Trang

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Sứ điệp không thể lãng quên (phần 08)

Sứ điệp không thể lãng quên (phần 08)


 
  • Mỗi ngày đều là hôm nay.

Theo Gruen,[i] có hai ý nghĩa của từ ngữ hôm nay trong phúc âm của Luca. Thứ nhất là ý nghĩa ở trong mạch văn này: ngay hôm nay, ngay sau cái chết của Chúa Giê-su, người trộm lành sẽ được đến với Chúa Giê-su trong nước của Ngài, ngôi vườn đầu tiên và tuyệt vời trên trời mà Thiên Chúa đã làm cho loài người, và được mọi người gọi là Thiên Đàng (paradise). Như thế không cần phải đợi chờ lâu la gì. Trong cái chết của anh trộm lành, một sự biến đổi đến hoàn thiện xảy ra. Đây là một bức tranh thật đẹp và đầy an ủi đối với chúng ta. Pagila cũng chia sẻ: “Không có thời gian chờ đợi. Chúa Giê-su không dò xét gì, Ngài không tra hỏi gì, Ngài không đưa ra toà án, cuối cùng Ngài cũng không truy cứu gì cả. Ngài cứu rỗi ngay hôm nay. Bây giờ và ngay lập tức”.[ii]

Ý nghĩa thứ hai của từ hôm nay được hiểu trong toàn mạch văn của phúc âm theo Lu-ca. Lu-ca nhắc đến từ ngữ hôm nay cả thảy bảy lần.
(1)  Trong biến cố Chúa Giáng Sinh: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa”. (Lc 2, 11).
(2)  Trong biến cố Chúa chịu phép rửa ở sông Gio-đan, có tiếng từ trời phán: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. (Lc 3, 22).
(3)  Thời gian đầu tiên khi Chúa bắt đầu rao giảng trong hội đường ở Na-gia-rét: “Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. (Lc 4, 21).
(4)  Khi Chúa chữa người bại liệt xong: “Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!” (Lc 5, 26).
(5)  Chúa nói với ông Gia-kêu, khi ông ở trên cây sung: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5).
(6)  Trong nhà Gia-kêu, Chúa Giê-su nhắc từ này một lần nữa: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. (Lc 19, 9-10).
(7)  Lần cuối cùng là lần Chúa nói với người trộm lành: “Thật, Tôi bảo anh, hôm nay, anh sẽ được ở cùng Tôi trên Thiên Ðàng”. (Lc 23, 43).

Như thế, bảy lần từ ngữ hôm nay Lu-ca dùng diễn tả một điều: với Lu-ca những hoạt động của Chúa Giê-su là thời gian của chữa lành và thời gian để thực hiện mọi điều tốt đẹp. Như thế, hôm nay là thời điểm mà Chúa Giê-su bước vào thế giới chúng ta trong thân phận của một hài nhi, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Mà hài nhi đó chính là Đấng Ki-tô Đức Chúa, thuộc về dòng dõi của Vua Đa-vít. Cũng hôm nay, tại giòng sông Gio-đan, một tiếng lạ từ trời cao đã gởi cho chúng ta một sứ điệp cao quý về Đấng Ki-tô, Đấng đã bước xuống dòng sông của nhân loại, để biến đổi cho nước của dòng sông này thành nước thanh tẩy tất cả mọi người có lòng ao ước đón nhận ân sủng của Chúa. Đức Ki-tô chính là Con yêu dấu của Cha trên trời, vì Ngài vâng phục Cha hoàn toàn, để thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng và đem ơn cứu rỗi cho mọi người Chúa thương yêu. Vì thế, mỗi ngày là ngày hôm nay của Chúa, để Chúa làm cho những ai bại liệt có thể đứng lên được, những ai tội lỗi và sống trong bóng đêm có thể bước ra ánh sáng. Tại bàn tiệc ánh sáng đó, Chúa lại nói lời cứu rỗi củahôm nay. Và không chỉ dừng bước ở đó. Từ ngữ hôm nay của Chúa đã theo bước Chúa tới cây Thánh Giá, để rồi Ngài lại nói với người trộm lành sứ điệp của ngày hôm nay, ngày anh ta được hội ngộ với Chúa trên Nước Thiên Đàng.

Trong cuộc sống của chúng ta, Chúa vẫn nói lời hôm nay, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Mỗi lần chúng ta đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa, là chúng ta đang ở với Chúa trên Nước Thiên Đàng ngay trong ngày hôm nay. Nhưng ngày hôm nay đó sẽ tìm được ý nghĩa trọn hảo trong cái chết, khi chúng ta được về với Chúa trên Nước của Ngài.
Cũng như người trộm lành, trong giờ đối diện với cái chết, nếu chúng ta hướng về Chúa và cầu xin với Ngài, thì ngày hôm nay của Chúa sẽ xảy ra với chúng ta, thời điểm hôm nay của ân sủng, của lòng thương xót Chúa giành cho chúng ta. Như thế, hôm nay tất cả mọi sợ hãi trước cái chết được biến đổi vào trong niềm tin tưởng vào Chúa. Và ở trong cái chết chúng ta sẽ được gặp gỡ Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Rỗi đang chiếu sáng ánh hào quang của lòng nhân hậu xót thương ngay ngày hôm nay, để Ngài đưa chúng ta về nước Thiên Đàng, nơi đó bóng tối không còn nữa, khổ đau cũng lùi bước, và sự dữ không có chỗ đứng, nơi đó Thiên Chúa hiện diện và cho chúng ta được ở bên Ngài, để nếm cảm hạnh phúc tình yêu, hạnh phúc vĩnh cửu. Và ở bên Chúa, mỗi ngày đều là hôm nay, ngày vĩnh cửu của Đất với Trời thắm thiết hôn nhau, ngày vĩnh cửu của Thiên ôm ấp Trần vào vòng tay yêu dấu, để Trần luôn được ở cùng Thiên mãi mãi, từ hôm nay cho đến mãi muôn muôn đời. Tâm tình này đưa chúng ta vào yếu tố thứ hai của lời Chúa Giê-su nói.

  • Ở cùng tôi.

Lời của Chúa nói với người trộm lành mở cho anh một cuộc sống mới, cuộc sống ở cùng Chúa. Đó là một hồng ân rất tuyệt vời. Từ thân phận bất xứng của kẻ tội lỗi, anh được Chúa tha thứ và dọn cho anh một chỗ bên Ngài.
Trước hết, tâm tình này liên hệ đến hình ảnh của người Mục Tử nhân lành trong Thánh Kinh, và đặc biệt nơi Chúa Giê-su. Hình ảnh Mục Tử hiền lành và nhân hậu quen thuộc đối với người Do-thái, diễn tả sống động hình ảnh Thiên Chúa là Mục Tử đầy lòng nhân hậu và yêu thương dân của Ngài, đặc biệt giành cho những người lầm đường lạc lối. Thật vậy, Chúa yêu thương chúng ta, đến nỗi Chúa là người Mục Tử chạy theo từng bước chân sai lạc của chúng ta, để đưa chúng ta trở về. ĐTC Benedicto XVI đã diễn tả tâm tình này thật sâu sắc trong thông điệp đầu tiên của ngài Thiên Chúa là Tình Yêu – Deus Caritas Est: “Hành động này của Thiên Chúa mang lấy hình thức bi thảm trong sự kiện, chính Thiên Chúa trong Đức Giê-su Kitô chạy theo ’con chiên bị thất lạc’, chạy theo nhân loại đau khổ và bị tiêu vong. Khi Đức Giê-su trong các dụ ngôn nói về người mục tử chạy theo con chiên bị lạc mất, về người đàn bà đi tìm đồng bạc bị đánh rơi, về người cha chạy đến người con đi hoang và ôm nó vào lòng, thì đấy không những chỉ là những lời nói, nhưng là những cách giải thích bản chất và hành động của chính Người. Trong cái chết thập tự của Người, việc ‘Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình’ đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ - đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Cái nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su, mà thánh Gio-an nói đến (x. Ga 19,37) giúp chúng ta hiểu khởi điểm của thông điệp này: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4,8). Nơi đó, chân lý này có thể được nhìn ngắm. Và cũng từ đó có thể định nghĩa tình yêu là gì. Từ cái nhìn này, người Kitô hữu tìm được con đường để sống và để yêu”. (Số 12).[iii]

Con đường sống trong tình yêu của người Ki-tô hữu là con đường được Chúa yêu thương ấp ủ, chính Ngài khi đã tìm lại chiên lạc lối, thì sẽ đưa chiên của Ngài đến một nơi thật tuyệt vời, với đồng cỏ xanh tươi, với dòng nước trong lành, để bồi bổ và để tận hưởng niềm vui của tình yêu, niềm vui của niềm tin vào Chúa, Mục Tử nhân hậu, như Thánh Vịnh gia diễn tả:

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.”
 (Tv 23, 2-3a).

Được Chúa cho nằm nghỉ êm ấm trên đồng cỏ xanh, và được Chúa cho uống những dòng nước trong lành, thì còn gì tuyệt vời hơn. Nơi đó chính là mảnh đất hứa, nơi đó con cái Chúa được lòng nhân hậu và tình thương của Ngài ấp ủ, nơi đó con cái Chúa tận hưởng tình yêu được ở trong nhà Ngài, ở trong đền Ngài mãi mãi. Đó chính là hạnh phúc mà Thánh Vịnh gia nhận ra, và kể lại cho mọi người kinh nghiệm về hạnh phúc được ở cùng Chúa:

“Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên”.
 (Tv 23, 6).

Cả một cuộc đời được tình thương Chúa ấp ủ. Ngài tháng năm dài được sống trong đền Chúa. Đó lành hạnh phúc thiên đàng mà có lẽ ai ai cũng ao ước. Thật vậy, dù cuộc đời hôm nay có rao bán nhiều thứ hạnh phúc khác nhau, hạnh phúc hưởng thụ vật chất với một đời sống tiện nghi sung túc, hưởng thụ thoả mãn những lạc thú của cuộc đời, hạnh phúc đạt được những danh vọng và quyền lực đưa con người lên đỉnh cao, trở thành trung tâm điểm của cuộc sống, thì những thứ hạnh phúc đó không bao giờ tồn tại vĩnh viễn được. Những hạnh phúc đó mỏng manh như phận người mỏng dòn, những hạnh phúc đó mau chóng tàn phai như đời người có thể sáng nở tươi nhưng tối tàn phai mà chẳng ngờ được. Những hạnh phúc con người tự tạo nên đều giới hạn như đời người nhiều lắm là 100 cái xuân xanh. Cuối cùng, chỉ có hạnh phúc được ở cùng Chúa, được sống trong vòng tay ấp ủ của Người Mục Tử nhân hậu, được ở kề bên lòng Chúa, mới tồn tại vĩnh viễn. Và không có sức mạnh nào, kể cả cái chết có thể lấy mất đi hạnh phúc đó. Vì thế, người trộm lành được diễm phúc đón nhận hạnh phúc cao quý này, đó là hồng ân tuyệt vời của tình yêu vô điều kiện mà Chúa Giê-su đã dành cho anh. Hiệp với người trộm lành hạnh phúc, chúng ta có thể mượn lời của Thánh Vịnh gia thốt lên rằng:

“Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa,
chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời”. (Tv 73, 28).

Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã cảm nhiệm về lời Thánh Vịnh này như sau: “Trong kinh nghiệm của thánh vịnh 73, Thánh Vịnh gia nhìn thấy Thiên Chúa và xác tín rằng, ông ta không cần gì ngoài một tâm tình, là ông gặp gỡ được Thiên Chúa trong mọi sự”.[iv]
Tìm gặp được Chúa và được ở cùng Ngài. Đó là đích đến của đời người. Đó chình là Thiên Đàng mà ai cũng ao ước. Pagila nói rằng: “Sống kết hiệp với Chúa Giê-su, chúng ta ở trên thiên đàng”.[v]

  • Trên thiên đàng.

Người trộm lành đã đạt tới đích đến này, nghĩa là được vào nước Thiên Đàng, là do ân sủng nhưng không của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Như thế, “hai người bị đóng đinh hai bên hướng nhìn về Con Người đã đến chia sẻ số phận của họ, và cùng chết với họ. Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Trước kia, Chúa Giê-su đã không ngừng nhắc rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ như một món quà tuyệt đối cho không; Người đã đến trần gian không phải để kêu gọi người công chính, nhưng là kẻ tội lỗi. Trong giờ phút quyết luyệt này, khi lìa thế để về bên Cha, Chúa Giê-su chứng thực lời Người một cách rõ ràng không thể tưởng tưởng được. Với người tử tội ấy, kẻ đã biết nhận rằng chúng ta như chịu như thế này là đích đáng, và chẳng biết cậy vào đâu ngoại trừ lòng phó thác khiêm tốn và đầy nhân ái của mình, với con người ấy, thì từ trên Thánh Giá, Chúa Giê-su tuyên bố: Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Chúng ta hãy nghe nhà hùng biện Công Giáo Bossuet: Hôm nay: thật là nhanh chóng! Ở với tôi: cùng hội cùng thuyền quá tuyệt diệu! Trên thiên đàng: nơi ở bao tuyệt vời! Vậy thì ai còn hoài nghi được nữa về lòng thương xót của Thiên Chúa, ai còn có thể đem công đức của mình ra khoe nữa?”[vi]
Lời của Chúa Giê-su nói với anh trộm lành xa lạ thật là đẹp biết bao. Đó là sứ điệp nhân hậu và tràn đầy ơn cứu rỗi của Ngài muốn gởi tới tất cả những ai, dù quá khứ của họ thế nào, nếu họ biết khiêm tốn, ăn năn và hướng về Chúa để cầu xin, thì đều được Chúa đón nhận. Karl Rahner đã suy niệm về lời này của Chúa thật sâu sắc: “Chúa đang đối diện với sự chết, và Chúa vẫn có chỗ trong sự đau khổ quằn quại đang tràn ngập trái tim Chúa, một chỗ cho một người lạ lẫm. Chúa đang chuẩn bị chết đi – nhưng Chúa vẫn lo lắng cho một phạm nhân, kẻ đã thú thật rằng anh ta xứng đáng chịu hình phạt đau đớn và án chết thê lương này, vì những gì xấu xa anh ta đã gây ra. Chúa nhìn thấy Mẹ mình, nhưng lời đầu tiên Chúa lại nói với đứa con hoang đàng. Chúa cảm nhận sự bỏ rơi của Thiên Chúa, nhưng Chúa lại nói về Thiên Đàng. Đôi mắt của Chúa trở nên mờ tối trong đêm đen của cái chết, nhưng đôi mắt ấy lại thấy Ánh Sáng vĩnh cửu. Trong cái chết, người ta cô đơn và làm việc với chính bản thân mình, vì người ta đã bị bỏ rơi hoàn toàn. Chúa đã lo lắng cho các linh hồn, để họ cùng được về Nước Chúa chung với Chúa. Ôi trái tim Chúa nhân hậu biết bao! Ôi trái tim Chúa rộng lượng và can đảm dường nào!
Một phạm nhân ăn năn cầu xin Chúa nhớ tới anh ta. Và Chúa đã hứa nước thiên đàng cho anh. Mọi sự sẽ trở nên mới, khi Chúa chết đi? Một cuộc sống đầy dẫy tội lỗi và đồi bại sẽ nhanh chóng được biến đổi, khi Chúa hiện diện gần bên? Nếu Chúa nói lời thánh hoá biến đổi một cuộc sống, thì ngay cả tội lỗi và những gì thô tục nhất của một cuộc sống trác táng đi hoang sẽ được đón nhận ân sủng và được biến đổi, đến nỗi không còn có gì là cản trở trên ngưỡng cửa vào gặp Chúa…
Chúa đã nói lời toàn năng tràn đầy ân sủng. Lời đó đã đi vào trái tim của tên trộm, và lời đó đã biến đổi lửa hoả ngục đến sau cái chết thành một ngọn lửa tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa, ngọn lửa trong chốc lát đã làm sáng tỏ mọi sự…Và kẻ trộm được cùng vào nước Thiên Đàng với Chúa.
Chúa cũng ban ân sủng cho con chứ, để con không bao giờ đánh mất sự can đảm, để không ngại ngùng cầu xin và chờ đợi tất cả ân sủng từ lòng lân tuất nhân hậu của Chúa? Với sự can đảm con nói rằng: Nếu con là kẻ phạm tội đáng chịu hình phạt nặng, thì xin Chúa nhớ đến con, nếu Chúa vào Nước Chúa, Chúa ơi!
Ôi lạy Chúa, xin hãy để Thánh Giá Chúa treo thật đàng hoàng trước giường chết của con. Và xin cho môi miệng của Chúa cũng nói với con: Thật vậy, Ta nói cho con biết, hôm nay con sẽ ở với ta trên nước thiên đàng. Lời này thôi đã làm cho con trở nên xứng đáng, để con được thánh hoá hoàn toàn, được thoát khỏi mọi tội lỗi, và cùng với Chúa và trong Chúa đi xuyên suốt qua sức mạnh của cái chết, và bước vào Vương Quốc của Cha trên trời”.[vii]

  • Bài tập sống sứ điệp thứ hai Chúa Giê-su trên Thánh Giá.

-       Đứng trước Thánh Giá và hướng mắt lên Thánh Giá Chúa. Ngắm nhìn Chúa Giê-su đang gục đầu xuống như hướng nhìn về bạn. Hãy mở lòng bạn, mở đôi mắt của bạn và mở đôi tay của bạn để đón nhận Chúa. Bạn có thể giang đôi tay mình ra như cử chỉ đón mời Chúa.
-       Vẫn ngắm nhìn Chúa trên Thánh Giá. Giờ đây chú ý lắng nghe lời của anh trộm lành cầu xin Chúa: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Nhẩm đi nhắc lại lời ăn năn khiêm tốn này, và sau đó nhớ lại những lầm lỡ và tội lỗi của mình, đặc biệt tội nào mình cảm thấy nặng nề, và trong thinh lặng, xin Chúa giúp bạn biết thống hối ăn năn và cầu xin Chúa tha thứ, như anh trộm lành đã làm.
-       Ngắm nhìn Chúa trên Thánh Giá, và mở đôi ai và mờ tâm hồn lắng nghe Lời Chúa nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Nhẩm đi nhắc lại lời này, để lời này thấm vào trong tâm hồn. Bạn cảm thấy Chúa nhân hậu và giàu lòng thương xót biết bao. Hãy ở lại trong thinh lặng vài phút để cảm nếm hương vị dịu ngọt của lòng Chúa xót thương. Cuối cùng cảm tạ tri ân Chúa với một lời cầu nguyện ngắn.
-       “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Lắng nghe lời của anh trộm bên trái cứng đầu. Nhắc đi nhắc lại đôi lần lời này. Suy xét xem bạn đã có trách nhiệm gì với phần rỗi linh hồn của bạn? Bạn có ý thức về những gì tội lỗi mà bạn đã gây ra và khiêm tốn sám hối ăn năn xin Chúa giải thoát hay bạn vẫn cứng đầu? Điều gì làm cho bạn cứng đầu hay nói khác đi điều gì đang cản trở bạn khiêm nhường, cản trở bạn sám hối ăn năn? Cuối cùng xin Chúa giúp bạn tháo cởi những trở ngại đó, để có thể trở nên một con người khiêm tốn và hiền lành, luôn sám hối và tin tưởng vào lòng Chúa xót thương.

Mong sao niềm tin vào Chúa Giê-su đầy nhân hậu sẽ giúp chúng ta sống đời khiêm tốn, cầu nguyện, sám hối và  trông cậy vào Chúa luôn, để qua đó chúng ta đón nhận được ơn cứu rỗi.
Cũng xin Chúa giúp chúng ta có trái tim chú ý đến người khác, dù họ xa lạ như anh trộm kia, hay gần gũi với Chúa như Mẹ Ngài và người môn đệ mà Ngài yêu thương nhất, là Thánh Gio-an tông đồ.


[i] X. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần 2: Das zweite Wort Jesu am Kreuz – die Quelle der Hoffnung.
[ii] PAGILA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.28.
[iii] BENEDIKT XVI, Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu – Deus Caritas Est, bản tiếng Việt của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGM VN. Nguồn: www.simonhoadalat.com.
[iv] BENEDIKT XVI, Wer hilft uns leben?, Herder Verlag, Freiburg 2005, S. 79.
[v] PAGILA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.33.
[vi] Chú thích Lc 23,43 của HURAULT B., trong Lời Chúa cho mọi người, Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, bản dịch của nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2009, t.1804.
[vii] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.55-57.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét