1. Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ năm Mùa Thường Niên: Luca 5:1-11: Vai trò của Ngư phủ Simôn:

Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. 2Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. 3Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

4Giảng xong, Người bảo ông Simôn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” 5Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” 6Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. 7Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

8Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” 9Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. 10Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” 11Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người
.

(Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)



Chú Thích

Ở bên hồ Ghennêxarét. Ghennêxarét là tên tiếng Hy Lạp của vùng đất nhỏ, mầu mỡ, đông dân phía tây của chiếc hồ mà một số tác giả gọi là Biển Galilê; nó nằm ở phía nam Caphácnaum. Tên của vùng cũng dùng để gọi chiếc hồ. Các Tin mừng gia gọi nó là biển (Thalassa, chữ cũng được dùng trong Dân số 34:11 và Giosuê 12:3 của Bản Bẩy Mươi). Luca dùng chữ “hồ” [limnē] chính xác hơn, chữ cũng được Josephus sử dụng trong Antiquities 18.2, 1 §28. Căn cứ vào đây, ta thấy nhận thức của Luca về địa dư Palestine không hề thiếu sót.

Trong Tin mừng Luca, Chúa Giêsu chỉ dạy bên hồ ở đây mà thôi; xem Mc 2:13; 3:7; 4:1-2. Conzelmann (Theology, 42) nghĩ rằng đối với Luca, hồ có nét “thần học” nhiều hơn, nơi biểu lộ quyền năng của Chúa Giêsu.

Lời Thiên Chúa. Lần đầu tiên xuất hiện cụm từ này, ho logos tou theou, trong Tin mừng Luca. Nó gần như là đặc trưng của Luca vì Máccô chỉ dùng 1 lần (7:13) cũng như Gioan (10:35) và có lẽ cả Mátthêu nữa (15:6) nhưng với dị bản nomos, “lề luật”, trong một số thủ bản. Trái lại, Luca sử dụng 4 lần trong Tin mừng (5:1; 8:11, 21; 11:28) và 14 lần trong Công vụ (4:31; 6:2,7; 8:14; 11:1; 12:24; 13:5,7, 44, 46, 48; 16:32;17:13; 18:11). Trong hầu hết các trường hợp trong Công vụ, cụm từ này dùng để chỉ sứ điệp Kitô giáo như được các tông đồ rao giảng; ở đây, Luca dùng chỉ chính lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Do đó, ngài dùng lời giảng dạy của Chúa Giêsu làm gốc rễ cho việc công bố của cộng đồng Kitô hữu. Nhưng như chính cụm từ cho thấy, gốc rễ sau cùng của giáo huấn này chính là Thiên Chúa, vì cụm từ muốn nói “lời của Thiên Chúa” hay “lời phát xuất từ Thiên Chúa” hơn là “lời nói về Thiên Chúa”. Dù những câu này được Máccô gợi hứng, nhưng cụm từ không xuất hiện trong Mc 4:1. Xem thêm J. Dupont, “‘Parole de Dieu’ et ‘parole du Seigneur’” [Lời của Thiên Chúa và lời của Chúa], Revue Biblique 62 (1955) 47-49.

Lời giảng của Chúa Giêsu cho đám đông đang chen lấn quanh Người không có gì liên quan đến phép lạ sắp tới; nhưng nó giải thích hoạt động của Người như một người giảng thuyết về Nước Trời và chuẩn bị cho chức năng mà Simôn được kêu gọi đảm nhiệm.

Những người đánh cá. Số nhiều này chịu ảnh hưởng của Máccô 1:16 là câu nhận diện cả Anrê lẫn Simôn là những người này (haleeis). Luca không bao giờ nhắc tới Anrê, nhưng động từ số nhiều ở các câu 4,6,7,9 hàm ý một người nào khác hiện diện trong thuyền cùng với Simôn và Chúa Giêsu.

Đang giặt lưới. Luca sửa đổi một chi tiết của Máccô 1:19, “đang vá lưới”. Về tư liệu liên quan tới bối cảnh lịch sử của nghề đánh cá ở Palestine, xin xem E.F.F. Bishop, “Jesus and the Lake” Catholic Biblical Quarterly 13 (1951) 398-414; W.H. Wuellner, The Meaning, 26-63.

Của ông Si-môn. Cả ở đây lẫn ở các câu 4,5, ngài chỉ được gọi là Simôn, nhưng trong câu 8, tên kép Simôn Phêrô đã được dùng, chắc chắn từ nguồn “L”. Việc chọn chiếc thuyền của Simôn đem lại cho ngài một thế nổi bật vì ngài sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong nhóm các môn đệ được Chúa Giêsu thành lập.

Người ngồi xuống. Thế người thông thường cùng với một bạn đồng hành trên con thuyền nhỏ dĩ nhiên là ngồi. Nhưng thế ngồi của một vị thầy cũng đã được gợi ý (xem câu 4:20).

Người giảng dạy. Việc Luca nhấn mạnh tới hoạt động giảng dạy của Chúa Giêsu tiếp diễn. Việc lặp lại chủ đề quán xuyến này ở đây nối kết tình tiết này với hai câu cuối cùng của tình tiết trước (4:43-44); nó cung cấp bối cảnh giảng dạy nước trời cho lời hứa ngỏ với Simôn. Còn về cố gắng ẩn dụ hóa việc Chúa Giêsu giảng dạy từ thuyền Phêrô (= Giáo Hội), xin xem K. Zillessen, Zeitschrift für die Neutestamentliche Wissenchaft 57 (1966) 137-139; E. Hilgert, The Ship and Related Symbols in the New Testament (Assen: Van Gorcum, 1962)105-110.

Thưa Thầy. Ở đây, lần đầu tiên Luca dùng chữ epistata, là dạng xưng hô (vocative) của epistatēs. Chỉ có Luca dùng chữ này, các Tin Mừng nhất lãm khác thường dùng hoặc didaskale (thầy dạy [teacher]) hay rabbi (thầy =giáo sĩ). Trong văn chương Hy lạp, epistatēs có nghĩa rộng hơn, chỉ cả “người chỉ huy, nhà hành chánh, giám thị viên” (như trong ngành huấn luyện tuổi trẻ). Trong các trước tác Luca, nó được dùng cho Chúa Giêsu bởi các môn đệ mà thôi, trong khi didaskalos được cả người không phải là môn đệ dùng. Như trong 8:24; 17:13, epistata thích đáng hơn đối với bối cảnh phép lạ. Xem O. Glombitza, “Die Tidel didaskalos und epistatēs für Jesus bei Lukas” Zeitschrift für die Neutestamentliche Wissenchaft 49 (1958) 275-278.

Sấp mặt dưới chân Đức Giêsu. Cha Joseph A. Fitzmyer dịch là “He dropped his knees before Jesus” [Ông qùy gối trước Chúa Giêsu]

Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! Phản ứng của Simôn trước quyền năng biểu lộ trong mẻ cá lạ lùng đã liên hệ Chúa Giêsu với một lãnh vực mà ông vốn không thuộc về vì ông là một người tội lỗi.

Lạy Chúa. Simôn, kẻ tội lỗi, qùy trước “Chúa” của ông, sử dụng một danh hiệu vốn thường dùng cho Chúa Kitô phục sinh. Nó được duy trì ở đây, vì tác giả của nó viết trong Giai đoạn III của truyền thống Tin mừng.

Đừng sợ. Kiểu nói này không hẳn đặc trưng của Luca nhưng thường thấy trong các trước tác của ngài (1:13,30;8:50; 12:32; Cv 18:9; 27:24). Trong bối cảnh này, việc dùng nó hơi lạ khi Simôn chỉ bày tỏ tính tội lệ của mình, và phản ứng ngạc nhiên của ngài đã được ghi nhận. Cụm từ này thường quen thuộc trong các màn hiển linh (như 1:13,30; Cv 18:9; 27:24), và được dùng ở đây có lẽ để làm nổi bật đặc tính mạc khải của phép lạ vừa thực hiện. Mặt khác, nó cũng có thể là dấu vết của một câu truyện phép lạ hậu phục sinh nguyên thủy hơn.

Từ nay. Cụm từ này đặc trưng của Luca. F. Rehkopf (Die lukanische Sonderquelle, 92) cho là nó đã có trước Luca trong truyền thống Nhất Lãm; nhưng việc nó xuất hiện ở Cv 18:6 cho thấy nó đặc trưng của Luca.

Cụm từ thay đổi ý nghĩa của lời kêu gọi như diễn ra ở Mc 1:17, dẫn nhập một nét tức khắc chưa có ở đó. Nó hiển nhiên làm tăng vai trò của Simôn, người từ nay liên kết với chính sứ mệnh của Chúa Giêsu, cho dù lời hứa trong Luca không có câu “hãy theo Thầy”, L. Brun (Symbolae osloenses 11 (1932) 48) nghĩ việc dự ứng vai trò của Simôn thực tế mâu thuẫn với lời kêu gọi Nhóm Mười Hai ở 6:14; nhưng như thế là quá nhấn mạnh đế ý nghĩa của cụm từ. Nó được dùng ở đây theo nghĩa dự ứng (proleptic) như ở 12:52 và 22:69 (xem Klein, “Die Berufung des Petrus”, 13).

Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta. Nhiều bản dịch dịch là “kẻ đánh cá người”. Nhưng theo Cha Fitzmyer, chiểu tự, dịch là “bắt sống người ta”. Phân từ zōgrōn gồm chữ zōos (sống) và agrein (bắt, săn). Lời Chúa Giêsu được ngỏ với một mình Simôn, ngôi thứ hai số ít. Theo cách của ngư phủ, Simôn sẽ tụ tập người ta vào vương quốc Thiên Chúa. Xin lỗi J. Mánek, Novum Testamentum 2 (1957) 138-141, ẩn dụ dùng ở đây không nên giải thích theo thần thoại vũ trụ học cổ xưa mô tả vùng nước hỗn mang như kẻ thù phải được khuất phục; không hề có hàm ý nào như thế trong bản văn Luca. Cũng không nên nghĩ rằng là ngư phủ, Simôn sẽ kéo con người ra khỏi biển tăm tối họ hiện đang sống để vào một thế giới mới; điều này không những ẩn dụ hóa hình ảnh quá đáng mà còn mang theo sắc thái bất hạnh theo nghĩa cá thường không sống nổi ở trên cạn. Đúng hơn, ẩn dụ nên được giải thích ở bình diện bề mặt, giống như Cựu Ước từng dùng nó “Này đây Ta sẽ sai nhiều ngư phủ –sấm ngôn của Đức Chúa– đến đánh bắt chúng” (Grm 16:16; xem Am 4:2; Kbc 1:14-15). Sắc thái phán xét cánh chung có thể nổi bật hơn trong các đoạn văn Cựu Ước, nhưng người ta không thể loại bỏ một sắc thái như thế trong các đoạn văn Tân Ước. Xem Hôdāyôt (Thanksgiving Hymns) from Cave 1 5:7-9, trong đó Thầy Công Chính cũng nhắc đến việc tụ tập những người nhiệm nhặt tuân theo Tôra trong một bối cảnh phán xét.

Ẩn dụ ngư phủ bắt những con người nhân bản cho Nước Trời hàm ngụ vai trò tác nhân trong liên kết với chính thừa tác vụ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, nó không tức khắc hàm ngụ việc làm môn đệ, ít nhất trong hình thức Luca nói về ơn gọi. Như Smith (Havard Theological Review 52 (1959) 197) đã cho thấy, vai trò Simôn được Chúa Giêsu kêu gọi đảm nhiệm không nên giải thích là “mọi Kitô hữu”. Đúng hơn nó được dùng để nói lên chức năng Phêrô.

Bỏ hết mọi sự. Luca lấy phân từ aphentes từ Mc 1:18, trong đó, nó được dùng để chỉ các môn đệ “bỏ” lưới của họ. Xem Mc 1:20. Một cách đặc trưng, Luca thay đổi nó, làm cho ba môn đệ ‘bỏ mọi sự” (panta).

Mà theo Người. Cụm từ này cũng lấy từ Máccô 1:18. Đây là lần đầu tiên xuất hiện chữ akolouthein trong Tin Mừng Luca, nơi nó sẽ thường được sử dụng để chỉ việc làm môn đệ Chúa Kitô (5:27-28; 9:23, 49, 57, 59, 61; 18:22,28). Josephus (Antiquities 8:13, 8 § 354) dùng nó gọi Êligia là môn đệ của Êlia (xem 1V 19:21 bản Bẩy Mươi). Trong văn chương giáo sĩ (rabbinical) sau này, “theo chân” (hālak ‘aḥărê, “bước chân theo”) thường được dùng để chỉ mối liên hệ của môn dệ với các rabbis. Tuy nhiên, có một sắc thái thêm trong việc Tân Ước dùng chữ akolouthein, vì nó xuất hiện trong cả 4 Tin Mừng với nghĩa “tự dấn thân... vượt qua mọi liên hệ khác” (G. Kittel, Theological Dictionary of the New Testament 1.213). Môn đệ thường làm điều học trò của một rabbi làm bề ngoài, nhưng ngụ hàm một gắn bó và dấn thân nội tâm với Chúa Giêsu và chính Nghĩa được Người rao giảng. Trong các trước tác Luca, nó còn có thêm một sắc thái nữa do viễn ảnh địa dư nó rất thích hợp với (xem T. Aerts, “A la suite de Jésus: Le verbe akolouthein dans la tradition synoptique” Analectica Lovaniensia Biblica et Orientalia 4/37 (1967) 1-71).



Nhận xét

Bốn tình tiết trước cung cấp cho ta một cái nhìn về thừa tác vụ được chính Chúa Giêsu tiến hành. Trong 4 tình tiết ấy, Người xuất hiện một mình ở Galilê, giảng dạy và chữa bệnh. Tuy nhiên, tình tiết cuối cùng (4:42-44) cũng tiết lộ rằng sứ mệnh rao giảng Nước Trời của Người nhằm một phạm vi rộng hơn Caphácnaum. Thực thế, câu 44 gợi ý cho thấy “Giuđêa” theo nghĩa rộng cũng có liên can. Tuy thế, giờ đây Luca trình bày Chúa Giêsu vẫn ở Galilê, ở bờ Hồ Ghennêxarét (5:1-11), quen biết với Simôn, người mà Người hứa ban cho một nghề khác, và được 2 người khác đi theo. Tình tiết này và tình tiết tiếp theo đi trước bất cứ tranh cãi nào mà thừa tác vụ giảng dạy và chữa lành của Chúa Giêsu có thể gợi lên; như thế chúng thuộc “buổi đầu” thừa tác vụ (chủ yếu) Galilê của Người. Theo một quan điểm khác, tình tiết nói đến lời hứa ngỏ với Simôn này báo trước việc chọn Nhóm Mười Hai (6:12-16), mà Simôn sẽ là người đứng đầu.

Tình tiết này là một điển hình hoán vị khác của Luca vì nó chịu ảnh hưởng của Máccô 1:16-20, dù trình thuật Luca phần lớn độc lập với nó. Bằng cách hoán vị màn này từ khung cảnh Máccô của nó, Luca đã loại bỏ tính hơi vô lý thường được nhiều người ghi nhận nơi tường thuật Máccô về việc kêu gọi 4 môn đệ, việc đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện trong Tin Mừng sau khi chịu phép rửa và sống trong sa mạc. Trong đồng văn Luca, người ta thấy Chúa Giêsu giảng dạy và chữa bệnh, còn Simôn thì mục kích một trong các việc cao cả Người làm (4:38-39). Như thế, các màn trước đây của Luca cung cấp khung cảnh hợp lý về phương diện tâm lý cho việc kêu gọi ngư phủ Simôn.

Tình tiết Luca này khó có thể chỉ song hành với Máccô 1:16-20. Ngoài khung cảnh mới do việc hoán vị cung cấp, còn có 3 điều khác nhau khác: (a) Chúa Giêsu không phải chỉ là khách qua đường; Người giảng dạy từ thuyền của Simôn cho đám đông trên bờ hồ (các câu 1-3); (b) Simôn thả lưới cho mẻ cá lạ lùng theo lời Chúa Giêsu (các câu 4-9a); (c) Chúa Giêsu hứa cho Simôn một nghề nghiệp mới, khiến Ông (và hai đồng bạn) bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu (các câu 9b-11). Trọn tình tiết vì thế được Luca soạn thảo từ chất liệu Máccô được hoán vị và soạn lại cũng như từ chất liệu khác do nguồn riêng (“L”) của chính Luca.

Khung cảnh của tình tiết (các câu 1-3) được gợi hứng bởi Mc 4:1-2, dẫn nhập vào bài giảng của Chúa Giêsu bằng dụ ngôn trong Tin Mừng đó: Chúa Giêsu bước vào chiếc thuyền để giảng dạy người ta trên bờ hồ. Chi tiết này sau đó bị Luca bỏ, khi ngài dẫn nhập một số trong các dụ ngôn này (8:4), một dấu hiệu cho thấy, sau khi mượn chi tiết đó cho tình tiết này, ngài không muốn nhắc lại nó ở đó. Câu 1, với cách kết cấu đặc trưng egeneto de rõ ràng là một soạn lại của Luca. Mặt khác, việc thay đổi từ ploiaria (các con thuyền) qua ploiōn/ploiou (con thuyền) trong câu 3 cho thấy ảnh hưởng Máccô (xem Mc 4:1). Ta cũng thấy ảnh hưởng của Máccô trong các câu 9b-11 trong đó, câu truyện nối lại với Mc 1:16-20 (nhất là các câu 17c, 19, 20). Tuy nhiên ngay những song hành này cũng bị Luca điều chỉnh khi soạn thảo (“các đồng bạn của Simôn”, việc mang thuyền vào bờ). Khi người ta tách các chất liệu được Máccô gợi hứng, họ chỉ còn lại câu truyện về mẻ cá lạ lùng (4-9a).

Tuy nhiên, trình thuật này chỉ được liên kết với việc kêu gọi Simôn trong Tin Mừng này. Việc nó tương tự với các chi tiết trong Gioan 21:1-11 thường được ghi nhận. R.E. Brown (John, XII-XXI, 1090) đơn cử 10 điểm tương tự giữa các trình thuật Luca và Gioan: (1) các môn đệ đánh cá đêm ngày nhưng không bắt được gì; (2) chỉ thị của Chúa Giêsu thả lưới cho mẻ cá; (3) chỉ thị được tuân theo đã mang lại mẻ cá phi thường; (4) hậu quả của nó đối với lưới; (5) Simôn Phêrô phản ứng trước mẻ cá (nét đặc biệt của Gioan mô tả Người Môn đệ Yêu dấu đi trước ông); (6) Chúa Giêsu được ngỏ là “Chúa”; (7) các ngư phủ khác dự phần vào mẻ cá, nhưng không nói gì; (8) Việc “theo” Chúa Giêsu xẩy ra ở đoạn kết (Xem Gioan 21:19,22); (9) mẻ cá tượng trưng cố gắng truyền giáo thành công (minh nhiên hơn trong Luca); (10) cùng các từ ngữ được dùng để xuống thuyền, lên bờ, lưới v.v... có thể là tình cờ; nhưng việc dùng tên kép “Simôn Phêrô” (Luca 5:8; Gioan 21:7) thì không tình cờ, nó chỉ diễn ra ở đây trong Luca. Ta có thể thêm (11) không nhắc tới Anrê trong cả hai trình thuật (xem Mc 1:16).

Mặt khác, 7 điểm khác nhau đã được ghi nhận (xem A. Plummer, Gospel, 147): (1) Trong Gioan, Chúa Giêsu đầu tiên không được nhìn nhận; (2) Trong Gioan, Chúa Giêsu ở trên bờ chứ không ở dưới thuyền; (3) Trong Gioan, Simôn Phêrô và Người Môn đệ Yêu dấu ở trong cùng một con thuyền; (4) Trong Gioan, Phêrô để việc kéo mẻ cá cho người khác; (5) Trong Gioan, lưới không rách, trong Luca, nó rách; (6) Trong Gioan, cá bắt được ở gần bờ và được kéo lên; và (7) Trong Gioan, Phêrô chạy vội dưới nước đến với Chúa Giêsu, Đấng mà ông vừa bác bỏ; trong Luca, ông khẩn khoản xin Chúa rời xa ông.

Trong khi Plummer kết luận 2 phép lạ thuộc một loại tương tự do Chúa Giêsu thực hiện, một để minh họa việc kêu gọi Simôn; phép lạ kia để minh họa ơn gọi lại vị chánh tông đồ, các nhà chú giải ngày nay, đúng hơn, coi các màn Luca và Gioan như các trình thuật về cùng một phép lạ. Chúng diễn tả một mẩu truyền thống tin mừng cùng đến một cách độc lập với cả hai tin mừng gia. Luca biến nó thành một phần câu truyện của ngài về việc kêu gọi Simôn, nhưng Gioan biến nó thành câu truyện Chúa Giêsu sống lại hiện ra. G. Klein (“Berufung des Petrus,” 34-35) đã lập luận đúng rằng ít có màn nào nguyên ủy dẫn khởi từ thừa tác vụ của Chúa Giêsu và sau đó được dẫn vào tường trình của Gioan về cuộc hiện ra của Chúa Giêsu sống lại; không có song hành nào cho loại hoán vị này trong truyền thống tin mừng trong khi các trường hợp được biết đến khác bao gồm việc hồi phóng (retrojection) một màn hậu phục sinh vào thừa tác vụ (thí dụ Mátthêu 16:16b-19; xem R.E. Brown và nhiều vị khác [chủ biên] Peter in the New Testament [New York: Paulist, 1973] 83-101). Mặt khác, hình thức Luca của câu truyện có rất ít dấu vết các yếu tố của một câu truyện hiện ra (xem C.H. Dodd, “The Appearances” 22-23). Đến thời Luca thừa hưởng truyền thống, thì truyện phép lạ đơn giản đã đến với ngài từ nguồn “L”; ngài nối nó với chất liệu Máccô và nhào nặn nó thành câu truyện kêu gọi Simôn. Một lý do khác để nghĩ rằng nguyên ủy nó phát sinh từ khung cảnh hậu phục sinh là phản ứng của Simôn Phêrô trong câu 8, ngỏ lời với Chúa Giêsu là “Chúa” và tự coi mình là “kẻ tội lỗi”, một phản ứng chỉ thích đáng hơn nếu áp dụng vào một người từng chối Thầy. Hơn nữa, câu 8 tự biểu lộ như một câu nối. Phản ứng của Phêrô đối với Chúa Giêsu sau mẻ cá có vẻ kỳ lạ; người ta thường mong đợi một phản ứng kinh ngạc hay biết ơn đối với người làm phép lạ hơn là tuyên xưng sự bất xứng của mình. Hoặc, người ta thường mong đợi Phêrô sẽ tự bênh vực khả năng ngư phủ của mình thay vì xin lỗi vì tội lỗi của mình. Phản ứng của Phêrô phản ảnh mặc cảm tội lỗi, một điều hơi lạ dưới ánh sáng một phép lạ làm vì ông, và là điều sẽ phát sinh hợp luận ý hơn từ một hành động hay tác phong mà nay ngài cảm thấy ân hận. Cũng không thể hiểu như một biểu thức nói lên sự xấu hổ vì đã làm suốt đêm mà không bắt được gì. Do đó, khung cảnh hậu phục sinh cho tình tiết nguyên thủy một lần nữa xem ra hữu lý.

R. Bultmann (History of the Synoptic Tradition, 28) coi Mc 1:16-20 như một cách ngôn (apophthegm) tiểu sử, một màn lý tưởng mô tả việc thình lình kêu gọi môn đệ bỏ việc “làm ăn” đang theo đuổi để “đi theo chân”. Ông coi màn này được nhào nặn từ một ẩn dụ đã được lên khuôn, đó là “kẻ đánh cá người”, được dùng cho các môn đệ khác. Bultmann liệt kê câu truyện bắt mẻ cá của Luca như một phép lạ tự nhiên (History of the Synoptic Tradition, 217), một điển hình cho thấy cùng một ẩn dụ đã được khai triển thành một câu truyện phép lạ ra sao. Nhưng như câu truyện hiện có trong Tin Mừng Luca, tình tiết này phải được coi về phương diện phê bình hình thức như một câu truyện tuyên bố; nó là câu truyện dẫn đến việc đó. Ủy nhiệm trao cho Phêrô thoạt đầu không phải là thành phần của câu truyện phép lạ, như tôi nhận thấy (xin lỗi Klein và các vị khác). Việc tuyên bố mang hình thức một lời hứa ngỏ với một mình Simôn, được dẫn nhập bằng cụm từ đặc trưng Luca “từ nay” (xem Chú Thích). Dù “đừng sợ” dường như một câu nói thích đáng hơn với câu truyện hiện ra (xem Mt 28:5, 10), nó vẫn thường được Luca dùng trong nhiều bối cảnh để cho thấy nó phát xuất từ lối soạn thảo của Luca.

Người ta phải thừa nhận rằng câu truyện nguyên thủy hơn của Máccô về việc kêu gọi 4 môn đệ phần nào có tính lý tưởng; nhưng nó đi hơi quá xa khi gán việc kêu gọi Simôn (và các môn đệ khác) duy nhất cho bối cảnh hậu phục sinh. Điều này sẽ được thảo luận lần nữa nhân bàn tới 6:12-16. Một lần nữa, việc liên kết một câu truyện phép lạ với việc kêu gọi Simôn, như Luca thực hiện ở đây, làm nổi bật đặc tính lý tưởng của màn này. Nhưng việc này không đủ để bác bỏ tính lịch sử của việc kêu gọi Simôn bởi Chúa Giêsu lịch sử trong thừa tác vụ của Người. Bất chấp các mưu toan chứng minh ngược lại, truyền thống coi Phêrô như người thứ nhất được kêu gọi không phải chỉ là việc nối dài truyền thống coi ngài như người đầu tiên mục kích Chúa Giêsu sống lại (1Cr 15:5; xem Lc 24:34). (Truyền thống coi Anrê như prōtoklētos, “được gọi đầu tiên” tùy thuộc câu Ga 1:40-42).

Tuy nhiên, quan trọng hơn vấn đề tính lịch sử của việc kêu gọi là ý nghĩa của màn này trong Tin Mừng Luca. Như Luca trình bày nó, Simôn được đích thân đem vào lãnh vực quyền năng của Chúa Giêsu, và kinh nghiệm này trở thành nền tảng cho lời hứa được ngỏ với ngài. Dù Simôn, ý thức rõ thân phận hoàn toàn tội lỗi hay bất xứng của mình để có thể liên kết với một nhân vật như Chúa Giêsu, đã phản ứng bằng cách qùy gối xuống, ngài vẫn được trấn an bởi Chúa Giêsu, Đấng hứa với ngài rằng ngài sẽ đóng vai trò tụ tập các hữu thể nhân bản vào vương quốc Chúa Giêsu đã đến để rao giảng. Việc này ngài sẽ làm như một ngư phủ thu thập cá vào lưới. Ngài được kể riêng ra như người Galilê thứ nhất được mục kích quyền năng lạ lùng của Chúa Giêsu (4:38; 5:6). Giờ đây, ngài được hứa một vai trò sẽ được lên hình dạng từ từ dứt khoát hơn khi câu truyện trong Tin Mừng và Công Vụ được khai triển. Câu truyện phép lạ (các câu 4-9a), vốn được liên kết với việc kêu gọi Simôn, sẽ làm tăng giá trị lời hứa ngỏ với ngài; nó biểu tượng cho sự thành công sẽ trợ giúp việc ngài đánh cá cho vương quốc. Nhưng Simôn không cô đơn. Dù ngài là người đầu tiên được kêu gọi, nhiều người khác cũng đã “bỏ mọi sự” để theo Chúa Giêsu (5:10a-c, 11b), nhưng lời hứa không được ngỏ với họ, như trong Máccô. Như thế, lời hứa ngỏ với Simôn ở ngôi thứ hai số ít báo trước vai trò lãnh đạo mà ngài sẽ đảm nhận trong câu truyện tiếp theo của Luca (xem 6:14, trong đó, tên ngài dẫn đầu danh sách Nhóm Mười Hai). Trong tư cách người đầu tiên được kêu gọi, ngài sẽ là người đầu tiên được mục kích Chúa Kitô sống lại (24:34; xem Cv 2:14-40).

Việc Luca soạn lại màn này cũng đã lên khuôn lại câu nói của Chúa Giêsu với Simôn. Trong Máccô 1:17, Chúa Giêsu nói “hãy theo tôi và tôi sẽ làm các anh trở thành những người đánh cá người”... Người ta thường nhận xét rằng lạ lùng xiết bao khi sử dụng ẩn dụ này, quả thế, quả là “bất thích hợp nếu sứ mệnh của các môn đệ được nghĩ là cứu người hay đem người ta tới ơn cứu rỗi” (C.W.F. Smith, Havard Theological Review 52 [1959] 187). Vì điều các ngư phủ làm cho cá thì chả có chi là cứu vớt hết. Ẩn dụ này thường được tương phản với ẩn dụ người chăn chiên trong Mc 6:34, một ẩn dụ gợi lên sự quan tâm, săn sóc, và yêu thương. Có lẽ đó là lý do Luca phát biểu lại lời hứa “Từ nay anh sẽ là người bắt những con người” (từng chữ: “anh sẽ bắt sống họ, esē zōgrōn). Hệ luận là họ sẽ được cứu khỏi cái chết và được duy trì để sống, khi họ được tụ tập để trở thành những người theo chân đi vào vương quốc (xem L. Gollenberg, Tidjds voor Theologie 5 [1965] 330-336). Như thế, Simôn “từ nay” trở thành nhà truyền giáo dẫn đầu vì chính nghĩa Chúa Giêsu.

Tình tiết này có chăng “một động lực hộ giáo hiển nhiên” (R. Leaney, Expository Times 65 [1953-1954] 381) nghĩa là lời của Simôn ở câu 8 và câu trả lời của Chúa Giêsu ở câu 10 có giải thích cho các độc giả Kitô giáo gốc Ngoại giáo và những người khác ở bên lề cộng đồng tiên khởi các sai sót của vị môn đệ thời danh nhất hay không? Có lẽ, nhưng nếu người ta thừa nhận khung cảnh nguyên thủy hơn cho lời lẽ của Phêrô ở câu 8, như đề nghị ở trên, thì đặc tính hộ giáo của tình tiết này có thể bị nghi vấn.

Tuy nhiên, có ý nghĩa hơn là gợi ý của H. Conzelmann (Theology, 42) cho rằng màn này dùng để làm nổi bật tình tiết Nadarét (4:16-30). Cả hai đều là những việc hoán vị của Luca và tạo ra một tương phản văn chương: việc phê phán và bác bỏ Chúa Giêsu của người cùng thị xã của Người nay đem lại việc đích thân và chân thực theo chân của Simôn và các đồng bạn khác. Đáp ứng như một môn đệ là theo chân Người trên đường đi của Người, một việc theo chân bao hàm việc “bắt sống” các con người nhân bản khác cho vương quốc.

Vì Chúa Giêsu nay được mô tả tự liên kết với mình các người theo chân sẵn sàng chia sẻ sứ mệnh của mình, nên một số nhà bình luận nhìn thấy mối quan tâm Giáo Hội học xuất hiện trong tình tiết này (như H. Schurmann, Lukasevangelium, 264; J. Earnst, Evangelium nach Lukas, 185); quả thực, G. Schneider nghĩ rằng 5:1- 6:49 phải được đọc theo nghĩa này (Evangelium nach Lukas, 120). Điều này có thực sự là ý hướng của Luca hay không? Rất có thể có một vài cơ sở, nếu ta khoan dung đối với việc ẩn dụ hóa một số chi tiết của câu truyện. Vì ở đây, Chúa Giêsu được mô tả đang dạy “lời Thiên Chúa” cho đám đông từ chiếc thuyền sở hữu của Phêrô, liệu Luca có gợi ý rằng sứ điệp thực chất của Chúa Giêsu phát xuất từ “thuyền Phêrô” hay chăng? Điều này vốn trở nên một hình ảnh và phương thức giải thích rất thân thiết đối với các nhà bình luận của các thế kỷ về sau; nhưng lồng tất cả các điều này vào tình tiết này xem ra vượt quá ý định của Luca.

Dù Simôn Phêrô từ xưa đến nay vẫn được giới thiệu rất sớm trong câu truyện của Luca (4:38), tình tiết này bắt đầu biểu lộ lòng qúy mến Luca dành cho ngài, một lòng qúy mến, chắc chắn, ngài thừa hưởng được, từ cộng đồng có trước ngài. Đây là khởi đầu câu truyện đặc biệt mà Luca kể về Simôn trong trình thuật của chính ngài. Luca vốn rút từ nguồn “Mc” câu truyện về việc kêu gọi Simôn (5:3,10), vị trí thứ nhất của ngài trong nhóm Mười Hai (6:14), vai trò của ngài như phát ngôn viên của các môn đệ (9:20, 33; 18:28), mối liên kết của ngài với Chúa Giêsu, cùng với Giacôbê và Gioan (8:51; 9:28), và việc ngài chối Chúa Giêsu (22:33-34; 54b-60). Nhưng Luca cũng bỏ một số chi tiết ít tâng bốc hơn trong nguồn “Mc”: Chúa Giêsu quở trách ngài (Mc 8:32-33), Chúa Giêsu trách ngài ngủ say (Mc 14:37); Phêrô chạy tới mộ (24:12). (Mc 16:7 bị bỏ vì Lc 24 xoay quanh Giêrusalem). Nhưng một số chất liệu đặc biệt trong Tin Mừng Luca rút ra từ nguồn đặc biệt “L”: vai trò của ngài ở đây trong mẻ cá lạ lùng (5:4-8); Chúa Giêsu cầu nguyện cho Simôn (22:31-32); và việc thông báo với ngài về việc hiện ra của Chúa Kitô Phục sinh (24:34). Rõ ràng là trong nguồn “Q” không điều gì nói về Simon; và việc soạn thảo của Luca có lẽ chịu trách nhiệm đối với việc xuất hiện tên ngài trong 12:41; 22:8,61. Các tên khác nhau mà Luca dùng cho vị môn đệ này được nhắc đến trong Chú Thích về câu 4:38. Chúng ít được xác định trong các nguồn rằng ngài đã sử dụng. Nhưng ít nhất, Luca nhất quán trong việc gọi ngài là “Simôn” trước 6:14 trong đó, ngài nhắc tới việc Chúa Giêsu đặt cho ngài tên Phêrô. Muốn biết thêm các luận bàn khác về Simôn Phêrô trong Công vụ Luca, xin xem Brown và những người khác (chủ biên), Peter in the New Testament, 39-56, 109-28; W. Dietrich, Das Petrusbild der lukaschen Schriften (Beiträge zur Wissenchaft vom Alten und Neuen Testaments 94; Stuttgart: Kohlhammer, 1972).

Theo Joseph A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-XI, The Anchor Bible, Doubleday & Company,1981, 559-570
 
Vietcatholic News