Dostoevsky, không chỉ là một tác giả kitô giáo mà còn là nhà văn của Chúa Kitô
Và nếu Chúa Giêsu là nhân vật chính trong tất cả tác phẩm của Fedor Dostoevsky? Trong các hình thức xuống cấp, đảo ngược hoặc “trong con người”, Con Thiên Chúa, “tình yêu duy nhất của dân tộc Nga”, đã tạo chìa khóa cứu rỗi, vào thời điểm mà bóng tối của chủ nghĩa hư vô đang lan rộng.
lavie.fr/idees, Matthew Giroux, 2021-07-29
Chân dung Fyodor Mikhaylovich Dostoevsky của Vasily Perov. Dostoevsky (1821-1881).
Vào tháng 11 năm 1849, Fedor Dostoevsky bị tòa án quân sự kết tội đã công khai đọc một bức thư “phản loạn” của nhà phê bình văn học Belinsky trong khuôn khổ của nhóm Petrachevsky, một nhóm trí thức ảnh hưởng các ý tưởng của Charles Fourier. Mặc dù chưa có bản án tử hình nào chính thức tuyên bố – sa hoàng Nicolas I giảm án xuống còn 4 năm tù – nhà văn và những “kẻ chủ mưu” khác phải sống một cuộc hành quyết giả: mặc quần áo vệ sinh nhà xác, họ bị đưa đến Quảng trường Semenovsky ở St. Petersburg trong những chiếc xe kéo đóng kín.
Cánh quân xếp thành chữ U, các cộc đã được dựng lên, án tử hình đã được tuyên bố. Khi bị trói, Dostoevsky nói bằng tiếng Pháp với người bạn Spechnev: “Chúng ta sẽ ở với Chúa Kitô”. Nhà văn chưa biết chuyện này, nhưng những lời này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến phần đời còn lại và tác phẩm của ông. Trong bức thư gởi anh trai Mikhail, ông đã viết như sau: “Cuộc sống là một món quà, cuộc sống là hạnh phúc, mỗi phút có thể là một hạnh phúc vĩnh viễn… Giờ đây, khi thay đổi cuộc sống, tôi đã tái sinh dưới một hình thức mới.”
Cứu tâm hồn Nga
Làm thế nào nói lên đặc trưng “hình thức mới” này của Dostoevsky? Bằng sự gần gũi thiêng liêng trong mọi giây phút sống với Đấng Kitô, hiện thân của chân lý, tình yêu và tự do. “Không có một hướng dẫn nào khác ngoài khuôn mặt của Đấng Kitô mà ông đã nhìn thấy và yêu mến mãi mãi. Cái nhìn này của tâm hồn ông luôn đi theo ông khi ông đi lang thang trong bóng tối trên bờ vực thẳm đen tối và sâu thẳm. Hai tâm hồn sống trong lồng ngực của ông và mỗi tâm hồn biết mình cần những gì để lớn lên”, nhà thơ biểu tượng Vyacheslav Ivanov viết trong bài tiểu luận về Dostoevsky của ông, Bi kịch, Thần thoại, Tôn giáo (1932).
Mở đầu với Đám người nghèo (1846) dưới sự bảo trợ của chủ nghĩa xã hội không tưởng, sự nghiệp văn học của Dostoevsky tiếp tục dưới sự bảo trợ của Chúa Kitô. Nhà văn, tin chắc Thiên Chúa-con người là người duy nhất mới cứu được tâm hồn Nga trước nguy cơ chủ nghĩa hư vô và siêu nhân, sẽ phát sinh trong tiểu thuyết của ông những nhân vật tìm cách noi gương Chúa Kitô: Sonia trong Tội ác và Hình phạt (1866), Hoàng tử Mychkine trong Kẻ ngốc (1869), Alyosha trong Anh em nhà Karamazov (1880), trong quyển sách này, ông đã dựng sự trở lại của chính Chúa Kitô trong câu chuyện dụ ngôn nổi tiếng về “Quan chức Điều tra” (Grand Inquisitor).
Trong số các nhân vật được trích dẫn, chắc chắn Hoàng tử Mychkine là người tiếp cận rõ ràng nhất với hình ảnh Chúa Kitô. Người thanh niên mắc chứng động kinh, mang dấu ấn của sự vô tội. Ít dính với các quy ước xã hội dù ông có đẳng cấp và tài sản thừa kế, ông làm cho người đối thoại bối rối vì sự đơn giản trong quan điểm đạo đức của ông về mọi việc. Không dính đến các âm mưu thâm độc của những người xung quanh, ông tha thứ cho những kẻ tìm cách lừa ông và có một cái nhìn nhân hậu với đàn ông. Nhưng sự dịu dàng thực sự này ẩn chứa một sức mạnh xác tín không lay chuyển, đặc biệt khi Dostoevsky, người bảo vệ chủ nghĩa chính thống, tìm cách truyền sự thù địch của ông với Giáo hội Rôma: “Theo ý kiến của tôi, công giáo còn tệ hơn cả thuyết vô thần! Đúng, đó là ý kiến của tôi! Chủ nghĩa vô thần tự giới hạn mình khi tuyên bố hư vô, nhưng công giáo còn đi xa hơn: họ rao giảng một Đấng Kitô mà họ đã làm biến dạng, vu khống, phỉ báng, một Đấng Kitô trái với sự thật. Họ rao giảng về Phản-Kitô, tôi thề với quý vị như vậy!”
Sự cứu chuộc và sự thánh thiện
Trong Tội ác và Hình phạt, cô gái trẻ Sonia Marmeladova gợi lên Sự Thương Khó. Sự hy sinh của cô là vô cùng to lớn: cô làm điếm để nuôi gia đình. Kẻ sát nhân Raskolnikov nhìn cô như một người chị sống trong tội lỗi, ông không thấy vực thẳm đạo đức ngăn cách họ. Ông thậm chí còn đi xa đến mức hôn chân cô. Trước sự ngỡ ngàng của người phụ nữ trẻ, Raskolnikov biện minh cho cử của của mình: “Không phải trước mặt em mà anh cúi đầu, mà là trước mọi nỗi đau đớn của con người. (…) Anh không nghĩ khi nói như vậy là nói về sự sỉ nhục hay lỗi lầm của em mà là sự tử đạo khủng khiếp của em.” Một hình ảnh hy sinh mà cũng là hình ảnh của cứu chuộc, Sonia đọc cho Raskolnikov nghe câu chuyện sống lại của ông Ladarô. Đây là cả một biểu tượng.
Và làm thế nào chúng ta lại không nhắc đến nhân vật Alyosha, người trẻ nhất trong số anh em nhà Karamazov? Nếu Dimitri là hiện thân của tửu thần và Ivan là người theo chủ nghĩa hư vô thì Alyosha là hiện thân của sự thánh thiện. Nhà thơ Vyacheslav Ivanov viết: “Những gì từ thời thơ ấu đánh dấu Alyosha với dấu ấn của ân sủng và đưa anh vào thánh của các thánh của dân tộc, đó là món quà của một tình yêu sờ được, cháy bỏng, chiến thắng tất cả cho Chúa Kitô… (…) Qua chính sự thú nhận của mình, anh chỉ phân biệt thiện ác vì anh có hình ảnh Chúa Kitô dưới mắt mình.” Theo Dostoevsky, Alyosha có lẽ là người tổng hợp tốt nhất mối quan hệ đặc biệt mà người dân Nga có với Con Thiên Chúa. Trong Tạp chí của Một nhà văn (1873), ông viết: “Có lẽ tình yêu duy nhất của người dân Nga là Chúa Kitô, và họ yêu hình ảnh của Ngài theo cách của Ngài, có nghĩa là cho đến đau đớn.” Ở phần cuối của bài đọc “Quan chức Điều tra”, một dụ ngôn kể về việc Chúa Giêsu trở lại Seville vào thế kỷ 15 và đặt câu hỏi về món quà tự do mà Thượng đế ban tặng cho con người, Alyosha chỉ có một phản ứng: anh hôn người anh trai của mình trên môi theo cách của Chúa Kitô
Chúa Kitô, tự do tối thượng
Sự tha thứ của Alyosha là rất lớn, tương xứng với sự lật đổ mà Ivan cố mang lại trong câu chuyện của mình. Bằng cách làm cho tự do của con người tuân phục quyền uy, Quan chức Điều tra lật ngược huấn giáo của Chúa Kitô. Trong tiểu luận Tinh thần của Dostoevsky (1934), triết gia Nicolas Berdiaev tin rằng, điều nhà văn muốn ở đây là “tố cáo khuynh hướng kitô giáo muốn trở thành một tôn giáo của nghĩa vụ và ràng buộc” và ông nghĩ rằng “chính thống giáo phương Đông bảo vệ tự do này nhiều hơn là công giáo phương Tây”.
Đối với Dostoevsky, chân lý của kitô giáo là ở trong Chúa Kitô, Đấng là tự do tối hậu. Số phận của con người được diễn ra theo một cách xen kẽ khác: tự do đi theo Thiên Chúa-con người (Chúa Kitô) để có được tự do thực sự hoặc thụ động đi theo con người-Thiên Chúa (Siêu nhân, Phản-kitô) và chỉ khám phá ra thế phẩm của mình. Sự lựa chọn mang tính quyết định này sẽ đánh dấu sâu sắc thời của Dostoevsky, nơi sớm chứng kiến sự ra đời, với sự xuất hiện các hệ tư tưởng của các chủ nghĩa toàn trị thế kỷ 20, du nhập từ phương Tây. Và trong con mắt của nhà văn Nga, đó là cái giá phải trả cho việc quên Đấng Kitô.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
http://phanxico.vn/2021/08/08/dostoevsky-khong-chi-la-mot-tac-gia-kito-giao-ma-con-la-nha-van-cua-chua-kito/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét