Trang

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Nhanh từ từ thôi

 

Nhanh từ từ thôi

      
  •  


GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

NHANH TỪ TỪ THÔI

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ

Câu hỏi:

Con thấy tuổi trẻ suy nghĩ nhanh, quyết định chóng, nhưng dễ thay đổi, nhất là lúc gặp khó khăn thách đố. Vậy làm thế nào để có thể kiên vững với những ý định, quyết tâm của bản thân?

Trả lời:


Bạn thân mến,

Là một người trẻ, có lẽ chúng ta cảm nhận được sự căng thẳng nơi chính bản thân. Nhiều khi mình suy nghĩ quá hấp tấp, quyết định quá vội vàng. Sau đó chính mình lại dễ dàng thay đổi hoặc thậm chí là bỏ cuộc khi gặp khó khăn thử thách. Điều này dường như là tình trạng phổ biến trong giới trẻ. Tôi đoán chắc rằng bạn đã ý thức được điểm yếu này và cố gắng khắc phục nó nhưng vẫn “tái phạm” hoài!

Hình mẫu lý tưởng mà bạn hướng đến có lẽ là một người điềm tĩnh, suy nghĩ chín chắn, và nhất là luôn luôn kiên định. Tôi tưởng tượng ra lúc bạn gặp mẫu người lý tưởng của bạn và hỏi họ về bí kíp làm sao để có được những tính cách như vậy. Họ sẽ cười và trả lời bạn:

- Khi còn trẻ tôi cũng giống như bạn. Qua thời gian dài, tôi đã rút ra nhiều bài học để trở thành một người như ngày hôm nay.

Thật vậy, không ai mới sinh ra là trưởng thành ngay. Tiến trình phát triển của bất cứ người nào đều phải theo quy luật tiệm tiến của tự nhiên. Đó không chỉ về mặt thể lý mà còn ở mặt nhân cách. Do đó, khi bạn nhận ra những điểm chung nơi mình và nơi các bạn trẻ khác, thì điều đó có nghĩa là bạn đang phát triển “bình thường”. Bạn đang ở đúng theo độ tuổi trưởng thành.

Trong nhiều trường hợp, “suy nghĩ nhanh” có khi là một lợi thế và cần thiết. Khi bạn suy nghĩ nhanh, tức là bạn có khả năng tư duy đủ nhạy bén, để có thể tìm ra nhiều hướng đi trước mỗi hoàn cảnh mới. Suy nghĩ nhanh còn giúp bạn nhạy bén kết nối nhiều nguồn thông tin, dữ liệu khác nhau. Từ đó bạn sẽ tiếp cận vấn đề một cách đầy đủ và sâu sát hơn.

Trong đời sống đức tin, sự nhạy bén trước những biến động của thời cuộc cũng là một yếu tố rất cần thiết để chúng ta nhận biết ý Chúa trong mọi biến cố. Giáo Hội rất cần sự nhạy bén của người trẻ trong một xã hội phát triển nhanh chóng về nhiều mặt như hiện nay. Các bạn là những người có nhiều kinh nghiệm về những nguy cơ và thách đố của xã hội hiện đại. Người trẻ tuy là nạn nhân của một thế giới bị tục hóa, nhưng đồng thời cũng được mời gọi để trở thành chứng nhân đức tin giữa lòng thế giới ấy. Nhờ lắng nghe tiếng nói của người trẻ, Giáo Hội sẽ biết cách diễn tả hình ảnh Thiên Chúa một cách gần gũi và thiết thực hơn với con người ngày nay.

Đừng quên “quyết định chóng” cũng là một lợi thế của người trẻ! Điều này cho thấy các bạn rất dũng cảm và quyết đoán. Thật vậy, không ít người lo sợ và lưỡng lự không dám đưa ra quyết định dứt khoát cho đời mình. Họ cứ để mặc cho dòng đời đưa đẩy. Đó là thái độ rất thụ động, không phù hợp với tính cách người trẻ. Hãy dám quyết định và dám chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Giả như quyết định đó có sai lầm, thì nó vẫn trở thành bài học kinh nghiệm giúp người trẻ trưởng thành hơn.

Trong đời sống đức tin, với khả năng tìm tòi, học hỏi và mạnh mẽ dấn thân, người trẻ sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định, lựa chọn gần với ý định của Chúa. Cho dù đôi khi cách sống đó không hoàn toàn giống với những người đi trước. Đối với người trẻ, đức tin Công Giáo không chỉ đóng khung trong kiến thức giáo lý hay giới hạn trong khuôn viên nhà thờ. Ngược lại, đức tin đó đã được diễn tả một cách sống động qua những lựa chọn hàng ngày. Đó là từ việc học cho đến việc chơi, trong nhà thờ hay khi ở siêu thị. Nếu có đầy đủ lý do, người trẻ sẽ không ngần ngại đưa ra quyết định dứt khoát:

- Tới nhà thờ hay bỏ thánh lễ

- Tin tưởng hoặc nghi ngờ vai trò của Giáo Hội

- Yêu mến hoặc thù ghét các vị mục tử

- Khao khát hoặc lãnh đạm trong việc cầu nguyện với Chúa

- v.v…

Tất cả những quyết định như trên đến từ hiểu biết cá nhân và tự do chọn lựa của mỗi người trẻ. Chúng đều rất chân thực và cần được tôn trọng. Đây chính là điểm khởi đầu rất tốt trong việc đồng hành và giúp đỡ các bạn trẻ hướng đến những quyết định chín chắn và trưởng thành hơn.

Bạn nói “người trẻ dễ dàng thay đổi lựa chọn của mình, xem đó như là kết quả tất yếu của việc suy nghĩ nhanh và quyết định chóng.” Tất nhiên, không ai muốn chính mình hay người khác là người thay đổi nhanh chóng kiểu “sáng nắng chiều mưa, trưa có bão” cả. Một cuộc sống như thế sẽ không có định hướng rõ ràng và sẽ chẳng đi tới đâu.

Tiếc là dòng chảy cuộc đời vốn không ngừng biến đổi. Mọi người đều phải biết thay đổi, thích nghi với mỗi hoàn cảnh mới để tồn tại. Những người bảo thủ thường không chịu thay đổi quyết định của mình cho đến khi hoàn cảnh buộc họ phải đổi thay. Đến lúc đó thường là quá muộn màng. Những người ấy trở nên ù lì và bế tắc trong chính cuộc sống của mình. 

Vì người trẻ không ngại thay đổi chọn lựa của mình, nên đời sống của các bạn trở nên rất linh động và có thể nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Đây cũng là một ưu thế cho người trẻ khi họ sống đức tin Công Giáo. Có thể chúng ta có những quyết định nông nổi, bồng bột. Không sao! Chúng ta có thể thay đổi và điều chỉnh đời sống của mình. Như cây non tràn trề nhựa sống, người trẻ sẵn sàng chấp nhận bị uốn nắn. Đôi khi cây ấy cần được cắt tỉa. Khi đó, cây mới đâm chồi, nảy lộc và vươn lên cao.

Tuy vậy câu hỏi của bạn rất được chú ý. Ngay từ đầu tôi đã đề cập đến tính tiệm tiến trong tiến trình phát triển bình thường của một con người. Tuy nhiên, phát triển theo quy luật tiệm tiến không có nghĩa là ngồi chờ thời gian trôi qua, rồi hy vọng một ngày nào đó ta sẽ trưởng thành hơn. Cây cối lớn lên cần bộ rễ làm việc cật lực để hút nước và chất dinh dưỡng. Đó chưa kể cây phải trải qua bao lần thay da đổi thịt, rụng lá rồi lại đâm chồi mới, hy sinh những cành cong già cỗi, loại bỏ đi lớp vỏ cũ kỹ không còn phù hợp để vươn cao. Cũng vậy, con người, dù ở độ tuổi nào, cũng vẫn phải cố gắng hoàn thiện mỗi ngày. Nói cách khác, sự hoàn thiện là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu của mỗi người chứ không chỉ là vấn đề thời gian.

Khi “suy nghĩ nhanh, quyết định chóng nhưng dễ thay đổi”, tôi xin gợi ý ba điều có thể giúp các bạn trẻ tránh những điểm yếu này.

Thứ nhất, bạn cần có thái độ khiêm tốn học hỏi.

Thẳng thắn thừa nhận điểm yếu của mình đã là bước khởi đầu quan trọng để bạn nhận biết rằng mình cần phải rèn luyện thêm, không kiêu căng tự mãn. Một khi đã nhận ra mình gặp nhiều rắc rối chỉ vì “suy nghĩ nhanh, quyết định chóng, nhưng dễ thay đổi” thì chắc chắn bạn sẽ tìm ra trong các mối liên hệ của mình những mẫu người suy nghĩ chín chắn và ý chí vững vàng để học hỏi theo. Họ vừa là mẫu gương để bạn bắt chước, vừa là động lực để bạn hoàn thiện mình.

Trong bất cứ cộng đồng nào cũng có những người trưởng thành hơn đáng để chúng ta học hỏi. Nhìn vào cách sống của họ, bạn sẽ thấy rõ bản thân mình thiếu và yếu ở những điểm nào. Họ trưởng thành hơn bạn không hẳn vì họ được trời ban sẵn những tố chất đặt biệt, nhưng là vì họ đã học hỏi kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ. Do vậy, bạn nên trò chuyện, lắng nghe và học hỏi từ kinh nghiệm của người trưởng thành hơn. Đặc biệt những người lớn tuổi, hãy gần gũi cha mẹ hay ông bà của bạn, vì họ từng “trẻ” như bạn, từng phạm những sai lầm như bạn nhưng họ đã vượt qua. Bạn có thể thấy bóng dáng mình trong những câu chuyện về tuổi trẻ của họ: cũng hăng say, cũng vội vàng, cũng sai lầm, nhưng cũng đã tìm cách khắc phục. Như thế, học từ kinh nghiệm của người khác thì chẳng khác gì học những bài học mà người khác đã trả học phí giúp mình.

Thứ hai, bạn cần kiên nhẫn với chính mình.

Để rèn luyện tính cách luôn đòi hỏi nhiều thời gian, bởi vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Có những người may mắn được nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường tốt, nên họ có điều kiện thuận lợi để hoàn thiện nhân cách. Với những người không được may mắn như thế, họ phải cố gắng nhiều hơn để vượt qua nghịch cảnh. Có thể bạn không thấy mình thay đổi gì cả sau một thời gian nhưng người khác lại nhận ra một sự thay đổi lớn nơi bạn.

Kiên nhẫn với bản thân sẽ giúp bạn tránh khỏi thất vọng. Thực tế luôn có khoảng cách xa vời giữa tình trạng hiện tại, với cột mốc lý tưởng mà mình mong muốn. Bên cạnh đó, kiên nhẫn còn giúp bạn có nhiều niềm vui khi thấy bản thân có tiến bộ hơn so với trước đây, dù đó chỉ là một bước thay đổi rất nhỏ. Kiên nhẫn giúp bạn tin tưởng rằng từng chấm nhỏ sẽ dần dần tạo nên một đường thẳng. Mỗi thay đổi nhỏ trong cách hành xử hàng ngày của bạn sẽ tạo nên bước đột phá trong tính cách sau một khoảng thời gian. Do vậy, nếu bạn cảm thấy rằng mình không sao tránh khỏi tật xấu trên đây, như bạn nói, xin đừng bỏ cuộc. Thay vào đó, bạn hãy ý thức về điều đó và cố gắng điều chỉnh từng chút một. Theo thời gian, bạn sẽ thấy bản thân dần dần tốt hơn, đạt được điều mình mong muốn.

Điều thứ ba là bạn cần can đảm chấp nhận thất bại.

Dù bạn đã làm tốt hai điểm trên đây, nhưng không phải lúc nào cũng đạt được kết quả tốt đẹp. Có khi thất bại cứ theo bạn hoài. Thay đổi tính cách là kết quả của quá trình kiên trì tập luyện lâu dài chứ không phải là một phép màu tức thì. Mà đã là tập luyện thì phải chấp nhận trầy trật, thương tích. Con đường trưởng thành của mỗi người được xây đắp bằng rất nhiều kinh nghiệm từ những lần vấp ngã. Có thể nói rằng trên đời này không hề có công thức bảo đảm thành công, chỉ có những bài học từ thất bại thôi. Do đó, đừng vì một vài lần thất bại mà nhụt chí.

Hãy can đảm, không sợ vấp ngã, chỉ nên sợ mình vấp ngã mà không dám đứng dậy đi tiếp thôi. Không có gì phải xấu hổ khi bạn sống là chính mình, cho dù bạn có nhiều yếu đuối và khiếm khuyết đi chăng nữa. Như thế, giả như bạn đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn thấy mình chưa cải thiện được thói quen trên, hãy nhìn vào gương soi và mỉm cười với mình:

- Hey, đây chính là con người thật của tôi, và quan trọng hơn, cơ hội hoàn thiện mình vẫn đang chờ tôi phía trước!

Tạm kết

Chút chia sẻ trên, bạn thấy cả mặt tích cực lẫn tiêu cực của việc “suy nghĩ nhanh, quyết định chóng, nhưng dễ thay đổi”. Như thế, điều quan trọng không phải là tìm cách loại bỏ. Thú vị hơn khi bạn tận dụng những điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của chúng. Chúng ta đề cao ý chí kiên định của con người. Thực tế, con người cần khả năng linh hoạt, thích nghi với môi trường mới. Đó là sự khôn ngoan mà chúng ta cần để ý.

Tôi tin rằng không có một công thức chung nào có thể giúp bạn đưa ra nhận định đúng đắn trong mọi hoàn cảnh. Tuy vậy, nhờ thái độ khiêm tốn học hỏi, kiên nhẫn với chính mình và dám chấp nhận thất bại, dần dần bạn sẽ trở nên khôn ngoan hơn để biết việc mình cần phải làm và làm lúc nào mới mang lại kết quả tốt đẹp nhất.


(Trích 
Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (14.6.2021)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét