CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN
–Lm Inhaxiô Hồ Thông–
Chủ đề Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XIII Thường Niên năm B đó là: “Thiên Chúa không làm ra sự chết, nhưng ban sự sống”.
Kn 1: 13-15; 2: 23-25.
Trong Bài Đọc I, tác giả sách Khôn Ngoan cho thấy rằng Thiên Chúa đã không làm ra sự chết; Ngài đã sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài để họ được trường tồn bất diệt.
2Cr 8: 7, 9, 13-15
Trong đoạn trích thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng Đức Ki-tô đã quảng đại ban chính mạng sống của Ngài để giải thoát muôn người, vì thế, người Ki-tô hữu phải biết chia sẻ với anh chị em nghèo khổ với tấm lòng quảng đại và tình huynh đệ.
Mc 5: 21-43
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô kể cho chúng ta hai câu chuyện phép lạ trong một bài trình thuật, qua đó cho thấy Đức Giê-su không chỉ có quyền năng chữa lành bệnh hoạn tật nguyền khi cho một người đàn bà bị bệnh nan y được lành; nhưng trên hết, Ngài còn nắm giữ quyền ban sự sống, tiêu diệt sự chết khi cho một cô bé đã thật sự chết được sống lại.
BÀI ĐỌC I (Kn 1: 13-15; 2: 23-25)
Sách Khôn Ngoan là tác phẩm muộn thời nhất của bộ Cựu Ước. Sách được biên soạn vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, ở A-lê-xan-ri-a, trong môi trường Do thái chịu ảnh hưởng văn hóa Hy lạp. Vào thời đại nầy, thành phố A-lê-xan-ri-a là thủ đô của văn hóa Hy lạp, nhưng cũng là thành phố lớn nhất của Do thái Hải Ngoại (người ta ước lượng khoảng vài trăm ngàn người Do thái sinh sống ở thành phố nầy).
Chúng ta không biết tên tuổi của tác giả sách Khôn Ngoan. Ông viết tác phẩm của mình bằng tiếng tiếng Hy lạp cho đồng bào Do thái Hải Ngoại của ông, họ không còn biết tiếng Hy bá nữa. Sách Khôn Ngoan đã được soạn thảo trong bối cảnh văn hóa Hy-lạp có sức lôi cuốn người Do thái và làm cho nhiều người lung lay niềm tin truyền thống của dân tộc mình. Tác giả đã muốn ngăn ngừa những nguy cơ bội giáo. Ông cực lực công kích ngoại giáo và tội thờ ngẫu tượng.
Tác giả là một con người đạo hạnh, rất gắn bó với truyền thống Do Thái giáo. Tuy nhiên, tư tưởng thần học của ông tiếp xúc với triết lý Hy-lạp. Việc tiếp xúc nầy rất có lợi: ngôn từ mà ông sử dụng trong sách Khôn Ngoan thì thâm thúy hơn, suy luận sâu sắc hơn, rộng mở với siêu hình học hơn so với các sách minh triết trước đó (sách Gióp, Châm Ngôn, Giảng Viên, Huấn Ca). Thánh Phao-lô và thánh Gioan sẽ gặp thấy ở nơi tác phẩm nầy những trực giác cho Ki-tô học của mình.
Tác giả mượn vài tư tưởng của văn hóa Hy lạp như quan niệm về sự bất tử của linh hồn. Nhưng tác giả không chấp nhận quan niệm về con người của văn hóa Hy lạp: ông tháp nhập viễn cảnh nầy vào trong chiều sâu tư tưởng Do Thái giáo truyền thống.
1.Thiên Chúa không làm ra cái chết.
Tác giả khẳng định:
“Thiên Chúa không làm ra cái chết,
chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong (1: 13)
Tác giả còn quả quyết xa hơn nữa:
“Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người
cho họ được trường tồn bất diệt (2: 23).
Đây là lần đầu tiên trong Cựu Ước xuất hiện lời khẳng định về cuộc sống sau cái chết trong mối thân tình với Thiên Chúa. Thật ra, niềm hy vọng về cuộc sống bên kia nấm mồ đã được phát biểu nhiều lần, nhất là các Thánh Vịnh, trong đó Thánh Vịnh Tv 16 nổi tiếng hơn cả:
“Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Chúa dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!” (Tv 16: 10-11).
Niềm hy vọng nầy là tiếng kêu vang lên của người vô tội, họ xin Thiên Chúa xét xử ngõ hầu người công chính không cùng chịu chung số phận với quân vô đạo. Nhưng vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, tác giả sách Khôn Ngoan nêu lên niềm tin vào cuộc sống mai hậu nầy với một niềm xác tín thanh thản. Vấn đề thưởng phạt đã làm bận lòng các nhà ưu tú Ít-ra-en từ lâu, nay đã gặp thấy giải pháp. Trong phần thứ nhất của tác phẩm, tác giả sách Khôn Ngoan đối lập cách sống của quân vô đạo với cách sống của những người công chính ở dưới thế, cũng như số phận khác nhau giữa họ sau khi chết. Người công chính chỉ chịu một cái chết bên ngoài, số phận của họ thì bất tử. Quân vô đạo phải chịu cả cái chết thể lý lẫn cái chết thần thiêng, nghĩa là không được hưởng niềm hoan lạc trong Thánh Nhan Thiên Chúa.
2.Quan niệm về con người theo Kinh Thánh:
Tác giả sách Khôn Ngoan không đơn giản chuyển quan niệm Hy lạp về sự bất tử của linh hồn sang tư tưởng Do thái, vì quan niệm về con người của hai nền văn hóa nầy rất khác nhau.
Trước tiên, chúng ta hãy ghi nhận rằng có vài điểm tương đồng về cuộc sống bên kia cái chết giữa quan niệm Do thái và quan niệm Hy lạp. Theo quan niệm Do thái cũng như Hy lạp, những vong nhân sống trong cõi âm ty buồn phiền tăm tối mà người Do thái gọi là “shéol” và người Hy lạp gọi là “hadès”. Cả hai đều có chung một niềm tin với các dân tộc khác theo đó đất đã sinh ra con người và sẽ tiếp nhận con người vào trong lòng đất sau khi chết.
Trong huyền thoại Hy lạp, vài vị anh hùng ưu việt đạt đến một cuộc sống tốt hơn, được cất lên bên cạnh các thần linh như Ménelas và Héraclès, hay được mang vào Đảo Hạnh Phúc, như Achille, trong sử thi Homère. Cũng vậy, trong truyền thống Kinh Thánh, ông Kha-nốc (St 5: 24), ngôn sứ Ê-li-a (2V 2: 11) là những người được cất lên trời và đang sống.
Trong tư tưởng Hy lạp, vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, hiền nhân Socrate khẳng định công khai sự bất tử của linh hồn và cuộc sống trường cửu bên cạnh các thần linh. Platon sẽ khai triển những bằng chứng về sự bất tử của linh hồn trong tác phẩm Phédon. Tuy nhiên, theo quan niệm “nhị nguyên” của Platon, linh hồn khác với thân xác: linh hồn bất tử trong thân xác hư hoại.
Quan niệm Do thái về linh hồn thì rất khác. Con người được tạo thành một thực thể duy nhất gồm cả linh hồn lẫn thân xác. Linh hồn là nguyên lý sự sống. Nguồn sống nầy đến từ hơi thở của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa rút lại hơi thở của Ngài, con người chết. Quan niệm Hy-lạp về sự bất tử của linh hồn không làm thay đổi, nhưng củng cố quan niệm của Kinh Thánh về con người. Sách Khôn Ngoan viết:
“Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa
và chẳng cực hình nào động tới được nữa” (3: 1).
Ở đây, linh hồn đón nhận phẩm chất, nhân cách và có khả năng thấy Thiên Chúa.
Người Do thái có cơ hội thuận tiện đạt tới quan niệm về “sự sống lại của thân xác” trước khi mở lòng ra trước quan niệm về sự bất tử của linh hồn. Như vậy, những nhà tư tưởng của người Do thái có thể cưỡng kháng lại nhị nguyên thuyết của người Hy-lạp. Thân xác, do bàn tay của Thiên Chúa tạo nên, không thể bị khinh chê được, nhưng duy trì chiều kích cao cả của nó: cuộc sáng tạo nguyên thủy là tốt đẹp.
3.Cái nhìn lạc quan về con người.
Tác giả sách Khôn Ngoan có một cái nhìn rất lạc quan về sự hiện hữu của con người khi viết:
“Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu,
mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh,
chẳng loài nào mang độc chất hủy hoại” (1: 14a)
Tư tưởng lạc quan nầy quy chiếu về câu chuyện đầu tiên của sách Sáng Thế: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”. Đây là điệp khúc được lập đi lập lại sau mỗi hành vi sáng tạo trong suốt “sáu ngày tạo dựng”. Niềm lạc quan của tác giả còn đi xa hơn nữa khi được diễn tả ở nơi lời khẳng định táo bạo này:
“Âm phủ không thống trị địa cầu”.
Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử” (1: 14b-15).
Dù sức mạnh của sự dữ và sự chết xem ra hoành hành trên cõi thế và thường chiến thắng, nhưng người công chính đánh bại sự chết vì họ được bảo đảm một cuộc sống trường sinh bất tử. Tác giả hoàn tất sự chứng minh của mình bởi hai lập luận quan trọng như sau:
Lập luận thứ nhất dựa trên chuyện tích thứ nhất của sách Sáng Thế: “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1: 26). Sách Khôn Ngoan khẳng định:
“Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người
cho họ được trường tồn bất diệt.
Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (2: 23).
Rõ ràng ở đây lập luận của tác giả về sự bất tử của cả linh hồn lẫn thân xác (tính toàn vẹn của con người) chủ yếu dựa trên Kinh Thánh, vì thế không chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy-lạp theo đó chỉ có linh hồn là bất tử.
Lập luận thứ hai ám chỉ đến chuyện tích thứ hai của sách Sáng Thế về sự thử thách và sa ngã khi tác giả viết:
“Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị
mà cái chết đã xâm nhập thế gian.
Nhưng ai về phe nó đều nếm mùi cái chết” (2: 24).
Ở đây, cái chết mà tác giả nhắm đến trước hết là cái chết thần thiêng, cái chết thực sự. Cái chết thể lý được liên kết với số phận con người, nhưng chỉ dẫn quân vô đạo đến cái chết thần thiêng. Tác giả sách Khôn Ngoan là người đầu tiên cho chuyện tích về thử thách và sa ngã một giá trị tôn giáo. Đức Giê-su sẽ củng cố quan điểm nầy khi công bố “Ngay từ đầu, nó là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó” (Ga 8: 44).
BÀI ĐỌC II (2Cr 8: 7, 9, 13-15)
Thánh Phao-lô thực hiện một cuộc lạc quyên giúp Hội Thánh Giê-ru-sa-lem: Hội Thánh nầy đang lâm cảnh túng thiếu. Sách Công Vụ Tông Đồ nói với chúng ta về một nạn đói lớn đã xảy ra dưới thời hoàng đế Cơ-lau-đi-ô: “Các môn đệ mới quyết định là mỗi người tùy theo khả năng của mình, sẽ gởi quà giúp đỡ anh em ở miền Giu-đê. Và họ đã làm việc ấy: gởi đến cho hàng kỳ mục qua tay ông Ba-na-ba và ông Sao-lô” (Cv 11: 28-30).
Vì thế, trong thư gởi tín hữu Ga-lát, thánh Phao-lô nhắc lại việc thánh nhân lên Giê-ru-sa-lem vào thời kỳ nầy (chắc chắn vào năm 46). Chính vào thời điểm này, thánh Phê-rô, thánh Gioan và thánh Gia-cô-bê, lãnh đạo Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, vẫn tiếp tục đảm nhận trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho “những người được cắt bì”; còn thánh Ba-na-ba và thánh Phao-lô thì được ủy quyền giao nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho “các dân ngoại” với một điều kiện là họ phải lo cho những Ki-tô hữu túng thiếu tại Giê-ru-sa-lem.
Thánh Phao-lô không bao giờ quên lời hứa của ngài: “chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm” (Gl 2: 10), thậm chí cho dù các Ki-tô hữu Giê-ru-sa-lem không còn phải lâm vào cảnh quá túng quẫn đi nữa.
1.Ý nghĩa của lạc quyên:
Việc lạc quyên giúp đỡ Hội Thánh Giê-ru-sa-lem chiếm một chỗ quan trọng trong những hoạt động của thánh Phao-lô. Thánh nhân đã đặt bầu nhiệt huyết vào công việc nầy, vì ngài thấy ở đó một cơ hội cho những người tân tòng, dù xuất thân từ Do thái giáo hay lương dân, thực hành đức ái huynh đệ và chia sẻ những của cải, cũng như chứng tỏ sự gắn bó của họ với Hội Thánh-Mẹ. Đây là cử chỉ hiệp nhất, lòng biết ơn đối với Hội Thánh Mẹ, từ đó Lời Chúa được tỏa lan và những ân phúc đức tin được trao ban.
Quả thật, trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh nhân viết: “Nhưng bây giờ tôi còn phải đi Giê-ru-sa-lem để phục vụ dân thánh ở đó, vì miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a đã có nhã ý đóng góp để giúp những người nghèo trong số dân thánh ở Giê-ru-sa-lem. Họ đã có nhã ý làm như vậy, nhưng thật ra họ cũng có bổn phận đối với dân thánh ở đó. Bởi vì dân ngoại đã được chia sẻ các phúc lộc thiêng liêng của dân thánh ở Giê-ru-sa-lem, thì họ cũng có bổn phận dùng của cải vật chất mà giúp đỡ lại…” (Rm 15: 16-28). Trong thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân ám chỉ đặc biệt đến điều nầy: “Về điều nầy… vì anh em là những người đầu tiên, chẳng những đã thực hiện công cuộc đó, mà còn đã quyết định làm ngay từ năm ngoái” (2Cr 8: 10).
Trong đoạn trích thư hôm nay, thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Cô-rin-tô hãy mở rộng tấm lòng mà giúp đỡ các anh chị em đang lâm cảnh túng thiếu.
2.Mở rộng tấm lòng.
Thánh Phao-lô khéo léo kể ra những đức tính trổi vượt của các tín hữu Cô-rin-tô: đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, vì thế họ cũng phải trổi vượt “lòng quảng đại trong dịp lạc quyên nầy nữa” (8: 7).
Nếu họ nhiệt thành thực hành đức ái, chính vì thánh Phao-lô đã chuyển lửa của ngài cho họ: “Lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi”. Nhưng động lực chính yếu là mẫu gương của Đức Ki tô (trọng tâm của đoạn văn này). Trong một biểu thức gây ấn tượng mạnh, thánh Phao-lô gợi lên rằng Đức Ki tô “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó, vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (8: 9).
3.“Lá lành đùm lá rách”:
Tuy nhiên, thánh Phao-lô biết rằng các tín hữu Cô-rin-tô không phải là những người giàu có. Vì thế, thánh nhân tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ khi đòi hỏi họ chia sẻ với những người túng thiếu không phải những gì cần thiết cho sự sống của mình, nhưng sự dư giả của mình: “Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu; để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em. Lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (8: 14).
TIN MỪNG (Mc 5: 21-43)
Tin Mừng hôm nay kết hợp hai câu chuyện phép lạ: phục sinh con gái ông Gia-ia (5: 21-24, 35-43) và chữa lành người phụ nữ bị bệnh nan y (5: 25-34). Bản văn này được gọi là “Hai câu chuyện trong một bài trình thuật” với điều kiện là câu chuyện thứ hai xen vào giữa câu chuyện thứ nhất làm gián đoạn câu truyện thứ nhất. Theo hình thức này, hai câu chuyện có nhiều điểm chung: hai thụ nhân đều là phái nữ; con số mười hai: người phụ nữ bị bệnh đã mười hai năm, còn cô gái thì đã mười hai tuổi (5: 25, 42); hai phép lạ được thực hiện một cách kín đáo: phép lạ chữa lành bệnh nan y của một phụ nữ không thể kiểm chứng được; còn phép lạ cho một bé gái sống lại chỉ có vài nhân chứng với lệnh truyền không được kể cho ai biết chuyện nầy; trong cả hai trường hợp, đức tin đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình tiếp cận với Chúa Giê-su: niềm tin công khai của người cha và niềm tin kín đáo của người phụ nữ bị bệnh nan y.
Việc đan kết hai câu chuyện vào trong một bài trình thuật cũng được gặp thấy trong bài trình thuật của Mt 9: 18-26 và của Lc 8: 40-56, nhưng bài trình thuật của thánh Mác-cô có nhiều tình tiết sinh động nhất. Toàn bộ bài trình thuật bày tỏ nhiều chi tiết sống động của một chứng nhân mắt thấy tai nghe mà thánh Mác-cô nhận được từ nguồn của mình hay từ những kỷ niệm của thánh Phê-rô mà thánh ký chuyển tải. Nhờ những tình tiết sống động này, chúng ta dễ dàng nhận thấy diễn tiến và ý nghĩa của những sự kiện: Đức Giê-su không vội vàng đến nhà ông trưởng hội đường; thời gian trôi qua giữa Đức Giê-su và người phụ nữ mắc bệnh nan y dẫn đến cô bé thật sự chết. Cũng như trong câu chuyện cho anh La-da-rô sống lại (Ga 11), Đức Giê-su không vội vã ra đi khi nghe tin anh La-da-rô đau nặng; Ngài đến sau khi bạn Ngài đã qua đời bốn ngày rồi. Như vậy, trong câu chuyện của Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su loan báo một dấu hiệu còn lớn hơn dấu hiệu chữa lành bệnh tật: Ngài có quyền ban sự sống trên cả sự chết.
1.Chúa Giê-su với viên trưởng Hội Đường (5: 21-24):
Trước đây, Đức Giê-su đã ở vùng đất dân Ghê-ra-sa, vùng đất dân ngoại, ở đó Ngài đã chữa lành một người bị quỷ ám nguy hiểm khiến dân làng sợ hãi xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ. Vì thế, Ngài xuống thuyền, trở lại sang bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất Ít-ra-en. Lập tức, “một đám rất đông tụ lại chung quanh Người” (5: 21). Đây là nét tiêu biểu của Tin Mừng Mác-cô, thánh ký thích ghi lại những tình cảm dân chúng dành cho sự hiện diện của Đức Giê-su: “đám đông tuôn đến với Người”, “họ đến với Người”, “họ đi theo và chen lấn Người”, “họ thích thú lắng nghe Người”.
Và nầy, một viên trưởng hội đường rẻ đám đông đến gặp Ngài. Vị chức sắc Do thái nầy bày tỏ lòng kính trọng và niềm tin tưởng vào Đức Giê-su: ông phủ phục dưới chân Ngài và khẩn thiết nài xin Ngài đến cứu giúp đứa con gái đang trong tình trạng thập tử nhất sinh của ông. Viên trưởng hội đường nói lên ước nguyện của mình: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” (5: 25). Đáp lại niềm tin tưởng đầy cảm động của ông, Đức Giê-su liền ra đi với ông. Trên đường đi, giữa đám đông chen lấn Ngài, xuất hiện một người phụ nữ mắc bệnh nan y.
2.Chúa Giê-su với người phụ nữ mắc bệnh nan y (5: 25-34):
Thánh Mác-cô thường giữ lối nói trực tiếp và bình dân cho câu chuyện của mình: “Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều lần đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác” (5: 25-26). Thánh Lu-ca, thầy thuốc, giữ chừng mực hơn trong ngôn từ của mình: “Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, không ai có thể chữa được” (Lc 8: 43).
Theo văn hóa Do thái, bệnh tình của bà là trường hợp nghiêm trọng về luật thanh sạch, vì máu là điều cấm kỵ. Vì thế, tuyệt đối cấm bà không được đụng chạm đến bất kỳ ai để khỏi làm cho người ấy ra ô uế (Lv 15: 19-30). Đó là lý do tại sao bà lẫn mình vào trong đám đông để không ai nhận ra và rón rén tiến lại phía sau Đức Giê-su, vì bà không thể công khai cầu xin Ngài chữa cho bà. Cử chỉ của bà thật khiêm tốn: không tìm kiếm bất cứ điều gì ngoài một ước nguyện đơn giản: “Tôi mà sờ được áo Người thôi, là sẽ được cứu” (5: 28). Điều bà nghỉ trong lòng nay được ứng nghiệm: “Tức khắc, máu bà cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh” (5: 29).
“Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra” (5: 30). Đây là cách thức qua đó thánh Mác-cô muốn nói rằng quyền năng này không phải do Đức Giê-su nhận được, nhưng vốn có nơi chính con người của Ngài. Vì thế, Ngài liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào tôi?” (6: 30). Câu hỏi của Đức Giê-su tạo cơ hội cho các môn đệ lên tiếng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy đến như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã sờ vào tôi?’” (5: 31).
Sự kiện: “đám đông chen lấn Đức Giê-su”, đóng một vai trò quan trọng trong bài trình thuật này. Việc “đám đông chen lấn” không chỉ nối kết hai câu chuyện thành một bài trình thuật, nhưng còn làm sống động cho hai câu chuyện này. Ngoài ra, nhờ đám đông chen lấn này, lời giải thích của Đức Giê-su về hành động kín đáo của người đàn bà thật rõ ràng: bà được chữa lành không phải vì bà chạm vào gấu áo của Ngài, nhưng vì bà có niềm tin: “Nầy con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (5: 34). Chúng ta có thể gọi niềm tin của người phụ nữ này vào Đức Giê-su là một niềm tin kín đáo, nhưng mãnh liệt đến mức liều lỉnh. Quả thật, trong đám đông chen lấn Ngài, không thiếu những người đã đụng chạm vào Ngài, nhưng không ai nhận được bất cứ ân ban nào. Để đón nhận ân sủng của Đức Giê-su, cần thiết phải có một đức tin sẵn sàng ở trong lòng.
3.Chúa Giê-su với con gái của viên trưởng hội đường (5: 35-45):
Khi đoàn người sắp đến nhà viên trưởng Hội Đường, người nhà viên trưởng hội đường thông báo cho ông: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” (5: 35). Đối với họ, quyền năng của Đức Giê-su cũng chỉ là quyền năng chiến thắng bệnh tật. Chắc chắn viên trưởng hội đường cũng đồng quan điểm với họ. Nghe thế, Đức Giê-su nói với ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (5: 36). Nếu chúng ta muốn nắm bắt nét nghĩa của động từ được thánh Mác-cô dùng ở đây, phải dịch: “Hãy kiên vững trong đức tin của ông”, có nghĩa ông có đức tin rồi và phải tiếp tục tin như thế. Như vậy, Ngài mở cho người cha đau khổ nầy một con đường hy vọng. Vì thế, ông không ngăn cản Đức Giê-su, nhưng để Ngài vào nhà ông.
Chúng ta sẽ tham dự một hoạt cảnh tương tự ở Bê-ta-ni-a trong câu chuyện của thánh Gioan về việc phục sinh anh La-da-rô, em trai của hai chị em cô Mác-ta và cô Ma-ri-a. Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày” (Ga 11: 39). Đức Giê-su trả lời bằng cách đòi hỏi chị phải tin vào Ngài: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” (Ga 11: 40).
“Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Ngài sẽ nói với các môn đề về cái chết của anh La-da-rô cũng như vậy: “La-da-rô, bạn của chúng ta đang yên giấc” (Ga 11: 11). Đây không là một hình bóng, nhưng là một lời khẳng định mang tính mặc khải: cái chết chỉ là một giấc ngủ khai mở sự sống, như chúng ta đã gặp thấy nhiều lần trong văn chương Kinh Thánh cũng như ngoài Kinh Thánh. Tất cả tình tiết của hoạt cảnh đều tuân theo chiều hướng nầy.
Sau khi vào nhà viên trưởng hội đường, Đức Giê-su truyền lệnh cho mọi người ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ và ba người môn đệ cùng đi với Ngài, Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan, vào nơi đứa bé đang nằm. Đức Giê-su cầm lấy tay đứa bé và nói: “Ta-li-tha-kum” (“Ta-li-tha”: “cô bé”, và “kum”: “hãy chỗi dậy”). Thánh Mác-cô đã bảo tồn từ A-ram, ngôn ngữ nói của Đức Giê-su, trong bản văn của mình, điều này gây ấn tượng cho người đọc về một chứng nhân nhãn tiền. Đồng thời, tác giả lập tức dịch sang ngôn ngữ Hy-lạp, ngôn ngữ phổ thông vào thời đó: “Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!”, điều này cho thấy tác giả gởi sách Tin Mừng của mình đến các Ki-tô không xuất thân từ Do thái, nhưng từ lương dân.
“Hỡi cô bé, hãy chỗi dậy”, động từ “chỗi dậy” sẽ trở thành thuật ngữ để chỉ biến cố Phục Sinh của Đức Ki-tô. Cô bé liền chỗi dậy và đi lại được. Đức Giê-su bảo họ cho đứa bé ăn. Lời dặn dò nầy có một mục đích tức thời, nhằm cho cha mẹ của cô bé hiểu rằng cô bé thật sự sống lại chứ không là một bóng ma. Cũng vậy, sau khi sống lại, Đức Giê-su cũng hỏi các môn đệ vẫn còn nghi nan ngờ vực: “Ở đây anh em có gì ăn không?” (Lc 24: 41). Tuy nhiên, lời dặn dò nầy còn mặc khải một ý nghĩa sâu xa hơn nữa, vì nó mang tính biểu tượng và ngôn sứ: việc chỗi dậy bên kia cái chết mở ra những thực tại thần thiêng mà các ngôn sứ đã diễn tả bằng những hình ảnh về bàn tiệc cánh chung mà Thiên Chúa mở ra để khoản đãi muôn dân nước.
“Cô bé đã mười hai tuổi”. Con số “mười hai” cũng có giá trị dấu chỉ: con số của sự tuyển chọn. Thánh Mác-cô đã dùng con số nầy rồi đối với người phụ nữ mắc bệnh băng huyết đã “mười hai” năm. “Mười hai Tông Đồ” tiếp nối “mười hai chi tộc Ít-ra-en”, là dấu chỉ của Vương Quốc Thiên Chúa. Trong sách Khải Huyền, số người được tuyển chọn là “một trăm bốn mươi bốn ngàn” người, tức là gấp ngàn lần của 12 x 12 (Kh 7: 4).
Ngoài cha mẹ, những nhân chứng về cuộc phục sinh cô bé là ba Tông Đồ, Phê-rô, Gia-cô-bê, và Gioan. Chính ba vị Tông Đồ nầy sẽ được Đức Giê-su dẫn lên núi để chứng kiến cuộc Biến Hình của Ngài. Trong câu chuyện Biến Hình, khi “các ông kinh hoàng ngã sấp mình xuống đất”, Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ” (Mt 17: 7). Cũng là cử chỉ và lời nói mà Đức Giê-su đã làm và đã nói với con gái của viên trưởng hội đường. Có một mối liên hệ của biến cố Phục Sinh với biến cố Biến Hình, đây là hai khía cạnh bất khả phân lý của cuộc sống sau cái chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét