Trang

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Đức Giêsu Kitô - Đường Ở Lại

 

Đức Giêsu Kitô - Đường Ở Lại

 
  •  
  •  


Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022:
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (18)

Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 06 năm 2021

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ: ĐƯỜNG Ở LẠI

+ Pet. Nguyễn Văn Viên

Các bạn trẻ thân mến,

Tháng 5 vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Thượng Tế Tối Cao. Tháng 6 này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Ở Lại. Chúng ta biết rằng Biến Cố Đức Giê-su ở trần gian đạt đỉnh điểm nơi sự đau khổ, sự chết, sự phục sinh và lên trời của Người. Nơi đây, Đức Giê-su diễn tả Người như là Thượng Tế Tối Cao, là Bàn Thờ và là Của Lễ (Chiên Thiên Chúa) để giao hòa thế gian với Thiên Chúa. Đức Giê-su đã sống lại và lên trời. Tuy nhiên, với Chúa Thánh Thần, Người vẫn luôn ‘ở lại trong’ các môn đệ và những người tin để đồng hành với mọi người. Đức Giê-su chính là Đường Ở Lại để những ai đi trên Đường này thì được sống muôn đời.

Trong tiếng Do-thái động từ ‘ở lại’ là יָשַׁב (yashab), còn trong tiếng Hy-lạp là μένω (meno), diễn tả sự kết hợp mật thiết, gắn liền, gần gũi hay thân mật giữa các cá nhân hay tập thể trong gia đình nhân loại. Động từ ‘ở lại’ diễn tả hai mức độ: Khởi đi từ mức độ không gian vật lý là việc ‘ở lại với’ (remain with: Ga 1,39) nhưng tiến tới mức độ kết hợp trong tinh thần qua việc ‘ở lại trong’ (remain in: Ga 15,4). Là con người, ai cũng có kinh nghiệm về việc ở lại với ai đó, tại một nơi nào đó, trong khoảng thời gian nào đó. Nói đến ở lại là nói đến tình thân mật, sự cảm thông, chia sẻ, bổ túc cho nhau để mọi người được gia tăng những giá trị thiết thực cho bản thân và cộng đoàn nơi mình hiện diện. Nói đến ở lại là nói đến sự ổn định của tình người, tình bạn, tình yêu cũng như sự ổn định của các khía cạnh khác nhau trong cộng đoàn. Là Ki-tô hữu, chúng ta ý thức rằng ở lại theo nghĩa siêu nhiên thì cần thiết và quan trọng hơn ở lại theo nghĩa tự nhiên hay xã hội. Chẳng hạn, sự ở lại của Thiên Chúa trong môi trường thế giới thụ tạo hay sự ở lại mà Đức Giê-su nói với các môn đệ trong Bữa Ăn Tối (Last Supper) trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn thì siêu việt hơn tất cả các hình thức ở lại mà con người có thể kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Bên cạnh động từ yashab/ μένω, Kinh Thánh dùng một hình thức khác để diễn tả việc ở lại, đó là היה עִם / εἰμί μετὰ (to be with). Cựu Ước cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở lại với các tổ phụ cũng như những người lãnh đạo dân Do-thái để qua họ, dân này ý thức hơn về sự cần thiết phải ở lại với Thiên Chúa hầu có thể thực thi ý định và huấn lệnh của Người. ‘Ta sẽ ở với ngươi/ εἰμι μετὰ σοῦ’; Thiên Chúa hứa ‘ở lại với’ người nào đó luôn là yếu tố cần thiết bảo đảm cho một ơn gọi hay sứ vụ đặc biệt. Chẳng hạn, vua A-vi-me-léc và ông Pi-khôn, tướng chỉ huy quân đội của vua, nói với Áp-ra-ham: “Thiên Chúa ở với ông trong tất cả những gì ông làm” (St 21,22); Thiên Chúa nói với I-xa-ác: “Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, cha ngươi. Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi. Vì Áp-ra-ham, tôi tớ của Ta, Ta sẽ chúc phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi ra nhiều” (St 26,24); Thiên Chúa ở với Gia-cóp nhưng ông không biết: “Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết!” (St 28,16) hay Thiên Chúa hứa với Gia-cóp: “Hãy trở về quê cha đất tổ, về với họ hàng ngươi: Ta sẽ ở với ngươi” (St 31,3). Khi trao cho Mô-sê sứ vụ đưa dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập, Thiên Chúa trấn an ông: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12) và sau đó, Người truyền cho ông: “Hãy lên núi với Ta và ở lại đó; Ta sẽ ban cho ngươi những bia đá: Luật và mệnh lệnh Ta đã viết ra để dạy dỗ chúng” (Xh 24,12). Sở dĩ các vị lãnh đạo dân Do-thái có thể vượt qua muôn vàn thử thách để hướng dẫn dân Do-thái là nhờ các ngài ý thức về sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống các ngài.

Lịch sử tương quan giữa Thiên Chúa và dân Do-thái cho chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa luôn ở lại với dân này còn dân này thì lắm phen phản loạn, bất trung. Thay vì ở lại với Thiên Chúa và kính thờ Người, họ đã thờ các thần ngoại và sống xa đường lối Người. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn trung tín với giao ước Người thiết lập với dân này và không ngừng can thiệp để họ biết trở lại với Người. Chẳng hạn: “Nhà Giu-se cũng tiến lên Bết Ên và Đức Chúa ở với họ” (Tl 1,22); “Sa-mu-en lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu” (1 Sm 3,19); “Ông Đa-vít thành công trong mọi công việc và Đức Chúa ở với ông” (1 Sm 18,14);  Lời Chúa trong sách Da-ca-ri-a: "Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi” (Dcr 2,14). Tất cả các hình thức Thiên Chúa ở với dân Do-thái trong Cựu Ước nhằm hướng tới sự kiện quan trọng nhất đó là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su, đến và ở lại với mọi người.

Trong biến cố Truyền Tin, sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Ma-ri-a: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà" (Lc 1,28). Sau đó, sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Ma-ri-a về việc Đức Ma-ri-a thụ thai, sinh con và đặt tên là Giê-su, Người cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao (Lc 1,31-32). Đức Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Sứ thần trả lời: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Như vậy, Chúa Thánh Thần và Đấng Tối Cao cùng hiện diện trong biến cố Truyền Tin, biến cố Đức Ma-ri-a cưu mang Đức Giê-su, Đấng Em-ma-nu-en (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta).

Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an cho chúng ta biết lời nói và việc làm của Đức Giê-su minh chứng Người từ Thiên Chúa mà đến và thuộc về Thiên Chúa. Hơn nữa, người còn khẳng định rõ hơn: Người là Bánh Hằng Sống (Ga 6,35); Người là Ánh Sáng (Ga 8,12); Người là Cửa Chuồng Chiên (Ga 10,7); Người là Mục Tử Nhân Lành (Ga 10,11); Người là Sự Sống Lại và là Sự Sống; Người là Đường (Ga 14,6); Người là Cây Nho (Ga 15,1). Đức Giê-su dùng hình ảnh cây nho để diễn tả tương quan giữa Người và các môn đệ: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,1-2). Đức Giê-su không chỉ là cây nho mà còn là ‘cây nho thật’. Đối với dân Do-thái, cây nho là hình ảnh gắn liền với lịch sử của họ (Tv 80,8-9; Is 5,7; Gr 2,21; Mt 21,33-44). Đức Giê-su dùng hình ảnh này để diễn tả rằng Người là ‘toàn thể’ còn các môn đệ là thành phần, bởi vì Người không nói ‘Thầy là thân nho’, mà nói ‘Thầy là cây nho’.

Đức Giê-su nói với các môn đệ về việc ở lại trong Người như là lời trăng trối quan trọng nhất trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Hơn nữa, Đức Giê-su không nói lời này với đám đông mà chỉ nói riêng với những người thân tín nhất trong Bữa Ăn Tối, ở đó Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại trong các môn đệ và mọi người thuộc gia đình nhân loại cho đến tận thế. Quan tâm của Đức Giê-su không phải cho mình mà cho các môn đệ cùng những người nhờ các môn đệ mà tin vào Người. Việc mời gọi các môn đệ ở lại trong Người là việc quan trọng liên quan đến sự tiếp tục chương trình của Thiên Chúa trong dòng lịch sử nhân loại.

‘Ở lại’ là từ mà thánh Gio-an ưa thích. Từ này xuất hiện 34 lần trong Tin Mừng ngài viết và 19 lần trong các thư của ngài. Trong đoạn Tin Mừng ngắn Ga 5,1-11, từ ‘ở lại’ xuất hiện 11 lần. Không nơi nào trong toàn bộ Kinh Thánh mà từ ‘ở lại’ xuất hiện với tần suất nhiều như vậy. Đức Giê-su dùng hình ảnh cây nho và từ ‘ở lại’ để diễn tả một trong những chủ đề quan trọng nhất trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chương trình này có thể tóm lược như sau: Vì tội lỗi, con người lìa xa Thiên Chúa. Đức Giê-su đến trần gian để nối lại tương quan vốn có giữa Thiên Chúa và con người, hơn nữa, nhờ Đức Giê-su mà mọi người được mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa. Tương quan này chỉ hoàn thành khi mọi người trong gia đình nhân loại được ở trong Đức Giê-su như Đức Giê-su hằng ở trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.


Đức Giê-su nói: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4). Các môn đệ ở lại trong Đức Giê-su và Đức Giê-su ở lại trong họ khác với các hình thức ở lại theo nghĩa thông thường. Nói cách khác, đây là sự ở lại nhiệm mầu, sự ở lại siêu việt không gian và thời gian cũng như tất cả những gì thuộc thế giới thụ tạo này. Những hình thức ở lại mà con người có kinh nghiệm trong cuộc sống cho phép con người lĩnh hội hình thức ở lại cao cả hơn mà Đức Giê-su diễn tả: Đức Giê-su vừa ở lại trong Chúa Cha, vừa ở lại trong các môn đệ và tất cả nên một với nhau trong hành trình trần thế này cũng như tương lai mai hậu trong Nước Thiên Chúa.

Với Đức Giê-su, ai ở lại trong Người thì lắng nghe lời Người. Trước đó, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy” (Ga 14,23-24). Trong diễn từ Bánh Hằng Sống (Ga 6,1-71), khi Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá cho hơn năm ngàn người ăn để giải thích cho người Do-thái về sự sống đời đời nhờ ăn Bánh Hằng Sống là Thịt Máu của Người thì vẫn có nhiều người không tin. Trước tình huống đó, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Nhân danh các môn đệ, thánh Phê-rô đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Điều này có nghĩa rằng các môn đệ không chỉ lắng nghe lời Đức Giê-su mà còn để cho lời Người ở lại trong tâm hồn và trở thành nền tảng của cuộc sống mình. Họ cần đồng hóa cuộc sống mình với lời Đức Giê-su để có thể trở thành khí cụ diễn tả lời Người cho anh chị em đồng loại. Do đó, không ai có thể loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cách hiệu quả nếu lời Người không ở lại trong họ, thẩm thấu tâm hồn họ, trở thành văn hóa của họ. Như thế, ai ở lại trong Đức Giê-su thì cảm nghiệm được ý nghĩa của lời Người, đồng thời, cũng cảm nhận được sức mạnh biến đổi của lời Người đối với đời mình.

Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết rằng khi yêu nhau đích thực, người ta không chỉ ở lại với nhau mà còn ở lại trong nhau. Theo tác giả sách Diễm Ca: “Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc về tôi trọn vẹn” (Dc 6,3). Đức Giê-su nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Tiếng Hy-lạp có nhiều từ 'yêu' với nghĩa phân biệt nhau, chẳng hạn như eros (έρως: tình yêu ích kỷ), philia (φιλία: tình yêu bạn bè), storge (στοργή: tình yêu gia đình) hay agape (αγάπη: tình yêu hy sinh). Tình yêu được đề cập ở Ga 15,9 là tình yêu agape nhưng là agape của Thiên Chúa. Nói cách khác, tình yêu đích thực, tình yêu hy sinh, tình yêu quên mình, tình yêu agape trong nhân loại kém xa tình yêu của Đức Giê-su bởi vì tình yêu của Người là tình yêu của Chúa Cha, của Thiên Chúa: Tình yêu siêu việt không gian, thời gian hay bất cứ những gì mà con người có thể cảm nghiệm, lượng định, đánh giá. Chính trong Bữa Ăn Tối này, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16,12). Đức Giê-su yêu đến nỗi gọi các môn đệ và những ai thuộc về Người là bạn hữu và hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình. Bởi đó, tình yêu Đức Giê-su nâng cao phẩm giá con người và giải phóng con người khỏi các hình thức nô lệ trong thế giới thụ tạo, nhất là nô lệ tội lỗi và sự chết, đồng thời, cho phép con người được tham dự sự sống Thiên Chúa.

Cũng trong Bữa Ăn Tối, Đức Giê-su nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Ở lại trong Đức Giê-su là ở lại trong tình yêu của Người và ở lại trong tình yêu của Người là tuân giữ giới răn Người: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). Như vậy, đối với Đức Giê-su, tình yêu (love) của Người cũng chính là giới răn hay lề luật (law) của Người. Trước đó, Đức Giê-su nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đức Giê-su đã làm gương cho các môn đệ cũng như cho mọi người trong gia đình nhân loại về việc tuân giữ giới răn của Chúa Cha và ở lại trong tình yêu của Chúa Cha. Hành trình trần thế của Đức Giê-su là hành trình quy hướng về Chúa Cha và thực thi thánh ý Người.

Ở lại trong Đức Giê-su đồng nghĩa với việc cộng tác cùng Người làm cho những giá trị của Nước Thiên Chúa được sống động và lan tỏa. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5); “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8). Với Đức Giê-su, nói đến hoa trái là nói đến hiệu quả của việc ở lại trong Người, nhờ vậy, con người được lớn lên trong đời sống thiêng liêng. Đồng thời, nói đến hoa trái là nói đến những công việc mà các môn đệ Đức Giê-su thực hiện nhờ được gắn bó mật thiết với Người. Hoa trái phát xuất từ cành nho thế nào thì việc lành phúc đức phát xuất từ các môn đệ Đức Giê-su đối với môi trường xung quanh cũng như vậy.

Đức Giê-su cho các môn đệ biết rằng không có Người thì họ không thể làm gì được. Như cành nho không gắn kết với (ở lại trong) cây nho sẽ khô héo và bị loại thải, các môn đệ cũng lâm vào tình trạng như vậy nếu không gắn kết với (ở lại trong) Đức Giê-su. Ở đây, Đức Giê-su muốn nói đến việc làm đem lại những giá trị đích thực và vĩnh cửu cho mình và anh chị em đồng loại. Dĩ nhiên, không có Đức Giê-su, các môn đệ vẫn làm được nhiều việc, nhưng những việc đó hoặc vô tích sự hoặc làm suy giảm phẩm giá bản thân hay thậm chí gây tai họa cho mình và anh chị em đồng loại. Trong Lời Tựa Tin Mừng, thánh Gio-an viết: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). Công đồng Nicea-Constantinopoli tuyên tín: “Tôi tin kính một Chúa Giê-su Ki-tô,... đồng bản thể với Ðức Chúa Cha. Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.” Nghĩa là nhờ Đức Giê-su, Thiên Chúa tạo dựng muôn vật muôn loài. Người đã nêu gương cho các môn đệ trong việc ở lại, kết hiệp với Chúa Cha và thực thi giáo huấn Chúa Cha: "Thật, tôi bảo thật các ông: Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy” (Ga 5,19). Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ xác tín: ”Chính ở nơi Người [Thiên Chúa] mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (Cv 17,28). Như vậy, các môn đệ cần dõi theo Đức Giê-su trong mọi biến cố của cuộc sống mình.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được diễn tả như là chủ của vườn nho là nhà Ít-ra-en. Chủ vườn nho làm mọi cách để vườn nho tươi tốt, nhưng vườn nho là nhà Ít-ra-en lại xuống cấp trầm trọng (Is 5,1-7). Khi nói ‘Thầy là cây nho, anh em là cành’, Đức Giê-su muốn các môn đệ ý thức rằng họ hoàn toàn lệ thuộc vào Người. Cành nho sẽ vô tác dụng khi không được nối kết với cây nho. Rõ ràng sự lệ thuộc của cành nho đối với cây nho mạnh mẽ hơn các hình thức lệ thuộc khác, chẳng hạn sự lệ thuộc của dân đối với vua, tớ đối với chủ, trò đối với thầy, con cái đối với cha mẹ. Khi nói ‘Thầy là cây nho, anh em là cành’, Đức Giê-su đồng hóa Người với mọi người trong gia đình nhân loại. Đức Giê-su đã tham dự sự sống nhân loại để chia sẻ sự sống Thiên Chúa cho nhân loại trong tư cách Người vừa là Đầu, vừa là toàn thể. Đây thật là mầu nhiệm lớn lao về tương quan giữa Đức Giê-su và các môn đệ Người, trong đó Đức Giê-su là toàn thể, là ‘cây nho’, còn các môn đệ là thành phần, là ‘cành nho’. Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su đã dùng nhiều hình ảnh để diễn tả tương quan giữa Người và các môn đệ, chẳng hạn như ở Ga 10,1-21, Đức Giê-su dùng hình ảnh mục tử và đoàn chiên. Tuy nhiên, sự liên kết giữa cây nho và cành nho chặt chẽ hơn nhiều so với liên kết giữa mục tử và đoàn chiên. Hơn nữa, Đức Giê-su dùng hình ảnh cây nho và cành nho để diễn tả tương quan giữa Người với Dân Thiên Chúa Mới được Người thiết lập, ban sức sống, bảo vệ, hướng dẫn và thánh hóa.

Đối với thánh Gio-an, ở lại trong Đức Giê-su cũng có nghĩa là ở lại trong Chúa Thánh Thần. Đức Giê-su nói: “Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25-26); “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí mà Người đã ban cho chúng ta” (1 Ga 3,24). Tương tự như thánh Gio-an, thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu về sự cần thiết phải ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi mỗi người (1 Cr 3,16-17). Đồng thời, thánh nhân nhấn mạnh sự cần thiết phải phân định ân huệ của Chúa Thánh Thần nơi mỗi người nhằm làm cho ân huệ đó sinh nhiều ơn ích cho toàn thể cộng đoàn (1 Cr 12,4-11).

Hơn các môn đệ khác của Đức Giê-su, thánh Gio-an cảm nghiệm được sự cần thiết của việc ở lại trong Đức Giê-su cũng như hoa trái nảy sinh từ việc ở lại này. Trong cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, đa số các môn đệ là những người bất tín và nhát đảm: Kẻ thì bán Đức Giê-su, người thì chối Đức Giê-su, người thì chạy trốn, còn thánh Gio-an luôn đồng hành với Đức Giê-su trên đường thập giá. Chỗ đứng cuối cùng của thánh Gio-an là chân thập giá. Tại đây, Đức Giê-su giao phó thánh nhân cho Đức Ma-ri-a và Đức Ma-ri-a cho thánh nhân. Trong biến cố Đức Giê-su sống lại, khi thấy ngôi mộ trống, thánh Gio-an tin tưởng rằng Đức Giê-su đã phục sinh, trong khi vị môn đệ trưởng Phê-rô còn bỡ ngỡ (Ga 20,3-10). Trong biến cố Đức Giê-su phục sinh hiện ra, khi thấy thánh Gio-an đi sau, thánh Phê-rô đã hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” (Ga 21,21). Đức Giê-su trả lời: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy” (Ga 21,22). Quả thật, thánh Gio-an luôn ở lại trong Đức Giê-su và trái tim ngài luôn chung nhịp với trái tim Thầy mình.

Dưới nhãn quan của thánh Gio-an, ở lại trong Đức Giê-su cũng đồng nghĩa với biết Người. Đây không chỉ là cái biết sơ sài, cái biết bên ngoài, cái biết thông tin, cái biết tri thức, nhưng là cái biết tương quan, cái biết kinh nghiệm, cái biết nội tâm, cái biết tình yêu. Với thánh Gio-an, biết Đức Giê-su cũng có nghĩa là ở với Người, ở trong Người, thông hiệp với Người và yêu mến Người. Chính thánh nhân diễn tả rất rõ rằng: "Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô" (Ga 17,3) hay: “Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật. Chúng ta ở trong Thiên Chúa thật, ở trong Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô’’ (1 Ga 5,20). Như vậy, ai biết Đức Giê-su là thông hiệp với Người và Người trở thành sức mạnh, hy vọng cũng như lẽ sống của họ.

Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là trường hợp đáng để chúng ta suy gẫm. Khoảng ba năm theo Đức Giê-su, Giu-đa Ít-ca-ri-ốt chung hoàn cảnh, chung nơi ở, chung bàn ăn với Người. Mặc dù được Đức Giê-su cảnh báo về sự bất tín, phản bội, Giu-đa Ít-ca-ri-ốt không màng để ý. Chẳng hạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ sau dấu lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn: “Trong anh em có những kẻ không tin” (Ga 6,64). Người còn cảnh báo cách mạnh mẽ hơn nữa: “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao? Thế mà một người trong anh em lại là quỷ!” (Ga 6,70). Giu-đa Ít-ca-ri-ốt chiều theo sở thích, chương trình, toan tính của mình chứ không theo ý định của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giê-su. Giu-đa Ít-ca-ri-ốt ở lại với Đức Giê-su về mặt không gian, thời gian, nhưng đã không ở lại trong Đức Giê-su về mặt tâm linh. Nói cách khác, trong tương quan giữa Giu-đa Ít-ca-ri-ốt và Đức Giê-su, Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là người ‘đồng sàng dị mộng’ hay người ‘hữu danh vô thực’, bởi vì mang danh là môn đệ Đức Giê-su nhưng lại cộng tác với ác thần, phản bội Thầy mình. Thật trớ trêu, người bất tín nhất lại là môn đệ Đức Giê-su! Giu-đa Ít-ca-ri-ốt ở lại với Đức Giê-su nhưng không ở trong Đức Giê-su.

Thánh Phao-lô có được kinh nghiệm dồi dào về việc ở lại trong Đức Giê-su. Theo thánh nhân: “Những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8,1). Cũng theo ngài: “Phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17). Thụ tạo cũ là thụ tạo bị chi phối bởi các thế lực bóng đêm, tội lỗi và sự dữ. Thụ tạo mới là thụ tạo được Đức Giê-su cư ngụ, hoạt động và biến đổi. Thánh Phao-lô chia sẻ kinh nghiệm bản thân: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13) hay: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Thánh nhân còn minh giải: “Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải” (2 Cr 5,19). Như vậy, thụ tạo mới là thụ tạo được thánh hóa để trở thành khí cụ của Thiên Chúa giữa dòng đời.

Đức Giê-su luôn ở lại trong chúng ta và Người là ‘Cây Nho Hằng Sống’. Chúng ta hãy trả lời cho câu hỏi: Chúng ta có ở lại trong Người không? Chúng ta không ở lại trong Người khi nào vậy? Thưa, chúng ta không ở lại trong Người khi chúng ta không liên kết với Người như cành nho liên kết với cây nho. Chúng ta không ở lại trong Người khi chúng ta theo ý riêng, khi chúng ta hoạch định chương trình cho mình mà không thỉnh ý Người. Chúng ta không ở lại trong Người khi chúng ta không đặt trọn niềm tin vào Người. Chúng ta không ở lại trong Người khi chúng ta không sống theo giáo huấn của Người. Chúng ta không ở lại trong Người khi chúng ta tự mình đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta không ở lại trong Người khi chúng ta lắng nghe lời người khác hơn là lời Người. Chúng ta không ở lại trong Người khi trái tim của chúng ta lạc nhịp với trái tim Người. Chúng ta không ở lại trong Người khi chúng ta không dành thời gian cho Người. Chúng ta không ở lại trong Người khi chúng ta không cho phép người cắt tỉa để được sinh hoa kết trái.

Cành nho không thể đem lại hoa trái dồi dào nếu không được cắt tỉa. Chúng ta biết rằng nói đến cắt tỉa là nói đến hy sinh, từ bỏ. Nhiều người trong chúng ta thích ở lại trong thói quen hành xử của mình hơn là bị cắt tỉa. Với tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết: “Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi” (1 Cr 4,14). Với tín hữu Ga-la-ta, thánh nhân viết: “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hòa mà sửa dạy người ấy” (Gl 6,1). Với Ti-mô-thê, ngài viết: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16). Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng phải tùng phục Cha trên trời để được sống” (Dt 12,9) hay: “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Dt 12,11). Đức Giê-su dạy các môn đệ xưa kia cũng như chúng ta hôm nay rằng chúng ta cần phải được cắt tỉa, sửa dạy để có thể ở lại trong Người và trổ sinh hoa trái theo thánh ý Người.

Ở lại trong Đức Giê-su là tin tưởng tuyệt đối vào Người, là trao ban tình yêu của Người cho anh chị em đồng loại, là hoàn toàn hy vọng vào Người. Ở lại trong Đức Giê-su là biết khiêm hạ hơn tự cao, biết thinh lặng hơn giãi bày, biết học hỏi hơn dạy dỗ. Ở lại trong Đức Giê-su là để lời của Người thấm đượm mọi chiều kích của cuộc sống chúng ta, là vâng phục Người, là không ngừng biến đổi theo thánh ý Người. Ở lại trong Đức Giê-su là định dạng bản thân theo giáo huấn của Người, là quan tâm đến những người đau khổ, nghèo hèn, bị bỏ rơi trong xã hội, là kiên nhẫn với những ai làm phật lòng mình. Ở lại trong Đức Giê-su là cộng tác với Người trong việc chống lại mưu mô ác thần, là để Người làm chủ đời sống chúng ta, là thành tâm cầu nguyện trong mọi nơi mọi lúc. Ở lại trong Đức Giê-su là để Thần Khí của Người đồng hành và hướng dẫn, là để thần khí của mình tuân theo Thần Khí của Người, là quan tâm những gì thuộc ‘chúng ta’ hơn là những gì thuộc ‘cái tôi’ của mình. Ở lại trong Đức Giê-su là quy hướng về môi trường vô biên hơn là môi trường giới hạn, môi trường vĩnh cửu hơn là môi trường thời gian, Môi Trường Thiên Chúa hơn là môi trường của thế giới thụ tạo này.

Để có thể ở lại trong Đức Giê-su, chúng ta không có con đường nào khác hơn là thường xuyên trở lại với chính mình. Nói cách khác, ở lại và trở lại luôn đi đôi với nhau. Trong Cựu Ước, vua Sa-lô-môn cầu nguyện cho dân Do-thái: “Nếu Ít-ra-en dân Ngài bị quân thù đánh bại vì đã xúc phạm đến Ngài, và nếu họ trở lại với Ngài mà tuyên xưng Danh Ngài và cầu xin, khẩn nài trong Đền Thờ này, thì từ trời xin Ngài lắng nghe, thứ tha tội lỗi Ít-ra-en dân Ngài và đưa họ về đất Ngài đã ban cho cha ông họ” (1 V 8,33-34). Ai không biết ở lại trong Đức Giê-su thì cũng không biết trở lại với chính mình. Tương tự như thế, ai không biết trở lại với chính mình thì cũng không thể ở lại trong Đức Giê-su. Chúng ta không ở lại trong tình trạng tội lỗi nhưng ở lại trong Đức Giê-su để được thanh tẩy và thánh hóa. Chúng ta không ở lại trong thói quen của chúng ta nhưng ở lại trong tình trạng mới mà Đức Giê-su mời gọi. Chúng ta không ở lại trong những ‘bạn bè xấu nết’ nhưng ở lại trong Đức Giê-su là Bạn đích thực (Ga 15,14). Chúng ta không ở lại trong phường giả dối, nhưng ở lại trong Đức Giê-su, Đấng Chân Thật (Ga 14,6).

Chúng ta ở lại trong Đức Giê-su nghĩa là ở lại trong ánh sáng của Người, bằng không chúng ta ở lại trong bóng tối của sự dữ, ma quỷ, thế gian, xác thịt. Đức Giê-su minh định rõ điều này khi nói: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46). Con người cần ánh sáng vật lý cho đời sống thể chất thế nào thì cũng cần ánh sáng Đức Giê-su cho đời sống tâm linh như vậy. Đức Giê-su mời gọi mọi người tin vào Người để được ở lại trong ánh sáng của Người. Ai ở lại trong ánh sáng của Đức Giê-su thì cũng yêu mến anh chị em mình như Người truyền dạy. Thánh Gio-an minh định điểm này khi viết: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (1 Ga 2,9-11).

Với thánh Gio-an, ai ở lại trong Đức Giê-su thì cảm nghiệm được môi trường vĩnh cửu. Ngài viết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em hãy ở lại trong Người, để khi Người xuất hiện, chúng ta được mạnh dạn, chứ không bị xấu hổ, vì phải xa cách Người trong ngày Người quang lâm” (1 Ga 2,28). Đối với thánh Gio-an, ở lại trong Đức Giê-su nơi hành trình trần thế không gì khác hơn là chuẩn bị đời sống tương lai cho mình. Việc ở lại trong Đức Giê-su cho phép chúng ta tiếp cận chân trời mới, chân trời siêu việt kinh nghiệm vốn có của chúng ta, bởi vì, ở lại trong Đức Giê-su đồng nghĩa với ở lại trong vĩnh cửu vì Đức Giê-su chính là Vĩnh Cửu hiện diện trong thời gian. Như vậy, ở lại trong Đức Giê-su là ở lại trong Môi Trường Thiên Chúa ngay trong trần thế này. Ở lại trong Đức Giê-su là ở lại trong Nguồn và là Đích của con người và muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.

Chúng ta hãy ở lại trong Đức Giê-su, chứ không phải ở lại trong người nào đó, hiện tượng nào đó hay biến cố nào đó. Chúng ta hãy ở lại trong Đức Giê-su, sau đó chúng ta có thể ở lại trong bất cứ thực thể nào mà chúng ta mong muốn vì Đức Giê-su luôn đồng hành, hướng dẫn và bảo vệ chúng ta. Chúng ta hãy ở lại trong Đức Giê-su để những gì chúng ta suy nghĩ và hành động đều đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân, cộng đồng, Giáo Hội và xã hội. Chúng ta hãy ở lại trong Đức Giê-su để không ngẫu tượng nào trong thế giới thụ tạo có thể len lỏi vào tâm trí và làm cho chúng ta sống bất xứng với danh hiệu Ki-tô hữu của mình. Chúng ta hãy ở lại trong Đức Giê-su để nhờ Người, với Người và trong Người, chúng ta đến được suối nguồn hạnh phúc và bình an đích thực.

Đức Giê-su ở lại trong chúng ta và chúng ta ở lại trong Người là sự ở lại năng động, sự ở lại hướng thượng cả về mặt tâm linh lẫn thực hành. Bởi vì, một mặt, sự ở lại cho phép chúng ta được kết hiệp với Chúa Cha trong hành trình trần thế này. Mặt khác, sự ở lại cho phép chúng ta trở thành khí cụ hữu hiệu của Người giữa dòng đời. Như vậy, những ai có kinh nghiệm về việc ở lại trong Đức Giê-su thì được mời gọi loan báo Tin Mừng của Người cho anh chị em mình. Đức Giê-su là Thiên Chúa và Tin Mừng của Người chính là Tin Mừng Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Thiên Chúa ở cùng muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Thiên Chúa ở cùng tất cả để tất cả được ở cùng Thiên Chúa cho đến thời cánh chung khi Thiên Chúa qui tụ muôn vật muôn loài trong Đức Giê-su, cũng là khi “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” [Θεὸς πάντα ἐν πᾶσιν] (1 Cr 15,28).

Như vậy, Đức Giê-su là Đường đến với nhân loại đã được tiên báo sau khi Nguyên Tổ phạm tội vì không theo huấn lệnh Thiên Chúa (St 3,15). Đức Giê-su, Đường ở cùng nhân loại, được trình bày cách cụ thể hơn thời các ngôn sứ (Is 7,14). Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su nói rằng Người là Đường và minh chứng bằng cuộc sống của Người (Ga 14,6; Ga 18,20-23). Đặc biệt, lời sau cùng của Đức Giê-su trước khi về trời là: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đường Đức Giê-su cho phép chúng ta ở lại trong tình yêu của Người, nhờ vậy chúng ta được ở lại trong tình yêu của Chúa Cha. Thánh Gio-an viết: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4,12). Tình yêu mà thánh Gio-an đề cập ở đây là tình yêu agape (tình yêu hy sinh) mà Đức Giê-su diễn tả trong Tin Mừng (Ga 13,34; Ga 15,12-15).

Chúng ta có thể kết luận rằng Đức Giê-su là Đấng Em-ma-nu-en (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta) được các ngôn sứ tiên báo trong thời Cựu Ước và ở cùng chúng ta trong thời Tân Ước. Với hành trình trần thế, Đức Giê-su đã diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người qua việc xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật, tha thứ tội lỗi, chọn Nhóm Mười Hai và công bố những tiêu chuẩn luân lý mới. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Người mời gọi các môn đệ hãy ở lại trong Người như những cành nho ở lại trong cây nho, nhờ vậy, họ cũng được ở trong Chúa Cha như Người hằng ở trong Chúa Cha. Trước khi về trời, Người căn dặn các môn đệ hãy loan báo Tin Mừng của Người cho muôn dân. Với sự hiện diện của Đấng Bảo Trợ (Chúa Thánh Thần), Đức Giê-su luôn ở trong gia đình nhân loại. Người là Đường của các môn đệ cũng như của mọi người cho đến tận thế. Đường của Người chính là Đường Ở Lại để tất cả những ai đi trên Đường này thì được sống trong tình yêu Thiên Chúa. Ước gì chúng ta ngày càng ý thức hơn về kinh nghiệm và những lời nhắn gửi của thánh Gio-an, người môn đệ Chúa yêu: “Ai nói rằng mình ở lại trong Người [Thiên Chúa], thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi” (1 Ga 2,6) và “Thiên Chúa là tình yêu: Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).

WHĐ (01.6.2021)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét