Sao Thiên Chúa trong Cựu ước ác thế?
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 38: SAO THIÊN CHÚA TRONG CỰU ƯỚC ÁC THẾ?
Cao Gia An, SJ
Hỏi: Thiên Chúa trong Cựu Ước có vẻ rất ác khi ra tay trừng phạt con người. Vậy phải hiểu vấn đề này như thế nào cho đúng? Làm sao để đọc và hiểu đúng một câu Kinh Thánh, nhất là những câu khó đọc và khó hiểu?
Giải đáp:
Phần 1:
Dẫn nhập
Đây là một câu hỏi rất thường xuyên gặp, và là một câu hỏi gai góc. Một người đọc Kinh Thánh Cựu Ước cách nghiêm túc hẳn phải đối diện với câu hỏi này. Quả thật, trong một số bản văn Cựu Ước, rất nhiều lần Thiên Chúa được thuật lại bằng hình ảnh của một vị thần hay ra tay trừng phạt con người, và đôi khi còn trừng phạt theo cách thế rất bạo lực.
Một cái hay trong câu hỏi này là bạn đã cẩn trọng khi dùng từ “có vẻ”. Trong Tiếng Việt, “có vẻ” là từ thường được dùng để chỉ về những điều người ta có thể quan sát từ bên ngoài. Nhưng sự thật thì chưa hẳn đã giống như những gì chúng ta “thấy có vẻ”. Vậy thì câu hỏi đặt ra: chúng ta phải hiểu thế nào, và học được gì, từ những hình ảnh Thiên Chúa “có vẻ” rất ác và hay trừng phạt con người cách bạo lực?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta sẽ nói một chút về vai trò của ngôn ngữ dân gian trong lối diễn đạt của một nền văn hoá, qua đó chúng ta hy vọng hiểu được phần nào lối sử dụng ngôn ngữ biểu đạt trong văn hoá Kinh Thánh Cựu Ước. Tiếp đến, chúng ta sẽ sơ lược qua về bối cảnh lịch sử cụ thể đã trực tiếp ảnh hưởng và định hình nên dòng ngôn ngữ bạo lực trong Kinh Thánh. Cuối cùng, chúng ta sẽ lược qua một vài nguyên tắc quan trọng có thể soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong việc đọc Kinh Thánh Cựu Ước.
1. Từ văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam đến văn hoá và ngôn ngữ Kinh Thánh
Như chúng ta biết, Kinh Thánh không phải là một quyển sách. Đó là một bộ sách. Bộ sách này gồm nhiều thể loại khác nhau, được hình thành qua nhiều thời kỳ khác nhau, chịu tác động từ nhiều dòng văn hoá khác nhau. Các sách trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước ra đời từ khoảng hơn 2000 đến 2800 năm trước đây, được viết bằng tiếng Do–thái và tiếng A–ram cổ. Các sách này lại được viết ra từ một đất nước xa xôi, từ một vùng văn hóa có rất nhiều điều xa lạ với chúng ta. Chúng ta cũng biết, để hiểu được một bản văn hay một câu chuyện kể, chỉ biết ngôn ngữ thôi thì chưa đủ. Quan trọng hơn là cần hiểu được nền văn hóa, về cách suy nghĩ của con người, về những lối nói, về cách chơi chữ trong nền văn hóa đó. Cũng vậy, để hiểu được một bản văn Kinh Thánh, cần hiểu được rõ nền văn hóa mà từ đó bản văn Kinh Thánh được viết ra. Cần phải hiểu xem những tác giả của các bản văn Kinh Thánh sống trong hoàn cảnh nào, những người đầu tiên khi đọc bản văn Kinh Thánh mà chúng ta đang đọc thì họ hiểu ra sao. Không hiểu được nền văn hóa, rất dễ có nguy cơ chúng ta sẽ hiểu trật những điều mình đọc.
Thử xét một thí dụ rất cụ thể nhé.
Bạn thử tưởng tượng thế này: Có một anh Tây, tóc vàng mắt xanh mũi cao, rất thích ăn đồ ăn Việt. Biết rằng người Việt Nam có những công thức nấu ăn rất độc đáo, thế nên anh Tây mày mò tìm hiểu (với hy vọng biết đâu mình có thể trở thành Yan Can Cook trong thế giới ẩm thực của người Việt!). Thế rồi anh Tây tìm thấy trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có rất nhiều chỉ dẫn cụ thể về nấu ăn, chẳng hạn câu này: “Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.
Hay quá, bí quyết nấu ăn ngon đây rồi! Anh Tây sẽ làm gì? Theo đúng công thức nhé! Anh Tây sẽ đi chợ, mua tôm và bầu về. Anh ta sẽ làm gì nữa? Cắt bỏ hết phần thịt của các chú tôm và chỉ giữ lại bộ râu tôm thôi. Sau đó thì làm gì nữa? Anh ta lại cắt trái bầu, bỏ hết phần ngoài, chỉ giữ lại cái ruột thôi. Cuối cùng, anh đem bộ râu tôm nấu chung với mớ ruột bầu, đúng y như công thức mà anh ta học được đấy nhé! Các bạn có tin là sẽ có người ăn món anh ta nấu và gật đầu khen ngon không?
Đương nhiên là không! Râu tôm là cái phần dở nhất trong con tôm. Ruột bầu là cái phần dở nhất của trái bầu. Hai cái đó mà cộng lại thì chỉ có từ dở tới rất dở chứ ngon cái nỗi gì!
Ủa, thế thì tại sao người Việt lại viết như vậy nhỉ? Người Việt dạy nấu ăn gì kỳ cục vậy? Thiệt khổ cho anh Tây! Đâu có gì kỳ cục đâu. Chỉ vì không biết rõ văn hóa Việt Nam nên anh hiểu trật lất điều mà người Việt muốn dạy nhau.
Văn hóa ẩm thực của người Việt rất quan trọng việc ăn món gì với món gì, món gì nên nấu với món gì. Thế nên có câu: “Con gà tục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi, con chó khóc đứng khóc ngồi, mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.” Đương nhiên, đây không phải là bài ca dao tả cảnh con gà đi ra gặp lá chanh thì quay qua cục ta cục tác, cũng không phải con lợn gặp của hành thì kêu ủn a ủn ỉn... Câu ca dao này là tích luỹ tinh tuý trong kinh nghiệm nấu ăn của dân gian, dạy rằng: muốn nấu thịt gà thì phải có lá chanh, nấu thịt heo thì phải ướp hành, nấu thịt chó thì phải có củ riềng. Vậy mới hợp vị. Kinh nghiệm ấy được diễn tả cách văn vẻ bằng những câu thơ lục bát, có vần điệu và dễ nhớ, rồi được truyền miệng trong suốt dòng văn hóa của người Việt.
Cũng vậy trong câu ca dao “râu tôm nấu với ruột bầu/ chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”, ông bà mình muốn dạy chúng ta rằng: Bầu phải nấu với tôm thì ăn mới hợp vị. Lối nói ấy được diễn tả theo lối thậm xưng của thơ ca: Hai món đó hợp nhau đến độ thậm chí cả râu tôm, là thứ dở nhất của con tôm, mà đem nấu với ruột bầu, là thứ dở nhất của trái bầu, thì ăn vẫn hợp và vẫn ngon như thường!
Chưa hết đâu, câu ca dao ngắn trên còn ẩn chứa một nghĩa sâu xa hơn nữa về tình nghĩa gia đình. Cái ngon được diễn tả ở đây hoàn toàn đâu có nằm ở chỗ râu tôm nấu với ruột bầu. Cái ngon nằm ở chỗ “chồng chan vợ húp” kia kìa! Văn hóa Việt Nam ngày xưa là văn hóa “chồng chúa vợ tôi”. Với câu ca dao này, ông bà mình dạy rằng: chỉ cần thoát ra được cái văn hóa đó, chỉ cần một nghĩa cử yêu thương và chăm sóc nhau trong bữa ăn, như là chồng chan cho vợ một chén canh, thì dù chén canh đó có nấu bằng những thứ dở như là râu tôm cộng với ruột bầu đi nữa, người ăn vẫn thấy ngon như thường. Cái ngon ấy đến từ sự ấm áp trong tình nghĩa vợ chồng.
Bạn thấy không, chỉ với hai câu ca dao tiếng Việt viết cho người Việt, mà còn ẩn chứa trong đó bao nhiêu là cái lắt léo của văn hóa. Nếu người ta chỉ hiểu theo nghĩa đen, rồi đem áp dụng trực tiếp theo nghĩa đen, thì chỉ có từ sai tới sai mà thôi!
Vậy thì bạn thử nghĩ xem: chúng ta là những người Việt, đọc những điều được viết cho những người thuộc văn hóa Do–thái và Hy–lạp, lại cách chúng ta gần ba thiên niên kỷ. Bạn có chắc rằng chúng ta có thể đọc và hiểu liền được chăng? Luôn có nguy cơ hiểu sai, nếu chúng ta chỉ đọc chữ theo nghĩa đen mà không có một chút nhạy cảm nào về văn hóa của Kinh Thánh.
Thử xét một thí dụ đơn giản thế này.
Bạn nghĩ gì khi đọc Thánh Vịnh 136, câu 10: “Chúa sát hại các con đầu lòng Ai–cập, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”? Đọc vào, bạn có bị dội ngay không? Bạn tự hỏi gì? Chúa chi mà ác vậy? Niềm xác tín của tác giả Thánh Vịnh này sao mà kỳ vậy? Câu trước kể chuyện Chúa giết chết con đầu lòng của người ta, vậy mà câu sau vẫn tuyên xưng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương!
Ấy… nhưng mà khoan đã. Trước khi phản ứng theo kiểu của mình và kết luận một cách thẳng thừng, có lẽ bạn cần phải dừng lại một tí để tự hỏi xem liệu bạn có hiểu đúng câu Thánh Vịnh này chưa. Có khi nào bạn lại đang diễn giải điều được viết từ một nền văn hoá này dưới cái nhìn của một nền văn hoá khác? (Giống như trường hợp của anh Tây nấu canh râu tôm với ruột bầu đấy!) Hiểu trật thì đương nhiên phản ứng của mình sẽ trật. Tại sao các tác giả Kinh Thánh lại viết như vậy? Họ viết như vậy trong bối cảnh nào? Trong bối cảnh đó, viết như vậy có ý nghĩa gì?
Chúng ta biết rằng, trong dòng lịch sử của dân Ít–ra–en, Ai–cập luôn được xem là kẻ thù số một. Ai–cập đô hộ và thống trị Ít–ra–en trong những khoảng thời gian rất dài. Trước một Ai–cập hùng mạnh và mang đầy tham vọng bá quyền, Ít–ra–en chỉ là một rẻo đất nhỏ bé và yếu nhược. Đọc lại dòng lịch sử của dân tộc mình, các tác giả Ít–ra–en thấy việc họ thoát khỏi Ai–cập để sống trong hòa bình và tự do thật giống như một phép lạ vậy. Và phép lạ ấy, không ai khác, chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được cho họ.
Hơn nữa, khi kể lại những kỳ công Chúa đã thực hiện cho dân mình trong dòng lịch sử, những người có niềm tin bình dân thường xác tín thế này: tình thương của Chúa dành cho họ được thể hiện không chỉ qua việc bảo vệ họ là những người hiền lành và yếu đuối, nhưng còn qua việc trừng phạt kẻ thù của họ, là những kẻ ác. Ác giả thì phải ác báo. Vậy nên Ai–cập, kẻ ác chuyên đè đầu cỡi cổ họ, đương nhiên phải bị trừng trị.
Sách Xuất Hành kể lại rằng trong suốt thời gian Ít–ra–en làm nô lệ trên đất Ai–cập, vị thủ lãnh của dân Ít–ra–en là Mô–sê đã làm đủ mọi cách để thuyết phục Pha–ra–ô tha cho dân Ít–ra–en, nhưng nhà vua không nghe. Cuối cùng, vì biến cố các con đầu lòng Ai–cập bị chết hàng loạt, vua Pha–ra–ô sợ hãi nên tha cho dân Ít–ra–en để họ lên đường về lại quê hương xứ sở. Người Ít–ra–en, với niềm tin bình dân, đọc lại sự kiện ấy như là biến cố Chúa gởi đến. Ngang qua biến cố ấy, họ nhận ra cách Chúa thể hiện tình thương với dân tộc mình. Vậy là họ tuyên xưng tình thương ấy thế này: “Chúa sát hại các con đầu lòng Ai–cập, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Như thế, không phải là Chúa ra tay sát hại các con đầu lòng của Ai–cập. Đó thật ra là cách mà người dân Ít–ra–en đọc lại lịch sử và kể lại cảm nghiệm thiêng liêng của mình. Hãy đọc lại trọn vẹn từ đầu đến cuối Thánh Vịnh 136 để thấy điều này: tất cả những diễn biến của lịch sử đều được đọc lại dưới nhãn quan thần học. Tác giả Thánh Vịnh không phải đang kể chuyện lịch sử như một sử gia, nhưng đúng hơn là đang lần dò đi lại từng bước những thăng trầm của dân tộc mình để nhìn ra cách mà Thiên Chúa đã yêu thương dân Người. Ngang qua mọi biến cố, xác tín nền tảng được lặp đi lặp lại như một câu điệp khúc: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Đó là cách tác giả Kinh Thánh bày tỏ cảm nghiệm đức tin của mình, trong mức độ giới hạn mà ngôn ngữ con người cho phép. Có thể có nhiều điều trong lối diễn giải ấy không thích hợp với lối hiểu và nền nhân học của chúng ta ngày nay. Nhưng chúng ta đừng quên, đó là cách diễn đạt niềm tin bình dân của những người sống trong một nền văn hóa cách chúng ta hơn 2000 năm. Đức tin của con người vào Thiên Chúa cũng phải lớn lên từng ngày. Cách mà con người diễn tả về Thiên Chúa cũng lớn lên từng ngày cùng với sự phát triển của văn hoá, ngôn ngữ và văn minh nhân loại. Người có đức tin là người có khả năng nhìn ra tình thương của Chúa chảy tràn trên cuộc đời mình ngang qua mọi biến cố, dù tốt hay xấu, dù hay hay dở.
2. Từ lịch sử đau thương đến ngôn ngữ bạo lực
Như thế, chúng ta đồng ý với nhau ở điểm này: rất nhiều nơi trong Kinh Thánh, ngôn ngữ được diễn tả là ngôn ngữ giới hạn của con người khi nói lên cảm nghiệm của mình về Thiên Chúa. Bạn có thể đặt tiếp câu hỏi: tại sao ngôn ngữ của Kinh Thánh lại nhiều bạo lực như vậy? Tại sao các tác giả Kinh Thánh, những người được gọi là “được linh hứng”, có khi lại sử dụng kiểu ngôn ngữ nghe rất khó lọt tai?
Chúng ta biết rằng hoàn cảnh sống góp một phần quan trọng trong việc định hình nên ngôn ngữ của con người. Những người dân quê thì ăn cục nói hòn. Dân phố thì ăn nói lịch lãm. Người sống một cuộc đời bình yên thanh thản thì ít khi nào phải dùng đến những lời lẽ mạnh bạo. Người trải qua nhiều đắng cay và đau thương của cuộc đời thường dùng ngôn ngữ cay đắng… Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy các tác giả sách Thánh rất thường dùng đến ngôn ngữ bạo lực mỗi khi kể lại dòng lịch sử của dân mình. Đơn giản vì dòng ngôn ngữ ấy phản ánh thực trạng mà chính họ đã phải trải qua cùng với cả dân tộc mình.
Phần lớn các sách trong Kinh Thánh đều được viết ra từ sau biến cố lưu đày. Lưu đày là thảm kịch lớn nhất trong dòng lịch sử Ít–ra–en. Thành Thánh Giêrusalem bị san thành bình địa. Đền Thờ bị phá huỷ. Phố phường nhà cửa tan hoang và ngập chìm trong khói lửa. Người chết la liệt. Tiếng khóc than ai oán và nỗi sợ hãi bao trùm khắp nơi. Lớp lớp đoàn người bị xiềng xích và bị bắt đi lưu đày biệt xứ... Thảm kịch ấy chắc chắn lưu lại trong ký ức người dân Ít–ra–en những dấu ấn sâu đậm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành ngôn ngữ biểu đạt và khắc hoạ hình ảnh Thiên Chúa. Hãy đọc thử một đoạn sách Ai–ca để hình dung ra khung cảnh này:
Lũ trẻ thơ hoài công hỏi mẹ: “Bánh con đâu?”
rồi ngã gục trên quảng trường thành phố,
tựa như người bị đâm
Chúng trút linh hồn ngay trên tay mẹ…
[…]
Lạy Đức Chúa, xin nhìn xem cho kỹ,
Ngài đối xử với ai thế này?
Làm sao người mẹ đành ăn thịt
những đứa con mình bồng bế trên tay?
Làm sao tư tế và ngôn sứ
lại bị giết ngay trong thánh điện Ngài?
Ngoài phố, em bé với cụ già nằm la liệt,
thanh niên và thiếu nữ ngã gục dưới lưỡi gươm.
Ngài phẫn nộ, Ngài thẳng tay tàn sát,
Ngài tiêu diệt, chẳng chút xót thương. (Aica 2,12.20–21)
Như thế, điều mà chúng ta ngày nay gọi là thô bạo và đẫm máu, thực chất là chính kinh nghiệm xương máu mà dân tộc Ít–ra–en ngày xưa đã phải trải qua. Kinh nghiệm ấy đọng lại sâu đậm trong tiềm thức và định hình nên ngôn ngữ của người Ít–ra–en. Kinh nghiệm ấy cũng góp phần khắc hoạ nên hình ảnh của một Thiên Chúa mang bóng dáng bạo lực và công thẳng.
Điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý đó là: trong lối suy nghĩ của người Ít–ra–en ngày xưa Đức Chúa luôn là một Thiên Chúa toàn năng, duy nhất và là chủ tể của mọi sự. Không có bất kỳ một biến cố nào nằm ngoài bàn tay của Thiên Chúa, dù đó là biến cố sụp đổ của thành Giêrusalem và cuộc thảm bại của dân Chúa. Tất cả những cay đắng thăng trầm và tủi nhục đắng cay trong dòng lịch sử của dân đều được gán cho Thiên Chúa. Cũng vậy, tất cả những chiến thắng vinh quang và những cuộc tàn sát quân thù cũng đều được gán cho Thiên Chúa. Đó là lối nói của người bình dân ngày xưa. Chúng ta không thể hiểu những lối diễn tả ấy theo nghĩa đen, không thể tin rằng chính Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những điều mà niềm tin bình dân cho rằng chính Chúa đã thực hiện. Điều mà tác giả Kinh Thánh muốn truyền lại cho chúng ta là một kinh nghiệm thiêng liêng về Thiên Chúa, chứ không phải là một biến cố lịch sử về Thiên Chúa.
Phần 2:
3. Đường lối sư phạm của Kinh Thánh
Thêm một câu hỏi nữa cần đặt ra: Điều mà chúng ta ngày nay gọi là bạo lực, các độc giả ngày xưa của Kinh Thánh có xem là bạo lực không? Khi kể lại những việc “ác” mà Thiên Chúa đã làm, các tác giả Kinh Thánh ngày xưa có xem đó là điều “ác” không, hay đơn giản họ nhìn đó như là cách sửa dạy theo đường lối sư phạm của Thiên Chúa?
Thử hình dung câu chuyện thế này: một người Phương Tây thuộc thế giới hiện đại đến thăm một vùng quê hẻo lánh nào đó của Châu Á hoặc Châu Phi. Người Phương Tây nghĩ gì khi nhìn thấy một người cha đang cầm roi đánh con mình? Bạo lực gia đình. Hành hạ trẻ con. Vi phạm nhân quyền… Người Châu Âu nhìn chuyện xảy ra trong một văn hoá khác ngang qua lăng kính văn hoá của chính mình. Câu hỏi đặt ra: những người ở trong cùng nền văn hoá với người cha kia có hiểu giống như người Châu Âu hiểu hay không? Hay chỉ đơn giản họ thấy thế này: người cha ấy đang dạy con. Vì thương, nên mới cho roi cho vọt. Vì không muốn đứa trẻ hư, nên người cha mới dùng roi để sửa dạy con mình.
Những điều mà chúng ta, những con người văn minh của thế kỷ hai mươi mốt, gọi là bạo lực, có chắc những người ngày xưa gọi là bạo lực không? Họ kể lại những câu chuyện ấy để cổ xuý cho bạo lực như chúng ta nghĩ, hay chỉ đơn giản họ đang kể lại cách mà Thiên Chúa yêu thương sửa dạy con người? Có khi nào vì chúng ta đến từ một vùng đất khác, một nền văn minh khác, chúng ta nhìn mọi sự cũng nên khác qua lăng kính của chính mình. Đừng quên rằng đọc xuyên suốt Kinh Thánh, còn rất nhiều những xác tín nền tảng về Thiên Chúa là Chúa của tình yêu. “Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (TV 29:6). “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103,8–10). “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130,3–4), v.v…
Kết luận và áp dụng
Kinh Thánh không phải là những phóng sự trực tiếp hay những tường thuật lịch sử về những việc Thiên Chúa đã làm. Không một tác giả Kinh Thánh nào là người chứng kiến tận mắt, không một ai được nghe trực tiếp và thấy trực tiếp điều Thiên Chúa đã làm. Kinh Thánh là lời của con người, được viết ra dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, chia sẻ về những cảm nghiệm của con người về những điều Thiên Chúa đã làm cho chính mình, cho dân tộc mình. Lời của con người bị khuôn định theo một dòng văn hoá nhất định.
Khi gặp phải một câu Kinh Thánh khó, ngoài việc cần có thiện ý, cũng cần rất nhiều thời gian và tâm sức để học hỏi và suy gẫm thì mới có thể hiểu được. Để thật sự hiểu được Kinh Thánh, không có một lối tắt hay một kiểu đọc mì ăn liền rốp rẻng. Cần tránh kết luận như thể ta đây hiểu hết mọi sự và có thể giải thích hết mọi sự theo ý của ta.
Có ba điều quan trọng cần lưu ý để có thể đọc và hiểu một câu Kinh Thánh, nhờ đó có thể hiểu đúng điều mà Thiên Chúa muốn dạy chúng ta ngang qua câu Kinh Thánh ấy.
Thứ nhất, cần đặt câu Kinh Thánh trong toàn bộ bối cảnh văn chương, lịch sử và văn hoá mà câu văn ấy thuộc về. Một trong những thói quen thường thấy ngày nay là người ta thích “trích ngang hông” một câu, một từ nào đó của Kinh Thánh, rồi hỏi câu hay từ ấy có nghĩa gì. Kiểu làm này truyền thông ngày nay gọi là cắt xén. Bất cứ một loại “cắt xén” nào cũng mang nhiều nguy hiểm, vì không phản ánh trung thực toàn vẹn sự thật. Vì thế, để hiểu được nghĩa của một câu Kinh Thánh hay một chi tiết, một vấn đề nào đó, cần đọc trọn vẹn cả câu chuyện hay trọn vẹn bản văn mà câu Kinh Thánh ấy thuộc về. Cần cẩn trọng đặt rất nhiều câu hỏi để có thể từng bước đào sâu và làm vỡ ra những tầng nghĩa được hàm chứa trong một chi tiết hay một câu văn nhỏ. Chẳng hạn: trong toàn mạch văn hay toàn bộ câu chuyện, tác giả Kinh Thánh đang kể cho chúng ta nghe điều gì? Toàn bộ câu chuyện ấy muốn dạy chúng ta về điều gì? Câu Kinh Thánh mà chúng ta trích ngang xương liệu có phải là điểm nhấn quan trọng nhất trong toàn bộ câu chuyện hay không? Trong dòng văn hoá của mình, câu chuyện ấy dạy người ta điều gì? Ngang qua câu chuyện ấy, Thiên Chúa muốn nhắn gởi con người điều gì?
Thứ hai, cần đặt những suy tư và chiêm niệm của chúng ta về những bản văn Cựu Ước dưới sự hướng dẫn và soi sáng từ giáo huấn và cuộc đời của Chúa Giêsu. Đọc lại dòng lịch sử Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta càng thấy vai trò nổi bật của Đức Giêsu trong vai trò mang đến một ngôn ngữ khác, một lối diễn tả khác. Nhờ đó, dung mạo của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải là rất khác. Cần hiểu rõ rằng ở đây không phải là Đức Giêsu nói về một Thiên Chúa khác. Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa, có những lối nói rất khác để diễn tả về chính một Thiên Chúa, là Đấng đã được diễn tả bằng ngôn ngữ mang nhiều giới hạn của con người trong thời Cựu Ước. Chính Đức Giêsu trở thành chìa khoá và tiêu chuẩn quan trọng cho việc đọc và hiểu Cựu Ước. Nếu bạn đọc một câu nào đó khó khó trong Kinh Thánh Cựu Ước và bạn bắt đầu hiểu theo hướng “kỳ kỳ”, câu hỏi nên đặt ra lúc ấy là thế này: hướng hiểu “kỳ kỳ” bạn có hợp với những giáo huấn mà Đức Giêsu dạy không? Cần đủ khiêm tốn để nhận ra rằng tiêu chuẩn quyết định có thể giúp bạn hiểu Kinh Thánh chính là hình ảnh Thiên Chúa mà Đức Giêsu Mạc Khải, chứ không phải lối hiểu kỳ kỳ của chính bạn.
Thứ ba, đừng xem nhẹ vai trò của Giáo Hội. Nếu bạn có gặp một câu Kinh Thánh nào đó “khó nuốt”, đừng nên nghĩ rằng bạn là người đầu tiên phải đối mặt với vấn đề ấy. Trước bạn, chắc chắn đã có rất nhiều người phải vất vả và bỏ công sức đầu tư để tìm hiểu về những chi tiết khó trong Kinh Thánh. Xuyên suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, Giáo Hội đã tích luỹ cho mình bao nhiêu là kinh nghiệm từ việc đọc và giải thích Kinh Thánh. Kinh nghiệm ấy là cả một kho tàng. Thế nên nếu bạn thật sự là người có thiện chí và ham học hỏi, đừng ngại tìm đến những người có thẩm quyền và có chuyên môn trong Giáo Hội. Đọc Kinh Thánh theo dòng truyền thống của Giáo Hội là lối đọc an toàn nhất, mang đến nhiều ánh sáng và hoa trái nhất cho đức tin của bạn.
“Ignoratio Scripturarum, ignoratio Christi est” – “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki–tô”. Thánh Giê–rôm đã từng nói như thế. Ước gì nhờ năng đọc, suy niệm, và tìm hiểu Kinh Thánh, bạn có thể ngày càng hiểu biết và yêu mến Đức Kitô nhiều hơn.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét