Henri De Lubac: Tư Tưởng Của Cha Teilhard De Chardin 8
Vũ Văn An
Chương Hai: tiếp và hết
Chỉ có Kitô hữu trên thế giới, hic et nunc [ở đây và bây giờ], vì được ban quyền để đặt, không những Một Điều mơ hồ và lạnh lẽo, mà là Một Người ấm áp và chính xác ở đỉnh cao của không-thời gian, mới thấy mình ở vị trí có thể tin thấu đáo và (một biến cố tâm lý còn quan trọng hơn nữa) để hiến thân một cách yêu thương cho sự biến hóa (không đơn thuần chỉ bản vị hóa mà còn được bản vị hóa) (62).
Như thế, tính cấp bách của đức tin Kitô giáo chưa bao giờ lại lớn đến thế. “Không hề mâu thuẫn với các khát vọng hiện đại đối với tương lai”, đức tin này được trình bày “như một thái độ duy nhất trong đó tinh thần hăng hái muốn chinh phục thế giới có thể tìm được sự biện minh toàn diện và đầy đủ cho niềm tin của mình” (63). Một cách tổng quát, nếu đúng là “tôn giáo đáp ứng một chức năng chủ yếu và không ngừng phát triển của diễn trình biến hóa phổ quát” — vì đức tin vào Thiên Chúa, trong khi bảo đảm một cùng đích tuyệt đối cho sự biến hóa này, là “động lực duy nhất có thể có của sự sống phản tỉnh” – thì, trong các tôn giáo hiện có ngày nay, chính Kitô giáo, vì các lý do vừa trình bầy, dường như là “hình thức duy nhất hiện có giá trị” (64). Một lần nữa, trong giai đoạn mới này của lịch sử vũ trụ, trong đó nhân loại bắt đầu tham gia, vào một thời điểm mà diễn trình biến hóa đang trở nên ý thức rõ ràng hơn và sâu sắc hơn về chính nó, do đó lần đầu tiên phải đối đầu với những vấn đề gay gắt ở một mức độ to lớn, Kitô giáo biểu lộ, cho bất cứ ai có khả năng nhìn thấy, “khả năng đặc biệt và duy nhất của mình trong việc tìm thấy ở trung tâm của chính mình và trình bày cho chúng ta, chính tại điểm đã được nêu tên, điều được bản tính của chúng ta tuyệt đối đòi hỏi, để có thể hành động và tôn thờ triệt để" (65). Khi tự bộc lộ mình có "khả năng biện minh và duy trì trong thế giới hương vị nền tảng đối với sự sống”, cũng như khi làm cho mỗi thành viên của nhân loại có khả năng thực sự yêu thương thành viên khác trong “Tiêu điểm yêu thương của mọi hội tụ”, nó “trả lời chính xác cho các nghi ngờ và khát vọng của một thời đại bỗng ý thức được tương lai của mình” (66). Nói tóm lại, “Căn cứ vào chính cấu trúc của nó, Kitô giáo là tôn giáo được tạo ra cho chính một Trái đất vừa được đánh thức để biết cảm thức về tính thống nhất hữu cơ và sự phát triển của nó”.
Trong những điều kiện đó, người ta hiểu tại sao, trong một số trường hợp, Cha Teilhard đã ca ngợi nó, trong các công thức cô đọng, như là “tôn giáo chuyên biệt của biến hóa”, hoặc là “chính tôn giáo của biến hóa” (67). Khi làm như vậy, rõ ràng ngài không có ý nói tới một loại tôn giáo biến Biến hóa thành thần linh của mình — không khác gì khi nói Công Giáo là tôn giáo của Tây Ban Nha, với ý nghĩa muốn cho rằng đó là thứ tôn giáo tôn thờ Tây Ban Nha đội lốt Thiên Chúa!
Ngài chỉ muốn nói đến tôn giáo mà biến hóa cần tới, tôn giáo hoàn toàn thích nghi với những người đã nhận thức được sự biến hóa này. Những ai biết trọn công trình của Teilhard đều biết rằng trong đó chúng ta tìm thấy công thức này hoặc các công thức tương tự theo nhiều nghĩa khác nhau, thậm chí đôi khi trái ngược nhau. Chính vì thế, trong tác phẩm đầu tiên của ngài, La Vie cosmique (1916), Teilhard nhận thấy nơi một số người cùng thời với ngài một “tôn giáo của sự biến hóa thần linh” — nhưng đây là điều cần bác bỏ ngay lập tức, vì trong một tôn giáo như vậy “con người coi như không đáng kể” (68).
Tuy nhiên, khi tiếp tục quan sát thế giới xung quanh và xem xét những định hướng sâu xa của nó, ngài tin rằng ngài có thể tri nhận được một sự kiện lớn lao buộc Kitô hữu phải suy tư: “Thế giới đang trong diễn trình bị hoán cải một cách tự phát trở thành một loại tôn giáo tự nhiên của vũ trụ quay lưng một cách không thích đáng khỏi Thiên Chúa của Tin mừng... Chúng ta đã thấy một đức tin mới đã phát sinh ra và hình thành một cách thực chứng xung quanh chúng ta trong suốt thế kỷ qua: tôn giáo của biến hóa” (69).
Điều đúng ở đây cũng đúng đối với hạn từ “thuyết phiếm thần”, mà Teilhard bác bỏ theo nghĩa hiện thời của nó nhưng là ý nghĩa mà ngài muốn giữ lại, vì muốn trung thành một cách chiểu tự với Thánh Phaolô, theo nghĩa Kitô giáo (70). Hai quan niệm đối đầu nhau, nhưng không trái ngược nhau, hình thành trên cùng một bình diện. Chân lý Kitô giáo có tính bao hàm [inclusive]: khi bác bỏ sai lầm, nó cho là mình thỏa mãn sâu sắc hơn chính điều, qua nó, đang có xu hướng xuất hiện dưới ánh sáng. Nhưng cũng giống như mọi khi, trong trường hợp như vậy, nó chỉ có thể thành công trong việc này nhờ một nỗ lực suy nghĩ buộc nó phải phát triển.
Teilhard nhớ đến Newman ở đây, người mà học thuyết được ngài cân nhắc rất nhiều. Ngài cho rằng sự phát triển thực sự không thể chỉ hệ ở một phân tích tinh tế hơn về dữ kiện tín điều, mà nó phải bao gồm một sự đóng góp tích cực, nhờ mọi yếu tố phát xuất từ kinh nghiệm nhân bản, một kinh nghiệm được chân lý thần linh đồng hóa trong những tổng hợp mới. Không có gì thay đổi trong chính sự thật thần linh này, và, ngày nay cũng như trong bất cứ thời kỳ nào khác, “hoàn toàn ngược lại” nó không mất đi bất cứ điều gì “có giá trị quyến rũ của nó một cách tuyệt đối” (71). Tuy nhiên, vẫn cần phải chứng minh điều này, bằng cách nhấn mạnh việc nó trả lời ra sao cho các vấn đề và nguyện vọng của thời đại. Khi Teilhard cố gắng làm điều này theo cách của ngài, bằng cách trình bầy Kitô giáo như “chính tôn giáo của biến hóa”, theo đó, như ngài cho chúng ta biết, ngài chỉ muốn cố gắng chứng minh “sức mạnh phi thường của nó trong khả năng thích ứng và kiểm soát”, một sức mạnh phát xuất từ "tính siêu việt" của nó (72).
Nhưng Kitô giáo không những là một tín lý, cao đến mức người ta có thể coi trọng nó; nó không những là một mớ niềm tin, nó là một thực tại, một thực tại có bản vị. Kitô giáo là Chúa Kitô. Các Kitô hữu không được trao cho trách nhiệm truyền tải cho thế giới một số ý niệm tốt đẹp và hào phóng về tình yêu: họ phải truyền bá tình yêu họ đã nhận được. Họ phải sống bằng sự sống của Chúa Kitô và làm chứng cho sự phong phú của sự sống đó.
Cha Teilhard, một người theo chủ nghĩa hiện thực, nhấn mạnh thực tại này của Chúa Kitô một cách mạnh mẽ. Trước hết, điều này có nghĩa phải nói rằng đối với ngài, toàn bộ “hiện tượng Kitô” đều dựa trên sự kiện Chúa Giêsu, sự kiện này được ngài thừa nhận như nhau cả trong thực tại lịch sử của nó lẫn trong cách giải thích mang tính tín điều của truyền thống Kitô giáo. Bằng cách thừa nhận “sự thật có thể sờ mó thấy và kiểm chứng được của sự kiện Tin mừng” (73), ngài tuyên xưng rằng, trong sự kiện này, Thiên Chúa đã “thực sự tự lồng Người vào vũ trụ” (74), “thể siêu việt đã trở thành một phần nội tại”, Người “đã đi vào thiên nhiên để siêu sinh động hóa [superanimate] nó và dẫn dắt nó đến với Người” (75). Chính khi hành động với sự nhận thức đầy đủ về trường hợp này mà ngài đã bác bỏ thuyết Duy Hiện đại, ở hình thức hai mặt của nó, phê phán và huyền nhiệm. Đối với thuyết Duy Hiện đại, Chúa Giêsu là “hoa trái của sự biến hóa nội tại, nhân bản”; đối với Teilhard, cũng như đối với bất cứ người Công Giáo nào, Người là “cuộc gặp gỡ của hữu thể tham gia đi lên và Hữu thể không tham gia mà họ đang trở lại với”. Trong khi phái Duy Hiện đại làm Chúa Kitô “bất kiên định” [volatile] và làm Người tan biến trong thế giới, thì Teilhard, người vốn cảm nhận “Một Thiên Chúa khác, hay giúp đỡ từ nền tảng”, muốn “tập trung thế giới trong Chúa Kitô”. Nhưng chúng ta có thể nói, điều này sẽ chỉ là một giấc mơ, một câu chuyện thần thoại, một thứ ngô đạo [gnosis], một ý thức hệ, hoặc, như Teilhard nói, một “trí tưởng tượng”, nếu không có thực tại lịch sử của Chúa Giêsu thành Nadarét, người thật và Thiên Chúa thật. “Nếu Chúa Giêsu Kitô của chúng ta không có thực tại bản vị và khách quan, thì toàn bộ phong trào Kitô giáo hiện nay sẽ thành mây khói” (76). Như trong vấn đề bản vị tính thần linh, có một sự hội tụ ở đây, một sự đồng lõa giữa đức tin của Teilhard và xu hướng chính trong tư tưởng của ngài: chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa sinh học, chủ nghĩa lịch sử, chủ nghĩa bản vị (77). “Nhờ chính các đặc điểm mà thoạt đầu dường như quá đặc thù hóa Người, một Thiên Chúa nhập thể thực sự trong lịch sử, ngược lại, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn, không những các quy tắc bất di bất dịch của một vũ trụ trong đó không có gì được tạo ra hoặc xuất hiện ngoại trừ bằng cách được sinh ra, mà còn cả các khát vọng không thể kìm nén được của tinh thần ta (78). Mặt khác, Teilhard biết rất rõ điều mà trí khôn không biết tin của thế kỷ ngài đặt đối lập với Kitô giáo. Nhưng ngài có giải đáp của ngài; ngài có những tiêu chuẩn xác đáng để xác nhận điều đó trong đức tin của ngài. Chính ngài đã giải thích lại lần cuối, không lâu trước khi qua đời, trongLe Christique. Ngài đã từng phiên dịch, theo cách riêng của ngài và để dùng cho mục đích bản thân, bản văn tuyệt đẹp của Thư gửi tín hữu Rôma: “Tôi biết rằng không có gì trên thế giới này đủ bạo lực hoặc rực rỡ hoặc quá rộng lớn để nhổ rễ chúng ta khỏi Chúa của chúng ta hoặc để làm lu mờ Người đối với chúng ta hoặc làm chúng ta rời xa Người: không phải thiên thần, sự sống cũng như cái chết, núi cao hay vực thẳm, vực thẳm của quá khứ cũng như mạc khải của tương lai (τὰ μέλλοντα) có khả năng tách chúng ta ta khỏi Đức Ái của chúng ta chúng ta” (79).
Đó là cơ sở để xây dựng học thuyết về “Chúa Kitô vũ trụ” và về “cảnh vực thần linh”: “Sự quyến rũ bao la của cảnh vực thần linh dứt khoát nợ mọi giá trị của nó ở sự tiếp xúc giữa con người và Thiên Chúa được mạc khải trong biến cố Hiển Linh của Chúa Giêsu.... Chúa Kitô huyền nhiệm, Chúa Kitô vũ trụ của Thánh Phaolô có thể có ý nghĩa và giá trị dưới mắt chúng ta chỉ như một sự mở rộng của Chúa Kitô, Đấng được sinh ra bởi Đức Maria và đã chết trên Thập giá” (80). “Nhưng cần phải thăm dò chiều sâu vũ trụ của Chúa Kitô” (81).
Như chúng ta thấy, Teilhard lấy Thánh Phaolô làm điểm tham chiếu của ngài. Có thể ngài rất vui khi tìm thấy sự xác nhận một trong những điểm chủ yếu trong học thuyết của ngài trong suy tư của một nhà chú giải gần đây, Charles Harold Dodd, tác giả của một tác phẩm nhỏ về The Meaning of Paul for To-day Ý nghĩa của Thánh Phaolô cho ngày nay]: Bản vị Chúa Giêsu Kitô, dưới mắt Thánh Phaolô “cá thể một cách thâm hậu cũng như phổ quát một cách tuyệt vời” (82). Hơn nữa, học thuyết Teilhard về “Nhiệm Thể” không bao gồm điều gì độc đáo lắm liên quan đến tín lý truyền thống vốn được xây dựng trên cơ sở các bản văn của Thánh Phaolô về “Thân thể Chúa Kitô”. Nhưng nó đi đôi với một học thuyết được phát triển rộng dài hơn, học thuyết về “Cơ thể vũ trụ”, một Cơ thể dù có cùng nguồn gốc Phaolô, nhưng lại đưa ra những nét khác biệt.
Nó bắt nguồn từ một trải nghiệm tâm linh kiểm soát được mọi khía cạnh và mọi sự phát triển của nó: “Cho người được ban ơn... biết coi Chúa Kitô như có thực hơn bất cứ thực tại nào khác trên thế giới, Chúa Kitô hiện diện ở mọi nơi và đang gia tăng mọi nơi, Chúa Kitô như là xác định tối hậu và là nguyên lý tạo hình [plasmatic] của vũ trụ, một thực tại thực sự sống trong một khu vực không có bất cứ rắc rối nào của đa phức có thể đụng tới nhưng lại là nơi việc hoàn thành của vũ trụ được theo đuổi một cách tích cực hơn cả” (83).
Nó cũng là kết quả của sự phản tỉnh được thúc đẩy bởi các khám phá của khoa học hiện đại về sự bao la của vũ trụ, dẫn đến việc đệ trình giả thuyết về tính đa nguyên các thế giới. “Qua việc Nhập thể của Người, Chúa Kitô không những chỉ tự lồng mình vào nhân loại mà còn vào vũ trụ cưu mang nhân loại” (84). Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng tất cả mọi sự đều tìm được tính nhất quán[consistency] của chúng trong Người. Người là Trung tâm của sáng thế. Do đó, liệu có đủ không khi nói rằng Người đã mang mọi người vào mình và nói tới một “thân thể trái đất” và “bản chất trái đất” dành cho Người? Teilhard không bao giờ muốn hành động trái ngược với những tuyên bố của Công đồng Canxêđoan, phân biệt trong Chúa Kitô có hai bản tính, thần linh và nhân bản. Ngài chỉ muốn, bằng một vài cách diễn đạt nghịch lý, đi kèm với các thận trọng ngữ học nhằm giới hạn phạm vi của nó (85) để “phân biệt thêm” trong “bản chất con người” của Ngôi Lời nhập thể “một bản chất ‘đất’ và một bản chất ‘vũ trụ’” (86). hoặc một lần nữa, kêu gọi sự chú ý của các nhà thần học tới “khuôn mặt” hay “chức năng” vũ trụ nơi nhân tính của Chúa Kitô. Do đó, cụm từ "Thân thể vũ trụ", thường được sử dụng trong các tác phẩm đầu tiên (87) nhưng sau đó đã bị loại bỏ. Mục tiêu của ngài trong đó rất rõ ràng, và ngài không ngừng bày tỏ điều đó: nếu Chúa Kitô chỉ duy trì Trái đất, Người sẽ nhỏ hơn thế giới; thế mà, sự vĩ đại của Người, tính độc đáo [unicity] của Người, vị trí trung tâm của Người, công quốc hoàn cầu và quyền lãnh chúa hoàn cầu của Người luôn phải được duy trì (88).
Chính mối quan tâm tương tự nhằm duy trì toàn vẹn học thuyết của Thánh Phaolô (và của Thánh Gioan) đã thúc đẩy Cha Teilhard giải thích ý niệm “Chúa Kitô vũ trụ” cũng như ý niệm “Chúa Kitô Biến hoá” (89). Việc chuyển từ ý niệm này sang ý niệm nọ khá đơn giản. Trong một vũ trụ được quan niệm như biến hóa, làm thế nào duy trì được quyền kiểm soát của Chúa Kitô đối với vũ trụ này nếu không phải bằng cách quan niệm quyền kiểm soát này như việc chỉ đạo diễn trình biến hóa của vũ trụ. Há đây không phải là cách duy nhất để tương hợp trọn vẹn với việc khẳng định về “chức năng hoàn thiện thiết yếu do Chúa Kitô phục sinh đảm nhận ở trung tâm và đỉnh cao của việc Sáng thế đó sao” (90)? Tóm lại, sau khi nêu vấn đề: “Kitô học phải trở thành gì (để vẫn còn là chính nó)?” (91), Teilhard cố gắng xác định rằng, đối với ngài, đó không phải là vấn đề gì khác ngoài việc“ duy trì trong Chúa Kitô chính các phẩm tính làm nền tảng cho quyền năng của Người và sự tôn thờ của chúng ta” (92). Đó chắc chắn không phải là chủ nghĩa duy tối thiểu [minimism]; nhưng, theo một nghĩa nào đó, như ngài vẫn tin, nếu Chúa Kitô của ngài xem ra đã tăng lên, thì, theo nhận định hữu lý của ngài, đó là “do vẫn còn là điều Người đã là, hoặc nói đúng hơn, để vẫn còn là điều Người đã là” (93).
Trong cách dùng từ ngữ hết sức hào hứng của ngài, Teilhard sau đó nói về “Đấng Siêu Kitô” [Super-Christ], khi nói về “Siêu nhân tính”. Chúng ta thừa nhận, kiểu dùng từ ngữ như vậy hầu như không có bất cứ sự hấp dẫn nào đối với chúng ta, nhưng ngài không hề có ý định qua đó dẫn nhập — nếu có bất cứ nhu cầu nào phải nói rõ điều này ra — bất cứ nhân tính nào khác ngoài nhân tính của chúng ta hoặc bất cứ Chúa Kitô nào khác, mà đối với Người, Đấng mà các Kitô hữu tôn thờ chỉ là một tiền hô! Ngài phản đối rằng “Bởi ‘Đấng Siêu Kitô’, tôi hoàn toàn không có ý nói một Chúa Kitô khác, một Chúa Kitô thứ hai khác với Đấng thứ nhất và vĩ đại hơn Người; nhưng tôi muốn nói đến cùng một Chúa Kitô, Chúa Kitô của mọi thời đại, đang tự mạc khải chính Người cho chúng ta dưới một hình thức và các chiều kích, có mức độ khẩn cấp và phạm vi tiếp xúc ngày càng gia tăng và đổi mới”. Và một lần nữa, như thể thấy trước những diễn giải sai lầm mà tư tưởng của ngài có thể nảy sinh: “Tôi xin nhắc lại không phải là một Chúa Kitô khác. Nhưng cùng một Chúa Kitô, mãi mãi và luôn luôn; và lại càng y hệt chính là để bảo vệ thuộc tính thiết yếu của Người là cùng trương độ [coextensive] với thế giới mà chúng ta được dẫn đến việc làm Người phục tùng diễn trình mở rộng phi thường này” (94).
“Cùng trương độ với thế giới”, nhưng trong tư cách thống trị nó, sinh động nó, chỉ đạo nó. Vì vậy, nếu Chúa Kitô là “vũ trụ”, thì vũ trụ có thể được yêu thương; nếu Người “biến hóa ”, như Teilhard đã trình bày ngay từ tiểu luận đầu tiên của ngài (1916), thì “biến hóa là điều lành mạnh” (95). Kitô hữu tự đặt mình, nhờ đức tin, vào “chỗ trung tâm nơi trái tim thế giới hội tụ trong tia sáng chiếu xuống từ Trái Tim Thiên Chúa” (96). Dưới mắt ngài, “vũ trụ mang hình dáng của Chúa Giêsu — nhưng, nhưng mầu nhiệm thay!, hình dáng được khám phá là Chúa Giêsu bị đóng đinh” (97). Như thế, đối với ngài, không có gì nguy hiểm khi để bản thân trở thành say sưa ngây ngất hoặc “bị cầm tù bởi một chủ nghĩa tự nhiên ngoại giáo” hoặc “bị cuốn theo cuộc chinh phục Trái đất duy nhất về phương diện vật chất [materialistic]. Há Chúa Kitô vũ trụ, trong mọi vinh quang của Người, không phải lúc nào cũng xuất hiện từ Thập giá đó sao?” (98).
Vì Chúa Kitô vũ trụ, Chúa Kitô biến hóa, luôn luôn là Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc của truyền thống Công Giáo, được nhìn trong viễn tượng mới của diễn trình hình thành vũ trụ, một viễn tượng đem lại cho Thập giá của Người “một lực hấp dẫn và vẻ đẹp mới”. Chiến thắng cái ác, nghĩa là, "vượt qua Đau đớn, Tội lỗi và Cái chết", "Thiên Chúa bị đóng đinh" (99) xuất hiện với chúng ta, như là "Đấng chuyển động tinh thần mạnh mẽ nhất (vì lên giá trị nhiều nhất và 'duy nhất tạo yêu thương’) cho diễn trình siêu nhân hóa [ultra-hominization]”. Teilhard kết luận, “Đó là đức tin của tôi, điều mà tôi rất muốn tuyên xưng công khai trước khi chết” (100).
Học thuyết Teilhard, như chúng ta đã thấy ở trên, luôn có xu hướng tập trung nhiều hơn vào “năng lực học” [energetics]. Đến lượt nó, năng lực được tóm lược, ở đỉnh cao của nó, trong việc khám phá ra nguồn năng lực thiêng liêng phi thường phát sinh từ Thập giá” (101).
Việc hình thành chậm chạp của vũ trụ, việc biến hóa của sự sống, sự diễn tiến của lịch sử loài người, sự trưởng thành của tuệ quyển chỉ từng giai đoạn tạo nên các điều kiện tự nhiên cho việc “xuất tâm” [excentration] vốn đánh dấu bước vượt qua dứt khoát “hướng tới tương lai” (102), “biến cố độc đáo và tối cao ấy, trong đó thể lịch sử phải được hợp nhất với thể siêu việt” (103). Nỗ lực của chúng ta đặt ra các điều kiện này; nhưng cùng đích là do Thiên Chúa ban cho: chúng ta chỉ biết tiếp nhận mà thôi. Con người chỉ xây dựng điều có thể được thần linh hóa, điều "có thể được Kitô hóa" (104). Giữa "lực đẩy của con người" và "lực đi lên của Chúa Kitô", giữa "diễn trình hình thành nhân loại trong thế giới" và "diễn trình hình thành Chúa Kitô trong Giáo hội của Người", là mối liên hệ của “sự phụ thuộc gắn bó” [coherent subordination] (105); giữa tiến bộ của con người và vương quốc Thiên Chúa, là một “sự kết nối có phẩm trật” [hierarchical conjunction] (106). Hy vọng của chúng ta không được thiết lập dựa trên “các hoạt động” của chúng ta mà dựa trên “các thụ động” (passivities) của chúng ta, nếu chúng chịu hợp nhất với sự thụ động tối cao của Chúa Kitô trên Thập giá, một điều vốn trùng hợp với hoạt động tối cao (107). Và ngay lúc này, nhờ dự ứng, trước khi “sự biến chất hoàn toàn” [metamorphosis], thế giới mờ mịt mà chúng ta vẫn đang chìm đắm này có thể trở thành cho chúng ta, vượt quá chính nó, một “cảnh vực thần linh”, vì, vào ngày Nhập thể, "tia sáng tình yêu" đã đến với chúng ta (108).
Chính trong “cảnh vực thần linh” này, “Thánh Nhan” (109) đã tỏa sáng. Cái nhìn của đức tin, vốn là cái nhìn của sự tinh khiết, đã hiểu thấu nó. Trong nó, bất kể hình thức của nó, lời cầu nguyện đã được thực hiện. Trong nó “niềm hạnh phúc của sự thờ lạy”đã được phác họa, trái ngược với mọi chủ nghĩa phản loạn [titanism] hay mọi chủ nghĩa đấu tranh [prometheism] lừa dối (110). “Trên đời, không có gì sống và hành động mãnh liệt hơn sự trong sáng và lời cầu nguyện, lơ lửng như một ánh sáng êm đềm giữa vũ trụ và Thiên Chúa. Xuyên qua sự trong suốt thanh thản của chúng, làn sóng sáng tạo dập dờn, đầy nhân đức và ân sủng tự nhiên” (111).
____________________________________________
Ghi Chú
62 Introduction à la vie chrétienne. L’Énergie humaine: “... Không phải sức mạnh ở trên chúng ta, nhưng là Tình yêu — và sau đó, để bắt đầu, sự hiện hữu được công nhận của một Omega đã làm cho một Tình yêu phổ quát khả hữu. Nhược điểm của các học thuyết xã hội hiện đại là trình bày một Nhân loại vô ngã cho các tham vọng của nỗ lực con người ”, 6: 188.
63 Introduction à la vie chrétienne. L’Heure de choisir (1939), 7:26.
64 L’Esprit de la terre, 6: 52-53. Gửi Leontine Zanta, ngày 3 tháng 4 năm 1930, 114. Xem Le Christianisme dans le monde (1933), 9: 132-33.
65 L’Etoffe de l’univers (1953), 7: 406.
66 Christologie et Évolution (1933).
67 Đã dẫn.
68 Écrits, 34: “Cơn lốc đào tẩu ngay lập tức biến mất trong dòng chẩy tổng thể..., cá nhân chỉ có tầm quan trọng và tương lai trong tương quan với tiến độ chung”.
69 Response to the enquiry about the present reasons for unbelief [Trả lời câu hỏi về các lý do hiện nay khiến người ta không tin] (1933), 9: 153. Comment je crois (1934).
70 xem Pensée Relgieuse, chương 14, 215-27; Prière, 32-39. Theo chân Blondel, ngài sẽ nói về “Panchristism”: Quelques réflexions sur la convert du
monde (1936), 9: 163; vv...
71 Le Coeur du problème, 5: 339.
72 Đã dẫn, và L’Étoffe de l’univers, 7: 406. xem Le Christianisme dans le monde, về Chúa Kitô: “Người không bao giờ có lỗi. [Người sở hữu một] khả năng không xác định phù hợp với bất cứ trật tự vật lý và tâm lý nào của vũ trụ chúng ta”, 9: 143. Để hoàn thành những lời giải thích quá vội vàng này, cũng cần phải nại tới các bản văn trong đó có vấn đề Nhập thể: Thiên Chúa đang trở nên nhập thể vào thế giới, đó là Thiên Chúa tự lồng mình vào diễn trình biến hóa và thánh hóa nó. Xem phía dưới.
73 Le Milieu divin, 141. Xem Ngày 26 tháng 10 năm 1943: “Christus mole sua stat” [Chúa Kitô đứng cạnh thánh lễ của Người].
74 Ghi chú ngày 14 tháng 7 năm 1920.
75 Esquisse d’une dialectique de l’esosystem, 7: 155-56; Que faut-il penser du transformisme? (1930), 3: 223.
76 Ghi chú của ngày 9 tháng 6 năm 1919 và ngày 12 tháng 12 năm 1920. Dẫn nhập vào đời sống Kitô hữu: “Bác bỏ tính lịch sử của Chúa Kitô (nghĩa là, thần tính của Chúa Kitô lịch sử) sẽ làm cho tất cả năng lực mầu nhiệm tích lũy cả hai nghìn năm nay trong hệ Kitô giáo biến mất ngay lập tức vào hư không. Chúa Kitô sinh ra bởi Đức Trinh Nữ và Chúa Kitô phục sinh: hai hình thức nhưng một thể không thể tách rời”.
77 Ngày 21 tháng 10 năm 1945: “Sự mặc khải cần thiết của Omega sẽ không thể tưởng tượng được về mặt sinh học, biến hóa, nếu không có sự ‘nhân hóa’ loại hình ‘Giêsu’. Tại sao đây không phải là chính Chúa Giêsu? Chúa Giêsu, đấng khởi xướng và Đối tượng của Siêu bác ái ngày càng phát triển... Không có Chúa Giêsu lịch sử và xuyên lịch sử, biến hóa mất đi tất cả sự ấm áp của sự sống thực...”
78 Le Coeur de la matière (1950).
79 Ghi chú ngày 31 tháng 10 năm 1920; Rm 8:38. Xem Christologie et Évolution (1933): “Không, cả chiều cao, chiều rộng lẫn chiều sâu đều không có nguy cơ ngăn cách chúng ta với việc thờ lạy
Chúa Giêsu... miễn là chúng ta tin tưởng vào chúng đến cùng”. Điều thích đáng là nêu ra ở đây các nét chính của Kitô học Teilhard. Chúng ta phải bỏ qua điều này, vì không có chỗ.
80 Le Milieu divin, 141.
81 Ghi chú năm 1919.
82 Bản dịch tiếng Pháp (1964), 119. Mon univers (1924). “Điều bất khả đối với tôi là đọc Thánh Phaolô mà không thấy xuất hiện bên dưới những lời của ngài, một cách chói sáng, sự thống trị phổ quát và vũ trụ của Ngôi Lời nhập thể ”: 9:84.
83 “Note sur l’Élément Universel du Monde”, ngày 22 tháng 12 năm 1918; Écrits, 362.
84 Đã dẫn.
85 Comment je voix (1948), no. 31. Le Christique (1955).
86 Gửi Cha André Ravier, ngày 14 tháng 1 năm 1955. “Gửi Đức Cha Bruno de Solages”, Ngày 2 tháng 1 năm 1955. Xem La Prière, 51-54.
87 Forma Christi (1918); Écrits; 338-39. L’Énergie humaine (1937); 6: 146. Écrits, 47, 128, 165, 196-97, 408.
88 Ghi chú ngày 24 tháng 2 năm 1918, v.v.
89 “Le Christ Évoluteur”, Cahiers Teilhard de Chardin, 5: 17-28. Xem Teilhard Missionnaire et apologiste, 24-30.
90 Đã dẫn.
91 Thư ngày 9 tháng 12 năm 1933.
92 Comment je crois (1934). Xem Teilhard missionnaire et apologiste, 37- 42.
93 “Quelques réflexions sur la conversion du Monde” (1936). Thư ngày 17 tháng 11 năm 1947. Xem “La Prière au Christ toujours plus grand”, trong Le Coeur de la Matière (1950).
94 Super-Humanité, Super-Christ, Super-Charité, de nouvelles dimensions pour I’avenir (1943), 9: 208, 212, 193: “Trong ba cách diễn đạt này, chữ đầu "Siêu" được sử dụng để đánh dấu, không phải sự khác biệt về bản tính, mà là mức độ hoàn thành và tri nhận tiến bộ hơn".
95 Écrits, 49. Về “tình yêu Biến hóa”: Du Cosmos à la Cosmogénèse (1951), 7: 275.
96 La Messe sur le monde (1923), “lời cầu nguyện cuối cùng”. Xem “Le Prêtre” (1918): “Chúa Kitô được yêu thương như một Ngôi vị và tự đặt mình như một Thế giới”; Écrits, 293.
97 “Le Prêtre”, Écrits, 288.
98 “La Parole attendue” (1940); Cahiers Pierre Teilhard de Chardin, 4:28. Le Milieu divin, 118: Thập giá là “sự thăng hoa quy luật của mọi sự sống”. Xem L’Heure de choisir (1939): “Đối với chúng ta, cuộc sống chưa bao giờ thành công trong việc vươn lên ngoại trừ qua đau khổ, vượt qua điều ác — bằng cách đi theo con đường thập giá"; 7:20.
99 Teilhard viết: "qua Đấng chịu đóng đinh", sử dụng chi tiết này mượn từ ngôn ngữ Kinh viện, để cho thấy rõ rằng ngài luôn gắn bó với mầu nhiệm Thập giá, trong tất cả Tính chuyên biệt kitô giáo của nó.
100 Gửi Cha André Ravier, Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 8 tháng 4 năm 1955 (cha qua đời vào ngày Chúa nhật Phục sinh, ngày 10 tháng 4). “thanh tẩy” và “sinh lực hóa”: hai chức năng "vốn được trình bày với trái tim chúng ta như ngang sức và tiếp hợp" với Đấng cứu chuộc: “Le Christ Évoluteur”, Cahiers, 5:25.
101 L’Énergie Spirituelle de la souffrance (1950), 7: 256.
102 Les Articles Psychologiques de l’action humaine (1949): “Một vũ trụ không vô ngã và khép kín nhưng cởi mở, vượt quá tương lai, vào một Trung tâm thần linh”, 7: 185. Messe sur le monde (1923): "Thế giới có thể được đoàn tụ cuối cùng với Chúa, lạy Chúa, chỉ nhờ một sự đảo ngược [inversion], trở lại, của việc xuất tâm trong đó không những sự thành công của các cá nhân mà cả sự xuất hiện của chính của mọi lợi thế của con người chìm nghỉm trong một thời gian”.
103 Trois choses que je vois (1948). Le Coeur du problème (1949), 5: 348. Réflexions sur la probabilité scientifique et sur les conséquences Relgieuses d’un ultra-human: “... không loại trừ Siêu nhiên, nhưng ngược lại, yêu cầu, như một chuẩn bị cần thiết, sự trưởng thành của một Siêu nhân ”, 7: 289-90. Các bản văn khác được trích dẫn và bình luận trong La Prière, 134-40.
104 Ngài cũng nói: "có thể siêu tự nhiên hóa", "có thể omega hóa". Xem Maurice Blondel et Pierre Teilhard de Chardin, 32-33 và 74. Jacques Maritain nói rất chính đáng, trong Le Paysan de la Garonne, 381, rằng "sự xuất hiện của vinh quang sẽ không phải là kết quả từ sự biến hóa vũ trụ nhưng là kết quả của việc nó hiển dung [transfiguration] nhờ một hành động của Thiên Chúa". Đây chính là suy nghĩ của Cha Teilhard, suy nghĩ mà ngài đã nghĩ rất sai lầm là phải phản bác.
105 Trois choses que je vois. “Hérédité sociale et progrès” (1921), 5, 50-51.
106 “Le Christ Évoluteur” (1942), Cahiers Pierre Teilhard de Chardin, 5:27. Do đó, "sự kết nối kỳ diệu" mà đối với ngài dường như được thực hiện cho Kitô hữu giữa “cảm thức vũ trụ” và “cảm thức Kitô” (christic = thần vũ trụ [theocosmic]).
107 Le Milieu divin, phần thứ hai. La Signification et la valeur constructive de la souffrance (1933), 6: 64-66. Xem Maurice Blondel et Pierre Teilhard de Chardin, 75-76.
108 Le Christique (1955); Le Milieu divin, 117, 177 và 202.
109 “Jesus solus, solus Jesus [Chúa Giêsu mà thôi, Một mình Chúa Giêsu]... Xin Thánh Nhan dần dần làm con tan hoà trong Người... Xin cho những ngày này nhẹ nhàng đem con trở lại trong Người, cho Người... Cấm phòng năm 1948, ngày đầu tiên, 30 tháng 8.
110 Réflexions sur le bonheur (1943), Cahiers Pierre Teilhard de Chardin, 2: 69-70; L’Esprit de la terre, 6:54; Comment je crois (1934); Le Christique (Năm 1955); Xem Maurice Blondel et Pierre Teilhard de Chardin, 152-53.
111 Le Milieu divin (1917); Écrits, 162-63. Các bản văn khác nhau trong La Prière.
Kỳ tới: Chương ba: Ghi chú về Teilhard và Vấn đề Sự Ác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét