Trang

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

IRÉNÉE: Vì chân lý Tin Mừng



IRÉNÉE: Vì chân lý Tin Mừng

Một người Châu Á nơi xứ sở của những người Celtes
Dung mạo IRÉNÉE hiện ra ngay sau giai đoạn mà các sách Tin mừng đã được soạn tác. Chính IRÉNÉE là người mà chúng ta đã chọn như là người đại biểu cho truyền thống Hy Lạp mà kế tiếp sau đó còn được đại diện bởi nhiều nhà thần học kiệt xuất như ORIGÈNE, hoặc JEAN CHRYSOSTOME. IRÉNÉE thuộc về đại gia đình của những người mà người ta thường gọi là các “Giáo phụ”, những con người của những thế kỷ thứ nhất, một cách có tính chất quyết định, đã ghi lại được dấu ấn của truyền thống của Giáo hội nhờ tính chất chính xác của giáo thuyết và đời sống thánh thiện của các ngài.
Con người mà người ta đã coi như là nhà thần học Kitô-giáo đầu tiên nầy chẳng để lại mấy dấu vết về lai lịch của mình. Tuy nhiên, người ta có thể dự đoán IRÉNÉE sinh tại Smyrne, thuộc vùng Tiểu Á (giữa những năm 115 và 140). Thưở thiếu thời, IRÉNÉE đã từng được nghe POLYCARPE, vị giám mục tử đạo vĩ đại, “kể về quan hệ của ngài với YOAN và những người khác đã được thấy Chúa”, truyền đạt lại những truyền thống, mới gần đây thôi, còn hoàn toàn lạ kỳ, của các môn đệ của Đức YÊSU.
Chúng ta gặp lại IRÉNÉ ở Lyon vào lúc hoàng đế Marc AURÈLE đang tra tay bắt bớ. Lúc bấy giờ ngài đang là “Linh mục của cộng đồng Kitô-hữu ở Lyon”. Và cộng đồng của ngài uỷ phái ngài đến gặp ÉLEUTHÈRE, giám mục Rôma, để góp ý với vị giám mục nầy vừa phải thôi trong việc dùng những người thuộc hệ phái MONTANUS, những kẻ đương thời vẫn tự cho mình có những đặc sủng.
Năm 177, IRÉNÉE kế vị vị giám mục quá cố POTHIN. IRÉNÉE hoàn toàn chú tâm vào việc rao giảng Tin mừng cho đám dân cư gốc chủng tộc Gaulois mà ngài vốn biết sử dụng ngôn ngữ của họ. Và IRÉNÉE dùng ngòi bút của mình để phục vụ Giáo hội, nhằm mục đích giúp Giáo hội đừng sa vào loại tri thức giả dối là khuynh hướng thần bí triết học (la gnose). Năm 190, IRÉNÉE nhảy vào vòng chiến cuộc tranh luận về thời điểm mừng lễ PHỤC SINH, nhằm mục đích rao giảng về tính chất đa dạng (pluralisme) và sự hoà bình. Chúng ta mất hút dấu vết của ngài sau đó, và không biết một chút gì về hoàn cảnh cái chết của ngài.

Tự đặt mình ở bên trong Giáo hội.
Trên tất cả, IRÉNÉE là một con người của Giáo hội, một chủ chăn và là một nhà thần học ở bên trong Giáo hội. Dân Thiên Chúa của Giáo hội công giáo là vương quốc của ngài và là nỗi bận tâm của ngài. Và chính vì thế, IRÉNÉE cống hiến toàn bộ sức lực của mình nhằm dẫn dắt đoàn chiên, giữ gìn nó được hiệp nhất bằng cách vạch trần những âm mưu quyến rũ của những tà thuyết.
Giáo hội, đối với vị giám mục của chúng ta, trước tiên, là một đấu trường. Cộng đồng non trẻ nầy tự vạch cho mình một con đường đi trong lịch sử và nó vẫn biết có nhiều chướng ngại vật dựng đứng trên đường mình đi. Vì thế, IRÉNÉE tự gán cho mình có trọng trách “vạch trần và luận bác loại tri thức giả mạo” và đó là 5 tập sách của bộ “Contre les hérésies” của ngài, đứng trên lập trường cương quyết chống lại giáo thuyết thần bí triết học, thứ giáo thuyết muốn mình trở thành là một mạc khải cho những người mới thụ giáo về thân phận đích thực của con người. IRÉNÉE soạn tập “Démonstration de la pré- dication apostolique” nhằm giúp người Kytô-hữu có được điểm tựa để làm chuẩn thẳng. Và những người Kitô-hữu nầy phải sẵn sàng trả giá cho việc làm chứng cho chân lý của mình: “Giáo hội, trong tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, gửi đi khắp mọi nơi và mọi thời một số đông những người dám hy sinh vì đạo trước nhan CHA”.
Giáo hội, vì thế, cũng và trước hết là một sự trung thành. Trung thành với truyền thống phát xuất từ các Tông đồ, trung thành với thân phận luôn luôn bị lay động bởi Tin mừng mà như Thánh Kinh đã chứng tỏ (Cựu và Tân ước). Chỉ có Giáo hội trên nền tảng tông truyền. Và nỗ lực bức thiết nhất của Giáo hội là phải giữ gìn một cách cẩn trọng Truyền thống cổ tuyên xưng Một Thiên Chúa duy nhất, một Đức KITÔ, một kế đồ cứu rỗi duy nhất. Để có thể xác nhận tính chất xác thực niềm tin của mình, mỗi Giáo hội phải có thẩm quyền thiết lập sự kế thừa các giám mục của mình kể từ các tông đồ. Bởi vì được đặt nền móng bởi PHÊRÔ và PHAOLÔ, nên Rôma mới là hình mẫu của Giáo hội tông truyền.

Trong thực tại năng động là Đức KITÔ, Đấng thâu tóm tất cả về một mối:
Để ngăn chận sự xâm nhập của làn thuỷ triều thần bí triết học, IRÉNÉE đã phải triển khai toàn bộ một thứ thần học lịch sử về biến cố cứu độ. Hệ thống thần học nầy, theo ngôn ngữ của Thánh PHAOLÔ, có thể được tóm gọn trong từ nầy: sự thâu tóm về một mối (récapitulation). Một cái Tên trung tâm phải quy về, đó là: Đức YÊSU KITÔ. Đoạn trích dẫn sau đây sẽ làm sáng tỏ điều đó: “Được thúc đẩy bởi tình yêu vô biên của Ngài đối với chúng ta, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đức YÊSU KITÔ Chúa chúng ta, tự biến mình thành điều mà chúng ta là, để chúng ta trở nên điều mà Ngài là”.
Ngay từ nguyên thuỷ, lịch sử nhân loại vẫn là lịch sử cứu độ. Ngôi Lời của Thiên Chúa đã hiện diện trong chính biến cố tạo thành và Ngài vẫn ở với con người trong quá trình trưởng thành chậm chạp của đời sống tâm linh của con người. Ngài đã tỏ mình ra qua biến cố Nhập thể và thâu tóm vào trong mình cả thời gian lẫn không gian: Tất cả mọi sự đều nhận ra mình được đổi mới và được tái ổn định nhờ Ngài. Là Ađam-mới, Đức KITÔ đang dẫn dắt dòng giống loài người thực sự đến gặp gỡ Thiên Chúa, “Đấng vẫn hằng đi phía trước tất cả mọi người”.
Lạc quan đối với lịch sử, IRÉNÉE cũng có thái độ lạc quan đối với con người. IRÉNÉE có đưa ra một ý niệm về con người trước khi phạm tội tổ tông: Con người đã được tạo dựng nên vốn tốt lành và con người vẫn là như thế, mặc cho lỗi lầm của Ađam, cái mà chẳng qua cũng chỉ là một cơn khủng hoảng trong quá trình trưởng thành (của loài người). Nhưng, con người vẫn chưa được viên thành, chưa hoàn hảo: con người còn cần phải vượt qua nhiều giai đoạn, còn phải tiến lên đến độ trở nên giống như Thiên Chúa, còn phải tập làm quen đi lại với Thiên Chúa cho đến lúc thấy được Ngài. Theo đúng như cái định thức nổi tiếng, “vinh quang của Thiên Chúa, đó là con người sống, và sự sống của con người đó chính là nhìn thấy Thiên Chúa”.
Hành động thâu tóm biến đổi vũ trụ, lịch sử và con người trong Đức KITÔ nầy, Giáo hội vẫn cử hành nó trong mầu nhiệm Thánh Thể. Bữa ăn Chúa đan dệt nên một sợi dây liên kết giữa thiên nhiên và con người, giữa biến cố Tạo thành và biến cố Cứu chuộc, giữa biến cố Nhập thể và biến cố Phục sinh. Người Kitô-hữu gặp được ở đấy cái tụ hội niềm tin của mình và cái cụ thể hoá niềm hy vọng.
X
X      X
Suy tư về Giáo hội tông truyền và về lịch sử cứu độ nầy đã có một tầm ảnh hưởng đại kết không thể nào chối cãi được vượt quá lằn mức của cả thế kỷ thứ II. Đông phương tự nguồn gốc, Tây phương sau khi đã chọn nơi nầy làm quê hương, vị giám mục Lyon có thể bắc một nhịp cầu giữa hai thế giới Kitô-giáo mà đã trong suốt hằng bao thế kỷ qua đã trở thành xa lạ với nhau và nghi kỵ lẫn nhau. Đầy tớ phục vụ chân lý, IRÉNÉE thuộc về tất cả mọi người, vì ngài thuộc về vị Chúa tể của lịch sử.
Bruno CHENU

Bàn tay của nhà nghệ sĩ thần linh.
Bạn làm thế nào mà thành thần linh, khi bạn vẫn chưa làm được người? Bạn làm thế nào mà thành hoàn hảo, khi bạn chỉ vừa mới được tạo thành? Bạn làm thế nào mà thành bất tử, khi, trong một bản chất phải chết, bạn đã không vâng theo Đấng tạo thành? Bởi vì, trước tiên, bạn phải đứng trong hàng ngũ của con người đi đã, và rồi chỉ sau đó bạn mới được tham phần vinh quang của Thiên Chúa: vì không phải bạn là người tạo ra Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa tạo ra bạn. Vì vậy, nếu bạn là tác phẩm của Thiên Chúa, bạn hãy kiên nhẫn đợi chờ Bàn tay của người nghệ sĩ làm ra bạn, đấy chính là Bàn tay làm ra tất cả trong một thời gian thuận lợi - trong thời gian thuận lợi, tôi nhắc lại, trên cơ sở tương quan với bạn là kẻ được làm ra. Bạn hãy dâng cho Ngài một trái tim mềm mỏng và dễ bảo và hãy cứ giữ nguyên hình thức mà Nhà nghệ sĩ nầy đã ban cho bạn, nghĩa là hãy giữ sao trong mình bạn luôn có thứ nước chảy đến từ nguồn suối là Ngài và một khi thiếu thứ nước đó, trở thành khô cứng, bạn sẽ làm mất đi dấu ấn của những ngón tay của Ngài. Nhờ giữ nguyên cách cấu tạo đó, bạn sẽ tiến lên tình trạng hoàn hảo, vì nhờ nghệ thuật của Thiên Chúa, thứ đất sét ở trong mình bạn sẽ được che dấu đi. Bàn tay Ngài đã tạo nên bản thể bạn: Bàn tay đó sẽ mặc cho bạn vàng ròng và bạc, cả bên trong lẫn bên ngoài, và nó sẽ trang sức cho bạn đẹp đến nỗi chính Nhà vua cũng sẽ phải ngất ngây trước sắc đẹp của bạn. Nhưng, nếu trong khi tự làm cho mình khô cứng lại, bạn không chấp nhận nghệ thuật của Ngài và tự tỏ ra mình không bằng lòng với cái mà Ngài đã làm cho bạn thành người, do sự kiện bạn vong ân bội nghĩa với Thiên Chúa, bạn đã làm mất đi tất cả cùng một lúc: nghệ thuật của Ngài và cả sự sống: bởi vì sáng tạo là việc riêng do lòng tốt của Thiên Chúa, và được tạo thành là đặc tính riêng của bản chất con người. Vì vậy, nếu bạn dâng cho Ngài cái thuộc về bạn, tức là niềm tin vào Ngài và sự vâng phục, bạn sẽ nhận lại phúc lành từ nơi nghệ thuật của Ngài và bạn sẽ là tác phẩm hoàn hảo của Thiên Chúa. Ngược lại, nếu bạn chống lại Ngài và trốn chạy đôi Bàn tay của Ngài, nguyên nhân của tình trạng không hoàn tất của bạn là do ở bạn vì đã không tuân phục chứ không phải do ở Ngài, Đấng đã kêu gọi bạn (hoàn tất chính mình). Bởi vì Ngài đã sai người đi mời dự tiệc cưới, nhưng, những kẻ đã không nghe Ngài tự mình vắng mặt ở nơi bàn tiệc Nước Trời.
(“Contre les hérésies”, liv. 4,39, 2 - 3, traduction “Sources chrétiennes”, n0 100, Paris, Le Cerf.)


Tài liệu tham khảo:
Những tác phẩm của IRÉNÉE còn lưu lại được cho chúng ta là những tập sau đây:
·           Contre les hérésies, các tập từ 3  đến 5 đã được xuất bản      nơi “Sources chrétiennes”, các số 34, 100, 152, 153, Paris, Cerf, 1952 - 1969.
·           Démonstration de la prédication apostolique, Paris, Cerf, 1959, “Sources chrétiennes”, n0 62.
   Giữa những công trình chú giải, đây là một cuốn sách đầy đủ:
·           André BENOIT, Saint Irénée, Introduction à l’étude de sa théologie, Paris, PUF, 1960.
Và một tập sách mỏng ngắn gọn:
Jean COMBY, Irénée, Lion, Profac, 1977
Tác giả: Bruno CHENU – Marcel NEUSCH Chuyển ngữ Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Nguồn: giaolyductin.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét