Trang

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Hai mươi câu trích để hiểu “Một thời để thay đổi”

 Hai mươi câu trích để hiểu “Một thời để thay đổi


cath.ch, I. Media, 2020-11-25


Trong quyển sách mới nhất “Một thời để thay đổi”, Đức Phanxicô viết với nhà báo người Anh Austen Ivereigh, ngài đề cập đến nhiều vấn đề xã hội và giáo hội. Coronavirus, vị trí phụ nữ, phá thai, lạm dụng, và cả vấn đề người Duy Ngô Nhĩ … Hãng tin I. Media chọn 20 câu trích dẫn chính.

1- Giáo hội đối diện với cách ly

“Tôi thực sự ấn tượng với cách mà rất nhiều người trong Giáo hội phản ứng trước đại dịch khi đi tìm những hình thức gần gũi mới với mọi người mà vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội […]. Đây là thời kỳ Giáo hội buộc phải chia cắt, nhưng cũng là thời điểm chúng ta có thể đến với nhau theo những cách mới mẻ và sáng tạo với tư cách là con dân của Chúa”.

2- Chống lại phân biệt chủng tộc và tâm lý loại trừ

“Chúa Giêsu thách thức tâm lý mà trong trường hợp xấu nhất dẫn đến việc dùng các thuật ngữ phân biệt chủng tộc, điều này là xem thường những người không thuộc vào một nhóm đặc biệt, mô tả người di cư như mối đe dọa và dựng lên các bức tường để thống trị và loại trừ”.

3- Tìm hiểu thu nhập cơ bản chung

“Tôi nghĩ đã đến lúc phải tìm hiểu các khái niệm như Thu nhập cơ bản chung (UBI), còn được gọi là thuế thu nhập âm (INR): một chi trả khoán một lần, vô điều kiện cho mọi công dân, có thể được thanh toán qua hệ thống thuế”.

4- Tình trạng bấp bênh của những người bị bứng gốc rễ

“Tôi lo ngại về một loại hình thức văn hóa truyền thông tìm cách nhổ tận gốc những người trẻ nhất ra khỏi truyền thống phong phú nhất của họ, tước bỏ di sản lịch sử, văn hóa và tôn giáo của họ. Một người bị nhổ gốc rễ rất dễ bị chi phối”.

5- Văn hóa sự sống

“Nếu bạn nghĩ rằng phá thai, an tử và án tử hình là những chuyện chấp nhận được, trái tim bạn sẽ khó lo lắng cho việc làm ô nhiễm các dòng sông và phá hủy rừng nhiệt đới.”

6- Từ chối cuộc sống sắp đến và người nhập cư

“Với việc phá thai cũng như việc đóng cửa biên giới, chúng ta từ chối sự điều chỉnh lại các ưu tiên của mình, hy sinh mạng sống con người để bảo vệ an ninh kinh tế hay để xoa dịu nỗi sợ hãi, tránh làm cha mẹ vì sợ gián đoạn cuộc sống của mình. […] Tôi thường tự đặt cho mình hai câu hỏi: loại bỏ một mạng sống để giải quyết một vấn đề có đúng không? Thuê một kẻ sát nhân để giải quyết một vấn đề có đúng không?”

7- Nét đẹp của tính đồng nghị

“Trong năng động của thượng hội đồng, các khác biệt được thể hiện và mài dũa cho đến khi có được đồng thuận, nếu không thì cũng phải có một thỏa thuận, ít nhất là một hài hòa giữ được các sắc thái tốt đẹp của những khác biệt của nó. Đây là trường hợp của âm nhạc: bảy nốt với các nốt thăng nốt trầm, chúng ta tạo một bản hòa âm làm nổi bật nét đặc trưng của mỗi nốt. Đây chính là nét đẹp của nó: sự hài hòa có thể là kết quả của những chuyện phức tạp, phong phú và bất ngờ. Trong Giáo hội, chính Chúa Thánh Thần là Đấng tạo nên sự hòa hợp này”.

8- Các lạm dụng trong các cộng đồng hậu Vatican II

“Trong lịch sử Giáo Hội, luôn có những nhóm theo tà giáo, vì bị cám dỗ kiêu ngạo, cho mình cao hơn Nhiệm Thể Chúa Kitô. Kể từ Công đồng Vatican II (1962-1965), vào thời đại chúng ta, chúng ta đã có những hệ tư tưởng cách mạng, sau đó là những hệ tư tưởng duy tân. Trong mọi trường hợp, điều đặc trưng của họ là sự cứng nhắc. […] Đằng sau mỗi nhóm tìm cách áp đặt ý thức hệ của mình lên Giáo hội, chúng ta nhận thấy họ có sự cứng nhắc giống nhau. Không sớm thì muộn sẽ có một tiết lộ gây sốc về tình dục, tiền bạc và kiểm soát lương tâm.”

9- Phụ nữ và chủ nghĩa giáo quyền

“Có lẽ vì chủ nghĩa giáo quyền, sự băng hoại của chức tư tế, nên nhiều người lầm tưởng ban lãnh đạo Giáo hội chỉ là nam giới. Nhưng nếu chúng ta đến bất kỳ giáo phận nào trên thế giới, chúng ta sẽ thấy phụ nữ điều hành các cơ sở, trường học, bệnh viện, nhiều cơ quan, nhiều chương trình khác nhau […]. Nói rằng họ không thực sự cai trị vì họ không phải là linh mục, đó là giáo quyền và thiếu tôn trọng”.

10- Bảo vệ khỏi tất cả các loại vi rút

“Chúng ta hãy nhìn vào tình trạng của chúng ta bây giờ: chúng ta mang khẩu trang để bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác khỏi một loại vi rút mà chúng ta không nhìn thấy. Nhưng còn tất cả những loại vi rút vô hình khác chúng ta cần phải bảo vệ thì sao? Chúng ta sẽ hành xử như thế nào trước các đại dịch tiềm ẩn của thế giới này, đại dịch đói, bạo lực và biến đổi khí hậu?”

11- Tiên tri giả

“Hãy coi chừng những người ngày nay tuyên bố dự đoán tương lai theo kiểu rõ ràng và chắc chắn. Trong các cuộc khủng hoảng luôn xuất hiện các “tiên tri giả”, những kẻ phớt lờ quyền tự do xây dựng tương lai của người dân, những kẻ khép kín trước hành động của Thiên Chúa […]. Thiên Chúa hoạt động trong sự đơn sơ của những trái tim rộng mở, trong sự kiên nhẫn của những ai biết dừng lại cho đến khi họ thấy rõ điều đó”.

12- Truyền thống không phải là viện bảo tàng

“Truyền thống không phải là viện bảo tàng, tôn giáo chân chính không phải là tủ đông đá, giáo lý không tĩnh tại nhưng lớn lên và phát triển, giống như cây cối, cây lớn lên, luôn mang hoa trái nhưng vẫn cũng là một cây. Một số người cho rằng Chúa đã nói một lần cho tất cả – họ gần như luôn độc quyền, theo cách và theo hình thức mà họ biết rõ.”

13- Giáo hoàng và ma quỷ

“Sự trở lại của ma quỷ dưới hình thức cám dỗ có một truyền thống lâu đời trong Giáo hội. Chẳng hạn, chúng ta nghĩ đến các cám dỗ của Thánh Antôn, của Thánh Têrêxa Hài Đồng xin rảy nước thánh vào người vì ma quỷ vây quanh mình, hy vọng sẽ không bị vấp ngã. Ở tuổi của tôi, tôi phải có cặp mắt kiếng đặc biệt để xem khi nào ma quỷ vây quanh tôi làm cho tôi vấp vào cuối đời, bởi vì tôi đang ở nơi này: Tôi đang ở cuối cuộc đời.”

14- Sự cằn cỗi của hạnh phúc

“Hoa trái của hạnh phúc ích kỷ là sự cằn cỗi. Mùa đông nhân khẩu học mà nhiều nước phương Tây hiện đang trải qua là thành quả của nền văn hóa an sinh thoải mái này. Thật khó để mọi người  hiểu thế nào là “hạnh phúc” (benessere) là điều đáng mơ ước, nhưng lại là trạng thái mà chúng ta rất cần để được cứu.”

15- Hệ sinh thái không phải là một ý thức hệ

“Hệ sinh thái là một nhận thức, không phải hệ tư tưởng. Có những phong trào xanh biến kinh nghiệm sinh thái thành hệ tư tưởng, nhưng ý thức sinh thái chỉ là: ý thức, không phải hệ tư tưởng. Đó là nhận thức về những gì đang bị đe dọa cho  số phận của nhân loại.”

16- Lịch sử là những gì nó là

“Lịch sử là những gì nó là, chứ không phải những gì chúng ta muốn nó là; và khi chúng ta cố gắng che giấu nó dưới một ý thức hệ, chúng ta làm mờ đi nhận thức về những gì bây giờ chúng ta cần phải thay đổi để có một tương lai tốt đẹp hơn.”

17- Phê phán việc chính trị hóa các phong trào phò sự sống

“Thật không may, một lần nữa, chúng ta không thể bỏ qua những người trong Giáo hội rơi vào trạng thái tâm trí này. Một số linh mục và giáo dân đã đánh mất ý thức liên đới và huynh đệ với những anh chị em còn lại của họ. Họ đã biến nó thành trận chiến văn hóa mà trên thực tế là một nỗ lực để đảm bảo việc bảo vệ sự sống.”

18- Lạm dụng và #Metoo

“Không được quyền lạm dụng nữa – dù là tình dục, quyền lực hay lương tâm – dù bên trong hay bên ngoài Giáo hội. Chúng ta thấy cũng cùng một sự thức tỉnh này trong toàn xã hội: trong phong trào #MeToo, trong nhiều vụ bê bối xung quanh các chính trị gia quyền lực và giàu có, các ông trùm truyền thông và doanh nhân – những kẻ săn mồi trên chính người dân của họ”.

19- Lần đầu tiên Đức Phanxicô tố cáo những cuộc đàn áp chống lại người Duy Ngô Nhĩ

“Tôi thường nghĩ đến những dân tộc bị bức hại: người Duy Ngô Nhĩ, người nghèo Uyghur, người Yazidis – những gì nhóm hồi giáo cực đoan làm cho họ thì thật tàn nhẫn – hoặc các tín hữu kitô ở Ai Cập và Pakistan, họ bị chết vì bom nổ khi đang cầu nguyện trong nhà thờ.”

20- Lối sống cần tránh để có thể dấn thân

“Nếu bạn có khuynh hướng ăn ngon, đi xe sang trọng và những thứ tương tự, bạn đừng đến gần các phong trào bình dân và chính trị (và, làm ơn, cũng đừng vào chủng viện). Một lối sống thanh đạm và khiêm tốn hiến thân phục vụ thì đáng giá hơn có hàng ngàn người theo dõi mình trên các trang mạng xã hội.”

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2020/11/30/hai-muoi-cau-trich-de-hieu-mot-thoi-de-thay-doi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét