Trang

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI. CHƯƠNG 9






LINH HỨNG TRONG TÂN ƯỚC
Từ Giao Ước Đầu đến Tân Ước:
Cách đọc Kinh Thánh theo ki-tô hữu

Các ki-tô hữu không đọc Cựu Ước như người Do-thái vẫn thường đọc. Đúng là có một cách đọc Kinh Thánh của ki-tô hữu. Lý do vì ki-tô hữu qui chiếu tất cả vào một biến cố nền tảng là cuộc sống, cái chết và phục sinh của Thầy Giê-su Ki-tô, Lời duy nhất và cuối cùng của Thiên Chúa Giao Ước mặc xác phàm.
Dưới ánh sáng c
ủa biến cố này và được soi sáng bởi Thánh Linh, các ki-tô hữu tiên khởi, theo văn hóa Do-thái, đã khám phá ra rằng trọn bộ Kinh Thánh là để chuẩn bị cho ngày giáng thế của Giê-su. Họ đã đọc lại lịch sử với những tình tiết cấu tạo nên dân tộc mình, và đã hiểu rằng tất cả lịch sử đã “nói” về Giê-su Ki-tô. Cũng vì thế mà Phao-lô, trong một thứ ngôn ngữ tượng trưng, đã không ngần ngại nói rằng: dưới hình thức man-na và nước từ tảng đá chảy ra trong sa mạc, đã là Lời của Đức Ki-tô, của ăn và thức uống tinh thần nuôi dưỡng dân Chúa trên đường xuất hành:
“Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Ðỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. Tất cả cùng ăn một thức ăn thiêng liêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Ðức Ki-tô” (1Cr 10, 1-6).
Đền thờ cũng là một hình ảnh tiên báo về Thầy Giê-su, là đền thờ đích thực: “Ðức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại"... Nhưng Ðền Thờ Ðức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2, 19.21).
Thầy là sự kiện toàn của Lề Luật: “Như thế Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Ðức Kitô... Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa. Thật vậy, nhờ đức tin tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô” (Gl 3, 24-26).
Thầy là Giao Ước Mới: “Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22, 20). Thầy đến thực hiện trước mắt họ những lời hứa của ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Ðức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Ðức Chúa” (Gr 31, 31-32).
Thầy là Đấng Messia đã hứa ban cho dân, Thầy đích thực là Con Vua Đa-vít: “Ðám đông, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Ðavít! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,9).
Đối với toàn dân, Thầy chính là chìa khoá để giải thích Kinh Thánh. Chúng ta tin rằng qua lịch sử các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chuẩn bị một cách kỳ diệu cho cuộc đi vào lịch sử nhân loại của Giê-su Ki-tô, Con yêu dấu của Người. Đối với một ki-tô hữu, cầm mở Sách Kinh Thánh là đã gặp một Đấng đang đến: Chính Giê-su Ki-tô tự nhận là ánh sáng chiếu soi dĩ vãng và tương lai của dòng chảy lịch sử ơn cứu độ này.
“ Ðấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi... Tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi.Ông đã thấy và đã mừng rỡ". Người Dothái nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham!" Ðức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8, 54-58)
“Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là Mô-sê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi” (Ga 5, 45-46).
“Bấy giờ Ðức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Ðấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 25-27).
Thầy Giê-su thực hiện mọi lời hứa của Giao Ước (2Cr 1, 20). Điều đó cắt nghĩa tên được đặt cho những Sách Thánh ở vào thời kỳ trước Đức Ki-tô: “Giao Ước cũ ”. Đối với các ki-tô hữu, giao ước giữa Thiên Chúa và con người, đó là một lịch sử gồm hai thời kỳ: thời kỳ đầu hay Cựu Ước, với dân Ít-ra-en; và “Giao Ước Mới” được ký kết nơi Đức Giê-su Ki-tô.
Kiểu nói “Giao Ước Cũ” không phải do các ki-tô hữu đầu tiên hay người Do-thái đặt ra. Những người này thường gọi đó là Sách Thánh hay Thánh Thư . Mãi sau này các tín hữu mới đặt tên “Cựu Ước” cho các sách đến từ Do-thái giáo. Tên gọi này không đúng lắm, vì Giao Ước Cũ không hề bị thay thế bởi Giao Ước Mới; và giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en cũng chẳng bao giờ bị huỷ bỏ. Đúng hơn ta phải gọi là “Giao Ước Đầu”, hay “Giao Ước Thứ Nhất”, vì không có nó, ta không thể hiểu được Giao Ước Mới. Nói cách khác, Giao Ước Thứ Nhất vừa thuộc về Do-thái giáo, vừa thuộc về Ki-tô giáo.
Và người ta không thể hiểu được Giao Ước Mới nếu không biết đến Giao Ước Thứ Nhất. Chỉ vì những trình thuật về lịch sử Kinh Thánh chính là gốc rễ của chúng ta: nguồn gốc của Đức Ki-tô, của Hội Thánh. Xuyên qua lịch sử này, chúng ta chiêm ngưỡng nguồn gốc Đức Tin của chính mình. Chúng ta tin rằng từ Thiên Chúa của Áp-ra-ham đến Thiên Chúa của Thầy Giê-su Ki-tô, vẫn chỉ là một Thiên Chúa cứu độ, một lịch sử cứu rỗi, một giao ước giữa Thiên Chúa và con người, một Thiên Chúa tạo dựng, yêu thương, mời gọi, mạc khải cho con người dự án tình yêu của Người, hướng dẫn nó bởi một Lời Sự Sống, chỉ có một Thần Khí soi dẫn lịch sử này.

Thầy Giê-su và linh hứng trong Kinh Thánh
Đối với những người Do-thái thời của Đức Giê-su, Lề Luật, các Ngôn Sứ và các văn phẩm khác hợp thành một bộ “Sách Thánh”. Chính Thầy Giê-su cũng thuộc về dân kinh thánh, qui chiếu tất cả về Sách Thánh và không ngần ngại công bố rằng Kinh Thánh được linh hứng và như là Lời Thiên Chúa. Như khi trích dẫn Thánh vịnh 110, Thầy nói: “Chính vua Ða-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Ðức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con” (Mc 12, 36).
Và khi trích một sấm ngôn trong Sách Thánh, Thầy cũng công nhận rằng chính Thiên Chúa nói qua tác giả được linh hứng. “Người lại phán: Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (x. Xh 3, 6). Như thế Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mt 22, 31-32)
Thầy còn chỉ trích người Biệt Phái đã giữ kỹ truyền thống của con người hơn giới răn của Chúa: “Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!” (Mc 7, 13). Thầy Giê-su cho rằng trọn bộ Kinh Thánh, kể cả Thánh Vịnh, đều được Thiên Chúa linh hứng, nên ta không thể hủy bỏ. Thầy dẫn chứng một câu Thánh Vịnh, xem như thuộc sách Luật, theo nghĩa rộng: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: 'Ta đã phán: các người là những bậc thần thánh?”(Tv 82, 6). "Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: 'Ông nói phạm thượng!' vì tôi đã nói: 'Tôi là Con Thiên Chúa" (Ga 10, 34 tt).
Hơn nữa, theo Thầy Giê-su, tất cả những gì đã viết trong Sách Thánh đều liên quan đến Thầy và Lời này của Thiên Chúa phải được kiện toàn. Như lúc bị bắt trong vườn cây dầu, khi Phê-rô rút gươm chém đứt tai người đầy tớ thầy thượng phẩm, Thầy Giê-su đã nghiêm nghị chất vấn Phê-rô: “Hãy xỏ gươm vào vỏ... Anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy" (Mt 26, 54).
Thầy Giê-su đã ý thức rằng Thầy chính là sự kiện toàn của Kinh Thánh: “Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44 tt).
Trọn bộ Sách Thánh đều được linh hứng
Các ki-tô hữu đầu tiên là người Do-thái, tất nhiên Giáo Hội sơ khai đã thừa kế các Sách Thánh của truyền thống Do-thái. Nhất là Thầy Giê-su, người đã tự nhận là Đấng kiện toàn Sách Thánh. Các ki-tô hữu luôn thừa nhận đặc tính của Kinh Thánh là “được linh hứng” bởi Chúa Thánh Thần.
Tông Đồ Phê-rô cho rằng Thánh Linh đã nói qua miệng vua Đa-vít: “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Ðavít để nói trước về Giu-đa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Ðức Giê-su” (Cv 1, 16; x.Cv 4, 25).
“Ước gì ngày đời nó bị rút ngắn đi, chức vụ nó vào tay kẻ khác” (Tv 109, 8; x. Cv 1, 15-16 và 20)
Còn thánh Phao-lô cũng nói như thế về ngôn sứ I-sai-a: “Khi giải tán, họ vẫn không đồng ý với nhau; ông Phao-lô chỉ nói thêm một lời: "Thánh Thần đã nói rất đúng khi dùng ngôn sứ I-sai-a mà phán với cha ông anh em” (Cv 28, 25). Là một nhà “biệt phái”, Phao-lô rất thông thạo Sách Thánh của dân mình, ông thường lập luận và xây nền cho những bài giảng thuyết của ông trên Lời Thầy Giê-su bằng cách dựa vào Sách Thánh, được dịch sang tiếng Hy-lạp, mà ông vẫn đặt vào đó một quyền lực thánh thiêng: “Nhiều lắm chứ! Về mọi mặt! Trước hết, họ đã được Thiên Chúa giao phó lời Người cho họ” (Rm 3, 2).
Tác giả đã nói rõ trong thư gửi các tín hữu Híp-ri: “Vì thế, như lời Thánh Thần phán: Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa” (Hr 3, 7; x. Hr 10, 15).
Còn trong sách Công Vụ Tông Đồ, ngay sau khi chữa lành người khuyết tật ở Cửa Đẹp của Đền Thờ, Phê-rô đã không ngần ngại tuyên bố:
“Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Ðấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy thời kỳ an lạc mà Ðức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Ðấng Ki-tô Người đã dành cho anh em, là Ðức Giê-su. Ðức Giê-su còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngày xưa. Thật vậy, ông Mô-sê đã nói: Từ giữa đồng bào của anh em, Ðức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho chỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe. Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân. Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Sa-mu-en đến các vị kế tiếp, khi lên tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống. Phần anh em, anh em là con cháu của các ngôn sứ và của giao ước mà thiên chúa đã lập với cha ông anh em, khi Người phán với ông Áp-ra-ham: Nhờ dòng dõi ngưoi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (Cv 3, 17-25).
Khi Phê-rô và Gio-an vừa được Thượng Hội Đồng thả về, cộng đoàn các tín hữu liền tạ ơn Thiên Chúa rằng: “Chính Chúa là Đấng qua Thánh Thần đã nói qua tổ phụ Đa-vít chúng con lời này: “Sao chư dân lại ồn ào náo động? ”Sao vạn quốc dám bày kế viển vông? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ chống lại Ðức Chúa, chống lại Ðấng Người đã xức dầu phong vương” (Tv 2). và đúng thế: "Vua chúa trần gian cùng nổi dậy chống lại Ðấng Người đã xức dầu phong vương. Ðúng vậy, Hê-rô-đê, Phong-xi-ô Phi-la-tô, cùng với chư dân và dân Ít-ra-en đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Người là Ðức Giê-su, Ðấng Người đã xức dầu. Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Người đã định trước" (Cv 4, 24-28).
Và sau hết, ta cũng phải trích dẫn hai đoạn trong Tân Ước nói về bản chất của sự linh hứng trong Kinh Thánh. Trước tiên là đoạn trích trong Thư thứ hai gửi Ti-mô-thê. Đây là đoạn văn rất quan trọng, vì là lần đầu tiên trong trọn bộ Sách Thánh đã ghi rõ về sự “linh hứng trong các Sách Thánh”: “Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Ðức Ki-tô Giê-su. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3, 15-17).
Bản văn thứ hai nằm trong Thư thứ hai của Phê-rô, nhằm nhấn mạnh rằng các tác giả Kinh Thánh, nhất là các ngôn sứ, đều được thúc đẩy bởi Thần Khí để nói và viết về Thiên Chúa: “Người là Ðấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (2 Pr 1, 20-21).
Ngay trong thư thứ nhất, thánh Phê-rô đã viết rõ rằng Thần Khí sinh động trong các tác giả ngôn sứ đã là “Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô”: “Các ngôn sứ đã nghiên cứu tìm hiểu ơn cứu độ này, và đã tuyên sấm về ân sủng dành cho anh em. Thần Khí Ðức Ki-tô ở nơi các ngài, đã báo trước những đau khổ dành cho Ðức Ki-tô, và vinh quang đến sau những đau khổ đó, nên các ngài đã tìm hiểu xem Thần Khí muốn cho thấy việc đó xảy ra vào thời nào, trong hoàn cảnh nào. Thiên Chúa đã mặc khải cho các ngài biết là các ngài có phận sự truyền đạt thông điệp ấy, không phải cho chính mình, mà là cho anh em. Ðó là thông điệp mà nay các người giảng Tin Mừng đã loan báo cho anh em, nhờ tác động của Thánh Thần là Ðấng đã được cử đến từ trời. Chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy” (1 Pr 1, 10-12).
Đối với các ki-tô hữu, rõ ràng là có sự liên tục trong mạc khải. Và những gì được viết trong Tân Ước không xoá bỏ những chứng từ trong Cựu Ước, mà là sự kiện toàn của Giao Ước thứ Nhất. Những Sách Thánh, trong toàn bộ của nó, làm nên một tổng thể không thể tách rời được, và sự hoà hợp này là một bằng chứng cho sự chân chính của nó.
Cũng vì thế mà Phao-lô đã không do dự trích dẫn, bên cạnh nhau, một câu trong sách Đệ Nhị Luật và một câu của chính Thầy Giê-su: “Đừng bịt mõm bò khi nó đang đạp lúa” (Đnl 25, 4); và trong Lc 10, 7): “làm thợ thì đáng được trả công” (1 Tm 5, 18). Cả Phê-rô cũng đặt ngang hàng những lá thư của Phao-lô với các Sách Thánh khác, vì cùng được xem là do Thánh Thần linh hứng: “Và anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ, như ông Phao-lô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông cũng nói như vậy trong tất cả các thư của ông, khi bàn đến các vấn đề này. Trong các thư ấy, có những chỗ khó hiểu; những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh, bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy họa diệt vong” (2 Pr 3, 15-16).

Giáo Hội, nữ tỳ của Lời Chúa
Trong sách Công Vụ và các Thư của thánh Phao-lô, “Lời Chúa” thường để chỉ những lời “giảng huấn của các tông đồ”, vì đó là sứ vụ đặc thù của người Tông Đồ. Chủ đề chính yếu của việc giảng huấn này bao giờ cũng là công trình của Thiên Chúa được thành toàn nơi Đức Giê-su Ki-tô, chịu chết và được sống lại, và nhờ Người mà chúng ta được tha tội, được cứu rỗi. Đối với Phao-lô, ý nghĩa của Kinh Thánh, “mầu nhiệm còn giấu ẩn”, kế hoạch của Thiên Chúa đều được vén mở nơi Đức Giê-su Ki-tô.
Các Tông Đồ và những người kế vị các ngài đều có một ý thức sâu sắc về sứ vụ tông đồ của họ là truyền đạt Lời Chúa cách trung thành; là “phụng sự” Lời: “Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6, 4).
“Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Ðức Giê-su". Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4, 29-31).
Trong các văn bản của Tân Ước, “Lời Chúa” lại chủ yếu nhắm tới sứ điệp của ơn cứu độ do Đức Ki-tô mạc khải, Tin Mừng không phải là một hệ thống triết học, nhưng là một con đường phải theo. Lời Chúa phải được loan truyền trong khắp thế giới.:
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).
“Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa” (Cv 8, 4); “Sau khi đã long trọng làm chứng và nói lời Chúa, hai Tông Ðồ trở về Giê-ru-sa-lem và loan Tin Mừng cho nhiều làng miền Sa-ma-ri” (Cv 8, 25).
“Ðến Xa-la-min, hai ông Phao-lô và Ba-na-ba loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người Do-thái. Có ông Gio-an giúp hai ông” (Cv 13, 5).
“Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa” (1 Tx 1, 8).
Một Lời của Thiên Chúa để truyền đạt cách trọn vẹn, chứ không xuyên tạc: “Thật thế, chúng tôi không phải như nhiều người, những kẻ xuyên tạc Lời Chúa, mà với tư cách là những người trung thực, được Thiên Chúa sai đi, chúng tôi lên tiếng trước mặt Người, trong Ðức Ki-tô” (2 Cr 2, 17).
“Bởi thế, vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí. Trái lại, chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa” (2 Cr 4, 1-2).
Trong Công Vụ Tông Đồ, ta thấy rõ sự tăng trưởng của Giáo Hội liên quan với sự phát triển của Lời được loan truyền và đón nhận, đúng như câu này muốn diễn tả: “Lời Thiên Chúa vẫn lớn lên và tăng thêm rất nhiều" (x. Cv 6, 7). Vì trong Lời của Thiên Chúa đã sẵn có sức mạnh. Đó là một “Lời của sự sống”, một lực sống trong con tim loài người, một Lời cứu độ: “Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Áp-ra-ham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta” (Cv 13, 26).
Đó là một Lời chắc chắn, đáng tin cậy: “Ðây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: đó là Ðức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1 Tm 1, 15; x. 2 Tm 2, 11; Tt 3, 8).
Đó là một Lời sống động và đầy hiệu năng: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước mặt Thiên Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ðấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Hr 4, 12-13).
Đó là Lời tái sinh, tái tạo cho những ai tin và được thánh tẩy: “Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi, vì mọi phàm nhân đều như cỏ và tất cả vinh quang của họ cũng đều như hoa cỏ; cỏ thì khô héo, hoa thì tàn rụng; Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn đời. Ðó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng” (1 Pr 1, 23-25).
Lời không thể bị “xiềng xích”, ngay cả khi người được sai đi loan báo Lời bị giam cầm: “Anh hãy nhớ đến Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng đã sống lại từ cõi chết, Ðấng đã xuất thân từ dòng dõi Ða-vít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích” (2 Tm 2, 8-9).
Lời do các Tông Đồ loan truyền đúng là Lời của Chúa Giê-su nói và tác động trong họ: “Nói xong, Chúa Giê-su được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Ðồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16, 19-20).

Con người và Lời Chúa trong Giáo Hội Tông Truyền
Các tác giả Tân Ước đã không ngần ngại đặt Lời do Giáo Hội công bố ngang hàng với Lời của Chúa Giê-su, cả hai đều cần có sự chuẩn bị nội tâm để nghe và đón nhận. Như khi nói về Phao-lô và Ba-na-ba rao giảng Lời, ở An-ti-ô-kia, trong chuyến tông du đầu tiên của Phao-lô:
“Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ dùng lời lăng nhục mà chống đối những lời ông Phao-lô nói. Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất. Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo” (Cv 13, 44-48).
Lời phải được đón nhận, không như lời của con người, nhưng là Lời của Thiên Chúa: “Bởi thế, về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu” (1 Tx 2,13). Một lời làm nền tảng cho niềm hy vọng của các tín hữu: “Lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy mà anh em đã được nghe qua lời sự thật là Tin Mừng” (Cl 1, 5).
Lời đó bao giờ chủ yếu cũng là Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô: “Trong Ðức Ki-tô, cả anh em nữa anh em đã được nghe lời sự thật là Tin Mừng cứu độ anh em; trong Ðức Ki-tô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Ðấng đã được hứa ban” (Ep 1, 13).
Một Lời phải được lắng nghe và đem ra thực hành: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo, luật mang lại tự do, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1, 22-25).
Lời này của Đức Giê-su Ki-tô, được Giáo Hội công bố, luôn ở lại trong lòng các tín hữu để họ nghiền ngẫm và chia sẻ lẫn cho nhau: “Ước chi lời Ðức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Ðể tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng” (Cl 3, 16).
Nhờ Lời này mà các tín hữu được nâng đỡ trong mọi thử thách và chiến thắng trước mọi sức mạnh của sự dữ: “Hỡi anh em là những người con thơ bé, tôi đã viết cho anh em: anh em biết Chúa Cha. Hỡi các người cha, tôi đã viết cho các ông: các ông biết Ðấng vẫn có từ lúc khởi đầu. Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần” (1 Ga 2, 14).
Chính vì trung thành với Lời của Đức Ki-tô Giê-su mà Gio-an bị đầy ra đảo Pát-mô, và ở đó ông đã viết ra cuốn “Khải Huyền” để nâng đỡ đức tin của các tín hữu bị bách hại: “Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Ðức Giê-su. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Ðức Giê-su” (Kh 1, 9; x. 12, 11 và 20, 4).

Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét