Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Lectio: Chúa Nhật XXIII Thường Niên (B)


Lectio: Chúa Nhật XXIII Thường Niên (B)


Lectio: Chúa Nhật XXIII Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 9 Tháng 9, 2012
Việc chữa lành người câm điếc
Chúa Giêsu ban trả lại cho người ta món quà ngôn luận
Mc 7:31-37
1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.
2.  Bài Đọc
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Phần phụng vụ của Chúa Nhật tuần này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc trong miền đất Thập Tỉnh và được ca tụng bởi người dân ở đó:  “Người đã làm tất cả những việc tốt lành; thậm chí Người còn làm cho kẻ điếc được nghe và người câm được nói!”  Lời ca ngợi này được lấy cảm hứng từ một số đoạn trong sách tiên tri Isaia (Is 29:8-19; 35:5-6; 42:7) và cho thấy rằng người ta đã thấy trong Chúa Giêsu thời đại thiên sai đang đến.  Chính Chúa Giêsu đã dùng cùng một câu nói để trả lời cho các môn đệ của Gioan Tẩy Giả:  “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe:  người mù xem thấy, và … kẻ điếc được nghe” (Mt 11:4-5).
Các Kitô hữu tiên khởi đã dùng Kinh Thánh để làm sáng tỏ và giải thích những hành động và thái độ của Chúa Giêsu.  Họ đã làm điều này để bày tỏ đức tin của mình rằng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, Đấng đến để làm viên mãn lời hứa, và để có thể hiểu rõ hơn những gì Chúa Giêsu đã nói và làm trong một ít năm mà Người sống ở giữa họ tại miền đất Palestine.
b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 7:31:  Lời mô tả địa lý:  Chúa Giêsu đang ở một nơi nào đó ngoài miền Giuđêa.
Mc 7:32:  Tình trạng của người đàn ông: câm và điếc.
Mc 7:33-34:   Cử chỉ của Chúa Giêsu trong việc chữa lành người câm và điếc.
Mc 7:35:  Kết quả của hành động chữa lành của Chúa Giêsu.
Mc 7:36:  Lời khuyên bảo phải giữ im lặng đã không được tuân theo.
Mc 7:37:  Lòng thán phục của dân chúng.
c) Tin Mừng:
31 Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđôn, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. 32 Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. 33 Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. 34 Đoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: "Effetha!" (nghĩa là "Hãy mở ra!"), 35 tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. 36 Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. 37 Họ đầy lòng thán phục mà rằng: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!"
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4.  Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a)  Thái độ của Chúa Giêsu trước người bị câm điếc và đối với dân chúng ra sao?  Bạn hiểu như thế nào về các cử chỉ của Chúa Giêsu:  Người đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta, đoạn Người thở dài và bảo: “Ephphatha”?
b)  Làm thế nào chúng ta có thể hiểu được mối quan tâm của Chúa Giêsu khi đem người câm điếc khỏi đám đông?
c)  Tại sao Chúa Giêsu cấm không cho loan truyền tin Chúa chữa lành?  Chúng ta hiểu việc người ta bất tuân lệnh cấm của Chúa Giêsu như thế nào?
d)  Những văn bản khác trong Tân Ước và Cựu Ước đã được bao hàm hay là tạo nên cơ sở cho đoạn Tin Mừng này?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
i)  Phần phụ chú về Tin Mừng Máccô
Mc 7:31:  Chúa Giêsu trong miền đất Thập Tỉnh.
Cảnh chữa lành người bị câm điếc ít được biết đến.  Máccô không ghi rõ rằng Chúa Giêsu đã ở đâu. Người ta chỉ hiểu rằng Người đang ở một nơi đâu đó bên ngoài Palestine, trong vùng đất dân ngoại, ngang một khu vực được gọi là Thập Tỉnh.  Thập Tỉnh theo nghĩa đen là Mười Thành Phố.  Thực ra, đây là khu vực của mười thành phố, vùng đông nam của xứ Galilêa, nơi dân chúng là dân ngoại và chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp.
Mc 7:32:  Người ta đem đến cùng Chúa một người đàn ông câm và điếc.
Mặc dù không ở ngay trên quê hương mình, Chúa Giêsu được biết đến như một người chữa lành các bệnh nhân.  Như vậy, người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người.  Đây là kẻ không thể thông tri với những người khác được.  Anh là hình ảnh của nhiều người ngày nay sống như khối thể chất ở những đô thị lớn trong sự cô đơn hoàn toàn, không có bất kỳ khả năng thông tri nào.
Mc 7:33-34:   Một loại chữa lành khác biệt.
Một cách chữa lành thật khác biệt.  Mọi người đã nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ chỉ cần đặt tay lên người bệnh.  Nhưng Chúa Giêsu đi vượt quá lời yêu cầu của họ và đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay của Người vào của anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta, đoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: 
“Ephphatha” có nghĩa là “Hãy mở ra!”  Ngón tay để vào trong tai gợi nhớ lại lời thốt lên của các thày phù thủy ở đất Ai Cập:  “Đây là ngón tay Thiên Chúa!” (Xh 8:15) và cũng là lời của tác giả Thánh Vịnh: “Chúa… đã mở tai con!” (Tv 40:7).  Việc bôi nước miếng vào lưỡi đem lại khả năng nói chuyện.  Vào thời gian ấy, người ta nghĩ rằng nước bọt có công hiệu chữa bệnh.  Ngước mắt lên trời nói rằng việc chữa lành thì từ Thiên Chúa.  Tiếng thở dài là một thái độ của cầu khẩn. 
Mc 7:35:  Kết quả của việc chữa lành
Ngay lập tức, đôi tai của người điếc được mở ra, lưỡi anh ta được tháo gỡ và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu mong muốn rằng mọi người hãy mở đôi tai và tháo lỏng lưỡi của họ!  Ngày nay cũng vậy! Tại nhiều nơi, bởi vì thái độ độc đoán dựa trên phần thần quyền, người ta đã bị im tiếng và không được nói.  Thật là rất quan trọng để cho mọi người khôi phục lại khả năng ngôn luận trong Giáo Hội để bày tỏ các trải nghiệm của họ với Thiên Chúa và do đó làm phong phú cho tất cả, kể cả bậc giáo sĩ.
Mc 7:36:  Chúa Giêsu không muốn cho thiên hạ biết
Chúa Giêsu cấm họ đừng kể lại với ai những gì xảy ra.  Tuy nhiên, có một sự quan trọng quá mức kèm theo trong Tin Mừng Máccô về việc cấm truyền bá tin tức việc chữa lành, làm như Chúa Giêsu có một bí mật cần phải dấu kín.  Thật ra, đôi khi Đức Giêsu bảo dân chúng đừng loan tin về việc chữa lành (Mc 1:44; 5:43; 7:36; 8:26).  Người yêu cầu sự im lặng, nhưng lại nhận được tác dụng ngược lại.  Người càng cấm thì Tin Mừng càng loan truyền (Mc 1:28,45; 3:7-8; 7:36-37).  Mặt khác, nhiều lần, trong hầu hết trường hợp, Chúa Giêsu đã không yêu cầu sự im lặng khi liên quan đế một phép lạ.  Có lần thậm chí Người còn bảo đi thuật lại cho mọi người biết (Mc 5:19). 
Mc 7:37:  Lòng thán phục của dân chúng.
Tất cả mọi người đều đầy sự thán phục và nói:  “Người đã làm mọi sự tốt đẹp!” (Mc 7:37).  Lời nói này nhắc nhớ lại việc tạo dựng trời đất:  “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1:31).  Bất chấp sự ngăn cấm, những người đã chứng kiến việc chữa lành bắt đầu công bố những gì họ đã nhìn thấy, bày tỏ Tin Mừng trong hình thức ngắn gọn:  “Người đã làm mọi sự tốt đẹp!”  Thật là vô ích mà ngăn cấm họ nói.  Quyền năng bên trong của Tin Mừng là chính tự nó loan truyền lấy!  Ai đã trải nghiệm với Chúa Giêsu, phải nói cho những người khác nghe, cho dù họ có muốn hay không!
ii)  Tài liệu về những phân đoạn trong Tin Mừng Máccô:
Chìa khóa thứ nhất:  Tin Mừng Máccô được viết để được đọc lên và lắng nghe chung trong cộng đoàn.
Khi một quyển sách được đọc một mình, người ta luôn có thể lật trở lại, ghép nối điều này với điều kia. Nhưng trong khi cùng với cộng đoàn và một người đang đọc Phúc Âm trước sự hiện diện của mọi người, người ta không thể la lên:  “Khoan đã! Hãy đọc lại lần nữa! Tôi chưa hiểu rõ lắm!”  Đối một quyển sách được viết ra để được lắng nghe trong các dịp cử hành chung với cộng đoàn, thì nó phải được bố cục khác với những quyển sách được viết để cho người ta đọc một mình.
Chìa khóa thứ hai:  Tin Mừng của Máccô là một câu chuyện kể.
Một câu chuyện kể thì giống như một dòng sông.  Đi xuôi dòng sông trong một chiếc ghe, người ta không nhận thức được các phân rẽ trong nước.  Dòng sông không có những phân rẽ!  Nó được tạo bởi một dòng nước chảy mà thôi, từ thượng nguồn cho tới hạ nguồn.  Trong dòng sông, những phân rẽ, được tạo nên bởi các bờ sông.  Ví dụ, người ta có thể nói rằng:  “Cảnh thật tuyệt đẹp của dòng sông là từ căn nhà đến khúc quanh nơi có cây dừa và sau đó thì rẽ làm ba khúc quanh khác nhau”.  Thế mà người ta không thể thấy được những phân rẽ trong nước.  Lời thuật chuyện của Máccô chảy như một dòng sông. Người nghe bắt gặp những nhánh rẽ của nó dọc theo bờ sông, đó là, ở những nơi mà Chúa Giêsu đi qua, trong những người mà Chúa gặp gỡ, trên đường phố mà Người rảo qua.  Những dấu chỉ bên lề giúp cho người nghe không bị lạc giữa những rất nhiều lời nói và các hoạt động của Chúa Giêsu và về Người.  Khuôn khổ địa lý giúp người đọc đồng hành với Chúa Giêsu, từng bước một, từ miền Galilêa đến thành Giêrusalem, từ biển hồ lên đến đồi Canvê.
Chìa khóa thứ ba:  Tin Mừng của Máccô được soạn để được đọc trong một lúc.
Đây là những gì người Do Thái đã làm với những sách tóm lược Cựu Ước.  Lấy ví dụ, trong đêm Phục Sinh, họ đọc tất cả các sách Nhã Ca.  Một số học giả có ý kiến cho rằng Phúc Âm của Máccô được viết để được đọc toàn bộ trong đêm canh thức vọng Phục Sinh.  Giờ đây, để cho người nghe khỏi bị mệt mỏi, bài đọc phải được chia ra thành những đoạn, những chỗ tạm dừng.  Bởi vì, khi câu chuyện kể dài, như trường hợp của Tin Mừng Máccô, bài đọc phải được ngắt quãng khá thường xuyên.  Cần phải có những lúc tạm dừng.  Nếu không người nghe sẽ bị loãng.  Tác giả của câu chuyện kể đã chuẩn bị những lúc tạm dừng này. 
Chúng được đánh dấu bởi những đoạn tóm tắt, giữa hai bài đọc dài.  Những đoạn tóm tắt này giống như những đoạn chuyển tiếp (bản lề) thu thập những gì đã được đọc trước và mở đường cho những gì sẽ tiếp theo sau đó.  Chúng cho phép người kể chuyện dừng lại và lại tiếp tục mà không làm gián đoạn trình tự của câu chuyện.  Chúng giúp cho người nghe tự đặt mình trong dòng sông của câu chuyện đang trôi.  Tin mừng của Máccô có một số đoạn tạm dừng này, cho phép chúng ta khám phá và lần theo chủ đề Tin Mừng của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mặc khải và Máccô kể cho chúng ta.  Tổng quát có bảy bài đọc dài, được xen kẽ với những bản tóm tắt ngắn hoặc bài chuyển tiếp, đó là nơi có thể làm tạm dừng.
Dựa trên ba chìa khóa này, bây giờ chúng ta giới thiệu một phân đoạn của Tin Mừng Máccô.  Người ta chia sách Tin Mừng này theo những cách khác nhau.  Mỗi cách có một sắc thái riêng và giá trị của nó. Giá trị của bất cứ một phân đoạn nào là nó mở ra một số phương cách để đi vào văn bản, để giúp chúng ta khám phá một cái gì đó về Tin Mừng của Thiên Chúa và để nhận thức được cách thức Chúa Giêsu mở ra một đường hướng cho chúng đến với Thiên Chúa và tha nhân.
Lời Giới Thiệu:  Mc 1:1-13:  Khởi đầu Tin Mừng
Chuẩn bị sự công bố
Bài tóm tắt:  Mc 1:14-15
Bài đọc thứ nhất:  Mc 1:16 – 3:16:  Sự tăng triển của Tin Mừng
Cuộc xung đột xuất hiện
Bài tóm tắt:  Mc 3:7-12
Bài đọc thứ hai:  Mc 3:13 – 6:6:  Cuộc xung đột tăng triển
Mầu nhiệm xuất hiện
Bài tóm tắt:  Mc 6:7-13
Bài đọc thứ ba:  Mc 6:14 – 8:21: Sự  tăng triển của mầu nhiệm
Sự hiểu lầm xuất hiện
Bài tóm tắt:  Mc 8:22-26                                           
Bài đọc thứ tư:  Mc 8:27 – 10:45:  Sự hiểu lầm tăng triển
Ánh sáng tối tăm của Thập Giá xuất hiện
Bài tóm tắt:  Mc 10:46-52
                                                                                 
Bài đọc thứ năm:  Mc 11:1 – 13:32:   Ánh sáng tối tăm của Thập Giá tăng triển
Sự òa vỡ và cái chết xuất hiện
Bài tóm tắt:  Mc 13:33-37
                                                                                 
Bài đọc thứ sáu:  Mc 14:1 – 15:39:  Sự òa vỡ và cái chết tăng triển
Chiến thắng sự chết xuất hiện
Bài tóm tắt:  Mc 15:40-41
                                                                                 
Phần kết:  Mc 15:42 – 16:20:  Chiến thắng sự chết tăng triển
Sự tái xuất hiện của Tin Mừng
Trong việc phân đoạn này, các tiêu đề thật là quan trọng. Chúng cho thấy đường lối của Chúa Thánh Thần, về sự linh ứng, trải qua toàn bộ Tin Mừng.  Khi một nhà nghệ sĩ có một nguồn cảm hứng, người ấy cố gắng thể hiện nó trong một tác phẩm nghệ thuật.  Một bài thơ hay một bức tranh được tác tạo gói trọn trong nguồn cảm hứng ấy.  Sự linh ứng giống như một dòng điện chạy qua dây điện một cách vô hình và thắp sáng bóng đèn trong nhà chúng ta.  Cũng cùng một cách tương tự nguồn cảm hứng chạy một cách vô hình qua những dòng chữ của bài thơ hoặc hình thể của bức tranh để tỏ lộ hoặc thắp sáng trong chúng ta một ánh sáng tương tự hoặc gần giống như vậy đã được chiếu giải trong tâm hồn người nghệ sĩ.  Đây là lý do tại sao các công trình nghệ thuật thu hút chúng ta đến như vậy.  Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta đọc và suy niệm về Tin Mừng của Máccô.  Cùng một Chúa Thánh Thần hoặc Nguồn Linh Hứngđã thúc đẩy Máccô viết lên văn bản, tiếp tục hiện diện trong những dòng chữ Tin Mừng của ông.  Qua việc đọc chăm chú và cầu nguyện sách Tin Mừng, Chúa Thánh Thần tác động và bắt đầu hoạt động trong chúng ta.  Và như vậy, dần dần, chúng ta khám phá ra dung nhan của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Giêsu và Máccô chuyển đạt đến chúng ta trong sách của ông.
6.  Cầu nguyện với Thánh Vịnh 131
Cậy trông vào Chúa như trẻ thơ
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào CHÚA, Israel ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.
7.  Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.
www.dongcatminh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét