Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

SÁCH DIỄM CA VÀ THÁNH TÊRÊSA

SÁCH DIỄM CA VÀ THÁNH TÊRÊSA

 Tác giả: Roland Murphy
Chuyển ngữ: FX. Pio Nguyễn Văn Khoa, O.Carm.
  
Roland Murphy là vị giáo sư chứ danh về chú giải Kinh Thánh và là một trong ba nhà biên soạn sách Chú Giải Kinh Thánh Mới của Thánh Giêrônimô.
Tôi muốn trình bày hai cách đọc sách Diễm Ca: cách thứ nhất dựa theo phương pháp phê bình lịch sử, cách này được luyện tập trong việc học Kinh Thánh ngày nay, cách còn lại dựa theo truyền thống (hay truyền thống thần bí) mà thánh Têrêsa chia sẻ. Tôi dùng cả hai cách tiếp cận này với nhau và nhận thấy rằng cách này bổ xung và phát triển cách kia. Trước tiên, việc thảo luận về nghĩa của từ “Diễm Ca” cả nghĩa gốc lẫn nghĩa lịch sử sẽ hữu ích để hiểu một cách rõ hơn phương pháp mà thánh Têrêsa đã dùng.

Ngay lập tức một số câu hỏi nền tảng được đặt ra: đây là loại thơ nào, và có bao nhiêu bài thơ? Chúng có liên quan gì đến vua Salomon? Có bao nhiêu nhân vật trong bài thơ, và các dòng thơ trong bài thơ được phân bổ như thế nào?

Nếu chỉ trong một bài viết, chúng ta không thể làm rõ mọi quan điểm được gợi lên, và cũng không thể bao quát hết tám chương của sách. Có người có thể xem những nhận xét sau đây như những thách đố đối với các giả thuyết riêng của họ trong việc đọc sách Diễm Ca: đó là các nhận xét này có hợp lý và thuyết phục hay không?[i]
                                                                                                   
PHÂN TÍCH VỀ SÁCH DIỄM CA

Chính vì tựa đề mà sách Diễm Ca được quy chiếu là do vua Salomon viết. Tuy vậy, chẳng nơi nào trong bản văn Salomon được diễn tả như một nhân vật đang đối thoại. Không nghi ngờ gì nữa, việc đề cập đến tên của ông trong các câu 1:3; 3:7-11 và 8:11-12 là nguyên nhân gây ra sự quy kết này. Thực ra, chúng ta không thể cung cấp niên biểu cụ thể cho tác phẩm này, mặc dù hầu hết các học giả đều nhìn nhận tác phẩm đó được viết sau thời lưu đày. Quan trọng hơn là câu hỏi về các nhân vật trong sách Diễm Ca. Bản văn bằng tiếng Do Thái đề cập rõ ràng rằng chàng thanh niên và cô thiếu nữ là hai nhân vật chính đối thoại với nhau và mở rộng xuyên suốt tám chương, và người đọc có thể chắc chắn về tính đồng nhất của nhân vật khi đọc hơn 90% các câu. Tôi giả sử là chỉ có một chàng thanh niên (vừa là người chăn cừu vừa là đức vua; người tình tiếp nhận các vai trò khác nhau này), vậy thì chẳng có câu hỏi nào về một vở kịch tính thực sự ở đây, trong đó hai nhân vật khác nhau đều đang theo đuổi cùng một thiếu nữ. Vai trò của các thiếu nữ Giêrusalem khá phụ thuộc; họ phục vụ như người đứng hậu thuẫn phía sau đối với những lời trình bày của họ.

Sự đồng nhất trong tác phẩm là sự hợp nhất trong đối thoại và tâm trạng. Trong đối thoại: chàng trai và cô gái nói chuyện với nhau. (Trong một số trường hợp, vấn đề người đối thoại có hiện diện về mặt thể lý hay không có lẽ vẫn chưa được đề cập rõ ràng, như trong các câu 1:2-4). Diễn tả tâm trạng: có những bài thơ diễn tả nỗi khao khát, mong ước (1:2-3; 7:8-9), diễn tả sự ca ngợi (2:2; 6:4-10), miêu tả sự hấp dẫn thể lý của người kia (4:1-7; 5:10-16), diễn tả niềm kiêu hãnh (8:10, 12), sự chòng ghẹo (5:3), tự mô tả (2:1), hồi tưởng (2:8-14) v.v… Chính cách truyền đạt linh động liên tục này khiến cho những đọc giả chú tâm nhận ra ngay điều đó. Có rất nhiều lối nói ám chỉ khiến chúng ta rất khó hiểu, nhưng chung quy lại, lối trình bày rõ ràng. Chúng ta cùng quay lại với một vài thí dụ.

Dường như chỉ có một kết nối không được chắc chắn như trong các câu 2:8-17, vì cuộc đối thoại không diễn ra cách suôn sẻ. Tuy vậy, các từ ẩn dụ được thêm vào có chủ ý (“linh dương hay chú nai đực” trong các câu 9 và 17) gợi ý rằng chúng ta đang xử lý một sự kết hợp mô tả cụ thể nhất sự hồi tưởng của người phụ nữ. Cô nàng miêu tả người tình đã tiếp cận và chạy đến với cô một cách nhanh chóng, và nàng ghi nhớ lời chàng mời nàng hẹn hò trong bài hát “Mùa xuân” nổi tiếng (lưu ý đoạn từ: “Dậy đi em … và hãy ra đây đi nào” trong các câu 10 và 13). Các câu 14 và 15 là lời chàng thỉnh cầu được gặp và nghe nàng nói, bởi vì nàng đang ở nơi không ai có thể tìm tới được – và lời hồi đáp bí ẩn của nàng. Các từ diễn tả những con cáo nhỏ thực sự là sự lối “chòng ghẹo” mang tính ẩn dụ. Cô nàng không có ý ám chỉ những con cáo thật và vườn nho thật – mặc dầu trong cuộc sống thực tế, các vườn nho thường bị thú hoang phá phách. Thực ra, nàng muốn gợi ý với chàng rằng nàng không phải là người không ai có thể tìm tới được như chàng đã nói trong câu 14. Những chàng trai trẻ đang bao vây các thiếu nữ (chính nàng cũng nằm trong số họ), hình ảnh vườn nho tượng trưng cho các thiếu nữ đó (xin xem Dc 1:6). Nàng đã chấm dứt sự hồi tưởng của nàng bằng kết luận rằng họ thuộc trọn về nhau (xin xem Dc 6:3; 7:11), và mời người yêu lang thang trên các rặng núi Bether (sự tham khảo này không ai biết nguồn gốc, nhưng nó tượng trưng cho chính nàng thiếu nữ).

Lối viết song song giữa việc tìm kiếm người yêu trong các chương 3 và 5 đã được chú ý từ lâu. Chúng không hoàn toàn song song, tuy nhiên, và đoạn quan trọng trong chương 5 câu 2 (tt) được tổng hợp thành sự hợp nhất rộng hơn (5:2 – 6:3) nhằm ám chỉ tới các thiếu nữ Giê-ru-sa-lem. Người phụ nữ bắt đầu miêu tả kinh nghiệm đêm khuya với người tình, chủ đề của nó vẫn là sự tìm kiếm chứ không phải là đã tìm thấy (5:2-8); đây là phần song song với đoạn 3:1-4, mà cũng kết thúc với lời tán tỉnh các thiếu nữ như trong 3:5. Trong trường hợp này, cô nàng vẫn chưa thể tìm được người yêu, và nàng truyền đi lời khẩn nài các thiếu nữ khác, nếu họ gặp được chàng hãy báo cho chàng biết: nàng đang mòn mỏi vì yêu (5:8). Các thiếu nữ hỏi nàng miêu tả về chàng, yêu cầu này đã cho nàng dịp để nàng tiến hành lối miêu tả đặc thù về sự hấp dẫn thể lý của người yêu (5:10-16). Sự thú vị nơi các cô thiếu nữ được bắt gặp ở điểm phóng đại rõ ràng: “một trong số hàng ngàn”, và họ đã hỏi giờ chàng đang ở đâu (một nhầm lẫn trong chốc lát của trí nhớ vì họ cho rằng chàng bị lạc lối), “để chúng tôi cùng với cô tìm kiếm” (6:1). Ngay tại điểm này, nàng đã đưa ra lời đáp đầy hoan hỉ chiến thắng: người yêu của nàng thực sự không hề lạc lối, nhưng luôn luôn ở với nàng (6:2-3), vì “người tôi yêu đã xuống vườn của chàng, xuống nơi trồng phương thảo, chàng để đàn vật ăn trong vườn, còn chàng đi hái huệ”. Nàng, dĩ nhiên, chính là khu vườn (xin xem 4:12 – 5:1), và hoa huệ được liên tưởng đến cô thiếu nữ (2:1; 4:5).

Một trong những dòng thơ kinh điển trong bài hát là câu 8:6,

Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh,
Như chiếc ấn trên cánh tay anh.
Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần,
Cơn đam mê dữ dội như âm phủ.
Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy,
Một ngọn lửa thần thiêng.

Nàng ao ước luôn được kết hiệp với người yêu, được hiện diện với người yêu như một dấu ấn điển hình, hay như thẻ căn cước mà người Israel cổ xưa thường mang (xin xem St 38:18). Sau đó, nàng so sánh tình yêu với sự chết, âm phủ. Vậy điều gì là tâm điểm để so sánh? Chúng ta phải tổng hợp ý nghĩa của sự chết và âm phủ. Sự chết và âm phủ thường đi song song với nhau trong Kinh Thánh Do Thái. Âm phủ - trong các từ thuộc Qoheleth (9:10) – là nơi tất cả chúng ta khi chết sẽ đi đến, nơi chẳng có công việc, lý trí, sự hiểu biết hay sự khôn ngoan, mà ông Gióp đã mô tả như là “nơi tăm tối, mìt mù, hỗn độn, nơi ánh sáng và bóng tối cũng như nhau” (G 10:22). Đây là tình trạng hoàn toàn tiêu cực, và khía cạnh tồi tệ nhất của nó là không có mối liên hệ sống động với Thiên Chúa (Tv 6:6; 30:10, v.v…). Nhưng Âm phủ, sự chết không đơn giản là một kết cục không thể tránh được; nó hàm chứa một sức mạnh. Âm phủ là động lực, được quan niệm là đeo đuổi con người trong khi họ vẫn đang sống. Trong phạm vi mà bất kỳ người nào cảm nghiệm không còn tồn tại sự sống trong hiện tại, đối với phạm vi đó, họ nằm trong “bàn tay” của Âm phủ (Tv 89:49), từ nơi đó, họ sẽ cần khẩn Đức Chúa giải thoát. Vì vậy, tác giả Thánh vịnh đã ca ngợi Thiên Chúa vì đã được Ngài kéo lên từ âm phủ (Tv 30:4). Diễm Ca cũng ngợi khen Tình Yêu vì sức mạnh của nó. Nó cũng đầy sức mạnh như âm phủ, người Israel nhìn nhận rằng trong cuộc sống này, ngoài Thiên Chúa ra, âm phủ có sức mạnh nhất. Nhà thơ tiếp tục miêu tả tình yêu của con người giống như ngọn lửa – một loại lửa đặc biệt: “ngọn lửa của Giavê”. Cụm từ này được diễn tả phổ biến như là “một ngọn lửa mãnh liệt nhất” (Phiên bản chuẩn đã được duyệt lại), trong đó, từ “Yah” hình thức viết tắt tên cực thánh của Giavê, được dùng như một sự tuyệt đối. Tuy nhiên, cuốn Kinh Thánh Giêrusalem mới thực sự trả lại nghĩa đen và trong trường hợp này mang nhiều ý nghĩa hơn: “một ngọn lửa của chính Giavê”. Vậy thì ý nghĩa của lời phát biểu đó là gì? Nó có kết hợp với tình yêu giới tính được miêu tả trong bài thơ với Đức Chúa; các ngọn lửa  tình yêu con người cách này hay cách khác cũng là ngọn lửa của Thiên Chúa. Mối tương quan này không được diễn tả xa hơn (như có sự tham dự vào tình yêu siêu nhiên hay không? Hay có phải Đức Chúa là tác giả của tình yêu? Không điều nào trong số những điều này được đề cập rõ ràng). Vẫn còn tồn tại mối liên hệ bí ẩn giữa tình yêu của con người với tình yêu của Thiên Chúa – một sự kết hợp đã được diễn tả trong thư thứ nhất của Gioan 4:16 là “Thiên Chúa là tình yêu”. Nếu cách hiểu chương 8 câu 6 trong sách Diễm Ca là đúng, thì chính sách đó sẽ đưa ra bằng chứng về mức độ hiểu biết sâu hơn về hiện tượng của tình yêu đó.

Các thí dụ này có lẽ đã đủ để đáp ứng việc minh họa loại thơ chúng ta đang tìm hiểu, và các bước chuyển động của suy nghĩ và tình cảm trong bài thơ. Bất cứ điều gì những người yêu nhau muốn nói với nhau, người ta đều thấy chúng được nói đến trong sách Diễm Ca. Đây là kiểu ngôn ngữ thuyết phục, thậm xưng, vì nó là thứ ngôn ngữ tình yêu để tâng bốc người yêu. Chúng ta có thể kết luận rằng theo nghĩa lịch sử, nghĩa đen, các bài thơ miêu tả tình yêu giới tính giữa chàng trai và cô gái, tình yêu của họ đã chi phối chất thơ từ đầu đến cuối. Thể loại của thơ là việc tìm kiếm và tìm thấy, hay hiện diện và vắng mặt, là một thể loại bất diệt trong thơ ca tình yêu, và ở đây cũng vậy. Hơn nữa, lòng trung thủy với nhau trong tình yêu phải được chú thích cách cẩn thận. Sự hào phóng khi ca ngợi lẫn nhau, tính ngay thật trong niềm mong ước của họ, tính thậm xưng trong ngôn ngữ – tất cả các đặc điểm này sẽ được người đọc nhận ra khi đọc cẩn thận. Hơn nữa, nhiều dòng thơ được phân bổ cho người thiếu nữ hơn so với người thanh niên. Cả lúc điều này có thể gợi lên rằng tác giả là một phụ nữ, chúng ta chẳng có cách gì để tìm hiểu chắc chắn điều này.

Ý NGHĨA CỦA DIỄM CA

Từ những gì đã nói phía trên, chúng ta thấy rõ ràng ý nghĩa hiển nhiên của Diễm Ca là nó tạo nên chất thơ tình yêu giữa chàng trai và cô gái. Nó đề cập đến tình yêu giới tính của con người. Thế nhưng đây có phải là cấp độ ý nghĩa duy nhất trong sách Diễm Ca không?[ii]

Thực thế đáng ngạc nhiên là cả truyền thống Do Thái giáo lẫn Kitô giáo đều đưa ra sự giải thích chung về sách Diễm Ca ở một cấp độ khác. Sách Diễm Ca được hiểu là có liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa và dân Người: giữa Đức Chúa và dân Israel đối với cộng đồng Do Thái; giữa Đức Kitô và Hội Thánh trong cộng đoàn Kitô hữu. Origen ngay từ đầu (CN. 185-254), là nhà chú giải quan trọng nhất trong cộng đoàn Kitô hữu, và cách tiếp cận của ngài đã tạo bầu khí chung cho cách hiểu thần bí sau này, đặc biệt bởi vì sách Diễm Ca có liên quan đến Đức Kitô và tâm hồn của từng cá nhân. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta ngày nay là: liệu cách hiểu truyền thống này có thể được duy trì theo quan niệm của trường phái phê bình không? Tôi sẽ biện luận rằng nó vẫn có thể được duy trì vì những lý do sau. Trước tiên, cách hiểu và giải thích bản văn dựa vào lịch sử và nghĩa đen (bất kỳ bản văn nào!) không thể diễn tả hết được ý nghĩa của nó. Đây là vấn đề thuộc lãnh vực chú giải mà hầu như mọi người đều đồng ý. Có nhiều cách để đọc một bản văn. Tiêu chuẩn duy nhất tôi muốn thêm vào đó là ý nghĩa thuộc lịch sử và nghĩa đen chỉ giúp đáp ứng được các chuẩn mực ở phương diện tiêu cực. Điều đó nói đến việc nó giúp người khác tránh đi sự khác thường về các cách đọc chủ quan được tạo ra xung quanh một bản văn. Điều này đã xảy ra với sách Diễm Ca theo chiều hướng lịch sử, bởi vì bản văn được ngụ ý tới cái chết, và nghĩa đen của nó đơn giản là bị hủy bỏ. Nhưng những biến tấu được ngụ ý trong truyền thống không là phần nhất thiết nói lên ý nghĩa và quy sách Diễm Ca cho Thiên Chúa và con người. Điều thứ hai, một yếu tố đầy ý nghĩa đó là trong truyền thống Kinh Thánh đã có sự sử dụng biểu tượng tình yêu, hôn nhân nhằm diễn tả mối tương giao giữa Thiên Chúa và con người. Đây cũng là điểm chung giữa các ngôn sứ của Israel (Hôsê 1-3; Isaia 62:5, v.v…) và điểm đó còn tiếp tục trong Tân Ước (Êphêsô 5:22-23). Tôi không có ý nói đến biểu tượng đó như cùng đích đối với ý nghĩa của bài Thánh ca, nhưng nhằm gợi lên rằng khi một bản văn bàn về tình yêu, thì khả năng áp dụng của nó có thể được khai triển và mở rộng. Điều thứ ba, lý do cuối cùng là cách hiểu sách Diễm Ca chương 8 câu 6 mà tôi đã trình bày. Nói cách khác, dường như chính trong Bài ca đó có sự liên kết giữa ngọn lửa tình yêu của con người với tình yêu của Đức Chúa.

VIỆC SỬ DỤNG SÁCH DIỄM CA CỦA CHỊ TÊRÊSA

Chính chị đã cho chúng ta một bản văn mà qua nó, chúng ta có thể bắt đầu một cách thuận lợi để nhận định cách hiểu của chị về Kinh Thánh và về sách Diễm Ca. Chị đã viết trong cuốn tự thuật:

Chao ôi! Biết bao tia sáng tôi đã không nghiệm ra từ các tác phẩm của cha thánh Gioan Thập giá của chúng ta! Vào độ tuổi 17 và 18, tôi không có bất kỳ nguồn dưỡng nuôi tinh thần nào khác; tuy vậy, sau này, tất cả các sách để lại trong tôi sự khô khan, vô vị và tôi vẫn trong tình trạng đó. Nếu tôi mở cuốn sách do một tác giả về tâm linh soạn thảo (thậm chí kể cả sách tuyệt vời nhất, cảm động nhất), tôi cảm thấy con tim ngay tức khắc bị co cụm lại, và tôi đọc mà không hiểu gì, không biết nó nói điều gì. Hay nếu tôi có hiểu, tâm trí tôi rơi vào trạng thái bế tắc, tức là không còn khả năng cảm nghiệm. Trong lúc vô vọng này, Kinh Thánh và sách Gương Chúa Giêsu đã trợ giúp tôi; trong các sách đó, tôi khám phá ra nguồn dinh dưỡng rất tinh tuyền và vững vàng. Đặc biệt là các Tin Mừng đã trợ sức cho tôi trong các giờ cầu nguyện, vì trong các Tin Mừng đó, tôi tìm thấy những gì thật sự cần thiết cho linh hồn bé nhỏ và nghèo nàn của tôi. Tôi không ngừng khám phá ra những tia sáng mới, những ý nghĩa huyền nhiệm đã được ẩn giấu.[iii]

Điều này rõ ràng rất ý nghĩa vì đoạn văn này theo sau câu trích dẫn lấy từ bài thơ “Spiritual Canticle” của thánh Gioan Thập giá, trong bài ca đó chúng ta thấy có các tiếng vang trong sách Diễm Ca của Kinh Thánh (Bài thơ 26 và 28). Không còn nghi ngờ nữa, lối tiếp cận của thánh Gioan với sách Diễm Ca và hình ảnh của nó đã ảnh hưởng lên Bông Hoa Nhỏ.[iv] Chúng ta cố gắng giải thích các từ ngữ chị dùng trong cách thức hiện thực. Chị chẳng phải là người ham đọc sách, mức độ hiểu Kinh Thánh của chị không hơn so với mức trung bình của người Công giáo Pháp cùng thời. Chỉ cần lấy một thí dụ - chẳng hạn như theo chị, vua Đavít đã viết Thánh vịnh -  cũng đủ rõ ràng là lối tiếp cận văn chương của chị thật đơn giản.[v] Thực ra, kiến thức Kinh Thánh của chị chính yếu được thành hình do việc sử dụng Kinh Thánh trong các giờ kinh phụng vụ.[vi] Và ở đây, cách giải thích truyền thống về sách Diễm Ca đạt mức cao độ. Chị Têrêsa thừa hưởng sự hiểu biết về sách Diễm Ca từ truyền thống Công Giáo, truyền thống này đưa chúng ta trở về với Origen, ngài được xem là người đề xướng sáng chói nhất truyền thống này. Thật tốt để con người ở thời đại của chúng ta nhớ trong tâm trí rằng Chị Têrêsa đã biết hình thức bản văn Kinh Thánh Vulgata, và vào thời đó, việc tự học và đọc Kinh Thánh không phải lúc nào cũng tiện lợi sẵn sàng với chị so với các nữ tu ngày nay (chúng ta chỉ cần gợi lại các điều kiện eo hẹp mà chị đã tận dụng để viết tiểu sử tự thuật của mình).

Giờ đây chúng ta trở lại một số thí dụ về cách chị Têrêsa dùng sách Diễm Ca. Khi thẩm định mức độ thường xuyên chị dùng các trích dẫn, ắt hẳn chị phải có những đoạn văn yêu thích – yêu thích theo nghĩa là những đoạn văn đó dễ dàng xuất hiện trong tâm trí chị. Một trong điều này là lối nói ảm chỉ đơn thuần; ở các chỗ khác, chị diễn tả bản văn với nhiều chi tiết hơn. Để thuận tiện, chúng ta sẽ tiến hành theo trình tự của sách Diễm Ca.

Diễm Ca 1:3: “Hãy kéo em theo anh, chúng ta sẽ chạy sau anh theo mùi hương thơm ngát”. Việc đề cập đến mùi dầu thơm là sự mở rộng bản văn tiếng La-tinh, bản văn này đã được tìm thấy trong các bản thảo Kinh Thánh Vulgata. Dĩ nhiên chị Têrêsa không quan tâm đến điều này; chị tập trung vào sự cuốn hút của Đức Kitô: “Vậy điều gì khiến ta phải xin ‘được lôi kéo’ nếu điều đó không phải là được hiệp nhất sâu xa với chính Đấng làm say đắm tâm hồn ta?” Cùng lúc chị nhận thức rằng chị không bước đi trong cô độc: “Tôi cảm thấy rằng ngọn lửa tình yêu càng đốt cháy trong tâm hồn tôi, thì tôi càng thốt lên: ‘Hãy lôi kéo con’, các tâm hồn càng muốn đến gần tôi (tôi chỉ là miếng sắt nhỏ nghèo nàn, vô dụng nếu tôi rút lui khỏi cuộc thử thách, lò rèn thiêng liêng), các tâm hồn đó càng chạy mau theo mùi hương thơm ngát của Đấng Chí Ái”. Và một lần nữa:

Mẹ yêu quý, giờ đây con muốn cho mẹ biết điều con hiểu về mùi hương thơm ngát của Đấng Chí Ái. Vì Chúa Giêsu đã về trời, nên con chỉ có thể theo Ngài trong các dấu tích Ngài để lại; nhưng các dấu vết này sáng tỏ quá! Đượm hương thơm ngát quá! Con chỉ cần nhìn vào các Tin Mừng và ngay lập tức con hít thở được mùi hương thơm ngát là chính sự sống của Chúa Giêsu, và con biết con phải chạy theo phía nào.[vii]

Diễm Ca 1:13: “Người tôi yêu là chùm mộc dược nằm gọn trên ngực tôi”. Chị Têrêsa đơn thuần ám chỉ câu này trong khi khuyến khích chị Céline hãy vác lấy “gánh” mang lại nước Thiên đàng - cũng như Chúa Giêsu là “gánh” cho Đức Maria (một gánh nhẹ nhàng) và cho thánh Christoper. Mộc dược ở đây chỉ sự hy sinh.[viii]

Diễm Ca 2:3: Trong một bức thư gởi cho Pere Roulland, có một câu nói ám chỉ “được ngồi nghỉ ngơi dưới bóng chàng, tôi thỏa lòng mong ước” (xin xem bản Kinh Thánh Vulgata). Chị thích một nơi nghỉ ngơi như vậy ngay cả trên cuộc hành trình tới Giêrasalem![ix]

Diễm Ca 2:17: Bóng chiều buông xuống. Chị Têrêsa dường như đã dùng cụm từ này theo nghĩa sự chóng qua của thế giới; nó có liên hệ với 1 Cor 7:31 (thế giới này qua đi) đặc biệt trong thư gởi cho Céline.[x]

Diễm Ca 6:11-12 (Vg các câu 10 và 11): câu 12 là câu thiếu chắc chắn nhất trong bài thơ. Cô thiếu nữ đi xuống vườn hạnh đào để ngắm cỏ cây thức giấc và phát triển, và thình lình cô nàng bối rối “vì những chiếc xe ngựa của Aminadab” – cũng thế, bản Kinh Thánh Vulgata cũng là bản Kinh Thánh không chắc chắn. Trong một bức thư gởi cho chị Céline, chị Têrêsa đã trích dẫn những dòng này như hình ảnh của một tâm hồn ngụp lặn trong sự khô khan và tiếp tục nói rằng những câu Kinh Thánh này là hình ảnh linh hồn của chúng ta. Điều đó có ý nói, trong khi có người tìm được nguồn nuôi dưỡng trong mảnh đất phì nhiêu (của bài viết), giờ đây có người đang ở trong sa mạc cô cằn không có ánh sáng lẫn bình an. Nguyên nhân do đâu? Vì những chiếc xe ngựa của Aminadab:

Những chiếc xe ngựa, các âm thanh hão huyền đó đã làm chúng ta ưu phiền – chúng bên trong hay bên ngoài chúng ta? Chúng ta không biết … nhưng Đức Giêsu biết. Ngài thấy chúng ta buồn bã, và thình lình giọng nói êm ái của Ngài làm mọi người nghe thấy, một giọng nói dịu dàng hơn hơi thở của Mùa xuân: “Trở lại, trở lại đi, này cô gái Sulami, để chúng tôi nhìn ngắm dung nhan nàng” (Dc 7:1; 6:12).[xi]

Nhân vật Aminadab trong bản Kinh Thánh Vulgata đã được chuyển dịch theo kiểu cực đoan trong suốt lịch sử: vừa tốt và vừa xấu. Chàng ta xuất hiện trong khổ thơ cuối trong bài Spiritual Canticle của thánh Gioan thập giá, và được đồng hóa rõ ràng như ma quỷ trong chú giải của thánh Gioan về câu thơ đó.[xii]

Điều này đáng để chúng ta lưu ý, các tham khảo trong sách Diễm Ca đặc biệt được dùng thường xuyên trong các bức thư Têrêsa gởi tới chị Céline. Trong một thư, chị gởi một đoạn trong số các bản văn lấy từ sách Isaia chương 53 và sách Diễm Ca 5:1.[xiii] Trong thư khác, một lá thư nhạy cảm gởi cho Céline, vì chị Pauline đã không hiểu Céline, chị Têrêsa nhận xét:

Trong sách Diễm Ca, có một đoạn phù hợp hoàn hảo với chị Céline nhỏ bé đáng yêu đang phải bị lưu đày: “Các bạn nhìn ngắm làm chi nàng thiếu phụ, nhưng như các hội nhạc trong doanh trại quân nhân” (7:1). Ồ, vâng! Cuộc đời chị Céline của em thực sự là một chiến trường … Bồ câu nhỏ bé đáng yêu, nàng nức nở trên những bờ sông của Babylon, và bài ca hát kính Chúa Trời, làm sao nàng hát nổi nơi đất khách quê người? (Tv 137:1,4).[xiv]

Chúng ta có thể tóm kết cách phù hợp bài thảo luận về việc sử dụng sách Diễm Ca của Chị Têrêsa với lời phát biểu hấp dẫn và mạnh mẽ của chị: “Nếu tôi có đủ thời giờ, tôi muốn bình luận sách Diễm Ca; trong sách này, tôi khám phá ra những thứ rất sâu rộng về sự kết hiệp giữa linh hồn với Đấng Chí Ái.”[xv] Có rất nhiều lý do để ngưỡng mộ lời phát biểu này: trước hết, chị dễ dàng chấp nhận và thậm chí khao khát để bình phẩm một cuốn sách Kinh Thánh (theo tôi hiểu, chị không hề nói điều tương tự đối với bất kỳ sách Kinh Thánh nào khác). Chúng ta có thể đoán xem còn bất kỳ lời bình phẩm nào bị thất lạc không? Lời phê bình đó sẽ như thế nào? Tôi sẽ đề nghị cuốn Các Bài Giảng của Thánh Bernard Clairvaux. Ngài viết 86 bài giảng cho đồng nghiệp tại Clairvaux trong khoảng thời gian 18 năm (1135-1153) trong thế kỷ mà có thể đếm được khoảng 30 tác phẩm bàn trực tiếp về sách Diễm Ca.

Sự tương tự giữa thánh Bernard và thánh Têrêsa nằm ở điểm cả hai cùng hiểu sách Diễm Ca theo ý nghĩa truyền thống tức là nói về Đức Kitô và linh hồn của từng người, hơn nữa, mỗi người sử dụng bản văn của Diễm Ca cách tự do và dễ dàng – theo nghĩa là, bản văn trở nên một lực đẩy người ta đạt tới tình yêu sâu đậm hơn. Tình yêu của Thiên Chúa – Đức Kitô mới chính là thực tại căn bản cho cả hai vị. Tôi chắc chắn rằng chị Têrêsa sẽ đồng ý với những lời nhận xét của thánh Bernard:

Ngài là ai khiến tâm hồn bạn yêu mến, Ngài là ai khiến bạn mong mỏi tìm kiếm? Phải chăng Ngài không có tên? Bạn là ai và Ngài là ai? Tôi nói điều này bởi vì họ đã dùng kiểu văn phong xa lạ và họ cũng chẳng quan tâm đến danh xưng, khá khác biệt so với cách viết của Kinh Thánh. Nhưng trong bài hát về hôn ước này, nó bao gồm các cảm giác yêu thương, mà không cần để ý đến bất kỳ lời nói nào. Tại sao vây? Trừ khi tình yêu thánh thiện là chủ đề của toàn bộ sách Diễm Ca, thế nên Diễm Ca không cần diễn tả bằng lời hay ngôn ngữ nhưng chỉ trong hành động và sự thật. Ở đây, mọi nơi đều nói đến tình yêu! Nếu ai đó ao ước hiểu thấu tác phẩm này, hãy để người đó yêu trước đã! Vì nếu người đó không biết yêu, thì thật uổng công để nghe hay đọc bản tình ca này, bởi vì một trái tim băng giá không thể nắm bắt được ngọn lửa từ lối dùng tu từ. Một người không biết tiếng Hy Lạp làm sao hiểu được tiếng Hy Lạp, hay người không để ý tiếng Latin cũng chẳng hiểu được người khác khi họ nói tiếng Latin v.v… Cũng thế, ngôn ngữ tình yêu sẽ trở nên chói tai, vô nghĩa, nghe giống như tiếng đồng thau va chạm nhau hay tiếng chủm chọe kêu leng keng với những ai không biết yêu”.[xvi]

Vâng, với những thuật từ này, chị Têrêsa ắt hẳn phải là một nhà bình luận nổi bật về sách Diễm Ca. Bởi vì chị biết yêu! Chị là con người của tình yêu!


[i] Trong những điều kế tiếp, tôi đang tóm tắt các thành quả đã được chấp thuận rộng rãi về sự hiểu biết Kinh Thánh cách uyên thâm. Không phải tất cả mọi người đều đồng ý sự hội nhất trong đối thoại, điều mà tôi đã nhận ra trong sách Diễm Ca. Muốn biết thêm chi tiết, xin xem sách sắp phát hành cuốn Chú Giải Thánh Kinh Mới của thánh Giêrônimô, và cũng xem tác giả Roland E. Murphy, “Hướng đến chú giải sách Diễm Ca,” Catholic Biblical Quarterly 39 (1977): 482-96, và “Sự Hội Nhất của sách Diễm Ca,” Vetus Testamentum 29 (1979): 436-443.
[ii] Để thảo luận thêm, xin xem Roland E. Murphy, “Patristic and Medieval Exegesis-Help or Hindrance?” Catholic Biblical Quarterly 43 (1981): 505-16.
[iii] Chuyện Một Tâm Hồn, 179.
[iv] Để xem thêm một ví dụ về ảnh hưởng của Sanjuanista, xin xem Chuyện Một Tâm Hồn, 195. Bản văn viết: “Ôi! Lạy Chúa Giêsu, con biết, tình yêu chỉ được đáp trả bằng tình yêu…” và lưu ý này liên quan tới lời bình luận của thánh Gioan về TheSpiritual Canticle, stanza 9, 7.
[v] Đồng thời, chúng ta thấy Têrêsa có những suy tư rất sâu sắc: “Chỉ trong Thiên Đàng, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ chân lý về mọi thực tại. Điều không thể xảy ra trên thế gian này. Thế nên, ngay cả đối với Kinh Thánh, việc nhìn thấy có quá nhiều bản dịch khác nhau thật đáng buồn biết bao! Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ học tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, và tôi không chỉ hài lòng với tiếng Latin. Với cách này, tôi sẽ hiểu biết bản văn thực sự được Chúa Thánh Thần linh hứng.” – xin xem Các Lần Nói Chuyện Sau Cùng, 132.
[vi] Một ví dụ tốt về cách Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã ảnh hưởng đến Têrêsa, thật chính xác trong cách dùng sách Diễm Ca của thánh nữ, có thể được tìm thấy ở một trong số các thư ngài gởi cho chị Celine; thánh nữ dùng các câu của Diễm Ca: 1:12, 11, 16, vì các câu này có trong Kinh Phụng Vụ trong ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi; xin xem Các lá thư của Têrêsa, quyển 1: 634, số 16.
Guy Gaucher đã tìm được nhiều liên quan với sách Diễm Ca trong 35 lá thư của thánh nữ, 12 bài thơ và 5 vở kịch, và ông đã đưa ra nhận xét quan trọng: “Thánh nữ dường như chẳng có sẵn đoạn văn hoàn chỉnh nào trong trí, nhưng thánh nữ biết sách Diễm Ca qua các giờ kinh Phụng Vụ, qua thánh Gioan Thập giá v.v…”; xin xem Gui Caucher, The Story of a Life: St. Têrêsa of Lisieux (San Francisco: Harper & Row, 1987), 141, số 1.
Gaucher, The Story of a Life, 139 lưu ý rằng thánh Têrêsa không hề có một cuốn sách Cựu Ước nào, nhưng thánh nữ đã dùng tập ghi chép của chị Celine, trong đó có những đoạn được sao chép (trong số đó, có đoạn của sách Châm Ngôn: 9:4 dường như trở thành nguồn mạch cho “con đường nhỏ”). Thánh nữ cũng nắm bắt các Tin Mừng và các thư Phaolô từ chị Celine, kết hợp trong cùng một tập. (Gaucher, Story of a Life, 122).
[vii] Chuyện Một Tâm Hồn, 254-59; các câu trích ở trang 257 và 258.
[viii] Các lá thư của Têrêsa gởi cho người khác 144, Têrêsa gởi cho Celine, 23/07/1893, Thư chung, quyển 2: 711 [=Các lá thư của Têrêsa, quyển 2: 804].
[ix] Các lá thư của Têrêsa gởi cho người khác  201, Têrêsa gởi cho P. Roulland, 01/11/1896, Thư chung, quyển 2: 911 [=Các lá thư của Têrêsa, quyển 2: 1017].
[x] Các lá thư của Têrêsa gởi cho người khác 141, Têrêsa gởi cho Celine, 25/04/1893, Thư chung, quyển 2: 692 [=Các lá thư của Têrêsa, quyển 2: 785]; xin cũng xem Thư chung, quyển 2: 644 [=Các lá thư của Têrêsa, quyển 2: 732].
[xi] Các lá thư của Têrêsa gởi cho người khác 165, Têrêsa gởi cho Celine, 07/07/1894, Thư chung, quyển 2: 765-66 [=Các lá thư của Têrêsa, quyển 2: 861-62].
[xii] Muốn xem thêm chi tiết về “Aminadab,” xin xem sách Diễm Ca, bản dịch của Marvin H. Pope, Anchor Bible 7c (Garden City: Doubleday, 1977), 587-89.
[xiii] Các lá thư của Têrêsa gởi cho người khác 108, Têrêsa gởi cho Celine, 18/07/1890, Các lá thư của Têrêsa, quyển 1: 629-32.
[xiv] Các lá thư của Têrêsa gởi cho người khác 149, Têrêsa gởi cho Celine, 20 (?)/10/1893, Thư chung, quyển 2: 731-32 [=Các lá thư của Têrêsa, quyển 2: 827].
[xv] Các câu trích lấy từ Gaucher, Story of a Life, 141. Lấy từ các lời bình luận về “Têrêsa và sách Diễm Ca,” Annales de Sainte Têrêsa de Lisieux, số 662 (Tháng 11/1987): 6-7 chúng ta biết được điều này khi thánh Têrêsa tiết lộ điều này với một tập sinh Cát Minh trẻ, Sơ Marie Chúa Ba Ngôi.
[xvi] Bài huấn từ 79, 1.

http://www.dongcatminh.org/sach-diem-ca-va-thanh-teresa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét