Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Thứ Bảy Tuần 24 TN2




Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy Tuần 24 TN2

Bài đọc: I Cor 15:35-37, 42-49; Lk 8:4-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hạt giống.

Nhìn một hạt giống nhiều người chúng ta không thể đóan nổi nó là hạt giống gì; khi nó bắt đầu có lá chúng ta có thể đóan dễ hơn; khi nó bắt đầu nở hoa và sinh trái thì đã quá rõ ràng. Tương tự, nhìn một thai nhi trong lòng mẹ, chúng ta không thể đóan đứa trẻ sẽ giống ai; khi nó được sinh ra chúng ta có thể đóan nó giống ai trong gia đình; nhưng vẫn không đóan nổi cuộc đời đứa bé sẽ ra sao cho đến khi chúng thành nhân. Các Bài đọc hôm nay đều nói về hạt giống: Trong Bài đọc I, thánh Phaolô ví việc con người chết như hạt giống gieo xuống đất; làm sao biết được con người sẽ giống ai khi sống lại trong vinh quang Nước Chúa? Trong Phúc Âm, Chúa ví Lời Chúa như hạt giống nhà nông gieo vãi; chúng có thể bị cướp mất, có thể lớn lên tí chút rồi khô héo, có thể lớn lên mà chẳng sinh hoa kết quả, và có thể sinh quả gấp trăm.



KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hình dạng thân thể con người sẽ như thế nào sau khi sống lại?

Mặc dù Phaolô và các Tông Đồ đã được chứng kiến Chúa Kitô Phục Sinh, họ có thể mô tả tổng quát Chúa Phục Sinh như thế nào; nhưng thể mô tả chi tiết vì họ chưa được mang lấy thi thể đó. Trong Bài đọc này, thánh Phaolô dùng niềm tin, ý tưởng, và ngôn ngữ của con người để cố gắng mô tả điều rất khó mô tả. Câu trả lời của ngài bao gồm 3 điều chính yếu sau:

(1) Như một hạt giống gieo xuống lòng đất, nó phải chết đi trước khi mọc lên, hình thể khi mọc lên khác xa với hình thể khi gieo xuống, tuy hình thể khác xa như vậy, nhưng bản thể vẫn giống nhau để có thể được phân biệt với các giống khác; thân xác con người cũng vậy, phải chết đi trước khi sống lại, thân thể khi sống lại rất khác với thân thể khi chết, nhưng bản thể vẫn giống nhau để có thể nhận ra đó là cùng một người.

(2) Thân thể khi sống lại khác với thân thể khi chết ở 4 điểm sau: (1) Thân thể trước khi chết sẽ bị hủy họai còn thân thể khi sống lại sẽ không bao giờ bị hủy họai. (2) Thân thể trước khi chết thì hèn hạ còn thân thể khi sống lại thì vinh quang. Có lẽ điều thánh Phaolô muốn nói ở đây là các giác quan và dục vọng của con người khi còn sống, chúng làm cho con người trở thành nô lệ cho tội lỗi. (3) Thân thể trước khi chết thì yếu đuối còn thân thể khi sống lại thì mạnh mẽ. Có lẽ ở đây thánh Phaolô nói về sức mạnh thể lý. Bao lâu còn ở trong thân xác đời này là còn bị chi phối bởi các thứ bệnh tật và môi trường sống. Thân thể khi sống lại sẽ không còn bệnh tật và bị ảnh hưởng bởi môi trường. (4) Thân thể trước khi chết là thân thể có sinh khí còn thân thể sống lại là thân thể có thần khí. Có lẽ ở đây thánh Phaolô muốn chú trọng đến tính vững bền của thần khí: thân xác con người trước khi chết muốn sống theo thần khí nhưng có khi được khi không vì vẫn còn bị chi phối bởi dục vọng; một khi dục vọng hết, con người sẽ hòan tòan sống theo thần khí.

(3) Con người là một tổng thể của cả sinh khí và thần khí: Thánh Phaolô tổng hợp 2 biến cố: Thiên Chúa tạo dựng Adam, con người đầu tiên, và biến cố Nhập Thể của Chúa Giêsu; để suy luận về thân thể con người khi sống lại như sau: “Con người đầu tiên là Adam được dựng nên thành một sinh vật, còn Adam cuối cùng là thần khí ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó. Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.”

2/ Phúc Âm: Lời Chúa được ví như hạt giống gieo xuống đất.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói lên trách nhiệm mỗi người phải có khi nghe Lời Chúa, Ngài nói: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm.”

Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: "Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà có lẽ không nhìn thấy, nghe mà có lẽ không hiểu.” Câu trả lời này hơi khó hiểu. Phải chăng mầu nhiệm Nước Thiên Chúa chỉ được hiểu bởi một số người được chọn? Chắc chắn một Thiên Chúa công bằng sẽ không làm điều đó; và mục đích của dụ ngôn này là nói lên trách nhiệm mỗi người phải có khi nghe Lời Chúa. Không phải mọi người có mắt là nhìn thấy, vì có những việc xảy ra ngay trước mắt mà có người vẫn không nhìn thấy; lý do vì họ không muốn nhìn thấy hoặc họ không cố gắng chú ý để nhìn. Không phải ai có tai để nghe cũng hiểu, vì có bao nhiêu giáo dân hiểu được bài giảng các cha giảng mỗi tuần? Họ không hiểu là vì họ không chịu chú ý nghe hay không chịu dùng đầu óc để suy nghĩ những gì các cha cắt nghĩa.

Và Chúa cắt nghĩa dụ ngôn như sau: Hạt giống là lời Thiên Chúa.

(1) Hạt rơi bên vệ đường là những kẻ đã nghe, nhưng quỷ đến cất Lời Chúa ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Đây là lọai người mà chúng ta mới nói tới: họ nghe mà không hiểu.

(2) Hạt rơi trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời Chúa, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Họ quên rằng Lời Chúa phải được mang ra thực hành để đức tin của họ luôn được vững mạnh, có thể đương đầu với mọi hòan cảnh.

(3) Hạt rơi vào bụi gai là những kẻ nghe, nhưng bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Họ muốn làm điều mà Chúa đã cảnh cáo: “Các con không thể làm tôi hai chủ.”

(4) Hạt rơi vào đất tốt là những kẻ nghe Lời Chúa với một tâm lòng tốt lành và quảng đại, giữ Lời Chúa trong lòng, và kiên nhẫn sinh hoa kết quả.



ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta tuy không biết hòan tòan những gì sẽ xảy ra cho con người sau khi chết; nhưng một điều chúng ta biết chắc chắn là con người sẽ sống lại. Một khi đã sống lại, chúng ta sẽ không bao giờ phải chết nữa, thân xác con người sẽ trở nên mạnh khỏe, luôn hướng thiện, luôn sống trong thần khí và sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi bệnh tật hay các dục vọng thấp hèn.

- Để Lời Chúa có thể sinh lợi ích cho cuộc đời mỗi người, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho sốt sắng mỗi khi nghe Lời Chúa, nghiền gẫm Lời Chúa hằng ngày, mang ra áp dụng trong cuộc sống để đức tin ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Đức tin vững mạnh sẽ giúp chúng ta can đảm vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống và sẵn sàng làm chứng cho Chúa: bằng lời giảng cũng như bằng chính cuộc sống.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

****************




22/09/12 THỨ BẢY TUẦN 24 TNLc 8,4-15

CHO LỜI TRĨU HẠT

“Hạt giống là Lời Thiên Chúa.” (Lc 8,11)

Suy niệm: Ngươi gieo giống trong dụ ngôn thật là hào phóng khi gieo vãi hạt giống trên bất kể mảnh đất nào. Kết quả những hạt giống ấy mang lại tùy thuộc mảnh đất mà chúng rơi vào: có hạt bị chim trời ăn khi chưa kịp mọc; có hạt mọc được nhưng rồi lại bị héo khô vì rơi trên đá hay bị gai góc làm cho chết nghẹt; có hạt sinh gấp trăm nhờ rơi vào đất tốt. Chúa giải thích dụ ngôn này trong tương quan với việc đón nhận Lời Chúa. Tùy vào mảnh đất tâm hồn mỗi người mà hạt giống Lời Chúa có trổ sinh bông hạt được không, và trổ sinh nhiều hay ít nữa.

Mời Bạn: Dụ ngôn này nói lên tầm quan trọng của mỗi người trong việc lắng nghe, suy niệm, và làm theo Lời Chúa. Mời bạn xem xét lại thái độ của bạn mỗi khi tiếp cận với Lời Chúa: phải chăng lòng bạn luôn là vệ đường, sỏi đá, gai góc khiến cho Lời Chúa khi được gieo vãi vào tâm hồn bạn đã sớm chết yểu, không có đất sống.

Chia sẻ: Đã đến lúc chúng ta phải sửa đổi cung cách đón nghe và thực hành Lời Chúa, nếu quả thật chúng ta muốn cho hạt giống Lời Chúa gieo vào tâm hồn gặp được mảnh đất tốt để trổ sinh hoa trái.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thực hiện mong đợi của Chúa sau đây: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trơ lên trời nữa, nhưng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu… cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả” (Is 55,10-11).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa biến đổi chúng con thật sự. Xin giúp chúng con noi gương Mẹ Maria, cưu mang Lời trong tâm hồn, đặt Lời trước mắt, và thực hành Lời trên tay chúng con. Amen.





"Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Mảnh đất tốt
Mỗi người đồ đệ cần phải cộng tác vào việc làm cho Nước Chúa được ngự đến, và trước hết là nơi chính bản thân mình. Chúa Giêsu giảng giải điều này cho các môn đệ qua dụ ngôn về người gieo giống được Giáo Hội nhắc lại trong ngày hôm nay.
Chúng ta có thể lưu ý đến một chút khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích về dụ ngôn. Khi kể về dụ ngôn Chúa Giêsu xem ra như nhấn mạnh tới sự hiệu nghiệm của hạt giống hay đúng hơn sự thành công của người gieo giống chắc chắn thu được thành quả. Có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi trong bụi gai, nhưng có những hạt rơi trên đất tốt và trổ sinh hoa trái gấp trăm. Còn khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ thì xem ra như Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa sinh hoa trái tốt. Thật ra hai khía cạnh này không đối nghịch nhau mà ngược lại cả hai cùng được tổng hợp để diễn tả thực tại phong phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chắc chắn được phát triển nhưng phần cộng tác của con người trong việc phát triển Nước Chúa cũng không thể nào bỏ qua được.
Chính hạt giống Lời Chúa là yếu tố chính của dụ ngôn, hạt giống Lời Chúa này tự nó có sức mạnh để trổ sinh hoa trái, nhưng khi được gieo vãi, được rao giảng cho mọi người thì liền gặp phải hoàn cảnh đối nghịch, gai góc, đá sỏi tùy thuộc vào thái độ chấp nhận cộng tác của người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây được hiểu là chính Thiên Chúa. Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không cho tất cả mọi người ơn cứu rỗi.
Thiên Chúa đã có sáng kiến ứng trước cho con người nhưng phần con người thì cũng cần cộng tác đáp lại. Hai yếu tố không thể bỏ qua được. Thiên Chúa không áp đặt nhưng kính trọng tự do của con người. Những trở ngại không cho hạt giống Lời Chúa sinh hoa trái là thái độ hời hợt, xu thời, không kiên trì, lo lắng tích trữ giàu sang vật chất, say mê đi tìm thú vui.
Mỗi người chúng ta cần canh tân đời sống cộng tác với ơn Chúa ban, cố gắng sao để trở thành mảnh đất tốt đón nhận hạt giống Lời Chúa. Một tâm hồn cao thượng, quảng đại và kiên trì giữa những gian nan thử thách của cuộc đời, đó là điều Thiên Chúa hằng mong ước gặp được nơi mọi người đồ đệ của Ngài, nơi mỗi người chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa,
Xin ban cho con được trở nên mảnh đất tốt hàng ngày đón nhận và suy niệm Lời Chúa cũng như sống thực hành những gì Chúa truyền dạy.
Lạy Chúa, xin hãy phán, này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Sinh hoa kết quả nhờ kiên trì
“Người gieo giống ra đi gieo hạt giống của mình, trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cũng mọc lên làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm. Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe”
Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu njiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để
Chúng nhìn mà không nhìn
Nghe mà không hiểu.” (Lc. 8, 5-9)
Chức vụ Đức Kitô ở Galilê đến hồi kết thúc. Người muốn cho đông đảo dân chúng tụ họ chung quanh hiểu về mầu nhiệm nước trời bằng một dụ ngôn mang ý nghĩa vừa cụ thể vừa cao siêu. Dụ ngôn không có sức gắn liền với trí tuệ, tự nó không bao giờ minh hiển. Nó dự báo chân lý và phải nhờ đường lối của Thiên Chúa mới làm cho tâm hồn nắm bắt được chân lý và trở về với chân lý.
Pascal đã viết: trong tư tưởng của Chúa “Có đủ rõ ràng để soi cho những người được tuyển chọn, và khá tối tăm để giúp họ khiêm hạ. Có đủ tối tăm để làm kẻ thách thức mù quáng, và khá rõ ràng để kết án họ và làm cho họ không thể chối cãi”. Những dụ ngôn của Đức Giêsu chứa đựng vừa sáng vừa tối để họ không thể chiến thắng bằng sức riêng của mình, nhưng cũng để tôn trọng tự do của mỗi người. Đối với dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay cũng thế.
Người gieo ra đi gieo giống, cũng gặp nhiều tai họa! có hạt rơi trên vệ đường bị người và vật dày đạp và sau cùng bị chim trời đến ăn. Có hạt chết khô đét trên đá vì thiếu ẩm ướt. Có hạt bị chết nghẹt trong bụi gai không vươn lên được. Sau cùng rơi vào đất tốt sinh hoa kết quả.
Ai có tai thì hãy nghe.
Sứ điệp Tin Mừng trải qua bao nhiêu thời gian đã bị rơi vào những con tim tin ma thờ quấy, hay nông nổi nhất thời hay ham mê danh lợi thú. Chỉ có những con tim chân thành, khiêm tốn, kiên trì, cao thượng mới sinh hoa kết quả cho những mùa gặt phong phú. Lòng yêu mến của họ sẽ giúp họ nắm giữ và thực hành được lời Chúa, dầu gặp những thất bại, thử thách, đau khổ, chống đối, bắt bớ và phải chết, họ vẫn an tâm vững chí kiên trì cho đến tận cùng. Ngày qua ngày, khiêm tốn họ sống thực hiện những điều đã khám phá do Thiên Chúa ban ơn, họ dần dần đi vào cuộc sống thân mật của Thiên Chúa.
GF.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét