Trang

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI. CHƯƠNG 8




MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI. CHƯƠNG 6

ĐỨC GIÊ-SU,
NHÀ CHÚ GIẢI KINH THÁNH
Các môn đệ làng Em-mau (Lc 24, 13-35)
Trên những con đường thất vọng của chúng ta
Trình thuật này không phải là một câu chuyện hấp dẫn, cũng không phải là một phóng sự của nhà báo, nhưng dựa vào một nhân chứng đặc biệt, chứng tá khiêm tốn của Cơ-lê-ô-pát, thánh Lu-ca đã viết thành một bài giáo lý để giúp các tín hữu, những người “không được chứng kiến Đức Ki-tô phục sinh”, thẩm định sự hiện diện mới mẻ của Thầy.
Câu 13 - “Cùng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem sáu mươi dặm”.
Chỉ cần một vài từ, thánh Lu-ca đã mô tả cho chúng ta cách chính xác, về khung cảnh, về các nhân vật, về nơi chốn và những tình huống của trình thuật này. “Hai người trong họ”, đủ cho ta biết họ thuộc về một nhóm môn đệ nới rộng (xem câu 9: “Nhóm Mười Một và tất cả những người khác”). Rất có thể hai môn đệ này đang trên đường về làng để tiếp tục công việc trước kia của họ. Sự khó khăn trong việc xác định vị trí làng Em-mau ngày nay, khiến ta nghĩ rằng có thể đây chỉ là một ngôi làng tượng trưng. Vì đối với thánh Lu-ca, hành trình của hai môn đệ này chủ yếu là một hành trình tâm linh.
Câu 14-15- “Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ”.
Trên đường đi, hai môn đệ đang say sưa bình luận về những sự việc vừa xảy ra cho cuộc vượt qua của Thầy Giê-su. Động từ “đến gần” rất quen thuộc với Lu-ca (18 lần trong Tin Mừng và 6 lần trong sách Công vụ). Đối với thánh Lu-ca, qua Thầy Giê-su, chính là Vương Triều của Thiên Chúa đang “đến gần” các môn đệ và toàn thể nhân loại. Trên đường Em-mau này, Thầy Giê-su đã đi bước trước, Thầy “tiến đến gần”.
Nhưng Thầy đã chỉ được xem như một ngoại kiều, một khách hành hương đến cử hành lễ Vượt Qua ở Giê-ru-sa-lem. “Thầy đồng hành với họ”. Chủ đề “đường đi” rất thân thương với Lu-ca: Hài Nhi Giê-su đã hạ sinh trên đường đến Be-lem. Một con đường quen thuộc đã từng được nghe những cuộc đàm đạo của Thầy và các môn đệ xuyên suốt Tin Mừng, cách riêng con đường “lên Giê-ru-sa-lem”.
Sứ vụ của các Tông Đồ cũng sẽ là một “lộ trình” khởi đi từ Giê-ru-sa-lem cho đến tận cùng trái đất. Đến nỗi “Đường Đi” đã trở thành tên được đặt cho một trong số các cộng đoàn mới được khai sinh thời đó. Đối với Lu-ca, Đức Ki-tô trước hết là một “người bạn đường”. Đường đi của các môn đệ, thật ra là một “lộ trình tâm linh”, là suốt thời gian đàm đạo với Thầy Giê-su. Đúng là tất cả những gì Đức Giê-su nói với họ “trên đường đi” đều sẽ được sáng tỏ lúc Thầy bẻ bánh.
Câu 16 - “Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người”.
Dùng động từ ở thể bị động mang một âm hưởng thần học. Có nghĩa là Đức Giê-su nay đã bước vào trạng huống mới của Đấng Phục Sinh . Đức Ki-tô Giê-su Phục Sinh bây giờ không thể nhận diện chỉ bằng con mắt xác thịt. Các thánh viết Phúc Âm đều nhấn mạnh thực tại thân xác của Thầy Giê-su Phục Sinh và sự đứt đoạn với trạng huống thế trần của Thầy trước kia. Chúng không tách biệt chiều kích “lịch sử” và chiều kích “xuyên lịch sử”. Đức Giê-su đã hiện ra, có nghĩa là sự hiện diện mới mẻ của Thầy là một sự kiện được ghi nhận trong lịch sử nhân loại chúng ta, và đồng thời nó cũng đi vào cái “Hôm Nay” của Thiên Chúa, để được hiện diện với con người thuộc mọi thế hệ.
Các môn đệ “thấy” Thầy bằng con mắt xác thịt của họ, nhưng cái nhìn tâm linh, hay con mắt đức tin của họ chưa được thức tỉnh, nên họ đã không nhận ra Thầy Giê-su ngay. Con đường Em-mau còn là con đường sư phạm, giáo dục cho “cái nhìn đức tin”, nó phải học cho biết vượt qua sự vắng mặt thể lý, để đến với một sự hiện diện mới mẻ kín đáo của Đức Giê-su Ki-tô trên mọi nẻo đường đời của chúng ta. Những dấu chỉ, những dấu vết của sự hiện diện mới mẻ của Đức Ki-tô rất nhiều, nhưng chỉ vì ta chưa “nhận ra” thôi.
Câu 17 - “Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu”.
“Họ vừa đi vừa nói”. Cũng như hai môn đệ làng Em-mau, trên bước đường đời biết bao lần chúng ta đã bình luận, bàn tán một cách buồn chán, về những biến cố làm ta thất vọng, nản lòng. Xưa kia Thầy Giê-su đã đến với họ thế nào, thì nay Thầy cũng vẫn đến với chúng ta, trong những thất vọng tột cùng, những nghi nan đau đớn của ta. Cử chỉ đầu tiên của Chúa Giê-su Phục Sinh, khi đến với chúng ta là đồng hành bên cạnh, để nghe ta than vãn những nỗi lòng ê chề, tuyệt vọng.
Thầy hiểu rằng đôi khi chúng ta cần “trút bầu tâm sự” và ngay cả chất vấn trời đất. Sau đó Thầy mới mở đầu cuộc đàm đạo: “Các anh đang bàn cãi chuyện gì vậy?” Thầy mời họ nói, và khi nói, “họ dừng bước”. Cả chúng ta nữa, ta phải biết dừng bước để nghe Thầy đàm đạo, hỏi han ta.
Câu 18-19 - “Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”.
Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát lên tiếng trả lời người khách lạ. Chắc chắn ông là người được các tín hữu tiên khởi biết đến. Khi kể tên ông, Lu-ca đã cho chúng ta một chứng cứ lịch sử có thể kiểm chứng được cho trình thuật của mình. Người môn đệ thứ hai là một “kẻ vô danh”: có lẽ chủ ý này là một lời mời gọi tế nhị cho mỗi người chúng ta, tự đặt mình vào chỗ của người vô danh kia! Cũng vẫn là Giê-su, người khởi đầu cuộc trò chuyện.
Câu 19-20 - “Ðức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy?" Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá”.
Hai môn đệ thuật lại những giai đoạn chính yếu trong cuộc đời Thầy mình, với niềm hy vọng tan tành mây khói của họ.Vì rõ ràng Thầy Giê-su thành Na-da-rét này đã biểu lộ đặc tính của Sứ Vụ Đấng Messia bằng chính những việc làm của Thầy. Tất cả các ngôn sứ đều nói về Đấng Messia như người giải thoát dân Ít-ra-en. Và nếu các môn đệ thất vọng não nề đến thế, chính vì họ đã xác quyết rằng Giê-su, Thầy kính yêu của họ đúng là Đấng Messia hằng được trông đợi, vị cứu tinh của dân tộc Ít-ra-en.
Họ còn nói về thái độ của giáo quyền đối với Thầy. Ta thấy ngay rằng các môn đệ làng Em-mau này chưa thấu đáo được hai thực tại: Giê-su ngôn sứ, người có phép thần thông, người được Thiên Chúa ủy nhiệm bằng chính việc làm của mình, và người chịu khổ hình thập giá! Điều mà Lu-ca muốn chúng ta hiểu là ơn gọi cứu thế của Đức Giê-su nhất thiết gồm cả hai mặt. Thầy cũng đã loan báo cho các môn đệ mối giây liên hệ giữa những hành động đầy quyền năng và sự đau khổ, nhưng dường như các môn đệ đã không muốn nghe. Thế mà đó lại chính là chìa khoá của ơn gọi cứu thế mà Đức Giê-su đã sống và đã chú giải. Mục đích của cuộc đàm đạo này cũng là để giúp các môn đệ thấu hiểu rõ căn tính đích thực ấy của Thầy mình.

Lòng trí anh em thật kém hiểu và chậm tin!
Câu 21 - “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi”.
Người ta trông chờ một đấng cứu thế giải phóng, toàn thắng vẻ vang, rất có thể về mặt chính trị. Nhưng với cái chết của Thầy, tất cả đều sụp đổ. Và Thiên Chúa đã không can thiệp để bênh vực vị ngôn sứ này! Mà mọi việc đã xảy ra từ ba ngày nay rồi!
Câu 22-23 - “Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống”.
Dù tuyệt vọng vô cùng, các môn đệ cũng không quên kể những sự kiện lạ lùng đã xảy ra sáng nay: có mấy chị em phụ nữ trong nhóm chúng tôi đã chứng kiến ngôi mộ trống, họ còn thấy “hai thanh niên” (Lc 24, 4) mà Lu-ca cho đó là các thiên thần. Điều các chị em phụ nữ thuật lại làm họ “kinh hoàng”, nhưng vẫn không thuyết phục được họ.
Câu 24 - “Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy”.
Cái khó khăn của họ là không ai thấy xác, cũng chẳng thấy Thầy đâu. Tuy nhiên Tin Mừng Phục Sinh là rất hiển nhiên, nó nằm ngay ở trọng tâm của đoạn văn và cũng ẩn hiện trong khắp bài trình thuật này, như một con suối ngầm sẵn sàng khơi nguồn.
Tin Mừng lớn lao này chính là điều mà các “sứ thần” loan báo: “Người còn sống!” Lu-ca thích diễn tả sự kiện Phục Sinh bằng kiểu nói này. Ta cũng phải tin vào lời các chị em phụ nữ tiếp nối lời các sứ thần. Thế nhưng khi có quá nhiều “trung gian” cũng có thể làm ta nghi ngại. Các môn đệ có đầy đủ thông tin về biến cố Phục Sinh, nhưng vẫn chưa đủ để thức tỉnh niềm tin của các ông. Cái hố ngăn cách giữa những thông tin kia và niềm xác tín cá nhân vẫn còn đó. Lu-ca đã chuẩn bị cho bài chú giải Kinh Thánh của Đức Ki-tô Giê-su như thế.
Câu 25-26 - “Bấy giờ Ðức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!
Nào Ðấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”.
Chúng ta đang đứng trước trục lộ chuyển tiếp của trình thuật. Thầy Giê-su không còn là người khách lạ đến xen vào giữa câu chuyện trao đổi của hai môn đệ một cách kín đáo, tế nhị, mà đã trở thành người hướng dẫn cuộc đàm đạo. Lời khiển trách của Thầy rất thẳng thắn và nghiêm nghị. Thầy trách họ yếu lòng tin, kém hiểu biết về mặt tâm linh. Hai môn đệ ngạc nhiên vì Thầy không biết việc gì xảy ra ở Giê-ru-sa-lem. Còn Thầy Giê-su thì ngạc nhiên vì các ông không hiểu biết Kinh Thánh.
Mặc dù các môn đệ quy chiếu vào Sách Thánh để chờ mong một đấng Messia như một lãnh đạo giải phóng dân tộc. Nhưng họ đã bỏ sót một khía cạnh khác của Đấng Thiên Sai: “Đấng Cứu Thế khổ đau” của ngôn sứ I-sai-a (Is 53), đã bị chủ thuyết messia thiên về chính trị của thời bấy giờ làm lu mờ. Ở vào thời đại của Thầy Giê-su đã chẳng có ai nhắc nhớ đến một Đấng “Messia đau khổ” nữa.
Các môn đệ đang dần dần đi từ bóng tối đến ánh sáng đức tin. Thầy đã không vén mở tất cả ngay một lúc. Nhưng bắt đầu soi sáng cho khổ hình Thập Giá, nó đã làm tâm trí các môn đệ ra tối tăm, mặc dù nó đã được ghi khắc trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, và đã được loan báo trong Sách Thánh: “Đức Ki-tô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Thầy đã thấy rõ nỗi khó khăn của các môn đệ, cũng là những khó khăn của các tín hữu ở mọi thời đại: Họ không thể tưởng được rằng thất bại và thành công; đau khổ và vinh quang lại có thể sát cánh, kề vai bên nhau như thế.
Thật ra, nếu Sách Thánh đã loan báo mầu nhiệm Giê-su Ki-tô từ ngàn xưa, thì cũng phải nhờ ánh sáng huyền nhiệm của cuộc khổ hình và Phục Sinh của Thầy mà các ki-tô hữu tiên khởi, và cả chúng ta ngày nay mới khám phá và hiểu biết được những ý nghĩa sâu sắc của Kinh Thánh. Những gì Giê-su Na-da-rét đã sống và trải nghiệm trong cuộc đời ngắn  ngủi của Thầy bắt buộc các tín hữu Do-thái-Ki-tô giáo tìm hiểu ý nghĩa của biến cố phi thường kia. Làm sao Thiên Chúa có thể để cho Con Một của mình phải chịu một khổ hình như thế?
“Đức Ki-tô chẳng phải chịu khổ hình như thế sao?” Điều này không có nghĩa là Thầy Giê-su đã là nạn nhân của định mệnh. Cụm từ “Người phải chịu…” được lặp lại nhiều lần trong những đoạn tiên báo cuộc khổ nạn của Thầy, là kết quả của một suy nghĩ lâu dài trong cộng đoàn non trẻ các tín hữu, trong ánh sáng mầu nhiệm Vượt Qua, để thấy được ý nghĩa đích thực của khổ hình của Đức Ki-tô Cứu Thế, để hiểu được làm sao cái “lộ trình phi thường” này lại được đặt vào trong kế hoạch hài hòa của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Để giải thoát con người khỏi đau khổ và sự chết, Người Con Thiên Chúa đã đồng hoá với con người tội lỗi, bằng cách đảm nhận mọi hậu quả của tội lỗi, là tất cả nỗi thống khổ và sự chết của nhân loại.

Đức Ki-tô Phục Sinh
chú giải Kinh Thánh cách sống động
Câu 27 - “Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”.
Thầy Giê-su bắt đầu công việc giải thích Kinh Thánh. Lu-ca không xác định những câu trích dẫn nào. Lời giải thích của Thầy bao hàm trọn vẹn Kinh Thánh: “tất cả các ngôn sứ” và “tất cả Kinh Thánh”. Thầy trách các môn đệ là những người “chậm tin” vào tất cả những gì các ngôn sứ đã tiên báo. Toàn bộ Kinh Thánh đều liên quan đến Thầy, “nói về Thầy”; các Sách Thánh là một sự chuẩn bị lâu dài có tính cách mô phạm cho ngày nhập thể và nhập thế của Thầy. Giê-su quả là một nhà chú giải sống động, là Chìa Khóa cho việc giải thích trọn bộ Kinh Thánh. Cuộc sống, và nhất là sự Sống Lại, Vượt Qua của Thầy mang lại ý nghĩa cho tất cả lịch sử các Sách Thánh về ơn cứu độ, và cũng là sự thành toàn của chương trình cứu độ.
Cũng như trong mỗi thánh lễ, bài Tin Mừng soi sáng ý nghĩa cho các đoạn Sách Thánh khác. Qua lời chú giải, Thầy Giê-su đã không trực tiếp tỏ mình cho các môn đệ. Công việc làm thức tỉnh Lời như thế vẫn chưa đủ, nhưng mới chỉ là bước chuẩn bị cho sự biểu hiện tiếp theo.
Câu 28-29 - “Khi gần tới làng họ muốn đến, Ðức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn". Bấy giờ Người vào ở lại với họ”.
Chiều đến, Thầy “làm ra vẻ” phải đi xa hơn, đó là một cách khích động sự tự do và tính hiếu kỳ của các môn đệ. Thầy không áp đặt, mà để người ta tự động mời mình. Quả thế, hai môn đệ đã vội vã mời Thầy cùng dừng chân với họ, có thể ngay trong nhà của họ, chứ không phải trong quán trọ như Truyền Thống vẫn ám chỉ. Các môn đệ thích được tiếp tục trò chuyện trao đổi với người “bạn đồng hành” đã cho họ những giây phút an bình thoải mái. Đoạn văn nhấn mạnh cụm từ “ở lại với” hay “ở với”. Trong Tin Mừng của ông, Lu-ca luôn dành một chỗ đặc biệt cho sự “đón-tiếp” hay “không-tiếp-đón” Thầy Giê-su; chính vì tính hiếu khách, sự đón tiếp là câu trả lời tích cực đầu tiên của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa đến mở cửa đức tin cho ta .
Dấu chỉ của việc bẻ bánh
Câu 30 - “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”.
Chủ đề “bữa ăn” trong Tin Mừng thánh Lu-ca cũng có tầm quan trọng như chủ đề “đường đi”. Thầy Giê-su thích ngồi chung bàn với các môn đệ, với bạn hữu, và ngay cả với những người tội lỗi. Vì bữa ăn tượng trưng cho sự tham dự vào Vương Triều của Thiên Chúa, vào ơn cứu độ mà Thầy cống hiến cho mọi người muốn đón nhận. Tất cả những cử chỉ của Thầy Giê-su thực hiện ở đây, ta đều thấy trong một số đoạn Tin Mừng khác, đặc biệt khi Thầy hoá bánh ra nhiều, cũng được xảy ra khi trời đã xế chiều (Lc 9, 14-16) và bữa Tiệc Thánh (Lc 22, 14-19), chúng ta cũng gặp các động từ: cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và ban cho…
Người ta thường tự hỏi bữa ăn ở làng Em-mau có phải là một bữa tiệc tạ ơn (eucharistie) hay không? Ngay cả khi Thầy không tái diễn bữa Tiệc Ly với các môn đệ tại Em-mau, thì ít ra Thầy đã có những cử chỉ quen thuộc như vẫn thường làm mỗi khi đồng bàn, ăn chung với các môn đệ… Nhưng khi lại gặp những phong cách trịnh trọng diễn ra ở đây, ta không thể nghi ngờ rằng kỷ niệm về Bữa Tiệc Ly kia lại không hiện diện trong tâm trí Lu-ca, và nó cũng là ý tưởng chính yếu để chú giải đoạn Tin Mừng này của tác giả.
Ta còn phải phân biệt những gì Cơ-lê-ô-pát và bạn ông đã cảm nghiệm được, với những gì thánh Lu-ca muốn cho độc giả của ông nhận ra. Đối với Lu-ca, thật rõ ràng là Thầy Giê-su tỏ mình qua cử chỉ “bẻ bánh”, tại bàn tiệc tạ ơn của các cộng đoàn ki-tô hữu, mà Em-mau là điểm tụ họp cho bữa tiệc Tạ Ơn đầu tiên của Hội Thánh.
Lu-ca đã dàn dựng lại bữa ăn trong một quang cảnh của buổi tụ họp các tín hữu, ông cũng phân biệt hai phần phụng vụ rõ ràng: phụng vụ Lời Chúa (giải thích Kinh Thánh), và phụng vụ Bánh. Bàn tiệc Tạ Ơn bảo đảm với các môn đệ, vừa được giáo huấn bởi Sách Thánh, cùng một cuộc gặp gỡ cá nhân thân tình như bàn ăn ở Em-mau. Thầy Giê-su vừa đồng hoá với Bánh và với Lời. Thầy là ơn ban của Thiên Chúa cho con người, dưới hai dạng Lời Sự Sống và Bánh Sự Sống bất khả phân ly.
Câu 31 - “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, Người lại biến mất không còn thấy đâu nữa” (nguyên nhân: vì Người đã trở nên vô hình đối với họ).
Sau khi được nghe những lời giải thích Sách Thánh trên đường đi và việc “bẻ bánh”, con mắt của các môn đệ mới được “mở ra”. Đây cũng là cách muốn nói rằng đức tin chính là khả năng “nhìn thấy” sự hiện diện mới mẻ của Đức Ki-tô Giê-su phục sinh, là một ơn ban của Thiên Chúa, là công trình của Thần Khí Chúa, Đấng mở mắt tâm hồn, mở sự hiểu biết tâm linh ra cho con người chúng ta. Đây cũng là lần đầu tiên, trong Tin Mừng của Lu-ca, Thầy Giê-su được công nhận là đã phục sinh, Đức Ki-tô Phục Sinh: “họ đã nhận ra Thầy”. Chúng ta đang ở đỉnh điểm của bài trình thuật, và cũng là đích điểm của toàn thể Tin Mừng Lu-ca. Sự kiện được mở mắt ra và nhìn nhận ra tượng trưng cho đức tin.
Hai môn đệ làng Em-mau đã trở thành những kẻ tin vào Đức Giê-su chịu đóng đinh và phục sinh. Chính vì thế mà thánh Lu-ca viết thêm: “Và Thầy đã thành vô hình đối với họ”, có nghĩa là “không có hình dáng bề ngoài”, một từ rất hiếm thấy, và chỉ dùng ở đây trong Tân Ước. Thầy Giê-su đã biến đi trước con mắt thịt của họ. Hay đúng hơn: kể từ nay, đức tin sẽ thay thế cho sự nhìn thấy. Và, chỉ có đức tin mới có thể tuyên xưng sự hiện diện thánh thiêng của Đức Ki-tô Giê-su Phục Sinh ở giữa thế giới loài người chúng ta. Thầy không còn ở bên cạnh các môn đệ, nhưng vẫn hiện diện cách thân tình, nơi thâm sâu nhất của họ.
Trong trình thuật của Lu-ca, ta nhận thấy đồng thời xuất hiện hai sự kiện nhận biết, và Thầy trở thành vô hình. Ngay khi sự hiện diện thánh thiêng của Thầy được nhìn nhận bởi con mắt đức tin, một đức tin được thức tỉnh bởi Lời và những dấu chỉ của Bánh được bẻ ra để chia sẻ, thì sự hiện diện thể lý của Thầy có thể biến đi. Khi sự hiện diện mới mẻ của Thầy được nhận biết, tất nhiên sự hiện diện thể lý của Thầy không còn cần thiết nữa, trái lại, nó còn có thể gây trở ngại cho sự gặp gỡ căn tính đích thực của Thầy. Kể từ nay, ta chỉ có thể tiếp cận với con người của Thầy Giê-su Ki-tô    nếu ta biết từ khước việc nhìn thấy, đụng chạm, và nhốt kín Thầy trong những giới hạn gò bó của con người trần thế nơi chúng ta.
Nếu các môn đệ đã không thể nhận ra Thầy Giê-su phục sinh, không phải chỉ vì Thầy đã thay đổi hình dạng, nhưng chính vì các ông đã không có khả năng nhận biết Đấng đã phục sinh, đã vượt qua ngay chính trong Đấng đã Chịu Đóng Đinh ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vừa qua. Điều khó khăn là ở nơi các môn đệ. Dọc con đường vượt qua về Em-mau, không phải đã có gì thay đổi nơi Thầy Giê-su, mà là chính con mắt tâm hồn của hai môn đệ đã được mở ra nhờ ánh sáng Kinh Thánh. Đức Tin là một hoán cải của con mắt tâm linh.
Tại sao sự hiểu biết của tâm trí về biến cố vượt qua đã không xảy ra sớm hơn nơi các môn đệ, ngay khi được Thầy giải thích ý nghĩa Sách Thánh? Lu-ca muốn chứng tỏ rằng niềm tin phục sinh phải có từng giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là đọc Kinh Thánh cách mới mẻ hơn, tuy thực sự cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Giai đoạn thứ hai là đón tiếp, đón tiếp Thầy Giê-su cũng rất cần, nhưng cũng vẫn chưa đủ. Còn cần phải có dấu chỉ của việc “bẻ bánh”. Cả ba giai đoạn này hợp lại mới đem ý nghĩa cho niềm tin.
Câu 32 - Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”.
Hai môn đệ lại tiếp tục trao đổi, đàm đạo với nhau, nhưng bây giờ không phải quanh sự chán nản thất vọng của họ nữa, mà về sự biến đổi tâm linh mà họ vừa trải nghiệm. Họ được biến đổi từ “vẻ u buồn” đến “con tim cháy bỏng”. Các môn đệ làng Em-mau đã có thể minh định vị trí cuộc khổ hình Thập Giá của Thầy Giê-su Ki-tô, trong kế hoạch huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại .
Một cộng đoàn bị phân tán và được đoàn tụ
Câu 33-35 - “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon". Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”.
Động tác đầu tiên của các môn đệ là “đứng dậy”. Một động từ chẳng tầm thường chút nào, vì đó là một trong hai động từ của Tân Ước để diễn tả sự Phục Sinh. Sự sống lại của Đức Ki-tô là nguồn mạch cho sự “sống lại” của các môn đệ, lúc này đây đối với họ là tìm lại được lẽ sống. Cơ-lê-ô-pát và người bạn của anh không muốn giữ lại cho riêng họ cái Tin Mừng lớn lao này. Họ mong muốn chuyền thông và chia sẻ với mọi người niềm vui của họ. Tại Giê-ru-sa-lem, họ tìm lại nhóm nới rộng là “nhóm Mười Một và những người cùng ở với họ”. Nếu họ “tụ họp lại với nhau”, - chứ không còn tản mát nữa - chính vì họ cũng đã đi từ khó tin được đến niềm xác tín. Chính việc tuyên xưng niềm tin chung đã qui tụ họ lại trong Giáo Hội.
Thầy đã tới với các Tông Đồ trước, đặc biệt với Phê-rô, vì chứng tá của họ được ưu tiên hơn của các môn đệ làng Em-mau. Hai vị này chỉ có thể đem lại kinh nghiệm vượt qua của họ sau lần tuyên xưng Đức Ki-tô Phục Sinh trong cộng đoàn Giáo Hội, về niềm tin vào Đức Ki-tô Giê-su Phục Sinh. Tên gọi Thầy Giê-su trong trình thuật cũng từ từ được cải đổi: Từ “Giê-su thành Na-da-rét”, “Vị Ngôn sứ”, “Đấng Ki-tô” (được xức dầu) và “Chúa”, đó là cách thánh Lu-ca muốn nói lên lộ trình đức tin của các tín hữu.
“Chúa đã (được) sống lại thật.” Động từ ở thể thụ động “được cho sống lại”, có nghĩa là động tác sống lại chỉ được dành riêng cho Thiên Chúa Tạo Hoá. Chính Người đã đưa Thầy Giê-su ra khỏi sự chết. Thánh Lu-ca còn thêm “thật sự” để nhấn mạnh cách chắc chắn hơn. “Và đã hiện ra với Si-mon!” Phê-rô đã là người đầu tiên được diễm phúc thấy Chúa Giê-su phục sinh hiện ra. Trong các bài giảng huấn của các Tông Đồ, Phê-rô là nhân chứng đầu tiên và công khai được thấy Chúa phục sinh, nhưng ông luôn tự đặt mình vào trong nhóm với các Tông Đồ khác đã được thiết lập nhờ Tin Mừng. Niềm Tin của Giáo Hội vừa mang tính cộng đồng vừa có tính cách cá nhân.Câu 35 - “Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”.Chứng tá của các môn đệ làng Em-mau không có tính cách nền tảng, nhưng bổ túc cho những chứng tá khác. Đến lượt mình, các môn đệ làng Em-mau thuật lại sự kiện phục sinh mà họ đã trải qua. Phân biệt rõ ràng hai giai đoạn: trên đường đi và ở bàn ăn. Một sự kiện mà “Lời nói và cử chỉ” không thể tách rời nhau.
Tác giả Lu-ca muốn chỉ định rõ ràng rằng sự kiện Em-mau cần được tái diễn nơi mỗi Thánh Lễ, và cử chỉ “bẻ bánh ” trong mỗi Thánh Lễ là đỉnh điểm, vừa mang ý nghĩa của sự chết và sự sống, của đứt đoạn và chia sẻ. Đón nhận Đức Ki-tô Thánh Thể là chấp nhận chia sẻ lộ trình vượt qua và sứ vụ của Thầy. Giê-su vẫn đang sống. Làm sao nhận ra được sự hiện diện mới mẻ của Thầy? Trong bài giáo lý được lồng vào một chứng cứ lịch sử, thánh Lu-ca đề nghị ba yếu tố cần thiết:
- Đọc lại những biến cố trong cuộc đời Thầy Giê-su dưới  ánh sáng Kinh Thánh.
- Trân trọng cử chỉ bẻ bánh trong khi tham dự Thánh Lễ.
- Trao đổi và củng cố niềm tin trong cộng đoàn Giáo Hội.
Lộ trình nhận diện này dành cho các tín hữu, tuy không được thấy Đức Giê-su bằng con mắt xác thịt, nhưng lại có một chiều kích cộng đoàn Giáo Hội hiển nhiên hơn. Một sự nhận diện không bởi một cuộc hiện ra chói lòa của Đức Ki-tô phục sinh, nhưng bởi những bước đi nhẫn nại và chậm chạp. Đức Giê-su nay vẫn còn đang sống, nhưng là sống trong chiều kích của Thiên Chúa, tuy vẫn sát cánh với con người. Đó chính là bài học của Sách Thánh. Đó còn là chứng tá của Thánh Lễ tạ ơn. Và sự phục sinh của Đức Ki-tô trở nên dễ nhìn ra, dễ nhận thấy trong sự biến đổi của các môn đệ.
Nhưng căn tính thánh thiêng của Thầy Giê-su không bị che khuất bởi căn tính con người của Thầy: không một trình thuật phục sinh nào nhấn mạnh thực tại thể xác của Thầy bằng trình thuật về làng Em-mau. Thầy bước đi, nói năng, ăn uống… Không nhìn thấy trước mặt không có nghĩa là hoàn toàn vắng mặt. Vẫn có thể liên hệ được, vì đức tin nhận biết Thầy Giê-su Ki-tô như một người bạn đường, con đường của sự sống thật. Tin chính là tiến bước bên cạnh Thầy, Thầy đến gần và nghe chúng ta.
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét