Chia sẻ Đề tài “Dạy Giáo lý trong môi trường tục hóa”
Xin cho chúng con biết dùng lời nói và hành động, để làm chứng cho đức tin mà chúng con đang rao giảng.
Chúng ta cùng nhau bước vào Năm Đức Tin, nghĩa là cùng nhau đào sâu, củng cố, và thực hành đức tin trên bình diện cá nhân và cộng đoàn, vì hiện tại đang có những khủng hoảng đức tin sâu xa nơi nhiều người. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI có lý khi khẳng định: “Chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa, một sự mất ý thức tôn giáo là điều tiêu biểu cho một trong những thách thức lớn nhất đối với Giáo Hội ngày nay” (Phát biểu tại Assisi nhân ngày cầu nguyện cho hòa bình 27-10-2011). Theo Đức Thánh Cha, hơn bao giờ hết, con người cần có Thiên Chúa; nếu không có Thiên Chúa, trần gian sẽ biến thành hỏa ngục.
Thực vậy, ngày nay, chủ nghĩa duy vật (materialism), chủ nghĩa cá nhân (individualism) chủ nghĩa tương đối (relativism) cùng với chủ nghĩa hưởng thụ khoái lạc (hedonism) ngày một bành trướng ở khắp nơi để thách đố những ai còn niềm tin nơi Thiên Chúa là Đấng có thật và vô cùng tốt lành, thánh thiện, nhưng rất chê ghét mọi tội lỗi, sự dữ, sự độc ác và ô uế. Tất cả đều là con đẻ của chủ nghĩa tục hóa (secularism).
Là những Giáo lý viên, những người trực tiếp rao truyền Lời Chúa cho anh chị em mình, những người chuyển tải Giáo lý Hội thánh Công giáo cho mọi người cần ơn cứu độ, chúng ta đang phải đối diện với những thách đố lớn cho đời sống đức tin của các Kitô hữu, đặc biệt cho những người trẻ, những người mà theo Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong một lần gửi thư cho Bề trên Cả Dòng Don Bosco, nói rõ: “Không nên quên rằng ở thời đại chúng ta, thế hệ trẻ vướng phải những cám dỗ và những hiểm nguy mà các bậc cha anh của họ đã không biết đến, chẳng hạn như: ma túy, bạo động, những cảnh thiếu nết na nơi những chương trình chiếu phim và truyền hình, những thứ văn chương và hình ảnh khiêu dâm” (Trích Sr. Ngọc Tâm, FMA, Nội san Chia sẻ Thần học - Mục vụ - Tu đức Liên Tu sĩ thánh phố, số 46, tháng 6 năm 2005, tr 61)
Bởi đó, tìm hiểu chủ nghĩa thế tục hóa này là điều quan trọng, cần thiết nếu muốn hiểu rõ và tìm ra cách thế để củng cố, đào sâu và thực hành đức tin trong giai đoạn hiện tại.
Như vậy, rõ ràng chúng ta có hai vấn đề chính sau đây:
I - Thế nào là môi trường tục hóa?
II - Phải dạy giáo lý như thế nào trong môi trường đó ?
I - Thế nào là môi trường tục hóa?
1 - Nhận định: Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm, Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), là tham dự viên của Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) Thế giới Thường kỳ lần thứ 13 diễn ra tại Roma từ ngày 7-10 đến 28-10-2012 về chủ đề “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”.
Ngài nhận định như sau:
"Hoàn cảnh của thế giới hôm nay là những thách đố lớn cho đời sống đức tin của các Kitô hữu. Rất nhiều tín hữu tuy không chối bỏ đức tin nhưng đã trở thành dửng dưng thờ ơ với đời sống đạo, xa lìa Giáo hội, sống theo tinh thần thế gian chứ không qui chiếu về các giá trị đạo đức của Phúc Âm."
Đức Cha Giuse nói tiếp: "Do ảnh hưởng toàn cầu hóa, não trạng tục hóa đang lan rộng khắp nơi trên thế giới, ngay cả tại các nước châu Á vốn quí trọng tôn giáo, nhưng ngày nay Thiên Chúa cũng đang bị loại dần khỏi đời sống người dân.
Châu Á chiếm tới 60% dân số hoàn cầu, trong đó Trung Quốc và Ấn độ chiếm 37% dân số thế giới, nhưng các Kitô hữu chỉ chiếm 2% dân số. Ngày xưa, Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử để lại 99 con chiên trong đàn để đi tìm một con chiên lạc; nhưng ngày nay tại nhiều cộng đoàn, chỉ có một con chiên trong đàn, còn 99 con đang đi lạc."
Như vậy đại nạn tục hóa đang ngày càng gia tăng và bành trướng mãnh liệt, là một thách đố lớn cho công cuộc phúc âm hóa, bởi vì tục hóa hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần phúc âm, đi ngược lại với đức tin và luân lý của Kitô giáo.
2 - Vậy tục hóa (secularism) là gì?
2.1 - Phong trào thế tục hoá (sécularisation hay laicisation) diễn ra trong xã hội Tây phương vào khoảng thế kỷ XIX cho tới đầu thế kỷ XX tại các nước Kitô giáo Âu Châu, và ngày nay đang lan rộng trong mọi tầng lớp xã hội, ngay cả trong giới công giáo, như là hiện tượng chung của tất cả những gì loại bỏ tôn giáo, loại bỏ thế giới thần thiêng, mầu nhiệm ra khỏi đời sống cá nhân, gia đình và xã hội; và đề cao những gì do con người hoặc do lý trí, khoa học, kỹ thuật của con người tạo ra.
Trong xã hội bị ảnh hưởng mạnh của tục hoá, những gì là thiêng thánh không còn được tin cách dễ dàng nữa. Sự sa sút niềm tin vào Thiên Chúa và vào các mầu nhiệm ngày càng nặng nề, nhất là khi đời sống đạo còn non nớt do hiểu biết giáo lý nông cạn và đời sống nội tâm cầu nguyện chưa hình thành hoặc chỉ dừng ở mức độ hời hợt bên ngoài.
2.2 - Đồng thời, một khi niềm tin vào những gì là thiêng thánh càng suy giảm thì những gì thuộc trần tục, có thể đụng chạm, nhìn thấy được lại càng được coi trọng. Bởi vậy, nơi một số tín hữu, những tiêu chí lựa chọn, đánh giá thường mang tính thực dụng, nghĩa là có tính cách vật chất, trần tục. Ví dụ giữa việc đi học giáo lý và đi học thêm văn hóa, họ chọn học thêm, vì nó dễ mang đến bằng cấp địa vị; giữa việc đi làm từ thiện, bác ái, và đi uống cà phê, picnic..., họ chọn điều thứ hai vì nó thoải mái hơn, ít hy sinh hơn...
Từ những lựa chọn theo tục hoá, đức tin sẽ dần dần sa sút, yếu kém, và nếu còn, thì cũng chỉ là một đức tin "không có việc làm là một đức tin chết" (Gc 2,17).
Mới đây, có bài viết phân tích sự sai lầm của một bà mẹ trẻ. Hôm đó, ngày Chúa Nhật, buổi chiều, đứa con có giờ học Giáo lý. Nhưng vì sáng mải chơi, chưa làm bài tập tiếng Anh cho giờ học thêm, nên đứa bé phải ở nhà làm, không đi học Giáo lý. Khi được hỏi lý do, bà mẹ trả lời vì chưa làm bài tập nên em phải ở nhà, không đi học Giáo lý được. Lý do bà mẹ đưa ra là do lỗi của đứa bé ham chơi không làm bài. Nhưng thực ra, lý do sâu xa chính là nơi người mẹ. Người mẹ đã chọn lựa một bậc thang giá trị theo tinh thần tục hoá.
Câu chuyện trên là một minh chứng về sự đảo lộn các giá trị đạo đức. Thực tế, thậm chí có khi bậc cha mẹ còn đặt giá trị của việc học Giáo lý, tức giá trị tôn giáo, dưới cả những việc không quan trọng như việc học võ, học bơi lội nữa. Người ta có thể ưu tiên cho con cái đi học nhiều môn như văn, toán, sinh, vi tính… nhưng không bao giờ ưu tiên cho môn Giáo lý.
Bậc cha mẹ có một đánh giá sai lạc về giá trị tôn giáo, về đức tin thì đức tin họ truyền dạy cho con cái sẽ là đức tin thế nào?
2.3 - Đàng khác, khi đánh mất niềm tin vào một Đấng Tạo Hóa đang điều khiển vũ trụ và số phận của mỗi con người theo một trật tự đầy khôn ngoan, công bình và yêu thương, hậu quả trông thấy của chủ nghĩa tục hóa nói trên là con người ngày một tụt hậu về ý thức đạo đức, chỉ sống trong hận thù, ghen ghét, chém giết và khủng bố, hoặc rơi vào tình trạng nghiện ngập ma tuý, nhiễm HIV, vì không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, chán chường với hiện tại, với gia đình, xã hội. Nhiều người trẻ ngày nay ra sức chạy đua với tiền tài, địa vị, kiến thức, danh vọng xã hội để lấp đầy cuộc sống của mình. Bây giờ, vật chất đối với họ là trên hết, nên hậu quả là họ bỏ bê, chểnh mảng bổn phận chăm lo đời sống thiêng liêng, một điều rất cần thiết cho đời sống tâm linh của người mang danh là kitô hữu.
Trong một xã hội xuống dốc, đạo đức vắng bóng và khủng hoảng niềm tin đó, dĩ nhiên đồng tiền được lên ngôi. Nhà văn Nguyễn Việt Hà đã khẳng định: “Muốn biết rõ về ai, nên nhúng người ấy nhiều lần vào dung dịch đồng tiền. Cái thứ dung dịch siêu thặng này làm trôi đi tất cả những màu mè bọc ngoài. Đạo mạo trở nên hau háu lỗ mãng, dịu dàng trở nên chua ngoa cướp giật…Lịch sử nhân loại chứng kiến số người tự tử vì tiền gấp tám lần số người tự tử vì tình, có phải thế mà thời đại chúng ta hết những nhà đạo đức thật” (http://www.giaophanvinhlong.
2.4 - Và rồi, vì thiếu niềm tin đó, hay chối bỏ niềm tin ấy để tự vạch lấy con đường đi riêng cho mình, nên người ta đã mặc sức sống chung với sự dữ, sự tội trong đời sống cá nhân hay trong cộng đồng xã hội.
Chẳng hạn người ta thay vì xem quan hệ nam nữ là ân huệ Thiên Chúa ban cho con người để trao hiến và nên một với nhau, nhờ đó mà yêu thương nhau và sinh sản con cái, thì họ chỉ coi đó như một lạc thú, chỉ tìm hưởng thụ để thỏa mãn chính mình.
Người ta cũng không coi gia đình là thiêng liêng nữa, nên thích nhau thì ở, không thích thì bỏ đi, mặc con cái ra sao thì ra.
Không những thế, không mấy cha mẹ còn muốn mang gánh nặng nuôi con, nên hoặc triệt sản, ngừa thai, hay trót mang thai rồi thì phá bỏ một cách không thương tiếc.
2.5 - Ngoài ra, một thế giới tục hoá gắn liền với một xã hội tiêu thụ. Tiêu thụ và tiện nghi thực ra không phải là điều xấu, đáng lên án.
Tuy nhiên, khi đời sống vật chất, tiện nghi trở thành mục đích cuối cùng của con người, trở thành hố ngăn cách giữa người nghèo và người giầu, trở thành một lối sống ích kỷ, hưởng thụ cho mình mà quên chia sẻ cho những người bất hạnh hơn, nghèo khổ hơn, "như một ốc đảo xa hoa giữa một đại dương nghèo đói" thì tiêu thụ tiện nghi đó đáng lên án.
Tông huấn "Những mục tử như lòng Chúa mong ước" của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (ban hành ngày 25/3/1992 . Số 8), cho biết:
"Cái mà người ta gọi là “xã hội tiêu dùng” mê hoặc những người trẻ một cách dữ dội, làm cho họ trở thành nạn nhân và tù nhân của một lối giải thích cuộc hiện hữu con người mang tính chất duy cá nhân, duy vật và duy khoái lạc ! Quan niệm “sống thoải mái” hiểu theo nghĩa vật chất có khuynh hướng trở thành lý tưởng độc nhất của cuộc đời, một lối “sống thoải mái” phải đạt được với bất cứ điều kiện nào và với bất cứ giá nào. Hiệu quả là từ chối mọi hy sinh, vứt bỏ mọi nỗ lực tìm kiếm và sống những giá trị tinh thần và tôn giáo. Mối “quan tâm” độc chiếm về cái sở hữu dành chỗ cái ưu việt là hiện hữu ; và, từ đó, các giá trị nhân vị và liên vị không được cắt nghĩa và sống theo luân lý của ơn huệ, của tính nhưng không, nhưng theo luân lý của sự chiếm hữu ích kỷ và sự bóc lột kẻ khác."
Và dĩ nhiên, sự tôn thờ vật chất, tiền của, tiện nghi của xã hội tiêu thụ luôn làm đức tin suy giảm nghiêm trọng, đánh mất tình tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn có nhau, cuộc sống vô cảm ngày càng lên ngôi! Như vậy, mọi giá trị đạo đức và luân lý bị đảo lộn, những cái xấu, cái sai, cái không bình thường trở nên bình thường.
“Trong tay đã sẵn đồng tiền - Dẫu rằng đổi trắng thay đen khó gì.”
Đạo đức suy thoái, lương tâm và nhân phẩm bị xúc phạm. Mấy câu thơ sau đây có thể tóm tắt thực trạng xã hội:
“Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi, Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi,
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực, Chân lý chân giò một giá thôi.”
Sống trong môi trường như thế, nhiều người lập luận: người ta gian dối mà mình trung thực là mình thiệt! Có những người Công Giáo cũng hành xử như người không tin, cũng lừa lọc, gian lận đủ cách để làm sao mình có lợi.
Đứng trước những thách đố và nguy hại do chủ nghĩa tục hóa gây nên, người Kitô hữu phải sống như thế nào để có thể thực thi lời dạy của Thánh Phaolô căn dặn các tín hữu ở Philip xưa?
“Anh em sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống…” (Pl 2,15-16).
II - Phải dạy giáo lý như thế nào trong môi trường tục hóa ?
1 - Nhận định của THĐGM lần thứ 13 về Tân Phúc Âm hóa
Phong trào tục hóa và những hệ lụy của nó tác động nặng nề trên Đức tin, làm cho Đức tin bị suy giảm và lung lạc, đi đến chỗ chết dần chết mòn. Đối diện với nền văn hoá tiêu thụ, ích kỷ, bạo động và chết chóc như thế,
- THĐGM khẳng định: "Trong bối cảnh ấy, các môn đệ Đức Kitô không được sợ hãi. Bao nhiêu thách đố phải là bấy nhiêu cơ hội mới để loan báo Tin Mừng. Nghĩa vụ của chúng ta là phải khắc phục sợ hãi bằng đức tin, chiến thắng sự hèn nhát bằng niềm hy vọng, và sự dửng dưng lãnh đạm bằng tình yêu. Lòng can đảm thanh thản ấy cũng ảnh hưởng đến cái nhìn của chúng ta về thế giới ngày nay. Chúng ta không cảm thấy nhát sợ vì những hoàn cảnh chúng ta đang sống. Thế giới chúng ta đầy những mâu thuẫn và thách đố, nhưng vẫn là công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Thế giới này tuy bị tổn thương vì sự ác, nhưng vẫn luôn được Thiên Chúa yêu thương. Thế giới này là một cánh đồng trong đó có thể canh tân việc gieo vãi Lời Chúa để tái mang lại hoa trái.
Không có chỗ đứng cho sự bi quan trong tâm trí những người biết rằng Chúa đã chiến thắng sự chết và Thánh Linh của Chúa hoạt động mạnh mẽ trong lịch sử. Với lòng khiêm tốn và quyết tâm, một thái độ đến từ xác tín sự thật sau cùng sẽ chiến thắng, chúng ta đến với thế giới này và muốn thấy trong đó một lời mời gọi của Thiên Chúa trở thành chứng nhân về Danh Thánh của Ngài. Giáo hội chúng ta sinh động và, với niềm can đảm của đức tin và chứng tá của bao nhiêu con cái mình, Giáo hội đương đầu với những thách đố do lịch sử đề ra” (Sứ điệp THĐGM 2012, ss. 5-6).
- Đức Cha David Ricken Chủ tịch Ủy ban Phúc Âm Hóa và Dạy Giáo Lý của Hoa Kỳ tuyên bố:
"Mặc dù trong một giáo phận, Đức Giám Mục là Giáo Lý Viên chính cho toàn thể giáo phận, và trong một giáo xứ, cha xứ là Giáo Lý Viên chính. Nhưng các ngài không thể làm việc đó một mình, các ngài cần các Giáo Lý Viên chia sẻ trách nhiệm này với các ngài. Các Giáo Lý Viên là những người được Hội Thánh ủy thác cho việc trực tiếp giảng dạy và truyền đức tin của Hội Thánh lại cho các học viên của họ, dù là người lớn hay trẻ em. Thực ra, các Giáo Lý Viên là những người mở cánh cửa đức tin cho người khác. Đây là một đặc quyền và cũng là một thách đố cho tất cả chúng ta” (http://www.usccb.org/beliefs- and-teachings/how-we-teach/ catechesis/catechetical- sunday/year-of-faith/index.cfm ).
2. Việc dạy Giáo lý cần được canh tân không ngừng
Công cuộc Phúc Âm hóa được gọi là mới, hoặc cần được đổi mới, vì các Kitô hữu đang sống trong một bối cảnh xã hội mới. Thế giới ngày nay có nhiều thay đổi sâu xa, nhiều hoàn cảnh đặc thù khác nhau . Do đó, Việc dạy Giáo Lý luôn luôn cần được canh tân cùng với từng biến chuyển lớn của thời đại và xã hội, nhờ đó, Lời Chúa được diễn đạt đúng hơn, rõ hơn, sống động và hợp thời hơn.
Chính Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 4 năm 1977 đã khẳng định trong Tông HuấnCatechesi Tradendae:
Việc canh tân Giáo Lý là một ân huệ quý giá của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội ngày nay (CT 3).
Việc dạy Giáo Lý cần được canh tân liên tục và quân bình về phương pháp, về việc tìm kiếm một ngôn ngữ thích hợp, về việc khai thác các phương tiện mới mẻ để truyền thông sứ điệp (CT 17).
Giáo Hội phải tỏ ra khôn ngoan, can đảm và trung thành với Tin Mừng trong việc tìm kiếm và vận dụng các đường lối và bối cảnh mới mẻ cho việc dạy Giáo Lý (CT 17).
Thêm vào đó, giáo lý viên cần được huấn luyện không ngừng về sư phạm và những kỹ năng chuyên môn để có thể canh tân liên tục và quân bình... trong việc truyền đạt nội dung giáo lý.
Thế nhưng:
a - Điều canh tân đầu tiên và quan trọng nhất là phải làm mới lại nhiệt tình truyền giáo.
"Trước hết và trên hết, những sứ giả mới của Tin Mừng cần phải có một đức tin sống động:
- một đức tin được xây dựng trên niềm vui cuộc gặp gỡ sâu xa - cá vị và có có sức biến đổi với con người sống động của Đức Giêsu Kitô.
- một cuộc gặp gỡ đem lại hiệu quả là bản thân được hoán cải và trở nên môn đệ của Chúa Kitô trong lời nói và việc làm.
Tóm lại, chúng ta loan báo Đấng mình đã thấy, đã nghe, đã chạm đến ( x.1Ga 1,1-3). (Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng giám mục Á châu họp tại Xuân lộc)
Cũng vậy, rất nhiều nghị phụ tại THĐGM lần thứ 13 đã nhấn mạnh điều này. Các Kitô hữu cần làm mới lại đời sống Kitô hữu: “xuất phát lại từ Đức Kitô”, khám phá vẻ đẹp và sự mới mẻ ngàn đời của Đức Kitô, để nhờ đó làm cho tương quan giữa bản thân với Đức Kitô được sống động và chi phối toàn thể cuộc sống hằng ngày. Chỉ khi nào “ở lại” trong Chúa, đời sống Kitô hữu mới trổ sinh hoa trái. Đó là điều kiện sinh tử.
“Mỗi tín hữu kitô, nhất là chúng ta, chúng ta được mời gọi đem sứ điệp hy vọng trao ban sự thanh thản và niềm vui: sự ủi an của Thiên Chúa và sự hiền dịu của Người cho tất cả mọi người. Nhưng chúng ta sẽ chỉ là những người đem tin vui, nếu trước tiên sống niềm vui được Chúa an ủi và được Ngài yêu thương. Đây là điều quan trọng để cho sứ mệnh của chúng ta được phong phú: cảm nghiệm sự an ủi của Thiên Chúa và thông truyền nó" (ĐTC Phanxicô bài giảng Chúa nhật ngày 7.7.2013)
Như vậy, việc đọc và suy gẫm Kinh Thánh mang tầm mức hết sức quan trọng, vì ở đó ta gặp gỡ Chúa Giêsu, khám phá dung mạo của Ngài, đồng thời học được những kinh nghiệm truyền giáo của chính Chúa Giêsu và các tông đồ trong Giáo hội sơ khai: các môn đệ đầu tiên, người phụ nữ Samaria, ông Giakêu, sĩ quan Roma, ông Cornêliô, vv.
b - Lời cầu nguyện và cuộc sống kết hiệp với Chúa Kitô bảo đảm sự phong phú của sứ mệnh rao truyền Tin Mừng
Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ cử hành sáng ngày 7.7.2013 đã khẳng định cách xác tín:
"Các bạn hãy là những người của đời cầu nguyện. Hãy vun trồng chiều kích chiệm niệm cả trong cơn lốc của các dấn thân cấp bách nhất. Việc phổ biến Tin Mừng không được bảo đảm bởi số người, hay uy tín của cơ cấu, hoặc phẫm chất các tài nguyên có được, nhưng bởi sự thấm nhập và kết hiệp sâu thẳm với Chúa Kitô” (ĐTC Phanxicô - ngày 7.7.2013)
“Anh chị em hãy luôn luôn là những người của lời cầu nguyện. Không có tương quan liên lỉ này với Thiên Chúa sứ mệnh trở thành một nghề"..
"Sứ mệnh càng mời gọi các bạn đi ra vùng ngoại ô cuộc đời bao nhiêu, thì con tim các bạn lại càng phải kết hiệp với con tim tràn đầy thương xót và tình yêu của Chúa Giêsu bấy nhiêu. Đó chính là bí mật của sự phong phú mục tử, của sự phong phú của một môn đệ Chúa.”
"Chúng ta đã nghe Chúa nói trong Phúc Âm: “Các con hãy cầu xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Các người thợ đã không được chọn qua các chiến dịch quảng cáo hay kêu gọi phục vụ quảng đại, nhưng được Thiên Chúa “chọn” và ”sai đi”. Chính Người tuyển chọn, chính Người sai đi, chính Người ban sứ mệnh. Vì thế cầu nguyện quan trọng".
Chân phước Gioan Phaolô II khẳng định: “Một ngọn lửa chỉ có thể được thắp lên bởi chính một vật đang cháy lửa… (chúng ta) phải cháy lửa tình yêu Chúa Kitô và lửa nhiệt thành mong ước làm cho Đức Kitô được nhiều người nhận biết hơn, yêu mến hơn, bước theo sát Người hơn” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 23).
Lời Thánh Phaolô: “Tình yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5, 14) lay động cõi lòng chúng ta hãy chia sẻ tình yêu khôn sánh của Chúa Giêsu cho toàn thể thế giới.
c - Đời sống thánh thiện
Người loan báo Tin Mừng phải có một đời sống thánh thiện nhờ sự hoán cải không ngừng để trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng. Đời sống thánh thiện là điều kiện tiên quyết cho công cuộc loan báo Tin Mừng trong giai đoạn mới.
Sứ điệp THĐGM về "Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo" nhấn mạnh:
“Chúng ta không bao giờ được nghĩ rằng việc tân Phúc Âm hóa không liên can trước tiên tới chính chúng ta….Lời mời gọi rao giảng Tin Mừng được diễn tả qua lời kêu gọi hoán cải.”
….“Chúng ta hãy tin chắc rằng chúng ta phải là những người trước hết cần phải hoán cải, cần phải trở về với quyền năng của Chúa Kitô, là Đấng duy nhất có thể đổi mới mọi sự, nhất là đổi mới cuộc sống nghèo nàn của chúng ta. Với lòng khiêm tốn chúng ta phải nhìn nhận rằng sự nghèo nàn và yếu đuối của các môn đệ Chúa Giêsu, đặc biệt là nơi các thừa tác viên của Ngài, đè nặng trên uy tín của việc truyền giáo” (Sứ điệp s. 5).
d - Từ củng cố Giáo lý đến đồng hành và yêu mến Giới trẻ
Ngày nay, trước những thách đố về đời sống đức tin, Giáo hội cần có sự hướng dẫn đúng đắn, phù hợp với tâm thức của người trẻ trong thời đại mới, nhằm giúp họ can đảm bước tiếp trong cuộc đời. Đây chính là điều Giáo hội cần thực hiện, vì nó thuộc về lãnh vực giáo dục của Giáo hội, một nền giáo dục mang bản sắc Kitô giáo. Chính Công đồng Vatican II cũng khẳng định: “Giáo hội có trách nhiệm giáo dục, không những vì Giáo hội cũng là xã hội trần gian (…), nhưng nhất là vì Giáo hội có nhiệm vụ loan truyền cho mọi người biết con đường cứu rỗi, cũng như thông ban sự sống Chúa Kitô cho các tín hữu…” (Vat II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 3).
Từ củng cố Giáo lý …
Đối với người trẻ, hơn bao giờ hết, đây là giai đoạn khủng hoảng về đức tin và gặp nhiều khó khăn trong lãnh vực luân lý. Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên, có thể nói như vậy, Giáo hội cần giảng dạy để người trẻ nắm vững về giáo lý của Giáo hội. Từ đó, họ có được “kim chỉ nam” hướng dẫn cuộc sống.
Bởi lẽ, “Việc giảng dạy giáo lý nhằm soi sáng và củng cố đức tin, nuôi dưỡng đời sống theo tinh thần Chúa Kitô, đưa đến việc ý thức và tham dự linh động vào mầu nhiệm phụng vụ, khuyến khích hoạt động tông đồ” (Vaticano II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 4).
Như vậy, Giáo lý đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu nói chung, và cách riêng là các bạn trẻ. Hiểu đúng đắn và vững chắc về Giáo lý chính là nền tảng giúp người trẻ đi vào đời sống xã hội, thể hiện được niềm tin và căn tính của mình.
… Đến đồng hành và yêu mến
Bên cạnh hướng dẫn đức tin để người trẻ trưởng thành trong cung cách sống đạo, thì cảm thông, yêu mến và chia sẻ những âu lo, hy vọng với người trẻ là điều quan trọng. Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Con người là con đường số một mà Giáo hội phải đắn đo khi thi hành chức vụ của mình” (Nội san Chia sẻ Thần học- Mục vụ- Tu đức Liên Tu sĩ thánh phố, số 46, tháng 6 năm 2005, tr 59.)
Từ đó, chúng ta cũng có thể nói, Giáo hội thi hành chức vụ của mình thì người trẻ chính là đối tượng cần được quan tâm.
Chúng ta cần hiểu người trẻ không chỉ ở ngoài bề mặt, nhưng với cõi lòng, với sự đam mê và dám đồng hành với họ. Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về con người của họ chứ không đơn giản là tìm cách cứu rỗi linh hồn họ. Ta cần có cái nhìn toàn thể, đa diện chứ không phải nhìn trong tính đơn lẻ và phiếm diện. Chúng ta cần bước vào cuộc sống thực tại của họ để tìm hiểu nghề nghiệp, môi trường sống, và ngay cả cách suy nghĩ của họ.
Chỉ khi thực hiện điều đó, chúng ta mới có thể bước đi cùng với người trẻ bằng chính thực tại cuộc sống của họ. Khi đó, như lời của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta sẽ tự hào nói rằng: “Giáo hội rất yêu mến giới trẻ, không bao giờ và nhất là thời nay (…), Giáo hội thấy mình được Chúa dắt tới để nhìn lại thế hệ trẻ với một tình thương rất đặc biệt và niềm hy vọng, và hãy coi việc giáo dục là một trong những nhiệm vụ chính của mình” (Trích lại Sr. Ngọc Tâm, FMA, Giới trẻ: hồng ân-thách đố, Nội san Chia sẻ Thần học- Mục vụ- Tu đức Liên Tu sĩ thánh phố, số 46, tháng 6 năm 2005, tr 59.)
Đó là con đường chung của Giáo hội toàn cầu, mà Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện một cách triệt để trong triều đại Giáo hoàng của ngài. Hơn bao giờ hết, các vị chủ chăn nên là những người dẫn đầu, luôn thể hiện tấm lòng yêu mến dành cho người trẻ. Đây cũng có thể coi là cách thế tốt nhất để Giáo hội đồng hành với người trẻ, giúp họ vượt qua những khủng hoảng về đời sống đức tin, nhất là trong hoàn cảnh xã hội hiện nay.
Tóm: Thế giới tục hóa muốn gạt bỏ Thiên Chúa, nhưng tận sâu xa, đó lại là một sự trống rỗng to lớn khao khát được lấp đầy bằng chân lý và tình thương của Thiên Chúa. Nhân loại khao khát nước đem lại sự sống, nhưng thế giới lại có quá nhiều nguồn nước đục ô nhiễm (x. Sứ điệp s.1). Công cuộc tân Phúc Âm hóa đòi chúng ta dấn thân nhiều hơn nữa để giới thiệu Chúa Giêsu là nước hằng sống đích thực cho con người.
Kết: câu chuyện CON HÃY LÀ BÀN TAY CỦA CHA
Câu chuyện xảy ra tại một thành phố nhỏ nước Pháp vào thời Đệ Nhị Thế Chiến. Một anh lính đi ngang qua một ngôi nhà thờ đã bị tàn phá vì chiến tranh. Khi bước qua những đống gạch vụn nằm ngổn ngang trên nền nhà, anh cố gắng hình dung ra hình ảnh của ngôi thánh đường trước khi bị đổ nát. Anh đưa mắt nhìn quanh và bắt gặp một pho tượng vẫn còn đứng vững. Đến gần hơn để nhìn cho kỹ và anh nhận ra đó là pho tượng Chúa Giêsu với hai cánh tay giang rộng như muốn ôm cả thế giới. Pho tượng vẫn còn nguyên vẹn, chỉ trừ đôi bàn tay bị gãy. Trầm lặng một vài phút trước bức tượng sứt mẻ đó, bỗng dưng anh cảm thấy như có tiếng Chúa nói với anh: “Từ nay con hãy là bàn tay của Cha.” Cảm động trước lời mời gọi đó, anh liền lấy một viên đá, viết hàng chữ ấy trên một tấm gỗ và đặt dưới chân pho tượng Chúa Giêsu.
Như ngôi nhà thờ kia bị tàn phá và đổ nát vì chiến tranh, biết bao tâm hồn con người ngày nay cũng đang bị tan nát và mất mát trước cám dỗ và những ảnh hưởng không tốt của một thế giới sa đọa, cả những tâm hồn tan nát vì thiếu tình thương của gia đình và của những người thân. Đứng trước những tình cảnh này, Chúa Kitô đang kêu mời chúng ta để trở thành những đôi tay của Chúa, giúp xây dựng lại ngôi đền thờ của Ngài trong tâm hồn của mỗi con người hôm nay.
Chúng ta hãy là bàn tay của Chúa để xoa dịu những khổ đau của người trẻ đang bị hắt hủi và thiếu tình thương.
Hãy là đôi chân của Chúa Kitô, để đồng hành với những tâm hồn đang gặp khó khăn về tinh thần.
Hãy là đôi mắt của Chúa Kitô, để thấy và cảm thông được nỗi thống khổ của những kẻ không nhà.
Hãy là đôi tai của Chúa Kitô, để nghe được những tiếng khóc cô đơn của những người vô gia đình và bị xã hội ruồng bỏ.
Hãy là con tim của Chúa Kitô, để yêu thương hết mọi người.
Hãy là chính Chúa Kitô sống động nơi môi trường chúng ta đang sống: ngoài đương phố, nơi trường học, trong gia đình và ngay cả những nơi ồn ào, xáo trộn nhất trong xã hội.
Chúng ta hãy dừng lại để nhận ra Chúa Kitô trong mọi người và mọi biến cố của cuộc đời, như câu chuyện của cậu bé bán báo dưới đây:
Có rất nhiều người đang đợi xe điện tại một trạm kia. Ai cũng hối hả mong cho tới nơi mình muốn đến. Khi xe vừa dừng bánh, người ta chen lấn, đổ xô về phía cửa xe. Trước sự hỗn loạn đó, người ta đã làm ngã một em bé đang đứng bán báo gần cửa xe, những tờ báo trên đôi tay bé nhỏ của em rơi hết xuống đất. Trong những người chen chúc nhau trên xe có một người khá đứng tuổi, ăn mặc rất lịch sự. Mặc dù cũng vội vã, ông đứng lại để nhìn em bé, và ông nhận ra là em bé bán báo bị mù. Ông nói lời xin lỗi và cúi nhặt từng tờ báo lên cho em mà không quan tâm đến việc mình sẽ lỡ mất chuyến xe. Biết ơn cử chỉ tốt của ông, em bé hỏi: “Ông có phải là Chúa Giêsu không?”.
Ước gì qua những suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta, người ta sẽ nhận ra được Chúa Kitô đang sống động trong con người của chúng ta, kể cả những người bị mù với con mắt Đức Tin.
Thánh Têrêsa D’Avila:
Chúa Kitô bây giờ chẳng có thân xác, ngoại trừ thân xác của bạn, Không tay, không chân trên quả đất này, ngoại trừ tay chân của bạn. Qua đôi mắt của bạn, người nhìn và đem sự nhân từ của Người đến cho thế giới. Qua đôi chân của bạn, Người đi làm chuyện lành. Qua đôi tay của bạn, Người chúc phúc cho cả thế giới. Tay của bạn là tay của Người, Chân của bạn là chân của Người, Mắt của bạn là mắt của Người. Bạn là thân thể của Người. Chúa Kitô bây giờ chẳng có thân xác, ngoại trừ thân xác của bạn, Không tay, không chân trên quả đất này, ngoại trừ tay chân của bạn. Qua đôi mắt của bạn, Người nhìn và đem sự nhân từ của Người đến cho thế giới. Chúa Kitô bây giờ chẳng có thân xác trên mặt đất, ngoại trừ thân xác của bạn.
LỜI NGUYỆN CỦA GIÁO LÝ VIÊN:
Lạy Chúa, Chúa đã chọn các Tông Đồ và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân, như xưa Chúa đã dùng các Tổ Phụ và các Tiên Tri, để loan báo các thánh chỉ của Chúa.
Xin Chúa hãy đón nhận chúng con là những giảng viên giáo lý, để chúng con đem Lời Chúa cho mọi người. Cho chúng con biết can đảm để dấn thân, khiêm tốn để học hỏi, và quên mình để phục vụ.
Xin cho chúng con biết dùng lời nói và hành động, để làm chứng cho đức tin mà chúng con đang rao giảng.
Ước gì qua chúng con, Chúa được nhận biết và yêu mến. Amen.
Câu hỏi gợi ý:
1 - Để dạy Giáo lý cho có hiệu quả như Chúa và Hội thánh mong muốn, theo bạn là một Giáo lý viên, cần phải làm gì trước tiên?
2 - Trong khi ảnh hưởng của phong trào tục hóa ngày càng lan rộng khắp nơi, bạn sẽ làm gì để chiếu giãi ánh sáng chân lý của Tin mừng vào trong môi trường bạn đang sống?
3 - Trong khi giảng dạy Lời Chúa, bạn gặp những khó khăn nào? Kể ra vài điểm cụ thể?
4 - Bạn đang là Giáo lý viên trong một môi trường cụ thể, vậy bạn có những thao thức hay sáng kiến gì để làm cho việc dạy Giáo Lý luôn luôn được canh tân cùng với từng biến chuyển lớn của thời đại và xã hội, nhờ đó, Lời Chúa được diễn đạt đúng hơn, rõ hơn, sống động và hợp thời hơn?
5 - Với tư cách là người "được Hội Thánh ủy thác cho việc trực tiếp giảng dạy và truyền đức tin của Hội Thánh lại cho các học viên của mình, dù là người lớn hay trẻ em" (ĐC David Ricken), bạn có những quyết tâm nào cho riêng mình để hoàn thiện công việc cao cả được trao phó này không?
Linh mục Đaminh Phan Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét