Trang

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Ta sẽ không còn nhớ đến tội của chúng

 

Ta sẽ không còn nhớ đến tội của chúng

 
  •  
  •  


TA SẼ KHÔNG CÒN NHỚ ĐẾN TỘI CỦA CHÚNG

Tác giả: Brian Kelly
Chuyển ngữ: Grêgôriô Võ Trần Nhựt
Từ: catholicism.org (30.3.2020)

WGPQN (30.5.2021) – Sách Ngôn sứ Êdêkien có chép: “Mọi tội phản nghịch nó phạm, Ta sẽ không còn nhớ đến” (Ed 18,22).

Thánh Tôma, trong phần III của bộ Tổng luận Thần học (ST III, q.86, a.1), đã sử dụng trích dẫn này từ sách Ngôn sứ Êdêkien ở mục Sed Contra [Trái lại] để bác bỏ sai lầm cho rằng không phải tất cả mọi tội trọng  đều có thể được tha bởi Bí tích Giải tội.

“Nhưng nếu ác nhân trở lại bỏ tất cả các tội lỗi đã làm, và giữ tất cả các luật điều của Ta, và làm điều phải, sự thiện, phải, nó sẽ được sống, không phải chết. Mọi điều ngụy nghịch nó đã làm sẽ được quên đi cho nó, nó đã làm sự công chính, nó sẽ được sống” (Ed 18,21-22).

Tôi đã rất kinh ngạc khi đọc đoạn này trong sách Ngôn sứ Êdêkien. Quả là một sự thật đầy an ủi phát xuất từ sự soi dẫn của Lời Chúa! Đây là Cha chúng ta đang nói với con cái của Ngài. Ngài muốn những tội nhân đang ăn năn phải tin tưởng vào một lòng thương xót đầy tình phụ tử. Đến độ Ngài hứa không những tha thứ nhưng còn “quên” luôn cả những hành vi phạm tội của chúng ta.

“Tín thác”! Hạn từ này xuất phát bởi hai từ Latinh “con-fides”, cùng với-sự tin tưởng. Đó là một niềm tin cậy của con cái vào Đấng Tạo hóa mình. Như thế, nó cũng bao gồm những nhân đức siêu nhiên của cả đức tin lẫn đức cậy. Không có sự tín thác thiêng liêng, chúng ta sẽ đánh mất niềm tin vào sự công bình của Thiên Chúa; chúng ta ngỡ rằng lòng thương xót của Ngài lấn át cả sự công bình ấy. Hoặc là, chúng ta đánh mất niềm trông cậy vào lòng thương xót của Chúa và đâm ra thất vọng. Người ngã lòng trông cậy là người căm ghét chính bản thân và tội lỗi của mình hơn cả việc yêu mến Thiên Chúa. Đó chính là hành vi Giuđa đã làm. “Bấy giờ, Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: ‘Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan” (Mt 27,3-4). Vậy, hãy nhớ rằng hai tội nghịch lại đức cậy là tự phụ và thất vọng.

Mặt khác, chính ngôn sứ Êdêkien cũng nói: “Nhưng nếu người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm: nó làm thế mà được sống sao? Tất cả những việc công chính nó đã làm sẽ không còn được nhắc đến; vì tội bất trung và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết” (Ed 18,24).

Đừng ngã lòng dù bạn lâm cảnh tuyệt vọng. Trích dẫn ở trên là một sự cảnh báo chứ không phải một lời tuyên án. Như thánh Tôma tuyên bố (và Giáo hội dạy), mọi tội trọng đều có thể được tha thứ bởi bí tích hòa giải dù những tội đó do người công chính phạm phải. Nhưng bí tích ấy không phải là chủ đề tiểu luận này. Đúng hơn, chủ đề của tôi là ý tưởng về việc Thiên Chúa “quên đi” cả tội lỗi.

Hãy can đảm!

Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Ðức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng… Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: ‘Hãy học cho biết Ðức Chúa’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Ðức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31, 31;32-35).

Thánh Phaolô viện dẫn câu Gr 31,34 vừa nêu trong Hr 8,12 và 10,16-17: “Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” và “đây là giao ước Ta sẽ lập với chúng sau những ngày đó, thì Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ khắc vào lòng trí chúng lề luật của Ta. Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa”.

Ngoài ra, sách Isaia cũng viết: “Nhưng chính Ta đây, vì danh dự của Ta, Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa” (Is 43,25).

Chúng ta thấy Tôbia khẩn nài Thiên Chúa với sự xác tín này: “Và giờ đây, lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, xin đoái nhìn và chớ phạt con vì những tội con đã phạm và những điều ngu muội của con cũng như của cha ông con. Các ngài đã đắc tội trước Thánh Nhan và bất tuân mệnh lệnh của Ngài. Ngài đã để chúng con bị cướp phá, phải tù đày và chết chóc, nên trò cười, đề tài châm biếm và bia nhục mạ cho mọi dân tộc, nơi chúng con đã bị Ngài phân tán” (Tb 3,3-4).

Giờ đây chúng ta cần một sự giải thích

Thật ra, với tư cách là Thiên Chúa, Ngài không hề “quên” hay “nhớ”, Ngài là Hiện tại vĩnh cửu. Nơi Thiên Chúa, không có hôm qua và ngày mai, không có trước hay sau. Đây là những thuật ngữ áp dụng cho khả năng ghi nhớ của tinh thần con người, một năng lực của tâm trí. Kinh thánh thường sử dụng các thuật ngữ nhân hình luận khi nói về các thuộc tính của Thiên Chúa. Sức mạnh của Thiên Chúa thể hiện qua cánh tay Ngài… Hoặc, để thể hiện cảm xúc tức giận, Thiên Chúa nói với Nôê: “Ta sẽ tiêu diệt khỏi mặt đất loài người, những kẻ Ta đã dựng nên, từ con người cho đến thú vật, từ giống bò sát cho đến chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng” (St 6,7). Trong tư cách là Thiên Chúa, Ngài không giận dữ, không tức tối; Ngài bất biến và không “hối tiếc” như thể có “sự biến đổi” trong tâm trí Ngài.

Bằng việc “quên đi”, Thiên Chúa có ý cho chúng ta biết rằng, Ngài không còn bắt chúng ta chịu trách nhiệm cho tội của mình, nếu chúng ta hoàn toàn quay trở lại với Ngài và ăn năn thống hối. Đúng hơn, trong Hiện tại Vĩnh cửu, Ngài xem thấy những việc lành của chúng ta, những việc do ân sủng của Ngài lôi kéo chúng ta thực hiện. Những công trình của ân sủng lấp đầy lỗ hổng của tội lỗi và thay thế chúng bằng một “thực tại tính” – vì tội, theo yếu tính, là sự vắng mặt của sự thiện, sự vắng mặt của điều cần có theo lẽ phải. Theo chiều hướng này, thánh Tôma dạy rằng nguyên tội là sự vắng mặt của ơn thánh hóa mà Thiên Chúa đặt để cho mọi người vào lúc tượng thai trước khi có sự Sa ngã.

Thiên Chúa không thể bị qua mặt, Ngài sẽ rút tỉa sự lành từ sự dữ

Lời của Thiên Chúa cũng đảm bảo cho chúng ta rằng Ngài có thể rút tỉa sự lành từ sự dữ và dựa vào đó, người ta có thể nói rằng Ngài “quên đi” sự dữ (một sự vắng mặt của sự thiện cần có) với sự hiện diện của ân sủng qua những hành vi đạo đức, nhờ đó, có một sự cải biến nết xấu thành nhân đức. “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1,18).

Đây chính là lý do Hội thánh hát lên Felix Culpa [Tội hồng phúc] trong bài Exsultet [Bài công bố Tin mừng Phục sinh] vào Lễ vọng Phục sinh: “Ôi tội Ađam thật là cần thiết, tội đã được xóa bỏ nhờ cái chết của Đức Kitô! Ôi tội đã hóa thành hồng phúc vì nhờ đó mà chúng con có được Đấng Cứu chuộc cao sang!”.

Cũng vậy, trong Thánh vịnh, Thiên Chúa nhắc nhở qua Đavít: “Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết” (Tv 50,9).

Về đề tài này, chúng ta có một kinh nguyện khẩn cầu trong nghi điển Marônít. Lời kinh này xuất phát từ Kinh nguyện Thánh thể của thánh Sixtus, được đọc ngay sau kinh Lạy Cha và trước “Lời mời gọi Hiệp lễ”. Lời kinh viết:

Lạy Chúa, xin hãy biến đổi tất cả những gì nguy hại và bất lợi trở nên điều tốt lành và hữu ích, để nhờ đó, chúng con có thể làm danh Ngài cả sáng, bây giờ và mãi mãi.

Chân lý này đạt tới ý nghĩa cao độ khi thánh Phaolô dạy trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

Nguồn: gpquinhon.org  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét