Trang

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

HỌC HỎI THÁNH KINH 100 TUẦN – TUẦN 36 VÀ 37.

HỌC HỎI THÁNH KINH 100 TUẦN – TUẦN 36 VÀ 37.
Tuần 36: SÁCH ISAIA (chương 1-7) 

I. TỔNG QUÁT

1, 1-31 : Dẫn nhập: Hạch tội dân bội bạc và giả hình (1,2-8).

Lời sấm về sự thờ phượng đích thực (1,10- 16).

Kêu gọi hoán cải (1, 18-20).

Đe doạ hình phạt (1,21-31).

2, 2-5 : Tương lai của núi Sion

2, 6-22 : Ngày của Đức Chúa

3, 1-26 : Cảnh hỗn loạn tại Giêrusalem và hình phạt cho các phụ nữ.

4, 2-6 : Số sót (chồi non của Đức Chúa)

5, 1-7 : Bài ca vườn nho

5, 8-30 : Tố giác những lạm dụng xã hội và những người lãnh đạo.

6, 1-13 : Ơn gọi của ngôn sứ Isaia

7, 1-25 : Lời tiên tri về Emmanuel

II. ƠN GỌI CỦA TIÊN TRI ISAIA

1. Isaia “thấy” Chúa (6,1)

Đây là khẳng định đơn giản nhưng hết sức mạnh mẽ vì trong Thánh Kinh, con người không thể nhìn thấy Thiên Chúa mà có thể sống sót nổi (x. Xh 33,20). Khẳng định này làm nổi bật uy quyền của lời tiên tri, vì lời đó không dựa vào sự khôn ngoan của người đời nhưng trực tiếp đến từ Thiên Chúa (x. 1Cr 2,1-5).

2. Đấng Thánh của Israel

Isaia trình bày Thiên Chúa là Đấng cực thánh (6,3) và con người cần đặt trọn niềm tin vào Ngài: “Nếu các ngươi không vững tin, các ngươi sẽ không đứng vững” (7,9). Đối diện với Thiên Chúa chí thánh, con người cảm nhận sâu sắc thân phận tội lỗi và ô uế của mình (6,4) (đối chiếu Lc 5, 1-10). Vì thế, cần được Thiên Chúa thanh tẩy (6,5).

3. Sự đáp ứng của Isaia

Trước tiếng gọi của Thiên Chúa “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Isaia đáp trả rất nhiệt tình: “Lạy Chúa, này con đây, xin Chúa sai con”(6,8). Thiên Chúa cũng kêu gọi và trao phó sứ mạng cho bạn, bạn đã đáp trả thế nào trước tiếng gọi của Chúa?

III. LỜI TIÊN TRI VỀ EMMANUEL (7, 10-17)

1. Lời tiên tri (7, 13-17)

“Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.” Từ almah trong tiếng Hípri có nghĩa là thiếu nữ đến tuổi kết hôn, không nhất thiết phải là trinh nữ. Tuy nhiên bản dịch Hi Lạp đã dùng từ parthenos nghĩa là trinh nữ. Thánh sử Matthêu đã sử dụng từ parthenos này (1, 22-23). Đây là nền tảng cho cách giải thích của Kitô giáo về bản văn này như lời tiên tri về việc Đức Maria thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu Kitô.

2. Ý nghĩa

Trong bối cảnh lịch sử thời vua Achaz, lời tiên tri này là một dấu chỉ hi vọng giữa hoàn cảnh đầy thất vọng, dấu chỉ sự sống giữa những đe doạ và chết chóc. Trong truyền thống Kitô giáo, lời tiên tri này hướng nhân loại đến Chúa Kitô, Đấng đến để xây dựng thế giới mới và nhân loại mới.

IV. BÀI CA VƯỜN NHO (5, 1-7)

1. Vườn nho

Vườn nho là một trong những hình ảnh và chủ đề quen thuộc trong Thánh Kinh (x. Mt 21,33-42; Mc 12,1-10; Lc 20,9-18). Hình ảnh này hàm chứa nhiều ý nghĩa: (1) nghĩa tự nhiên về mặt canh nông; (2) bản tình ca hát cho người bạn đời, vì thế, hình ảnh “nho dại” ám chỉ sự bất trung trong đời sống hôn nhân; (3) vườn nho còn là biểu tượng cho sự giàu có, nhưng theo mạch văn, sự giàu có không nhất thiết dẫn đến một xã hội công bằng và huynh đệ.

2. Hình ảnh vườn nho và đời sống đức tin của người Kitô hữu

Một trong những dụ ngôn nổi tiếng của Chúa Giêsu là dụ ngôn về những người thợ làm vườn nho và là những kẻ sát nhân (Mc 12,1-10). Vườn nho ở đây là Nước Trời, là cộng đoàn Dân Chúa, và cũng có thể hiểu là cuộc đời mỗi chúng ta. Chính Thiên Chúa mới là chủ vườn nho, còn mỗi người trong chúng ta chỉ là thợ làm vườn nho, và phải dâng những hoa lợi vườn nho cho Chúa. Nhưng thay vào đó, có thể ta chỉ thu tích hoa lợi hoàn toàn cho bản thân và những tính toán ích kỷ của mình, khước từ quyền làm chủ của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Vậy bạn là ai trong dụ ngôn này? Vườn nho đời bạn đem lại những hoa trái nào? Bạn sử dụng những tài năng và ân huệ Thiên Chúa ban cách nào?
 
Tuần 37: Sách Isaia, chương 8-12

I. TỔNG QUÁT

8,1-15 : Những lời tiên tri về Assyria

8,16-20 : Sứ mạng của Isaia

9,1-6 : Vị vua mới và ơn giải thoát

9,7 -10,4 : Các thử thách của vương quốc miền Bắc

10,5-34 : Vai trò của Assyria

11,1-9 : Vị vua lý tưởng

11,10-16 : Tái thống nhất Israel

12,1-6 : Bài ca tạ ơn

II. LỜI TIÊN TRI VỀ VỊ QUÂN VƯƠNG  (8,23 – 9,6)

1. Lời tiên tri trong bối cảnh lịch sử

Đây là lời tiên tri mang tính “mêsia” (cứu thế) vì mô tả vị vua lý tưởng trong tương lai sẽ thiết lập triều đại mới, triều đại hòa bình, công minh và chính trực. Có thể là lời tiên tri về vua Hezekiah, người kế vị Akhaz, sẽ lên ngôi năm 725 hay 715 trước Công nguyên. Tuy nhiên, vị vua này lại được mang những tước hiệu đặc biệt, nhất là “Thần linh dũng mãnh” (Tv 2,7 còn cho rằng vị vua này là Người Con được Thiên Chúa sinh ra, Tv 45,7 còn gọi vị vua này là Elohim “Thiên Chúa”). Vì thế, theo lời tiên tri, vị vua này không chỉ là một con người.

2. Lời tiên tri và phụng vụ Kitô giáo

Hội Thánh Công giáo chọn đọc lời tiên tri này trong Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh (bài đọc I: Is 9,1-6; bài Tin Mừng: Lc 2,1-14). Đối chiếu hai bản văn Thánh Kinh trên, ta sẽ thấy cách giải thích của Hội Thánh về lời tiên tri. Đây là lời tiên tri về việc giáng sinh Chúa Giêsu Kitô, Đấng muôn dân mong đợi, Đấng đến thiết lập “vương quốc vững bền, trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9,6). Điều cần ghi nhận là thế giới lý tưởng đó không tùy thuộc vào sức mạnh quân sự nhưng tùy thuộc vào một trẻ thơ không có quyền lực gì cả, nghĩa là một thế giới được xây dựng trên sự công chính và tình thương. 

III. TRIỀU ĐẠI CỦA ĐẤNG MÊSIA

1. Lời tiên tri về vị vua lý tưởng (11, 1-9)

Câu 1 cho biết vị vua này xuất thân từ nhà Đavít: “Từ gốc tổ Giessê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non.” Câu 2-5 mô tả những đặc điểm của vị vua này: Thần Linh Thiên Chúa sẽ ngự xuống trên ngài và ngài sẽ thực hiện tất cả công việc của vị vua công chính. Câu 6-9 mô tả thế giới sẽ được biến đổi dưới triều đại của vị vua này. Thế giới được mô tả bằng những hình ảnh lý tưởng như vườn địa đàng: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.”

Tiên tri Isaia mô tả một thế giới lý tưởng, và thế giới đó sẽ trở thành hiện thực khi “sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.” Nghĩa là phải khước từ những tham vọng bất chính và thiết tha với sự công chính của Thiên Chúa. Thế giới này vẫn còn ở phía trước và không ngừng vẫy gọi chúng ta đi tới. 

2. Lời tiên tri và phụng vụ Kitô giáo

Hội Thánh Công giáo chọn đọc lời tiên tri này trong Chúa nhật II Mùa Vọng (bài đọc I: Is 11,1-10; bài Tin Mừng: Mt 3,1-12). Liên kết hai bản văn Thánh Kinh này sẽ giúp ta hiểu cách giải thích của Hội Thánh về lời tiên tri của Isaia: đây là lời tiên tri về Đấng Mêsia, Đấng sẽ làm phép Rửa trong Thánh Thần, sẽ thiết lập Nước Trời. Nước Trời chính là chủ đề lớn bao trùm mọi lời rao giảng của Chúa Giêsu. Nước Trời phải là lý tưởng của mọi Kitô hữu và ta cần cộng tác với Chúa để xây dựng Nước Trời ngay từ hôm nay.

IV. THIÊN CHÚA LÀ CHỦ LỊCH SỬ (10,5-43)

1. Thiên Chúa là Chủ lịch sử

Trong tầm nhìn của Isaia, Assyria là ngọn roi Thiên Chúa dùng để xử phạt dân Ngài (10,5). Tuy nhiên chính Assyria cũng sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt vì nó đã không phụng sự Đức Chúa mà chỉ biết tiêu diệt: “Ta sẽ trừng phạt hậu quả lòng tự đại của vua Assyria và con mắt kiêu căng ngạo nghễ của nó” (câu 6-16). Như thế, nếu nhìn lịch sử trên bề mặt, người ta thấy những biến cố này dẫn đến những biến cố khác, nhưng từ tầm nhìn của đức tin, người tín hữu khám phá sự hiện diện của chính Thiên Chúa là Đấng dẫn dắt lịch sử đi đến cùng đích tối hậu của nó.

2. Sống niềm tin vào Thiên Chúa

An trong mọi biến cố lịch sử và đời người, chính Chúa là đấng hướng dẫn lịch sử đi tới cùng đích tốt đẹp nhất. Cách nhìn này của đức tin thúc đẩy ta luôn sống tâm tình tin tưởng và phó thác, cả trong những hoàn cảnh nghiệt ngã và khó khăn nhất.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét