Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Chúa Thánh Thần và hội nhập văn hóa

 

Chúa Thánh Thần và hội nhập văn hóa

 
  •  
  •  


CHÚA THÁNH THẦN VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên

 

Mục lục

Giới thiệu

1. Chúa Thánh Thần - Tác Nhân Của Các Nền Văn Hóa

2. Lễ Ngũ Tuần - Giai Đoạn Mới Của Hội Nhập Văn Hóa

3. Thánh Linh Học Của Thánh Gioan - Mô Hình Của Hội Nhập Văn Hóa

4. Chúa Thánh Thần - Tác Nhân Chính Của Hội Nhập Văn Hóa

5. Kết luận


Giới thiệu

‘Thần khí' là khái niệm khá phổ biến trong các nền văn hóa trên thế giới, chẳng hạn như thần khí nhân loại, thần khí dân tộc, thần khí quốc gia, thần khí bộ lạc, thần khí người phàm. Theo nghĩa chung nhất, thần khí được hiểu như là sức mạnh tinh thần hay sức mạnh siêu nhiên nâng đỡ con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Đặc biệt, thần khí hiện diện trong tư tưởng, lời nói hay việc làm của những người đảm nhận công việc chung để mưu cầu lợi ích cộng đoàn. Các ngôn sứ và các nhà lãnh đạo Do Thái thường được nhìn nhận như là có thần khí Thiên Chúa hướng dẫn để lãnh đạo dân chúng[1]. Theo Jurgen Moltmann, trong Cựu Ước, từ ‘thần khí' (ruah) xuất hiện 370 lần, trong đó ‘thần khí của Đức Chúa' (ruah Giavê) xuất hiện 27 lần[2], còn ‘thần khí Thiên Chúa' (ruah Êlôhim) xuất hiện 10 lần trong các đoạn văn khác nhau. Trong Tân Ước, ‘thần khí của Đức Chúa'(τὸ πνεῦμα κυρίου) xuất hiện 4 lần, còn ‘thần khí Thiên Chúa' (πνεῦμα τοῦ θεου) xuất hiện 12 lần. Trong bài viết này, cùng một hạn từ ‘ruah' (Do Thái) hay ‘πνεῦμα’(Hy Lạp), nhưng được viết là ‘thần khí' (viết thường) nhằm chỉ ‘thần khí' theo nghĩa chung của các nền văn hóa; và ‘Thần Khí' hay ‘Thánh Thần' (viết hoa) nhằm chỉ Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa theo nhãn quan Thần Học và Giáo Lý Kitô Giáo.

Trong Tân Ước, qua các biến cố xảy ra trong cuộc đời của Đức Giêsu và trong lịch sử Giáo Hội tiên khởi, có sự biến đổi trong nhận thức về căn tính và vai trò của Thần Khí. Theo nhãn quan của các tác giả Tân Ước, Thần Khí không đơn thuần chỉ là thuộc tính hay quyền năng thiêng liêng của Thiên Chúa. Đúng hơn, Thần Khí tham dự vào các biến cố của Đức Giêsu và tiếp tục sứ mệnh của Đức Giêsu sau khi Người phục sinh (Mt 3,16; Lc 1,35; Ga 1,32-34; Ga 20,22-23). Trình thuật Lễ Ngũ Tuần trong sách Tông Đồ Công Vụ cho thấy các môn đệ Đức Giêsu đã lãnh nhận Thần Khí cách đặc biệt để tiếp tục chương trình của Người đối với tất cả mọi người trong các nền văn hóa của gia đình nhân loại (Cv 2,1-13)[3]. Thánh Phaolô đề cập nhiều đến vai trò của Thần Khí trong các cộng đoàn Kitô hữu. Thánh ,Gioan tông đồ diễn tả căn tính và vai trò của Thần Khí theo một cách thức đặc biệt hơn so với các tác giả Kinh Thánh khác.

Chúng ta có thể nói rằng mỗi bước phát triển của nhân loại đều mang dấu ấn Thần Khí[4]. Thần Khí hướng dẫn và khích lệ con người trong các nền văn hóa khác nhau trước Biến Cố Đức Giêsu. Thần Khí hiện diện trong Biến Cố Đức Giêsu và hướng dẫn các môn đệ Người. Thần Khí mang Biến Cố Đức Giêsu đến với mọi người qua tiến trình hội nhập văn hóa.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ diễn tả căn tính và vai trò của Thần Khí (Chúa Thánh Thần) trong hội nhập văn hóa qua bốn mục đề, (1) Chúa Thánh Thần - Tác  nhân Của Các Nền Văn Hóa, (2) Lễ Ngũ Tuần - Giai Đoạn Mới Của Hội Nhập Văn Hóa, (3) Thánh Linh Học Của Thánh Gioan - Mô Hình Của Hội Nhập Văn Hóa, và (4) Chúa Thánh Thần - Tác Nhân Chính Của Hội Nhập Văn Hóa.

1. Chúa Thánh Thần - Tác Nhân Của Các Nền Văn Hóa

Những câu đầu tiên trong sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng muôn vật muôn loài được dựng nên bởi Lời và Thần Khí của Thiên Chúa (St 1,1-2)[5]. Từ đó, các trình thuật Kinh Thánh tiếp tục diễn tả  vai trò của Thần Khí trong việc điều khiển và hướng dẫn vũ trụ để mọi loài thụ tạo tiếp tục tồn tại, phát triển và thành toàn theo ý định Thiên Chúa[6]. Thần Khí Thiên Chúa không những có vai trò trong sáng tạo, mà còn có vai trò trong việc canh tân nhân loại và các thực

thể trên trái đất này (Tv 104,30). Việc canh tân không chỉ đơn thuần liên quan đến hình thức bên ngoài mà còn tới tận đáy lòng con người nữa (Tv 51,12-14). Theo thánh Athanasiô, Thần Khí luôn ở với con người[7]. Mặc dù Cựu Ước chưa diễn tả Thần Khí như một Ngôi Vị, các trình thuật Kinh Thánh cho thấy Thần Khí là hiện thân năng động của Thiên Chúa hầu hướng dẫn nhân loại và mọi loài thụ tạo

hiệp nhất với Thiên Chúa.[8]  Đối với những người Do Thái, các biến cố kỳ lạ, huyền bí trong lịch sử họ được xem như có liên hệ với thần khí (ruah) của Giavê.

Theo Moltmann, trong truyền thống Do Thái cổ xưa, ruah luôn luôn gắn liền với những biến cố hay địa điểm cụ thể. Sau khi bị lưu đày, ruah có nhiều liên hệ hơn trong bối cảnh rộng lớn của lịch sử Do Thái.[9] Đặc biệt, ruah luôn đồng hành với lời Thiên Chúa. Moltmann minh định: “Nếu ruah liên hệ với Thiên Chúa, và Thiên Chúa liên hệ với ruah thì ruah của Giavê và dabar, lời của Giavê, có mối liên hệ rất mật thiết với nhau.”[10]

Dân Do Thái không quan niệm thần khí Thiên Chúa là một Ngôi Vị Thiên Chúa, nhưng là một thuộc tính thần linh của Thiên Chúa hoặc được Thiên Chúa ban vì lợi ích con người.[11] Mặc dù thần khí Thiên Chúa được hiểu như là thuộc tính hoặc tác động vô hình, thần khí luôn là nguyên lý hành động của Thiên Chúa.[12] Theo Mary Donovan Tuner, đối với dân Do Thái, thần khí Thiên Chúa đóng ba vai trò chính. Trước hết, thần khí Thiên Chúa là tác nhân sáng tạo. Thứ hai, thần khí Thiên Chúa linh hứng cho các ngôn sứ và những nhà lãnh đạo Do Thái. Thứ ba, thần khí Thiên Chúa hiện diện giữa họ và thông dự vào các việc chung.[13] Hơn nữa, thần khí Thiên Chúa được xem như là nguồn mạch đời sống thể lý của họ. Thần khí Thiên Chúa liên hệ tới những sự việc lạ lùng trong lịch sử con người.[14]  Quan niệm thần khí Thiên Chúa mang đến điều lành cho con người rất phổ biến trong văn hóa Do Thái. Chẳng hạn, theo nhãn quan ngôn sứ Isaia, thần khí Thiên Chúa thông ban sự công chính, bình an và hạnh phúc (Is 32,15-18).

Thần khí Thiên Chúa có thể được hiểu như là sinh khí đến từ Thiên Chúa và là động lực thiêng liêng qua các lời ngôn sứ.[15] Theo Edward Schweizer, “trong tâm thức người Do Thái, họ tin rằng các nhân vật vĩ đại thời Cựu Ước được Chúa Thánh Thần linh hứng.”[16] Những lời ngôn sứ được thốt ra bởi những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị Do Thái nhằm hướng dẫn hành động và thái độ dân chúng. Chẳng hạn, Giôsuê được xem là người có thần khí (Ds 27,18); thần khí Thiên Chúa ở với Saun vào thời kỳ đầu ông lãnh đạo dân Do Thái (1 Sm 10,6); thần khí Thiên Chúa xuống trên Đavít khi ông Được xức dầu tấn phong (1 Sm 16,1-13). Êlisa xin Êlia thông ban thần khí để ông có thể tiếp tục sứ mệnh Êlia (2 V 2,9-15). Trong nhãn quan ngôn sứ Isaia, Đấng Mêsia sẽ được đầy tràn thần khí

Thiên Chúa để hòa giải bất đồng và chữa lành những vết thương do tội lỗi gây nên (Is 11,1-10). Qua các nhà lãnh đạo Do Thái, thần khí Thiên Chúa lan tỏa đến những người khác để có nhiều người chia sẻ sứ mệnh hướng dẫn dân riêng của Thiên Chúa (Ds 11,25- 29).[17] Những người này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nền văn hóa Do Thái, ngõ hầu nền văn hóa này trở thành phương tiện cho mạc khải Thiên Chúa.

Tất cả các sách Kinh Thánh đều được viết dưới sự linh hứng của Thần Khí Thiên Chúa và những sách này chuyển tải sứ điệp của Thiên Chúa cho dân Người.[18] Thánh Phêrô nhấn mạnh: “Anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao

giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1,20-21). Origen (185-254) đề cao vai trò của thần khí Thiên Chúa trong quá trình thu thập và biên soạn Kinh Thánh. Origen cũng xem thần khí Thiên Chúa như là tác nhân chính yếu và bất biến giữa Cựu Ước và Tân Ước.[19]

Thần khí Thiên Chúa không chỉ hoạt động trong văn hóa Do Thái, mà còn hoạt động trong các nền văn hóa khác, ngõ hầu những nền văn hóa này cũng đóng góp phần mình vào việc thông truyền lời Chúa. Trong Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí (Fides et Ratio), thánh Gioan Phaolô II viết: “Khi đọc những trang Kinh Thánh một cách không thiên kiến thì điều làm ta ngạc nhiên là, những lời trong các sách ấy chẳng những hàm chứa đức tin dân Do Thái, lại còn là kho tàng những nền văn minh và văn hóa hiện nay không còn nữa. Có thể nói, theo một ý định phân minh, những tiếng nói của Ai Cập và miền Lưỡng Hà được vọng lại, và một vài nét văn hóa chung miền Cận Đông cổ kính được sống lại trong những trang sách đặc biệt phong phú với trực giác sâu sắc.”[20]

Sự khôn ngoan con người có thể được xem là dấu hiệu sự hiện diện của thần khí Thiên Chúa. Nhìn chung, con người trong các nền văn hóa khác nhau đều có cảm nhận về sự liên hệ giữa tinh thần truyền thống tốt đẹp và thần khí Thiên Chúa  giữa khôn ngoan loài người và thần khí Thiên Chúa. Thiên Chúa ban khôn ngoan cho những người lãnh đạo để họ có khả năng giải quyết những vấn đề trong xã hội loài người. Robert P. Menzie nhận xét: “Việc khảo sát văn học Palestine

cho thấy, Thần Khí có vai trò bất biến như là nguồn mạch sự khôn ngoan thần bí và lời linh hứng.”[21] Đối với thánh Tôma Aquinô, khôn ngoan loài người có thể được xem như là quà tặng của thần khí.[22] Không có thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, con người không thể tìm kiếm và thờ phượng Thiên Chúa cách chính trực (Kn 1,1-7). Khôn ngoan loài người không bao giờ vắng bóng thần khí. Chẳng hạn, sự khôn ngoan của Salomon và thần khí của ông có thể hoán vị cho nhau[23]. Nói cách khác, khôn ngoan loài người có thể được xem như

thần khí vậy.[24] Thần khí Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi trên mặt địa cầu (Tv 139,7). Bernard Lonergan nhấn mạnh: “Quà tặng tình yêu của Thiên Chúa là tự do. Quà tặng đó không phụ thuộc vào hiểu biết của con người; đúng hơn đó là căn nguyên hướng dẫn con người tìm kiếm sự hiểu biết về Thiên Chúa. Quà tặng đó cũng không bị giới hạn bởi phạm vi hay lĩnh vực nào của văn hóa con người nhưng đúng hơn là nguyên lý giới thiệu một chiều kích thuộc thế giới khác vào bất cứ nền văn hóa nào.”[25] Theo nghĩa đó, một số giáo lý của Đức Phật (563-483

BC), Lão Tử (571-471 BC), Khổng Tử (551-479 BC) có thể được hiểu như là có sự hướng dẫn của Thần Khí. Về mặt luân lý, một số tư tưởng của các vị này không khác mấy so với giáo lý Do Thái Giáo hay Kitô Giáo. Chẳng hạn, khổ chế trong đời sống các tăng sĩ Phật Giáo để đạt được Giác Ngộ không khác nhiều so với giáo lý Đức Giêsu dạy những kẻ muốn theo Người phải từ bỏ chính mình (Mt 10,37-39; Mc 8,34-35; Lc 9,23-24; Ga 12,25).[26] Tương tự như thế, những lời dạy của Khổng Tử về sự hòa hợp trời-đất-người không xa lạ với mặc khải Kitô Giáo. Những lời dạy này có thể được xem như là nhãn quan chung của loài người để phục hồi sự cân bằng thế giới thụ tạo.

Trong tiến trình lịch sử, tất cả mọi thụ tạo đều thay đổi và phát triển từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp. Sự tiến hóa này có thể được xem như là tiến trình liên tục hướng tới sự hoàn thiện dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Pierre Teilhard de Chardin, vị linh mục Dòng Tên và là nhà khoa học nổi tiếng, nhấn mạnh: “Tôi thừa nhận rằng sự tiến hóa vũ trụ có hướng bất biến, đó là hướng về Thần Khí.”[27]

Theo nhãn quan Teilhard de Chardin, không chỉ các hữu thể có khả năng nhận thức mới nhuốm đầy Thần Khí, các hữu thể vật chất bậc thấp nhất như nguyên tử và phân tử đều mang dấu ấn Thần Khí.[28] Như vậy, chúng ta có thể nhận định rằng Thần Khí không thể bị xem như là một phần trong sự tồn tại của loài người. Đúng hơn, Thần Khí là nguồn mạch sự tồn tại và phát triển loài người.

Theo Clifford Geertz, căn tính con người được hiểu như là cầu nối giữa các khả năng bẩm sinh và tư cách đang có.[29] Hay như Geertz từng khẳng định Thần Khí là tác nhân chính yếu để hòa hợp các yếu tố cấu thành căn tính con người. Thần Khí ban cho con người khả năng hướng tới những điều vượt xa các giới hạn tâm sinh lý của họ. Niềm khao khát hạnh phúc viên mãn được khắc sâu trong tâm hồn con người. Giữa những thăng trầm lịch sử, con người không ngừng tìm kiếm nguồn gốc và mục đích tối hậu của mình.[30]  Tin tưởng vào sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí cho phép chúng ta nhận thức rằng những người sống ngay lành trong các nền văn hóa trước Đức Giêsu, được hướng dẫn bởi Thần Khí, cũng có thể nhận được ơn cứu độ Thiên Chúa theo cách thức Thiên Chúa ban cho họ. Tương tự như thế, niềm tin này giúp chúng ta hiểu rằng những ai sống ngay lành từ thời Tân Ước đến nay mà không phải là Kitô hữu, cũng có thể nhận được ơn cứu độ theo lượng hải hà của Thiên Chúa. Trong Thông Điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), thánh Gioan Phaolô II viết: “Đức Kitô là Đấng không thể nào hiểu nổi đối với những người thiếu đức tin Kitô Giáo, trong khi đó, các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo khác lại có thể gặp nhau nơi cùng một thực tại thần linh duy nhất, được gọi bằng một danh xưng nào đó.”[31] Claude Geffré nhấn mạnh: “Ngoài Giáo Hội hữu hình, Thần Khí Thiên Chúa cũng đang hoạt động trong tâm khảm những người đang tìm kiếm ơn cứu độ khi tuân giữ niềm tin vào truyền thống tôn giáo riêng của họ. Vì thế, chúng ta phải tôn trọng đời sống tâm linh của bất cứ ai có khả năng đáp lại lời mời gọi nên thánh trước mặt Thiên Chúa.”[32]

Theo dòng lịch sử, chúng ta nhận thấy sự thăng trầm của các nền văn hóa và các yếu tố kèm theo. Một số yếu tố văn hóa tiếp tục phát triển, trong khi những yếu tố khác bị loại trừ. Tuy nhiên, văn hóa nhân loại theo nghĩa rộng là di sản của tất cả mọi người đang phát triển không ngừng. Thế giới đang trong tiến trình hình thành nền văn hóa chung, trong đó mỗi nền văn hóa có thể tìm thấy phần mình trong văn hóa chung này và mỗi người trong các nền văn hóa khác nhau có thể tìm thấy chỗ đứng phù hợp của mình. Sự phát triển của thông tin đại chúng và khoa học xã hội đang đẩy nhanh quá trình hấp thụ và tiếp biến văn hóa. Con người đến từ các nền văn hóa khác nhau ngày càng hiểu nhau và cộng tác với nhau cách đắc lực hơn.

Văn hóa loài người được thành hình và nuôi dưỡng bởi Thần Khí. Anthony Bellagamba quả quyết: “Mỗi nền văn hóa là hoa trái giữa sự cộng tác của con người với hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa. Đó là sự sáng tạo thiêng thánh.”[33] Theo nhãn quan này, chúng ta có thể khẳng định rằng mỗi nền văn hóa là một phương tiện mạc khải của Thiên Chúa. Mỗi nền văn hóa có vai trò đặc biệt để thông truyền thánh ý Thiên Chúa cho các thành viên trong đó. Vì thế, cần tôn trọng quyền tự trị và tự do tương đối của các nền văn hóa. Bellagamba khẳng định: “Không có nền văn hóa nào là ưu việt hơn nền văn hóa nào. Tất cả các nền văn hóa tự nó đều tốt đẹp, cho dù có nền văn hóa nào đó có thể hàm chứa những yếu tố nhất định, phát triển nhiều hay ít hơn so với nền văn hóa khác.”[34] Thần Khí luôn đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển văn hóa. Bellagamba cũng nhấn mạnh: “Thần Khí hướng dẫn nhân loại trong sự phát triển văn hóa. Thần Khí luôn là động cơ vĩnh cửu cho sự phát triển toàn diện của các dân tộc.”[35] Cảm nhận chung của con người về tình yêu có thể được xem như là dấu chỉ sự hiện diện của Thần Khí. Bởi vì, giữa những sự khác biệt, tình yêu không bao giờ vắng bóng trong bất cứ nền văn hóa nào. Mỗi người tìm cách yêu và muốn được yêu. Teilhard de Chardin nhấn mạnh: “Tình yêu là thứ phổ quát nhất, dữ dội nhất và huyền bí nhất giữa các năng lực vũ trụ.”[36] Thần Khí ghi vào bản tính con người niềm khao khát tình yêu và lòng ước muốn không ngơi để ở lại trong tình yêu, bởi vì không có tình yêu thì không có niềm hy vọng, bình an và hạnh phúc. Vì thế, tình yêu trở thành giá trị phổ quát trong mọi nền văn hóa, là động lực cho sự tồn tại và phát triển toàn thể nhân loại. Xét về nguồn gốc sâu xa hơn, Thần Khí được hiểu như là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Karl Rahner viết: “Sự thông hiệp nội tại thiêng liêng diễn ra trong hiệp nhất và riêng biệt trong lịch  sử (của chân lý) và trong thần khí (của tình yêu).”[37]

Theo thánh Athanasiô, Thần Khí là tác nhân sự thông hiệp trong chính Thiên Chúa, cũng như giữa Thiên Chúa và loài người. Thánh nhân cũng  hiểu rằng trong tiến trình sáng tạo, cứu độ và thánh hóa, Chúa Cha hoàn thiện kế hoạch của Người qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.[38] Một số thần học gia có tư tưởng thiên về hoạt động duy nhất của Chúa Thánh Thần trong các loài thụ tạo. Chẳng hạn, Michael E. Lodahl nói: “Tôi tin rằng khái niệm ‘thần khí' trước nhất và đúng nhất không ám chỉ một thực tại cụ thể nào ở bên Thiên Chúa hay trong Thiên Chúa, làm trung gian giữa Thiên Chúa và trần thế, mà là sự hiện diện và hoạt động của chính Thiên Chúa trong thế giới.”[39] Sự hiện diện phổ quát của Chúa Thánh Thần duy trì sự tồn tại và phát triển của loài người.[40]

Nhiều nơi trên thế giới, người ta tin có sự tồn tại một số dạng thần khí. Chẳng hạn, sự kết hợp giữa thần khí với con người được tìm thấy trong văn hóa Ba Tư vào thời kỳ dân Do Thái lưu đày tại đó.[41] Những nơi khác, chẳng hạn như một số dân tộc Á Châu, niềm tin vào sự hiện diện của thần khí cũng rất mạnh mẽ. Dân ở đây quan niệm về thần khí khá giống với dân Do Thái.[42] Một số dân tộc thiểu số ở các quốc gia như Lào, Việt Nam và Philippines tin vào thuyết Vạn Vật Hữu Linh. Người ta xem mọi vật có thần khí riêng hay có ‘sinh hồn' của nó, như con người có linh hồn vậy.[43] Trong tín ngưỡng bình dân Philippines, người ta tin vào sự hiện diện của một số dạng thần khí trong thế giới tự nhiên. Chẳng hạn, người nông dân cầu xin thần linh trước khi đốn ngã cây, bởi vì họ tin rằng các thần linh sẽ trừng phạt họ vì hành động bất kính.[44]

Đối với các vĩ nhân trong các tôn giáo và văn hóa Á Châu, Thần Khí ban cho họ khả năng minh định các chuẩn mực đạo đức cho con người. Một số tôn giáo Phi Châu có cùng nhãn quan như Do Thái Giáo về vai trò và sự hiện diện của Thần Khí. Stephen B. Bevans nhận xét: “Như Thần Khí đã linh hứng cho các ngôn sứ và thánh Gioan trong sách Khải Huyền, các thần khí trong các tôn giáo Phi Châu cũng trao ban sức mạnh.”[45] Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Điều Thần Khí thực hiện trong tâm hồn con người, trong lịch sử các dân tộc, trong các nền văn hóa và các tôn giáo, như là sự chuẩn bị cho Tin Mừng và điều đó chỉ có thể được hiểu trong tương quan với Đức Kitô, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm do tác động của Thần Khí, nhờ đó, như là con người hoàn hảo, Người cứu độ tất cả mọi người và quy tụ muôn vật muôn loài.”[46]

Cho dù sống trong những bối cảnh văn hóa khác nhau, nhân loại cùng chia sẻ ‘một Thần Khí chung'.[47]Khoảng cách giữa mầu nhiệm Thiên Chúa và lịch sử nhân loại được nối kết và lấp đầy bởi Thần Khí. Trong giai đoạn mạc khải mới của Thiên Chúa, việc nhập thể của Đức Giêsu và việc ban Thần Khí xuống trên các môn đệ của Người mở ra một chương mới trong sự liên kết giữa Thiên Chúa và loài người. Sự hiệp nhất giữa Chúa Thánh Thần và Đức Giêsu trong sứ mệnh của Người là phương thế để tìm hiểu ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa và Đức Giêsu lịch sử. Ơn cứu độ của Thiên Chúa thấm nhuần trong các nền văn hóa khác nhau trong tiến trình lịch sử, được cụ thể hóa bởi Đức Giêsu lịch sử cùng với sự hiện diện của Thần Khí. Nói cách khác, toàn bộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa luôn có hoạt động và hướng dẫn của Thần Khí.[48] Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Thần Khí hiện diện rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn nhằm thiết lập nền tảng cho tiến trình hội nhập văn hóa Kitô Giáo vào các nền văn hóa trong gia đình nhân loại.

2. Lễ Ngũ Tuần - Giai Đoạn Mới Của Hội Nhập Văn Hóa

‘Lễ Ngũ Tuần' có nguồn gốc từ Cựu Ước. Ngược dòng lịch sử Do Thái, theo George T. Montague, “trong thời kỳ đầu của truyền thống Do Thái, Lễ Ngũ Tuần hay ‘Lễ Các Tuần' là một trong ba lễ hội lớn được đánh dấu bằng việc hành hương về nơi thánh” (Đnl 16,16)[49]. Trước hết là Lễ Bánh Không Men (Lv 23,10); cuối cùng là lễ Mùa Thu - Lễ Dâng của đầu mùa lên Thiên Chúa (Lv 23,39). Lễ Ngũ Tuần nằm giữa hai lễ này.[50]

Lời hứa ban Thần Khí xuống trên các môn đệ Đức Giêsu được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 1,1-5) và việc đổ tràn Thần Khí trên họ được thuật lại sau đó (Cv 2,1-12). Những phần này của sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết rằng các môn đệ Đức Giêsu chứng kiến sự hiện diện của Thần Khí như “lưỡi bằng lửa tản ra đậu xuống từng người một” (Cv 2,3). Nhờ đó, họ có khả năng ‘nói' Lời Chúa. Liên quan đến mối liên hệ giữa Lễ Ngũ Tuần trong Cựu

Ước và Lễ Ngũ Tuần trong Công Vụ Tông Đồ, Montague viết: “Lễ Ngũ Tuần của dân Do Thái mang đến cho Luca nhiều ý tưởng, qua đó, giúp thánh nhân khai triển ý nghĩa của Thần Khí đối với Giáo Hội.”[51] Trong Cựu Ước, Lễ Ngũ Tuần thể hiện tâm tình tạ ơn của dân Do Thái đối với Thiên Chúa bởi những việc lạ lùng Người đã làm cho họ theo dòng lịch sử, đặc biệt, cuộc Vượt Qua. Trong Công Vụ Tông Đồ, Lễ Ngũ Tuần diễn tả việc đổ tràn Thần Khí xuống trên những người kế thừa sứ mệnh Đức Giêsu.[52] Sứ mệnh ấy được thực hiện qua việc nhập thể của Đức Giêsu và đạt tới đỉnh điểm nơi cuộc Vượt Qua của Người.

Có những tương đồng giữa cách thức các tác giả miêu tả vai trò Thần Khí trong Cựu Ước và Thần Khí trong Lễ Ngũ Tuần. Tuy nhiên, điều khác biệt là tại Lễ Ngũ Tuần, Thần Khí được xem là nguồn mạch ân sủng và thánh hóa những ai thừa hưởng hoa trái của Đức Giêsu chịu nạn, chịu chết và phục sinh. Trong Lễ Ngũ Tuần, Thần Khí không đơn thuần chỉ là gió hay hơi thở như được diễn tả

trong Cựu Ước, nhưng Thần Khí hiện diện gần gũi hơn với kinh nghiệm của con người. Gordon Fee nhấn mạnh: “Thần Khí hiện diện lấy đi bức màn - ám chỉ bức màn ngăn con người tới gần sự hiện diện của Thiên Chúa trong đền thờ.”[53] Thần Khí trong Lễ Ngũ Tuần hiện diện theo cách thế mới nhằm ủy thác cho các môn đệ Đức Giêsu sứ mệnh đặc biệt. Trong Cựu Ước, các ngôn sứ được Thần Khí linh

hứng để hướng dẫn dân riêng Thiên Chúa. Trong Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ Đức Giêsu nhận lãnh Chúa Thánh Thần để thực thi ơn gọi ngôn sứ mới trong các nền văn hóa của gia đình nhân loại.[54]

Sách Sáng Thế cho chúng ta biết về biến cố Babel, khi đó mọi người trên thế giới chỉ nói một thứ tiếng duy nhất (St 11,1). Dần dần, ‘văn hóa thế giới' mà ở đó loài người giao tiếp cùng một ngôn ngữ, một tiếng nói bị phân tán vì sự vô ơn và tự cao tự đại của con người (St 11,4-9). Hậu quả là: Tháp Babel không bao giờ được hoàn thành vì thiếu vắng ‘văn hóa chung' được hướng dẫn bởi Thần Khí. Trong Lễ Ngũ Tuần, Thiên Chúa đảo ngược biến cố Babel và sự hiệp thông mới (koinonia) xuất hiện.[55] Ary A. Roest Crollius nhấn mạnh rằng trong Lễ Ngũ Tuần, sự phân rẽ của con người vì sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ được hướng tới sự hiệp nhất nhờ trung gian của Thần Khí.[56] Trong Lễ Ngũ Tuần, Thần Khí không đưa loài người về tình trạng trước sự kiện Babel, nơi họ cùng chia sẻ một

nền văn hóa và một ngôn ngữ, nhưng ban cho các nền văn hóa và ngôn ngữ nhân loại khả năng loan truyền sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện bởi Đức Giêsu. Tại Babel, một văn hóa và ngôn ngữ bị phân rã thành nhiều văn hóa và ngôn ngữ riêng rẽ; tại Lễ Ngũ Tuần, sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ nhân loại được hòa hợp nhằm diễn đạt cảm thức chung của toàn thể nhân loại đang tìm

kiếm sự hợp nhất trong Thiên Chúa.

Với Lễ Ngũ Tuần, đời sống mới gia đình nhân loại được bắt đầu cùng sự hiện diện của Thần Khí. Đời sống mới này được trù định trước cho toàn thể nhân loại. Trong Ed 37,1-14, chúng ta đọc được rằng Thần Khí đánh thức các bộ xương khô và ban cho chúng nguồn sống. Điều này có nghĩa rằng nếu không có sự tác động của Thần Khí, các bộ xương khô vẫn nằm nguyên trạng thái cũ. Dưới sự tác động của Thần Khí, các bộ xương được sắp xếp theo trật tự với gân cốt, thịt, da bao bọc xung quanh. Với Thần Khí, chúng trở nên hữu thể sống động. Nói cách khác, với Thần Khí, những gì được xem là đã chết được thức tỉnh, được hồi sinh và trở nên sống động. Tương tự như thế, chúng ta có thể nói rằng, trước Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ Đức Giêsu vẫn là ‘những bộ xương khô'. Giả như không nhận lãnh Thần Khí, các ngài sẽ không làm được những gì vượt quá kinh nghiệm lịch sử, xã hội của các ngài. Tầm nhìn của các ngài không thể vượt ra ngoài biên giới văn hóa Do Thái.[57] Tuy nhiên, với ơn ban của Thần Khí, các môn đệ Đức Giêsu có thể làm những gì Đức Giêsu đã làm. Chẳng hạn, các ngài có thể chữa lành bệnh tật như Đức Giêsu trong sứ mệnh của Người (Cv 4,9; 5,16; 28,8; Mt 8,7; Mc 5,23; Lc 7,3; Ga 11,12).

Đối với Kitô Giáo, thần khí trong Do Thái Giáo và trong toàn thể văn hóa nhân loại là Thần Khí của Đức Giêsu.[58] Thần Khí trở thành Đấng Bầu Cử cho Tin Mừng mà Đức Giêsu loan báo ngay từ lúc Người khởi đầu sứ mệnh. Theo thư thánh Phaolô gửi Timôthê, “Đức Kitô xuất hiện trong thân phận người phàm, được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính; Người được các thiên thần chiêm ngưỡng, và được loan truyền giữa muôn dân; Người được cả hoàn cầu tin kính, được siêu thăng cõi trời vinh hiển” (1 Tm 3,16). Samuel Rayan nhấn mạnh: “Thần Khí là Đấng Truyền Tin của Ngôi Lời. Thần Khí sáng tạo và Ngôi Lời sáng tạo làm việc cùng nhau. Lễ Ngũ Tuần là sự trang bị trực tiếp cho các môn đệ thi hành sứ mệnh của mình.”[59] Thánh Phaolô nói về sự duy nhất giữa Đức Giêsu và Thần Khí: “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa thì ở đó có tự do” (2 Cr 3,17). Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, thánh Phaolô phân biệt giữa Đức Giêsu và Thần Khí (Rm 8,9-10).[60] Menzies nhận xét: “Theo thánh Phaolô, Đức Kitô được tôn vinh bởi Thần Khí, và nhân loại không thể biết chắc được ý nghĩa đích thực của con người và sứ mệnh Đức Kitô nếu không có ánh sáng của Thần Khí.”[61]

Đối với Karl Barth, “Chúa Thánh Thần không gì hơn  là mối liên hệ vững bền giữa Ngôi Lời với nhân loại. Bằng việc đổ tràn Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Hiện Xuống, một chuyển động – pneuma (luồng khí) - từ Đức Kitô tới con người.”[62] Thần Khí Thiên Chúa là Thần Khí của Đức Giêsu bởi vì Đức Giêsu ở trong Thần Khí từ muôn đời.[63] Sứ mệnh của Đức Giêsu cũng là sứ mệnh của Thần Khí và ngược lại. Trong công cuộc nhập thể (Lc 1,35), chịu phép rửa tại sông Giođan (Lc 3,21-22), khởi đầu sứ mệnh của Người (Lc 4,18-19), và xuyên suốt cuộc hành trình Đức Giêsu trên trần thế, Thần Khí luôn luôn đồng hành và hiện diện cùng Người.[64] Sau khi phục sinh, về thể lý, Đức Giêsu không còn ở với các môn đệ, tuy nhiên, trong Thần Khí, Người vẫn luôn hiện diện cùng họ. Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô nói rằng tất cả những ai ở trong Đức Kitô thì ở trong Thần Khí vì những ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô (Rm 8,9). Cũng vậy, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh nhân nói: “Không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). Những ai theo Đức Giêsu đều được Thần Khí tuyển chọn và hướng dẫn. Như thế, nhận thức về tương quan mật thiết giữa Đức Giêsu và Thần Khí đã có từ rất sớm trong lịch sử Giáo Hội (Cv 2,17; Rm 1,3-7).[65]

 Việc phục sinh của Đức Giêsu liên kết với việc ban Thần Khí (Ga 20,22-23). Hai sự kiện này liên kết chặt chẽ với nhau để diễn tả sứ mệnh tiếp diễn của Đức Giêsu trong gia đình nhân loại. Sự tiếp diễn này không còn được thực hiện bởi Đức Giêsu lịch sử nhưng bởi Đức Giêsu Phục Sinh trong Thần Khí qua các môn đệ. Trong Lễ Ngũ Tuần, không chỉ các môn đệ Đức Giêsu, mà cả những ai nghe lời các môn đệ Đức Giêsu cũng cảm nghiệm được sự hiện diện của Thần Khí. Nhờ Thần Khí, họ được biến đổi và trở nên người mới, thông truyền lời giảng dạy của Đức Giêsu cho những người khác. Thần Khí ban cho họ khả năng trở thành con cái Thiên Chúa và thừa hưởng ơn cứu độ của Người nhờ Đức Giêsu (Rm 8,16-17). Đến lượt mình, họ có bổn phận cộng tác vào sứ mệnh mà Đức Giêsu đã ủy thác cho các môn đệ Người. Theo sách Công Vụ Tông Đồ, “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4).[66] Nghĩa là, các môn đệ không phụ thuộc quá nhiều vào kinh nghiệm văn hóa của họ, nhưng phụ thuộc vào sự hướng dẫn của Thần Khí để làm quen với các yếu tố văn hóa mà họ chưa bao giờ có kinh nghiệm. Họ có thể nói các ngôn ngữ chưa  bao giờ học và đưa ra những ý tưởng mà họ chưa bao giờ nghiên cứu. Họ có khả năng giao thiệp với những độc giả mà họ chưa bao giờ gặp trước đó. Các môn đệ rao giảng lời Đức Giêsu với ơn linh hứng của Thần Khí. Lời họ có sức mạnh thấm vào nơi thâm sâu nhất của con người và làm thay đổi tâm trí họ. Theo Rayan, “lời họ là lời lửa, lửa phá đổ và làm tiêu tan những gì vô dụng, lửa thanh lọc và tạo tiền đề cho sự sáng tạo mới, sự sáng tạo rực rỡ, chân thật, đẹp đẽ, tinh tuyền, và hiệu quả.”[67]

Các môn đệ Đức Giêsu được ban sức mạnh của Thần Khí, ngõ hầu các ngài có thể hội nhập sứ điệp tình yêu Đức Giêsu vào tất cả các dân tộc trong các nền văn hóa khác nhau (Cv 1,2). Z. Alszeghy nhấn mạnh: “Đấng Cứu Độ phục sinh trao ban Thần Khí của Người cho các môn đệ, nhờ đó, các ngài có khả năng nhạy bén và nhận thức toàn diện căn nguyên các sứ điệp mạc khải.”[68] Thần Khí ban cho các môn đệ Đức Giêsu cảm nghiệm thiêng liêng mới, để các ngài chia sẻ cảm nghiệm đó cho những người khác. Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Nơi các vị và qua các vị [các tông đồ], Chúa Thánh Thần vẫn là tác nhân siêu việt và chính yếu để hoàn thành công trình ấy [công trình cứu độ], trong tâm trí con người và trong lịch sử thế giới.”[69]

Với ơn linh hứng của Thần Khí, các môn đệ Đức Giêsu trở thành những chứng nhân cho Biến Cố Đức Giêsu từ Judea, Samaria đến tận cùng trái đất (Cv 1,6-8). Sau đó, trong sứ mệnh đối với các nền văn hóa khác nhau, tất cả các công việc được các môn đệ Đức Giêsu thực hiện đều quy về Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, các quyết định trong cộng đoàn tín hữu được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần và những người được chọn để hướng dẫn cộng đoàn đó (Cv 15,28). Chúa Thánh Thần trở thành chứng tá chính yếu cho mọi nền văn hóa trong sứ mệnh của các môn đệ Đức Giêsu. Dom Thierry Maertens nói: “Chúa Thánh Thần lôi kéo các Kitô hữu tiên khởi, như một trận cuồng phong; Người ban cho các vị sự sống mới; Người biến các vị thành những chứng tá cho Thiên Chúa và các ngôn sứ.”[70]

Các thính giả Lễ Ngũ Tuần là một biểu tượng ý nghĩa cho việc hội nhập sứ điệp Đức Giêsu vào các nền văn hóa, bởi sự hiện diện của dân Do Thái hải ngoại tương ứng với nhiều ngôn ngữ khác biệt. Thánh Luca viết: “Lúc đó, tại Giêrusalem, có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về” (Cv 2,5). Vì thế, chứng nhân Lễ Ngũ Tuần là những người Do Thái, nhưng viễn cảnh Lễ Ngũ Tuần theo Luca là ‘khắp nơi dưới vòm trời'. Karl Rahner tóm lược sự kiện Lễ Ngũ Tuần  như sau: “Thần Khí Lễ Ngũ Tuần là Thần Khí của sự năng động thánh thiện, của sự khích lệ, Thần Khí thúc đẩy chúng ta liên lỉ bằng tiếng kêu: ‘Các ngươi vẫn còn phải đi xa'. Thần Khí làm cho các thánh không hài lòng với chính mình, khiến các ngài tự cáo mình. Thần Khí Lễ Ngũ Tuần là Thần Khí của lòng sám hối, canh tân luôn mãi, Thần Khí khiến con tim biết hạ mình ăn năn. Chính Thần Khí muốn đổi mới mặt địa cầu, Thần Khí sự sống luôn mới trong những hình thức mới, trên những lộ trình mới, qua những phương thế truyền đạt mới, và trong những thách đố thời cuộc. Đó mới là căn tính và ý muốn của Thần Khí Giáo Hội.”[71]

Thần Khí không ngừng đổi mới địa cầu và cõi lòng nhân thế. Khái niệm này khá phổ biến trong Cựu Ước và tiếp diễn trong Tân Ước (Is 32,15-18; Tv 104,30; Rm 8,22-27; 1 Cr 2,1-16). Thần Khí gắn kết với các sự kiện quan trọng trong lịch sử dân Do Thái. Liên quan đến mối liên hệ giữa Lễ Ngũ Tuần và Lễ Vượt Qua, Montague cho rằng Lễ Ngũ Tuần được liên kết với Lễ Vượt Qua.[72] Lễ Vượt Qua mở ra một chương quan trọng trong lịch sử Cựu Ước. Cũng vậy, Lễ Ngũ Tuần mở ra một chương mới trong Tân Ước. Vì thế, sự hiện diện của Thần Khí trong Lễ Ngũ Tuần đem đến viễn cảnh mới cho thời đại mới của việc thông truyền ơn Thiên Chúa cho nhân loại. Hơn tất cả các tác giả Tân Ước khác, thánh Luca xem thời cứu độ được thực hiện bởi Đức Giêsu cũng là thời của Thần Khí.[73] Theo Daniel J.Harrington, “Lễ Hiện Xuống là khởi đầu mới, khai mở thời đại mới, thời đại của Thần Khí.”[74] Chỉ một thời gian ngắn sau đó, những người sống theo giáo huấn Đức Giêsu được gọi là Kitô hữu (Cv 11,26).[75] Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng ngày Lễ Hiện Xuống có thể được xem như là ngày khai sinh Kitô Giáo, bởi vì trong ngày đó, tất cả các môn đệ Đức Giêsu và những ai nghe lời các môn đệ giảng dạy đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Tâm trí họ được thay đổi tận căn và họ bắt đầu gieo niềm tin Kitô Giáo vào tất cả các nền văn hóa và dân tộc.

Trong bối cảnh Lễ Ngũ Tuần, Giêrusalem không chỉ là thủ đô dân Do Thái, mà còn là thủ đô mọi nền văn hóa và dân tộc vì những người hiện diện tại Lễ Ngũ Tuần đại diện cho toàn thể gia đình nhân loại.[76] Cộng đoàn Giêrusalem trong Lễ Ngũ Tuần trở thành cộng đoàn nền tảng cho việc hội nhập Tin Mừng vào tất cả các nền văn hoá, bởi vì cộng đoàn này được tràn đầy Chúa Thánh Thần và được ủy thác nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Cộng đoàn này đón nhận sứ mệnh loan báo kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại, được kiện toàn qua Biến Cố Đức Giêsu. Lời tiên báo của ngôn sứ Giôen (Ge 2,28) về thần khí Thiên Chúa trong Cựu Ước được kiện toàn trong Tân Ước tại Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,17), nhờ đó những ai nhận được Chúa Thánh Thần đều được ban cho những thị kiến mới để trở nên những công cụ loan báo Lời Chúa.[77]

Biến cố nhập thể, chịu nạn, chịu chết và phục sinh của Đức Giêsu diễn ra chủ yếu trong không gian và bối cảnh văn hóa Do Thái. Tuy nhiên, nhiệm cục cứu độ vẫn được tiếp diễn bởi Thần Khí với sự cộng tác của các môn đệ Đức Giêsu, khởi đầu tại Giêrusalem và hướng đến mọi nền văn hóa. Điều này được diễn đạt cụ thể trong sách Công Vụ Tông Đồ, trong đó, thánh Phêrô loan báo về sự hiện diện của Thần Khí cho tất cả thính giả Do Thái cũng như những người cư ngụ tại Giêrusalem và có nhiều người trở thành Kitô hữu nhờ bài giảng của thánh nhân (Cv 2,14-41). Về sau, thánh Phêrô cảm nghiệm rõ hơn về việc Thần Khí hiện xuống trên các thính giả của Ngài (Cv 10,44). Thần Khí cũng ngự xuống trên dân ngoại (Cv 10,45-46).[78] Điều đó nói lên rằng Thần Khí giúp những kẻ thuộc các nền văn hóa khác nhau trở thành con cái Thiên Chúa mà không cần phải qua thời gian chuyển tiếp tới Do Thái Giáo và các yếu tố văn hóa Do Thái kèm theo (Cv 15,1-34; Gl 5,1-12). Nói cách khác, Thần Khí giúp tất cả mọi người vượt qua các rào cản truyền thống và văn hóa để đến với ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Giêsu.

Trong sách Xuất Hành, dân Do Thái được thánh hóa và trở thành ‘một vương quốc tư tế và một dân thánh' (Xh 19,6). Tại Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ Đức Giêsu cũng được thánh hóa bởi Chúa Thánh Thần để trở nên cộng đoàn mới là Giáo Hội. Với Thần Khí, Giáo Hội được thiết lập và trở thành phương tiện cứu độ của Thiên Chúa.[79] Giáo Hội được khai sinh dịp Lễ Ngũ Tuần trong bối cảnh văn hóa Do Thái, nhưng Giáo Hội không bị ràng buộc bởi những luật lệ khắt khe và những yếu tố văn hóa Do Thái. Với sự hướng dẫn của Thần Khí, Giáo Hội tiếp tục lan rộng ra khắp thế giới. Sứ điệp Tin Mừng Giáo Hội loan báo dần dần tiếp cận các nền văn hóa, chẳng hạn như văn hóa Samaria (Cv 8,4-25), văn hóa Ethiopia (Cv 8,26-40), văn hóa Phênixi (Cv 11,19), văn hóa Hy Lạp và Tiểu Á (Cv 13,2-21,30), văn hóa Rôma (Cv 28,17-31). Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết rằng, trước Lễ Hiện Xuống, tại Giêrusalem có khoảng một trăm hai mươi người họp mặt (Cv 1,15), từ Lễ Hiện Xuống về sau, số các tín hữu gia tăng nhanh chóng (Cv 4,4; 6,7; 9,31).

Chính trong môi trường dân ngoại, lần đầu tiên các môn đệ Đức Giêsu được gọi là Kitô hữu (Cv 11,26). Điều này nói lên rằng Chúa Thánh Thần không bị ràng buộc bởi nhận định hay kinh nghiệm văn hóa của con người, vì những ai theo Đức Giêsu không được gọi là Kitô hữu trong đất Do Thái, nhưng trong đất ngoại bang. Dĩ nhiên, văn hóa Do Thái được xem là mắt xích quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần ban cho những gì được gọi là ‘ngoại bang', chẳng hạn như các nền văn hóa ảnh hưởng bởi các đế chế Hy Lạp hay Rôma, trở thành phương tiện thông truyền ơn cứu độ của Thiên Chúa. Theo Công Đồng các Giáo Hội trên thế giới (the World Council of Churches): “Từ Lễ Hiện Xuống, một cộng đoàn Kitô hữu hữu hình hối cải và các tín hữu được  cứu chuộc thiết lập bởi tác động của Chúa Thánh Thần, để trở thành sự viên mãn của thân thể Đức Kitô trong lịch sử, dấu hiệu và bí tích của Nước Thiên Chúa giữa các dân tộc.”[80]

Lễ Hiện Xuống có thể được xem như là giai đoạn mới để hội nhập văn hóa. Trước Lễ Hiện Xuống, Lời Chúa và Thần Khí hiện diện trong thế giới để thông đạt ý muốn Thiên Chúa cho dân Do Thái và các dân tộc từ các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, sự hiện diện của Lời Chúa và Thần Khí có những giới hạn nhất định. Từ Lễ Hiện Xuống về sau, Thần Khí trở thành căn nguyên việc hội nhập niềm tin Kitô Giáo vào các dân tộc thuộc mọi nền văn hóa. Sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí trong cộng đoàn Kitô hữu quan trọng hơn bao giờ hết. Thần Khí không chỉ được xem như là sức mạnh thiêng liêng hay quyền lực Thiên Chúa đối với nhân loại và thế giới thụ tạo, nhưng Thần Khí chính là Thiên Chúa. Khám phá sự tiến triển trong Thánh Linh Học theo thánh Gioan, chúng ta sẽ có cái nhìn sâu rộng hơn về căn tính và vai trò Thần Khí trong chương trình mặc khải của Thiên Chúa.

3. Thánh Linh Học Của Thánh Gioan - Mô Hình Của Hội Nhập Văn Hóa

Trong các sách Tin Mừng, thuật ngữ ‘Thần Khí' được sử dụng khá đa dạng, chẳng hạn như Thần Khí xuất hiện khi Đức Giêsu chịu phép rửa (Mt 3,13-17); Thần Khí dẫn Đức Giêsu vào hoang địa (Mt 4,1-11); tội chống lại Thần Khí (Mc 3,28-30); Thần Khí trong những tín hữu bị bách hại (Mc 13,11); Thần Khí với Gioan Tẩy Giả (Lc 1,13-17); Thần Khí với Simeon (Lc 2,25-32). Thuật ngữ này cũng được sử dụng trong sách Công Vụ Tông Đồ và những thư mục vụ với những hàm ý khác nhau (Cv 2,33; Cv 5,27-32; Rm 8,22-27; 1 Cr 3,16-17; Gl 5,16-26; Ep 4,1-6; Tt 3,4-7; 2 Pr 1,19-21; 1 Ga 4,13). Nhìn chung, thuật ngữ ‘Thần Khí' trong các trình thuật này được hiểu như là Thần Khí Thiên chúa hoặc Thần Khí của Chúa Phục Sinh. Thần Khí trực tiếp linh hứng cho các hoạt động loan báo Tin Mừng và phụng tự của cộng đoàn Kitô Giáo nhằm biểu lộ tương quan giữa các tín hữu với nhau cũng như tương quan giữa họ với Đức Giêsu.[81] Sự hiểu biết về Thần Khí trong những trình thuật này không đạt được ‘độ sâu cần thiết' như sự hiểu biết mà Gioan diễn tả trong Tin Mừng.[82] Hơn các Tin Mừng Nhất Lãm và các sách Tân Ước khác, Tin Mừng theo thánh Gioan nói nhiều đến Thần Khí trong cuộc đời Đức Giêsu và các môn đệ Người. James Dunn cho rằng Tin Mừng Gioan có thể được xem là sản phẩm của Thần Khí.[83] Một trong những điểm căn bản của Tin Mừng Gioan là thánh nhân giới thiệu đề tài Thánh Linh Học cách đặc sắc hơn so với các sách khác của Tân Ước. Người đọc Tin Mừng Gioan sẽ nhận ra sự tiến triển các đề tài Thánh Linh Học qua việc thánh nhân diễn tả các chủ đề liên quan. Thánh nhân không giới hạn khái niệm Thần Khí theo nhãn quan truyền thống Do Thái hay dân ngoại. Đối với thánh nhân, Thần Khí không chỉ là gió, hơi thở của Thiên Chúa, nhưng là sức mạnh, quyền năng của Thiên Chúa và phân biệt với Chúa Cha và Đức Giêsu.

Từ đầu cho đến hết chương mười ba Tin Mừng Gioan, chúng ta nhận ra rằng chưa có khai triển đáng kể nào về khái niệm Thần Khí so với các tác phẩm Kinh Thánh khác.[84] Chẳng hạn, Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu khi Người khởi đầu sứ mệnh (Ga 1,32-33); tái sinh trong nước và Thần Khí (Ga 3,5); tư tưởng nhị nguyên giữa Thần Khí và xác phàm (Ga 3,6); tự trị và độc lập của Thần Khí (Ga 3,8); thờ phượng trong Thần Khí (Ga 4,23-24); mối liên hệ nội tại giữa Thần Khí và sự sống (Ga 6,63). Căn tính và vai trò của Thần Khí được làm rõ hơn trong những chương cuối của Tin Mừng. Yves Congar nêu ra bốn mối liên hệ cơ bản theo nghĩa Thần Khí được miêu tả như là Đấng Bầu Cử từ chương mười bốn trở đi. Đó là (1) Thần Khí trong liên hệ với Chúa Cha, (2) Thần Khí trong liên hệ với Chúa Con, (3) Thần Khí trong liên hệ với các môn đệ Đức Giêsu, và (4) Thần Khí trong liên hệ với thế gian.[85] Trong chương thứ nhất Tin Mừng Gioan, vai trò của Thần Khí còn mơ hồ và khó hiểu. Sự diễn tả của thánh nhân không vượt quá giới hạn quan niệm đương thời về Thần Khí. Tư tưởng và khái niệm về Thần Khí trong chương này không có gì khác nhiều so với tư tưởng và khái niệm trong Cựu Ước hoặc thế giới bên ngoài Do Thái.  Đặc biệt, sự ảnh hưởng tư tưởng nhị nguyên trên các đoạn văn này khá rõ nét khi mà các thực thể cùng tồn tại và đối kháng, chẳng hạn như ánh sáng và bóng tối (Ga 1,5), Thần Khí và xác phàm (Ga 3,6),  trời và đất (Ga 3,31), sống và chết (Ga 3,36), trên và dưới (Ga 8,23), chân lý và dối trá (Ga 8,44-45), Thiên Chúa và Satan (Ga 13,27).[86] Trong đó, thánh nhân làm nổi bật những gì thuộc phạm vi Thần Khí và xem nhẹ những gì thuộc phạm vi vật chất. 

Qua cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô trong Ga 3,1- 21, thánh nhân chỉ ra rằng đối với Đức Giêsu, tái sinh bởi nước và Thần Khí là cần thiết để được vào Nước Thiên Chúa. Thánh nhân tiếp tục trình bày chủ đề này trong cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari bên giếng Giacóp (Ga 4,7- 2).[87] Trở lại chương đầu sách Sáng Thế, nước và thần khí (gió) được xem là hai yếu tố cơ bản của vạn vật (St 1,2). Một lần nữa, trình thuật sáng tạo nguyên thủy này được lặp lại trong Tin Mừng Gioan để nói lên sự liên tục của Thần Khí trong tiến trình lịch sử nhân loại.[88] Thần khí sáng tạo trong sách Sáng Thế cũng là Thần Khí  sáng tạo trong Tân Ước. Đời sống mới sẽ được ban cho nhân loại qua sự tái tạo của Thần Khí. Đức Giêsu nhấn mạnh việc tái sinh bởi nước và Thần Khí là cần thiết để có sự sống từ trên (anōthen: ἄνωθεν). Theo Perkins, thuật ngữ ‘anõthen ἄνωθεν).' có thể mang nghĩa ‘từ trên', ‘từ khởi đầu' hoặc ‘lại' (lặp lại, sinh lại).[89] Trong cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, đời sống con người theo Nicôđêmô hiểu chỉ ở ‘cấp độ trần thế', ông không nhận thấy Đấng đang nói với ông đến từ trên và hứa ban đời sống mới từ trên (Ga 3,5). Đức Giêsu chỉ ra sự đối lập giữa ‘sinh bởi Thần Khí' và ‘sinh bởi xác thịt'. Cụ thể là những ai sinh bởi Thần Khí thì thuộc về thế giới Thần Khí và những ai sinh bởi xác thịt thì thuộc về thế giới xác thịt (Ga 3,6). Nói cách khác, những ai sinh bởi Thần Khí là sinh bởi Thiên Chúa và sống trong Nước Thiên Chúa.[90]

Thánh nhân cũng diễn tả sự đối lập giữa đời sống xác thịt và đời sống trong Thần Khí. Chẳng hạn, ngài trình thuật lời Đức Giêsu: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6,63). Thánh nhân xem  sự sống thần khí đối lập với sự sống thân xác và sự yếu đuối, vô luân của nhân loại được đồng hóa với xác thịt.[91] Trong bối cảnh các Kitô hữu tiên khởi, dưới sự ảnh hưởng Do Thái Giáo và văn hóa Hy Lạp, thật dễ hiểu khi họ nếm trải căng thẳng giữa đời sống dưới ách tội lỗi và đời sống trong Thần Khí.[92] Theo thánh Gioan, đời sống mới trong Thần Khí giúp các tín hữu tham dự vào sứ mệnh Đức Giêsu như là các môn đệ Người.

Chủ đề các môn đệ trong liên hệ với Thần Khí được trình bày cụ thể trong Ga 14-15. Chẳng hạn, Đức Giêsu xin Thiên Chúa sai Chúa Thánh Thần xuống: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16); “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Trong Ga 15,26-27, Thánh Thần được sai đến bởi Đức Giêsu vinh hiển. Thánh Thần, Đấng mà Đức Giêsu sai đến từ Chúa Cha sẽ làm chứng cho Đức Giêsu. Các môn đệ Đức Giêsu không thực thi sứ mệnh đơn độc nhưng với sự linh hứng và hướng dẫn của Thánh Thần. Các môn đệ Đức Giêsu sẽ gặp những thử thách từ ‘thế gian' (Ga 15,18- 25), nhưng Thánh Thần sẽ đến an ủi và hướng dẫn họ (Ga 16,4-11). Thánh Thần giúp họ phân biệt những gì đến từ Thiên Chúa và những gì đến từ ma quỷ, cũng như đâu là Thần Khí sự thật và đâu là thần khí giả dối (1 Ga 4,1-6).

Tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đệ Người đạt đỉnh điểm trong lời cầu nguyện sầu não của Đức Giêsu với Chúa Cha trong đêm trước cuộc khổ nạn (Ga 17,1-26). Đức Giêsu diễn tả sự hiệp nhất giữa Người với Chúa Cha trong Thánh Thần qua đời sống các môn đệ.[93] Với ơn linh hứng và hướng dẫn của Thánh Thần, các môn đệ sẽ làm những việc Đức Giêsu đã làm, thậm chí còn làm

những việc lớn lao hơn nữa, vì Đức Giêsu đến cùng Chúa Cha (Ga 14,12). Đức Giêsu ám chỉ rằng với việc Thánh Thần ngự xuống, các môn đệ có thể mang Tin Mừng đến với các nền văn hóa khác vượt ra ngoài khuôn khổ miền Palestine.

Thánh Thần sẽ làm chứng cho công việc các môn đệ và làm chứng về sự sai lầm của thế gian (Ga 16,8). Thánh Thần sẽ đưa các môn đệ vào đường chân lý vẹn toàn (Ga 16,13-15). Trong diễn tiến  của Tin Mừng Gioan cho đến Ga 16,28, các môn đệ dường như gặp khó khăn trong việc hiểu giáo huấn của Đức Giêsu. Với ơn linh hứng của Thánh Thần, các môn đệ trở nên những con người năng động và kiên định hơn.[94] Chẳng hạn, Maria Mađalêna đã từng được coi là

người phụ nữ yếu đuối, nhưng nhờ lời Đức Giêsu, bà trở nên người phụ nữ can đảm và tiên phong loan báo Đức Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ (Ga 20,11-19). Sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các môn đệ thực thi quyền lực giao hòa của Thiên Chúa đối với nhân loại (Ga 20,22-23). Trong ý nghĩa đó, chúng ta có thể hiểu rằng Thần Khí luôn luôn ở với các môn đệ để họ có thể đóng vai trò giảng dạy và tài phán thay mặt Đức Giêsu và đứng vững trước những thử thách sắp xảy đến trong lúc loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho tất cả các nền văn hóa.[95]

Trong sứ mệnh của môn đệ, Thánh Thần đóng vai trò chính yếu trong việc giúp họ làm chứng về Đức Giêsu (Ga 15,26; 16,14).[96] Điều này lặp lại trình thuật trong chương thứ nhất, ở đó Gioan Tẩy Giả nhận ra Thần Khí như là chứng nhân cho sứ mệnh của Đức Giêsu (Ga 1,29-34).[97] Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ trở thành những chứng nhân cho tình yêu hải hà của Thiên Chúa qua sứ mệnh của

họ trên dương thế.[98] Cùng với các môn đệ, Thánh Thần làm chứng cho Đức Giêsu, đây là một điểm mới mẻ. Điều này có thể được giải thích rằng Tin Mừng Gioan được viết trong giai đoạn các tín hữu trong cộng đoàn tiên khởi bị bách hại. Matthew Vellanickal cho rằng chứng tá của Thánh Thần sẽ truyền cảm hứng cho các môn đệ, ngõ hầu họ kiên định với niềm tin vào Đức Giêsu trong thời điểm ngặt nghèo.[99]

Thánh Gioan hiểu Thần Khí như là Đấng Bảo Trợ (Ga 14,16.26; Ga 15,26; Ga 16,7) hoặc Thần Khí Sự Thật (Ga 14,17; Ga 15,26; Ga 16,13). Vai trò Đấng Bảo Trợ có thể được xem như Đấng An Ủi, Đấng Khuyên Giải, Đấng Phù Trợ, Đấng Dạy Bảo hay Đấng Giải Thích.[100] Đấng Bảo Trợ, Quà Tặng vĩnh hằng, được Chúa Cha trao ban trước tiên cho các môn đệ nhằm đáp lại lời cầu nguyện của Đức Giêsu và ở lại với họ như Đức Giêsu ở với họ và trong họ (Ga 14,20.23; Ga 15,4-5; Ga 17,23-26).[101] Đấng Bảo Trợ cũng được xem như là vị đại diện Đức Giêsu (Ga 16,12-15).[102] Nhiệm vụ của Đấng Bảo Trợ cũng là nhiệm vụ của Đức Giêsu.[103] Hơn nữa, thánh nhân nhấn mạnh việc Đấng Bảo Trợ được Chúa Cha và Đức Giêsu gửi đến sẽ xét xử người lành, kẻ dữ, và dẫn các môn đệ đến chân lý của  Đấng Phục Sinh. Đấng Bảo Trợ hay Đấng Bầu Cử đóng vai trò ban sự sống, giảng dạy và minh chứng về Đức Giêsu trước các tín hữu và ‘thế gian'. Thánh Thần sẽ hiện diện luôn mãi trong cộng đoàn tín hữu, những người được tách biệt khỏi thế gian cho mục đích mở mang Nước Thiên Chúa luôn mãi (Ga 14,16-17).[104]

Thánh Thần thường được xem như là Thần Khí Thiên Chúa hay Thần Khí Đức Giêsu. Nhãn quan này phổ biến trong các sách Tân Ước. Tuy nhiên, Thánh Thần được xem như là Đấng Bảo Trợ được Chúa Cha và Chúa Con sai đến, phân biệt với Chúa Cha và Chúa Con, là một điểm mới trong Thánh Linh Học của Tin Mừng Gioan. Montague nhấn mạnh: “Theo một phương thế đặc biệt, Chúa Thánh

Thần trong [Tin Mừng] Gioan là Đấng Bầu Cử, Công Tố Viên kết án ‘hoàng tử thế gian này' bằng việc chỉ ra đâu là chân lý thực sự trong phiên tòa xét xử và sự chết của Đức Giêsu và hiện giờ trong phiên tòa tiếp diễn của các môn đệ. Với cách thức này, vai trò Thần Khí như một Ngôi Vị phân biệt ngày càng hiện rõ hơn, mà vẫn không làm mất đi ý nghĩa căn bản có từ ban đầu là hơi thở của chính Thiên Chúa.”[105]

Trong Tin Mừng, thánh Gioan đào sâu và khai triển các chủ đề nhằm gia  tăng sự xác tín của các độc giả. Hầu hết các chủ đề được khai triển từ tổng quát đến cụ thể, từ trừu tượng đến rõ ràng. Chẳng hạn, trong những chương đầu, chúng ta nhận thấy rằng mối tương quan giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa còn mang tính siêu hình, trừu tượng (Ga 1,1-2). Dần dần, tương quan giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa là tương quan Cha và Con. Theo một nghĩa nào đó, Chúa Cha lớn hơn Chúa Con (Ga 14,15-16). Sau đó, tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con là tương quan ngang hàng, nghĩa là vai trò Chúa Cha và Chúa Con không phân biệt (Ga 14,26; Ga 15,26; Ga 16,7).[106] Tương tự như thế, chủ đề về tương quan giữa nhân loại và Thiên Chúa cũng được khai triển cách tiệm tiến. Chẳng hạn, trong phần mở đầu, thánh nhân nói rằng những ai đón nhận Lời Thiên Chúa thì được ban cho khả năng (ἐξουσία) trở thành con cái Thiên Chúa (τέκνα Θεοῦ γενέσθαι)). Từ chương mười bốn về sau, mối tương quan giữa Thiên Chúa và các tín hữu được cụ thể hơn. Với sự linh hứng và hướng dẫn của Thánh Thần, các tín hữu không chỉ có khả năng trở thành con cái Thiên Chúa như được đề cập trong những chương đầu (Ga 1,12).[107] Đúng hơn, họ thật là con cái Thiên Chúa nhờ cảm nghiệm và được thông ban Thần Khí.[108] Thiên Chúa không chỉ là Cha của Đức Giêsu, mà còn là Cha của toàn thể nhân loại, của những ai tiếp nhận Đức Giêsu (Ga 14,21-24). Thánh Gioan giảng dạy điều này ngay trước Cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, khi mà những người theo giáo huấn Người được gọi là con cái Thiên Chúa cách minh nhiên (Ga 14-17).[109]

Chủ đề Thần Khí cũng được khai triển tương tự như vậy. Thần Khí được hiểu như là hơi thở, gió hoặc quyền lực thiêng liêng trong các chương đầu của Tin Mừng Gioan. Dần dần, trong những chương cuối, chủ đề Thần Khí được trình bày theo cách thức cụ thể và rõ ràng hơn. Trong khi vai trò Thần Khí ở các chương đầu như là quyền năng hay quyền lực của Thiên Chúa, vai trò của Thần Khí trong những chương cuối như là Ngôi Vị, bởi vì Thần Khí là Đấng Bầu Cử. Khi nói như thế, thánh Gioan đưa ra quan niệm mới về căn tính của Thần Khí, Đấng được trình bày như là vị trung gian trong các mối tương quan (với Thiên Chúa là Cha, với Đức Giêsu Kitô là Con, với các môn đệ và với thế gian). Qua việc phát triển chủ đề Thần Khí, thánh Gioan dẫn độc giả từng bước đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa cũng như kế hoạch cứu độ của Người.[110] Thánh Gioan cho chúng ta nhận thức rằng việc sai Thánh Thần đến sau khi Đức Giêsu phục sinh là để tha thứ tội lỗi và cứu độ nhân loại (Ga 20,22-23). Theo đó, con người không thể tìm thấy ơn cứu độ cách nào khác hơn là duy trì mối tương quan với Thánh Thần. Cách duy nhất để sống trong tương quan với Đức Giêsu là mở rộng cõi lòng để đón nhận Thánh Thần (Ga 16,12-15). Thánh Gioan hiểu rằng Thánh Thần được sai đến bởi Chúa Cha và Chúa Con hầu dẫn đưa nhân loại từ đời sống bên dưới tới đời sống bên trên, từ hạ giới tới thượng giới.[111] Nhờ hoạt động của Thánh Thần, vị thế nhân loại sẽ được thay đổi từ bên trong, từ trái tim, từ cõi lòng. Hơn nữa, với việc hiện diện luôn mãi của Thánh Thần, các tín hữu sẽ trở thành các nhân tố năng động trong việc loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Chúng ta có thể nói rằng cách thức thánh Gioan trình bày chủ đề Thần Khí trong Tin Mừng Thứ Tư là cách thức hội nhập văn hóa. Trước hết, thánh nhân không đi ngay vào chủ đề Thần Khí trong đó vai trò Thần Khí mang tính cá vị và phân biệt với Thiên Chúa là Cha và Đức Giêsu là Con. Đúng hơn, thánh nhân đưa vào các tư tưởng và khái niệm về thần khí vốn không xa lạ đối với độc giả, cả dân Do Thái lẫn dân ngoại. Thần Khí trong các chương đầu của Tin Mừng không khác với thần khí như được hiểu trong Cựu Ước, trong văn hóa Hy Lạp hay trong các nền văn hóa trên thế giới (Ga 3,5-10; Ga 4,22-25). Trong các chương này, thánh nhân đưa ra cách trình bày chủ đề Thần Khí phù hợp với bối cảnh văn hóa của độc giả nhằm giúp họ không quá bỡ ngỡ. Dần dần, thánh nhân dẫn độc giả tới bối cảnh và nhận thức rộng lớn hơn về căn tính, đời sống và vai trò của Thần Khí, trong đó, Thần Khí vừa duy nhất, vừa phân biệt với Thiên Chúa là Cha và Đức Giêsu là Con. Chẳng hạn, Thần Khí được Chúa Cha sai đến (Ga 14,16) hoặc được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con (Ga 14,26), hoặc được Chúa Con sai đến từ Chúa Cha (Ga 15,26), hoặc Thần Khí được chính Chúa Con sai đến (Ga 16,7).

Độc giả của Tin Mừng Gioan có thể nhận ra rằng trong chủ đề Thần Khí, thánh Gioan đã vượt qua biên giới sự hiểu về Thần Khí trong bối cảnh văn hóa mà thánh nhân đang sống, cũng như bối cảnh văn hóa những người đương thời. Nói cách khác, thánh nhân đã hội nhập một lối trình bày mới về chủ đề Thần Khí vào nền văn hóa Do Thái cũng như các hình thức văn hóa đương thời. Trong nhãn quan thánh nhân, các quan niệm và tư tưởng về Thần Khí trong văn hóa Do Thái cũng như các hình thức văn hóa đương thời cần được canh tân, ngõ hầu chúng có thể diễn tả một cách đúng đắn hơn mạc khải của Thiên Chúa qua Biến Cố Đức Giêsu. Bằng cách đó, thánh nhân mở ra con đường mới cho việc tìm hiểu mạc khải Thiên Chúa được thực hiện nhờ Đức Giêsu trong Thần Khí. Những trình bày của thánh nhân giúp mọi người có được nhận thức rằng Thần Khí luôn đồng hành cùng Đức Giêsu và những ai tiếp tục thi hành sứ mệnh Người. Cách trình bày về Thần Khí theo nhãn quan thánh Gioan mở ra chương mới trong việc đào sâu, tìm hiểu căn tính và vai trò của Thần Khí trong lịch sử nhân loại, đặc biệt, trong sứ mệnh của các môn đệ, những người quy tụ thành cộng đoàn nhân danh Đức Giêsu phục sinh để loan báo Tin Mừng cho mọi nền văn hóa.

4. Chúa Thánh Thần - Tác Nhân Chính Của Hội Nhập Văn Hóa

Sau khi phục sinh, Đức Giêsu trở thành Đấng Đồng Gửi (Co-sender) Thánh Thần đến cho nhân loại (Ga 14,26).[112] Theo nghĩa đó,Wilbert R. Shenk nhấn mạnh: “Sứ mệnh của Thiên Chúa [mission Dei] không thể hiểu được khi tách rời khỏi công việc của Thánh Thần.” [113] Nếu không có ơn linh hứng và hướng dẫn của Thánh Thần, các môn đệ không thể chu toàn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Như Đức Giêsu, Đấng được xức dầu Thánh Thần để khởi đầu sứ mệnh của Người, các môn đệ cũng được tràn đầy ơn Thánh Thần để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người (Is 61,1; Lc 4,18-19).[114]

Trong nhãn quan các tác giả Kinh Thánh Tân Ước nói chung, nhất là thánh Gioan, sứ mệnh Đức Giêsu được thực hiện theo một phương thế mới, qua sự cộng tác của các môn đệ Đức Giêsu và dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Lucien Richard viết: “Các tác giả Kinh Thánh Tân Ước có thể thực thi tự do trong tương quan với các truyền thống của Đức Giêsu, vì họ tin rằng Đức Giêsu, Đấng đã nói

trong quá khứ cũng chính là Đức Giêsu Đấng hiện giờ đang nói với những kẻ theo Người qua Chúa Thánh Thần.”[115] Sự ra đi của Đức Giêsu không chia cắt mối tương quan sống động giữa Người với những ai thân tín. Các môn đệ nhận ra rằng họ được Chúa Phục Sinh ủy thác sứ mệnh loan báo giáo huấn Người cho muôn dân (Mt 28,18- 20; Mc 16,14-18; Lc 24,36-49; Ga 20,19-29). Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng trong nhãn quan các tác giả Tân Ước, Thánh Thần vừa làm chứng cho vinh quang của Đức Giêsu với Chúa Cha, vừa làm chứng cho giáo huấn của Người với nhân loại qua sứ mệnh các môn đệ.

 Thần Khí mà các môn đệ Đức Giêsu lãnh nhận chính là Thần Khí của Đức Giêsu.[116] Điều này được thể hiện qua các ‘biểu thức' của thánh Phaolô: ‘Thần Khí Chúa ngự trên anh em' tương đương với ‘anh em có Thần Khí của Đức Kitô' và tương đương với ‘Đức Kitô ngự trong anh em.[117] Cũng theo thánh Phaolô, con người được biến đổi từ bên trong, ngõ hầu họ có thể trở thành nơi cư ngụ của Thánh Thần (1 Cr 3,16-17; 1 Cr 6,19-20). Những người sống theo giáo huấn của Đức Giêsu trong giai đoạn đầu loan báo Tin Mừng nhận ra rằng họ được tách biệt khỏi những người sống trong thời Cựu Ước. Hermann Gunkel nhận xét: “Trong thời Tân Ước, các Kitô hữu được nhìn nhận như là tràn đầy Thánh Thần. Đây là đặc tính khác biệt giữa Tân Ước và Israel cổ cũng như Do Thái Giáo, nơi chỉ nhận được Thần Khí theo vai trò của những cá nhân, và hy vọng được đổ tràn trên toàn thể.”[118]

Thần Khí đóng vai trò làm cho mọi người tin tưởng và nhận ra những lời nói và việc làm của Đức Giêsu được cụ thể hóa trong Tin Mừng và được thực hiện trong cộng đoàn các tín hữu. Cách cụ thể hơn, niềm tin vào Đức Giêsu đặt nền tảng trên giáo huấn của Người trong Tin Mừng.[119] Giáo huấn đó được các tác giả viết ra dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.[120] Cũng chính Thánh Thần hoạt động trong các cộng đoàn Kitô hữu để họ nhận biết giữa vô vàn tài liệu diễn  tả nội dung đức tin, bản văn nào thuộc danh mục các sách thánh.[121] Matthew L. Lamb đồng ý với nhãn quan này khi nhấn mạnh: “Tin Mừng không phải là sự thực hành hay sản phẩm sáng tạo của con người hay khuynh hướng quy thiên của con người; đúng hơn, Tin Mừng được tạo nên bởi sứ mệnh của Ngôi Lời và Thánh Thần để cứu chuộc nhân loại.”[122] Nói cách khác, chính Thánh Thần hoạt động trong truyền thống các cộng đoàn Kitô hữu để khai sinh Tin Mừng. Cũng chính Thánh Thần, Đấng hoạt động trong truyền thống các cộng đoàn Kitô hữu nhằm diễn tả Tin Mừng, ngõ hầu nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của các thành viên trong các cộng đoàn.[123]

Nhiệm vụ hội nhập văn hóa để đem Tin Mừng đến với muôn dân luôn đối diện với nhiều thách đố. Mariasusai Dhavamony khẳng định: “Từ Lễ Ngũ Tuần trở đi, bắt đầu một sứ mệnh khó khăn và lâu dài là biến đổi toàn thể thế giới thành thực tại đầy tràn Thánh Thần, trong đó con người là khí cụ thông hiểu (Rm 8).”[124] Thách đố này chủ yếu phát xuất từ những khác biệt giữa văn hóa Do Thái Giáo và văn hóa Hy-La. Sở dĩ như vậy là vì hạt nhân của Tin Mừng bám rễ trong Cựu Ước và trong văn hóa Do Thái, trong khi chiều kích ngoại tại của Tin Mừng, như các khía cạnh chính trị-xã hội và văn chương, lại phụ thuộc văn hóa Hy-La.[125] Tuy nhiên, có thể nói rằng tiến trình hội nhập văn hóa tận dụng được nhiều lợi thế hơn là bất lợi từ văn hóa Hy-La. Thánh Thần ‘đặt để' Tin Mừng vào trong tâm trí và cõi lòng những ai chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa này và hướng dẫn họ loan báo Tin Mừng cho những người thuộc các nền văn hóa khác.

Trong Cựu Ước, lời Thiên Chúa được khắc vào những bia đá để dân Do Thái có thể đọc và thi hành trong đời sống hằng ngày. Giờ đây, với vai trò chính của Thánh Thần, lời Thiên Chúa tiếp tục ở lại trong tâm hồn con người như thánh Phaolô khẳng định: “Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” (2 Cr 3,3). Thần Khí hiện diện trong nhân loại để biến đổi và canh tân tất cả mọi người. Chúng ta có thể nói rằng Thánh Thần gặp gỡ tinh thần con người, như Karl Barth nhận định: “Chúa Thánh Thần không giống với tinh thần con người, nhưng Chúa Thánh Thần gặp gỡ tinh thần con người.”[126] Thần Khí linh hứng và dẫn đưa tinh thần con người tới nguồn mạch sự sống đời đời trong Thiên Chúa. Thần Khí ban sinh khí cho tinh thần con người để mỗi người trở thành nhân chứng cho những đau khổ, sự chết và phục sinh của Đức Giêsu.[127]

Thần Khí hoạt động trong những người mang Tin Mừng và những người đón nhận Tin Mừng cũng như văn hóa của họ.[128] Theo đó, Thần Khí ‘điều chỉnh' sự giao thoa giữa văn hóa và giáo huấn Đức Giêsu và biến đổi văn hóa theo giáo huấn Đức Giêsu, nhằm đưa đến các quy chuẩn phổ quát hầu mưu ích cho mọi người.[129] Như vậy, với ơn linh hứng của Thánh Thần, đức tin Kitô Giáo sẽ vươn tới các nền văn hóa và nhào nặn chúng, để chúng có thể mang giá trị Tin Mừng đến cho những người thuộc các nền văn hóa đó. Với ơn linh hứng của Thánh Thần, những nền văn hóa này sẽ định dạng tâm tư, tình cảm và hành động của con người sao cho phù hợp với giáo huấn Đức Giêsu.[130]

Thần Khí đóng vai trò thiết lập các cộng đoàn Kitô hữu mới trong các nền văn hóa. Những cộng đoàn này làm dậy men Tin Mừng trong mọi chiều kích của cuộc sống. Geffré nhấn mạnh: “Kitô giáo tồn tại bất cứ nơi nào Thần Khí Đức Kitô thiết lập hữu thể mới thuộc cá nhân và cộng đoàn con người nảy sinh.”[131] Cùng với Thần Khí, Kitô giáo trở thành hiện tượng mới lan rộng tận cùng trái đất và biến đổi các nền văn hóa. Theo nhãn quan của Ravi Santosh Kamath: “Kitô giáo như là tôn giáo đại đồng không có căn tính nào khác hơn là Thần Khí của Đấng Cứu Độ, Đức Giêsu Kitô, và dấu chỉ của tình yêu huynh đệ, theo mẫu gương tình yêu Đức Kitô đạt tới đỉnh điểm là chết cho người khác (Ga 13,35).”[132] Kitô giáo sẽ luôn là thực thể đang lớn lên giữa những thách đố gây ra bởi những khác biệt văn hóa, lịch sử, xã hội.

Thần Khí đến với mọi người qua tiến trình hội nhập văn hóa hướng tới sự hiệp nhất toàn thể nhân loại trong môi trường cứu độ. Trong Thông Điệp Sứ Mệnh Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Thần Khí hiện diện và tác động không chỉ trên mỗi cá nhân, nhưng còn trên xã hội và lịch sử, dân tộc, văn hóa và tôn giáo.”[133] Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng Thần Khí hiện diện vì lợi ích toàn thể nhân loại như một cộng đoàn phổ quát. J. B. Banawiratma viết: “Nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần là đưa con người là con cái Thiên Chúa đến hiệp thông với Đức Kitô và sứ mệnh của Người.”[134] Thần Khí trở thành điểm nối kết giữa Đức Giêsu và những kẻ theo Người cũng như những ai đang trên đường tìm kiếm Người là Đấng Cứu Độ duy nhất.

Theo nghĩa rộng hơn, chúng ta có thể nói rằng Thần Khí là Vị Trung Gian giữa môi trường Thiên Chúa và môi trường nhân loại từ sáng tạo đến cánh chung. Chúng ta nhận thức rằng từ sáng tạo đến cuộc nhập thể của Đức Giêsu, Thần Khí đóng vai trò thể hiện sức mạnh thần linh qua hình ảnh gió, hơi thở hay sinh khí của Thiên Chúa. Từ cuộc nhập thể của Đức Giêsu về sau, Thần Khí mạc khải rằng qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đến với toàn thể nhân loại và hướng dẫn họ theo chương trình cứu độ của Người. Shenk xem sự hiện diện của Thần Khí là để điều hành chương trình này khi viết: “Trong những ngày sau hết này, Chúa Thánh Thần nắm giữ hai cực của hành động Thiên Chúa cứu độ: Kitô luận và cánh chung luận.”[135]

Mọi thành phần của Giáo Hội thông dự vào tiến trình hội nhập văn hóa đều nhận ra rằng Tin Mừng phải được vươn tới mọi khía cạnh của con người và rằng sinh lực của Thần Khí Tin Mừng có khả năng và sức mạnh để hội nhập vào mọi nền văn hóa.[136] Mariasusai Dhavamony minh định: “Vì hội nhập văn hóa lấy nhập thể cứu độ như là mô mẫu của mình, Chúa Thánh Thần làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hóa. Đó là vì Giáo Hội hội nhập Tin Mừng có cùng nguyên lý nhập thể cứu độ và chia sẻ cùng đời sống. Tính liên tục của nhập thể cứu độ phải được định nghĩa như là sự hiện diện của Thần Khí trong Giáo Hội, vì sự hiện diện của Thần Khí cũng là sự hiện diện của Đức Kitô.”[137]

Theo Congar, Giáo Hội được hình thành bởi Thần Khí và tiếp tục sống động bởi Thần Khí.[138] Không có vai trò năng động của Thần Khí, Giáo Hội sẽ chẳng khác gì những tổ chức trần thế khác. Harrington nhấn mạnh: “Nếu không ngừng chú tâm vào kinh nghiệm Thiên Chúa trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, tốt nhất, Giáo Hội có thể trở thành một trường phái triết học, tệ nhất, Giáo Hội chỉ là một lực lượng chính trị khác.”[139] Trong Giáo Hội, Thần Khí đóng vai trò thánh hóa, hướng dẫn và canh tân, để Giáo Hội luôn là dấu chỉ sự hiệp thông của Thiên Chúa. Công Đồng các Giáo Hội trên thế giới (the World Council of Churches) nhấn mạnh: “Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn đưa Giáo Hội vào khuôn khổ đời sống trong tương quan với Chúa Ba Ngôi và hướng dẫn dân Thiên Chúa thông hiệp với Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.”[140] Với sự năng động của Thần Khí trong Giáo Hội, Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong thế gian (Mt 16,13- 20; Lc 10,9-11; Rm 14,17-19). Gunkel khẳng định: “Đối với Phaolô, lãnh nhận Thánh Thần là một trong những dấu hiệu chắc chắn nhất về sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa.”[141] Các đặc tính của Nước này là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần (Rm 14,17). Những dấu hiệu của Nước này là hiệp nhất trong ân sủng, sự đồng tâm nhất trí của muôn dân như là những chi thể của Thân Thể và lòng yêu người như là cùng đích của mọi việc làm (1 Cr 12-14).[142]

Thần Khí tiếp tục ở trong Giáo Hội như là tác nhân chính của hội nhập văn hóa. Trong Thần Khí, Giáo Hội tiếp tục vai trò loan báo Tin Mừng cho các nền văn hóa khác nhau, trong khi Giáo Hội đóng vai trò là cộng đoàn phổ quát định hướng các cộng đoàn địa phương riêng biệt. Amalorpavadass nhấn mạnh: “Một mặt, Giáo Hội xuất phát từ Thần Khí của Đức Kitô (ở đâu có Thần Khí, ở đó có Giáo Hội), và mặt khác từ những con người kiến tạo tình huynh đệ và sống trong nền văn hóa cụ thể nào đó.”[143] Thần Khí ở khắp nơi trong Giáo Hội và làm cho Giáo Hội hiện hữu như là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa nhân loại với Đức Giêsu và với Chúa Cha. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Thần Khí chỉ hiện diện trong ranh giới cơ cấu hữu hình của Giáo Hội. Đúng hơn, Thần Khí siêu việt Giáo Hội cũng như tất cả các hình thức giới hạn mà con người có kinh nghiệm, hiểu biết hay thiết đặt.[144]

5. Kết luận

Thần Khí Chúa hay Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu trong kế hoạch Thiên Chúa đối với sự hiện hữu và phát triển của nhân loại.[145] Đó là lý do giải thích tại sao nhân loại không bao giờ mất ý thức về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các nền văn hóa. Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm thức con người trên bình diện cá nhân và cộng đoàn. Đặc biệt, Chúa Thánh Thần hiện diện trong sự khôn ngoan, tư tưởng, cũng như những gì thiện hảo nơi con người thuộc tất cả các nền văn hóa trước Biến Cố Đức Giêsu. Khi thời gian tới thời viên mãn, Chúa Thánh Thần hiện diện cùng Đức Giêsu trong việc nhập thể và tiếp tục hiện diện với Người trong hành trình dương thế. Sau khi Đức Giêsu phục sinh, qua các môn đệ, Chúa Thánh Thần tiếp tục sứ mệnh của Đức Giêsu cho đến tận thế.[146]

Suy tư, tìm hiểu kinh nghiệm của các môn đệ Đức Giêsu và các tác giả Tân Ước, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về căn tính và vai trò của Chúa Thánh Thần. Qua đó, Chúa Thánh Thần không chỉ là gió, hơi thở hay quyền năng của Thiên Chúa. Đúng hơn, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa cũng như Đức Giêsu là Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Đức Giêsu để giảng giải Lời Chúa, làm những việc Đức Giêsu đã làm và tiếp tục sứ mệnh của Đức Giêsu cho đến tận thế. Đặc biệt, Chúa Thánh Thần luôn ở với các môn đệ Đức Giêsu trên hành trình loan báo Tin Mừng cho các nền văn hóa trong gia đình nhân loại. Chúa Thánh Thần cũng là tác nhân linh hứng cho tất cả mọi người đáp lại lời mời gọi của Ngôi Lời vĩnh cửu, Đức Giêsu, Đấng thông dự vào môi trường nhân loại để diễn tả sự hiệp thông của Thiên Chúa với nhân loại cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.

Chúa Thánh Thần trở thành tác nhân chính của việc hội nhập giáo huấn Đức Giêsu vào các nền văn hóa. Lễ Ngũ Tuần trở thành sự kiện ý nghĩa, từ đây, các môn đệ Đức Giêsu được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Thiên Chúa. Tại Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ Đức Giêsu quy tụ lại như cộng đoàn mới là Giáo Hội, để thực thi sứ mệnh đem Tin Mừng đến mọi nền văn hóa (hội nhập văn hóa) với niềm xác tín rằng Thánh Thần của Thiên Chúa, cũng là Thánh Thần của Đức Giêsu, và cũng là Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội.[147] Các môn đệ Đức Giêsu luôn tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần hiện diện trong các nền văn hóa, truyền thống và tôn giáo để quy tụ tất cả mọi người về với Thiên Chúa. Vì thế, sứ mệnh hội nhập văn hóa là sứ mệnh của Chúa Thánh Thần với sự cộng tác của những ai đặt niềm tin vào Biến Cố Đức Giêsu và nhận thức rằng Biến Cố này đem lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 121 (Tháng 11 & 12 năm 2020)
WHĐ (01.6.2021)



[1] Xem C. K. Barrett, Holy Spirit and the Gospel Tradition (London: Billing and Sons, 1954), 123.

[2] Xem Jurgen Moltmann, The Spirit of Life (Minneapolis: Fortress Press, 1992),40.

[3] Xem Daniel J. Harrington, The Church according to the New Testament(Chicago: Sheed and Ward, 2001), 16.

[4] Xem Jacques Dupuis, Jesus Christ at the Encounter of World Religions, trans. Robert Barr (New York: Orbis Books, 1989), 175.

[5] (Gen 1:1-2): “In the beginning God created the heavens and the earth. The earth was without form and void, and darkness was upon the face of the deep; and the spirit of God was moving over the face of the waters.”

[6] The motif of the relationship of the words of God and the spirit of God in creation is pervasive through almost all the books of Scripture. For example, in Ps 33:6, we read that “by the word of the Lord the heavens were made, and all their host by the breath of his mouth.”

[7] Xem Athanasius, in The Christian Doctrine of God, One Being Three Persons,ed. Thomas Torrance (Edinburgh: T&T Clark, 1996), 149.

[8] Xem Athanasius, “Epistle 1.31 to Bishop Serapion concerning the Spirit”, in The Letters of Saint Athanasius,  d. C. R. B. Shapland (London: The Epworth Press, 1951), 64

[9] Jurgen Moltmann, The Spirit of Life, 54.

[10] Jurgen Moltmann, The Spirit of Life, 41.

[11] Ibid. 48.

[12] Xem The New Jerome Bible Handbook, ed. Raymond Brown and Others (Collegeville: The Liturgical Press, 1993), 412.

[13] Xem Mary Donovan Turner, Old Testament Words (Missouri: Chalice Press, 2003), 95.

[14] Xem Robert P. Menzies, The Development of Early Christian Pneumatology (Sheffield: Sheffield Academic Press, 1991), 61-63.

[15] Xem George T. Montague, The Holy Spirit: Growth of a Biblical Tradition (New York: Paulist Press, 1976), 6

[16] Edward Schweizer, Spirit of God (London: Adam & Charles Black, 1960), 10.

[17] (Num 11:25): “Then the LORD came down in the cloud and spoke to him [Moses], and took some of the spirit that was upon him and put it upon the seventy elders; and when the spirit rested upon them, they prophesied” (Num 11:25).

[18] Xem Robert P. Menzies, The Development of Early Christian Pneumatology,55.

[19] Origen, in David Friedrich Strauss, “History and Myth”, in The Historical Jesus Christ: Landmarks in the Search for the Jesus of History, ed. Gregory W Dawes (Louisville: Westminster John Know Press, 2000),94.

[20] Fides et Ratio, 16. The encyclical Fides et Ratio was issued by John Paul II, 14 September 1998.

[21] Robert P. Menzies, The Development of Early Christian Pneumatology, 76.

[22] Saint Thomas Aquinas, in John Paul II, Fides et Ratio, 44. “Another of the great insights of Saint Thomas was his perception of the role of the Holy Spirit in the process by which knowledge matures into wisdom. From the first pages of his Summa Theologiae [Cf. I, 1,6: “Praeterea, haec doctrina per studium acquiritur. Sapientia autem per infusionem habetur, unde inter septem dona Spiritus Sancti connumeratur”], Aquinas was keen to show the primacy of the wisdom which is the gift of the Holy Spirit and which opens the way to knowledge of divine realities.``

[23] Xem Jurgen Moltmann, The Spirit of Life, 46.

[24] Xem George T. Montague, The Holy Spirit: Growth of a Biblical Tradition,91.

[25] Bernard Lonergan, Method in Theology (New York: The Seabury Press, 1979), 283.

[26] Theologically, self-denial in Buddhism and in Christianity is different. The purpose of Buddhist self-denial is to achieve Enlightenment (state of non-being), while the purpose of Christian self-denial is about being full with the Spirit.

[27] Pierre Teilhard de Chardin, Writings in Time of War, trans. René Hague (London: Collins, 1968), 154. The word ‘Spirit' used by Teilhard de Chardin in this place could not be understood as the personal Spirit of the Trinity.
Rather, Teilhard de Chardin considers ‘Spirit' as the dynamic source of universal evolution

[28] Xem Pierre Teilhard de Chardin, Human Energy, trans. J. M. Cohen (London: Collins, 1969), 95.

[29] Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures (New York: Basic Books, 1973), 52. Geertz says: “Man is to be defined neither by his innate capacities alone, as the Enlightenment sought to do, nor by his actual behaviors alone, as much of contemporary social science seeks to do, but rather by the link between them, by the way in which the first is transformed into the second, his generic potentialities focused into his specific performances.”

[30] Xem Pope John Paul II, Fides et Ratio, 2-3.

[31] Redemptoris Missio, 17. The encyclical Redemptoris Missio: On the Permanent Validity of the Church's Missionary Mandate was issued by John Paul II, 12 July 1990.

[32] Claude Geffré, The Risk of Interpretation: On Being Faithful to the Christian Tradition in a Non-Christian Age (New York: Paulist Press, 1987), 239.

[33] Anthony Bellagamba, Mission & Ministry in the Global Church (New York: Orbis Books, 1992), 121.

[34] Ibid.

[35] Ibid.

[36] Pierre Teilhard de Chardin, Human Energy, 32.

[37] Karl Rahner, The Trinity (London: Burns and Oates, 1970), 99.

[38] Xem Athanasius, “Epistle 1.30 to Bishop Serapion concerning the Spirit”, in The Letters of Saint Athanasius, ed. C. R. B. Shapland (London: The Epworth Press, 1951), 142.

[39] Michael E. Lodahl, Shekhinah/Spirit: Divine Presence in Jewish and Christian Religion (New York: Paulist Press, 1992), 41.

[40] Xem Pierre Teilhard de Chardin, Human Energy, 28.

[41] Xem Edward Schweizer, Spirit of God, 15.

[42] Horacio de la Costa, “The Asian Concept of Justice”, in Inculturation, Faith and Christian Life, ed. Jaime C. Bulatao and Others (Manila: Loyola Press, 1978), 32. Costa observes that “the pre-Spanish Filipinos had little or no concept of the rationality of nature, of its being an ordered universe, a cosmos. The spirits of wind and rain, fire and water, stream and sea did not operate according to law, but were unpredictable, indeed, capricious in their
behaviour; and so had to be propitiated ceaselessly.”

[43] Xem Vicente M. Marasigan, “Amen: Let the People Be”, in Inculturation, Faith and Christian Life, ed. Jaime C. Bulatao (Manila: Loyola Press, 1978), 52.

[44] Ibid. 51.

[45] Stephen B. Bevans, Models of Contextual Theology (New York: Orbis Books, 1998), 56.

[46] Redemptoris Missio, 29.

[47] Xem Ary A. Roest Crollius, “Inculturation and the Meaning of Culture”, Gregorianum 61 (1980): 261.

[48] Xem Louis-Marie Chauvet, Sacrament and Symbol: A sacramental Reinterpretation ofChristian Existence (Collegeville: Liturgical Press, 1993), 172.

[49] Xem George T. Montague, The Holy Spirit: Growth of a Biblical Tradition274.

[50] George T. Montague, The Holy Spirit: Growth of a Biblical Tradition, 274.

[51] Ibid. 301.

[52] In Christianity, Pentecost is celebrated 50 days after Easter or 10 days after the Ascension of the Risen Lord.

[53] Gordon Fee, Paul, the Spirit and the People of God (London: Hendrickson Publishers, 1997), 21.

[54] Xem Robert P. Menzies, The Development of Early Christian Pneumatology, 278

[55] Xem Wilbert R. Shenk, “The Mission Dynamic”, in Mission in Bold Humility, ed. Willem Saayman and Klippies Kritzinger (New York: Orbis Books, 1996), 88.

[56] Ary A. Roest Crollius, “Inculturation: From Babel to Pentecost”, in Creative Inculturation and the Unity of Faith, ed. Ary A. Roest Crollius and Others (Rome: Pontifical Gregorian University, 1986), 4.

[57] Fides et Ratio, 68: “In the New Testament, human life is much less governed by prescriptions than in the Old Testament. Life in the Spirit leads believers to a freedom and responsibility which surpass the Law.”

[58] Jürgen Moltmann, The Spirit of Life, 9. According to Moltmann, “the redeeming Spirit of Christ cannot be any Spirit other than Yahweh’s creative ruah.

[59] Samuel Rayan, The Holy Spirit: Heart of the Gospel and Christian Hope (New York: Orbis Books, 1978), 13.

[60] Gordon Fee, Paul, the Spirit and the People of God, 33.

[61] Robert P. Menzies, The Development of Early Christian Pneumatology, 317

[62] Karl Barth, Dogmatics in Outline, trans. G. T. Thomson (New York: Harper & Row, 1959), 138.

[63] Xem Karl Rahner, The Trinity, 85

[64] Xem Samuel Rayan, The Holy Spirit: Heart of the Gospel and Christian Hope, 6. Concerning the role of God’s Spirit in creation and God’s Spirit at the Annunciation to Mary, Rayan says that “here the Virgin, representing the earth, representing the waters of the new creation, was hovered over by the Holy Spirit, and the result was the new creation, Jesus Christ.”

[65] Xem James D. G. Dunn, Jesus and the Spirit (London: SCM Press, 1988), 62.

[66] René Laurentin, Catholic Pentecostalism (London: Doubleday, 1977), 61. According to Laurentin, ‘to speak in tongues’ occurs twenty times in the New Testament

[67] Samuel Rayan, The Holy Spirit: Heart of the Gospel and Christian Hope, 13.

[68] Zoltán Alszeghy, “Cultural Adaptation as an Internal Requirement of Faith”, in Gregorianum 63 (1982): 83.

[69] Redemptoris Missio, 21.

[70] Dom Thierry Maertens, “The Spirit of God in Scripture”, in The Living Word Series 6, ed. Gerard S. Sloyan (Dublin: Helicon Press, 1966), 55.

[71] Karl Rahner, Servants of the Lord, trans. Richard Strachan (New York: Herder and Herder, 1969), 123-124.

[72] George T. Montague, The Holy Spirit: Growth of a Biblical Tradition, 275

[73] Ibid. 300

[74] Daniel J. Harrington, The Light of all Nations (Delaware: Michel Glazier, 1982), 50.

[75] The disciples were called Christians for the first time in Antioch (Acts 11:26).

[76] (Acts 2:7-11): “And they were amazed and wondered, saying, are not all these who are speaking Galileans? And how is it that we hear, each of us in his own native language? Parthians and Medes and Elamites and residents of Mesopotamia, Judea and Cappadocia, Pontus and Asia, Phrygia and Pamphylia, Egypt and the parts of Libya belonging to Cyrene, and visitors from Rome, both Jews and proselytes, Cretans and Arabians, we hear them telling in our own tongues the mighty works of God.”

[77] (Joel 2:28): “And it shall come to pass afterward, that I will pour out my spirit on all flesh; your sons and your daughters shall prophesy, your old men shall dream dreams, and your young men shall see visions.”

[78] (Acts 10:44-46): “While Peter was still saying this, the Holy Spirit fell on all who heard the word. And the believers from among the circumcised who came with Peter were amazed, because the gift of the Holy Spirit had been poured out even on the Gentiles. For they heard them speaking in tongues and extolling God.”

[79] The word ‘church’ appears the first time in the Acts of the apostles (Acts 5:11).

[80] The World Council of Churches at Canberra: Signs of the Spirit, ed. Michael Kinnamon (Geneva: WCC Publications, 1991), 113.

[81] Xem Bible Dictionary, ‘the Holy Spirit’, ed. Paul J. Achtemeier and Others (New York: HarperCollins Publishers, 1996), 432.

[82] Xem John Wijngaards, The Spirit in John (Wilmington: Michael Glazier, 1988), 21.

[83] Xem James D. G. Dunn, Jesus and the Spirit, 352.

[84] Xem Francis J. Moloney, “Johannine Theology”, in The New Jerome Biblical Commentary, ed. Raymond Brown and Others (New Jersey: Prentice-Hall, 1990), 1424-1425

[85] Yves Congar, I Believe in the Holy Spirit, trans. David Smith (New York: The Crossroad Publishing Company, 2001), 54-55.

[86] Xem Francis J. Moloney, “Johannine Theology”, 1422.

[87] Xem Craig R. Koester, Symbolism in the Fourth Gospel (Minneapolis: Fortress Press, 1995), 167.

[88] Xem Raymond Brown, a Once -and- Coming Spirit at Pentecost (Minnesota: The Liturgical Press, 1994), 38.

[89] Xem Pheme Perkins, “The Gospel according to John”, in The New Jerome Biblical Commentary, 955.

[90] Xem John Wijngaards, The Spirit in John, 17.

[91] Xem Joseph Osei-Bonsu, “The Spirit as Agent of Renewal: the New Testament Testimony”, The Ecumenical Review 41 (1989): 456.

[92] Xem Jürgen Moltmann, Source: The Holy Spirit and the Theology of Life (Minneapolis: SCM Press, 1997), 74.

[93] Xem Ralph Del Colle, Christ and the Spirit (Oxford: Oxford University Press, 1994), 101.

[94] Dominum et Vivificantem, 25: Pope Paul John II says that “with the coming of the Spirit they [the disciples] felt capable of fulfilling the mission entrusted to them. They felt full of strength. It is precisely this that the Holy Spirit worked in them and this is continually at work in the Church, through their successors.” The encyclical Dominum et Vivificantem: On the Holy Spirit in the Life of the Church and the World was issued by John Paul II, 18 May 1986.

[95] Xem William Loader, The Christology of the Fourth Gospel (Frankfurt am Main: Peter Lang, 1992), 86.

[96] George T. Montague, The Holy Spirit: Growth of a Biblical Tradition, 338. According to Montague, “the Spirit bore witness to Jesus at the baptism in the Jordan in the form of a dove (Jn 1:33-34) and upon the cross in the mysterious symbolism of blood and water (Jn 19:33-35).”

[97] Xem Rodney A Whitacre, Johannine Polemic: The Role of Tradition and Theology (Chicago: Scholars Press, 1982), 98.

[98] Xem Anne Primavesi and Jennifer Henderson, “The Witness of the Holy Spirit”, The ecumenical review 41 (1989): 430.

[99] Xem Matthew Vellanickal, Studies in the Gospel of John (Bangalore: Asian Trading Corporation, 1982), 100.

[100] Xem Andrew Apostoli, The Advocate: The Spirit of Truth (New York: The Society of St. Paul, 1999), 18. The Greek word ‘παρακλητος’ (Paraclete) can be translated as the Comforter, the Helper, the Consoler or the Intercessor. However, according to Andrew Apostoli, primarily, the biblical meaning of the Paraclete is the Advocate (the Lawyer).

[101] Xem George Johnston, The Spirit-Advocate in the Gospel of John (Cambridge: Cambridge University Press, 1970)31.

[102] Ibid. 126.

[103] Xem William Loader, The Christology of the Fourth Gospel, 86.

[104]  Xem Matthew Vellanickal, Studies in the Gospel of John, 95.

[105] George T. Montague, The Holy Spirit: Growth of a Biblical Tradition, 368.

[106] Xem Yves Congar, I Believe in the Holy Spirit, 55.

[107] Xem D. Francois Tolmie, “The Characterization of God in the Fourth Gospel”, Journal for the Study of the New Testament 69 (1998): 69.

[108] Xem Matthew Vellanickal, Studies in the Gospel of John, 104.

[109] Xem D. Francois Tolmie, “The Characterization of God in the Fourth Gospel”, Journal for the Study of the New Testament 69 (1998): 74.

[110] Together with the exploration of the relationship between the Father and the Son, the Pneumatology of the Johannine Gospel can be seen as the foundation for building up of the Trinitarian doctrine of the Nicene - Constantinopolitan Council (325-381).

[111] Xem Edward Schweizer, “On Distinguishing Between Spirits”, The Ecumenical Review 41 (1989): 412.

[112] David Coffey, “Grace: The Gift of the Holy Spirit”, Faith an Culture no.2 (Sydney: Catholic Institute of Sydney, 1979), 157.

[113] Wilbert R. Shenk, “The Mission Dynamic”, 89.

[114] Xem Dominum et Vivificantem, 25. Pope John Paul II says that “the Risen Christ came and ‘brought’ to the Apostles the Holy Spirit. He gave him to them, saying ‘Receive the Holy Spirit.’ What had then taken place inside the Upper Room, ‘the doors being shut,’ later, on the day of Pentecost is manifested also outside, in public. The doors of the Upper Room are opened and the Apostles go to the inhabitants and the pilgrims who had gathered in Jerusalem on the occasion of the feast, in order to bear witness to Christ in the power of the Holy Spirit.”

[115] Lucien Richard, “Christology and the Needs for Limits: The Contextualization of Theology”, in One Faith, Many Cultures, ed. Ruy O. Costa (New York: Orbis Books, 1988), 56.

[116] Xem James D. G. Dunn, Jesus and the Spirit, 318.

[117] Xem James D. G. Dunn, Jesus and the Spirit, 323.

[118] Hermann Gunkel, The Influence of the Holy Spirit, trans. Roy A. Harrisville and Philip A. Quanbeck (Philadelphia: Fortress Press, 1979), 42.

[119] Matthew L. Lamb, “Inculturation and Western Culture: the Dialogical Experience between Gospel and Culture”, Communio 21 (1994): 128. Lamb says that “the norm of the Gospel is the concrete Person of Jesus Christ, the Word Incarnate, as sent by the Father and with the Father sending the Spirit to inform the ongoing mission of the Church, to proclaim the Gospel and make disciples of all nations.”

[120] Dei Verbum, 7: “The commission was fulfilled, too, by those Apostles and apostolic men who under the inspiration of the same Holy Spirit committed the message of salvation to writing.” The Constitution Dei Verbum: On Divine Revelation, issued the Second Vatican Council, 18 November 1965.

[121] Dei Verbum, 11: “Since everything asserted by the inspired authors or sacred writers must be held to be asserted by the Holy Spirit, it follows that the books of Scripture must be acknowledged as teaching solidly, faithfully and without error that truth which God wanted put into sacred writings for the sake of salvation.”

[122] Matthew L. Lamb, “Inculturation and Western Culture: the Dialogical Experience between Gospel and Culture”, 129.

[123] Dei Verbum, 8: “Through the same tradition the Church’s full canon of the sacred books is known, and the sacred writings themselves are more profoundly understood and unceasingly made active in her; and thus God, who spoke of old, uninterruptedly converses with the bride of His beloved Son; and the Holy Spirit, through whom the living voice of the Gospel resounds in the Church, and through her, in the world, leads unto all truth those who believe and makes the word of Christ dwell abundantly in them (Col. 3:16).”

[124] Mariasusai Dhavamony, “The Christian Theology of Inculturation”, 36.

[125] John Thornhill, Sign and Promise: A Theology of the Church for a Changing World (London: Collins Liturgical Publications, 1988), 49. According to Thornhill, “in Acts, Luke reflects another outlook: the Church must face its moments of crisis sustained by a sense of continuity with its past history, a history in which crises have been survived through the intervention of the Spirit.”

[126] Karl Barth, Dogmatics in Outline, 140.

[127] The World Council of Churches at Canberra: Signs of the Spirit, 117. The World Council of Churches signifies that “not every spirit is of the Holy Spirit. The primary criterion for discerning the Holy Spirit is that the Holy Spirit is the Spirit of Christ; it points to the cross and resurrection and witnesses to the Lordship of Christ.”

[128] Xem Daniel J. Harrington, The Church according to the New Testament, 67.

[129] Xem International Theological Commission, “Faith and Inculturation”, Origins 18 (1989): 801.

[130] Xem Mariasusai Dhavamony, “The Christian Theology of Inculturation”, 3.

[131] Claude Geffré, The Risk of Interpretation: On Being Faithful to the Christian Tradition in a Non-Christian Age, 240.

[132] Ravi Santosh Kamath, “Inculturation or Inreligionization?”, Ecumenical Review 39 (1987): 175.

[133] Redemptoris Missio, 28.

[134] J. B. Banawiratma, “A Pneumatological Approach to Inculturation”, in Building the Church in Pluricultural Asia, ed. Robert Hardawiryana and Others (Rome: Pontifical Gregorian University, 1989), 95.

[135] Wilbert R. Shenk, “The Mission Dynamic”, 89.

[136] Xem John Paul II, in Quelle Joie, “Carry the Authentic Gospel to the African Culture”, in The Pope Speaks 25 (1980): 299.

[137] Mariasusai Dhavamony, “The Christian Theology of Inculturation”, 38.

[138] Xem Yves Congar, I Believe in the Holy Spirit, 5.

[139] Daniel J. Harrington, The Church according to the New Testament, 68.

[140] The World Council of Churches at Canberra: Signs of the Spirit, 113.

[141] Hermann Gunkel, The Influence of the Holy Spirit, 84.

[142] Xem Carolyn Osiek, What Are They Saying about the Social Setting of the New Testament (New York: Paulist Press, 1992), 75.

[143] D.S. Amalorpavadass, “Theological Reflections on Inculturation”, 51.

[144] J. B. Banawiratma, “A Pneumatological Approach to inculturation”, 92. In a figurative way, J. B. Banawiratma says that “the Holy Spirit in the Church is not like a bird in a cage. The Holy Spirit is free; the works of the Holy Spirit can not be limited by the organisational form of the Church. The Holy Spirit works also in the world, in the cultural and religious traditions which are not professing the name of Jesus Christ.”

[145] Xem Pierre Teilhard de Chardin, The Phenomenon of Man, trans. Bernard Wall (London: William Collins Sons & Co. Ltd, 1959), 278.

[146] The World Council of Churches at Canberra: Signs of the Spirit, 31. “All things are sanctified by the Holy Spirit, from the beginning of creation, when he hovered over the abyss, and now in nature, in heaven and on earth, in humanity, in all beings, in every living soul.”

[147] Xem Jacques Dupuis, Jesus Christ at the Encounter of World Religions, 167.


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/chua-thanh-than-va-hoi-nhap-van-hoa-41986

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét