Trang

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

TRIẾT HỌC, Cô đầy tớ ngang ngạnh

TRIẾT HỌC, Cô đầy tớ ngang ngạnh



Giữa triết học và thần học thường vẫn xẩy ra những cuộc tranh chấp về biên giới: những tuyên cáo trục xuất làm đậm nét thêm lịch sử về quan hệ giữa chúng với nhau. Suy tư về kinh nghiệm sống của người tín hữu, thần học đã phải đụng đầu rất sớm với triết học như một đối thủ cũng tự cho mình có một sứ điệp để nói về hiện sinh của con người. Khi Thánh PHAOLÔ đề nghị với người Hy Lạp “rửa tội” nền văn hoá của họ, thì đấy đã là cả một thất bại. PHAOLÔ sẽ rao giảng “sự khôn ngoan của thập giá”, xì-căng-đan đối với những người Do Thái là những người rất am tường về Kinh Thánh của mình, sự điên rồ đối với dân ngoại là những kẻ vẫn ưa thích những cái hiển nhiên của triết học hơn.

Hai trào lưu xuyên suốt giòng lịch sử Kitô-giáo.

Tuy nhiên, vẫn chưa có gì đã được giải quyết ổn thoả cả đâu. Có hai trào lưu sẽ xuyên suốt giòng lịch sử Kitô-giáo, một thì thù nghịch với triết học, còn một thì ân cần đón nhận. Khuynh hướng thứ nhất chỉ muốn biết có ĐỨC YÊSU KITÔ mà thôi: người ta không thể tìm chân lý ở nơi đâu khác hơn là chính ở trong Tin mừng. Thái độ khước từ nầy, thường thường lại xuất hiện từ nơi những con người có một đời sống thiêng liêng sâu sắc, xuyên suốt tập sách “GƯƠNG CHÚA YÊSU KITÔ” (Imita- tion de Jésus Christ). Tập sách đạo đức Kitô-giáo bán chạy nhất nầy, ra đời ở thế kỷ XV, khuyên nhủ người ta gạt qua một bên những tiếng nói thiếu chắc chắn của triết học, để trao mình cho chính chân lý dạy dỗ mình.

Truyền thống nầy vẫn còn tồn tại trong giáo thuyết thệ phản. Từ LUTHER cho đến BARTH, nó vẫn sống với thái độ dè dặt cảnh giác đối với triết học, thường vẫn được tô vẽ thêm sắc thái. KANT, dưới ảnh hưởng của khuynh hướng chỉ biết sùng đạo (piétisme) và khuynh hướng thực nghiệm kết hợp với hoàn cảnh, đã ngữ thức hoá nó thành những từ kinh điển, mà ngày nay đã được Murice CLAVEL bình dân hoá. KIERKEGAARD  đã có những định thức nền tảng nhằm bác bỏ thẳng tay tất cả mọi thứ quyền hạn của con người khi đối diện với Thiên Chúa: “Cần phải khoá miệng lý trí lại bằng sức mạnh, bằng kỷ luật, bằng đe doạ hình phạt đời đời”. Về phía công giáo, PASCAL vẫn còn là người đại diện tiêu biểu cho thái độ khăng khăng chỉ biết có niềm tin nầy. Với thái độ bướng bỉnh hoàn toàn không chấp nhận bất kỳ một thứ minh giáo kiểu thế gian nào, PASCAL ném vào sọt rác tất cả mọi loài chứng cớ: “Cái làm cho người ta tin, đó chính là thập giá!”

Tuy nhiên, vẫn có một trào lưu khác phát triển bên trong Kitô-giáo đã thử tìm cách làm cho cái “giao ước riêng của người Hy Lạp” (triết học) hoà hợp với giao ước do Đức YÊSU KITÔ đã tặng. Có thể nói đó là một truyền thống rất cổ. Thánh JUSTIN (giữa thế kỷ II), triết gia ngoại giáo trở lại Kitô-giáo, đã đem hết khả năng chuyên môn triết học của mình phục vụ đức tin. Trải qua các thế kỷ các nhà thần học kể từ đó mở cửa tiếp đón triết học. Càng ngày càng có thêm nhiều cuộc “rửa tội”, nổi tiếng nhất là cuộc “rửa tội” triết học của PLATON do thánh AUGUSTIN, cuộc “rửa tội” triết học của ARISTOTE do thánh THOMAS, đó là chưa kể những cuộc “rửa tội” mới đây nhất tư tưởng triết học của DESCARTES, của KANT, của HEI- DEGGER. Khuynh hướng nầy chiếm được cảm tình từ phía Giáo hội công giáo, người đã làm cho triết học trở thành một nhịp mạnh trong công tác giáo huấn của mình.

Nhằm ngỏ lời với những khuynh hướng duy tín (fidéismes) chủ trương từ chối không cho đức tin quan hệ với lý trí, cuối cùng, chỉ dẫn đến chỗ sản sinh ra thái độ hoài nghi trong tôn giáo, Công đồng Vatican I xác định sự lựa chọn nầy: Thiên Chúa có thể được biết và được chứng tỏ dựa trên cơ sở những công trình của Ngài, nhờ “lý trí tự nhiên của con người sa ngã”. Không phủ nhận những khó khăn trong quá trình đạt đến đó, Công đồng Vatican I như vậy là xác nhận lối đi cho triết học, lối đi không phải nghịch chiều nhưng là đồng hành với đức tin. Vatican I chấp nhận triết học nhưng với điều kiện triết học phải là một người đầy tớ hữu ích. Nhưng, triết học, thì lại ngày càng trở nên một người đầy tớ nổi loạn.

Ném ra xa ách thống trị của thần học.

Trong quá trình phục vụ thần học, tính chất độc lập bị tước đoạt, triết học cảm thấy mình bị tha hoá. Thời Trung cổ được cắm mốc như là giai đoạn bắt đầu có những cuộc nổi loạn chống lại tình trạng nô dịch nầy. Thế kỷ XVIII mới chính là lúc triết học thực sự phục thù và đòi cho được vị trí là người hoa tiêu. Từ vị trí nô lệ, thần học bảo gì làm nấy, triết học tự tuyên bố độc lập. Còn hơn thế nữa, nó tự chuyển sang vị thế quan toà và từ nay nhốt giam thần học trong những nhà tù tối tăm của thái độ ngu dân.

Nếu HEGEL đã thử bắt tay thực hiện một nỗ lực khổng lồ nhất trong thời đại mới nầy là phục hồi quyền công dân cho đức tin, nhân danh chính lý trí, nỗ lực thể nghiệm dàn hoà đó xem ra vẫn không có mấy tương lai. Được giải phóng rồi, triết học đi theo con đường của mình, từ chối tất cả mọi thứ liên minh thoả hiệp với thần học, truy quét tất cả những gì còn sót lại của cái di sản cổ xưa (cái di sản mà đã cho ra đời đứa con hoang là tinh - thần - luận - ontothéologie - mà đã bị HEIDEGGER tố cáo), hờ hững chẳng quan tâm gì đến những lời mời gọi trở về cùng chung sống của thần học. Triết học và thần học là những hành tinh xa cách nhau: sống ở hành tinh nầy có nghĩa là bị cấm thôi không được sống ở hành tinh kia nữa. Đó là ý nghĩa câu nói hóm hỉnh của HUSSERL: “Tôi có một cuốn sách Tin mừng để trên bàn, nhưng không bao giờ mở nó ra, bởi vì, nếu tôi mở nó ra, là thôi, tôi hết suy tư triết học”.

Nhà triết học phải có gan “lục vấn cho đến kỳ cùng”, gác ngoài tai lời giải đáp của người Kitô-giáo. Tính chất độc lập nầy có thể trở thành nguồn phong phú cho thần học. Những chân trời mới nổi lên kêu mời thần học phải có những cuộc khởi hành mới. Đối với thần học, không nên có chuyện ném tất cả vào một bọc, kết liên với mọi thứ, như vẫn thường xẩy ra nơi một số  nhà thần học vụng về trong việc thích nghi với cái mới. Công đồng Vatican II dấn thân vào đối thoại:

“Ngay từ buổi đầu lịch sử của mình, Giáo hội đã tập quen diễn tả sứ điệp của Đức KITÔ bằng cách sử dụng những ý niệm và những ngôn ngữ của nhiều dân tộc khác nhau. Và, hơn nữa, Giáo hội đã nỗ lực cố gắng làm cho sứ điệp đó có giá trị nhờ sự khôn ngoan của các triết gia, điều nầy là nhằm thich nghi Tin mừng, trong những giới hạn thích hợp và nhằm cho mọi người đều có thể hiểu được và nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà khôn ngoan, thông thái. Sự thật mà nói các lối sở đắc được để rao báo lời mạc khải nầy phải vẫn là quy luật cho tất cả mọi nỗ lực phúc âm hoá...” (Gaudium et Spes, 44).

Một thần học bị căng thây.

Nỗ lực thích nghi vào các nền văn hoá nầy không phải là không có nguy cơ bị nổ tung. Trước tiên là vì thần học không còn chỉ phải đối diện với một hệ thống triết học, mà phải đối diện với một “con quái vật có nhiều đầu, mà mỗi cái đầu nầy lại nói bằng một thứ ngôn ngữ khác nhau” (SCHOPENHAUER). Hơn nữa, còn nhiều bộ môn khác nữa đã ra đời, với những phương pháp mới (nhân chủng học, ngữ học, vv...). Tất cả mọi bộ môn đều tranh nhau ra ứng cử vào ngôi khoa học - nữ hoàng. Nếu thần học muốn vẫn luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng đối thoại, thần học phải trở nên đa dạng, phải vứt bỏ khỏi mình những thứ quả quyết chắc nịch rẻ tiền không đâu vào đâu và sẵn sàng để đón nhận cũng như để cho. Với khoa chú giải, thần học phải học lại cách đọc Lời của Thiên Chúa, với những khoa học về con người, thần học phải phát giác những chiều kích mà không ai còn nghi ngờ gì nữa. Thần học phải tự cởi mở mình ra với tình trạng dị biệt.

Đấy quả là một tình thế không mấy thuận lợi: thần học không còn chiếm giữ vị trí thống trị, không còn có đủ khả năng để lùa tất cả những chú ngựa hoang tư tưởng về trong cái vòng cương toả của mình nữa. Chính bản thân thần học xem ra cũng chỉ như là một lối giải thích giữa những lối giải thích khác, đang cạnh tranh với nó và cũng tự cho mình có một hệ thống mạch lạc không kém gì thần học. Theo nghĩa nầy, cần phải thừa nhận, cùng với NIETZSCHE, rằng thế giới lại trở nên vô cùng vô tận, mở toang ra đón nhận không giới hạn những giải thích mà không một lối giải thích nào trong đó có quyền ưu tiên là cái có khả năng thâu tóm tất cả.Thật quả là “một chuyện buồn cười khi huyênh hoang tự đắc phán rằng chỉ có từ cái góc  xó nhỏ bé của chúng tôi người ta mới có quyền có được một cái nhìn phối cảnh” (NIETZSCHE).Một thái độ khiêm tốn chừng mực là điều kiện cho bất cứ một cuộc đối thoại nào.

Tuy nhiên,thần học sẽ phản bội lại với ơn gọi của mình,nếu như  thần học giữ thái độ lặng thinh và coi tất cả mọi nhãn giới đều có giá trị tương đương như nhau. Thần học đồng thời có hai chức năng: phê phán và kiến tạo, nhưng phải làm sao để không xâm phạm đến tư thế độc lập của những bộ môn khác. Trong tư cách là người phê phán, thần học có nhiệm vụ phát giác nơi toàn bộ suy tư của loài người những giới hạn làm què quặt hình ảnh con người; thần học cũng có nhiệm vụ phải tạo ra những lỗ hổng cho phép con người vượt qua. Với tư cách là người kiến lập, thần học có nhiệm vụ mở rộng không gian ra, tạo điều kiện cho con người đi về với Thiên Chúa và phải cương quyết bóc gỡ ra tất cả mọi thứ nhãn hiệu (“décollement décisif”, G. MARCEL) trả về lại cho Thiên Chúa cái tên đích thực của Ngài trong Đức YÊSU KITÔ.

Đặc ân quá mức cho thần học? Không. Thần học luôn luôn sẽ phải sống một tình trạng căng thẳng, căng thây ra, cùng với triết học tạo thành tư thế “như hai tay cánh tay giăng ra trên thập giá” (PRADINES). Đàng khác, tính chất xác thực của nó không hẳn hệ tại ở chỗ nó sẽ cung cấp những lời giải đáp mà nó có thể đưa ra cho bằng là những vấn đề mà nó sẽ có khả năng đảm nhận. Cũng như bất kỳ cuộc tìm kiếm nào của con người, số phận của thần học là thân phận bất an.

Marcel NEUSCH
----------------------------------

Nhà thần học được mời gọi lên đường làm những  cuộc hành trình mới.

Vì thế, kìa! Nhà thần học đang rảo khắp từ thành nầy sang thành nọ, hy vọng ở đấy sẽ gặp được một sự đón tiếp nồng hậu. Ông ta tự biến mình thành nhà triết học, tự biến mình thành nhà xã hội học, nhà marxít học, nhà ngữ học. Ông ta tự biến mình thành tất cả mọi sự để mong được là một cái gì đó (cho tất cả mọi người, ctnd).

Và mỗi lần như thế, nhà thần học lại có nguy cơ đánh mất đi một chút bản thể của mình; ông ta không đạt được bao nhiêu kết quả trong nỗ lực vãn hồi lại phương án đầu tiên của mình; và có lẽ lại xẩy ra tình trạng ông ta ngày càng phải tự đặt ra cho mình câu hỏi mà trong tư cách nhà thần học ông ta đã chưa bao giờ thực sự đặt ra cho mình: tất cả những cái đó có nghĩa gì? Là gì, cái niềm tin vào Đức KITÔ mà tôi vẫn cứ phải lao tâm mệt sức để làm cho nó suy tưởng và có thể suy tưởng được? Sự thật có tính chất quyết định và thực sự có công hiệu của nó là gì?

Giới hạn: đó là phi-thần học (la non-théologie), sự chấm dứt của thần học như là thần học. Thái độ phi-thần học (...) quả là đáng kính, đối tượng quan trọng cho những cuộc nghiên cứu, nhưng hoàn toàn không còn tính chất thời sự. Đó là thứ tư tưởng chết.

Quả là kỳ quái, nhà thần học mà lại không còn tin vào thần học nữa, nhà thần học mà với khí giới và những hành trang hoặc đúng hơn là hoàn toàn mình trần thân trụi lại bỏ đi qua không màng gì tới những bộ môn hay những lý thuyết mà ông ta vẫn muốn nối kết lại với cái của riêng mình.

Không phải ngẫu nhiên nếu, ở nhiều nơi khác nhau hoặc dưới những hình thức khác nhau, đang rõ nét lên một khuynh hướng duy tín-mới (néo-fidéisme).

Nhưng, để cho cái chức năng mà thần học đã đảm nhận phải chu toàn, một cách ma thuật, biến thành vô ích không cần thiết, mà chỉ có việc thôi không còn suy tư thần học nữa là không đủ. Niềm tin mà không có tư tưởng trở nên bở tơi dễ rã, đến lượt mình niềm tin trở thành đối tượng nghiên cứu đối với những tư tưởng hoạt năng và có công hiệu. Chính bản thân thực hành vẫn đi tìm cái để mà tham chiếu từ phía những lý thuyết vẫn soi sáng cho nó. Và niềm tin vào Đức YÊSU KITÔ thì bị treo lơ lửng ở giữa trời không, bản thân niềm tin là một thứ êther; không bao lâu nữa người ta đi ca tụng chứng cấm khẩu-khai mào cho bầu không khí im lặng hoàn toàn. Vậy thì, đâu là sức mạnh tạo niềm vui của Tin mừng? (...)

Sẽ là nỗi bất hạnh trong các nỗi bất hạnh, đối với thần học, đó là, vì tự khép mình trong những chuỗi dài bất tận của những xích mích xung đột lẫn nhau của những ngày qua, tự làm cho mình bị kẹt cứng giữa cái thái độ tự đắc chỉ biết dẫm chân tại chỗ, nhai đi nhai lại một điều, không chịu xê xích một chút gì và tình trạng choáng váng tâm thần không còn nhận ra được bất kỳ một cái gì khác, chúng ta không nhận ra được cái công trình vĩ  đại mà có lẽ vẫn ở đấy, trong tầm tay với - nếu chúng ta đi tới đấy.

(Maurice BELLET, “Le voyage du théologien”, dans l’ouvrage collectif  Le déplacement de la théologie, Paris, Beauchesne, 1977, pp. 159 et 168, coll. “Le point théologique” 21.)

-----------------
Tài liệu tham khảo:
- Collectif, Science et foi, Paris, Fayard, 1960.
- Étienne GILSON, Introduction à la philosophie chrétienne, Paris, Vrin, 1960.
- Étienne GILSON, Le philosophe et la théologie, Paris, Fayard 1960.
- Jacques MARITAIN, Humanisme intégral, Paris, Aubier, 1936.
- Roger MEHL, La théologie protestante, Paris, PUF, 1966, coll. “Que sais - je? ”, n. 1230.
- Maurice MERLEAU-PONTY, Éloge de la philosophie, Paris, Gallimard, 1953.
- Georges MOREL, Questions d’homme: l’Autre, Paris, Aubier- Montaigne, 1977.
- Charles WACKENHEIM, Christianisme sans idéologie, Paris, Gallimard, 1974.

Tác giả: Marcel NEUSCH - Người dịch: Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét