Đối thoại năm Đức Tin - Thiên Chúa do ai sinh ra?
Thiên Chúa do ai sinh ra?
VẤN ĐỀ 10: Nói rằng mọi vật đều do Thiên Chúa sinh ra theo nguyên tắc nhân quả: “Có hậu quả thì phải đã có nguyên nhân sinh ra hậu quả đó”. Vậy thì cũng theo nguyên tắc ấy áp dụng vào Thiên Chúa. Thiên Chúa do ai sinh ra?
TRẢ LỜI:
- LỜI CHÚA: Thiên Chúa phán với ông Mô-sê : "Ta là Đấng Hiện Hữu" (Xh 3,14)
- GIẢI ĐÁP:
A. ĐẶT VẤN ĐẾ:
Thuyết duy vật chủ trương: Chỉ có vật chất mới thực sự hiện hữu, còn những yếu tố siêu nhiên vô hình ta không thể nhìn thấy, không thể kiểm chứng thì không có thật, mà chỉ là sự tưởng tượng, nhằm lừa bịp, dối gạt những người ngu dốt.Riêng về vũ trụ vật chất ta đang sống đây vẫn luôn hiện hữu và tự mình mà có, chứ không do thần thánh nào tạo dựng nên: “Vũ trụ vĩnh cửu. Vì cần phải như thế mới hợp lý. Nếu không thì chẳng lẽ vạn vật từ hư không xuất hiện hay sao ? Chúng ta cần phải cho như thế vì chúng ta không đặt vấn đề sáng tạo”.
Thực ra câu khẳng định trên không phải là lời giải đáp mà chỉ là sự lẩn trốn vấn đề, không dám đối diện với sự thực. Những người chủ trương thuyết duy vật này đã tiên thiên quả quyết không có Thiên Chúa, rồi lại dựa vào quả quyết ấy để xây dựng một kết luận khác: Vũ trụ vĩnh cửu, tự mình hiện hữu. Lập luận ấy thiếu tính khoa học: quả quyết khi chưa kiểm chứng được bằng thí nghiệm. Hơn nữa, ngày nay các nhà bác học chân chính đều công nhận vũ trụ không có từ đời đời, nhưng đã xuất hiện cách đây khoảng 15 tỷ năm. Như thế, vấn đề nguồn gốc vũ trụ lại được đặt ra: nếu vũ trụ có tuổi thì đã phải có một lúc nào đó nó không hiện hữu như hiện nay. Vậy ai đã tạo dựng nên vũ trụ, làm cho nó từ không ra có, hoặc từ một tình trạng hỗn mang vô trật tự đến chỗ trở thành những hành tinh khổng lồ và vận hành theo những quỹ đạo nhất định và chính xác tuyệt đối như ta thấy ngày nay?
Jean-Paul Sartre (1905-1980), một triết gia người Pháp thuộc phái hiện sinh vô thần không chấp nhận có Thiên Chúa sáng tạo, đã tỏ ra lúng túng khi phải giải thích sự hiện hữu của vũ trụ và con người. Vì không thể giải thích được, nên ông đã coi sự hiện hữu ấy là điều phi lý: “những gì đang hiện hữu, trong đó có con người, đều phát sinh mà không có lý do, tiếp tục sống vì hèn nhát, và chết vì đụng độ với một lực khác”. (J.p.Sartre : La nausée).
Sartre không chấp nhận cách giải thích sự hiện hữu bằng nguyên lý nhân quả: Mọi vật đều có nguyên nhân tối hậu là Thiên Chúa khi ông viết như sau: “Vì như thế Thiên Chúa lại chính là nguyên nhân cho mình hay sao ? Đó lại là một điều vô lý nốt. Nói cách khác: Nếu mọi vật đều do Thiên Chúa sinh ra. Vậy Thiên Chúa do ai sinh ra ?
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
Đức Tin công giáo cho biết: Mọi vật đều có nguyên nhân cuối cùng là Thiên Chúa, còn chính Thiên Chúa không do ai sinh ra. Ngài là Đấng Tự Hữu (tự mình mà có), và hằng hữu (vẫn luôn có).
Điều này không vô lý chút nào vì những lý do như sau :
1) Ý niệm nguyên nhân hậu quả chỉ có nghĩa khi áp dụng vào các loài thụ tạo, là loài được tạo dựng nên: Đây là những loài vật sống trong thời gian nên có trước có sau mà vật có sau phải tùy thuộc vào nguyên nhân có trước. Nếu cứ truy tìm lên đến nguyên nhân cuối cùng sẽ dẫn tới một Đấng tự hữu không do ai sinh ra mới hợp lý, vì không thể có vô cùng đối với những loài vật là vật chất. Chẳng hạn: trông thấy một em nhỏ, người ta tự nhiên suy luận em phải do cha mẹ sinh ra; Cha mẹ lại phải do ông bà nội ngoại sinh ra; Ông bà lại do tổ tiên v.v…cứ tính lên mãi thì thế nào cũng sẽ tìm đến một đôi vợ chồng đầu tiên gọi là ông bà nguyên tổ. Ông bà nguyên tổ chắc chắn không tự mình mà có, vậy thì phải tìm đến một nguyên nhân luôn hiện hữu, không phải là con người, đã tạo dựng nên ông bà nguyên tổ và lập ra quy luật : cha mẹ sinh con, con sinh cháu, cháu sinh chắt v.v… Nguyên nhân đầu tiên ấy chính là Thiên Chúa.
2) Có thể áp dụng luật “nhân quả” với Thiên Chúa: “Thiên Chúa do ai sinh ra ?” không ? Đưc tin Công giáo trả lời dứt khoát: Không thể. Vì ý niệm nguyên nhân hậu quả chỉ có thể áp dụng với những loài vật sống trong không gian và thời gian. Còn Thiên Chúa là Đấng sáng tạo ra vũ trụ vạn vật có không gian thời gian thì không lệ thuộc vào không gian thời gian do Ngài sáng tạo. Tương tự như bác thợ mộc làm ra cái bàn, thì không ở trong cái bàn và không lệ thuộc vào cái bàn do ông làm ra. Đối với Thiên Chúa: Ngài hiện hữu vượt trên thời gian do ngai sáng tạo. Nơi Ngài không có trước có sau, nhưng luôn hiện hữu. Ngài là Đấng “có”, nghĩa là không có bắt đầu, cũng không có kết thúc, nên không cần phải có nguyên nhân phát sinh. Ngài tự hữu chứ không do ai sinh ra cả.
Theo Thánh Tôma tiến sĩ: Thiên Chúa là nguyên nhân cuối cùng của mọi tạo vật. Ngài sáng tạo nên vũ trụ vạn vật không theo cách thức của loài thụ tạo và không lệ thuộc thời gian. Nói cách khác: Thiên Chúa không phải là con gà đầu tiên đã đẻ ra quả trứng thứ nhất. Ngài không phải là mắt xích thứ nhất trong một chuỗi nguyên nhân hậu quả giống như mọi loài thuộc vật chất có thời gian trước sau. Thiên Chúa chính là "nguyên nhân đệ nhất”. Đệ nhất ở đây phải hiểu theo nghĩa vượt trên tât cả vạn sự vạn vật và thuộc về một đẳng cấp khác hẳn.
TÓM LẠI: Vạn vật hiện hữu đều phải nại đến nguyên nhân cuối cùng là Thiên Chúa mới hợp lý. Nhưng chính Thiên Chúa, do không phải là vật chất, nên không bị lệ thuộc vào không gian và thời gian do Ngài tác tạo, mà vượt lên trên một cấp bậc khác hẳn. Ngài có từ đời đời và không có lúc nào không có Ngài. Một khi Thiên Chúa luôn hiện hữu thì sẽ không cần đặt vấn đề Ngài do ai sinh ra nữa.
Ngoài ra, chính Thiên Chúa cũng đã mặc khải chân lý này khi hiện ra với ông Mô-sê trong bụi gai cháy mãi mà không tàn, được tác giả Thánh Kinh tường thuật trong sách Xuất Hành như sau: Thiên Chúa phán với ông Mô-sê : "Ta là Đấng Hiện Hữu" (Xh 3,14).Đấng Hiện Hữu nghĩa là Đấng luôn có: Ngài đã hiện hữu thế nào trong quá khứ thì cũng sẽ hiện hữu như vậy trong tương lai, giống như đang hiện hữu trong hiện tại. Bất cứ vật gì đang có đều do Ngài sáng tạo. Mọi vật có thể hiện hữu được là nhờ đã tiếp nhận được sự hiện hữu từ chính Đấng Hiện Hữu là Thiên Chúa.
3. THẢO LUẬN: 1) Theo bạn thì những lập luận về nguồn gốc của Thiên Chúa nói trên liệu có thuyết phục được những người cứng lòng tin hay không? 2) Những lời giải đáp nói trên có giá trị thế nào đối với những người tin Chúa, nhưng đức tin còn non yếu ? 3) Chúng ta phải làm gì để những anh em lương dân sớm tin vào Thiên Chúa do Đức Giê-su rao giảng để được tham phần vào ơn cứu độ đời đời ?
4. LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa, Đấng sáng tạo trời đất muôn vật, đặc biệt dựng nên loài người chúng con. Xin thêm đức tin cho chúng con là con cái Chúa để chúng con ngày một xác tín vào sự hiện hữu của Chúa, và nhận được ơn cứu độ do Chúa tặng ban qua Con Một Chúa là Đức Giê-su Ki-tô. Xin đổ Thánh Thần Tình Yêu giúp chung con đi theo con đường khiêm nhường yêu thương và phục vụ của Chúa Giê-su, hầu sau này chúng con sẽ gặp được Chúa Ba Ngôi hằng hữu trên Nước Trời. - AMEN.
LM ĐANVINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét