Trang

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Việc che phủ các ảnh tượng

Việc che phủ các ảnh tượng


Xin cha cho biết về tập tục che phủ ảnh tượng trong Mùa Chay.


1.- Một thoáng lịch sử và cách giải thích tập tục này 

Kể từ rất sớm, các quy định của Sách Lễ Rôma, Sách Nhật tụng và Sách “Nghi lễ các Giám mục” yêu cầu rằng: trước Kinh Chiều của Thứ Bảy trước Chúa Nhật Chịu Nạn (tức Chúa Nhật V Mùa Chay)[1], các cây thánh giá, các ảnh tượng Chúa Giêsu và các thánh trên bàn thờ và khắp nơi trong ngoài nhà thờ, ngoại trừ các thánh giá và các hình ảnh trong  Đàng Thánh Giá, phải được bọc lại bằng một tấm khăn tím, khăn này không được mỏng khiến nhìn qua được, cũng không được trang điểm gì cả. Các cây thánh giá cứ được che phủ lại như thế cho tới khi cử hành nghi lễ long trọng gỡ khăn phủ cây thánh giá chính vào ngày Thứ Sáu tuần thánh. Còn các ảnh tượng vẫn được che phủ, bất kể có thể xảy ra lễ gì, cho tới khi đọc/hát Kinh Vinh Danh vào Đêm thứ Bảy tuần thánh. Thể theo một câu trả lời của Thánh Bộ Nghi Lễ ngày 14-5-1878, có thể không che phủ tượng thánh Giuse nếu tượng ở ngoài nhà thờ và trong tháng 3, vì là tháng tôn kính Thánh Cả, cho dù thời gian ấy rơi vào hai tuần trước lễ Phục Sinh.

Các thánh giá phải che phủ lại bởi vì trong thời gian này, Đức Kitô không còn đi lại công khai giữa dân chúng nữa, nhưng lánh mặt đi. Do đó trong Nhà nguyện của Đức giáo hoàng, trước đây người ta tiến hành che phủ thánh giá khi đọc các lời Tin Mừng sau đây: “Jesus autem abscondebat se” (“Đức Giêsu lánh mặt họ”; Ga 12,36).

Tác giả Durandus đưa ra một lý do khác để giải thích: Thần tính của Đức Kitô đã bị che phủ đi khi Người tới giờ chịu nạn và chịu chết. Do đó, các hình ảnh của các thánh cũng được che phủ, bởi vì không xứng hợp chút nào khi chính vị Thầy thì phải lánh mặt đi mà các tôi tớ thì lại xuất hiện!

2.- Cách thực hành trong Họi Thánh hiện nay

Sách Lễ Rôma
, ở đầu phần bắt đầu Chúa Nhật V Mùa Chay (nhưng trong ấn bản mẫu thứ hai của Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGMVN năm 1992, thì in ở cuối thứ bảy tuần IV, tr. 223), có câu chữ đỏ như sau: “Có thể giữ thói quen che ảnh tượng trong nhà thờ tùy theo quyết định của Hội Đồng Giám Mục. Các thánh giá thì che cho đến thứ sáu Tuần Thánh, sau nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa”. Vào ngày thứ sáu Tuần Thánh, một khi cây thánh giá được dùng để tôn kính đã được vén khăn che, thì dường như hợp lý là tất cả các cây thánh giá đều được bỏ khăn che phủ cho các tín hữu tôn kính. Cũng theo tập tục, các ảnh tượng được che lại cho đến khi bắt đầu lễ Vọng Phục Sinh. Thật ra cũng có thể che phủ thánh giá sau Lễ Tiệc Ly (thứ Năm Tuần Thánh), vì số chữ đỏ 21 ghi rằng: “Sau đó [= sau khi đã kiệu Mình Thánh Chúa sang Nhà tạm], lột khăn bàn thờ, và nếu có thể, cất các thánh giá. Nếu còn thánh giá nào, phải phủ khăn”. Bên ngoại quốc, có những xứ còn đưa ảnh tượng và các thánh giá ra khỏi nhà thờ, chứ không chỉ che phủ khăn, nhất là sau ngày thứ Năm Tuần Thánh. Nhưng các hình ảnh của Đàng Thánh Giá và các hình ảnh trên kính màu thì không che. Tại một vài nơi, các thánh được che phủ lại vào ngày Thứ Tư Lễ Tro. Tại một số nơi khác, thì lại được che phủ vào Chúa Nhật I Mùa Chay. Bên Anh, vào ngày thứ Hai đầu tiên của Mùa Chay, người ta có thói quen che mọi tượng Chúa chịu đóng đinh, mọi thứ hình ảnh, các hộp đựng thánh tích, và cả bình đựng Mình Thánh Chúa. Vải được dùng là vải lanh (linen) trắng  hoặc lụa trắng có đính một cây thánh giá đỏ.

Theo chỗ chúng tôi biết, HĐGM Việt Nam chưa có tuyên bố gì về điểm này, tứ là vẫn để tự do. Nhưng HĐGM Hoa Kỳ thì có. Vào ngày 14-6-2001, các GM Hoa Kỳ chấp thuận một cách thích ứng số 318 của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma và cho phép che phủ các tượng thánh giá và hình ảnh. Ngày 17-4-2002, Đức HY Jorge Medina Estevez, Tổng Trưởng Bộ Phượng Tự và Kỷ luật Bí tích đã viết cho Đức GM Wilton D. Gregory, Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ mà lưu ý rằng vấn đề này đúng hơn thuộc về luật chữ đỏ của Ngày Chúa Nhật V Mùa Chay. Trong khi chờ đợi quyết định này của HĐGM Hoa Kỳ được đưa vào với luật chữ đỏ ấy khi nào Sách lễ Rôma được phát hành chính thức lần nữa, việc che phủ các thánh giá và ảnh tượng tùy thuộc sự thẩm định của vị mục tử địa phương. Như thế cũng có nghĩa là việc che phủ là một chuyện nhiệm ý.

3.- Cách giải thích tập tục này hôm nay

Hôm nay người ta giải thích việc che phủ ảnh tượng theo quan điểm tâm lý: Việc che phủ ảnh tượng giúp chúng ta tập trung vào những điều cốt yếu trong công trình Cứu chuộc của Đức Kitô. Đây là một cách “ăn chay” không được nhìn những hình ảnh tô vẽ diễn tả vinh quang Phục Sinh của ơn cứu độ chúng ta. Cũng như việc ăn chay Mùa Chay kết thúc với lễPhục Sinh, thì việc “ăn chay” nhìn tượng thánh giá đạt tới đỉnh cao khi thờ phượng cây gỗ thánh trên đó hy lễ Đồi Sọ được hiến dâng để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi. Cũng thế, việc “ăn chay” không nhìn ngắm các hình ảnh vinh quang thuộc các mầu nhiệm đức tin và các thánh trong vinh quang, lên tới đỉnh cao vào Đêm Phục Sinh, khi đó các tín hữu lại đánh giá cao lần nữa chiến thắng vinh hiển của Đức Kitô khi Người sống lại khỏi mồ để mang đến cho chúng ta sự sống muôn đời.

Điều này đúng, nhưng nguồn gốc lịch sử của cách thực hành này phát xuất từ một tập tục rất thịnh hành bên Đức từ thế kỷ 9, đó là người ta trải một tấm khăn lớn đàng trước bàn thờ ngay khi bắt đầu Mùa Chay. Tấm khăn này, được gọi là “Hungertuch” (= khăn đói), che mắt tín hữu khỏi thấy được bàn thờ trong Mùa Chay, và chỉ được cất đi khi người ta đọc bài Thương Khó vào ngày thứ Tư Tuần Thánh tới chỗ “bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ra làm hai” (Mt 27,51).

Tuy nhiên, có những người cho rằng tập tục này là kỷ niệm của cách thực hành cổ xưa liên hệ đến việc đền tội công khai: vào thời xa xưa, theo nghi thức, các hối nhân [= các tội nhân công khai, do phạm những tội như giết người, ngoại tình, bội giáo] bị trục xuất khỏi nhà thờ vào đầu Mùa Chay, rồi được tha tội vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, và chỉ được trở lại với các cử hành của Họi Thánh vào Đêm Vọng Phục Sinh. Sau khi nghi thức đền tội công khai kiểu này bị bỏ, thì một cách biểu tượng, toàn thể cộng đồng đi vào hàng ngũ các hối nhân bằng cách nhận tro vào ngày Thứ Tư Lễ Tro: dĩ nhiên, không có chuyện trục xuất toàn thể công đoàn khỏi nhà thờ. Bởi vì bây giờ không thể trục xuất các hối nhân (vì là toàn thể cộng đoàn) khỏi nhà thờ để họ khỏi thấy bàn thờ, “nơi cực thánh”, thì bàn thờ được che lại, không cho họ thấy, cho tới khi họ được hòa giải với Chúa vào lễ Phục Sinh. Cũng theo những lý do tương tự, vào thời Trung Cổ, các ảnh thánh giá và các thánh cũng được che phủ ngay từ đầu Mùa Chay.

Luật giới hạn việc che phủ vào Chúa Nhật V Mùa Chay đến trễ, chỉ khi có quyển Sách Nghi lễ các Giám Mục vào thế kỷ 17. Sau Công đồng Vatican II, có những vận động để bỏ việc che phủ này, nhưng tập tục vẫn còn được giữ lại, chỉ có điều là được làm cách nhẹ nhàng, không thúc bách như giữ một “tín điều”!
                                                                                                Lm PX Phan Long, ofm

-------------------------------------------------
[1]
 Theo lịch Phụng vụ cũ, bài Tin Mừng của CN V MC là Ga 8,46-59, cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và giới lãnh đạo Do-thái; họ đã suýt ném đá Người. Và những bài Tin Mừng suốt tuần này đều trích từ TM IV và gợi lại sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Đức Giêsu và nhà chức trách Do-thái.

http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=1264

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét