Trang

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 26 SALÔMÔN, NGƯỜI KHÔN NGOAN, THÔNG THÁI

SALÔMÔN, NGƯỜI KHÔN NGOAN, THÔNG THÁI

Trích sách 1 Các Vua, ch.3 và 5

Thiên Chúa đã ban cho Vua Sa-lo-môn được khôn ngoan, thông thái rất bao la, lòng trí quảng bác như trùng khơi, hơn tất cả các người hiền triết Phương Đông hay Ai cập hay bất cứ ai trong thiên hạ. Tên ông vang dội đến các nước, các dân. Ông đã tuyên ba ngàn châm ngôn, và thi ca của ông tính đến 1.005 bài. Ông đã bàn đến thảo mộc từ bá hương ở núi Li-băng cho đến bài hương mọc ở vệ đường. Ông đã bàn đến loài thú, loài chim, loài côn trùng, loài cá. Người ta từ các dân thiên hạ kéo đến nghe sự khôn ngoan của ông, và ông đã nhận được quà tặng, lễ cúng của các vua trên trái đất.

Một vụ kiện sau đây làm chứng về sự khôn ngoan đó. Bấy giờ có hai gái điếm đến kiện nhau:
- Dám thưa Chúa thượng, hai đứa chúng tôi ở chung một nhà, tôi sinh con vài ngày thì chị ấy cũng đẻ. Một đêm nọ, con chị bị chị ngủ mê đè chết. Chị lén đến giường tôi bồng lấy con tôi, và đặt đứa con đã chết của chị thay vào, lúc ấy tôi ngủ nên không biết. Đến sáng, thức dậy cho con bú, tôi thấy thằng bé chết rồi. Nhưng khi nhìn kỹ, thấy nó không phải con tôi.

Nhưng chị kia, vừa nghe nói, liền cãi trước mặt vua rằng:
- Không đâu!  Đứa sống là con tôi, đứa chết là con chị.
Chị nó cãi lại:
- Không phải, đứa chết là con chị, đứa sống là con tôi. Tôi đẻ ra, tôi biết chứ!
Cứ thế cãi qua cãi lại. Vua phán:
- Thôi, các ngươi im đi! Quân bay, lấy thanh kiếm ra đây cho trẫm!
Quân hầu đưa thanh bảo kiếm của Vua ra. Vua truyền:
- Phanh thây đứa bé sống làm hai cho mỗi chị một nửa.
Chị có đứa con sống mới tâu Vua, vì lòng dạ chị bỏng xót lên vì con:
- Dám thưa Chúa thượng, xin đừng giết nó, thà cứ cho chị kia đứa bé. Để nó được sống còn hơn!
Nhưng chi kia nói:
- Xin cứ phanh thây, cho nó khỏi thuộc về tôi, cũng chẳng thuộc về chị, thế là khỏi cãi cọ!
Lúc ấy, Nhà Vua mới lên tiếng xử:
- Người mẹ xót con, chính là mẹ thật đứa trẻ. Hãy trao đứa bé cho chị ta, đừng giết nó!
Toàn thể dân Israen nghe lời phân xử của Vua thì đem lòng kính phục, vì họ thấy nơi Vua có sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

* Đó là Lời Chúa!  - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa

Sự thông thái, sự khôn ngoan, nói tóm, trí thông minh là quà tặng của Thiên Chúa cho loài người, lúc Ngài dựng nên họ.

+ Cứ suy thì sẽ thấy: Có nhiều thú vật mạnh hơn loài người như sư tử, hổ, voi...; nhanh hơn như ngựa, thỏ, chim én...; thính tai, thính mũi hơn như chó, mèo, chim săn mồi...; ấy thế mà loài người đã có thể tự bảo vệ chống lại chúng, lại còn thắng chúng và bắt chúng làm việc cho mình. Cách đây một trăm ngàn năm, người cổ đại đã bảo vệ lều và hang trú ẩn của mình khỏi thú dữ bằng cách đốt một đống lửa. Họ đã có thể đánh bẫy được các con voi khổng lồ gọi là “ma mút”, cũng như giết các mãnh thú khác bằng cung, tên, mũi lao, và bây giờ bằng súng đạn. Loài người khắc phục mãnh thú, rồi làm chúng thuần thục: nào bắt voi kéo gỗ, trầu bò kéo cầy, ngựa kéo xe và làm vật để cưỡi, bắt sư tử, gấu làm trò xiếc ta coi. Nếu mắt người không tinh, thì người lại biết chế ra ống nhòm; ngày nay ống kính hiển vi điện tử nhìn một con vi trùng lớn bằng con voi; biết chế rađa để nhìn xa hàng ngàn cầy số, ngay cả trong đêm tối. Nếu không thính tai, biết chế ra máy thu thanh, máy ghi tiếng động dưới gầm đất hay dưới biển sâu, bơi không bằng cá thì chế ra thuyền, ca nô, tàu thuỷ; không bay được như chim, thì chế ra phi cơ, bây giờ là phản lực, bay hàng chục ngàn cây số với tốc độ 900km/g, tốc độ không chim nào đạt tới... Nói ra không hết, không cùng: nào điện tử, nào động cơ, nào điện khí, nào nguyên tử năng... Loài chim có hót, điệu hót nó muôn đời vẫn chỉ có mấy cung, còn loài người biết ca, biết hát, hát đơn ca, hát hợp ca, các dàn nhạc muôn cái, mỗi cái mỗi cung mỗi giọng... Loài người còn biết vẽ, biết nặn tượng, biết đánh cờ, biết thêu thùa, may vá, mỗi mùa một thời trang... biến hoá không cùng.

Tất cả các cái đó chỉ có thể có được, vì loài người có trí thông minh, có trí tưởng tượng, có ý chí, có tình cảm, biết học hỏi, và biết hợp tác với nhau mà làm, biết dạy nhau để người sau làm tốt hơn, tiến bộ hơn người trước. Nói tắt, vì có các quan năng tinh thần, mà ta gọi là linh hồn.

+ Nhưng ai ban cho họ có các quan năng ấy? Mặc cho ai nghĩ sao thì nghĩ, chúng ta, người công giáo, lấy trí thông minh suy xét thì thấy mọi sự đều phải có nguyên nhân: đồng hồ phải có thợ làm ra, nhà phải có người xây, nước phải có Vua hay thủ lãnh, trí khôn ta phải có Thượng Đế phú ban. Không thể tự nhiên mà có. Vũ trụ vật chất làm sao ban cho ta tinh thần được? Nó không có tinh thần, không có trí khôn, sao nó ban cho ta? Không ai có thể cho người khác cái mà chính nó không có!

Thêm vào suy luận khôn ngoan tự nhiên đó, đức tin dựa vào Lời Chúa mặc khải trong Kinh Thánh, đến dạy ta thêm rõ hơn và chắc chắn hơn rằng: trí khôn ta, tinh thần ta, do Thiên Chúa phú bẩm cho ta. Chỉ vì người ta không thấy, cho nên mới từ chối không tin điều đó, hoặc cho đi không thấy bằng mắt, thì vẫn có thể dùng lý trí ngay thẳng mà thấy bằng tinh thần.

Còn chúng ta tin, và chắc chắn chúng ta đúng rằng: Chính Thiên Chúa, sau khi đã ban cho ta một thân xác, một sự sống tuyệt vời, như đã bàn ở các kỳ trước, còn phú ban vào thân xác ấy tinh thần, các quan năng, các năng khiếu, ta gọi tất là linh hồn, tức là một cái hồn, không phải chỉ là sinh hồn như cây cỏ, không chỉ là giác hồn như súc vật song là linh hồn, hồn linh thiêng, cao siêu, không chết, không tan rã, sống mãi đời đời.

Đây bằng chứng Kinh Thánh: “Yavê Thiên Chúa đã nắn hình người với bụi lấy từ đất đai, và Người đã hà hơi sống vào mũi nó và con người đã thành mạng sống” (Kn 2.7). Chắc ai cũng biết là Kinh Thánh tả nôm na, bình dân Thiên Chúa như có tay chân, và như ông thợ gốm nặn tượng đất. Bản văn Kinh Thánh cổ này, đã được gần 40 thế kỷ rồi, xưa lắm, cổ lắm; cho nên viết và thời cổ ấy, loài người còn bán khai, cổ lỗ, phải tả cách bình dân, mộc mạc như thế mới dễ hiểu, dễ nhớ. Song với chúng ta sống ở thời đại văn minh, khoa học thế kỷ 20, ta chỉ cần hiểu cái ý muốn nói gì thôi. Vậy ý muốn nói là Thiên Chúa dựng nên thân xác và sự sống con người bằng những chất liệu có sản trong trời đất, có khi trải qua bao nhiêu nắn nót, chứ không phải đùng một cái là con người hiện ra như từ đất nẻ chui lên nguyên xi (do đó có thể chấp nhận thuyết tiến hoá, mà lối tả Thiên Chúa nắn, nặn đã gợi ý). Nhưng câu: “Người hà hơi sống và mũi nó”, ta phải hiểu ý muốn nói rằng: Thiên Chúa phú bẩm vào trong thân xác con người một sự sống vừa tự nhiên, vừa siêu nhiêu, đó là sự sống của Thiên Chúa, có thể nói cách gợi hình rằng: Thiên Chúa hà hơi, cái hơi sống từ buồng phổi Thiên Chúa, vào trong con người, tức là sự sống của Thiên Chúa, mà khi tạo dựng các súc vật không thấy Thiên Chúa làm như vậy, Người chỉ dựng bằng một lời phán, một việc quyền năng phép tắc, là chúng có sự sống tự nhiên của loài chúng thế thôi.

Nhưng, nhờ một đoạn Kinh Thánh ở chỗ khác, ý nghĩa về hồn thiêng mới càng rõ rệt. Đó là đoạn 1, câu 26 và 27 của sách Khởi Nguyên. Sau khi Thiên Chúa đã dựng các loài, các vật, trời đất, tinh tú..., Người long trọng phán: “Ta hãy làm ra con người theo hình ảnh Ta, như hoạ ảnh của Ta... Chúng sẽ thống trị trên cá biển, chim trời...”. Loài người được giống hình ảnh Thiên Chúa nghĩa là gì? Nghĩa là giống như con giống cha, cha sao thì sinh con làm vậy. Thiên Chúa là Cha, Người có trí thông minh, có tài năng, có tự do, có yêu mến; thì Người dựng nên ta giống như Người vậy, cũng có trí khôn, có tài năng, có tự do, có yêu mến, có sự sống như Người; tuy nhiên không bằng Người được, chỉ có một phần nào thôi.

Do đó ta thấy ông Sa-lo-môn khôn ngoan, uyên bác chừng ấy. Trong lịch sử nhân loại, ta được đọc thấy biết bao nhà bác học, triết gia, khoa học gia, nhạc sĩ lừng lấy như Anh-Stanh (Einstein), Pát-stơ (Pasteur), Mô-da (Mozart), Bi-thô-vơn (Beethoven), vv...

Nhưng ta chớ vội dừng lại ở đây. Với Chúa Giêsu và Tân Ước, ta được dạy thêm rằng: ngoài việc mọi người đều có trí khôn hay hồn thiêng như thế, song riêng người tín hữu, những kẻ tin vào Chúa Giêsu và chịu Phép Rửa tội, còn được thông chia bản tính thần linh, bất tử và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Như thế, họ lại càng giống hình ảnh Thiên Chúa hơn nữa, đến nỗi, họ được gọi là “những kẻ sinh bởi Thiên Chúa” (Thánh Gioan).

Khi được biết Thiên Chúa thương ta như thế và đã ban cho loài người được các của quí báu như vậy, thì ai còn có thể vô tâm mà không hết lòng tạ ơn Ngài. Điều ta sẽ nói với nhau đây, không để chống đối hay chê ghét ai, nhưng thực đáng thương thay cho những người vì mù quáng hay ngu dốt, thiếu suy nghĩ đến nơi đến chốn, mà dám bảo rằng loài người chỉ như con vật, con trâu, con bò, cầy bừa, làm lụng tối tăm mặt mũi suốt đời, rồi gục xuống chết là hết. Tội nghiệp cho họ, họ không được đức tin cho biết những chân lý tốt đẹp và phấn khởi như chúng ta. Điều này cũng là một lý do thêm để tạ ơn Chúa, tức là không những Chúa cho ta có hồn thiêng, mà còn cho ta biết là ta có sự đó nữa.

Kỳ này, đến đây là đủ, kỳ sau, ta sẽ bàn: biết có linh hồn và các quan năng ấy, ta phải phát triển làm sao?

Chúng ta cùng cầu nguyện: “Lạy Chúa, Đấng Tạo dựng muôn loài, muôn vật! Chúng con xin dâng lời chân thành cảm tạ Chúa, vì đã cho loài người chúng con vinh dự sang quí trên mọi loài, mọi vật của vũ trụ này, là có hồn linh thiêng bất tử, đề chúng con bá chủ muôn loài và để chúng con biết Chúa, yêu mến Chúa cùng phục vụ đồng loại sống cuộc đời vui tươi, hào hứng, đáng sống ở đời này, dọn về sống mãi muôn đời với Chúa đời sau. Chúng con cũng làm giờ đền tạ này, để xin Chúa thứ tha cho chúng con biết bao lần không coi trọng linh hồn mình. Xin tha thứ cho tất cả những ai được có linh hồn mà từ chối không tin, phủ nhận món quà tình thương của Chúa. Xin Chúa nhận lời chúng con, vì công nghiệp Chúa Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con. Amen!”

Tích truyện

Xưa có một người mù, lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện bằng câu: nếu điều con xin đó có ích cho linh hồn con”. Một hôm, người ta dẫn ông đến trước mộ thánh Tôma hay làm phép lạ, để xin thánh nhân làm phép lạ chữa cho ông khỏi mù. Ông được nhận lời: đôi mắt ông vụt sáng, nhìn rõ mọi vật. Còn gì vui sướng bằng, ông như chết mà được sống lại. Nhưng sau những giây phút vui mừng, sung sướng, ông chợt nhớ mình quên kết thúc lời cầu nguyện bằng câu thường lệ: “Nếu điều con xin đó có ích cho linh hồn con”, nên ông vội vã trở lại trước mồ vị thánh, ông xin cho được mù lại, nếu điều xin đó có ích cho phần rỗi linh hơn ông hơn là được sáng mắt mà mất linh hồn. Quả nhiên, đôi mắt ông lại hoá mù như trước; nhưng từ đó, đời ông  càng thêm thánh thiện. Quả ông đã biết trọng linh hồn hơn thể xác.

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN

Biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét