Trang

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI- CHƯƠNG 6




Chương 6
LỜI CHÚA VÀ CUỘC NHẬP THỂ
“Con đã ban tặng Lời Cha cho họ” (Ga 17, 14)
Hai lần nhập thể của Lời Chúa
Các thánh Giáo Phụ phân biệt hai lần “nhập thể” hay “tỏ hiện” của Lời Chúa, của Ngôi Lời Thiên Chúa. Lần nhập thể thứ nhất, Lời Chúa được biểu lộ trong công trình Tạo Dựng và trong Sách Thánh. Trong công cuộc Sáng Tạo, Thiên Chúa phán, và tự tỏ mình qua vẻ đẹp khác nhau của vũ trụ. Trong Kinh Thánh, Lời Chúa nhập thể bằng cách tự vạch ra một con đường trong ngôn ngữ nhân loại, ngôn ngữ của những người được Thần Khí linh hứng, như Áp-ra-ham, Mô-sê và các ngôn sứ. Lời đã đồng thời là một lời của con người và cũng là Lời của Thiên Chúa.
Lần nhập thể thứ hai, Lời của Chúa là chính Đức Giê-su Ki-tô. Nơi Người “Ngôi Lời đã mặc xác phàm ở giữa chúng ta”. Ta cũng có thể thêm lần nhập thể thứ ba: nơi các thánh, nơi mọi ki-tô hữu, nơi tất cả mọi người, hôm qua, hôm nay mà Thiên Chúa đã nói về mầu nhiệm của Người cũng như mầu nhiệm của con người qua trung gian họ.
Nhưng hiển nhiên là, đối với ki-tô hữu chúng ta, trọng tâm của mầu nhiệm nhập thể là biến cố Giê-su Ki-tô. Mầu nhiệm của Lời Chúa được hội tụ nơi Con Người của Thầy Giê-su. Mọi ơn gọi, từ Kinh Thánh Cựu-Tân-Ước cho tới các hình thức ơn gọi trong Giáo Hội ngày nay, đều khởi xuất và qui tụ nơi Thầy, Người Con Duy Nhất của Cha. Mặc dù biết rằng mình nhận lãnh sứ vụ từ Cha, nhưng Thầy Giê-su không bao giờ nói là đã “được Cha gọi”. Đây chính là điểm khác biệt căn bản với mọi hình thức ơn gọi khác từ xưa đến nay. Thật thế, các sách Tin Mừng, khi nói về sứ vụ của Thầy, đã không bao giờ dùng hai từ “ơn gọi”, có thể vì muốn chứng tỏ ơn gọi của Thầy là độc nhất. Vì không phải bởi một lời “gọi”, làm thay đổi cuộc sống con người mà Thầy được “sai đi” như các ơn gọi khác. Sứ vụ của Thầy Giê-su là do chính bản thể Con của Cha mà ra. Thầy biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu.
Trong các sách Tin Mừng, không bao giờ ta đọc thấy kiểu nói: Lời Chúa phán bảo Giê-su! như ta thường gặp đối với các ngôn sứ. Và chính Thầy cũng chẳng bao giờ mở đầu bài giảng huấn của mình bằng câu “Sấm ngôn của Chúa”, hay “Thiên Chúa phán bảo thế”.
Nhưng Thầy khẳng định: “Còn Ta, Ta bảo anh em” (Mt 5, 22.28). Thầy còn không ngần ngại tuyên bố:
“Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống”… “Vì nếu các ông tin ông Môsê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu các ông không tin các điều ông ấy viết, thì làm sao tin được lời tôi nói” (Ga 5, 39-40; 46-47)?
Đức Tin của chúng ta không dựa trên một giáo thuyết, một triết thuyết nhưng trên một người, một biến cố lịch sử. Ngôi Lời nhập thể, làm người ở ngay trong lòng lịch sử nhân loại. Lời đã trở thành một Người. Chúng ta đã thấy trong Tin Mừng của thánh Lu-ca, các mục đồng đã nói với nhau trong đêm Chúa Giáng Sinh: “Nào, chúng ta hãy đến Be-lem để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ ra cho ta biết” (Lc 2, 15).
Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo của Sách Vở, nhưng là một tôn giáo của Lời. Đàng khác, khi các tông đồ công bố Lời Chúa, Tin Mừng, đó không phải là một cuốn sách – chưa có vào thời đó – nhưng là chính Đức Ki-tô Giê-su. Trọn cuộc đời của Thầy – từ khi sinh ra, lớn lên, mọi mối tương quan, mọi lời giảng huấn, cho đến cái chết và sự kiện Thầy sống lại – đều là Lời. Cái chết của Thầy trên thập giá cũng là một “lời mạc khải” lạ lùng về mầu nhiệm Thiên Chúa. Thầy đã nói tất cả khi im lặng chết vì yêu thương chúng ta. Trên thập giá, Đức Ki-tô đã tỏ lộ chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa, cũng như độ sâu của tội lỗi con người,      có khả năng giết chết Đấng là nguồn mạch sự sống, và    đồng thời, một cách hết sức mâu thuẫn, Thầy cũng tỏ lộ sự cao cả của con người, vì nó đã được cứu chuộc bằng một giá như thế!
Những lần chữa lành và trừ quỉ của Thầy Giê-su đều chứng tỏ rằng Lời được mạc khải nơi Thầy không phải là một bài thuyết giáo, nhưng là một sức mạnh của sự sống, nó chữa lành, soi sáng, cứu độ, giải thóat, để con người được trỗi dậy. Lời-Giê-su còn tự định nghĩa mình là “Ánh Sáng”, không phải bất cứ một tia sáng nào khác, mà là Ánh Sáng tỏ lộ mầu nhiệm Thiên Chúa: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12).
Lời của Thầy Giê-su là suối nguồn của đời sống vĩnh cửu: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5, 24).
Thầy khen lòng tin của viên đội trưởng La-mã vì ông đã dám nói: “Xin Người chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8, 5-13). Giê-su chính là Lời Sáng Tạo, tha thứ cho tội nhân, tác tạo nên con người mới: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” (Mt 9, 1-7). Thầy xác tín rằng lời nói của Thầy sẽ không bao giờ qua đi: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24, 35).
Giê-su-Lời còn hơn là một ngôn sứ hay một luật sĩ, Thầy nói với tất cả quyền năng: “và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sabát, Ðức Giê-su vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền , chứ không như các kinh sư” (Mc 1, 21-27).
Nơi Thầy Giê-su chính là Lời sáng tạo của Thiên Chúa tác động, thực hiện ơn cứu độ trên thế gian. Thánh Mát-thêu trình bầy như một sự kiện toàn mọi Lề Luật và các Ngôn Sứ. Những mối Phúc của bài giảng trên núi đối với ông và cộng đoàn Do-thái-ki-tô-hữu, là một tuyên ngôn bản Luật Mới.
Thầy Giê-su còn tự cho mình là nhà diễn giải và chú giải Sách Thánh hết sức linh động: “Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27).
Thầy cho ta thấy được phần nào căn tính khôn dò của Thầy: Lời Thầy nói chỉ là tiếng vọng của Lời Cha: “Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói"... Họ không hiểu là Ðức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. Người bảo họ: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu... Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (Ga 8, 26-28).
Giê-su là sự vén mở, là người biểu lộ Cha. Từ chối Lời Thầy là từ chối chính Cha!
“Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan tòa xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Ðấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (Ga 12, 48-50).

Ngôi Lời của Thiên Chúa
được sai xuống thế gian
Trong các sách Phúc Âm, Giê-su chủ yếu là Đấng được Cha “sai đi”, là Vị “thừa sai” tuyệt hảo, là Chứng Nhân cho Cha và Vương Quốc của Cha. Điều này rất đúng trong Tin Mừng của Gioan, ta nhận thấy động từ “sai đi” được dùng hơn 40 lần:
“Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 17).
“Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy, và hòan tất công trình của Người” (Ga 4, 34).
“Vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai tôi” (Ga 6,38).
“Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói” (Ga 8, 26).
“Chúng ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được” (Ga 9, 4).
“Thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: 'Ông nói phạm thượng!' vì tôi đã nói: 'Tôi là Con Thiên Chúa'? (Ga 10, 36).
Giê-su đúng là Apostolos, là vị Thừa Sai (Tông Đồ) mà đam mê duy nhất là kiện toàn kế hoạch yêu thương của Cha. Có sự hợp nhất tuyệt vời giữa sứ vụ của Thầy Giê-su và Thiên Chúa Cha, Đấng sai Thầy: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Ðấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Ðấng đã sai tôi” (Ga 12, 44-45).
Thế nên, niềm tin cốt yếu là tin vào Giê-su, chính là Thiên Chúa Giao Ước lên tiếng, mời gọi và chất vấn con người. Giê-su là Lời của Thiên Chúa, là Giao Ước của Chúa mặc xác phàm, mang diện mạo con người. Giê-su là cao điểm của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Giê-su là Lời Chúa mà các ngôn sứ đã không ngừng mời gọi dân Người lắng nghe: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Hr 1,1).
Nhưng nếu Thầy Giê-su luôn cắm rễ sứ vụ của mình vào sâu trong dòng lịch sử của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, từ Áp-ra-ham và Mô-sê, thì Thầy cũng trải rộng lời mời gọi kia đến vô biên, bao quát mọi dân tộc, cũng như những lời hứa của Giao Ước đến tận chân trời bất định của Thiên Quốc. Thầy là Lời thiêng của Chúa được gửi đến cho toàn thể nhân loại: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4, 9 tt).
Mỗi trang Tin Mừng đều vén mở cho chúng ta tầm quan trọng của sứ vụ, và bằng trăm ngàn cách, mô tả nội dung sứ vụ đó của Thầy:
“Tôi đã đến... không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn Lề Luật” (Mt 5, 17). Sứ vụ của Giê-su là kiện toàn mọi lời hứa và niềm hy vọng của dân Chúa.
“Tôi đã đến... ném lửa vào mặt đất” (Lc 12, 49). Sứ vụ của Thầy là thắp sáng lên, giữa lòng thế giới, ngọn lửa tình yêu, để tinh luyện, soi sáng giúp trái đất chúng ta cho nhiều hoa màu.
“Tôi đã đến... không phải để đem bình an, nhưng       để đem gươm giáo” (Mt 10, 34). Sứ vụ của Thầy là mở rộng  thời gian cho những chọn lựa mang tính cách quyết định của con người.
“Tôi đã đến... không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17) hoặc "tìm kiếm và cứu vớt điều đã mất" (Lc 19, 10). Sứ vụ của Người là cả một ý chí muốn hòa giải con người với Thiên Chúa.
“Tôi đã đến... là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Sứ vụ của Thầy là một quà tặng.
“Tôi đã đến... để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).Và trước hết, Thầy Giê-su đến để trao ban sự sống cho chúng ta.
Ba cách thức nhập thể của Lời Chúa
Lời Chúa mặc xác phàm và sứ vụ của Lời được triển khai qua ba giai đoạn. Trong ba mươi năm, Lời âm thầm hiện diện và tác động giữa con người. Trong ba năm, công khai tỏ lộ qua những dấu chỉ và lời nói, tuyên bố Vương Triều của Thiên Chúa, là Cha. Và sau cùng, trong ba ngày thực hiện một cuộc sống phó nộp, trao ban cho đến giọt máu cuối cùng. Ba mươi năm, ba năm, ba ngày! Đó là ba cách thức thể hiện sứ vụ của Ngôi Lời mà Thầy Giê-su đã mặc xác phàm cho Lời của Cha mình, để yêu thương, cứu chuộc  nhân loại.
Thầy là người đã nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49), đã bắt đầu sống ba mươi năm – trên ba mươi ba năm tuổi đời! – bằng cách sống trọn vẹn cuộc sống đơn giản tầm thường hằng ngày của con người. Đó chính là mầu nhiệm ẩn dật tại Na-da-rét sự gần gũi lạ lùng của Thiên Chúa hòa nhập vào mọi cử chỉ nhỏ mọn, trong mọi tương quan thiết yếu của con người: cuộc sống gia đình với những niềm vui, những phục vụ, thăm hỏi hàng xóm, tham dự lễ hội cũng như lễ tang, hiện diện trong mọi biến cố lớn/nhỏ, tham dự những buổi đọc kinh ở hội đường, và những dịp hành hương hàng năm lên Đền Thánh Giê-ru-sa-lem…
Cuộc sống thân cận tầm thường, đến nỗi mọi người chung quanh đều vô cùng ngạc nhiên khi thấy Đức Giê-su bỗng dưng tỏ lộ căn tính thánh thiêng của mình (Mc 6,3: “Ông này không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xết, Giu-đa và Si-mon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”). Đức Giê-su là một mạc khải ngỡ ngàng trước việc nhập thể của Lời Chúa, của việc loan báo sứ vụ Tin Mừng. Việc nhập thể của tình yêu cứu độ này soi sáng cho cuộc sống của mọi Ki-tô hữu được mời gọi trở nên Lời Chúa, nói lên Thiên Chúa, làm chứng cho sự hiện diện của Người giữa đời sống gia đình, trong môi trường làm việc và mọi tương quan tình người.
Đến tuổi ba mươi, suốt ba năm rong ruổi trên mọi đường ngõ vùng Palestine, bằng lời nói và việc làm, Đức Giê-su đã công bố Triều Đại của Cha mình. Trong sứ vụ công khai này là nguồn gốc mọi ơn gọi hiện nay, của tất cả những người nhận sứ vụ công bố Lời, loan báo Tin Mừng, bằng lời nói hay chữ viết, như các nhà giảng thuyết, các nhà thần học, chủ chiên, giáo lý viên, cũng như tất cả những ai đang dấn thân phục vụ cách cụ thể trong các phong trào, hiệp hội nhân đạo, bác ái, biểu hiện bằng hành động: Lời Chúa, Tin Mừng tình yêu cứu chuộc của Đức Ki-tô.
Cuối cùng, trong ba ngày chịu khổ hình, Thầy Giê-su đã đi tới cùng bằng cách phó dâng mạng sống trên thánh giá, hé mở chiều kích vượt qua của sứ vụ mình. Để từ đó, tất cả các môn đệ chân chính của Thầy, dù biết rằng trên đường sứ vụ sẽ gặp nhiều khó khăn, thách đố, nhưng vẫn ý thức rằng chúng không phải là những trở ngại cho sứ vụ, mà đều là những đóng góp xây dựng cho việc kiện toàn sứ vụ. Là “thừa sai”, để trở nên Lời Thiên Chúa, luôn luôn là một dấn thân trong chiều kích vượt qua của Thầy.
Chiều kích này của sứ vụ đã được diễn tả cách rộng rãi và phong phú, bởi tất cả những người đã hiến dâng và còn đang dâng hiến mạng sống mình làm chứng cho Tin Mừng. Ngay cả khi chỉ nằm trên giường bệnh hay bị cầm tù, ki-tô hữu thâm tín rằng đau khổ của mình, kết hợp với khổ đau của Đức Ki-tô Phục Sinh, có thể phát sinh ra một lời, tăng thêm tình yêu cứu chuộc thế giới.
Tuy nhiên ta cần nhấn mạnh rằng không phải đau khổ, tự nó có thể giải cứu, nhưng là tình yêu liên kết mọi cuộc sống của các tín hữu. Đức Giê-su, Lời Thiên Chúa, yêu thương và cứu rỗi thế gian, ở Na-da-rét, trên mọi nẻo đường xứ Palestine, cũng như trên thánh giá. Chỉ tình yêu “thừa sai” mới có giá trị cứu thóat. Sứ vụ là một sự tham dự vào tình yêu này của Đức Ki-tô, Đấng Cứu Thế bằng tình yêu.
Chính trong đời sống của Đức Ki-tô, Lời nhập thể, “Thừa Sai của Cha” mà chúng ta phải luôn luôn khám phá ra Lời Chúa, sứ vụ của Hội Thánh và của người ki-tô hữu. Những giai đoạn chính yếu của mầu nhiệm nhập thể đặc biệt soi sáng cho những hình thức khác nhau của sứ vụ và là nguồn phát sinh ra những ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội ngày nay.
Ba cách thức nhập thể trên bổ túc cho nhau, nên chúng bất-khả-phân-cách. Có những người được “gọi” để hóa thành Lời, trong mầu nhiệm ẩn kín tại Na-da-rét, người khác được “gọi” để sống sứ vụ công bố Nước Trời. Nhưng điều cốt yếu là tất cả, bằng một cường độ khác nhau tùy theo sứ vụ và khả năng của mình, đều phải sống chính mầu nhiệm vượt qua mà Lời Chúa đã cống hiến cho chúng ta.
Ta nên khiêm nhường nhìn nhận rằng không một lối sống nào được quyền tự cho là chỉ mình nó có thể diễn tả đầy đủ Lời Mạc Khải, Tin Mừng Ki-tô giáo. Mà phải cần có những tín hữu sống đời đôi bạn, và độc thân; cần có những đan sĩ và những thành viên nghiệp đoàn; cần có nam giới và nữ giới, để có thể “nói” lên Đức Giê-su Ki-tô. Mầu nhiệm nhập thể của Lời Chúa vô cùng phong phú, đến nỗi nó chỉ có thể được sống bởi toàn thể một cộng đoàn gồm nhiều anh chị em khác nhau.
Lời nhập thể, suối nguồn của liên đới và đoạn tuyệt
Nếu Lời đã mặc xác phàm, nếu Đức Ki-tô đã làm người, đảm nhận mọi giới hạn của con người, chính là để mở ra một chân trời bao la hơn: những lời hứa trong Vương quốc của Cha, cuộc sống vĩnh hằng. Lời hy vọng mà Đức Ki-tô mang đến, đổi mới cho cái nhìn của ta vể con người và về thế giới, vì thế mọi ơn gọi đều mang lời hy vọng. Và mọi cộng đoàn ki-tô hữu, từng người một, đều phải cố gắng trở nên Lời của sự sống, một chứng nhân, một dấu chỉ ngôn sứ cho niềm hy vọng ki-tô hữu.
Các trình thuật trong Tin Mừng cho ta thấy Thầy Ki-tô, đồng thời vừa là người của liên-đới-tình-người sâu xa nhất, vừa là người của những đoạn tuyệt căn bản nhất. Thánh Gio-an đã nhấn mạnh cách đặc biệt nghịch lý này trong cuộc đời của Thầy: liên đới chặt chẽ với vận mệnh của dân tộc mình, với tất cả mọi người anh em nhân loại, nhưng cũng dứt khóat đoạn giao với họ! Việc đoạn giao này đã đưa Thầy đến bị từ bỏ và đến cái chết! Gio-an đã mô tả sứ vụ của Thầy như một trận giao tranh khốc liệt – hay một phiên toà – giữa sức mạnh của bóng tối và ánh sáng.
Cũng như Đức Ki-tô đã là “dấu chỉ của đối kháng” ngay trong gia đình và dân tộc của Thầy, các tín hữu đầu tiên đã phải đau đớn đoạn tuyệt với chính nền văn hóa Do-thái của họ. Và những anh em ngoại giáo, khi chọn con đường hóan cải, đi theo Đức Ki-tô, cũng đã phải cắt đứt với một số những tập tục của dân ngoại, về tư cách cá nhân, những tập tục của xã hội, như phong tục thần thiêng hóa vị hoàng đế của dân tộc mình.
Môn đệ không cao trọng hơn Thầy! Vì vậy, bởi ơn gọi của mình, một tín hữu sẽ luôn mãi là một lời nghịch lý: là người của tình liên đới và của đoạn giao. Đúng thế, chúng ta ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian:
“Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17, 14), cũng xem (Ga 15, 18-21).
Thế gian mà thánh Gio-an nói ở đây không phải là thế giới mà Thiên Chúa đã tạo dựng và yêu thương, nhưng là thế giới của những con người khép kín trong chính bản thân hay trong những ý thức hệ của họ, để từ chối mọi lãnh vực siêu việt thánh thiêng. Chính vì thế mà tình liên đới của ki-tô hữu sẽ không bao giờ chỉ thuần túy là một sự đồng hóa. “Ở với” mọi người không có nghĩa là “giống như mọi người”. Điều muốn nói ở đây đúng là ở với, nhưng một cách khác!
Trở nên một cuộc “vào đời” của Lời sự sống
Đức Giê-su đã nói, nếu muốn cho bột dậy men, thì không thể để men bên cạnh bột! Thầy cũng nói nếu muối đã mất đi chất mặn, thì chỉ đáng đổ đi. Để giữ bản chất “muối”, một lời ban hương vị cho sự việc trần thế, ban hứng thú để sống, chúng ta phải đảm nhận sự khác biệt của mình, có khi còn phải bảo vệ quyền được “khác” người, không tự ty, cũng không bạo lực!
Mọi cộng đoàn tín hữu đều là một cuộc “vào đời”, nói cách khác, đều phải làm một cuộc nhập thế, hữu hình của Lời Mạc Khải, một thách thức của niềm Tin và Hy Vọng.
“Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2).
Những khác biệt của chúng ta đôi khi sẽ còn là một dịch vụ tốt nhất – dịch vụ cho Hy Vọng – mà ta có thể giúp con người. Ngày nào ta trở nên “như mọi người”, không hương sắc, không mùi vị, thì ngày đó chúng ta sẽ chẳng còn gì để “nói” với đời! Dĩ nhiên ta không áp đặt quan điểm của mình về con người, nhưng chúng ta phải làm chứng cho quan điểm đó bằng mọi giá. Rượu mới của Tin Mừng luôn làm nứt bể những “bình cũ”, bình cũ của con tim, của tư duy, của thói quen và của những cấu trúc tập thể.
Mỗi cộng đoàn tín hữu đều phải trở nên một nơi ưu tiên để Lời vào đời, nơi mà mỗi người có thể cắm rễ sâu để tình liên đới được chín mùi, để tập đảm nhận sự khác biệt của mình. Và mỗi thế hệ cũng được mời gọi sống những hình thức liên đới và đoạn tuyệt mới, vì mỗi thời kỳ, mỗi nền văn hóa được đúc kết bởi những kỹ năng của sự sống và sự chết, những mầm mống của sự sống và sự chết.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã từng nói: có sự tương đồng nào đó giữa một số những khát vọng của con người và những giá trị của Tin Mừng, nhưng cũng có sự đối kháng tiềm tàng, thường hằng, giữa Lời Đức Ki-tô và thế giới của chúng ta, một thế giới luôn muốn tự khép kín trên chính mình. Tất cả những gì làm nên con người như con tim, ý chí và trí tuệ; tất cả những gì con người làm ra như dự án, thực hiện; tất cả những gì con người sống như hạnh phúc, khoái lạc, khổ đau…, đều có thể là chủ lực cho một nhân-bản-hóa hoặc phi-nhân-bản-hóa.
Lời là một hứa hẹn cho tương lai
Cuộc xuất hành của dân Chúa đã không kết thúc ở biến cố Giê-su Ki-tô! Trái lại, bởi cuộc “xuất hành vượt qua”, Đức Ki-tô đã khởi động cho một bước tiến tới của dân Giao Ước Mới đến phần Đất Hứa chân chính, đó là Vương Quốc Thiên Chúa.
Vì vậy chúng ta được mời gọi trở nên những lời sinh động để làm chứng, với tính cách cá nhân và cộng đồng, rằng cuộc hành trình của nhân loại là một bước đi “theo chân Đức Giê-su Ki-tô”, Người đã đi trước và thu hút chúng ta. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Niềm hy vọng của chúng ta cũng là hy vọng của cả một dân tộc đang tiến bước đến với căn tính đích thực của mình, đến Vương Triều Thiên Chúa và luôn được sinh động bởi Thần Khí bằng lời thầm thĩ nguyện cầu trong chúng ta: “Thần Khí và Tân Nương nói: "Xin ngài ngự đến!" Ai nghe, hãy nói: "Xin Người ngự đến!" Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền ... Ðấng làm chứng về những điều đó phán rằng: "Phải, chẳng bao lâu nữa ta sẽ đến". Amen, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!” (Kh 22, 17.20).
Chúng ta phải xác định vị trí ơn gọi ngôn sứ ki-tô hữu của mình trong sự tiếp nối năng động của cuộc xuất hành trong Kinh Thánh, đặt nền tảng trên Giao Ước. Lời Chúa, nhất là từ khi mặc lấy một khuôn mặt người nơi Đức Giê-su Ki-tô, đã làm cho cuộc hành trình của nhân loại thành một lịch sử cứu độ - hạnh phúc – hướng tới Triều Đại sự sống của   Thiên Chúa. Lời Chúa đã làm cho con người trở thành một lữ hành, một khách hành hương tiến bước từ lều trại này đến lều trại kia.
Các ngôn sứ trong Kinh Thánh, luôn được Thần Khí thúc đẩy tiến xa hơn mãi với những lời hứa, những đòi hỏi của Giao Ước, họ đã không ngừng chiến đấu chống lại những trở ngại cố hữu trên đường đi của dân Chúa. Họ đã phải không ngừng giao tranh với mọi hình thức ù lì bất động, với cám dỗ “cắm trại” nằm ì, giảm thiểu và gán ghép những lời hứa của Lời Chúa vào mọi nhu cầu vật chất nhất thời (ruộng nương mầu mỡ, bầy gia súc sung túc), “sáp nhập” Thiên Chúa vào việc phục vụ con người, hay “cô lập” Người trong đền thờ, trong một tín ngưỡng hay một lề luật!
Các ngôn sứ trong Kinh Thánh, nam cũng như nữ, đã không ngừng mở rộng chân trời cho đồng loại của họ, bằng cách nhắc nhở mọi người rằng Thiên Chúa luôn nhìn xa, thấy rộng cho con người. Họ được Lời Chúa ngự trị, và luôn được kế hoạch yêu thương của Người thúc đẩy. Công việc thức tỉnh này còn phải được thực thi trong từng cộng đoàn ki-tô hữu chúng ta, cũng như trong lòng xã hội. Vì cám dỗ triền miên nơi con người cũng như xã hội là tự khép kín trên những dự án thuần tuý nhân loại của họ, tự thoả mãn với những của cải vật chất tạm bợ.
Các cộng đoàn của chúng ta phải luôn canh chừng để không “an tọa” trong chính những cơ cấu của mình, trong việc quản trị những cơ sở luôn mãi chỉ là nhất thời và tương đối của mình. Sứ vụ “chứng nhân cho Lời” không chỉ dừng ở cách sống của cá nhân ta. Các ngôn sứ trong Cựu Ước còn luôn sẵn sàng tố giác thái độ vơ vét của cải, khai thác người nghèo và tất cả những gì có thể dập tắt hy vọng. Vì họ nhìn thấy ở đó một sự “cắt đứt” giao ước với Thiên Chúa. Hy vọng còn là nói không với tất cả những gì gạt con người ra ngoài lề, hay khai trừ con người để chỗ cho thất vọng ập vào.
Được Thần Khí Đức Ki-tô làm cho sinh động, chúng ta còn được mời gọi trở nên “lời sống động”, là những người ngóng chờ rạng đông, là những lính canh của tình yêu, những dấu chỉ, những bí tích của Vương quốc Tình Yêu Thiên Chúa đang dần dần làm cho địa cầu này ra phì nhiêu, mầu mỡ. Bởi ơn gọi của mình, các môn đệ Đức Ki-tô, nam cũng như nữ, được Lời Chúa ngự trị để trở thành những người “canh thức” biết phân định cách sáng suốt và bén nhạy, tất cả những gì làm tổn thương con người, làm tê liệt bước tiến của nhân loại trong kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa. Họ thấy được những gì người khác không thấy hay không muốn thấy: tất cả những ai bị loại trừ khỏi Tình Yêu và Sự Sống.
Khá nhiều ki-tô hữu đã ý thức được rằng cuộc sống của họ là một lời duy nhất có thể tin được. Thế nên không lẩn trốn trong một “tháp ngà”, họ luôn cố gắng hiện thực hóa lời yêu thương giải thoát của Thầy Giê-su Ki-tô, trong những “nơi nhập thể” như gia đình, khu phố, làng xóm, thành thị, công xưởng, văn phòng làm việc và những môi trường dấn thân phục vụ khác.
Chúng ta hãy là những lời hy vọng không ngừng chất vấn:
- Đâu là những nơi con người đang bị khinh rẻ?
- Đâu là những nơi mà hy vọng của con người đang bị đe doạ?
- Đâu là những nơi mà Tình Yêu và Sự Sống đang bị  chà đạp?
Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách chúng ta. Chúng ta là những người quản lý lời giải thoát của Thiên Chúa. Những hình thức liên đới mới mẻ nào, những hình thức đoạn tuyệt mới mẻ nào, mà Lời Chúa đang mời gọi tôi hiện diện và phấn đấu hôm nay. 
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét