Nghiệp quả từ góc nhìn của đức tin Công giáo
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 17: NGHIỆP QUẢ TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐỨC TIN CÔNG GIÁO
Giuse Cao Gia An, S.J.
Câu hỏi:
Xin lỗi vì con theo Đạo Phật nên không biết nghiệp quả được hiểu như thế nào trong đạo Công Giáo. Làm sao để bớt nghiệp quả theo lối nhìn của Công Giáo?
Trả lời:
Đây là một câu hỏi chạm đến một khác biệt cốt lõi giữa hai tôn giáo lớn. Cần có những nghiên cứu đủ sâu và đủ rộng thì mới có thể trả lời thoả đáng những câu hỏi loại này. Trong khuôn khổ của bài viết ngắn ở đây, chúng ta thử tiếp cận câu hỏi này theo ba bước như sau. Thứ nhất, nên có một hiểu biết sơ lược về thuyết nghiệp quả của nhà Phật, nhận ra cái hay và những giá trị của thuyết ấy. Thứ hai, cần nhìn rộng hơn để thấy nghiệp quả là một thuyết phổ biến, hiện diện hầu như trong khắp mọi nền văn hoá và tôn giáo từ cổ đại cho đến hiện đại. Thứ ba, nhìn xem nội dung của lý thuyết nghiệp quả được hiểu như thế nào trong đạo Công Giáo.
Thuyết nghiệp quả theo nhà Phật
Chữ “nghiệp” (Karma) là một trong những thuật ngữ quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Chữ ấy có thể được hiểu là một hành động có chủ ý trong tư tưởng, lời nói hay việc làm. Khi bạn làm một điều gì đó với đầy đủ chủ ý, bạn gieo một hạt nhân cho đời mình. Hạt nhân ấy chắc chắn sẽ thành cây và sinh quả. Gieo nhân loại nào, bạn sẽ gặt quả loại ấy. Nếu bạn gieo thiện nhân, bạn sẽ gặt thiện quả. Ngược lại, nếu bạn gieo ác nhân hay ác nghiệp, bạn sẽ gặt lại quả báo.
Theo giáo lý nhà Phật, nghiệp quả được hiểu như là một quy luật phổ quát. Không chỉ có tác dụng trong đời người, Luật ấy bao trùm vũ trụ vạn vật. Không chỉ giới hạn trong một đời người, Luật ấy có thể kéo dài từ đời này sang đời khác. Theo thuyết nghiệp quả, có những khổ đau của đời này được giải thích như là quả của những nghiệp ác đã được gieo từ kiếp trước. Cũng vậy, những nghiệp ác mà một người làm ở đời này, có thể người ấy sẽ còn phải trả trong cả kiếp sau.
Như thế, thuyết nghiệp quả dạy rằng cuộc sống của một người sướng hay khổ, vui hay buồn, thành công hay thất bại, thật ra đều phụ thuộc vào chính người ấy. Bạn được cứu rỗi hay trở nên hư mất đều phụ thuộc vào chính bạn, vào chính điều bạn đã làm và nghiệp bạn đã gieo. Sự cứu độ theo thuyết này thật ra là một sự “tự độ”. Mặt khác, thuyết nghiệp quả giả định rằng có một sự công bằng nhất định trong lối vận hành của vũ trụ vạn vật. Thuyết ấy cũng hàm chứa những bài học luân lý quý giá trong việc dạy dỗ con người: người ta phải biết tu thân tích đức và sống tốt để gặp điều thiện lương; ngược lại, người nào sống bất lương và bất chính, chắc chắn đến một lúc nào đó sẽ phải trả giá.
Thuyết nghiệp quả trong các nền văn hoá khác nhau
Không chỉ có trong nhà Phật, thuyết nghiệp quả còn hiện diện trong rất nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau. Trong những nền văn minh cổ đại của nhân loại như Ai-cập, Su-mer, A-cát, Ba-by-lon, Do-thái, Trung Hoa… luôn có một niềm tin vào nghiệp quả dựa trên nguyên tắc công bằng, cả ở cấp độ cá nhân lẫn cấp độ xã hội. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Gieo gió ắt gặp bão. Kẻ ác phải bị trừng trị và kẻ lành phải được tưởng thưởng. Một hôn quân vô đạo gieo nhiều nghiệp xấu, trước sau gì cũng phải gặt quả ác và làm cho vương quốc của mình sụp đổ. Một xã hội bất công và thối nát, tất sẽ đến hồi diệt vong. Một kẻ ác, có làm cách gì đi nữa cũng không thoát khỏi Luật trời. “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”. Lưới trời lồng lộng, thưa nhưng khó lọt.
Trong kho tàng văn hoá Việt Nam, thuyết nghiệp quả được cưu mang trong rất nhiều câu chuyện cổ tích. Cô Tấm hiền lành tốt bụng một đời nên cuối cùng được hạnh phúc. Hai mẹ con nhà Cám gian ác nên kết cục bị trừng phạt đích đáng. Thạch Sanh thiện lương và nghĩa hiệp nên cuối cùng được tưởng thưởng. Lý Thông gian manh xảo quyệt nên kết cục phải bị trời phạt, v.v…
Tóm lại, có thể nói rằng thuyết nghiệp quả dựa vào xác tín căn bản rằng trong đời này không có gì tự sinh ra cũng không có gì tự mất đi. Có một Luật nhân quả chi phối toàn bộ vũ trụ vạn vật và mọi thứ trong cuộc đời. Nhờ có Luật ấy, mọi thứ vận hành theo đúng với lẽ công bằng.
Đạo Công Giáo nhìn về thuyết nghiệp quả
Não trạng bình dân của một người Công Giáo ít nhiều tin vào thuyết nghiệp quả. Chẳng hạn, người ta thường tóm lược Giáo Lý Công Giáo trong lời dạy: làm lành lánh dữ. Làm lành để được hưởng phúc Thiên Đàng, lánh dữ để khỏi phải sa hoả ngục đời đời. Có rất nhiều câu Kinh Thánh dạy dỗ điều này: “Hãy làm điều thiện, và bạn sẽ được sống” (Tv 37,3). Những nhà lập pháp đầu tiên của dân Ít-ra-en khi dạy dân về Luật của Thiên Chúa cũng dựa vào khuôn mẫu vận hành theo kiểu nhân quả: ”Nếu anh em nghe tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em mà đem ra thực hành tất cả những mệnh lệnh của người […] thì Đức Chúa sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc trên mặt đất và mọi phúc lành sẽ đến với anh em […]” (Đnl 28,1-14); “Nhưng nếu anh em không nghe tiếng Đức Chúa [….], anh em sẽ bị nguyền rủa” (Đnl 28, 15-68). Thánh Phao-lô thì dạy rằng: “Ai gieo giống nào, thì sẽ gặt giống đó” (Gal 6,7), v.v.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giữa niềm tin Công Giáo và niềm thuyết nghiệp quả có những khác biệt rất tận căn.
Thứ nhất, thuyết nghiệp quả theo nhà Phật là một Luật vận hành tuyệt đối. Không điều gì có thể thoát ra ngoài Luật ấy. Theo thuyết nghiệp quả của nhà Phật, không nhất thiết phải tin có một Đấng Tuyệt Đối nào. Trong khi đó, với niềm tin Công Giáo, điều tuyệt đối không phải là một Luật, nhưng là một Đấng làm chủ mọi Luật. Niềm tin Công Giáo không chỉ dạy người ta làm lành lánh dữ vì giá trị tuyệt đối của Luật nhân quả, nhưng là để xây dựng một tương quan cá nhân thiết thân và bền chặt giữa mình với Đấng Tuyệt Đối là Thiên Chúa của mình.
Mặt khác, niềm tin Công Giáo dạy rằng con người chỉ có một cuộc đời làm người để sống. Một người sống cuộc đời duy nhất của mình thế nào sẽ quyết định vận mệnh đời đời của người ấy. Nhưng sự quyết định này không nhất thiết hoàn toàn tuân theo Luật nghiệp quả. Trong hành trình cuộc đời của của mỗi con người, Thiên Chúa có một phương pháp sư phạm để dạy con người lớn lên. Sự lớn lên ấy có khi phải ngang qua những vấp ngã và thất bại, ngang qua những lỗi lầm và sai trái. Nhưng niềm tin Công Giáo dạy rằng nếu Thiên Chúa đối xử với con người theo luật nghiệp quả, khó một ai có thể đứng vững và được cứu thoát. “Ôi lại Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130,3). Không một con người nào thật sự có khả năng tự cứu mình, bởi có những yếu đuối bất khả vượt qua của thân phận con người. Thánh Phaolô, một vị tông đồ lừng danh về sự mạnh mẽ đã từng phải thốt lên: “Tôi không hiểu mình nữa, điều tốt tôi muốn thì tôi không làm. Điều xấu tôi không muốn tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Như thế, tự nền tảng, niềm tin Công Giáo dạy rằng mỗi người không phải và không thể là đấng cứu độ của riêng mình. Ai cũng cần một Đấng giải thoát, cần một trợ lực từ bên ngoài. Để được cứu, ai cũng cần đến sự đỡ nâng, cần tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Điều này khác biệt hoàn toàn với quan niệm “tự độ” của nhà Phật.
Hơn nữa, trong khi thuyết nghiệp quả của nhà Phật đề cao tuyệt đối trách nhiệm cá nhân và quan niệm rằng một người được cứu hay bị hư mất hoàn toàn phụ thuộc vào chính người ấy, đức tin Công Giáo dạy về sự liên đới và giá trị của chiều kích cộng đoàn đối với ơn cứu độ của từng cá nhân. Sự liên đới trong niềm tin là một giá trị đẹp của người Công Giáo. Đấy là lý do tại sao trong Giáo Hội Công Giáo thường có những buổi cầu nguyện cho những người đã qua đời, cầu nguyện cho những người đang gặp khó khăn hoạn nạn. Những lời cầu nguyện mà một người Công Giáo dâng lên Thiên Chúa thường không chỉ là cho riêng mình, nhưng cho rất nhiều người khác. Niềm tin nền tảng của việc thực hành ấy là thế này: người Công Giáo tin rằng Thiên Chúa có thể cứu rỗi một người nhờ vào lời khẩn nguyện của những người khác. Một người có thể được nâng đỡ và được cứu rỗi nhờ vào lời khẩn nguyện của cả cộng đoàn.
Quan trọng hơn hết đối với một người Công Giáo là những giáo huấn và gương sống cuộc đời của Đức Giê-su. Xuyên suốt các trang Tin Mừng, có thể thấy Đức Giê-su không cho rằng vận mệnh của một con người tuyệt đối bị khuôn định bởi Luật nhân quả. Ngài không dạy rằng một người đã gieo nhân nào thì đương nhiên sẽ nhận quả ấy. Đối tượng quan trọng mà Đức Giê-su chọn trong suốt cuộc đời rao giảng của mình là những người tội lỗi. Ấy là những người đã gieo nhân xấu trong đời mình. Ngài không rao giảng rằng họ sẽ phải nhận quả xấu. Ngài mời họ hoán cải, thay đổi đời sống để được cứu. Với Đức Giê-su, bất cứ một tội nhân nào cũng có một tương lai phía trước nếu họ biết từ bỏ đường tội lỗi, thay đổi cuộc đời để sống tốt và để làm người tốt. Có nhiều câu chuyện và dụ ngôn có thể minh hoạ rất tốt điều này.
Người ta bắt quả tang một người phạm tội ngoại tình (Ga 8,1-11). Chị đã gieo một nghiệp xấu trong đời mình là hành vi ngoại tình. Theo đúng lẽ đúng luật, chị phải gặt quả xấu là bị ném đá cho đến chết. Đức Giê-su không đi theo con đường đó. Nếu cứ phạm tội thì phải bị trừng phạt, liệu có một ai thoát khỏi án phạt không? Chuyện kể rằng khi Đức Giê-su đặt lại câu hỏi cho những kẻ chất vấn: “ai trong các ông không phạm tội, thì hãy ném đá người này trước đi” (Ga 8,7), những người kết án chị phụ nữ lần lượt bỏ đi, từ người lớn tuổi nhất. Câu chuyện Tin Mừng ấy dạy rằng ai cũng từng phạm tội. Ai cũng là kẻ có tội. Ai cũng từng ít nhiều gieo nhân xấu trong đời mình. Nếu cứ máy móc áp dụng theo luật nhân quả, liệu có ai là người sống sót được chăng? Liệu có ai đáng được cứu được chăng? Liệu có ai tự cứu mình được chăng? Càng thật lòng nhìn lại chính mình và thân phận làm người của mình, người ta càng có cơ hội nhận ra rằng mình cần đến lòng thương xót. Ai cũng cần đến sự tha thứ để có thể làm lại cuộc đời.
Đức Giê-su nhiều lần kể chuyện về lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa trong lời dạy của Đức Giê-su luôn là một người cha có trái tim nhân từ. Với người cha ấy, có khi chính đứa con hư hỏng và gieo nhiều ác nghiệp nhất lại là đứa con được quan tâm và lo lắng nhiều nhất. Có khi Thiên Chúa sẵn sàng đầu tư nhiều tâm huyết và kiên nhẫn nhất cho những con người bị coi là bất xứng nhất. Một thí dụ điển hình là dụ ngôn về đứa con hoang đàng (Lc 15,11-35). Đứa con ấy bỏ nhà cha của mình, thu gom hết của cải, ăn chơi phung phí cho đến khi tán gia bại sản thì mới quay trở về. Anh là người đã gieo nhân xấu. Lẽ ra quả mà anh gặt phải là bị kết án, bị ruồng bỏ, bị khinh miệt xa lánh. Nhưng không. Người Cha đón nhận anh bằng rất nhiều yêu thương và ưu đãi. Không phải vì anh ta xứng đáng. Chỉ đơn giản vì tình yêu của người Cha dành cho con mình luôn là như vậy. Anh có ra hư hỏng thế nào đi nữa, có gieo quả xấu thế nào đi nữa, cũng chẳng thể làm mai một tình yêu vô bờ mà người Cha dành cho anh. Tình yêu ấy vượt trên lẽ công bằng, vượt ra ngoài vòng khuôn định nhân quả. Tình yêu ấy không màng đến chuyện xứng đáng hay không xứng đáng. Chỉ đơn giản anh là người được yêu. Vì được yêu nên anh được tha thứ. Thiên Chúa không dùng luật nhân quả để phân loại và phán xử con người. Ngài dùng sự thương xót và tha thứ để cảm hoá lòng người, để mở ra một con đường mới cho con người có thể làm lại cuộc đời.
Như thế, niềm tin Công Giáo xác tín rằng trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, có những khung tiêu chuẩn khác quan trọng hơn và lý tưởng hơn là khung tiêu chuẩn công bằng theo kiểu nghiệp quả. Ấy là giá trị của tình yêu, của lòng thương xót và của sự tha thứ. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người không dựa trên bất cứ một quy luật nhân quả nào. Tình yêu của Thiên Chúa không phải là cái quả mà con người gặt được nhờ đã gieo nhân tốt. Thiên Chúa yêu thương con người không phải vì con người xứng đáng, không phải vì con người giỏi giang và đẹp đẽ, không phải như một cách để thưởng công cho con người. Chính tình yêu làm cho con người hoán cải để trở nên tốt hơn mỗi ngày, chứ không phải nhờ con người đã tốt nên con người mới được Thiên Chúa yêu thương. Trong tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, chính Thiên Chúa là người đi bước trước, bất kể sự bất toàn bất xứng của con người. Cả khi con người bất trung và lầm lỗi, tình yêu mà Thiên Chúa đặt vào con người vẫn là không hề thay đổi. Đây là khác biệt tận căn giữa thuyết nghiệp quả và niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa.
Như thế, làm sao để giảm bớt “nghiệp quả”?
Khi nói về tình yêu nhưng không và vô điều kiện của Thiên Chúa, luôn có nguy cơ người ta sẽ lý luận kiểu này: được Chúa yêu như vậy, con người muốn làm trời làm đất gì thì làm, còn phải sợ gì nữa! Người chọn “làm trời làm đất” khi nhận ra mình được yêu thật ra là người không có trái tim. Người đó không biết trân trọng tình yêu được đặt vào đời mình. Người đó trước sau gì cũng tự mình làm mất tình yêu mà mình đang được hưởng nếm, và tự đánh mất chính mình. Vậy nên vẫn có trường hợp có những người được Thiên Chúa yêu thương vô cùng, nhưng cuối cùng vẫn ra hư mất. Người ấy phải gánh quả ác từ những cái nhân xấu mà mình đã gieo, nếu giải thích theo lối hiểu nhà Phật. Đơn giản, bởi vì người ấy tự do nhưng lại không muốn dùng tự do của mình để chọn con đường tốt mà chính Thiên Chúa đã mở ra cho mình.
Nhận ra tình yêu Thiên Chúa và cộng tác với tình yêu ấy là cách tốt nhất để “giảm bớt nghiệp quả”. Chính tình yêu Thiên Chúa luôn có khả năng gột sạch những “nghiệp” xấu mà con người đã gieo trong đời mình và mở ra cho con người con đường sống mới. Bước đi trong hành trình đức tin mỗi ngày, người Công Giáo học cách nhận ra mình là người được yêu. Học cách sống xứng đáng với tình yêu đặt vào đời mình, để cho tình yêu ấy trở thành đảm bảo và thành nguồn động lực giúp mình trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Tóm lại, người Công Giáo đặt niềm tin tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu ấy vượt lên trên mọi khuôn định của thuyết nghiệp quả.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét