được lưu giữ, phải đi ngay đến nơi bệnh nhân ở, không chia trí ở dọc đường, như vậy để tránh xa mọi nguy cơ xúc phạm và minh chứng lòng hết sức tôn kính Mình Thánh Chúa Kitô. Luôn luôn phải tuân giữ nghi lễ cho bệnh nhân Rước Lễ, như đã ấn định trong sách Nghi Thức Rôma (x. HT BTCĐ số 133).
 

Không có trường hợp nào Thừa Tác Viên ngoại thường cho rước lễ được phép uỷ quyền trao Mình Thánh Chúa cho một người nào khác, ví dụ như cho người cha hay người mẹ, người phối ngẫu, hay người con của một bệnh nhân, được rước lễ. (HT BTCĐ, 159).

Đặt Mình Thánh Chúa

Giáo luật điều 943 viết rằng: “Thừa tác viên đặt Mình Thánh để chầu và ban phép lành Thánh Thể là tư tế hay phó tế; trong những hoàn cảnh riêng, Thừa Tác Viên Giúp Lễ, Thừa Tác Viên ngoại thường Trao Mình Thánh hay một người nào khác được Đấng Bản Quyền địa phương ủy quyền, có thể đặt và cất Mình Thánh, mà không ban phép lành, nhưng vẫn phải giữ những quy định của Đức Giám Mục Giáo phận”.

Việc đặt Mình Thánh Chúa Giêsu để chầu có 3 hình thức dành cho Thừa Tác Viên:

Hình thức I: Mở của Nhà Tạm có chứa bình đựng Mình Thánh Chúa để cộng đoàn chầu.

Hình thức II: Mở cửa Nhà Tạm, đưa bình đựng Mình Thánh ra và đặt trên bàn thờ cho cộng đoàn chầu.

Hình thức III: Mở của Nhà Tạm, lấy Mình Thánh đưa vào mặt nhật rồi đặt trên bàn thờ hay tòa để cộng đoàn chầu.

Khi không có linh mục hay phó tế hiện diện, khi có phép của cha xứ hay bề trên, Thừa Tác Viên ngoại thường được làm cả 3 hình thức nói trên, nhưng phải thực hiện các quy luật phụng vụ. Riêng ở hình thức III (theo nghi thức), trước khi cất Mình Thánh có thể đọc lời nguyện nhưng không ban phép lành Thánh Thể (x. GL. 943), cũng không được nâng cao Mặt Nhật lên và rung chuông.

Khi có linh mục hay phó tế hiện diện, Thừa Tác Viên ngoại thường không được làm cấp nào cả, nhất là hình thức III: mở cửa Nhà Tạm lấy Mình Thánh đặt vào mặt nhật để trưng ra cho cộng đoàn chầu hay cất Mình Thánh vào Nhà Tạm.

Khi trưng Bình đựng Mình Thánh hay Mặt Nhật chứa Mình Thánh cho cộng đoàn chầu luôn phải được đặt trên khăn thánh tại nơi trang trọng xứng đáng. Cần có hoa, đèn nến đốt cháy trang trí để tỏ lòng tôn kính và gây chú ý có sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể.

* Đời sống của Thừa Tác Viên ngoại thường

Tín hữu được tuyển chọn làm Thừa Tác Viên ngoại thường phải là người có đức tin, đạo đức và phẩm cách xứng đáng trong đời sống Kitô hữu. Họ là những người có lòng yêu mến và sống tận hiến cho Thánh Thể, là những người sống gương mẫu trong Cộng Đoàn Dân Chúa, đã thể hiện lòng tôn thờ Thánh Thể, Bí Tích cao trọng nhất trong việc phục vụ.

Gb. Nguyễn Thái Hùng
2.2024


Tham khảo
1. https://catechesis.net/bo-phung-tu-va-ky-luat-bi-tich-huan-thi-redemptionis-sacramentum-ve-phep-thanh-the-25-03-2004/
2. https://giaophandalat.com/nam-2001-huan-thi-ve-mot-vai-van-de-lien-quan-den-viec-hop-tac-cua-kito-huu-giao-dan-voi-thua-tac-vu-cac-linh-muc.html
3.https://www.dongnutythanhthe.net/giao-huan-ve-phung-vu-va-giai-dap-thac-mac.html
4https://giaophanvinhlong.net/thua-tac-vien-thanh-the-ngoai-le-la-ai.html
5.http://gpphanthiet.com/index.php/vi/news/song-dao/co-the-goi-cac-thua-tac-vien-ngoai-le-trao-minh-thanh-chua-la-thua-tac-vien-thanh-the-khong-4128.html
6. https://gpquinhon.org/q/hoi-doan/chuc-viec-cong-tac-voi-cha-so-trong-muc-vu-bi-tich-2042.html
7. https://hdmenthanhgiagovap.info/hoc-hoi-nghien-cuu/phung-vu/thua-tac-vien-trao-minh-thanh-va-dat-minh-thanh-chau/
8. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-nhat-ky-ad-limina-5-3-2018-32063

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét