Trang

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN B (NHIỀU TÁC GIẢ)

 CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN B (NHIỀU TÁC GIẢ)
Mục lục: 

1. Chiến thắng ma quỷ. Chúa Nhật X Thường Niên B - Ngày 09-06-91- Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận
2. Việc quan trọng nhất đời - Linh mục I-nha-xi-ô Trần Ngà
3. BÀI SUY NI​ỆM CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN B theo Flor McCarthy
4. BÀI SUY NI​ỆM CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN B - Lm. Đinh Tất Quý
5. Hạnh phúc là thành viên trong gia đình Chúa - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

NỘI DUNG:

1. Chiến thắng ma quỷ. Chúa Nhật X Thường Niên B - Ngày 09-06-91- Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận
 
Mc 3, 20-35; St 3, 9-15; 2 Co 4, 13 – 5, 1
 
Bài Phúc Âm hôm nay phân biệt hai khía cạnh của người theo Chúa. Đó là tâm trí và chính đời sống thực tế. Phải theo Chúa trọn vẹn và tích cực.
 
Về tâm trí: Những ai theo Chúa cần phải biết rõ và ý thức đây không phải là một chọn lựa để tìm sự dễ dãi, thoải mái. Trái lại, theo Chúa là một chọn lựa quyết liệt vì phải luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù là xác thịt, thế gian và ma quỷ. Bài đọc hôm nay cho thấy giữa ma quỷ và con người luôn có một tranh chấp lớn lao. Và ma quỷ luôn tìm mọi cách để kéo chúng ta ra khỏi tình yêu thương của Chúa. Nhưng trong cuộc chiến này, chúng ta chắc chắn rằng mình sẽ toàn thắng, nếu mình hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa và Mẹ Maria, Đấng đã đạp nát đầu con rắn ngày xưa tức là ma quỷ. Tất nhiên, ma quỷ rất xảo quyệt, tự sức mình, chúng ta không thể thắng nó được. Chỉ khi nào thật sự bám vào Chúa, chúng ta mới thắng được ma quỷ, vì Chúa đã thắng ma quỷ một cách khải hoàn.
 
Về chính cuộc sống: Trong cuộc sống thường ngày, Satan luôn rình mò tìm cách hãm hại chúng ta. Có thể đó là những ham muốn vật chất trong con người chúng ta. Có thể đó là những cám dỗ bên ngoài, những quyến rũ của bạn bè… Nói cách vắn tắt, tất cả những gì làm chúng ta xa Chúa đều có bàn tay của Satan chủ động bên trong. Những lúc đó, chúng ta cần phải tỉnh thức, phó thác tin tưởng vào Chúa để chống lại ma quỷ. Và với sự trợ giúp của Chúa, chiến thắng sau cùng sẽ thuộc về chúng ta.
 
Chúng ta có gương của Thánh Gioan Maria Vianey để rút kinh ngiệm và noi theo trong cuộc chiến này. Ngài chỉ là một linh mục bình thường, ở một xứ đạo vùng sâu vùng xa, nhưng đời sống Ngài lại rất mực đạo đức. Ngài giải tội từ 12 giờ đến 8 giờ tối. Biết bao nhiêu người đã đến xin Ngài giải tội, ngay cả những người ở xa đó hàng ngàn cây số. Qua tòa giải tội, Ngài đã cứu được rất nhiều linh hồn. Vì thế, ma quỉ rất ghét Ngài và nhiều lần tìm cách hãm hại Ngài. Thiên Chúa để yên vậy để làm vinh danh Ngài.
 
Cha đã đến hành hương xứ đạo Ars nhỏ bé của Ngài. Vào thăm phòng ngủ, Cha thấy giường của Ngài đã bị cháy đen thành than vì ma quỷ đốt cháy giường để Ngài bị mất ngủ và kiệt sức không thể giải tôi được. Có một đêm, ma quỷ đẩy xô Ngài vào vách tường, đánh Ngài chảy máu khắp mình. Bức tường đó còn in vết máu bờ vai và bàn tay chống đỡ của Ngài. Cuối cùng, ma quỷ tức tối hỏi Thánh Nhân: sao mày cứ phải phục tùng cái Ông Áo Tím ở địa phận, và thờ Ba ấy làm gì? Ma qủy muốn ám chỉ đến Đức Giám Mục và Mẹ Maria. Điều này dạy chúng ta phải luôn biết tuân phục Bề Trên và yêu mến Đức Mẹ, vì ma quỷ sẽ không thể làm gì được, nếu chúng ta tuân giữ lề luật và yêu mến Mẹ Maria. Nói tóm lại, Thánh Gioan Maria Vianey luôn cậy trông vào Chúa và sự trợ giúp của Mẹ Maria trong trận chiến chống lại ma quỷ và cứu rỗi các linh hồn, nên ma quỷ đành chịu thua và phải thốt lên: trên thế gian này, nếu có hai người như ông thì chúng tôi thất bại.
 
Tất nhiên, chúng ta không phải là Thánh Gioan Maria Vianey thứ hai. Nhưng cuộc sống của Ngài là một mẫu gương để chúng ta bắt chước noi theo, xứng đáng là con cháu, là hậu nhuệ của Ngài trong trận chiến chống lại ma quỷ. Chắc chắn chúng con sẽ trở thành mục tiêu cho ma quỉ căm ghét, và tìm cách hãm hại, nhưng chúng con hãy tin tưởng rằng: Thiên Chúa đã thắng ma quỷ, và phương dược duy nhất để chiến thắng ma quỷ chính là quyền lực của Thiên Chúa. Hiệp nhất với Chúa, chúng con cũng sẽ chiến thắng. Đừng sợ !
 
Chúng con sắp về nghỉ hè. Ma quỷ cũng lợi dụng dịp này để hãm hại chúng con. Phải cảnh giác luôn! Và nếu chúng con biết áp dụng phương pháp của Thánh Gioan Maria Vianey, phương pháp tuân giữ luật lệ và yêu mến Mẹ Maria, chắc chắn ma quỷ sẽ tiếp tục bị thua thê thảm như thời của Thánh Nhân.
 
Cha phó dâng chúng con cho Mẹ, để Mẹ gìn giữ chúng con. Xin Mẹ đồng hành với chúng con trong kỳ hè, để chúng con hăng hái ra đi và trở về với những thắng lợi mới. Cũng xin Thánh Giuse, Quan Thầy của chủng viện gìn giữ chúng con cách riêng. Cha sẽ nhớ và cầu nguyện cho chúng con. Amen.

2. Việc quan trọng nhất đời - Linh mục I-nha-xi-ô Trần Ngà

(Suy niệm Tin mừng Mác-cô (3, 20-35) trích đọc vào Chúa nhật 10 thường niên B)

 
Đối với các tín hữu của Chúa, điều quan trọng nhất mà mỗi người phải quyết tâm thực hiện từng ngày trong suốt đời mình, là việc gì?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy theo dõi sự việc được thánh sử Mác-cô thuật lại trong bài Tin mừng trích đọc hôm nay:
Hôm ấy, Mẹ Maria và các anh em bà con họ hàng đến gặp Chúa Giê-su đang lúc Ngài đang rao giảng giữa đám đông dân chúng. Bấy giờ “có kẻ trình với Chúa Giê-su rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”
Chúa Giê-su muốn nhân cơ hội này, dạy cho những người chung quanh bài học quan trọng liên quan đến việc thi hành Lời Chúa, thế nên, Ngài lên tiếng hỏi những người chung quanh:  “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?"  Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi" (Mc 3, 31-35).
Như thế, việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa quan trọng đến nỗi ai làm điều đó thì được Chúa Giê-su hết sức trân trọng và yêu quý, được Chúa nâng lên hàng anh em, chị em và là mẹ của Ngài. Chúa Giê-su hướng thẳng về những người đó và long trọng tuyên bố với mọi người: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi!”
Thật là một vinh dự rất lớn lao.
 
Chúa Giê-su luôn thi hành ý muốn của Chúa Cha
Việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha quan trọng đến nỗi chính Chúa Giê-su, dù Ngài là Ngôi hai Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn luôn làm theo ý muốn của Chúa Cha trong mọi sự. Ngài nói:
“Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta nhưng là theo ý Đấng sai Ta” (Ga 6,38).
“Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 4, 34).
Đặc biệt là trong đêm tối tại vườn Cây Dầu, khi đối diện với cuộc khổ hình khủng khiếp sắp xảy đến với mình, Chúa Giê-su lo buồn sợ hãi đến nỗi cất tiếng kêu cầu với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa Con.” Dù vậy, Ngài cũng không muốn làm theo ý mình mà chỉ muốn vâng theo ý Chúa Cha cách trọn vẹn, nên Ngài thưa với Cha: “Nhưng xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi” (Lc 22,42).
Như thế, Chúa Giê-su luôn vâng lời Chúa Cha trong mọi việc, trong mọi lúc và suốt cả đời mình. Thánh Phao-lô nhận định về sự vâng phục triệt để đó như sau: “Ngài đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự” (Pl 2,8).
Thế là, nhờ luôn thực hành ý Chúa Cha nên Chúa Giê-su mới lên trời vinh hiển, được siêu tôn trên các tầng trời như lời thánh Phao-lô: “Chính vì thế, Thiên Chúa Cha đã siêu tôn Ngài, ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu… ” (Pl 2, 9).
 
Thi hành ý Chúa là con đường duy nhất dẫn vào thiên đàng
Chúa Giê-su biết rằng làm theo điều Thiên Chúa truyền dạy là con đường duy nhất dẫn đưa loài người vào thiên đàng, không có đường thứ hai, và ngay chính bản thân Ngài là Thiên Chúa, Ngài cũng phải đi theo con đường duy nhất đó để vào thiên quốc, nên Ngài truyền dạy cho chúng ta hãy luôn luôn thi hành ý Chúa Cha truyền dạy.
 
Ngài nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có những ai làm theo ý Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, kẻ ấy mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21). Và ý Chúa Cha truyền dạy cho chúng ta được tóm lại trong giới răn mến Chúa yêu người.
 
Lạy Chúa Giê-su,
Xin Chúa cho chúng con luôn ghi tâm khắc cốt điều quan trọng nhất trong đời là thực hành lời Chúa truyền dạy, được tóm gọn trong quy luật mến Chúa yêu người, vì đây là phương thế duy nhất để chúng con được vào Nước Trời, đồng thời khi thực hành ý Chúa như vậy, chúng con được Chúa yêu thương và quý trọng như là mẹ và như anh chị em của Chúa.
 
3. BÀI SUY NI​ỆM CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN B theo Flor McCarthy

* 1. Đổ lỗi cho người khác
 
Có lỗi thì nhận lỗi. Đó là điều hợp lý và phải làm. Có như thế thì mới sửa lỗi được và mới đáng được tha.
 
Một trong những cách phá hoại của Satan là xúi người ta chối lỗi và đổ cho người khác. Cách phá hoại này được Satan xử dụng rất thường từ xưa đến nay :
 
- Ngày xưa nó xúi Adam đổ lỗi cho Evà, xúi Eva đổ lỗi cho con rắn
 
- Ngày nay nó xúi từ trẻ con đến người lớn dù phạm tội nhưng luôn đổ lỗi cho người khác : trẻ con làm gì sai quấy bị cha mẹ rầy luôn đổ cho người khác ; người lớn cũng thế : tại người này, do nguyên nhân nọ… ít khi nào dám nhận là tại mình và do mình.
 
Khi chúng ta làm theo sự xúi dục của Satan mà đổ lỗi cho người khác, chúng ta không sửa lỗi được và không được tha thứ. Đây cũng là một hình thức "phạm đến Chúa Thánh Thần" mà Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng.
 
* 2. Ganh ghét và xuyên tạc
 
Một cách phá hoại khác của Satan là khơi lên lòng ganh ghét để người ganh ghét xuyên tạc việc làm của kẻ khác. Thâm độc của cách phá hoại này là khiến cho người ganh ghét bị mù quáng không nhận ra sự thật, và làm cho điều tốt bị hiểu lầm là điều xấu.
 
Trong bài Tin Mừng, các luật sĩ đâu phải là những người ít học và không có tinh thần đạo đức. Nhưng Satan đã làm mù những kiến thức và lòng đạo đức của họ bằng tính ganh ghét. Và kết quả là khi họ đã bị mù quáng rồi, họ xuyên tạc việc Đức Giêsu chữa bệnh là "dùng sức quỷ cả để trị quỷ con".
 
Việc các luật sĩ mà cũng bị rơi vào bẫy của Satan khuyến cáo chúng ta đừng nghĩ mình là kitô hữu, là cán bộ tông đồ, là tu sĩ hay giáo sĩ mà có thể tránh khỏi lòng ganh ghét dẫn đến việc xuyên tạc người khác.
 
* 3. Khôn ngoan và "mất trí"
 
Một cách phá hoại nữa của Satan là xúi người ta đánh giá việc của Chúa bằng sự khôn ngoan của loài người.
 
Những người thân của Đức Giêsu đã rơi vào cái bẫy này : Ngài đang làm công việc của một Đấng Cứu Thế, xả thân không ngơi nghỉ để giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng. Nhưng họ đã suy nghĩ theo sự khôn ngoan của loài người nên nói Ngài "mất trí" và muốn bắt Ngài về nhà.
 
* 4. Tội phạm đến Thánh Thần
 
Trên một chiếc tàu vượt đại dương, có một kỹ sư tàu biển tên là Egbert. Công việc của ông là ngồi trong phòng máy và tuân theo lệnh của Đô đốc ở trên cầu tàu truyền xuống.
 
Một hôm, Egbert suy nghĩ rồi tự nhủ : Ta là nhân vật quan trọng nhưng đâu có ai quý trọng ta. Còn vị Đô đốc chỉ ngồi trên cầu tàu ra lệnh, chẳng để ý đến ta ở dưới buồng máy không được ngắm trời mây non nước.
 
Càng nghĩ ông thấy mình càng quan trọng. Lúc đó, chuông rung và có lệnh : "Hãy quay trở lại". Egbert lầm bầm : "Tôi là kỹ sư đã 30 năm, từng vượt biển cả 100 lần. Đây là lần đầu tiên có người bảo tôi phải quay trở lại giữa đại dương. Ông Đô đốc này chỉ biết ra lệnh thôi !"
 
Nói xong, thay vì trở lui, Egbert cứ cho tàu lao tới phía trước, mà còn tăng tốc nhanh gấp đôi. Con tàu đâm xầm vào một chiếc tàu khác, vỡ nát tan tành.
 
*
 
Tâm trạng anh kỹ sư tàu biển trên đây không khác gì các luật sĩ Do thái thời Đức Giêsu. Họ kiêu căng mà không nhận mình kiêu căng. Họ cho mình là tài giỏi, xứng đáng hơn người. Họ xuyên tạc chê bai việc lành của người khác. Họ giữ đạo mà không có tinh thần đạo đức. Họ làm việc thiện cốt để khoe khoang.
 
Với tâm trạng ấy, hôm nay họ tỏ rõ thái độ kiêu căng bất mãn. Thấy dân Do thái đổ xô đến chung quanh Đức Giêsu, họ ganh tị và khó chịu. Thấy phép lạ Người làm nhãn tiền, họ lại bảo Người bị quỉ ám. Thấy Người trừ quỉ, họ lại cho là do quyền lực quỉ vương. Thấy Người chữa bệnh cho kẻ phong cùi, họ lại kết án Người phạm luật ngày hưu lễ. Thấy Người viếng thăm kẻ tội lỗi, họ lại cho Người là bạn bè với bọn thu thuế và gái điếm. Nếu người ta đầy lòng kiêu ngạo, sẽ chẳng còn chỗ cho sự khôn ngoan. Hãy sống nhỏ bé trước mặt Chúa cả khi người ta là vua Đavít.
 
Thánh Giacôbê viết : "Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường" (Gc.4,6).
 
Đứng trước thái độ kiêu căng cố chấp ấy, Đức Giêsu chất vấn họ : "Satan lại trừ Satan được sao ?" (Mc.3,26-27). Người cảnh cáo họ : "Mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào phạm thượng đến Chúa Thánh Thần, muôn đời sẽ không được tha" (Mc.3,28-30). Tội phạm đến Thánh Thần là chối bỏ sự hiện diện của Thần Khí trong Đức Giêsu là gán cho ma quỉ những gì thuộc về Thánh Thần.
 
Quả thực, Đức Giêsu xua trừ ma quỉ là "Bởi Thánh Thần Thiên Chúa" (Mt.12,28). Thánh Basiliô Xêdarê viết : "Khi gặp Đức Giêsu, ma quỉ đã bị mất hết quyền lực của mình trước sự hiện diện của Thánh Thần". Vậy ai dám nói quyền lực của Đức Giêsu do Satan mà có là họ đã nói lộng ngôn phạm đến Thánh Thần.
 
Tội phạm đến Chúa Thánh Thần chính là "tội cố tình, từ chối quyền năng của Chúa Thánh Thần, nguồn ơn tha thứ", Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, nhưng Người không cưỡng ép chúng ta điều gì kể cả sự thứ tha. Một khi đã từ chối ơn tha thứ thì cũng có nghĩa là từ chối hạnh phúc Nước Trời. Nếu một người nghẹt mũi không ngửi thấy hương của hoa hồng, thì đó không phải là lỗi ở bông hoa, mà do bản thân người ấy.
 
Thomas Caryle có viết : "Không nhận ra lỗi lầm là lỗi lớn nhất trong một lầm lỗi".
 
*
 
Lạy Chúa, xin dạy chúng con đừng bao giờ kiêu căng tự đắc, đừng bao giờ cho mình là tài giỏi đạo đức hơn người, đừng bao giờ cố chấp ở lì trong tội.
 
Xin cho chúng con biết theo Thánh Thần, để nhờ Người, chúng con được lãnh ơn Cứu độ của Chúa. Amen (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
 
5. Câu chuyện minh họa
 
   Mỗi người đều mang hai túi  : một ở trước ngực và một ở sau lưng, và cả hai nhét đầy lầm lỗi.
 
   Tuy nhiên, túi trước đựng lỗi của người hàng xóm và túi sau đựng lỗi của mình. Vì thế, người ta thường mù quáng với khuyết điểm của mình và luôn sáng mắt với khuyết điểm của anh em.
 
6. "Ađam, ngươi ở đâu ?"
 
Khi Chúa ban cho Ađam và Eva được tự do là Ngài ban cho họ được chọn làm điều gì là tốt. Nhưng họ đã chọn làm điều xấu. Mà chọn điều xấu là lạm dụng quyền tự do. Và giống như trẻ con đã làm sai, họ đã đi trốn chứ không dám đối diện với hậu quả tội họ gây ra. Nhưng Chúa đã tìm họ và gọi : "Ađam, ngươi ở đâu ?"
 
Ở đây có một thắc mắc nẩy sinh : Nếu Chúa biết mọi sự, thế thì tại sao Ngài còn hỏi "Ađam, ngươi ở đâu ?" Thực ra Chúa hỏi thế không phải vì Ngài không biết Ađam đang ở đâu, mà chính vì Ađam không biết mình đang ở đâu. Ngài hỏi thế là để nhắc Ađam.
 
Câu hỏi "Ngươi đang ở đâu ?" thật là một câu hỏi gây bối rối. Và câu này Chúa không chỉ hỏi Ađam, mà còn hỏi mọi người đang có tội : Ngươi đang ở đâu trong tương quan với Ta, với người khác và với chính bản thân ngươi ?
 
Ađam đi trốn để khỏi trả lời câu hỏi ấy, để tránh trách nhiệm về việc mình đã gây ra. Chúng ta cũng tránh né vì cùng một lý do đó. Khi chúng ta sai lỗi, chúng ta sợ và trốn tránh trách nhiệm. Nhưng khi chúng ta trốn Chúa – là điều không thể – thì cũng là trốn tránh chính mình.
 
Thế nhưng có một Cái Gì đó vẫn đi tìm chúng ta, đó là tiếng Chúa hỏi trong lương tâm chúng ta "Ngươi đang ở đâu ?" Thiên Chúa không thờ ơ, Ngài đi tìm chúng ta dù chúng ta muốn trốn tránh Ngài. Ngài đi tìm không phải để phạt, mà để giúp chúng ta đối diện với việc mình làm. Ngài thừa yêu thương để tha thứ cho chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta gánh lấy trách nhiệm về tội đã phạm và cố gắng đền bù. Đối diện là dấu hiệu của yêu thương.
 
Ađam và Eva run sợ khi nghe tiếng Chúa. Họ xấu hổ về điều họ đã làm, và cũng xấu hổ về chính bản thân. Chúng ta cũng run sợ khi nghe hỏi "Ngươi đang ở đâu ?" Nhưng câu hỏi này không phải là một sự tra khảo, mà là một sự giúp đỡ. Đó là tiếng của Đấng quan tâm đến chúng ta.
 
Ađam và Eva cảm thấy mình có tội. Ngày nay, từ "tội" hầu như chỉ mang nghĩa xấu. Thực ra tội cũng có giá trị xây dựng. Cảm thấy có tội là dấu chỉ một lương tâm còn lành mạnh : ai có lương tâm còn lành mạnh thì sau khi sai lỗi đều cảm thấy có tội. Tội cũng là dấu chỉ mình là con người thật sự : chỉ có người rối loạn tâm thần  mới cảm thấy mình không có tội, bởi vì người đó đã bị chai lì về mặt luân lý. Đó không phải là người bình thường, không phải là một con người trọn vẹn.
 
Cũng như cơn đau là tiếng chuông báo động có cái gì trục trặc về thể lý, thì ý thức có tội là dấu chỉ cho biết có trục trặc về luân lý. Sự cắn rứt lương tâm kêu gọi ta phải thay đổi, phải tìm sự thật, phải sửa chữa lỗi lầm và phải xin ơn tha thứ. Tất cả đều có tác động tích cực.
 
Tội sinh ra hậu quả. Trước khi Ađam và Eva phạm tội, họ sống vui vẻ trong tình thân với Chúa. Sách Thánh mô tả chiều chiều họ cùng dạo chơi với Chúa trong làn gió hiu hiu. Sau khi phạm tội, họ trốn tránh Chúa và đổ lỗi cho nhau. Trước đó là hoà thuận và hợp nhất, sau đó là sợ hãi và chia rẽ.
 
Nhưng cảnh buồn bã của câu chuyện đã kết thúc bằng lời hứa cứu độ. Thiên Chúa thương xót Ađam Eva nên hứa ban Đấng cứu độ. Tin Mừng cho thấy lời hứa này đã được thực hiện nơi Đức Giêsu. Đức Giêsu đã chiến thắng Satan và thiết lập Nước Thiên Chúa. Đối với những ai tin vào Ngài và làm theo ý Thiên Chúa thì một tình thân mới được thành lập. Họ không chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa mà còn là con cái trong gia đình Ngài và là anh em với những người khác.

4. BÀI SUY NI​ỆM CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN B - Lm. Đinh Tất Quý

“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa,
người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."(Mc 3.35)

 
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe hơi dài, mang nhiều sự kiện rời rạc nhưng nếu chịu khó suy nghĩ, chúng sẽ giúp cho sự hiểu biết của chúng ta về Chúa Giêsu phong phú và toàn diện hơn.
1. Chúa Giêsu là Người bị mất trí (Mc 3,21)
Đây không phải là cảm nghĩ của những người xa lạ, nhưng là của những người thân nhân với Chúa."Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí."(Mc 3,21)
Đọc trong toàn bộ Tin Mừng ai cũng phải nhận Ðức Giêsu là người rất quân bình, vậy mà người ta còn cho Ngài là người bị mất trí, khi thấy Ngài xả thân để lo cho đám người đông đảo. Rồi Ngài còn bị coi là bất bình thường, khi Ngài và các môn đệ bận bịu, lo phục vụ đến nỗi không có cả thời giờ nghỉ ngơi và ăn uống.
Đúng là họ chẳng hiểu gì về Chúa Giêsu, dù họ tưởng mình đã biết rất rõ về Ngài.
Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có một cái nhìn khách quan và trong sáng về mọi người cũng như những việc xảy ra chung quanh cuộc sống của chúng ta, để cuộc sống của chúng ta có nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn..
Ngôi sao điện ảnh Lloyd lái xe đến trạm sửa chữa. Cô thợ máy ân cần đón tiếp anh. Ngay lập tức anh đã bị cuốn hút bởi đôi tay khéo léo và điêu luyện của cô.
Cả Paris đều biết đến anh, Thế nhưng cô gái này lại tỏ vẻ rất bình thản, xem ra không mấy vui sướng cũng như ngưỡng mộ con người nổi tiếng này.
- Cô có thích xem phim không? Anh ta hỏi.
- Đương nhiên là thích rồi, tôi là một "fan" điện ảnh mà.
Tay cô rất nhanh, chẳng bao lâu có đã sửa xong xe:
- Ông có thể lái xe đi rồi, thưa ông.
Anh ta vẫn tiếp tục:
- Thưa cô, tôi có thể đưa cô đi dạo được không?.
- Không! Tôi còn có công việc.
- Đây cũng giống như là công việc của cô. Cô sửa xe cho tôi, tốt nhất là tự mình lái thử kiểm tra xem sao.
- Được, vậy tôi lái hay ông lái đây?.
- Tôi lái, tôi mời cô mà!.
- Xe chay rất tốt, cô gái hỏi:
- Xem ra không có vấn đề gì, vậy xin ông vui lòng cho tôi xuống được không?.
- Sao cơ? Cô không muốn tôi đưa đi sao? Tôi chỉ muốn hỏi lại cô một việc, cô có thích xem phim không?.
- Tôi rất thích, tôi đã trả lời với ông rồi mà, hơn nữa tôi còn là một "fan" điện ảnh nữa.
- Vậy cô không nhận ra tôi sao?.
- Sao tôi không nhận ra chứ! Từ đầu tôi đã nhận ra ông là diễn viên điện ảnh Lloyd nổi tiếng hiện nay mà.
- Biết thế, sao cô vẫn lãnh đạm vậy?.
- Không! Ông lầm rồi, tôi không hề lãnh đạm. Nhưng tôi không cuồng nhiệt như các cô gái khác. Ông có thành tựu của ông. Tôi có công việc của tôi. Ông đến đây để sửa xe. Ông là khách hàng. Nếu ông không phải là ngôi sao nổi tiếng, khi ông đến sửa xe thì tôi cũng tiếp đãi như vậy. Giữa người với người không phải như thế sao?.
Anh ta im lặng. Đối diện với cô gái bình thường này anh cảm thấy mình tầm thường và thật ngông nghênh.
- Cảm ơn cô! Cô đã khiến cho tôi phải tự cảnh tỉnh về giá trị bản thân. Được, bây giờ tôi đưa cô về.
2. Ðức Giêsu là người của quỷ, cậy dựa vào sức mạnh của Quỉ Lớn mà trừ quỉ nhỏ.
Khi các kinh sư từ Jêrusalem xuống để điều tra về Ðức Giêsu. Họ không thể phủ nhận được chuyện Ngài có khả năng trừ quỷ, nhưng họ lại giải thích với cái nhìn đầy ác ý. Tin Mừng ghi: "Các kinh các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỵ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỵ vương mà trừ quỵ. (Mc 3,21)
Thật là "tội nghiệp" cho Chúa! Ðấng mà thần ô uế đã phải sấp mình xuống dưới chân mà tuyên xưng: "Ông là Con Thiên Chúa" (Mc 3,11); Ðấng đã khiến quỉ phải kêu la khi xuất ra. Vậy mà các kinh sư lại nói về Chúa như thế. Đúng miệng lưỡi của "thế gian".
Chúng ta hãy tập cho mình có một lương tâm ngay thằng và trung thực đừng để những tà ý làm hỏng cái tính bàn thiện Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Một buổi chiều thứ bảy đầy nắng ở thành phố Oklanama, tôi cùng một người bạn và hai đứa con của anh đến vui chơi tại một câu lạc bộ. Bạn tôi tiến đến quầy vé và hỏi:
- Vé vào cửa là bao nhiêu? Bán cho tôi bốn vé. Người bán vé trả lời:
- 3 đô la một vé. Chúng tôi đặc biệt miễn phí cho trẻ em dưới sáu tuổi. Các cậu bé này bao nhiêu tuổi?
- Đứa lớn bảy tuổi và đứa nhỏ thì lên bốn. - Bạn tôi trả lời.
- Như vậy tôi phải trả cho ông 9 đô la tất cả.
Người đàn ông ngước lên với cặp mắt ngạc nhiên:
- Sao ông không nói rằng đứa lớn chỉ mới sáu tuổi? Như thế có phải là tiết kiệm được 3 dollars không?
Bạn tôi nhìn người bán vé rồi chậm rãi nói:
- Dĩ nhiên, tôi có thể nói như vậy và ông ta cũng sẽ không nhận ra. Nhưng bọn trẻ thì biết đấy. Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của những đứa con và lòng trung thực của mình chỉ với 3 dollars.(Hồng Diễm)
 3. Mẹ và anh em của Chúa Giêsu.
Tin Mừng ghi lại: "Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!"
Nhưng Người đáp lại:"Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?"
Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."(Mc 3,32-35)
Khi nói như thế Chúa Giêsu không có ý phủ nhận mối giây liên kết máu mủ gia đình với Chúa. Ngược lại nhiều nhà chú giải còn bảo là Chúa muốn đề cao Đức Mẹ.Ví Đức Mẹ làm Mẹ Chúa Giêsu đến hai lần!
Phải nhận rằng việc thì hành thánh ý Chúa không phải là chuyện dễ làm. Abraham ngày xưa là một thí dụ.
Phài can đảm lắm mới có thể thi hành thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống làm người của mình.
Ngày 30-01-1938 chuyến xe lửa khởi hành từ Quito Galio dến Colombia bất ngờ bị trật đường rầy. Tai nạn làm cho nhiều người chết và bị thương, trong số hành khách đang quằn quại vì những vết thương đau đớn, người ta thấy có một linh mục tên là Felix Louis dòng thánh Don Bosco. Cha bị gẫy chân, và một phần ruột lòi ra khỏi bụng. Nhận ra Ngài, các y tá đã chạy đến giúp đỡ Ngài. Nhưng cha ra hiệu cho các y tá phải lo săn sóc các hành khách khác. Nói xong cha lấy hết sức mình, nhét ruột vào bụng, lấy khăn băng lại, và xin người ta dìu tới những nạn nhân bị thương nặng, đang hấp hối, để giải tội cho những ai muốn xưng tội.
Làm xong công tác mục vụ, linh mục nói với các y tá: tôi cám ơn Chúa đã cho tôi thi hành chức vụ linh mục của tôi cho tới giây phút cuối cùng. Giờ đây các cô có thể đưa xác tôi đi.
Người ta vội đưa Ngài đến bệnh viện Hedini. Nhưng chỉ vài giờ sau, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng khi chưa tròn 36 tuổi (Góp nhặt 217).
Lạy Chúa xin cho mỗi người chúng con biết can đảm làm cho thánh ý của Chúa được hoàn thành trọn vẹn từng giây từng phút trong cuộc đời của chúng con. Amen.


5. Hạnh phúc là thành viên trong gia đình Chúa - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
(Mc 3, 20-35)
Thiên Chúa là Cha nhân từ
Thiên Chúa khôn ngoan và nhân từ, nên mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp. Ngài đã sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài, cho họ sống tình thân với Chúa. Vậy Sự Dữ do đâu mà có ? Đâu là nguyên nhân khiến cho tình thân nghĩa thiết giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau bị phá vỡ?
Sách Sáng Thế (x. St 1-3) cho ta câu trả lời. Thiên Chúa không tạo nên sự chết, nhưng sự chết đã đi vào thế giới vì sự ghen tương của ma quỉ (x. Kn 1,13-14; 2,23-24). Khi nổi loạn chống lại Thiên Chúa, ma quỉ đã lường gạt và lôi kéo con người theo chúng. Thiên Chúa hỏi Ađam: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?” Thiên Chúa hỏi Evà: “Tại sao ngươi đã làm điều đó? ” Evà trả lời: “Con rắn đã cám dỗ tôi” (x. St 3, 11-13).
Là thụ tạo tinh thần, con người chỉ có thể sống tình thân ấy khi tự do tùng phục Thiên Chúa. Ðiều đó được diễn tả trong lệnh cấm con người ăn trái cây biết lành, biết dữ “vì ngày ngươi ăn nó, ngươi sẽ chết” (St 2, l7). Bị ma quỉ cám dỗ, con người đánh mất lòng tín thác vào Ðấng Sáng Tạo, lạm dụng tự do, bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Ðó là tội đầu tiên của con người (x. Rm 5, l9). Hậu quả là Adong và Evà đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy (x. Rm 3, 23). Sự hài hòa với vạn vật bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người (x. St 3, l7-l9). Sự kết hợp nam nữ trở nên căng thẳng (x. St 3, ll-l3); tình huynh đệ tương tàn (x. St 4, 3-15); tiếp đến là sự sa đọa của cả loài người. Cuối cùng, vì bất tuân: “Con người là tro bụi sẽ trở về bụi tro” (St 3, l9).
Sau khi sa ngã, Thiên Chúa không lỡ bỏ rơi con người. Trái lại, vì tình thương, Thiên Chúa nâng con người lên. Chúa bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi”. (St 3, 9-15. 20). Đó là thảm kịch tự do mà Thiên Chúa chấp nhận đến cùng vì yêu thương, nhưng Ngài hứa: “ Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,15).
Ðoạn sách Sáng Thế trên được gọi là "Tiền Tin Mừng" vì đó là lời loan báo đầu tiên về Ðấng Cứu Thế, về cuộc chiến đấu giữa con rắn với người nữ và chiến thắng cuối cùng của một hậu duệ người nữ này. Tình mẫu tử của Đức Maria đối với nhân loại được biểu lộ “Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3, 20).

Mẹ và anh em Chúa
Lòng nhân từ của Thiên Chúa là lòng nhân từ cứu độ, chẳn nhữn nâng con người lên mà còn cho con người trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa, đồng thừa tự với Chúa Giêsu. Lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy”. Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta” (x. Mc 3, 32-35).
Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.
Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.
Với lời khẳng định : “Đây là mẹ tôi và anh em tôi” (Mc 3, 33). Chúa Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài. Có những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia. Có một gia đình mới đang ngồi trong này. Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt. Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều, một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt, nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau, đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.

Sống tình gia đình với Chúa
Thật hạnh phúc cho chúng ta, vì Chúa Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người : “Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi” (Mc 3, 35). Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình Chúa, có Đức Maria làm Mẹ suốt đời tín trung sống ý Chúa, có Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Chúa Cha, và có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã mở rộng gia đình Chúa để cho chúng con được dự phần, xin cho mỗi người chúng con biết lắng nghe Lời Chúa; đồng thời biết đem Lời Chúa ra thực hành, hầu xứng đáng là thành viên trong gia đình Chúa. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét