Blondel, triết gia hành động, mở đường dẫn tới khuynh hướng canh tân của Vatican II
Vũ Văn An
I.Cuộc đời và sự nghiệp
Maurice Blondel sinh ra ở Dijon ngày 2 tháng 11 năm 1861. Ông thuộc một gia đình rất lâu đời của Burgundy, một gia đình đã cho đất nước nhiều công chứng viên, bác sĩ, sĩ quan, nhưng chưa bao giờ có giáo sư: Theo Jean Guitton, người đã dành cho ông một cáo phó trong niên bạ của École Normale Supérieure [Trường Cao đẳng Sư phạm], nghề này chưa bao giờ được tưởng nghĩ ở đó. Ông sống ở Dijon trong một ngôi nhà lịch sử, được bao quanh bởi bóng râm, hòa bình và tình âu yếm. Ông từng nghĩ đến việc trở thành linh mục nhưng sau một cuộc cấm phòng, ông đã quyết định chọn cách sống ngoài thế gian; đối với ông điều này hàm nghĩa vừa kết hôn vừa trở thành một giáo sư Đại học. Gia đình ông hay đi nghỉ ở nhà nghỉ riêng tại Saint-Seine-sur-Vingeanne, gần Dijon.
Ở đó, Blondel khám phá ra cả phụng vụ lẫn nông thôn. Ông biết côn trùng và sự biến thái của chúng, cũng như sau này ở Provence, ông sẽ yêu ve sầu và các loài cây cỏ. Tình yêu thiên nhiên sớm sủa này ghi dấu ấn sâu đậm nơi ông, đồng thời phú bẩm nơi ông như cùng một lúc cả những chuyển động của chủ nghĩa hiện thực lẫn chủ nghĩa tượng trưng, nghĩa là, của thi ca. Chính tại cơ sở này ở Saint-Seine, trong hai năm ẩn dật và im lặng, một mình trong một căn phòng trên tầng hai, trước cảnh rừng và đồng cỏ được tưới mát bởi dòng sông Vingeanne êm đềm, ông liên tiếp viết nhiều bản thảo khác nhau cho luận án của mình, dưới tên L’Action, luận án được ông bảo vệ năm 1893; lý do: thoạt đầu ông muốn viết một luận án có tính hộ giáo, nhưng sau đó, từ từ ông đã ngả theo các đòi hỏi nghiêm ngặt của khoa triết học hơn. Trước đó, Blondel học tại Trung học ở Dijon. Giáo sư triết của ông là Alexis Bertrand, người khai tâm ông về Leibniz, người mà ông sẽ cống hiến luận án tiếng Latinh của mình. Tại trường đại học, ông lấy bằng Cử nhân Văn chương và Cử nhân Luật. Đặc biệt nhờ Henri Joly, ông đã có thể đào sâu kiến thức của mình về Leibniz. Sau đó, ông tự chuẩn bị để thi vào Truờng Cao đẳng Sư phạm, nơi ông được nhận năm 1881. Ông học ở đó cho đến năm 1885. Sau khi đậu thạc sĩ, ông đã lần lượt giảng dạy tại các trường trung học Chaumont, Montauban và Aix-en-Provence. Năm 1889, ông xin nghỉ phép để chuẩn bị luận án sẽ làm ông nổi tiếng. Nhưng tại thời điểm đó, ông được chấp nhận nhưng không được hiểu rõ. Ngoài ra, trong hai năm, ông bị từ chối một chức vụ giảng dạy cao đẳng, lấy cớ rằng các kết luận của ông có tính chất Kitô giáo và do đó thiếu lý lẽ do chính việc lồng tôn giáo mạc khải vào một lĩnh vực trong đó một mình lý lẽ phải nổi bật. Nhưng sự hiểu lầm kép này đối với phương pháp của ông cũng như mục tiêu của ông cuối cùng đã tan biến. Tháng 4 năm 1895, ông được bổ nhiệm vào Đại học Lille, sau đó, tháng 12 năm 1896, vào Đại Học Aix, nơi ông giảng dạy cho đến năm 1927, là một trong những bậc thầy hiếm hoi không những chỉ có sinh viên, mà còn có nhiều đệ tử nữa. Đến lúc nghỉ hưu sớm do bệnh tật bắt buộc, đặc biệt ông gần như mù và ngày càng điếc, ông ở lại Aix cho đến khi qua đời vào ngày ngày 4 tháng 6 năm 1949. Vì vậy, ông đáng được gọi là triết gia vùng Aix.
Mặc dù ông chỉ được nhận thi thạc sĩ lần vận động thứ ba, nhưng những năm tháng của ông tại Trường Cao đẳng Sư phạm đặc biệt thành công. Hai giáo sư đặc biệt ảnh hưởng đến ông, trước tiên là Boutroux, người không chỉ bằng lòng dạy triết học và lịch sử triết học cho ông, mà còn dành cho ông một chỗ dựa không bao giờ dao động. Vị này là chủ tịch chấm luận án của ông và tập hợp các đồng nghiệp của mình cùng một lúc với việc buộc ông phải làm lại một kết luận không được hoan nghênh. Sau đó, vị này còn giúp ông vào ngành giáo dục cao đẳng, nhờ anh họ của mình, vốn là bộ trưởng Bộ Giáo dục Công cộng tên là Raymond Poincaré. Sau đó là Ollé-Laprune, tác giả cuốn Certitude morale [Sự chắc chắn luân lý], người dạy ông rằng "đời sống tinh thần luôn liên đới với đời sống hữu thể”. Trong một nhận định dành cho vị này, ông cho thấy vị này đã mang đến cho ông một sứ điệp chưa từng thấy, nhất là trong thời đại của chủ nghĩa duy nghiệm và duy khoa học. "Trong triết học, có lẽ ông là người đầu tiên đã quan niệm và thực hành hữu hiệu, đã làm ta lưu ý đến điều chính yếu chưa từng thấy. Đề xuất hành động một cách hữu hiệu, thực tại vô giá của nó trong mạng lưới suy nghĩ sống động, điều này có vẻ như không có gì, nhưng không ai đã thực sự làm điều đó trước đây". Như vậy, nếu Blondel nghĩ ra một luận án về Hành động, điều này một phần là nhờ Léon Ollé-Laprune, mặc dù nguồn cảm hứng chủ yếu phát xuất từ chính ông.
Sau luận án quan trọng và khó khăn trên, Blondel được dẫn dắt để giải thích và bảo vệ nó bằng nhiều bài báo khác nhau và có lẽ trên hết bằng những bức thư đáng ngưỡng mộ mà gần đây đã được công bố. Về phía Công Giáo, đôi khi ông bị buộc tội hợp lý hóa Kitô giáo, bằng cách biến nó thành một thứ triết lý; về phía đại học, ngược lại ông bị buộc tội coi thường quyền tự chủ của triết học, bằng cách biến nó thành tôn giáo. Nhưng ông cũng tìm thấy nhiều người bênh vực. Brunschvicg, khởi đầu là một đối thủ, sau đó không lâu bị chinh phục, nhận ra sự nghiêm ngặt hoàn toàn thuận lý trong công trình của ông nên đã trở thành bạn của ông. Các người Công Giáo cũng đã làm như vậy, như các học trò cũ của ông, Đức Cha Mulla và Cha Auguste Valensin, như Cha Wehrlé và nhất là, nhờ việc đọc L’Action, một cha dòng Oratorie, tức Cha Laberthonnière, đã trở thành người mà ông từng cộng tác mật thiết trong 30 năm, trước khi sự khác biệt của họ trở nên rõ rệt, đặc biệt là vì tính khí và phương pháp. Vốn là một linh hồn bừng lửa, Laberthonnière muốn giải thoát các hàm ý siêu hình khỏi Kitô giáo: viện dẫn một sự đối lập triệt để giữa chủ nghĩa duy tâm Hy Lạp và chủ nghĩa hiện thực Kitô giáo, ngài say mê tố cáo sự xâm nhập của ngoại giáo vào bên trong đạo Công Giáo. Đối với ngài, chủ nghĩa Tôma là sự pha trộn đó giữa Kitô giáo và ngoại giáo mà ngài vốn ghê tởm. Ngài nói, "Thiên Chúa của Aristốt, Đấng chỉ suy tưởng các ý nghĩ riêng của mình và phớt lờ thế giới, là hợp luận lý nhưng vô luân, Thiên Chúa của Kitô giáo vừa hợp luận lý vừa hợp luân lý; trộn lẫn cả hai, Thiên Chúa của trường phái Tôma vừa không hợp luận lý vừa không hợp luân lý, nó thực sự là quái vật». Để giải thích các khác biệt của họ, một ngày kia, ngài đã viết cho Blondel: "Ông đã chinh phục được Kitô giáo chống lại những người vô thần ở Sorbonne trong khi tôi phải chinh phục Kitô giáo của tôi chống những người vô thần của thần học”. Quả là một công thức phóng đại trong cả hai trường hợp - và đặc biệt là trong trường hợp đầu! Đòi hỏi nhiều hơn trong vấn đề siêu hình, kỹ thuật nhiều hơn về triết học, Blondel dần dần khám phá ra những mặt đối lập mà việc bênh vực chung trước đó đã khám phá ra. Chính trong Annales de philosophie chrétienne [Biên niên sử Triết học Kitô giáo] được ông xuất bản năm 1896, mà lá thư quan trọng về các đòi hỏi cấp thiết của tư tưởng hiện đại trong vấn đề hộ giáo và về phương pháp triết học trong nghiên cứu vấn đề tôn giáo, một vấn đề, hơn cả cuốn l’Action, đã khơi lên các tranh cãi mãnh liệt, chỉ dịu đi một thời gian ngắn trước khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Chính trên một tạp chí khác, La Quinzaine, ông đã cho công bố Histoire et dogme [Lịch sử và tín điều], là cuốn, cùng với cuốn l’Action và Lá Thư vừa nói, tạo thành một tổng thể, trong đó ba trước tác soi sáng cho nhau và phát xuất từ cùng một chuyển động tinh thần.
Người ta gần như có thể ấn định thời điểm này làm thời điểm kết thúc điều Henri Gouhier gọi là thời kỳ đầu tiên của Blondel. Chán nản trước các hiểu lầm đa dạng và các cuộc tấn công vừa mãnh liệt vừa thiếu thông minh, phần nào Blondel muốn rút lui khỏi cuộc chiến và ông gia tăng các bài viết theo tình hình: các bài báo nói tới lịch sử triết học về Pascal, Descartes, Malebranche và các bài trình bày cuộc hành trình triết học của mình cho Frédéric Lefèvre, các tác phẩm về Triết học Kitô giáo, v.v. Chắc chắn không phải là không còn gì để nói, cuốn L’Action, đối với ông, chưa bao giờ chỉ là một thứ dẫn nhập. Cũng không phải chỉ là một học thuyết đã được vạch rõ, nhưng nó còn cung ứng một cách để làm triết học. Người ta thậm chí còn có thể nói một cách khá chính đáng rằng ông đã dùng hạn từ Action [Hành động] theo cùng một nghĩa như nhiều người sau đó không lâu sử dụng hạn từ existence [hiện sinh].
Và cách làm triết lý trên ông muốn áp dụng vào mọi vấn đề triết học truyền thống, từ hữu thể và tư tưởng đến tôn giáo. Nhưng vì điều này, ông đã phải suy nghĩ lại công trình thời trẻ của mình và đi lùi đủ để cuối cùng có thể thử nghiệm một tổng hợp toàn bộ. Việc rút lui của ông không phải là một sự bỏ cuộc. Chính vào khoảng thời gian này, ông nói với học trò cũ của mình, Đức Cha Mulla, rằng: “Tôi gần như là người chưa được ai nói tới». Một cách minh nhiên hơn, ngày 4 tháng 3 năm 1915, ông viết cho người thông dịch xuất sắc và là người bạn Paul Archambault của ông: "Cuốn L’Action không phải là một triết lý toàn bộ. Nó chỉ xuất hiện với tôi như một chương của một học thuyết tổng quát mà trước tiên phải giả định một sự thống nhất thường hằng, một tính tức thời nguyên thủy, một chủ nghĩa hiện thực nguyên khởi, nhưng là một sự thống nhất mặc nhiên, một sự thống nhất, nhờ chính sự tiến bộ của đời sống và suy nghĩ, sẽ tự phân tích trong một tam thể (trinité) thực sự gồm suy nghĩ, hành động và hiện hữu, trước khi đạt đến sự kết hợp cuối cùng và minh nhiên». Tam thể này ông sẽ dành gần hai mươi năm để viết ra.
Tháng 12 năm 1934 bắt đầu giai đoạn thứ ba với việc ra đời tập đầu tiên của La Pensée: tác giả đã 73 tuổi nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu. Từ năm 1934 đến năm 1937, xuất hiện 5 tập của bộ ba: La Pensée [Tư tưởng] (2 quyển), L’Être [Hữu thể] (1 quyển, kiệt tác của loạt sách mới), L’Action (tái bản thành 2 tập từ cuốn L’Action cũ).
Cuối cùng là việc xuất bản vào năm 1944 và 1946 gồm hai tập (cuốn thứ 3 sẽ không được viết) của bộ La Philosophie et l’Esprit Chrétien [Triết học và Tinh thần Kitô giáo] hoàn tất bộ ba bằng cách biến nó thành bộ bốn. Việc phân tích ba chiều về suy nghĩ, hiện hữu và hành động đã cùng một lúc thiết lập cả ý chí và nỗ lực của con người để tự hoàn thiện và hoàn thành lẫn sự bất lực trong đó chính họ phải tự thể hiện mình trọn vẹn. Khi suy nghĩ, hữu thể và ý chí đều kiệt quệ, thì chính họ không bị kiệt quệ: họ vẫn còn một sức mạnh chưa được sử dụng. Như thế, trong mỗi con người đều có một nhu cầu siêu nhiên, không hẳn dưới hình thức thoát khỏi quan sát tâm lý hoặc thậm chí luân lý, nhưng được bao bọc trong tính năng động tâm linh. Chắc chắn đây không phải là việc chuyển từ mong muốn này sang thực tại đối tượng của nó. Triết lý chỉ có thể chứng minh là trong nó có một khoảng chân không và một lời kêu gọi đừng cố gắng làm đầy nó bằng chính sức lực riêng của mình. Giả thuyết cho rằng con người có thể được hoàn thành từ bên ngoài, nghĩa là bởi một người khác không phải chính họ, tóm lại là giả thuyết siêu nhiên, là một giả thuyết mà triết học dẫn đến, nhưng nó không thể chứng minh. Nó chỉ có thể nói rằng một tôn giáo chỉ có thể là chân chính nếu nó có nguồn gốc siêu nhiên. Trong trường hợp một thực tại như vậy xuất hiện trong lịch sử, triết học vẫn không hẳn có nhiệm vụ phải chọn nó mà là xem xét liệu nó có đáp ứng các yêu cầu của một khoa phê bình tiên quyết hay không thôi. Đây là đối tượng của những cuốn sách mới nhất về tinh thần Kitô giáo. Chúng giải đáp ý hướng đầu tiên của nhà triết học và hoàn thành con đường của ông bằng cách soi sáng nó.
Như thế, từ L’Action đến l’Esprit Chrétien, Blondel có những ý định khác nhau. Người ta chỉ tiếc rằng giải thích cuối cùng và cần thiết của ông đến quá trễ: các nhà phê bình đã không thành công trong việc làm ông đi chệch khỏi đường hướng của ông, nhưng họ đã làm cho những bước cuối ra vụng về và do dự. Lớn tuổi và bệnh tật, ông không còn biết cách tìm thấy trong bộ bốn đà đẩy của tuổi trẻ nữa. Lo sợ các phản đối, ông thường nghĩ đến việc ngăn cản chúng hơn là khai triển tư tưởng của mình, điều này mang lại cho văn phong của ông cả yếu tố thận trọng lẫn thương tổn khiến việc đọc chúng khá nặng nề. Nhưng người ta không thể nói tới thứ triết học thứ hai. Thậm chí, chúng ta có quyền nghĩ rằng dù có nhiều lỗi lầm, bộ bốn của ông vẫn là một tác phẩm chính của suy tư triết học mọi thời. Không có nó, người ta có nguy cơ hiểu lầm Blondel - và những hiểu lầm tiếp sau l’Action và Lá Thư đủ chứng minh điều đó. Do đó, cần phải nhấn mạnh tới tính thống nhất trong dự án của Blondel. Đối với ông, cuộc sống của con người là "Siêu hình học trong hành động". Nhưng siêu hình học này chỉ có thể được minh giải bằng một cố gắng nghiêm ngặt và khổ hạnh cùng một lúc. Nỗ lực này, một nỗ lực luôn luôn dang dở, bởi vì việc suy tư không bao giờ có thể múc cạn hoạt động tự phát và không suy nghĩ, tức trải nghiệm sống như người ta thường nói ngày nay, cũng chính là triết học. Do đó, mà có kế sách của Blondel dành tư thế siêu hình học cho l’Action. Như Duméry từng nói, nhờ tái tích hợp hành động vào nghiên cứu triết học, hành động hữu hiệu là hành động nhập thân các ý định của người ta và làm cho chúng hiển hiện đồng thời hữu hiệu, ông đã mở rộng phạm vi triết học: ông đã làm cho ý thức triết học truy cập cả một toàn bộ lĩnh vực kinh nghiệm vốn ẩn khuất đối với nó. Nhưng nếu ông chọn hành động thì đó là vì những lý do còn sâu sắc hơn và liên quan đến hữu thể thân thiết nhất của mình, đến điều vốn là nền linh đạo chủ yếu của ông ngay cả trước khi ông học cách suy tư về nó. Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng hành động, theo nghĩa của Blondel, trong căn bản, là điều người hiện đại gọi là hiện sinh. Và nếu Blondel lần đầu tiên lấy hiện sinh cụ thể chứ không phải tư tưởng trừu tượng làm đối tượng cho suy tư, thì chính vì mục tiêu tối hậu được ông theo đuổi. Đó là khám phá nhu cầu siêu nhiên từ tận đáy lòng con người. Nhưng người ta không thể làm cho ý niệm siêu nhiên xuất hiện từ việc phân tích ý niệm tự nhiên, cho dù đó là bản nhiên của con người.
Cách duy nhất có thể có là nhờ một phân tích phi tâm lý nhưng phản tỉnh, khám phá ra luận lý học của hành động và cập nhật điều nó không hề khẳng định cách minh nhiên, nhưng điều nó ngụ ý. Do đó, phương pháp sẽ chính là phương pháp biện chứng của các hàm ý. Blondel trước nhất chỉ là một triết gia về hành động vì trong yếu tính, ông muốn trở thành một triết gia về tôn giáo: không phải là một triết gia Kitô giáo về tinh thần, mà là một triết gia về tinh thần Kitô giáo. Và ý định triệt để của ông là cách nào đó phải dứt khoát thể hiện được chương trình như một công thức nổi tiếng của Lachelier đã vạch rõ: vai trò của triết học là hiểu mọi sự, ngay cả tôn giáo.
Ngoài ra, toàn bộ công trình của Blondel được triển khai dưới dấu hiệu kép vừa vĩ đại vừa yếu kém của triết học. Vĩ đại, vì nó muốn hiểu mọi sự và nó có quyền điều tra mọi sự; yếu kém, vì nó không tự xây dựng hoặc tự đóng kín vào chính mình và do đó cho thấy sự bất cập của chính nó. Blondel đã từng tóm lược triết học của mình trong một so sánh nổi bật (Études philosophiques [Nghiên cứu Triết học], Năm 1946, tr. 10). Trong Panthéon d’Agrippa [Lăng Danh Nhân Agrippa], ở Rome, mái vòm khổng lồ không có chìa khóa để vào, nhưng có một lỗ hổng ở giữa qua đó ánh sáng tràn vào chiếu sáng tòa nhà. Việc xây dựng linh hồn chúng ta, như một công trình chưa hoàn thành, cũng dựa vào, không phải một viên mãn, mà là một khoảng không, một khoảng không cần thiết cho ánh sáng thần linh chiếu qua, mà nếu không có ánh sáng này, đôi mắt của chúng ta sẽ hóa mù hoàn toàn và chúng ta sẽ không thể thực hiện được bất cứ nhiệm vụ nào. Nếu con người có một định mệnh thực sự, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, thì không thể nào triết học lại không quan tâm đến; nếu, như Kitô giáo khẳng định, định mệnh này là siêu nhiên, thì triết học lại càng không thể với tới nó bằng chính sức mạnh của mình - nếu không, siêu nhiên sẽ không còn là siêu nhiên đúng nghĩa nữa. Từ sự đối lập này phát sinh tư thế của triết học: buộc phải đặt ra một vấn đề mà nó không thể giải quyết hoàn toàn, nó chỉ có thể mãi mãi chưa hoàn thành trong khi cố gắng giải thích sự chưa hoàn thành của mình. Sẽ không có triết học nếu không có hệ thống; sẽ triết học nhiều hơn nếu hệ thống tự khép mình vào chính mình. Theo nghĩa này, người ta có thể nói ý niệm hệ thống mở đã xác định ra học thuyết Blondel. Triết học về sự bất cập này dẫn đến sự bất cập thực sự của triết học”. Phân tích cùng một lúc cả sự bất cập lẫn sự đầy đủ này, điểm yếu và sự vĩ đại này, chứng minh rằng tư tưởng luôn cố gắng nhiều hơn để cân bằng với hành động, với hiện sinh, với điều sống động mà không bao giờ hoàn toàn đạt được nó, do đó, nó không bao giờ là sự sống đúng nghĩa và thay thế nó, nhưng chính xác nó là ngôn từ về sự sống, là trình bầy triết lý của Blondel, triết lý hành động, sau đó là triết lý tôn giáo và nó chỉ là triết lý hành động vì nó đã muốn trở thành một triết lý tôn giáo.
Tác phẩm
L’Action. Tiểu luận về phê phán đời sống và về một khoa học thực hành (luận án tiến sĩ văn chương), Alcan, 1893, Presses Universitaires de France tái xuất bản năm 1950.
De vinculo substantiali et de substantia composita apud Leibnitium, 1893 (tiểu luận án bằng tiếng Latinh, không còn lưu hành).
Lá thư về các đòi hỏi cấp thiết của tư tưởng hiện đại trong vấn đề hộ giáo và về phương pháp triết học trong nghiên cứu vấn đề tôn giáo trong Annales de philosophie chrétienne, janvier-juillet 1896, được in lại trong Premiers Écrits, t. II, Presses Universitaires de France.
Histoire et dogme. «Các thiếu sót triết học của khoa chú giải hiện đại», trong La Quinzaine, 16 janvier, 1er et 16 février 1904, được in lại trong Premiers Écrits, t. II.
Le Procès de l’intelligence (hợp tác với Paul Archambault), Bloud & Gay, 1922.
L’Itinéraire philosophique de Maurice Blondel, các câu chuyện do Frédéric Le Fèvre thu thập, Spes, 1928 (thực tế tất cả đều được chính Blondel tái hiệu đính, ngoại trừ các trang nói về Cha Jousse). Đây là một dẫn nhập tốt nhất vào tư tưởng của Blondel.
Une énigme historique: le vinculum subsiantiale d’après Leibniz et l’ébauche d’un réalisme supérieur, Beauchesne, 1930 (bản dịch tiếng Pháp hay đúng hơn sự chỉnh đốn luận án bằng tiếng Latinh năm 1983 không còn được bày bán nữa, một tác phẩm trên thực tế có tính tín lý nhiều hơn lịch sử).
Vấn đề Triết học Công Giáo. Cahiers de la Nouvelle Journée, n° 20, Bloud & Gay, 1932.
La Pensée : I. La genèse de la pensée et les paliers de son ascension spontanée ; II. Les responsabilités de la pensée et la possibilité de son achèvement, Alcan, 1934, Presses Universitaires de France.
L’Être et les êtres, « Tiểu luận về Hữu thể học cụ thể và toàn diện”, Alcan, 1935, Presses Universitaires de France.
L’Action : I. Le problème des causes secondes et le pur Agir. Alcan,
1936; II. L’Action humaine et les conditions de son aboutissement, Alcan, 1937, Presses Universitaires de France.
Lutte pour la civilisation et philosophie de la paix, Flammarion, 1939.
La Philosophie et l’Esprit chrétien : I. Autonomie essentielle et connexion indéclinable, Presses Universitaires de France, 1944; II. Conditions de la symbiose seule normale et salutaire, Presses Universitaires de France, 1946.
Exigences philosophiques du christianisme, Presses Universitaires de France, 1950.
Các ấn phẩm sau khi Blondel qua đời
Les premiers écrits de Maurice Blondel : t. I. L’Action, 1950; t. II.
La Lettre, Histoire et dogme, etc., Presses Universitaires de France, 1951.
Maurice Blondel et Auguste Valensin. Correspondance (1899-1912), 2 vol., Aubier, 1957.
Au coeur de la crise moderniste. Le dossier d’une controverse (thư từ), Aubier, 1960.
Lettres philosophiques de Maurice Blondel, Aubier, 1961.
Maurice Blondel. Lucien Laberthonnière. «Thư từ triết học do Claude Tresmontant trình bầy”, Le Seuil, 1961.
Carnets intimes (1883-1894), Éditions du Cerf, 1961.
Người ta tìm thấy một danh sách đầy đủ hơn trong tác phẩm của Henri Bouillard, Blondel et le christianisme, và nhất là một thư tịch tuyệt hảo có tính phân tích ở cuối cuốn sách của Duméry, La Philosophie de l’Action. Ấy là chưa kể rất nhiều bài báo của Blondel.
Viết theo cuốn “Maurice Blondel, Sa Vie, Son Oeuvre, avec un Exposé de Sa Philosophie” của Jean Lacroix, Presses Universitaires de France, Paris 1963
Còn tiếp
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét