Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 13/2
Đặng Tự Do
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trung tâm của Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay là các Mối Phúc (x. Lc 6, 20-23). Thật thú vị khi lưu ý rằng Chúa Giêsu, mặc dù bị bao quanh bởi một đám đông lớn, nhưng lại công bố các Mối Phúc bằng cách nói với “các môn đệ của Ngài” (câu 20). Ngài nói với các môn đệ. Thật vậy, các Mối Phúc xác định căn tính của người môn đệ Chúa Giêsu. Các Mối Phúc nghe có vẻ lạ, gần như không thể hiểu được đối với những người không phải là môn đệ; nhưng, nếu chúng ta tự hỏi chính mình môn đệ của Chúa Giêsu phải là người như thế nào, thì câu trả lời chính xác là các Mối Phúc. “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (câu 20). Phúc cho những người nghèo. Chúa Giêsu nói với dân Ngài hai điều: họ có phúc và họ nghèo; quả thật, họ được chúc phúc vì họ nghèo.
Theo nghĩa nào? Thưa: Theo nghĩa là các môn đệ Chúa Giêsu không tìm thấy niềm vui của mình nơi tiền bạc, quyền lực, hoặc các thứ của cải vật chất khác; nhưng trong những ân sủng mà họ nhận được mỗi ngày từ Thiên Chúa: sự sống, tạo vật, anh chị em, v.v. Đây là những món quà của cuộc sống. Họ bằng lòng chia sẻ ngay cả những thứ họ sở hữu, bởi vì họ sống theo luận lý của Thiên Chúa. Và luận lý của Chúa là gì? Thưa: là sự nhưng không. Người môn đệ đã học cách được sống nhưng không. Sự nghèo khó này cũng là một thái độ đối với ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì các môn đệ của Chúa Giêsu không nghĩ đến việc sở hữu nó, hay cho rằng mình đã biết mọi thứ, nhưng họ biết rằng họ phải học hỏi mỗi ngày. Và sự nghèo khó là thế này: đó là ý thức phải học mỗi ngày. Người môn đệ của Chúa Giêsu, từ khi có thái độ này, là một người khiêm tốn, cởi mở, xa rời các thành kiến và não trạng không linh hoạt.
Có một ví dụ điển hình trong bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước: Ông Simon Phêrô, một ngư dân lão luyện, chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu để thả lưới vào một giờ bất thường, và sau đó, đầy ngạc nhiên về vụ đánh bắt kỳ diệu, rời thuyền và tất cả hàng hóa của mình để theo Chúa. Thánh Phêrô cho thấy mình là người ngoan ngoãn bằng cách bỏ mọi thứ, và theo cách này, ngài trở thành một môn đệ. Thay vào đó, những ai quá dính bén vào ý tưởng riêng và của cải của riêng mình, sẽ khó thực sự theo Chúa Giêsu. Họ theo dõi Ngài một chút, chỉ trong những điều mà trong đó “Tôi đồng ý với Ngài và Ngài đồng ý với tôi”, nhưng sau đó, đối với những phần còn lại, họ không đi xa hơn. Và đó không phải là một môn đệ. Có lẽ họ lắng nghe Ngài, nhưng họ không làm theo Ngài. Và vì vậy, họ rơi vào tình trạng buồn bã. Họ trở nên buồn bã vì mọi thứ không hợp lý, bởi vì thực tế thoát khỏi tâm lý của họ và họ thấy không hài lòng. Ngược lại, các môn đệ biết cách tự vấn mình, khiêm tốn tìm kiếm Thiên Chúa mỗi ngày, và điều này cho phép họ đi sâu vào thực tế, nắm bắt được sự phong phú và phức tạp của nó.
Nói cách khác, người môn đệ chấp nhận nghịch lý của các Mối Phúc: họ tuyên bố rằng những ai nghèo khó, thiếu thốn của cải và nhận ra điều này, thì được chúc phúc, được hạnh phúc. Về phương diện người ta thường tình, chúng ta có xu hướng nghĩ theo một cách khác: hạnh phúc là những người giàu có, nhiều của cải, những người có tất cả những sự chắc chắn, những người nhận được sự khen ngợi và là đối tượng ghen tị của nhiều người. Nhưng đây là lối suy nghĩ của thế gian, nó không phải là cách nghĩ của các Mối Phúc! Trái lại, Chúa Giêsu tuyên bố thành công thế gian là thất bại, vì nó dựa trên sự ích kỷ thổi phồng lên để rồi khiến trái tim trống rỗng. Đối mặt với nghịch lý của Các Mối Phúc, các môn đệ cho phép mình được thử thách, ý thức rằng không phải Thiên Chúa phải đi vào luận lý của chúng ta, mà là chúng ta phải đi vào luận lý của Người. Điều này đòi hỏi một cuộc hành trình, đôi khi mệt mỏi, nhưng luôn đi kèm với niềm vui. Bởi vì người môn đệ của Chúa Giêsu vui mừng, với niềm vui đến từ Chúa Giêsu. Bởi vì, chúng ta hãy nhớ, lời đầu tiên mà Chúa Giêsu nói là: phúc thay, beati, là từ ngữ hình thành tên Các Mối Phúc. Đây là từ đồng nghĩa với việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Chúa, bằng cách giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của sự tự cho mình là trung tâm, phá vỡ ổ khóa của chúng ta, làm tan biến sự cứng cỏi của chúng ta, và mở ra cho chúng ta hạnh phúc thực sự, mà chúng ta thường tìm thấy ở nơi chúng ta không mong đợi. Chính Ngài là Đấng hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, chứ không phải chúng ta, với những định kiến và những đòi hỏi của chúng ta. Cuối cùng, các môn đệ là những người để mình được Chúa Giêsu dẫn dắt, những người mở lòng đón nhận Chúa Giêsu, những người lắng nghe Người và đi theo con đường của Người.
Sau đó, chúng ta có thể tự hỏi: liệu tôi - mỗi người trong chúng ta - có sẵn sàng là người môn đệ của Chúa không? Hay tôi cư xử với sự cứng nhắc của một người tin rằng mình đúng, người cảm thấy mình quá tử tế, người cảm thấy mình đã đạt đến mức lành thánh lắm rồi? Tôi có cho phép mình “không phản kháng nội tâm” trước các nghịch lý của Các Mối Phúc, hay tôi ở trong giới hạn của những ý tưởng của riêng tôi? Và rồi, với luận lý của các Mối Phúc, chấp nhận những khó khăn gian khổ, tôi có cảm nhận được niềm vui khi bước theo Chúa Giêsu không? Đây là đặc điểm quyết định của người môn đệ: niềm vui. Đừng quên - niềm vui của trái tim. Đây là tảng đá góc để biết một người có phải là môn đệ hay không: đó là người ấy có niềm vui trong lòng không? Tôi có niềm vui trong lòng không? Đây là mấu chốt.
Xin Đức Mẹ, người môn đệ đầu tiên của Chúa, giúp chúng ta sống như những môn đệ cởi mở và vui tươi.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tin tức từ Ukraine là rất đáng lo ngại. Tôi giao phó mọi nỗ lực vì hòa bình cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và lương tâm của các nhà lãnh đạo chính trị. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng.
Tôi chân thành chào tất cả anh em: Những người Rôma và những người hành hương đến từ Ý và từ các quốc gia khác.
Đặc biệt, tôi chào các tín hữu của Funchal và Estreito de Câmara de Lobos, trên Đảo Madeira, Bồ Đào Nha, cũng như những người đến từ Perugia và Catanzaro.
Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét