Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI


Ngày 15 tháng 9
LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI
(Lễ nhớ)
Đức Mẹ Sầu Bi

Những đau khổ của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn thật vô cùng lớn lao. Tiên tri Isaia đã gọi Ngài là "Con người của đau khổ". Bên cạnh những thống khổ ấy, đau khổ trong đời Mẹ Maria cũng vượt mức chịu đựng của loài người, và chúng ta không làm sao diễn tả đầy đủ được. Nếu Ðức Giêsu đã đau khổ như một Thiên Chúa, Mẹ Maria cũng đã vô cùng đau đớn khi nhìn con Mẹ xuôi tay trước những cực hình phải chịu.
Trong một mức độ nào đó, Mẹ đã đóng góp rất nhiều vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu bằng việc liên kết những khổ đau của Mẹ với những đau khổ của Chúa.
Giáo Hội suy tôn Ðức Maria là Nữ Vương các thánh tử đạo và đã cụ thể hóa những đau khổ của Mẹ qua các sự kiện sau:
- Lúc nghe lời tiên tri Simêon, khi dâng Chúa Giêsu trong đền thánh.
- Lúc ẵm bế Chúa Hài Ðồng trốn sang Ai Cập.
- Lúc lạc mất Chúa tại Giêrusalem.
- Lúc gặp Chúa vác thánh giá.
- Lúc Chúa chịu đóng đinh.
- Lúc hạ xác Chúa xuống khỏi thập giá.
- Lúc táng xác Chúa.

Cùng với Giáo Hội, chúng ta dâng lên Chúa lời nguyện: "Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ðức Mẹ Ðồng Trinh cộng khổ đứng kề bên Con Chúa chịu treo trên thánh giá, xin ban cho Hội Thánh Chúa, khi đã thông phần đau khổ với Chúa Kitô thì cũng đáng được sống lại với Người".


Bảy sự thương khó của Đức Mẹ.

Ðức Mẹ Sầu Bi

Liền sau lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa được mừng hàng năm vào ngày (14/09) là lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi (15/09), chúng ta không thể nào tách rời Mẹ Maria ra khỏi thập giá Chúa. Danh gọi lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi có thể làm chúng ta dễ hiểu lầm chỉ nghĩ đến khía cạnh sầu bị, đau buồn mà quên đi khía cạnh tích cực được tham dự vào sự đau khổ có sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa. Mẹ Maria âm thầm dâng hiến chính mình cùng với hy tế của Con, được lãnh nhận đặc ân là tham dự vào cuộc cứu rỗi trở nên người Mẹ của toàn thể nhân loại.

Ðoạn Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến khía cạnh Mẹ Maria đứng bên thập giá Chúa và lãnh nhận lời Chúa trăn trối làm Mẹ của Gioan, làm Mẹ của toàn thể nhân loại. Ðoạn Phúc Âm không nhắc tới nỗi sầu bi của Mẹ khi đứng dưới chân thập giá Chúa. Trong số các sách Phúc Âm thì chỉ có Phúc Âm theo thánh Luca có nhắc tới lời loan báo trước của cụ già Simêon, nói về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Mẹ (Lc 2,35). Chắc lúc đứng dưới chân thập giá Chúa hơn mọi lúc khác Mẹ Maria đã đau khổ, niềm đau của một người mẹ nhìn thấy con mình đang hấp hối sau khi đã phải chịu những tra tấn, khổ hình và sỉ nhục. Thái độ của Mẹ đáng chúng ta bắt chước. Mẹ đã không tự ý đi tìm vinh quang được ngồi bên hữu bên tả Chúa như một người nọ đã đón đường Chúa lên Giêrusalem để xin đặc ân này cho hai người con của mình. Mẹ Maria không tránh né đau khổ nhưng sẵn sàng đứng bên cạnh con cùng dâng hiến với con trong âm thầm và như vậy được thông phần vào ơn cứu rỗi. Mẹ đã âm thầm nhưng rất mực trung thành hành trình bên cạnh Con Mẹ luôn luôn trong mọi lúc, lúc Con Mẹ mới bắt đầu công việc rao giảng, trong khi rao giảng Tin Mừng và giờ đây kết thúc quan trọng trên thập giá, trên đồi Golgotha.

Lạy Mẹ Maria,
Xin Mẹ hãy đồng hành bên cạnh con như Mẹ hiện diện bên cạnh Con Mẹ. Chúng con cần đến Mẹ nhất là khi gặp những gian nan thử thách. Xin Mẹ giúp chúng con trung thành với ơn gọi và với Chúa Giêsu Con Mẹ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



            Đức Maria đã hiệp thông sâu xa với cuộc thương khó của Chúa Con. Vì thế, Mẹ cũng được liên kết một cách độc nhất vô nhị với cuộc Phục Sinh của Người. Chính vì thế, sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta mừng lễ Đức Maria  cùng chia sẻ cuộc thương khó của Đức Giê-su. Lễ này nhắc cho chúng ta  nhớ rằng : dưới chân Thánh giá, tình mẫu tử của Đức Maria đã trải rộng ra khắp Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Ki-tô, tức là Hội Thánh.

Đức Mẹ đứng gần bên Thánh giá.
Trích bài giảng của thánh Bê-na-đô, viện phụ.

            Cuộc tử đạo của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta biết được là nhờ lời tiên báo của ông già Si-mê-ôn, cũng như chính bài tường thuật cuộc thương khó của Chúa. Về Hài Nhi Giê-su, ông già nói rằng : Cháu sẽ là dấu hiệu bị người đời chống báng, còn bà – ông nói với Đức Maria – bà sẽ bị nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thâu.

            Vâng lạy Mẹ diễm phúc, một lưỡi gươm đã đâm thâu lòng mẹ. Lưỡi gươm ấy không thể đâm thâu vào thân con của Mẹ mà một trật không đâm thâu lòng Mẹ. Thật đúng, Chúa Giê-su, Con của Mẹ tuy là của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là riêng của mẹ ; sau khi trút hơi thở cuối cùng, Người đã không bị lưỡi gươm tàn bạo đâm thấu lòng. Lưỡi gươm đó không tha cho một người đã chết mà nó không còn làm hại được nữa, nó đã mở sườn Người ra ; nhưng chính lúc đó, nó lại đâm thâu lòng Mẹ. Linh hồn của Người, chắc chắn không còn đó nữa, nhưng tâm hồn của Mẹ không tránh đâu được. Lòng Mẹ đã bị đau khổ đâm thâu, vì vậy, chúng con thật có lý mà tuyên bố rằng Mẹ còn hơn cả vị tử đạo, bởi vì nỗi đau do việc Mẹ cùng chịu khổ chắc chắn vượt quá sự đau khổ trong thân xác. Câu : Thưa Bà, đây là con Bà, đối với Mẹ chẳng còn hơn một lưỡi gươm và đã chẳng đâm thâu lòng Mẹ cùng đạt tới chỗ phân cách tâm với linh sao ? Ôi cuộc trao đổi kỳ lạ ! Thánh Gioan đã được trao cho Mẹ để thế chỗ Chúa Giê-su. Người tôi tớ thế chỗ chủ, người môn đệ thế chỗ thầy, con ông Dê-bê-đê thế chỗ Con Thiên Chúa, một người phàm thay vì Thiên Chúa thật. Làm sao nghe lời này, lòng Mẹ đầy âu yếm không bị đâm thâu, trong lúc chúng con, dù lòng chai dạ đá mà chỉ nhớ tới lời đó thôi, cũng cảm thấy lòng mình tan nát ?

            Thưa anh em, anh em đừng ngạc nhiên khi Đức Maria được gọi là vị tử đạo trong tâm hồn. Có ngạc nhiên chăng là kẻ quên lời thánh Phao-lô nói rằng một trong những tội tày trời của dân ngoại là vô tâm bạc tình. Một tội như thế thật xa lạ đối với lòng dạ Đức Maria. Ước gì tội đó cũng xa lạ đối với lòng dạ các tôi tớ mọn hèn của Mẹ.

            Biết đâu có kẻ chẳng nói : nào Mẹ lại không biết trước Chúa Giê-su phải chết sao ? – Dĩ nhiên là biết. Nào Mẹ chẳng hy vọng Người sẽ sống lại ngay sao ? – Dĩ nhiên với tất cả lòng tin. Và dù vậy, Người cũng đau khổ khi thấy con mình bị đóng đinh, phải thế không ? – Phải, và đau khổ ghê gớm. Này người anh em, bạn là ai ? Khôn ngoan của bạn ở đâu mà bạn lại ngạc  nhiên vì Đức Maria cùng chịu thương khó hơn là vì Đức Giê-su, Con của Người chịu thương khó ? Về phần xác, Con của Mẹ đã chết, còn Mẹ, Mẹ đã chẳng chết trong tâm hồn với con sao ? Chính tình thương đã khiến Chúa Ki-tô chịu thương khó, và không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người. Và kể từ đây, không có tình thương nào sánh nỗi với tình thương đã khiến Đức Maria cùng chịu thương khó với Con của Người.
( trích bài đọc 2 giờ Kinh Sách ngày 15 tháng 9 – bản dịch của nhóm CGKPV)



"Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà".

Ðây sẽ là niềm an ủi của con

Một trong những hình ảnh thánh thiện nhất về đời sống Kitô có lẽ là hình ảnh của những người hấp hối trên tay cầm thánh giá.

Người ta kể về một người đạo đức nọ như sau: Trong một cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ còn một phương thế duy nhất có thể hy vọng cứu sống bà đó là tiến hành cuộc giải phẫu. Người đàn bà chấp nhận cuộc giải phẫu, bà yêu cầu cho con trai bà được chứng kiến giờ phút đau khổ của bà. Vào thời buổi mà thuốc tê mê chưa có, thì bệnh nhân thường phải trải qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn vô cùng, nhưng người đàn bà vẫn cứ cắn răng chịu đựng. Nhưng đến cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình kêu lên: "Lạy Chúa tôi". Chứng kiến cảnh đau đớn của người mẹ, người con trai không làm chủ được những cảm xúc, anh đã buột miệng thốt lên những lời phàn nàn phạm đến Chúa. Lúc bấy giờ người mẹ liền nghiêm nghị bảo con: "Con ơi, con hãy im đi, con làm mẹ đau đớn hơn các bác sĩ này nhiều. Con đã làm sỉ nhục Ðấng đã ban sức mạnh và an ủi mẹ". Nói xong, bà ta mở bàn tay ra, và giơ cho mọi người xem một tượng chuộc tội nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ. Và đó chính là thứ thuốc tê mê đã xoa dịu cơn đau đớn của bà.
Sau mấy tháng quằn quại trong đớn đau, người đàn bà đã yên nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà đã trao lại cho cậu con trai tượng ảnh chuộc tội và căn dặn: "Con hãy giữ lấy tượng chuộc tội này. Ðây sẽ là niềm an ủi của con".

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ Ðức Mẹ Ðau Khổ hay cũng thường được gọi là 7 sự thương khó của Ðức Mẹ.

Suốt cuộc đời trần thế, Mẹ Maria quả thực là một người đàn bà đau khổ. Nhưng cũng giống như người đàn bà can đảm trong câu chuyện trên đây, Mẹ luôn có Chúa bên cạnh. Còn nỗi đớn đau nào bằng khi ôm lấy xác Chúa được tháo gỡ từ thập giá? Nhưng đó cũng là bí quyết của Mẹ. Mẹ luôn có Chúa trong lòng, từ lúc cất giữ mọi sự trong lòng để suy niệm cho đến lúc ôm lấy xác Chúa: từng phút giây của cuộc sống, Mẹ đau khổ nhưng luôn có Chúa trong lòng. Sự hiện diện của Chúa trong lòng đã giúp Mẹ đi hết cuộc hành trình Ðức Tin.
Là mẫu mực trong cuộc hành trình Ðức Tin, Mẹ cũng muốn trao gởi Ðấng Cứu Thế cho mỗi người chúng ta. Mang lấy Ðức Kitô chịu đóng đinh trong mình, chúng ta sẽ cảm thấy được sự nâng đỡ trong muôn nghìn thử thách đớn đau trong cuộc sống.

Mẹ Maria đã đảm bảo cho chúng ta điều đó. Chúng ta hãy kết hiệp với thập giá của Ðức Kitô. Trong mọi đau khổ, chúng ta hãy ngước nhìn lên thập giá của Ngài. Chúng ta hãy thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi chỉ biết có mỗi Ðức Kitô chịu đóng đinh".
(Trích trong ‘Lẽ Sống’)


Ðức Mẹ Sầu Bi


T
rong một thời kỳ có đến hai ngày lễ để tôn kính sự Sầu Bi của Ðức Mẹ: một ngày lễ xuất phát từ thế kỷ thứ 15, ngày lễ kia từ thế kỷ thứ 17. Trong một thời gian cả hai ngày lễ đều được Giáo Hội hoàn vũ cử hành: một lễ vào ngày thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá, một lễ trong tháng Chín.
Những dữ kiện chính yếu trong phúc âm đề cập đến sự sầu muộn của Ðức Mẹ là trong các đoạn của Thánh Luca 2:35 và Gioan 19:26-27. Ðoạn phúc âm theo Thánh Luca là lời tiên đoán của cụ Simeon về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Ðức Maria; đoạn của Thánh Gioan nói về lời trăn trối của Ðức Kitô với Ðức Maria và người môn đệ yêu dấu.
Nhiều học giả thời Giáo Hội tiên khởi giải thích lưỡi gươm như sự sầu muộn của Ðức Maria, nhất là khi nhìn Ðức Giêsu chết trên thập giá. Do đó, hai đoạn này có liên hệ với nhau, như điều tiên đoán đã được thể hiện.
Ðặc biệt Thánh Ambrôsiô coi Ðức Maria như một hình ảnh sầu muộn nhưng đầy uy quyền ở chân thánh giá. Ðức Maria đứng đó một cách không sợ hãi, trong khi những người khác lẩn trốn. Ðức Maria nhìn đến các thương tích của Con mình với lòng thương cảm, nhưng qua đó ngài nhìn thấy sự cứu chuộc nhân loại. Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập giá, Ðức Maria không sợ bị chung số phận nhưng sẵn sàng nộp mình cho kẻ bách hại.

Lời Bàn

Tường thuật của Thánh Gioan về cái chết của Ðức Giêsu có nhiều ý nghĩa biểu tượng. Khi Ðức Giêsu trao người môn đệ thân yêu cho Ðức Maria, chúng ta được mời gọi kính trọng vai trò Ðức Maria trong Giáo Hội: Ngài tượng trưng cho Giáo Hội; người môn đệ đại diện cho mọi tín hữu. Khi Ðức Maria làm mẹ Ðức Giêsu, ngài là mẹ của tất cả những ai theo Ðức Kitô. Hơn thế nữa, khi Ðức Giêsu chết, Thần Khí của Người thoát ra. Ðức Maria và Thần Khí ấy cộng tác với nhau để sinh ra con cái mới của Thiên Chúa--rất giống như sự tường thuật của Thánh Luca về việc thụ thai Ðức Giêsu. Kitô Hữu có thể tin tưởng rằng họ sẽ tiếp tục cảm nghiệm được sự hiện diện yêu thương của Ðức Maria và Thần Khí Ðức Giêsu trong cuộc đời mình và qua lịch sử.

Lời Trích

"Dù dưới chân thập giá ngài vẫn giữ địa vị của mình, đứng ở đó như một người mẹ thê lương chan hòa nước mắt, để được gần Ðức Giêsu cho đến hơi thở cuối cùng. Qua tấm lòng của người mẹ, sự đau buồn của Ðức Giêsu như được chia sẻ, cũng như mọi thống khổ cay đắng Người phải gánh chịu. Giờ đây, lưỡi gươm đã thâu qua." (Stabat Mater)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét