Trang

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

 Sức mạnh của Đức Phanxicô ở trong những điều bất ngờ

americamagazine.org, Terrance Klein, 2020-11-11



Đức Phanxicô trong buổi Kinh Truyền Tin từ cửa sổ Dinh Tông Tòa ngày 8 tháng 11-2020

Khi mới được bầu chọn, Đức Phanxicô đã xác định ưu tiên cơ bản triều giáo hoàng của mình: đón nhận Chúa Kitô nơi người khách lạ. Chúng ta đang sống thời kỳ di cư toàn cầu chưa từng có, hầu hết người tị nạn bị buộc phải trốn bạo lực, áp bức, cảnh nghèo đói. Đúng vậy, các quốc gia đòi hỏi phải có biên giới, và chúng ta không thoát được chủ nghĩa dân tộc. Nhưng người tị nạn đòi hỏi sự tôn trọng. Chúng ta không thể dung thứ cho các chính sách xem con người đơn giản là những vấn đề.

Như bất cứ nhà lãnh đạo nào, mỗi giáo hoàng có điểm mạnh và điểm yếu riêng của mình. Một trong các điểm mạnh của Đức Phanxicô là sẵn sàng tạo bất ngờ, ngài đi theo con đường bất ngờ. Trong The OutsiderĐức Phanxicô và cuộc chiến Cải cách (Pope Francis and His Battle to Reform Church, 2020), Christopher Lamb, tùy viên tại Vatican cho báo The Tablet đã có bài viết cảm động kể chuyến tông du đầu tiên của ngài, đó là tiếp nhận người tị nạn tại cảng Lampedusa ở miền nam nước Ý.

Ngược với các chính trị gia tạo nỗi sợ hãi về người di cư để giành quyền lực, chính sách của Đức Phanxicô có thể được tóm tắt trong một dòng của Tin Mừng: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước”.  (Mt 25, 35).

Giáo hoàng người nước ngoài đã quyết định kết hợp triều giáo hoàng của mình với “những người nước ngoài” đang tìm cách vào châu Âu.

Trước hết ngài gặp một số kháng cự của các giám chức ở Vatican với việc dự trù đi thăm Lampedusa. Các chuyến đi của giáo hoàng, bên trong và bên ngoài nước Ý đòi hỏi phải có kế hoạch và tổ chức chu đáo, liên lạc trước với các quan chức dân sự và giám mục địa phương. Một số người trong Giáo triều thấy không đủ thì giờ để tổ chức chuyến đi vì Đức Phanxicô phải bay đi Rio de Janeiro Ngày Thế Giới Trẻ từ 22 đến 29 tháng 7 năm 2013.

Nhưng ngài khăng khăng. Đức Phanxicô gọi cho hãng máy bay Alitalia đặt một chỗ đi Lampedusa với tên “Jorge Mario Bergoglio.” Sau đó một người trách nhiệm của hãng máy bay Alitalia, hãng hàng không chở giáo hoàng khi ngài đi nước ngoài, gọi điện thoại đến Vatican cho biết, có người xưng là giáo hoàng muốn đặt một chỗ. Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, giáo hoàng không thể chỉ đặt một vé máy bay thông thường, và Vatican đồng ý sắp xếp một chuyến đi chính thức, và chuyến đi đến Lampedusa là vào ngày 8 tháng 7 năm 2013.

Chúng ta có một giáo hoàng rất khó để đưa vào khuôn. Chúng ta phải sẵn sàng để có những bất ngờ.

Chúng ta tất cả đều nghe câu nói: “Mong chờ điều bất ngờ”. Câu trong kitô giáo là “hãy tỉnh thức để chờ điều bất ngờ.” Trong thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Têsalônica, ngài cảnh báo họ về một “tai họa bất ngờ”, nó sẽ đến “như kẻ trộm trong đêm.” Ngài xin họ “hãy tỉnh thức.”

Trong phần đóng góp tuyệt vời của mình cho loạt bài Chú giải công giáo về Sách Thánh (2019), tác giả Nathan Eubanks nhấn mạnh đến các lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng nhất lãm. Vì sao đó là quan trọng? Vì nó cho chúng ta biết “hãy tỉnh táo trước sự ngạc nhiên” không chỉ đơn giản là một chính sách của triều giáo hoàng này – nhưng nó luôn là nền tảng cho sứ điệp kitô.

Là tín hữu kitô là chờ điều bất ngờ, để Chúa dẫn chúng ta đến nơi chúng ta không muốn đến.

Trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu (“kẻ trộm trong đêm” được nhắc lại trong Lc 12: 39-40, 2 Pr 3:10 và Cv 3: 3), chúng ta đọc:

Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

Tin Mừng Thánh Luca nói về một “tai họa bất ngờ”:

Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.

Cũng như Thánh Phaolô nói trong thư gởi tín hữu Têsalônica, Thánh Máccô nói về đừng ngủ quên.

Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ (Xem thêm dụ ngôn người đầy tớ trung tín hay bất trung: Mt 24, 45-51; Lc 12: 42-46.]

“Hãy tỉnh thức vì điều bất ngờ” vừa là lời báo trước của Chúa Kitô về những gì sẽ đến, vừa là điểm chỉ dẫn để làm môn đệ. Chúng ta cũng sẽ ngạc nhiên với việc Chúa Kitô sẽ đến vào thời cánh chung, cũng như việc Chúa đến hàng ngày  – nhưng chỉ khi chúng ta tỉnh thức cho cả hai, nếu chúng ta vẫn tỉnh thức về mặt thiêng liêng. Là tín hữu kitô là chờ những điều bất ngờ, để Chúa dẫn dắt chúng ta đến những nơi chúng ta không muốn đi.

Nhìn chung, thông điệp Tân ước cho thấy, Chúa luôn luôn mới, là kẻ trộm trong đêm; việc Chúa làm luôn luôn là chưa từng có, một tai họa bất ngờ; và tất cả tùy thuộc vào ý chí sẵn sàng của chúng ta, vào sự tỉnh thức của chúng ta.

Chúng ta có một giáo hoàng rất khó để đưa vào khuôn. Chúng ta phải sẵn sàng để có những bất ngờ. Tuy nhiên, đó là một giáo huấn liên tục của Giáo hội có thể lần theo vết đi ngay từ buổi đầu của ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2020/11/17/suc-manh-cua-duc-phanxico-o-trong-nhung-dieu-bat-ngo/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét