Sứ vụ Thánh Phêrô
Ngày 13-3-2013, trước đám đông hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô đang nóng lòng chờ đón kết quả cuộc bầu chọn giáo tông mới, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, trưởng đẳng Hồng Y Phó Tế tuyên bố: “Chúng ta đã có giáo tông”. Liền sau đó Toà Thánh ra thông cáo cho biết ngày 19-3-2013 sẽ có thánh lễ khai mạc “Petrine Ministry” của vị Giám mục thành Rôma (Holy Mass for the beginning of the Petrine Ministry of the Bishop of Rome). Từ thông cáo này, truyền thông Việt ngữ lập tức đưa tin với nhiều cách dịch thuật từ Petrine Ministry khác nhau như: “Sứ vụ Thánh Phêrô”, “triều đại giáo hoàng”, “nhậm chức giáo hoàng”, “đăng quang giáo hoàng”….Vậy, nên hiểu và dịch Petrine Ministry thế nào?
1. Nghĩa của Petrine Ministry
1.1. Petrine: (tt.) Thuộc về Thánh Phêrô (Thủ lãnh nhóm 12 tông đồ của Chúa Giêsu; vị giám mục thành Rôma; vị giáo tông đầu tiên).
1.2. Ministry: (dt.) Sứ vụ, sứ mệnh, nhiệm vụ, trách nhiệm. Trong giáo hội, người đảm nhận một vai trò hay thi hành một công việc quan trọng nào đó, được hiểu là “người được sai đi”, “sứ giả” của Chúa Giêsu để làm công việc của chính Ngài. Do đó ministry dịch là sứ vụ thì đúng hơn.
1.3. Petrine Ministry: Sứ vụ Thánh Phêrô
Chúa Giêsu đã lập ra “Sứ vụ Thánh Phêrô” để dẫn dắt và hợp nhất của hội thánh sơ khai, đồng thời bảo đảm sự hợp nhất giáo hội của Ngài trong chân lý: “Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời: dưới đất, con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." (Mt 16, 18-19).
Tại sao Chúa Giêsu đổi tên của Simon thành Phêrô (tiếng Hy Lạp là “Petros”, tiếng Aramaic là “Kêpha” nghĩa là “đá”)? Đổi tên có nghĩa là một sự thay đổi về vai trò, bản chất bên trong và thân phận.
Khi Chúa Giêsu nói: "Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy" (Mt 16,18), Chúa đã chỉ rõ Phêrô là nền tảng lâu dài, hỗ trợ vững vàng cho Giáo Hội qua mọi thế hệ. Sứ vụ của Thánh Phêrô là hướng dẫn đời sống của hội thánh. Chúng ta thấy vai trò của Sứ vụ Thánh Phêrô thể hiện rõ nét qua mô hình của hội thánh sơ khai được hình thành qua việc giảng dạy, liên đới, bẻ bánh và cầu nguyện (x. Cv 2, 42).
Sau khi đổi tên cho Thánh Phêrô, Chúa Giêsu nói thêm: “Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời ...” Đối với dân Israel thời xưa, người giữ chìa khoá thì có quyền cho hay từ chối bất cứ ai vào nhà của vua. Đối với nhà của Chúa Kitô, Nước Trời, Phêrô có cùng vai trò và nhiệm vụ đó.
Từ Tân Ước, chúng ta thấy được vai trò thủ lãnh của Thánh Phêrô:
- Chủ toạ cuộc họp bầu người thay thế cho ông Giuda đã chết (x. Cv 1, 15-26).
- Sau biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngài giảng bài giảng đầu tiên (x. Cv 2, 14-41).
- Thi hành kỷ luật trong Hội thánh (x. Cv 5 và 8).
- Thường xuyên phát biểu nhân danh tông đồ đoàn. (x. Cv 3,15; 10,41).
Rõ ràng Thánh Phêrô làm trọn những việc Chúa Giêsu đã giao: dẫn dắt và liên kết đoàn chiên; đóng vai trò đứng đầu các tông đồ và là tâm điểm gắn kết cũng như hợp nhất cộng đoàn Kitô hữu (x. Cv 15, 7-12). Khi Chúa Giêsu nói: "Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha" (Ga 1, 42), Kêpha nghĩa là đá. Nên chúng ta có thể nói Petrine ministrydiễn tả vai trò của Thánh Phêrô vừa là nền tảng vừa là thủ lãnh của Giáo Hội, như vào ngày 29-06-2013 vừa qua, trong bài giảng lễ nhân dịp mừng kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, Đức Giáo Tông Phanxicô nói: “Ba nhiệm vụ củasứ vụ Thánh Phêrô là củng cố anh em trong đức tin, đức ái và tình hợp nhất”.
2. Nghĩa của Sứ vụ Thánh Phêrô
2.1. Sứ
Chữ này đã được giải nghĩa trong bài Thiên sứ[1] và bài Sứ vụ[2], ở đây xin nói thêm: Sứ chỉ có một chữ Hán: 使, nhưng chữ này có hai âm trong tiếng Việt tuỳ theo ngữ cảnh: đọc là “sứ” nếu là danh từ và “sử” nếu là động từ. Sứ: dt. (1) Người vâng mệnh cấp trên đi làm một việc gì: sứ thần, sứ giả (người được sai đi)[3]. (2) Viên chức được phái đi làm việc ở nước ngoài: công sứ, khâm sứ (vị được vua hay chính phủ sai đi làm đại diện). (3) Vâng mệnh của chủ nhân mà ứng phó với người ngoài. (4) Nhận làm một việc khó khăn nguy hiểm. (5) Những vị thuốc để làm truyền tống điều độ cho phương thuốc: tá sứ. Ngoài ra, chữ sứ 使là chữ Hán nhưng đã hoá Nôm trong một số trường hợp, ví dụ khi nói: sứ trời hay đi sứ Trung Quốc; Sử: (đt.) (1) Dùng: sử dụng. (2) Sai khiến: sử nữ. (3) Có tác dụng: giá chi bút hẫn hảo sử (這枝筆很好使 cây viết này dùng rất tốt). (4) Giúp tạo nên: sử nhân cao hứng (làm cho người khác vui). (5) Nếu: giả sử. Chữ sử 使này khác với chữ sử 史 (lịch sử) có nghĩa là ghi việc nước hay sự việc đã qua.
2.2. Vụ
Có bảy chữ Hán, là 務(务), 霧(雾), 霚, 雺, 騖(骛), 鶩(鹜), 婺, trong trường hợp này là chữ 務, nghĩa là (dt.) (1) Việc làm: Gia vụ, công vụ, sự vụ. (2) Sở thu thuế thời xưa. (3) Họ Vụ. (đt.) (4) Làm việc: Vụ nông (làm nghề nông). (5) Mưu cầu, chăm: Tham đa vụ đắc (chỉ cốt mưu cầu lấy cho nhiều). (pht.) (6) Cần thiết, tất dùng: Vụ tất tiểu tâm (cần để ý).
2.3. Sứ vụ
Thuật từ này đã được giải thích, nhưng xin nhắc lại[4]: (dt.): Là thuật từ mới do giới Công Giáo Việt Nam đặt ra, các từ điển ngoài Công Giáo chưa thấy có. Thuật từ "Sứ vụ" do thầy PX. Trịnh Văn Phát (nay là linh mục đang ở tại Úc) sử dụng đầu tiên để dịch thuật từ "Actes des Apostres", thuật từ "sứ ngôn" để dịch chữ "prophète" và thuật từ "sứ đồ" để thay cho "tông đồ"... trong công trình dịch thuật bộ VOCABULAIRE DE THÉOLOGIE BIBLIQUE (Cerf, Paris, 2èr Edition, 1971) từ tiếng Pháp sang tiếng Việt cùng với 50 chủng sinh dưới sự hướng dẫn của linh mục viện trưởng Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt, từ 1973-1976. Hai bản dịch Kinh Thánh của cha Nguyễn Thế Thuấn và Nhóm CGKPV thường dùng thuật từ "sứ vụ" theo nghĩa "sứ mệnh"[5]. Sau này, cha GB. Hồng Phúc[6] lại dùng thuật từ "sứ vụ" để dịch chữ "ministère" và "sứ vụ tông đồ" để dịch chữ "apostolat". Trong khi đó, các dịch giả của Điển Ngữ Thần học Thánh Kinh, Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II và Bộ Giáo Luật (HĐGMVN) vẫn dùng thuật từ "sứ mệnh /sứ mạng" để dịch chữ "missio". (Từ điển của cha Gouin[7] dịch rất đúng là: sứ sự (使事) = mission, nhưng ngày nay người ta đã quên không dùng thuật từ này nữa!). Hiện nay, nhiều tác giả cũng thích dùng thuật từ "sứ vụ" theo nghĩa "sứ mệnh /sứ mạng" và hầu hết các từ điển Công Giáo đều dùng từ này để dịch nghĩa chữ "mission", nhưng chưa có một định nghĩa riêng biệt nào cho thuật từ "sứ vụ".
Trong bài viết vào tháng 6 (2009)[8] chúng tôi đã giải nghĩa hai chữ “sứ vụ” và đã mạo muội đưa ra một định nghĩa Công Giáo cho thuật từ này:
- Nghĩa thông thường: Theo mặt chữ thì sứ vụ có nghĩa là "việc được giao để ra đi thực hiện", đồng nghĩa với sứ mệnh: "lệnh truyền quan trọng được giao để ra đi thực hiện" như đã nói ở trên.
- Nghĩa Công Giáo:
- Nghĩa hẹp: Việc truyền giảng Phúc Âm và thiết lập nhiều cộng đoàn giữa những người chưa thuộc về Giáo Hội.
- Nghĩa rộng: Ơn gọi nền tảng của Hội thánh để trở thành bí tích phổ quát của ơn cứu chuộc.
3. Nhận xét
Cương vị giáo tông được Đức Phanxicô diễn tả rất cụ thể và sinh động. Ngài chỉ xưng mình là “Giám mục Rôma”; ở nhà trọ Thánh Matta, chứ không ở trong dinh tông toà sang trọng. Trong thánh lễ Truyền Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngài nói với các linh mục: “Linh mục không phải là người quản lý, không phải là người trung gian, mà phải ở giữa đàn chiên”; rồi khi rửa chân cho những phạm nhân trẻ, ngài nói: “Tôi tự nguyện làm công việc này như Chúa Giêsu đã dạy tôi”.
Trong buổi tiếp kiến các sứ thần và khâm sứ Toà Thánh sáng 21-6-2013, Đức Giáo Tông Phanxicô đặc biệt nhắc nhở các vị hãy sống như những mục tử và quan tâm tuyển chọn các ứng viên xứng đáng để được bổ nhiệm làm giám mục, ngài nói: “Yêu mến thanh bần, thanh bần nội tâm như một sự tự do vì Chúa và thanh bần bên ngoài như sự đơn sơ và khổ hạnh; các ứng viên ấy không được có tâm lý như những ‘ông hoàng’”. Giám mục không nên có tâm lý như “ông hoàng”, nếu chúng ta vẫn gọi ngài là giáo hoàng, khác gì vả vào má ngài?!
4. Kết luận
Giáo tông không phải là một ông hoàng hay một vị vua. Vì vậy, nếu nói“khai mạc triều đại giáo hoàng”, “nhậm chức giáo hoàng”, “đăng quang giáo hoàng” là hoàn toàn không phù hợp. Nên dịch là “khai mạc sứ vụ Thánh Phêrô” thì đúng hơn.
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
_______________________________________________________
[1]Xem BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT, số 09/2006, tr. 104.
[2]Xem BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT, số 09/2010.
[3]Cuốn Giúp đọc Nôm và Hán Việt của cha Antôn Trần Văn Kiệm giải nghĩa chữ sứ là "sai đi làm công tác", khiến người ta ngộ nhận sứ là động từ, nhưng khi tác giả cho ví dụ là sứ giả, rõ ràng vẫn là danh từ.
[4]Xem BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT, số 09/2010.
[5]Nhưng cũng có chỗ lại dùng thuật từ "sứ vụ" để dịch chữ "ministère" (x. Cv 1,25), "sứ vụ tông đồ" "apostoli facta" (x. 2 Cr 12,12).
[6]Hồng Phúc, CSsR, ĐIỂN NGỮ ĐỨC TIN CÔNG GIÁO, 1996.
[7]Lm. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957.
[8]Xem bài Thừa Tác Viên trong BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT Số 06. 2009, tr. 104.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét