Trang

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

KHÚC NHẠC MỞ ĐẦU CỦA BÀI CA THẾ KỶ: VỀ 3 NỐT NHẠC CHÍNH. (1900 – 1940)

KHÚC NHẠC MỞ ĐẦU CỦA BÀI CA THẾ KỶ: VỀ 3 NỐT NHẠC CHÍNH. (1900 – 1940)



Sau khi đã ghé thăm qua những ông tổ của nền thần học, điều đó đã có thể cho phép chúng ta chào tạm biệt các ngài, những IRÉNÉE, những AUGUSTIN, những THOMAS D’AQUIN và những LUTHER, bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục lên đường xem qua cuộc xung đột thần học của thế kỷ XX. Quá khứ lịch sử đã đành là hấp dẫn thú vị, nhưng điều làm cho chúng ta quan tâm đó là hiện tại. Dù đó là một giòng nước xoáy, nhưng chúng ta vẫn muốn nhìn xem cho thật rõ hơn vào cái tình hình thời sự phức tạp nầy.
Chắc hẳn bởi vì đó là thế kỷ của chúng ta. Chúng ta vẫn có cảm tưởng thế kỷ XX đặc biệt là một thế kỷ phong phú về tư tưởng. Nhưng, đó có lẽ cũng chỉ là một ấn tượng! Để có thể biện biệt được rõ ràng bộ mặt thật của những trào lưu đa dạng và những nhân vật quyến rũ nầy, chúng ta phải bắt đầu trở lại từ đầu, nghĩa là từ cội nguồn phát xuất của nó. Một điều mang khá nhiều ý nghĩa là thể điệu khúc ca của những thập niên đầu của thế kỷ được cấu thành bởi 3 nốt nhạc chính: vấn đề Tân thuyết (modernisme), phong trào đại kết và nỗ lực canh tân Giáo hội. Và chính 3 nốt nhạc chính đó đã tạo thành cái âm thể căn bản cho ca khúc suy tư thần học hiện đại. Dẫu thế nào đi nữa thì cũng chính trên cơ sở âm vực của 3 biến cố đó mà chúng tôi sẽ làm nổi rõ lên khi mời bạn tiếp tục cuộc hành trình thần học nầy.

Lời giáo đầu về Tân thuyết:
Biến cố đầu tiên đánh dấu buổi rạng đông của thế kỷ và một cách hoàn hảo loan báo những vấn đề hiện nay của chúng ta được gọi là cơn khủng hoảng Tân thuyết. Lúc bấy giờ chúng ta đang ở cuối triều đại giáo chủ của Đức LÉON XIII, một triều đại đã chứng kiến một vài cử chỉ cởi mở trên lãnh vực xã hội và việc tái lập học thuyết THOMAS trên lãnh vực thần học. Lúc bấy giờ, một thực trạng làm băn khoăn lo lắng không ít lương tâm của một số Kitô-hữu: đó là Giáo hội ngày càng tỏ ra xa lạ đối với nền văn hoá; thái độ nhạo báng đối với kiến thức tôn giáo đã nhận được, nơi giới trí thức có đầu óc phê phán và tinh thần khoa học, đang dần dần được hình thành rõ nét.
Ý đồ của các nhà “tân thuyết” như LOISY là muốn thực sự khắc ghi niềm tin vào trong nền văn hoá hiện đại. Bởi vì những phương pháp thực nghiệm dựa trên những chứng cớ, chúng ta cũng nên áp dụng những phương pháp đó cách thẳng thắn vào việc tìm hiểu Thánh Kinh, tìm hiểu về lịch sử nguồn gốc Kitô-giáo và những định thức tín lý. Người tín hữu không thể cứ tự nhốt mình trong hàng rào của một thứ ngôn ngữ cổ hũ và một trí tưởng tượng sùng tín hoang đường. Toàn bộ cái lớp lông lá di sản im lìm của Giáo hội công giáo thấy như mình bị chải dựng đứng lên bởi cái lược tinh vi nầy: bản chất của Mạc khải là gì? Đâu là vai trò của Đức KITÔ lúc khai nguyên Giáo hội? Thẩm quyền của Quyền giáo huấn là gì? Đâu là tính chất độc lập của lý trí con người?
Trước cơn địa chấn gây ra do một phần của tầng lớp trí thức công giáo và hàng giáo sĩ trẻ nầy, phản ứng của Rôma quả thật là hết sức mãnh liệt. Năm 1907, Đức PIÔ X kịch liệt lên án tất cả mọi hình thức tân thuyết ở trong Giáo hội và đề ra những biện pháp đàn áp có hệ thống nhằm chống lại tất cả mọi mưu toan tân thời hoá. Trong nhiều năm, hình thức tố giác sẽ trở thành nguyên tắc kiểm soát sinh hoạt thần học. Một thế hệ những nhà tìm tòi nghiên cứu bị đập tan. Quay lưng lại với tương lai, bàn chân đạp thắng, Giáo hội đứng nguyên tại chỗ trên vùng đất trí thức khô cằn sỏi đá.
Thật không may là người ta đã dùng lối kết án vơ đũa cả nắm, không phân biệt, để trả lời cho một vấn đề có thật. Thái độ cả vú lấp miệng em đó trên thực tế càng tạo điều kiện cho phản ứng càng ngày người ta càng mất niềm tin và tình hình đó sẽ trở thành một đợt sóng thần mạnh mẽ. Nỗ lực tìm tòi, trong lo âu hồi hộp, để tìm cho ra một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với lương tâm hiện đại sẽ xuyên suốt giòng lịch sử của thế kỷ XX: từ việc đọc Kinh Thánh với đầu óc phê phán đến những nền thần học mới, bất kể đó là thần học trần tục hoá hoặc là thần học giải phóng.

Lỗ trổ cho con đường đại kết:
Năm 1910 đánh dấu quả giao banh mở màn cho phong trào đại kết hiện đại, qua cuộc hạch hỏi của các nhà truyền giáo tại Hội nghị Édimbourg. Nỗ lực truyền giáo đòi hỏi tình trạng hiệp nhất, Giáo hội sẽ hoặc là phổ quát hoặc là không. Những phát súng sáng kiến được bắn ra từ mọi phía nhằm kêu gọi lưu ý đến vấn đề phải có một sự hiệp nhất thực sự hơn. Có nỗi ưu tư về vấn đề chứng tá Tin mừng được cụ thể hoá qua Hội đồng quốc tế về các vấn đề Truyền giáo, có nỗi ưu tư phải đem ra thực hiện ở trong đời sống được cụ thể hoá nơi phong trào Cuộc sống và Hành động, có nỗi ưu tư phải tiến hành suy tư thần học được cụ thể hoá bởi Nhóm Niềm tin và Hiến chế. Những trào lưu khác biệt nầy sẽ xích lại gần nhau trong những năm 30 để rồi cuối cùng là sự ra đời của Hội đồng đại kết các Giáo hội năm 1948.
Nếu những thái độ do dự không phải là không có từ phía Công giáo, việc ra đời của tuyển tập “UNAM SANCTAM” do cha CONGAR khởi xướng năm 1937 nói lên rằng những người công giáo không phải là không có đóng góp vào nỗ lực đại kết ngay từ đầu. Sự hiệp nhất Giáo hội không phải được thực hiện bằng cách loại trừ người khác mà bằng việc phục hồi tất cả các giá trị Kitô-giáo đang tản mạn trong các cộng đồng Giáo hội khác nhau nầy.
Sự kiện đại kết một cách dứt khoát đã biến đổi phong cảnh của làng thần học. Nỗ lực say sưa tìm tòi một nền thần học dành cho tất cả mọi người Kitô-hữu sẽ chạy xuyên suốt giòng lịch sử của thế kỷ XX. Từ nay trở đi, thế là đã có một phong trào đại kết dựa trên cơ sở cùng có những vấn nạn chung, và nó cũng đang muốn mở ra con đường cho một nỗ lực đại kết trên cơ sở cùng có những giải đáp chung. Và, suy tư thần học ở thế kỷ XX sẽ có nghĩa là cần phải biết bền tâm nghe ngóng những chứng nhân thệ phản, từ BARTH cho đến MOLTMANN, đồng thời không được bỏ qua tiếng nói của phương Đông, tiếng nói đại diện cho truyền thống vĩ đại của anh em chính thống.

Giáo hội, một ý tưởng mới:
Thật ra, nếu Giáo hội công giáo đã có thể vượt qua được nỗi sợ hãi đối với trào lưu Tân thuyết và nếu phong trào đại kết đã có thể nở bung, chính là vì Giáo hội, ngay sau cơn khủng hoảng kinh tế năm 1929, đã được tái khám phá trở lại trong tất cả mọi chiều kích của nó. “Giáo hội hãy là Giáo hội”. Không đơn giản chỉ là một pháo đài phòng thủ, cũng không đơn giản chỉ là một hiện tượng phương Tây. Nhưng, là thân thể của Đức KITÔ để cứu độ thế giới, là một thực tại hiệp thông và huyền nhiệm, là một trung tâm toả sáng.
René RÉMOND đã có thể nói “những năm 30 đã là thời đại hoàng kim của Giáo hội công giáo Pháp”. Đó chính là sự phát triển của phong trào Công giáo tiến hành loại biệt, là sự ra đời của tạp chí Esprit, là việc quay trở về với những nguồn suối Thánh Kinh và các Giáo phụ, là thời của Soulier de satin (Chiếc giày xa-tanh, tên của một vở kịch của Paul CLAUDEL  nói về thân phận của con người, ctnd). Dù muốn dù không, các nhà thần học cũng phải lưu tâm đến mảnh đất mục vụ, đến những vấn đề chính trị, đến thực trạng vô tín ngưỡng, và nếu chỉ có mỗi một việc cứ lặp đi lặp lại mãi một vài bản văn chính thức suông thôi, không đủ. Những người Kitô-hữu dấn thân từ nay cần có một nền thần học lưu tâm đến sự có mặt ngày càng chăm chú hơn của họ trong thế giới hiện đại. Tác phẩm Catholicisme của cha De LUBAC (1938) là chứng nhân hoàn hảo của một nỗ lực thần học tìm thấy lại được những chiều kích xã hội và lịch sử của mình. Và Marie-Dominique CHENU đào tạo được những thế hệ tu sĩ dòng Đaminh và giáo dân mà sẽ là những người khởi xướng của Công đồng chung Vatican II.
Giáo hội, vì thế, đang ở chỗ giao lưu của tất cả mọi nỗ lực canh tân hoá đang ngày càng rõ nét dần. Trong lòng Giáo hội công giáo cũng như trong lòng những Giáo hội cải cách. Không phải là chuyện tình cờ khi BARTH đặt cho khảo luận tín lý của mình cái tên Dogmatique de l’Église và khi BONHOEFFER viết về đời sống cộng đồng (La vie communautaire). Sự đụng đầu giữa những ý thức hệ độc đoán, nói theo kiểu HITLER, hơn bao giờ hết đòi phải có một Giáo hội tuyên xưng (Église confessante). Nỗ lực cật lực tìm tòi cho ra một Giáo hội cho Thiên Chúa và cho thế giới sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt giòng lịch sử của thế kỷ XX.
Bruno CHENU.

X      X
X


TÂN THUYẾT (Le Modernisme).
Một điều quả thật hiển nhiên, đối với bất kỳ những ai vẫn hằng theo dõi sự vận hành của tư tưởng Kitô-giáo từ những buổi khai nguyên, là không có một tín điều Kitô-học nào, không một tín điều về ân sủng nào, không có một tín điều về Giáo hội nào được coi như là đã đạt được đến chóp đỉnh của giáo thuyết mà đối với người tín hữu, vượt qua khỏi đó không và sẽ không bao giờ còn có gì mở ra nữa ngoài viễn cảnh mịt mù của cái mầu nhiệm vô cùng; những chóp đỉnh sẽ vẫn cứng hơn đá tảng, không chấp nhận bất cứ đổi thay nào, ngay dù là điểm phụ tuỳ, và, tuy vậy, lại có thể hiểu được cho tất cả mọi thế hệ, kể cả việc có thể áp dụng chúng, không cần gì phải phiên dịch, chẳng cần gì phải giải thích lôi thôi thêm, cho tất cả mọi tình trạng, mọi tiến bộ của khoa học, của đời sống, của xã hội loài người. Những quan niệm mà Giáo hội trình bày như là những tín điều được mạc khải không phải là những chân lý tự trời rơi xuống và đã được truyền thống tôn giáo lưu giữ trong dạng chính xác như chúng đã xuất hiện từ đầu. Người ghi chép lịch sử nhận thấy ở đấy có dấu tay can thiệp của những người giải thích những sự kiện tôn giáo, thủ đắc được nhờ một nỗ lực cần cù của suy tư thần học. Dù các tín điều tự nguồn gốc và bản thể có đặc tính thần linh, chúng vẫn mang trên mình dấu ấn của cấu trúc và soạn tác của con người. Không thể nào quan niệm được là tương lai của chúng lại không dội lại quá khứ của chúng. Lý trí vẫn không ngừng đặt ra cho đức tin những câu hỏi, và những định thức truyền thống đành phải mãi mãi chịu sự kiểm tra của một nỗ lực không ngừng cần phải giải thích, nơi mà “chữ viết giết chết” được kiểm soát cách có hiệu quả bởi “tinh thần làm cho sống” (2 Cor 3,6).
(Alfred LOISYL’Évangile et L’ÉgliseParis, Émile Nourry, 1929, 5e éd. pp. 200 - 201)


Tinh thần đại kết (L’Oecuménisme)
Các ngài đã phái đến với chúng tôi những nhà truyền giáo nhằm giúp chúng tôi hiểu biết về Đức YÊSU KITÔ và điều đó chúng tôi rất cảm ơn. Nhưng, đồng thời các ngài cũng đã mang đến cho chúng tôi những hố ngăn cách và chia rẽ của các ngài: người thì rao giảng cho chúng tôi hệ phái méthodisme (một hệ phái thệ phản do John WESLEY thành lập năm 1729 tại Oxford, có quan điểm luân lý khắt khe, ctnd), kẻ khác thì tuyên truyền hệ phái luthérianisme (hệ phái thệ phản chính thống sát với truyền thống của LUTHER, ctnd), hệ phái congrégationalisme (hệ phái thệ phản theo chế độ giáo đoàn tự trị, ctnd), hoặc hệ phái épiscopalisme (giáo hội Anh giáo chính thức còn giữ lại chức giám mục, ctnd). Chúng tôi xin các ngài cứ rao giảng cho chúng tôi Tin mừng thôi, rồi cứ để cho chính Đức YÊSU KITÔ, tự trong lòng các dân tộc chúng tôi, dưới sức tác động của Thánh Linh tạo ra Giáo hội thích hợp với những đòi hỏi của Ngài, đồng thời cũng thích hợp với tinh thần của chủng tộc chúng tôi, đó sẽ là Giáo hội của Đức KITÔ ở Nhật Bản, Giáo hội của Đức KITÔ ở Trung Hoa, Giáo hội của Đức KITÔ ở Ấn Độ, thoát ra khỏi gông cùm của những thứ “duy” (“ismes”) chủ nghĩa mà các ngài thường hay dùng để rao giảng Tin mừng khi đến giữa chúng tôi.
(Một đại biểu của những Giáo hội trẻ ở Viễn đông tại Hội nghị chung về công tác Truyền giáo (Édimbourg, 1910, bản Pháp ngữ lấy trong Marc BOEGNERLe problème de l’unité chrétienneParis, “Je sers”, 1946, t. 40)


Tài liệu tham khảo:
Nếu bạn muốn có một cái nhìn chung tốt và ngắn gọn, bạn có thể đọc Henri HOLSTEIN, “La théologie entre les deux guerres” trong 2000 ans de christianisme, t. 9, Paris 1976, pp. 127 - 135.
Về cơn khủng hoảng tân thuyết, Émile POULAT là người có thẩm quyền. Người ta có thể tham khảo bài chuyên khảo “Modernisme” của tác giả nầy trong Encyclopedia Universalis, vol. II, pp. 135 - 137, bài chuyên khảo “Le modernisme, d’hier à aujour’hui” trong Recherches de Science religieuse, avril-juin 1971, pp. 161- 178, và tác phẩm Histoire, dogme et critique dans la crise moderniste, Paris-Tournai, Casterman, 1962. Bạn cũng có thể đọc tác phẩm đóng góp của Christoph THÉOBALD, L’entrée de l’histoire dans l’univers religieux et théologique au moment de la “crise moderniste” trong tuyển tập La crise contem- poraine, Paris, Beauchesne, 1973, “Théologie historique”, số 24.
Về lịch sử của phong trào đại kết, nên xem tác phẩm chung của Ruth ROUSE and Stephen Charles NEILL, A History of the Ecumenical Movement, 1517 - 1948, London, SPCK, 1954.
Sách viết bằng tiếng Pháp, chúng ta tuyển lựa 2 tác phẩm của những người đã đóng những vai trò quyết định trong Phong trào Đại kết:
·  Madeleine BAROT, Le mouvement oecuménique, Paris, PUF, 1967, coll. “Que sais-Je?”, n0841.
·  Wilhelm Adolf VISSER’T HOOFT, Le temps du rassem- blement. Mémoires, Paris, Seuil, 1975.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét