Trang

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Kính Trọng Thể Đức Mẹ Mân Côi

- Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Tin Mừng là bài tường thuật biến cố Truyền Tin. Nơi Thiên Chúa chuẩn bị để Con của Ngài đến ở giữa dân Ngài là cung lòng thanh sạch và rạng ngời vinh hiển của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Đền Thờ đẹp nhất, được Thiên Chúa sủng ái nhất.
 KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Trong ngày lễ kinh trọng thể Đức Mẹ Mân Côi, Phụng Vụ Lời Chúa nêu bật Tình Mẫu Tử của Đức Ma-ri-a. Chính ở nơi Tình Mẫu Tử của Đức Ma-ri-a mà Chúa Cha đã trao phó “Con Một làm người” của Ngài cho Mẹ để Mẹ nuôi dưỡng và săn sóc. Và cũng chính nơi Tình Mẫu Tử nầy mà Đức Giê-su đã trao phó cho người mẹ tuyệt vời của Ngài ân cần săn sóc Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài, tức Giáo Hội mà Ngài đã mang nặng đẻ đau trên thập giá (Ga 19: 25-37).
Mỗi lần chúng ta lần tràng chuổi Mân Côi là mỗi lần chúng ta chiêm ngắm Tình Mẫu Tử tuyệt vời nầy ở nơi niềm vui thầm lặng nhưng sâu thẳm của Mẹ khi đón nhận Người Con mà Thiên Chúa trao ban cho Mẹ (Năm Sự Vui), ở nơi sự kết hợp của tình Mẹ với Con trên con đường khổ nạn (Năm Sự Thương), và ở nơi niềm vui vỡ òa của Mẹ khi Mẹ gặp lại Con Mẹ phục sinh để từ nay sự sống đã chiến thắng sự chết, vận mệnh của con người đã sang trang (Năm Sự Mầng).
Cv 1: 12-14
Sau khi chứng kiến Đức Giê-su lên trời, các Tông Đồ theo lời căn dặn của Thầy trở về nhà ở Giê-ru-sa-lem: “Các ngài đã đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với các phụ nữ và Đức Ma-ri-a thân mẫu của Đức Giê-su”. Ngay từ những bước khởi đầu của Giáo Hội tiên khởi, Đức Ma-ri-a đã ở bên và che chở Giáo Hội với trọn tấm lòng hiền mẫu.
Gl 4: 4-7
Khi viết: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà”, thánh Phao-lô nhấn mạnh Con Thiên Chúa đã thực sự đảm nhận trọn vẹn thân phận con người. Lời nầy được đọc trong ánh sáng của Tin Mừng Truyền Tin hôm nay mặc khải rằng Con Thiên Chúa không sinh ra bởi bất kỳ một người đàn bà nào, nhưng là một người đàn bà được tuyển chọn, một Tình Mẫu Tử được viết hoa, kiệt tác của công trình sáng tạo người nữ.
Lc 1: 26-38
Tin Mừng là bài tường thuật biến cố Truyền Tin. Nơi Thiên Chúa chuẩn bị để Con của Ngài đến ở giữa dân Ngài là cung lòng thanh sạch và rạng ngời vinh hiển của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Đền Thờ đẹp nhất, được Thiên Chúa sủng ái nhất.
BÀI ĐỌC I (Cv 1: 12-14)
Đoạn trích sách Công Vụ Tông Đồ nầy được định vị trong bối cảnh các Tông Đồ, sau khi chứng kiến việc Đức Giê-su khuất dạng trong đám mây trời, liền trở về Giê-ru-sa-lem. Các ông tề tựu một nơi và chuyên tâm cầu nguyện trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự đến như lời căn dặn của Thầy mình trước khi từ giả các ông: “Phần Thầy, Thầy sẽ gởi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24: 49).
1.Trở về nhà, các ông lên lầu trên.
Căn phòng được định vị ở lầu trên. Lầu trên thường là căn phòng chính trong nhà Do thái, chắc hẳn đây là phòng Tiệc Ly, nơi các ông đã dùng bữa ăn cuối cùng với Đức Giê-su. Như vậy nơi mà Đức Giê-su cử hành thánh lễ đầu tiên với các ông trước khi Ngài bước vào con đường Tử Nạn, cũng là nơi các ông chờ đợi để đón nhận Chúa Thánh Thần, Đấng đưa các ông vào trong sự thật công trình cứu độ của Thầy mình.
2.Tất cả mười một Tông Đồ đều hiện diện ở đó:
Việc kể tên mười một Tông Đồ dâng hiến một nét đặc thù đáng chú ý. Trong các sách Tin Mừng, thánh Phê-rô và thánh An-rê được nêu tên trước tiên. Ở đây lại là thánh Phê-rô và thánh Gioan. Sách Công Vụ giới thiệu hai vị Tông Đồ nầy như hai trụ cột của Giáo Hội tiên khởi, thường xuyên hoạt động cùng nhau.
3. Chuyên tâm cầu nguyện:
“Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, siêng năng cầu nguyện”. Thánh Lu-ca thường nhấn mạnh các tín hữu tiên khởi đồng tâm nhất trí và siêng năng cầu nguyện. Các Tông Đồ làm Tuần Cửu Nhật giữa biến cố Thăng Thiên và biến cố Hiện Xuống.
4.Mấy người phụ nữ cùng với  Đức Ma-ri-a, Thân Mẫu của Đức Giê-su:
Trong số những người phụ nữ tề tựu với các Tông Đồ, chỉ một mình Đức Mẹ được nêu tên, trong mối liên hệ với Đức Giê-su: “Đức Ma-ri-a, Thân Mẫu của Đức Giê-su”. Đây là lần cuối cùng trong Tân Ước kể ra Đức Trinh Nữ. Sau biến cố nầy, Mẹ sẽ không còn xuất hiện nữa, người ta không còn nói gì về Mẹ. Sự hiện diện của Mẹ ở đây, giữa các Tông Đồ, là một dấu chỉ mang một tầm mức vĩ đại. Mẹ đã ban cho nhân loại thân thể hữu hình của Đức Ki-tô dưới quyền năng của Chúa Thánh Thần vào lúc Truyền Tin; Mẹ cũng có mặt ở đây vào lúc sinh hạ thân thể mầu nhiệm của Đức Giê-su, tức Giáo Hội, cũng dưới tác động của Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Hiện Xuống.
Chúng ta có thể phỏng đoán rằng những người phụ nữ ở bên cạnh Đức Ma-ri-a cũng chính là những người phụ nữ đã ở bên cạnh Đức Mẹ gần bên Thập Giá. Sự hiện diện của những người phụ nữ nầy gợi nhớ hoạt cảnh trên thập giá ở đó Đức Giê-su đã trao gởi Giáo Hội của Ngài cho Mẹ Ngài làm Mẹ của Giáo Hội Ngài khi nói với Mẹ Ngài: “Thưa Bà, đây là con của Bà” và khi nói với người môn đệ Chúa yêu: “Đây là mẹ của con” (Ga 19: 26-27).
5.Anh em của Đức Giê-su.
Cùng có mặt với các Tông Đồ là “anh em” của Đức Giê-su, nghĩa là những anh em họ của Ngài. Ngôn ngữ Do thái cũng như ngôn ngữ Hy-lạp đều không có đặc ngữ để chỉ mức độ bà con thân thuộc nầy. Cựu Ước sử dụng cùng một từ “anh em” để chỉ mối liên hệ bà con họ hàng rộng lớn hơn: chú cháu (St 13: 8; 14: 14; 14: 16) hay bà con gần (G 19: 13-17) hoặc thậm chí bà con họ hàng xa (x. Lv 10: 1). Trong Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô kể ra bốn người anh em họ của Đức Giê-su: ông Gia-cô-bê, ông Giô-xết, ông Giu-đa và ông Si-môn (Mc 6: 3).
Sự hiện diện của những bà con thân thuộc của Đức Giê-su ở phòng Tiệc Ly vào lúc nầy chứng thực thái độ của họ đã thay đổi đối với Đức Giê-su. Trước đây, thánh Gioan nói “Anh em Người không tin vào Người” (Ga 7: 5); thậm chí họ không hiểu chút gì về sứ mạng của Ngài và cố tìm cách ngăn cản Ngài thi hành sứ mạng của mình nữa (x. Mt 12: 46; Mc 3: 31-35; Lc 8: 19-21).
Họ thay đổi thái độ lúc nào? Các bản văn Tân Ước không cho chúng ta bất kỳ một thông tin nào. Chắc chắn họ sắp lãnh nhận Chúa Thánh Thần như các Tông Đồ và họ sẽ cho thấy niềm tin tích cực của họ. Thánh Gia-cô-bê hậu sẽ là vị lãnh tụ của Giáo Hội Giê-ru-sa-lem và được phúc tử đạo vào năm 62. Người kế vị thánh nhân, một ông Si-môn hay Si-mê-on nào đó, bị đóng đinh vào thời Trajan, cũng là bà con họ hàng của Chúa. Như vậy, những người bà con nghi kỵ xưa kia đều đã là những chứng nhân bằng máu.
BÀI ĐỌC II (Gl 4: 4-7)
Các Ki-tô hữu Ga-lát bị những người Ki-tô hữu gốc Do thái làm lung lạc. Những người Ki-tô hữu gốc Do thái nầy muốn đưa vào trong Ki-tô giáo những nghi thức Do thái được cho là luôn luôn có giá trị, như phép cắt bì. Vì thế, thánh Phao-lô chứng minh cho thấy Luật Cũ là sự nô lệ, Luật mới là sự tự do. Thánh nhân sánh ví Luật Mô-sê với thời kỳ người thừa kế “phải ở dưới quyền những người giám hộ và quản lý, cho đến khi mãn hạn người cha đã định” (Gl 4: 2). Tuy nhiên, vai trò của Luật là tạm thời. Với Đức Giê-su, kế hoạch của Thiên Chúa đã đến hồi viên mãn, chúng ta không còn phải sống dưới chế độ của Lề Luật nữa, nhưng trong sự tự do của những người làm con cái Thiên Chúa, mà đã là con thì cũng đã là người thừa kế.
1.Con Thiên Chúa làm con của loài người (4: 4-5)
“Khi thời gian đến hồi viên mãn” : thánh Phao-lô so sánh sự bảo hộ của lề luật (Gl 4: 2) với thời điểm khi Thiên Chúa can thiệp vào trong lịch sử để thực hiện công trình cứu độ qua Con của Ngài là Đức Giê-su. Sự tự do của con người đã đạt được nhờ Đức Ki-tô. “Thiên Chúa đã sai Con mình tới”: động từ “sai” phát triển trong Giáo Hội tiên khởi một nét nghĩa tôn giáo đặc thù: sai ai vào việc phục vụ Nước Trời là ban cho người đó đầy đủ uy quyền ở nơi Thiên Chúa. Ở đây cuộc sống tiền hữu của Chúa Con không được nói đến một cách minh nhiên, nhưng mặc nhiên. “Sinh làm con một người đàn bà”: động từ “sinh” được dùng ở thể quá khứ để chỉ một “tình trạng hay một hành động đã xảy ra trong quá khứ và hoàn tất trong quá khứ”, nhằm nhấn mạnh rằng Đức Giê-su đã đảm nhận trọn vẹn thân phận làm người cho sứ mạng của Ngài. Cách nói nầy bắt nguồn từ Cựu Ước (G 14: 1; 15: 14; 25: 4). Được sinh ra như vậy, Đức Giê-su chịu phục tòng lề luật “để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”.
2.Để con người trở thành con Thiên Chúa (4: 6-7).
“Để chứng thực anh em là con cái”. Giới từ “hoti” bắt đầu với câu này có thể hiểu theo hai cách: “vì” (kết quả) hay “nên” (nguyên nhân). Nếu chúng ta hiểu “vì anh em là con cái”, điều này sẽ là nền tảng cho việc Thiên Chúa sai Thánh Thần đến với người Ki-tô hữu một cách nhưng không. Tuy nhiên, Rm 8: 14-17 xem ra gợi ý rằng ân ban Thánh Thần cấu thành chức năng làm con cái Thiên Chúa của người Ki-tô hữu; vì thế nhiều nhà chú giải thích hiểu giới từ nầy theo nghĩa “nên anh em là con cái” (“để chứng thực…”) hơn.
“Thánh Thần của Con”: Thánh Thần cũng là đối tượng sứ mạng từ Chúa Cha; ở nơi khác, Thánh Thần chính là ân ban của Chúa Con Phục Sinh. Thánh Thần của Chúa Con Phục Sinh là một nguyên lý năng động của chức năng làm con Thiên Chúa. Nhờ Ngài, người Ki-tô hữu mới có thể gọi Thiên Chúa “Áp-ba, Cha ơi!” với trọn niềm xác tín. Không có Thánh Thần người Ki-tô hữu sẽ không thể thốt lên tiếng kêu đầy trìu mến thân thương nầy. Vì thế, thánh Phao-lô kết luận: “Anh em không còn là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa”.
TIN MỪNG (Lc 1: 26-38).
Sự kiện Ngôi Lời nhập thể tạo nên mối liên hệ sâu thẳm nhất giữa Thiên Chúa và con người. Đây là một biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: Thiên Chúa trở thành phàm nhân và sẽ mãi mãi như vậy, đó là lòng tốt, nhân từ và yêu thương của Người trải rộng cho đến tất cả chúng ta. Tuy nhiên vào ngày Ngôi Hai Thiên Chúa đảm nhận nhân tính mỏng dòn trong cung lòng thanh sạch của Đức Nữ Trinh, tất cả đã xảy ra một cách nhanh chóng, không bất kỳ nghi lễ nào. Thánh Lu-ca kể câu chuyện Truyền Tin cho Đức Ma-ri-a hết sức giản dị. Chúng ta nên trân trọng gìn giữ những lời Thiên Chúa này và thường hằng sử dụng chúng, chẳng hạn như đọc kinh Truyền Tin mỗi ngày và suy niệm Năm Sự Vui.
1-Khungt cảnh truyền tin (1: 26-27).
26. “Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng”: Câu này đóng chức năng chuyển tiếp nhằm nối kết hai bài trình thuật truyền tin vào với nhau. Hoạt cảnh “truyền tin cho Đức Ma-ri-a” nầy (1: 26-38) hình thành nên một bức tranh bộ đôi với hoạt cảnh “truyền tin cho ông Da-ca-ri-a” trước đó (1: 5-25). Nhờ kỷ thuật song đối nầy, thánh Lu-ca nêu bật hai thời kỳ: Cựu Ước và Tân Ước, hai nhân vật tinh hoa của hai thời kỳ: ông Da-ca-ri-a, vị tư tế ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, và Đức Ma-ri-a, cô thôn nữ ở miền quê hẻo lánh làng Na-da-rét, và đặc biệt hai hài nhi của họ: Gioan Tẩy giả và Đức Giê-su.
-“Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét”: Câu chuyện không diễn ra trong khung cảnh phụng vụ của Đền Thờ, nhưng tại một tư giatrong khung cảnh đời thường của một làng quê Na-da-rét thuộc miền Ga-li-lê, miền đất theo truyền thống được gọi là miền đất của dân ngoại.
27. “Gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se”: Sự kiện mặc khải được trao ban cho người mẹ tương lai chứ không cho người cha như câu chuyện truyền tin trước cốt là giúp độc giả dể dàng nhận ra mối quan hệ hỗ tương và sự khác biệt tận căn về nguồn gốc, địa vị, sứ vụ giữa hai con trẻ được truyền tin này trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
“Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a”: Đây mới thật sự là ý nghĩa cốt yếu mà bản văn muốn truyền đạt: đức đồng trinh của Đức Ma-ri-a. Nhờ ơn Chúa, bà Ê-li-sa-bét vừa thụ thai một con trai do bởi chồng bà; còn Ma-ri-a chỉ mới “đính hôn”, cô chưa thể chung sống với vị hôn phu tương lai của mình là ông Giu-se, vì thế Đức Trinh Nữ sắp thụ thai mà không có bất kỳ sự kết hợp phái tính. Việc sinh hạ của Gioan đã là một kỳ tích, còn việc sinh hạ của Chúa Giê-su lại còn kỳ diệu hơn nhiều.
2.Cuộc đối thoại giữa sứ thần và Đức Trinh Nữ (1: 28-37)
A-Lời Chào của sứ thần (1: 28)
28. “Sứ thần vào nhà trinh nữ”Với hoạt cảnh truyền tin cho Đức Ma-ri-a, chúng ta rời bỏ đền thờ Giê-ru-sa-lem, thành đô của Do thái giáo, thuộc miền Giu-đê được xem là thuần chủng và thấy mình ở trong một ngôi nhà dân giả, thuộc làng quê Na-da-rét nhỏ bé, khiêm hạ, của miền Ga-li-lê, được gọi “miền đất của dân ngoại”. Thay vì một đôi vợ chồng tư tế đã cao tuổi, biểu tượng của những truyền thống Ít-ra-en cổ kính và trung tín, bây giờ chúng ta gặp cô Ma-ri-a, đã đính hôn với chàng Giu-se, hướng đến cuộc sống hôn nhân của mình.
Hoạt cảnh truyền tin trước đó đã xảy ra trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài. Chính ở nơi cực thánh nầy mà sứ thần đã truyền tin cho tư tế Da-ca-ri-a, nhưng cốt để hướng đến một nơi khác còn thánh thiêng hơn, nơi Thiên Chúa chọn để ở giữa dân Ngài, đó là cung lòng của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.
Vì thế, ngay từ khởi đầu Tin Mừng của mình, thánh Lu-ca cho chúng ta thấy có một sự hoán chuyển vai trò: Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài sẽ được thay thế bởi cung lòng của Đức Trinh Nữ, nơi Thiên Chúa chọn cho Con của Ngài đến ở giữa dân Ngài.
“Mừng vui lên”: Đây cách thức chào hỏi thông thường của người Hy lạp, tuy nhiên “mừng vui lên” cũng là lời mời gọi của các ngôn sứ, đặc biệt trong viễn cảnh thời Mê-si-a: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với Ngươi” (Dcr 9: 9); hay: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on…Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi” (Xp3: 14-15). Như vậy lời mời gọi “hãy vui lên” được ngỏ lời với Đức Ma-ri-a là nhằm hướng lòng Mẹ về thời đại Mê-si-a và chuẩn bị Mẹ đón nhận sứ điệp gây sửng sốt sau đó.
“Hỡi bà đầy ân sủng”: Đức Ma-ri-a được gọi là người đầy ân sủng hay được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt không chỉ vì Mẹ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Đức Giê-su, Con của Ngài. Suy tư thần học còn thấy ở đây lòng sủng ái đặc biệt mà Thiên Chúa dành riêng cho Mẹ, “ơn vô nhiễm nguyên tội” (“được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, kể cả tội tông truyền”). Các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Hội Thánh đã dạy rằng“Lời chào long trọng đặc biệt và chưa từng nghe này minh chứng rằng mọi thiên ân được đặt trên Mẹ Thiên Chúa và Mẹ được ban cho tất cả ân ban của Chúa Thánh Thần, điều này muốn nói rằng Mẹ không bao giờ chịu quy phục vào lời nguyền, nghĩa là, được gìn giữ khỏi mọi tội lỗi. Những lời này của thiên sứ trong bản văn này hình thành nên một trong những nguồn mặc khải tín điều về Đức Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội”(x. Pius IX,ineffabilis Deus; Paul VI, Creed of the people of God).
“Thiên Chúa ở cùng bà”: Lời nói nầy thường thường được gặp thấy trong Cựu Ước. Nó được ngỏ lời với những nhân vật run sợ và e ngại trước sứ mạng khó khăn mà Thiên Chúa giao phó cho họ để trấn an họ , như Thiên Chúa đã phán với ông Mô-sê như thế trong hoạt cảnh “bụi cây bốc cháy” (Xh 3: 12). Tổng quát hơn, xuyên suốt lịch sử, Đức Chúa lập lại lời nầy cho dân Ngài chọn. Lời nầy cũng chính là định nghĩa Giao Ước. Vào giây phút nầy, Đức Ma-ri-a cô động mười tám thế kỷ của việc Thiên Chúa tuyển chọn ở nơi mình. Mẹ đưa vận mệnh của dân Chúa chọn vào vận mệnh của riêng Mẹ. Mẹ là “Thiếu Nữ Xi-on” tuyệt vời. Thiên Chúa ở với Mẹ.
Trong lời chào này, lời này không đơn giản là một lời cầu chúc: “Nguyện xin Đức Chúa ở cùng bà”, nhưng một lời khẳng định: “Đức Chúa ở cùng bà”, được liên kết chặc chẽ với biến cố Nhập Thể. Thánh Âu-gút-ti-nô đã giải thích ý nghĩa của lời chào độc đáo này khi đặt những lời này trên môi miệng của sứ thần: “Thiên Chúa ở với bà hơn Ngài ở với tôi; Ngài ở trong trái tim bà, Ngài mặc lấy hình hài ở trong bà, Ngài làm đầy tâm hồn bà, Ngài ở trong cung lòng bà” (Sermo de Nativitate Domini, 4).
B-Nguồn gốc phàm nhân của Đức Giê-su (1: 29-33)
a-Câu hỏi của Đức Ma-ri-a (1: 29)
29. “Nghe lời ấy, bà rất bối rối”: Đức Ma-ri-a bối rối vì sự hiện diện bất ngờ của sứ thần, một người thuộc thiên giới, và vì kinh nghiệm của những người thật sự khiêm hạ khi đón nhận lời khen ngợi về bản thân mình.
“Và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”: Lời chào của sứ thần thì khác thường so với lời chào thông thường mà người Do thái thường ngày chào nhau: “Bình an”(“Salom”). Vì thế, Mẹ muốn hỏi cho biết lời chào ấy có ý nghĩa gì. Đó là dịp, là cơ hội sứ thần giúp cho cô biết nguồn gốc phàm nhân của Đấng Mê-si-a mà Mẹ được diễm phúc làm mẹ của Đấng ấy.
b-Câu trả lời của sứ thần (1: 30-33)
30. “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”: Sứ thần trấn an Đức Ma-ri-a để giúp cô vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu mà một phàm nhân thường kinh qua khi Thiên Chúa ban cho người ấy một ơn gọi đặc biệt. Sự kiện Đức Ma-ri-a cảm thấy nỗi sợ hãi này không hàm chứa một chút dấu vết bất toàn nào ở nơi Mẹ: nỗi sợ hãi của Mẹ là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên khi con người đối diện với thực tại thần linh. Sự bất toàn sẽ được nêu lên giả như người ta không vượt qua nỗi sợ hãi này hay bỏ ngoài tai lời khuyên của người trong vị thế giúp đỡ, ở đây đó là vai trò của sứ thần đối với Đức Ma-ri-a.
31-33. Sứ thần Gáp-ri-en nói cho Đức Trinh Nữ biết rằng Mẹ sẽ là Mẹ của Đấng Mê-si-a cao cả vì Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Lời loan báo của sứ thần gợi nhớ những sấm ngôn thời xưa báo trước những đặc ân dành cho Đấng Mê-si-a, hậu duệ của vua Đa-vít. Đức Ma-ri-a, rất thông thạo Kinh Thánh, rõ ràng nhận ra rằng Mẹ được tiền định làm Mẹ của Đấng Mê-si-a, Đấng mà dân tộc Mẹ đang mong đợi.
Trong lời giải đáp này, thánh Lu-ca diễn tả nguồn gốc, địa vị, sứ vụ tương lai của Chúa Giê-su bằng cách sử dụng những gì mà Cựu Ước tiên báo về Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Cuộc sinh hạ này ứng nghiệm hai sấm ngôn quan trọng đối với cộng đoàn của thánh Lu-ca cũng như cộng đồng của thánh Mát-thêu. Sấm ngôn thứ nhất là của Is 7: 14 trong đó chính người mẹ sẽ đặt tên cho con, ở đây chính Đức Ma-ri-a sẽ đặt tên cho con là Giê-su. Ở đây thánh Lu-ca không giải thích ý nghĩa của tên này cho độc giả biết, nhưng sẽ gán cho tên ấy tước hiệu “Đấng Cứu Thế” ở 2: 11. Sấm ngôn thứ hai là của ngôn sứ Na-than trong đó Thiên Chúa đã tuyên bố với vua Đa-vít: “Người sẽ là con của Ta…Ngai vàng của Người sẽ bên vững mãi mãi” (2Sm 7: 14-16).
C-Nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su (1: 34-37)
a-Câu hỏi của Đức Ma-ri-a (1: 34)
34. “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến chuyện vợ chồng”Lời thắc mắc nầy cho thấy rằng Mẹ ý thức rằng Lời Thiên Chúa mà sứ thần truyền đạt cho Mẹ được ứng nghiệm ngay từ bây giờ. Vì thế, Mẹ tin vào Lời Chúa nhưng Mẹ muốn niềm tin của mình được soi sáng. “Biết” là động từ Kinh Thánh được dùng để chỉ chuyện vợ chồng như “ông A-đam biết bà E-và. Bà đã thụ thai và sinh hạ…” (St 4: 1). Đức Ma-ri-a chưa chung sống với vị hôn phu của mình. Vấn nạn Đức Ma-ri-a nêu lên trùng khớp với bản văn của thánh Mát-thêu: “Trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai…” (Mt 1: 18).
Việc Đức Ma-ri-a thụ thai mà vẫn đồng trinh cũng được lưu ý về một sự khác biệt lớn lao trong sơ đồ truyền tin. Người thiếu nữ nêu vấn nạn trước sứ điệp từ trời cao, khi đặt một câu hỏi tương tự như câu hỏi của vị tư tế. Thế mà lần này, sứ thần lại không hề xem đó là một dấu hiệu thiếu niềm tin nhưng như câu hỏi để xin được soi sáng thêm. Chính vì Đức Ma-ri-a đang đứng trước một tình huống hoàn toàn mới mẻ tận căn trong Kinh Thánh, trong đó không thấy bất cứ trường hợp nào nói đến chuyện thụ thai mà không có kết hợp phái tính; điều này  hoàn toàn khác với trường hợp vị hôn phu của bà Ê-li-sa-bét, ông biết rõ lịch sử của tổ phụ Áp-ra-ham giống như trường hợp của ông, thế mà ông không tin, như lời xác nhận của sứ thần (1: 20). Để trả lời cho vấn nạn Đức Ma-ri-a nêu ra, sứ thần giải thích cặn kẻ trong ba câu (1: 35-37) ngỏ hầu Đức Ma-ri-a hiểu rõ nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su mà Mẹ được diễm phúc làm mẹ Đấng ấy.
b-Câu trả lời của sứ thần (1: 35-37)
35. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (1: 35). Trước hết, sứ thần soi sáng cho Mẹ hiểu việc thụ thai và sinh con mà vẫn đồng trinh như thế nào. Câu trả lời của sứ thần gồm ba vế, mỗi vế sứ thần sẽ mặc khải dần dần nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su.
- Vế thứ nhất: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” gợi nhớ bài trình thuật của sách Sáng Thế, theo đó Thánh Thần bay lượn trên mặt nước đem lại sự sống cho muôn loài muôn vật (St 1: 2), bấy giờ Ngài ngự xuống trên Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và thổi hơi sự sống vào trong cung lòng trinh khiết của Mẹ. Sự sống nầy là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa đối với Đức Ma-ri-a. Chính từ mối hiệp thông thánh thiện nầy mà Đức Giê-su được thụ thai và tạo nên hình hài trong cung lòng trinh khiết của Mẹ. Vì thế, việc Đức Ma-ri-a thụ thai và sinh con là do quyền năng Chúa Thánh Thần chứ không do sự can dự của bất kỳ phàm nhân.
- Vế thứ hai “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” gợi nhớ hình ảnh“đám mây rợp bóng” trên Lều Hội Ngộ (Xh 40: 35) hay Hòm Bia Giao Ước (Ds 9: 18; 10: 34). Hình ảnh đám mây là dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện hữu hiệu của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài, cũng là một trong những dấu chỉ khả giác của Chúa Thánh Thần. Qua kiểu nói này, sứ thần sánh ví Đức Ma-ri-a với Lều Hội Ngộ hay Hòm Bia Giao Ước, nơi Thiên Chúa sẽ ngự đến và hiện diện giữa dân Ngài nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, quyền năng Đấng Tối Cao. Nơi Thiên Chúa chọn để Con của Ngài đến với nhân loại là cung lòng của Đức Ma-ri-a, thanh sạch và rạng ngời vinh hiển của Chúa Thánh Thần, Đấng phủ bóng trên Mẹ. Vì thế, cung lòng của Đức Nữ Trinh là Lều Hội Ngộ, là Đền Thờ đẹp nhất, là nơi cực thánh của Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta.
- Về thứ ba “Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” là câu kết luận được rút ra từ hai vế trên. Sứ thần khẳng định rằng người con mà Đức Trinh Nữ sinh ra không là Nghĩa Tử của Thiên Chúa, nghĩa là một hậu duệ của vua Đa-vít được Thiên Chúa chọn và ban cho vương quyền của vua Đa-vít, nhưng là “Đấng Thánh” như Chúa Thánh Thần. Đây là một trong những tước hiệu rất cổ kính mà Giáo Hội tiên khởi dùng để tuyên xưng Thần Tính của Đức Giê-su (Cv 3: 14; 4: 27, 30). Vì thế, Đấng Thánh được sinh ra làm người hoàn toàn do tác động của Chúa Thánh Thần, quyền năng Đấng Tối Cao. Người đích thực là Con Thiên Chúa nhập thể.
Qua hai lời giải đáp trên, sứ thần cung cấp một khoa Ki-tô học. Lời giải đáp thứ nhất cho Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Còn lời giải đáp thứ hai thì cho thấy rằng Chúa Thánh Thần tác động trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a làm cho Đức Giê-su trở thành một Đấng hoàn toàn mới lạ do mối quan hệ Phụ Tử độc nhất vô nhị giữa Người với Thiên Chúa là Cha của Người.
Khoa Ki-tô học này cũng bày tỏ ân ban độc nhất vô nhị được dành cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ. Đức Pi-ô IX đã giải thích đặc ân làm mẹ của Đức Trinh Nữ trong ánh sáng ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa:“Từ muôn thuở Thiên Chúa đã chọn một người mẹ thích hợp cho Người Con Một của Ngài, từ người mẹ này Người Con này, sau khi đã trở thành người, phải sinh ra khi thời gian đến hồi viên mãn: và Người Con này tiếp tục ngắm nhìn Mẹ hơn mọi thọ tạo khác, đến độ Người đã chỉ ngắm nhìn một mình Mẹ” (Pius IX, ineffabilis Deus, 2). Còn Đức Pi-ô V thì nhấn mạnh công trình của Chúa Thánh Thần, “Đấng vào lúc thụ thai và sinh Con đã nâng đỡ Đức Mẹ Đồng Trinh để đem lại sự thành công cho Mẹ trong khi vẫn không đụng chạm đến đức trinh khiết thường hằng của Mẹ” (St Pius V Catechism, I, 4, 8). Đức Phao-lô VI nhắc lại cho chúng ta chân lý đức tin này: “Chúng tôi tin rằng Đức Ma-ri-a, mãi mãi vui hưởng đức trinh khiết, đã là Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, Chúa và Đấng Cứu Độ chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô” (Creed of the people of God, 14).
36. “Kìa bà Ê-li-sa-bét người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai”: Dù Đức Ma-ri-a không xin một dấu chỉ như ông Da-ca-ri-a (1: 18), nhưng để bảo đảm tính xác thực sứ điệp của mình, sứ thần cho Đức Ma-ri-a một dấu chỉ, ngược hẳn với dấu chỉ mà ông Da-ca-ri-a nhận được, dấu chỉ ấy không là một hình phạt nhưng là một ân ban: người bà con của cô vốn là son sẻ và cao niên nay đã có thai. Việc bà Ê-li-sa-bét thụ thai Gioan Tẩy Giả tương tự như những gì Kinh Thánh nói về bà Xa-ra thụ thai I-xa-ác (St 18: 14).
“Nay đã có thai được sáu tháng”: Thông tin này đóng chức năng kết nối hai hoạt cảnh truyền tin về Gioan và về Đức Giê-su. Thông tin này là một mặc khải từ trời cho Đức Ma-ri-a bởi vì bà Ê-li-sa-bét vẫn còn ẩn mình, không ai hay biết (1: 24).
37. “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”: Lời khẳng định này, lập lại lời khẳng định cho tổ phụ Áp-ra-ham trong hoạt cảnh truyền tin Cựu Ước (St 18: 14), thật có ý nghĩa biết bao đối với Đức Ma-ri-a và đối với chúng ta hiện nay trong hoạt cảnh truyền tin Tân Ước. “Rất nhiều điều con người tưởng không thể làm được thế mà Thiên Chúa vẫn làm được: Người đã làm cho bà Ê-li-sa-bét son sẻ được có con, đã làm cho Đức Ma-ri-a đồng trinh sinh ra Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa cũng có thể làm nơi mỗi người chúng ta những việc trọng đại, miễn là chúng ta sẵn sàng để Ngài hoạt động trong chúng ta” (“Hạt Giống Nẩy Mầm”).
c-Lời đáp trả xin vâng của Đức Ma-ri-a (1: 38)
38.“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”: Dù rằng không có gì Thiên Chúa không làm được, nhưng Thiên Chúa không làm một mình, nhưng muốn con người cùng cộng tác với Ngài. Để cho Con Thiên Chúa nhập thể, Thiên Chúa đã nhờ đến sự cộng tác của Đức Ma-ri-a. Một khi biết được chương trình của Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a hoàn toàn vâng phục ý muốn Thiên Chúa. Mẹ nhận ra sự bất tương xứng giữa điều Mẹ sẽ trở thành“Mẹ Thiên Chúa” và điều cô là một thôn nữ làng quê Na-da-rét vô danh tiểu tốt. Tuy nhiên, đây là điều Chúa muốn xảy ra. Vì thế, với tấm lòng khiêm hạ, Đức Ma-ri-a đáp trả một cách trọn hảo tiếng gọi của Thiên Chúa qua tiếng xin vâng tròn đầy niềm tin của Mẹ. Khi tự nhận mình là “nữ tỳ của Chúa”, Đức Ma-ri-a cụ thể phục vụ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa qua việc cưu mang, sinh hạ, dưỡng dục và sau hết là ban tặng cho nhân loại một Đấng Cứu Độ vừa là Con của Thiên Chúa vừa là con của Đức Ma-ri-a: “Cuộc sống của Đức Ma-ri-a đã vĩnh viễn được ghi dấu, bởi vì cô chấp nhận vĩnh viễn trở thành nữ tỳ của Chúa. Nơi cô, Lời đã đi vào, Lời Hằng Sống ấy và cuộc phiêu lưu của Lời ấy giữa loài người trước tiên dựa vào niềm tin của chính cô. Kẻ nào chấp nhận đón tiếp Lời, thì nơi kẻ ấy Lời Thiên Chúa bám rễ, thành hình, biến đổi cuộc đời của kẻ tin vào Đức Giê-su, chứ không chỉ là lắng nghe những lời Người nói với chúng ta. Tin vào Đức Giê-su chính là đón tiếp chính Người, là Lời Hằng Sống đang đến trong chúng ta để phân cực, để tái định hướng toàn thể cuộc sống chúng ta” (Lucien Daloz, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người, 16).
“Xin Chúa cứ làm cho tôi, như lời sứ thần nói”Không có gì có thể ngăn cản kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa; tuy nhiên, tình yêu tự nó không thể nào bị ép buộc được. Thiên Chúa trao ban cho Mẹ trọn vẹn tình yêu của Ngài được gói trọn ở nơi Con Một của Ngài. Tất cả những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi Mẹ, chính là tin vào tình yêu của Ngài. Mẹ mở rộng tấm lòng mình để đón nhận tình yêu nầy với lời“Xin Vâng” tròn đầy:“Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”. Chính vì thế, qua Mẹ Thiên Chúa có thể thực hiện dự định yêu thương của Ngài cho nhân loại.
Lời xin vâng của Đức Ma-ri-a là kết quả của một cuộc đối thoại chân thành trong đó Mẹ đã thẳng thắn nêu lên không một chút sợ hãi những gì Mẹ không hiểu, cho đến khi chạm đến quyền năng Thiên Chúa vượt quá khả năng hiểu biết của Mẹ, chỉ khi đó Mẹ mới đáp trả bằng tiếng xin vâng tròn đầy niềm tin tưởng và phó thác của mình. “Ở nơi Đức Ma-ri-a chúng ta không gặp thấy bất kỳ dấu vết của các trinh nữ khờ dại, họ vâng lời mà không suy nghĩ. Đức Ma-ri-a chăm chú lắng nghe những gì Thiên Chúa muốn, trăn trở với những gì Mẹ không hiểu và hỏi cho ra lẽ những gì Mẹ không biết. Sau đó Mẹ phó thác hoàn toàn vào ý muốn của Thiên Chúa: ‘Vâng, tôi đây là tôi tớ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’. Đó không là kỳ diệu sao? Lạy Đức Trinh Nữ, thầy dạy của chúng con trong tất cả những gì chúng con làm, xin hãy chỉ cho chúng con ở đây rằng vâng phục Thiên Chúa không là quỵ lụy, không tránh né tiếng nói lương tâm của mình. Chúng con phải đi vào trong lòng mình để khám phá 'sự tự do của con cái Chúa’ (x. Rm 8: 21)” (Bl. J. Escriva, Christ is passing by, 173).
Công Đồng Vatican II đã giải thích ý nghĩa lời đáp trả xin vâng của Đức Ma-ri-a như sau: “Thiên Chúa đã không thu dụng Đức Ma-ri-a một cách thụ động, nhưng đã để Mẹ tự do cộng tác vào công trình cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Mẹ” (LG, 56). Đức Gioan Phao-lô II ca ngợi sự tự do của Đức Ma-ri-a nhờ sự vâng phục của lòng tin: “Giáo Hội cũng không thể quên Đức Ma-ri-a 'kẻ đã tin' (Lc 1: 45). Mẹ Ma-ri-a đã đi vào lịch sử cứu độ thế giới nhờ vâng phục của lòng tin. Mà trong bản chất sâu xa nhất, tin chính là khai mở trái tim nhân loại trước ân ban, ân ban Thiên Chúa tự hiến trong Chúa Thánh Thần. Đâu có Thánh Thần, đó có tự do. Khi Thiên Chúa tự khai mở cho con người trong Chúa Thánh Thần, sự tự khai mở đó vừa mặc khải cho con người về Chúa, vừa ban cho con người sự tự do tròn đầy. Mẹ Ma-ri-a là người tự do trọn vẹn nhờ sự 'vâng phục của lòng tin’” (“Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và thế giới”).

http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=10566

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét