Trang

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

THÁNH AUGUSTIN (354 – 430)

THÁNH AUGUSTIN (354 – 430)



Một tư tưởng đã thống trị phương TÂY.


AUGUSTIN dự phần vào cái thời đại hoàng kim (thế kỷ IV) đã cống hiến cho Giáo hội những Giáo phụ, những con người khai sơn phá thạch mà ảnh hưởng của họ vẫn xuyên suốt giòng lịch sử của Giáo hội. Trong số các Giáo phụ nầy, không ai có đủ thẩm quyền hơn AUGUSTIN, “người duy nhất trong các Giáo phụ mà sức mạnh tâm linh vẫn còn tồn tại mãi cho đến ngày nay” (Von CAMPENHAUSEN). Khác với IRÉNÉE, AU- GUSTIN chính cống gốc Latinh. Chính ngài là người đã định hình cho những độ sâu của ý thức phương Tây.

Nhà hùng biện trở thành giám mục:


Sinh ra trên mảnh đất vùng Bắc Phi (Thagaste), tuổi trẻ của AGUSTIN trôi qua trong quay cuồng và náo nhiệt. Tham vọng trở thành một tu viện trưởng trẻ đã dẫn đưa AUGUSTIN tới Rôma, rồi Milan. Ở đấy, dưới ảnh hưởng của mẹ là bà MONICA và của giám mục AMBROISE, AGUSTIN chịu lãnh bí tích Thanh tẩy (386). AUGUSTIN bắt đầu tập tễnh làm quen với một thứ Kitô-giáo thấm đậm một cách sâu sắc và mạnh mẽ thuyết Tân PLATON. Giáo hội Milan bước đầu đã tìm ra được một công thức tổng hợp đầu tiên giữa Tin mừng và thuyết Platon. AUGUSTIN chỉ là người sẽ tiếp tục nỗ lực đã có trước đó, nhưng người ta lại vẫn buộc tội ngài, đôi khi một cách bất công, chính là người phải chịu trách nhiệm về cái tội thông đồng nầy.

Sự trở lại, đối với AUGUSTIN, có nghĩa là phải bắt đầu lại để sống một kiểu sống mới. AUGUSTIN thôi không còn đeo đuổi nghề hùng biện, từ bỏ ý tưởng lập gia đình, đi tìm bầu không khí yên tĩnh nơi chốn đồng quê thôn dã. AUGUSTIN tập trung quanh mình những nhà trí thức để cùng với họ chia sẻ kinh nguyện và học tập. Một vài tập sách viết theo thể đối thoại chứng thực cho chúng ta biết sinh hoạt của ngài. Kinh nghiệm nầy thất bại. AUGUSTIN lên đường đi Châu PHI. Thân mẫu ngài mất tại Ostie, trước khi ngài đến nơi. Từ khi trở lại Thagaste, AUGUSTIN quay trở về với ý định sống đời tu dòng. Nhưng rồi, một ngày đẹp trời (391), AUGUSTIN “bị đầu độc trở thành linh mục” và việc đó cuối cùng “dẫn ngài tới chức giám mục”. Ngài sẽ là giám mục Hippone.

Cuộc đời của AUGUSTIN thường xuyên phải ở trong một trạng thái bị giằng co giữa ước muốn sống đời ẩn dật (“sống hạnh phúc chỉ bầu bạn với những tư tưởng của mình”) và niềm mê say tận hiến cho một dân tộc bao giờ cũng mong mỏi chờ đợi ở ngài (“sống với những con người và giúp đỡ họ”). Tình trạng giằng co căng thẳng lành mạnh đó đã giúp AUGUSTIN khám phá ra rằng, nếu Giáo hội hiệp thông với huyền nhiệm Đức KITÔ, nếm được hương vị ngọt ngào nơi Lời của Ngài, Giáo hội cũng chính là nơi gặp gỡ cụ thể của con người trong một tác vụ bác ái.

Một nhà tư tưởng suy tư từ trong những trạng huống:


Trừ một vài tập sách triết học viết theo lối đối thoại, tác phẩm của AUGUSTIN chứng tỏ ngài là một nhà tư tưởng dấn thân, không quan tâm gì lắm đến việc nhằm đưa ra một hệ thống tư tưởng. AUGUSTIN đã viết là vì do yêu cầu của môi trường sống đặt ra, liên quan đến giáo thuyết, đến sứ mạng, số phận của các công dân của ngài. Đó là một công trình được ghi dấu bởi những hoàn cảnh, nhưng không cấu kết với chúng. Từ Hippone, AUGUSTIN toả sáng ra khắp phương Tây.

Giảng thuyết (có 500 bài giảng còn giữ lại được), thư từ (218 thư, trong số nầy có vài bức thư mang tầm cỡ như những khảo luận) tranh luận công khai, đó là cả một đống những cái lo công việc hằng ngày của đời sống giám mục của ngài. Có gì đáng ngạc nhiên khi bản thân AUGUSTIN cảm thấy đó quả thật là một “gánh nặng”? Có nhiều khảo luận công kích thẳng địch thủ. AUGUSTIN viết “chống lại”: những người theo nhị nguyên thuyết của MANICHÉE mà có thời chính bản thân ngài cũng đã từng san sẻ lập trường, những người theo Ảo ảnh thuyết của DONAT chia rẽ Giáo hội, những người theo giáo thuyết của PÉLAGE đề cao tự do đến mức phủ nhận ân sủng. Là đối thủ lịch thiệp, nhưng cũng thật đáng gờm, AUGUSTIN hạn hữu lắm mới là tù nhân của bút chiến.

Điều đáng ngạc nhiên nhất là làm sao AUGUSTIN còn có đủ thời giờ để viết được 3 kiệt tác mà đã làm cho ngài được xếp vào hàng bậc thầy trong nghệ thuật tư tưởng của tất cả mọi thời:

-  Les Confessions “Những lời tự thú” (397): Tác phẩm nổi tiếng nhất và được người ta bắt chước nhiều nhất trong các tác phẩm của AUGUSTIN. Ở đây, AUGUSTIN không hẳn là viết hồi ký nhằm thoả mãn tính tò mò cho bằng là một hành động tạ ơn dâng Thiên Chúa (“Chúc tụng Ngài, đó là điều mà một con người muốn!”). Sự vĩ đại của Thiên Chúa và nỗi yếu đuối của con người tạo nên mạng chỉ khổ của tác phẩm nầy (“Điều thiện ở nơi tôi là tác phẩm của Ngài, điều ác chỉ xuất phát tự tôi mà thôi”).

-   La Trinité, “Mầu nhiệm BA NGÔI” (thời điểm sáng tác không chắc chắn): tác phẩm bộc lộ cho thấy phương pháp suy tư thần học của AUGUSTIN (“Hãy hiểu rằng bạn phải tin để mà hiểu!”). Không có một tham vọng nào nhằm múc Đại dương đổ vào cái lỗ đào trên bờ biển, nói theo ngôn ngữ của khoa ảnh tượng học thời Trung cổ, nhưng vẫn phủ nhận lập trường duy tín (fidéisme) và vẫn mong muốn đào sâu thêm ý nghĩa của huyền nhiệm nầy với tất cả trí khôn của mình.

-   La Cité de Dieu, “Đô thành của Thiên Chúa” (được bắt đầu năm 413): khảo luận thần học đầu tiên về lịch sử. Một câu hỏi được đặt ra ngay: Làm thế nào mà Thiên Chúa đã có thể cho phép Rôma sụp đổ (410)? Bỏ rơi những thần linh cũ để rồi tin theo Thiên Chúa của người Kitô-hữu lại chẳng là việc làm quá vội vã sao? Đối với AUGUSTIN, các đô thành trần gian, tất cả, đều cùng chung số phận phải diệt vong. Chỉ có Đô thành của Thiên Chúa, xây dựng trên nền tảng tình yêu Thiên Chúa, mới là đô thành rồi sẽ chiến thắng khải hoàn. Người Kitô-hữu không hoảng hốt: vì biết rằng “cuộc sống trần gian là nhà tập của cuộc sống đời đời”.

Quy tụ tất cả về Thiên Chúa:


AUGUSTIN đã đụng đến tất cả mọi vấn đề trong thời đại của mình. Tư tưởng của ngài dẫu vậy vẫn còn hướng để triển khai. Tuy nhiên có điều là tư tưởng nầy dựa trên cơ sở lý luận triết học của PLATON. Có một tư tưởng mãi mãi vẫn còn giá trị: con người hiện hữu trong tương quan sự sống với sự sống của Thiên Chúa Đấng trao ban cho nó tính thể (l’être). Sức bật thầm kín hướng con người về với Thiên Chúa là tâm trạng thao thức, bất an ở nơi con người.

Linh hồn ở vị trí trung gian giữa một thế giới bên dưới mà nó có thể sử dụng và Thiên Chúa, Đấng chính là hạnh phúc của nó và là Đấng tự hiến dâng cho niềm lạc thú của linh hồn. Tính thể luận (l’ontologie) của AUGUSTIN đơn giản: tất cả mọi tính thể đều phát xuất từ Thiên Chúa và được chuyển đến linh hồn và thân xác: “Thân xác tôi sống nhờ linh hồn tôi, linh hồn tôi sống nhờ Thiên Chúa”. Ứng với cấu trúc tính thể nầy, phải có một nguyên động lực hướng đích để hiện tồn (dynamisme existentiel) mà con người được tự do đảm nhận, đó là nỗ lực thoát xác, tự nội tâm hoá và quy thăng về Thiên Chúa. Thiên Chúa tự mạc khải mình ra như là “Đấng Vĩnh cửu ở trong thâm cung” (l’Éternel intérieur). Quá trình quay trở về như thế là một quá trình biện chứng.

Nhưng, cần phải có ân sủng. Tự bản thân mình, con người không có khả năng quay trở về với Thiên Chúa. Tội lỗi của con người đã đưa con người đến một tình trạng vong thân bị khống chế bởi dục vọng (libido), đích thực là thứ tam nguyên phản động chống lại Ba Ngôi (antitrinité) (nhục cảm - tò mò - kiêu căng). Hình ảnh về Ba Ngôi chỉ có thể được tỏ lộ ra nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa. Dựa trên những dấu hiệu bên ngoài được biểu lộ ra chính trong biến cố Nhập thể, Thiên Chúa báo cho con người biết “những dấu chỉ” để quay trở về với chính nội thân của bản thân mình hầu khám phá ra Thiên Chúa ở đấy: bạn hãy quay trở về với trái tim của mình!

Tình trạng căng thẳng của một giòng tư tưởng sống:


Nếu tất cả đều là công việc của Thiên Chúa, thì đâu là chỗ đứng của tự do? Chống lại những người theo nhị nguyên thuyết phủ nhận trách nhiệm của con người, AUGUSTIN bênh vực cho tự do: dù yếu đuối đến đâu đi nữa, con người vẫn không bao giờ là đồ chơi cho một thứ định mệnh vô danh. Nhưng, chống lại những người theo giáo thuyết của PÉLAGE cho rằng chỉ con người mới là kiến trúc sư của định mệnh của mình, AUGUSTIN bênh vực cho ưu thế tuyệt đối của ân sủng: sự cứu rỗi luôn luôn là một ân huệ. Chống lại những địch thủ phủ nhận những cái đó, AUGUSTIN tuần tự bênh vực cho tự do và ân sủng mặc dù nỗ lực nối kết hai phạm trù nầy lại với nhau không thành công.

Những quan điểm nầy của AUGUSTIN trong suốt giòng lịch sử sẽ bị làm cho trở thành cứng ngắc và mang một dáng dấp què thọt. LUTHER và CALVIN sẽ từ đấy rút ra một thứ giáo lý về ơn công chính hoá; những người theo giáo thuyết của JANSEN (Cornélius) sẽ gán ghép vào chúng những luận đề về sự tiền định, khiến ân sủng chống lại tự do. Đối với AUGUSTIN, vừa có ân sủng vừa có tự do: con người không phải đơn thuần chỉ là một con người hư vị; nhưng, ân sủng đi xa đến nỗi xuyên qua chính tự do.

Một điểm tranh luận khác là về Giáo hội. AUGUSTIN đã phải bênh vực sự hiệp nhất của Giáo hội chống lại những người theo giáo thuyết của DONAT. AUGUSTIN không từ chối sự can thiệp bằng sức mạnh: “Sự kinh hãi đôi khi cũng có ích!”. Chống lại những người theo giáo thuyết của DONAT muốn một Giáo hội chỉ gồm toàn những người thuần khiết mà thôi (“một thứ tàu Nôê”), AUGUSTIN chủ trương một Giáo hội mở toang ra thu nhận tất cả mọi người và hiệp nhất. Nếu AUGUSTIN ghê tởm bạo lực, ngài vẫn chấp nhận nó như một sự dữ cần thiết. Sau nầy, người ta sẽ nại vào AUGUSTIN để biện minh cho những sự can thiệp của bàn tay thế tục: cái nền ý thức hệ ngầm dưới đó đương nhiên sẽ kém thuần khiết đi.

Di sản AUGUSTIN để lại, tuy thật là phong phú đấy, nhưng đôi khi khó mà chấp nhận được: những thực tại trần thế có một dáng dấp đáng ngờ, dục tính thì đáng ngại, tội “tổ tông” chiếm một vị trí thống lĩnh, v v.. Ở nơi AUGUSTIN, yếu tố nhân bản luôn luôn là một cái gì bị đối xử không được tốt lắm, con người thì được nhìn dưới một nhãn giới bi quan, Kytô-giáo có khuynh hướng nghiêng về phía một thứ chủ nghĩa luân lý. Dầu vậy, cũng phải nhìn nhận cái mặt tích cực đối nghịch nơi những cái đó: đó là một ý tưởng cao cả về Thiên Chúa và sự cứu độ do Thiên Chúa thông ban nơi Đức KITÔ. Không có ân sủng, con người không là gì cả và cũng không thể làm được gì.

Nếu, mặc dù vẫn còn những mặt tồn tại, tư tưởng của AUGUSTIN vẫn còn mang tính chất thời sự, chính là vì AUGUSTIN đã không ngừng suy gẫm về thân phận con người và tính chất dòn mỏng của nó và vì AUGUSTIN vẫn còn là chứng nhân có sức tác động về ân sủng. Nếu AUGUSTIN vẫn còn liên hệ đến chúng ta ngày nay, chính bởi vì AUGUSTIN là một nhà tư tưởng suy tư về cái hiện sinh. Cuối cùng, AUGUSTIN vẫn còn hiện đại là nhờ suy tư của ngài về thời gian, thứ thời gian được coi như là mạc khải cho con người về thời gian vĩnh cửu ở nơi Thiên Chúa.
Marcel NEUSCH
X     X
X

Trở về với mình và nhận thức về Thiên Chúa


Và, trên cơ sở suy tư của những tập sách nầy (các tác phẩm của PLATON) kêu gọi hãy trở về với chính mình, tôi quay trở về nơi thâm cung tính thể của mình dưới sự hướng dẫn của Ngài: sở dĩ tôi có thể làm được điều đó vì chính Ngài đã biến mình thành sức mạnh nâng đỡ tôi. Tôi đã đi vào và đã thấy, với con mắt của linh hồn mình, cho dẫu nó có thế nào chăng nữa, ở bên trên con mắt của linh hồn tôi, ở bên trên trí khôn tôi, nguồn ánh sáng không hề thay đổi, không phải là thứ ánh sáng thông thường và tất cả mọi con mắt thịt đều có thể thấy được (...). Không, đó không phải là cái mà thứ ánh sáng thông thường đó vẫn là, nhưng là cái gì khác, khác hẳn với tất cả mọi thứ ánh sáng của chúng tôi!

(...) Nó ở bên trên trí khôn tôi, vì chính nó đã làm ra tôi, và chính tôi ở dưới nó, vì tôi đã được nó làm ra. Ai nhận thức được chân lý, kẻ đó mới nhận ra được thứ ánh sáng nầy, và ai biết, kẻ đó biết được thực tại vĩnh cửu. Bác ái nhận thức được nó.

Ôi! Chân lý vĩnh cửu! Bác ái đích thực! Và thực tại vĩnh cửu thân yêu!

Chính Ngài là Thiên Chúa của tôi, được ở bên Ngài là điều tôi hằng mong mỏi ngày đêm!

Khi lần đầu tiên biết được Ngài, Ngài đã nâng tôi lên để làm cho tôi thấy được rằng quả thật có Tính thể - uyên nguyên (l’Être) để cho tôi nhìn ngắm, và rằng tôi vẫn chưa đủ khả năng để nhìn thấy được Tính thể - uyên nguyên đó.

Ngài đã không ngừng đánh động cái nhìn yếu ớt của tôi bằng những tia sáng mãnh liệt của Ngài chiếu soi trên tôi và tôi đã rùng mình run sợ cả vì tình yêu lẫn niềm kinh hãi. Và tôi đã khám phá ra rằng mình vẫn còn ở xa Ngài do tình trạng bất tương đồng và vì thế, dường như tôi vẫn nghe tiếng nói của Ngài nói với tôi từ những nơi cao thẳm: “Ta là thức ăn của những con người vĩ  đại; ngươi hãy lớn lên và ngươi sẽ ăn được Ta. Và ngươi sẽ không tiêu hoá được Ta thành ra ngươi, như thức ăn cho thân xác ngươi; nhưng, chính ngươi sẽ được biến đổi thành Ta”.

Tôi đã nhận ra rằng chính do tình trạng vẫn còn bất tương đồng của con người mà Ngài đã uốn nắn sửa dạy con người và làm cho linh hồn tôi ra khô héo như một tấm mạng nhện. Và tôi đã tự bảo: “Vì thế, phải chăng chân lý chẳng là gì cả, và thế là chẳng có gì để mà lan toả trong cõi hữu hạn cũng như trong cõi vô cùng của những khoảng không gian nơi chốn?”. Và Ngài đã hét lên từ xa: “Có chứ! Ta, chính Ta là Đấng hằng hữu”. Và tôi đã nghe, như người ta nghe trong thâm tâm của mình và tuyệt đối không có gì phải nghi ngờ cả; về sự sống của mình có khi tôi còn dễ nghi ngờ hơn là về sự hiện hữu của chân lý vẫn tự tỏ lộ mình ra cho trí khôn qua cái được tạo thành.

(Les Confessions, VII, 10, 16, bản dịch của “Biblio- thèque augustinienne”, số 13, Paris, DDB, 1962).

Tài liệu tham khảo:


Các tác phẩm của Thánh AUGUSTIN vẫn đang được lần lượt cho xuất bản trong tủ sách “Bibliothèque augustinienne” (Desclée de Brouwer). Đặc biệt, người ta có thể tham khảo các quyển 13 và 14 (Les Confessions) và 33 cho đến 37 (La cité de Dieu). Người ta cũng có thể đọc “Commentaire de la 1re  Épitre de saint JEAN” xuất hiện trong “Sources chrétiennes”, số 75, Paris, Cerf, 1961.
Về Thánh AUGUSTIN, có nhiều nghiên cứu có giá trị. Nhằm gợi ý, chúng tôi lưu ý:
·  Peter BROWN, La vie de saint Augustin, Paris, Seuil, 1971.
·  Pierre COURCELLE, Recherches sur les Confessions de saint Augustin, Paris, de Broccard, 1968, 2e éd.
·  Étienne GILSON, Introduction à l’étude de saint Augustin, Paris, Vrin, 1943, 2e éd.
· Henri - Irénée MARROU avec la collaboration de A.-M. LA BONNARDIÈRE, Saint Augustin et l’augustinisme, Paris, Seuil, 1955, coll. “Maitres spirituels”, n0 2.
·   F. Van Der MEER, Augustin pasteur d’âmes, Colmar, Alsatia, 1955, (2 vol.).
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét