Trang

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

KARL BARTH (1886 – 1968)

KARL BARTH (1886 – 1968)



Một người xây dựng đại thánh đường


Liệu có nên bắt đầu tiếp xúc với dung mạo của BARTH qua một câu truyện ngộ nghĩnh nầy không? Tính chất xác thực của giai thoại thì chưa bảo đảm, nhưng lai lịch của nó cũng đáng để được kể lại đây. Một ngày kia, người ta hỏi Giáo chủ YOAN XXIII ai là nhà thần học vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Sau khi lướt qua trong trí nhớ của mình tất cả những gì đã tiếp thu được về những kiến thức thần học, cuối cùng vị Giáo chủ tốt lành nầy trả lời: “Tôi không tin rằng đó là một nhà thần học công giáo. Tôi nghĩ rằng đó chính là Karl BARTH”. Người ta nói lại với nhà thần học Thuỵ Sĩ nhận xét nầy và ông ta đã đáp lại một cách hóm hĩnh: “Bây giờ thì tôi bắt đầu tin vào tính chất vô ngộ của Giáo hoàng!”. Và ngày đó, như thế đấy, nỗ lực đại kết đã bước được một bước khá dài về phía trước.

Từ ông bạn mục sư đến vị đại giáo trưởng thần học tín lý.


Karl BARTH sinh năm 1886 tại Bâle. Cha ông là một mục sư thuộc Giáo hội Cải cách và đồng thời là giáo sư thần học. Chắc chắn là chính dưới ảnh hưởng của người cha nầy mà lúc 15 tuổi KARL BARTH quyết định theo học thần học. Trước tiên ở Berne, rồi ở Berlin nơi ông là thính giả say mê của HARNACK, ở Tubingen, cuối cùng là ở Marburg, dưới cây gậy hướng dẫn của W. HERMANN. Lúc bấy giờ, BARTH là đồ đệ của KANT và của SCHLEIERMACHER, tiếp tục đi theo dấu chân của một thứ thần học tự do, đề cập về tình cảm tôn giáo hơn là đức tin, về con người hơn là Thiên Chúa.

Sau một chuyến ghé qua Genève nơi mà lần đầu tiên có được những kinh nghiệm mục vụ, BARTH trở thành mục sư coi xứ ở Safenwil, thuộc giáo khu Argovie. Trong khoảng 10 năm (1911 - 1921), ông sẽ phải đụng đầu với vấn đề mục vụ lớn, đó là bài giảng hàng tuần: “Làm thế nào có thể rao giảng khi mà một bên là tờ nhật báo hàng ngày và một bên là cuốn sách Tân ước?”. Thần học của BARTH luôn luôn phát xuất từ vấn đề đặt ra cho người thuyết giảng. Nhưng, chẳng bao lâu vị mục sư trẻ thấy mình dấn thân vào vùng đất chủ nghĩa xã hội và thế giới công nhân. Chính vì thế, mà ông tham gia vào việc thành lập 3 phân bộ nghiệp đoàn. Năm 1914, BARTH cảm thấy bối rối khi thấy phần đông các giáo sư thần học của mình theo chủ nghĩa bành trướng nước Đức. Đối với BARTH đó thật là sự sụp đổ của nền thần học mà ông đã nhận được, nền thần học của thế kỷ XIX. Vừa đấu tranh bên cạnh giai cấp thợ thuyền, BARTH vừa say sưa chìm đắm vào Thư gửu tín hữu Rôma. Năm 1919, xuất hiện công trình chú giải bình luận đầu tiên, rồi chẳng bao lâu sau đó, năm1922, tiếp tục ra đời công trình chú giải bình luận thứ hai. Đó quả thực là một quả bom thần học: “Thiên Chúa đã phán.” Và vị Thiên Chúa phán đó là ai? Đó là một vị Thiên Chúa siêu việt, hoàn toàn khác, Đấng đặt con người và thế giới vào cơn lốc khủng hoảng và phán xét. Giữa vị Thiên Chúa đó và con người, có một sự khác biệt thật vô cùng vô tận về phẩm chất.

Nổi tiếng với công trình chú giải và bình luận nầy, BARTH được mời làm giáo sư ở Đức. Ở Gottingen, ở Munster, ở Bonn, BARTH giảng dạy thứ thần học biện chứng nầy, luôn luôn vừa “phải” (oui) vừa “không phải” (non), nhưng chưa bao giờ đạt được một hợp đề tổng hợp. Kiểu như: “Chính như là vị Thiên Chúa không được nhận ra mà Thiên Chúa được nhận ra nơi Đức YÊSU KITÔ”. Năm 1927, BARTH bắt đầu biên soạn một bộ tín lý, bộ Dogmatique, mà sẽ trở thành tác phẩm vĩ đại nhất của đời ông, nhưng không may là nó vẫn chưa được hoàn thành, dù bản thân nó như hiện thời đã là một công trình đồ sộ, mênh mông bát ngát như biển cả đại dương (hơn 9.000 trang). Nhưng, càng ngày ông càng phải va chạm với cái thứ nguỵ giáo mới là chủ nghĩa Đức quốc xã hẹp hòi. BARTH là một trong những sáng lập viên đầu tiên của Giáo hội tuyên xưng ở Đức (Église confessante) và là biên tập viên chính của Tuyên ngôn Barmen (1934).

“Đức YÊSU KITÔ, như Kinh Thánh đã chứng thực cho chúng tôi, là Lời duy nhất của Thiên Chúa mà chúng tôi phải nghe, mà chúng tôi phải tin cậy và phải vâng lời trong cuộc sống và trong cái chết”.

Bị trục xuất ra khỏi nước Đức (1935), BARTH sống quãng đời còn lại ở Thuỵ Sĩ, tại Bâle. Ông không hề quay trở lại với bất kỳ một lập trường chính trị nào của mình ngày xưa nữa, ông chống lại chủ nghĩa Đức quốc xã của HITLER, nhưng quay qua cầu xin lòng độ lượng sau khi quân Đồng minh chiến thắng. BARTH từ chối gia nhập phe đảng chống chủ nghĩa Cộng sản vì ông nghĩ rằng giữa phương Đông và phương Tây, Giáo hội phải là một cái gì khác. Giữa những bấp bênh của thời kỳ sau chiến tranh, BARTH tiếp tục nỗ lực suy tư thần học của mình, du lịch nhiều nơi, cộng tác vào nỗ lực suy tư về phong trào đại kết mà bây giờ BARTH coi như là một vấn đề hệ trọng. Trong khi trong những tác phẩm đầu tay ông đã nói về thần tính của Thiên Chúa, bây giờ ông nhấn mạnh về nhân tính, về tình bằng hữu của Ngài đối với con người. BARTH đối thoại với giới công giáo là nơi đang có nỗ lực canh tân.

Năm cuối cùng của đời mình, BARTH có lẽ đã có thể thốt lên: “Tiếng cuối cùng mà tôi phải nói, trong tư cách là nhà thần học cũng như trong tư cách người làm chính trị..., đó là một cái tên: Đức YÊSU KITÔ.”. NELLY, vợ ông, buổi sáng ngày 10 tháng 12 năm 1968 phát hiện ra ông đã chết, trong khi trong phòng ông vẫn vang lên tiếng nhạc của MOZART, thứ âm nhạc mà BARTH vẫn thường coi như là một thứ dụ ngôn rất được ưa chuộng trong Vương quốc của Thiên Chúa.

Đây không hẳn chỉ là một trường phái mà đúng hơn đó là cả một thời đại.


Biến cố thần học vĩ đại của thế kỷ XX đã hẳn đó chính là Karl BARTH. Người ta lại đã chẳng áp dụng vào ông nhận định mà chính ông đã đưa ra khi nhận định về SCHLEIERMACHER đấy sao: “Ông không hẳn chỉ đặt nền móng cho một trường phái mà đúng hơn là cho cả một thời đại”? Dẫu sao thì đấy quả là ngôi đại thánh đường tín lý duy nhất mà chúng ta hiện có để mà tham quan.

Thật vậy, BARTH đã xây dựng cho Thiên Chúa một ngôi đại thánh đường. Nỗi đam mê của BARTH là để Thiên Chúa nói bên ngoài và bên trên những khát vọng tôn giáo của con người. Thiên Chúa là Thiên Chúa, chứ không phải là con người. “Nội dung của Kinh Thánh không phải là những ý tưởng đúng của con người về Thiên Chúa, mà là những ý tưởng đúng của thiên Chúa về con người”. Có mạc khải, và vai trò duy nhất của nhà thần học là tiếp thu cái tự trên cao nầy, từ đó làm phơi bày ra kiến trúc của mầu nhiệm Ba Ngôi, kêu gọi con người khởi hành đi từ mạc khải đó. Toàn bộ bộ tín lý (Dogmatique) là nhằm phân tích mổ xẻ đưa ra ánh sáng cách thức mà Thiên Chúa đi tìm kiếm con người, ký kết giao ước với con người và cho con người được sống cái thực tại Chúa (Seigneurie) của Đức KITÔ trong thực tại cụ thể của nhân tính của Ngài, nói khác đi, là trong Giáo hội. Trong công trình kiến trúc tín lý nầy, Đức KITÔ “vừa là khởi đầu, vừa là trung tâm, vừa là cùng đích”. Thần học chỉ có thể là một nền Kitô-học trung thành với bản chất của mình, trước sau như một (une christologie conséquente).

Tuy nhiên, chúng ta sẽ không hiểu BARTH đúng lắm nếu như chúng ta chỉ nghe ông nói “từ góc độ quan điểm của Thiên Chúa”. Nhà thần học thành Bâle vẫn luôn luôn tìm cách rao giảng Tin mừng trong hoàn cảnh chính trị, theo sát với những biến cố xẩy ra từng giờ. Đối với BARTH, giữa sự dấn thân chính trị - xã hội và việc đào sâu Kinh Thánh có một thứ quan hệ hỗ tương: cái nầy rọi sáng cái kia, nhằm tuyên xưng vị Thiên Chúa độc nhất. Chúng tôi chỉ muốn đưa ra đây một bằng cớ đó là câu BARTH trả lời cho những người tổ chức một tập đoàn lớn những người Đức cực kỳ bảo thủ năm 1966: “Liệu các ông có sẵn sàng tổ chức một phong trào và dự kiến một cuộc meeting tương tự chống lại việc trang bị vũ khí nguyên tử có thể xẩy ra ở Tây Đức, chống lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam, và cách thức mà người Mỹ, đồng minh của Tây Đức, hiện đang tiến hành ở đấy, chống lại những cuộc biểu tình dữ dội và liên miên của bọn người theo chủ nghĩa bài Do Thái với những hành động vi phạm đến những phần mộ tại Tây Đức, nhằm đưa đến một thoả hiệp hoà bình giữa Tây Đức và các nước Đông Âu, tôn trọng những ranh giới quốc gia đã được quy định năm 1945? Nếu hành động tuyên xưng đúng đắn của các ông về Đức KITÔ đã chết và sống lại vì chúng ta, như Kinh Thánh chứng thực, bao hàm điều đó và biểu lộ điều đó, đó quả thật là một hành động tuyên xưng tốt và quý giá, sẽ mang lại những thành quả; nếu như nó không bao hàm điều đó và không biểu lộ điều đó, đó là hành động tuyên xưng không tốt cho dù nó có cái dáng vẻ bề ngoài đúng đắn hợp lý, ngược lại, đó là một thứ tuyên xưng chết, rẻ tiền, gạn lọc những con muỗi nhưng lại nuốt trửng những con lạc đà như bọn Biệt phái thời Đức YÊSU”. Phải đối đầu với những trò chính trị, thần học của BARTH bao giờ cũng là kết quả của một cuộc đấu tranh không khoan nhượng đối với những nhân vật suy tư thần học đương thời, từ BRUNNER cho đến BULTMANN.

Có lẽ đúng là hiện nay chúng ta không còn ở trong bối cảnh phải tuyên xưng như hoàn cảnh của BARTH trong những năm 30. Có lẽ đúng là cái thời của những nhà thần học tín lý uy nghiêm đã lùi vào dĩ vãng sau lưng chúng ta. Nhưng, chẳng có gì ngăn cản, nếu chúng ta muốn đi lại tiếp xúc với người chứng nhân trước sau như một về lòng tốt của Thiên Chúa nầy, vì BARTH vẫn còn có thể xây dựng và động viên chúng ta. Cũng như Yoan Tẩy Giả trong bức tranh Passion của GRUNEWALD choán hết cả cái bàn làm việc của BARTH, con người nầy cũng chỉ cho chúng ta thấy Chúa.
Bruno CHENU

Thiên Chúa thật và con người thật.


Ở nơi Đức YÊSU KITÔ, như Kinh Thánh chứng thực, chúng ta không dính líu gì tới chuyện con người theo nghĩa trừu tượng cả: ở đó không có vấn đề về một con người tự thoả mãn với chính mình với một chút vốn liếng về tôn giáo và luân lý tôn giáo của mình, và thế là đã trở thành Thiên Chúa; đồng thời cũng chẳng có vấn đề về một vị Thiên Chúa trừu tượng, có nghĩa là tách biệt ra khỏi con người ở lì trong thần tính của mình, xa cách và xa lạ, và vì thế cũng chẳng còn gì là con người nữa mà có thể nói đó là cái gì phi nhân. Ở nơi Đức YÊSU KITÔ, con người không phải bị khép kín để rồi chẳng còn có thể hướng về trời cao và Thiên Chúa lại càng không thể như thế nữa để rồi chẳng còn để ý gì đến trần thế. Nơi Ngài, một lịch sử đang diễn ra, một cuộc đối thoại bắt đầu, trong đó Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau và cùng ở chung với nhau, trong cái thực tại giao ước đã được ký kết, đã được tuân thủ và được hoàn thành vì nhau. Trong ngôi vị của mình, Đức YÊSU đích thực là Thiên Chúa thật của con người và, như là con người thật, là người đồng diện trung thành của Thiên Chúa; Ngài đồng thời vừa là vị Chúa tể hạ mình xuống thông hiệp với con người, vừa là người đầy tớ được nâng lên cao hiệp thông với Thiên Chúa; Ngài là Lời được tiên báo từ cõi bên kia, nơi chốn cao xa nhất và sáng chói nhất, đồng thời cũng là Lời được tiếp nhận ở bên nầy, nơi sâu thẳm nhất và mịt mùng nhất: cái bên nầy cũng như cái bên kia đều ở trong Ngài, không lẫn lộn nhưng lại càng không xa cách nhau, cả hai đều vẫn giữ nguyên bản chất của mình. Chính trong thực tại hiệp nhất nầy mà Đức YÊSU KITÔ là Đấng trung gian, hoà giải giữa Thiên Chúa và con người, đòi hỏi và kích thích niềm tin, tình yêu và hy vọng của con người, can thiệp từ phía Thiên Chúa và thay thế con người làm vui lòng Thiên Chúa, đồng thời kêu xin Thiên Chúa cho con người nầy. Như vậy, Ngài là người thông báo và bảo đảm cho con người ân sủng tự do của Thiên Chúa, cũng như, cũng vậy, Ngài chứng thực và bảo đảm với Thiên Chúa lòng biết ơn tự do của con người. Vì thế, Ngài thiết lập trong ngôi vị của mình quyền của Thiên Chúa trên con người và đồng thời quyền hạn của con người trước Thiên Chúa. Trong ngôi vị của mình, Ngài là giao ước toàn bích, là Vương quốc Thiên Chúa đã đến gần, nơi Thiên Chúa nói và con người lắng nghe, Thiên Chúa đồng ý ban cho và con người tiếp nhận, Thiên Chúa truyền lệnh và con người tuân hành, nơi mà vinh quang Thiên Chúa toả sáng ra đến những nơi cao xa vời vợi - nhưng, đồng thời từ chốn cao xa ấy toả sáng xuống tận những miền sâu thẳm - và là nơi mà hoà bình trở thành một biến cố trên trái đất giữa những con người mà Ngài vui thoả. Trong vị thế đó, như là Đấng trung gian, hoà giải giữa Thiên Chúa và con người, Đức YÊSU KITÔ cũng là Đấng mạc khải bên nầy cho bên kia và ngược lại. Cái mà Thiên Chúa thực sự là, cũng như cái mà con người thực sự là, chúng ta không được tìm kiếm lung tung, phó mặc cho may rủi hoặc tự mình vẽ vời ra mà phải khám phá nó ở nơi mà cả hai điều nầy cư ngụ: đó là nơi Đức YÊSU KITÔ, nơi mà thực tại cả hai cùng hiện hữu và giao ước của cả hai bên đạt đến tình trạng toàn bích đã được giới thiệu cho chúng ta.
(L’humanité de Dieu, Genève, Labor et Fides, 1956, pp. 21-23)

Tài liệu tham khảo:


Mong bạn cho phép chúng tôi khỏi phải kê khai ra đây tất cả mọi tác phẩm của BARTH... Chúng tôi chỉ ghi lại đây ít tác phẩm có ý nghĩa hơn cả:
·      L’Épitre aux Romains, Genève, Labor et Fides, 1972    (éd. De 1922).
·      Parole de Dieu et Parole humaine, Paris, Les Bergers et les Mages, 1966, 2e éd.
·      Dogmatique, Genève, Labor et Fides, 1953 - 1970.
·      Introduction à la théologie évangélique, Genève, Labor et Fides, 1962.
·      L’Église, Genève, Labor et Fides, 1964.
·      La théologie protestante au XIXe siècle, Genève, Labor et Fides, 1969.
Hai tập sách nhỏ sau đây có thể giúp bạn bắt đầu tập làm quen với tác phẩm của BARTH:
·      Esquisse d’une dogmatique, Genève, Delachaux et Niestlé, 1950 (repris en 1968 dans la collection “Foi vivante”)
·      L’Humanité de Dieu, Genève, Labor et Fides, 1956.
Cuốn tiểu sử về BARTH khá nhất là của người thư ký cuối cùng của BARTH:
·      Eberhard BUSCH, Karl Barths Lebenslauf, Munich, Chris- tian Kaiser Verlag, 1975.
Đây là một vài quyển sách bằng Pháp ngữ:
·      Henri BOUILLARD, Karl Barth, 3 vol., Paris, Aubier, 1957.
·      Georges CASALIS, Portrait de Karl Barth, Genève, Labor et Fides, 1960.
Heinz ZAHRNT, Aux prises avec Dieu. La théologie protestante au XXe siècle, Paris, Cerf, 1969.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét