Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27 tháng Sáu, 2021
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía. Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.} Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay trong bài Tin Mừng (x. Mc 5,21-43) Chúa Giêsu đối diện với hai hoàn cảnh bi đát nhất của chúng ta là cái chết và bệnh tật. Ngài giải thoát hai người khỏi các hoàn cảnh bi thảm này: một bé gái, là người vừa chết khi cha cô chạy đi cầu xin sự giúp đỡ của Chúa Giêsu; và một phụ nữ, bị mất máu nhiều năm. Chúa Giêsu cảm động trước sự đau khổ và cái chết của chúng ta, và Ngài làm ra hai dấu chỉ chữa lành để cho chúng ta biết rằng cả đau khổ và sự chết đều không có tiếng nói cuối cùng. Ngài nói với chúng ta rằng chết không phải là hết. Ngài đánh bại kẻ thù này, kẻ thù mà một mình chúng ta mà thôi thì không thể giải phóng được mình.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, thời điểm mà bệnh tật vẫn là trung tâm của các bản tin, chúng ta nên tập trung vào một dấu chỉ khác, đó là sự chữa lành cho người phụ nữ bị mắc chứng xuất huyết. Không chỉ có vấn đề về sức khỏe mà thôi, tình cảm của cô ấy cũng đã bị tổn hại. Tại sao? Cô bị xuất huyết và do đó, theo suy nghĩ của người thời đó, cô bị coi là người không trong sạch. Cô ấy là một phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội; cô ấy không thể có những mối quan hệ ổn định; cô ấy không thể có chồng; cô ấy không thể có một gia đình, và không thể có những mối quan hệ xã hội bình thường, bởi vì cô ấy “không trong sạch”, một căn bệnh đã khiến cô ấy “không trong sạch”. Cô sống cô đơn, với một trái tim đầy vết thương. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là gì? Bệnh lao chăng? Đại dịch chăng? Thưa: Không phải như thế. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình yêu; là không thể yêu. Người phụ nữ tội nghiệp này bị bệnh, vâng, vì mất máu, nhưng kết quả là, thiếu tình yêu thương, vì cô ấy không thể ở bên người khác trong xã hội. Và sự chữa lành ngoạn mục nhất là sự chữa lành về tình cảm. Nhưng làm thế nào để chúng ta tìm thấy sự chữa lành? Chúng ta có thể nghĩ về những người chúng ta thương mến: họ có bị bệnh không hay đang có sức khỏe tốt? Nếu họ mắc bệnh, Chúa Giêsu có thể chữa lành cho họ.
Câu chuyện về người phụ nữ vô danh này - chúng ta hãy gọi cô ấy như vậy, “người phụ nữ vô danh” -, người mà tất cả chúng ta có thể thấy chính mình nơi cô ấy, là một mẫu gương. Trình thuật Tin Mừng nói rằng cô ấy đã thử nhiều phương pháp điều trị, “đã tiêu hết những gì cô ấy có, mà chẳng khá hơn nhưng càng ngày càng tệ hơn” (câu 26). Chúng ta cũng vậy, chúng ta có thường xuyên lao vào những phương dược chữa trị sai lầm để thoả mãn sự thiếu thốn tình yêu của mình không? Chúng ta nghĩ rằng thành công và tiền bạc làm cho chúng ta hạnh phúc, nhưng tình yêu không thể mua được; tình yêu là nhưng không. Chúng ta ẩn mình trong ảo ảnh, nhưng tình yêu là hữu hình. Chúng ta không chấp nhận bản thân mình như thực chất của chúng ta và chúng ta ẩn sau những dáng vẻ bề ngoài, nhưng tình yêu không phải là hình thức bên ngoài. Chúng ta tìm kiếm giải pháp từ các trò ma thuật và từ các chuyên gia, để rồi thấy mình hết cả tiền và hết cả bình yên, giống như người phụ nữ đó. Cuối cùng, cô chọn Chúa Giêsu và lao mình vào đám đông để chạm vào áo của Chúa Giêsu. Nói cách khác, người phụ nữ đó tìm cách tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc thể lý với Chúa Giêsu. Đặc biệt trong thời điểm này, chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc tiếp xúc và các mối quan hệ như thế nào. Điều tương tự cũng đúng trong mối quan hệ với Chúa Giêsu: đôi khi chúng ta bằng lòng tuân theo một số giới luật và lặp đi lặp lại lời cầu nguyện - nhiều lần, giống như những con vẹt -, nhưng Chúa chờ đợi chúng ta gặp gỡ Người, để mở lòng chúng ta ra với Người, vì chúng ta, như người phụ nữ, cần chạm vào quần áo của Người để được chữa lành. Khi trở nên thân mật với Chúa Giêsu, tình cảm của chúng ta sẽ được chữa lành.
Chúa Giêsu muốn điều này. Trên thực tế, chúng ta đọc thấy rằng, ngay cả khi bị đám đông thúc ép, Ngài vẫn nhìn xung quanh để tìm xem ai đã chạm vào Ngài. Các môn đệ đã nói: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem “Ai đã chạm vào tôi?” Đây là cái nhìn của Chúa Giêsu: có rất nhiều người, nhưng Ngài đi tìm một khuôn mặt và một tấm lòng tràn đầy đức tin. Chúa Giêsu không hờ hững nhìn chung chung như chúng ta, nhưng Ngài nhìn vào từng cá nhân. Ngài không dừng lại ở những vết thương và sai lầm của quá khứ, mà còn vượt lên trên những tội lỗi và định kiến. Tất cả chúng ta đều có một lịch sử, và mỗi người chúng ta, trong bí mật của mình, đều biết rõ những vấn đề xấu xa trong lịch sử của chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu đã nhìn vào đó để chữa lành. Trái lại, chúng ta thích nhìn những vấn đề xấu xa của người khác. Biết bao lần khi trò chuyện, chúng ta lại rơi vào tình trạng huyên thuyên nói xấu người khác, “xỉa xói” người khác. Nhưng này: làm như thế thì đi đến đâu? Chúng ta thường không hành động như Chúa Giêsu, Đấng luôn nhìn vào những cách thế để cứu chúng ta; Ngài nhìn vào ngày hôm nay; Ngài không nhìn vào lịch sử xấu xa mà chúng ta có. Chúa Giêsu vượt lên trên tội lỗi. Chúa Giêsu vượt ra ngoài những định kiến. Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở những vẻ bề ngoài, nhưng đi đến tận thẳm sâu trái tim. Và Ngài chữa lành hoà toàn cho cô ấy, là người đã bị mọi người khước từ như một người phụ nữ không trong sạch. Ngài dịu dàng gọi cô là “con” (câu 34) - phong cách của Chúa Giêsu là gần gũi, từ bi và dịu dàng: “Này con” - và Ngài ca ngợi đức tin của cô, khôi phục sự tự tin cho cô.
Anh chị em đang hiện diện ở đây thân mến, hãy để Chúa Giêsu nhìn vào và chữa lành trái tim anh chị em. Tôi cũng phải làm điều này: là để Chúa Giêsu nhìn vào trái tim tôi và chữa lành nó. Và nếu anh chị em đã cảm thấy sự dịu dàng khi Ngài nhìn vào anh chị em, hãy bắt chước Ngài, và làm như Ngài đã làm. Nhìn xung quanh: anh chị em sẽ thấy rằng nhiều người sống bên cạnh anh chị em cảm thấy bị thương và cô đơn; họ cần cảm thấy được yêu thương: hãy thực hiện từng bước. Chúa Giêsu yêu cầu anh chị em một cái nhìn không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài, nhưng đi vào trái tim: một cái nhìn không phán xét, nhưng chào đón - chúng ta hãy ngừng phán xét người khác - Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta một cái nhìn không phán xét. Vì chỉ tình yêu mới có thể hàn gắn cuộc đời. Xin Đức Mẹ, Đấng An Ủi những người đau khổ, giúp chúng ta có thể vuốt ve những người có trái tim bị tổn thương mà chúng ta gặp trên hành trình của mình. Và đừng phán xét; đừng phán xét thực tế cá nhân, xã hội của người khác. Chúa yêu tất cả mọi người! Đừng phán xét; hãy để người khác sống và cố gắng tiếp cận họ bằng tình yêu thương.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến! Hôm nay, gần Lễ Các Thánh Phêrô và Phaolô, tôi xin anh chị em cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng. Hãy cầu nguyện một cách đặc biệt: Đức Giáo Hoàng cần lời cầu nguyện của anh chị em! Cảm ơn anh chị em. Tôi biết anh chị em sẽ làm như vậy.
Nhân Ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông hôm nay, tôi mời mọi người cầu xin lòng thương xót và hòa bình của Thiên Chúa cho khu vực đó. Xin Chúa ủng hộ nỗ lực của những người tham gia đối thoại và chung sống huynh đệ ở Trung Đông, nơi đức tin Kitô được sinh ra và luôn sống động, bất chấp những đau khổ. Xin Chúa luôn ban cho những người thân yêu của chúng ta ở đó sự bình an, sự kiên trì và lòng can đảm.
Tôi bảo đảm sự gần gũi của tôi với những người dân ở phía Tây Nam của Cộng hòa Tiệp bị tấn công bởi một cơn bão mạnh. Tôi cầu nguyện cho những người đã ra đi và những người bị thương và những người đã phải rời bỏ ngôi nhà bị hư hại nghiêm trọng của họ.
Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả các bạn, đến từ Rôma, từ Ý và từ các quốc gia khác. Tôi thấy người Ba Lan, người Tây Ban Nha…. Rất nhiều ở đó và ở đó…. Cầu chúc cho chuyến viếng thăm mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô củng cố trong anh chị em tình yêu đối với Chúa Kitô và đối với Giáo hội của Người.
Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng. Xin chào tạm biệt! Tuổi trẻ của Đức Mẹ Vô nhiễm, các con xuất sắc lắm!
Source:Holy See Press Office
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét