Sensus fidelium - Cảm thức đức tin: Một trình bày của một tín hữu từ Giáo hội tại Việt Nam
SENSUS FIDELIUM- CẢM THỨC ĐỨC TIN:
MỘT TRÌNH BÀY CỦA MỘT TÍN HỮU TỪ GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM
Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, S.D.B
WHĐ (17.8.2021) - Năm 2014, sau khóa họp 5 năm một lần, Ủy ban thần học quốc tế xuất bản hoa quả của mình liên quan đến cảm thức đức tin. Kết quả này được bộ Giáo lý đức tin ký nhận do Hồng y Gerhard L. Muller.
Tài liệu cho thấy ý nghĩa đích thực của cái gọi là "ý kiến của đa số" theo não trạng chính trị về dân chủ.[1] Chìm ngập trong bầu khí duy tục, người tín hữu dễ dàng suy nghĩ theo tiêu chuẩn "chân lý dựa theo số đông". Các tín hữu cần phải bén nhạy trước những gì thuận với hay nghịch với chân lý Tin mừng, nhờ mối liên hệ với Thánh Thần Chân lý, như tài liệu này muốn nhắm đến.
Trong bài này tôi chỉ nhắm trình bày một số những nghĩ suy của mình khi đọc tài liệu này. Bài viết mang nhiều tính chất trình bày hơn là phê bình. Nó như một lời giới thiệu rằng tài liệu này thật đáng được tìm hiểu.[2] Vậy, tôi sẽ trình bày tổng quát văn kiện, rồi từ đó đi vào một vài khía cạnh nổi bật hơn của văn kiện.
I. TỔNG QUÁT VĂN KIỆN
1. Liên quan đến hình thức
Tài liệu này gồm 128 số, kể cả 2 số kết luận (127-128) và 6 số dẫn nhập (1-6). Nó được chia thành bốn chương. Chương I bàn đến cảm thức trong Kinh thánh (7-21) và truyền thống" (23-47), xác định nguồn gốc chân chính của cảm thức này. Chương II (số 49-65) đề cập đến "Sensus fidei fidelis trong đời sống cá nhân của người tín hữu". Nó cho thấy người tín hữu được ban cho một "bản năng", một "cảm thức" để bén nhạy trước đức tin chân chính. Chương III (số 67-86) trình bày "Sensus fidei fidelium trong đời sống của Giáo hội", tức khía cạnh giáo hội, cộng đoàn của cảm thức đức tin.[3] Đối với tôi, có lẽ đây là chương quan trọng hơn cả. Nó nói đến cảm thức đức tin (sensus fidelium) và sự phát triển giáo lý và thực hành của Kitô giáo; nó tương quan với Huấn quyền, với thần học và với đại kết ra sao. Sau cùng là chương IV (số 88-126), thiên về áp dụng nhiều hơn. Chính tựa đề "Làm thế nào để phân định những biểu hiện chân chính của sensus fidei" đã cho thấy điều đó. Nó cho thấy cảm thức đức tin có tương quan ra sao với việc tham gia vào đời sống Giáo hội, với việc lắng nghe Lời Chúa, với sự rộng mở đối với lý trí, với sự gắn bó với Huấn quyền, với sự thánh thiện đầy khiêm nhường, tự do và vui tươi hòa với sự dựng xây giáo hội. Chương này cũng cho thấy mối liên hệ của cảm thức đức tin với tâm tình tôn giáo bình dân, với công luận, và cách tham khảo các tín hữu.
Ngoài ra, tài liệu luôn dành những số khởi đầu trong mỗi phần để giới thiệu nội dung chính của phần đó. Chẳng hạn, số 7 giới thiệu ý tưởng chính trong chương I về kinh thánh và lịch sử; số 22 khái quát về dòng lịch sử thần học liên quan đến sensus fidei; số 48 minh định tổng quát về bản tính cá nhân của sensus fidei đi liền với nhắc nhớ rằng không thể chia tách khía cạnh cá nhân và giáo hội của sensus fidei; còn số 66 giới thiệu sensus fidei sẽ được bàn ra sao dưới khía cạnh giáo hội, liên quan đến sự phát triển giáo lý và thực hành của Kitô giáo, đến mối tương quan với huấn quyền và thần học cũng như đại kết. Cũng vậy, số 87 tổng quát cả chương IV về chỗ đứng của cảm thức đức tin khi toàn thể Giáo hội tìm kiếm và phân định chân lý của Thiên Chúa giữa lòng lịch sử đầy xáo trộn của công luận.
2. Liên quan đến nội dung tổng quát của văn kiện
Con người, nhờ giác quan (senses), tự nhiên và tự phát phản ứng trước những kích thích để bảo vệ cũng như để tăng trưởng đời sống. Cũng thế, trong đời sống đức tin, người tín hữu cũng được ban một cảm thức (sense) đức tin, theo nghĩa cá nhân - sensus fidei fidelis, cũng như theo nghĩa Giáo hội - sensus fidei fidelium - để giữ họ đi trong chân lý đức tin cũng như để phát triển đức tin ấy (x. số 3). Tài liệu dùng nhiều hạn từ để chỉ thực tại này như bản năng đức tin... để các tín hữu không sai lầm trong đức tin và phong hóa. Thực tại này, được Thiên Chúa ban cho Giáo hội, được Chúa Giêsu đảm bảo, vì các tín hữu được xức dầu Thánh Thần; Chính Thánh Thần giữ gìn và đảm bảo cho tính bất khả ngộ của đức tin; có thể nói, Ngài làm mình trở thành như bản năng đức tin của họ. Thánh Thần-Chân Lý có thể nói là sợi chỉ xuyên suốt của tài liệu, đảm bảo cho chân lý được Giáo hội lưu truyền. Chính Thánh Thần giữ gìn và làm cho Giáo hội bất khả ngộ trong đức tin và phong hóa xuyên qua sự thống nhất hữu cơ của Giáo hội dạy dỗ (ecclesia docens) và giáo hội thụ huấn (ecclesia discens). Đức tin được Giáo hội sống và công bố cách bất khả ngộ là nhờ chính Thánh Thần- Chân Lý, luôn nhắc nhớ Giáo hội về Đức Kitô một cách sống động. Chính Thánh Thần là Ký Ức của Giáo hội soi đường cho Giáo hội vậy.[4] Rõ ràng, Thánh Thần, cảm thức đức tin và cách thức Giáo hội và các tín hữu sống chức vụ tiên tri liên kết chặt chẽ với nhau.
Như đã nói ở trên, bản năng đức tin này mang hai khía cạnh cá nhân và giáo hội, thì cũng không chỉ liên hệ đến tri thức mà cả đến thực hành, praxis, đến phong hóa. Nhờ cảm thức này, Giáo hội có được sự đồng qui về lãnh vực giáo lý và thực hành; nó đóng "vai trò sống động, là tiêu chuẩn (criterion) vững chắc để xác định một giáo lý hay thực hành đặc thù có thuộc về đức tin tông truyền hay không" (số 3). Chính Thánh Thần bất khả ngộ đưa dẫn tín hữu và toàn Giáo hội vào sâu trong mầu nhiệm Đức Kitô khi dạy họ cùng nhau phân định điều gì là lành mạnh hay nguy hại cho sự thánh thiện trong chân lý. Được Kinh thánh minh định và các Giáo phụ cùng các thần học gia quả quyết, cảm thức đức tin thuộc về toàn Giáo hội, chứ không phải của phẩm trật mà thôi. Chính vì thế, hố chia tách Giáo hội dạy dỗ (ecclesia docens) và Giáo hội thụ huấn (ecclesia discens), vốn một cách nào đó đã có trong Giáo hội, phải được lấp đầy. Trong sự duy nhất hữu cơ này, sensus fidelium có chỗ đứng độc đáo trong việc phát triển giáo lý và thực hành Kitô hữu, rồi đến mối liên hệ của nó với huấn quyền và thần học, và cả đến tầm quan trọng trong đối thoại đại kết"(số 6), như Chân Phước Henry Newman đã minh chứng. Không những thế, cảm thức đức tin thúc đẩy người tín hữu tham gia sống động vào Giáo hội, tạo thành tiêu chuẩn phân định về đức tin chân thật. Vatican II nói: " Toàn thể tín hữu được Đấng Thánh xức dầu (x. 1 Ga 2,20 và 27) nên không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể Dân Chúa, khi “từ các Giám mục đến những người bé mọn nhất trong các tín hữu”[5]8 đều đồng thuận về những điều liên quan đến đức tin và phong hoá." (LG 12). Nhưng cảm thức đức tin, cá nhân cũng như Giáo hội, đòi hỏi những dự thế cần thiết: tham gia vào đời sống Giáo hội, lắng nghe Lời Chúa, rộng mở trước lý trí, gắn kết với Huấn quyền, sự tự do và vui tươi trong thánh thiện và khiêm nhường. Những dự thế này có thể tóm gọn vào một điều: Tính giáo hội (ecclesiality) chân chính tạo thành tiêu chuẩn để phân định về sensus fidei chân chính (x. số 6).
Thế nhưng, cảm thức đức tin phải chăng chỉ mang tính chất giữ cho giáo hội khỏi sai lầm? Chúng ta đừng quên rằng cảm thức đức tin còn góp phần của mình trong việc phát triển giáo lý. Nó có khía cạnh hướng tới tương lai. Chính vì thế, phần kết luận hướng độc giả tới một chân trời lớn hơn:
"Nhờ sensus fidei, các tín hữu không chỉ có thể nhận biết điều gì phù hợp với Tin mừng và điều gì nghịch lại nó, nhưng còn cảm nhận điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi là "những con đường mới cho hành trình trong đức tin của toàn dân lữ hành" (số 127).
Cảm thức đức tin liên hệ tới cuộc lữ hành của toàn dân Thiên Chúa. Một đàng, Giáo hội- Dân Chúa không bị lạc lối khi tiến bước trong lịch sử, nhờ "bản năng" đức tin. Đàng khác, cảm thức đó giúp cho việc loan báo tin mừng khi các tín hữu, cá nhân và tập thể, "nghĩ suy với Giáo hội, chia sẻ một đức tin và một mục đích. Nó hiệp nhất mục tử và đoàn dân, và làm cho cuộc đối thoại giữa họ, nên cốt yếu và hiệu quả cho Giáo hội, dựa trên những tặng phẩm và ơn gọi tương ứng" (số 128).
II. NHỮNG Ý TƯỞNG CHỦ ĐẠO
Sau khi đã trình bày một cách khái quát, nay tôi tìm hiểu văn kiện theo một số góc cạnh chuyên biệt hơn.
1. Sensus fidei trong Thánh kinh và trong truyền thống Giáo hội
Điều phải khẳng định ngay từ đầu là thuật ngữ "cảm thức đức tin" không có trong kinh thánh và lời dạy dỗ chính thức của giáo hội cho đến Vatican II (x. 7). Tuy nhiên, chân lý mà thuật ngữ ấy muốn diễn đạt thì lại ngập tràn trong Kinh thánh. Thật vậy, Thiên Chúa phán và Lời Ngài thì chân thật. Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa, là sự thật và sự sống. Lời rao giảng của Người không thể qua đi. Như Abraham, con người tin vào Thiên Chúa, vào Lời hứa của Ngài. Đức tin là lời đáp trả tự do của con người, nhờ sức mạnh của chính Thiên Chúa (x. số 9). SỨ ĐIỆP-LỜI không phải chỉ là một thông tin; Đúng hơn, đó là NGÔI VỊ ĐỨC GIÊSU KITÔ, luôn chân thật, HÔM QUA, HÔM NAY VÀ CHO ĐẾN MUÔN ĐỜI.[6] Tin mừng ấy đòi hỏi đức tin, sự đáp trả "hết lòng, hết sức, hết trí khôn" của toàn thể con người; đức tin ấy "đảm bảo cho những gì ta hy vọng và sự vững chắc cho những gì chúng ta không thấy" (Hr 11:1).[7] Như thế, đức tin vừa là một hành vi (fides qua) vừa là điều được tin và tuyên xưng (fides quae), nhờ đó ta phụng sự Thiên Chúa hết lòng chứ không phải trên môi miệng mà thôi (x. số 10).
Thiên Chúa không cứu độ từng người riêng rẽ. Ngài quy tụ tất cả trong vương quốc sự thật và bình an của ngài. Ngài kết hiệp họ thành thân mình Đức Kitô cũng như ban cho họ một vai trò để xây dựng Giáo hội, vương quốc TC trong hạt mầm. Do đó, đức tin luôn mang chiều kích cá nhân và cộng đoàn. Đức tin có thể nói là một thực tại gồm (1) sự hoán cải, nhìn nhận tội lỗi để bước vào đời sống mới trong cộng đoàn của Thiên Chúa; đức tin tỏ lộ trong (2) sự thờ phượng (leiturgia), mà (3) lý trí suy phục chân lý. Đức tin gắn liền với (4) sự tuyên xưng (marturia) chân thật tới độ (5) tín thác toàn vẹn vào lời hứa của Thiên Chúa. Đức tin ấy (6) kéo theo sự phục vụ (diakonia) trong đức ái. (x. số 12) Như thế, rõ ràng đức tin đối thần vượt xa những niềm tin tôn giáo, vì nó chạm đến không chỉ một vài chân lý của Thiên Chúa, nhưng đến chính Thiên Chúa là CHÂN LÝ.
Trong đức tin, Thánh Thần giữ các tín hữu trong chân lý của Đức Kitô, ban cho các tín hữu khả năng biết và làm chứng cho chân lý. Thông phần vào Thánh Thần chân lý, các tín hữu có thể "minh chứng thế gian sai lầm về tội, về sự công chính và về phán xử" (Ga 16:8). Tài liệu xác định: Thánh Thần ban cho họ "một cảm thức được linh hứng về chân lý luôn hiện thực của Lời Thiên Chúa nhập thể trong Đức Giêsu và ý nghĩa của nó cho ngày hôm nay" (số 14).
Trong Cựu ước Thiên Chúa hứa ban cho toàn Dân của Ngài được đầy Thần khí sự thật, để công bố những kỳ công của Thiên Chúa. Lời hứa ấy được hiện thực cách sống động và cụ thể trong cộng đoàn Giáo hội Chúa Kitô. Thần khí sự thật đốt nóng cộng đoàn này để công bố tình yêu trung tín của Thiên Chúa cho muôn dân. Cộng đoàn ấy được gìn giữ gắn bó với giáo lý của các tông đồ, hiệp thông, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện. Đồng thời, cộng đoàn ấy cũng phát triển và lớn mạnh nhờ Thánh Thần. Như một cộng đoàn đức tin lữ hành về Vương quốc trong khi phải đối diện với những thử thách mới, cộng đoàn cùng quy tụ lại để tìm ý Chúa. Trong công đồng Giêrusalem đầu tiên, đoàn tín hữu quy tụ quanh các tông đồ cùng nhau hiệp nhất tìm kiếm ý Thiên Chúa và đi tới những quyết định với sự đồng thuận của toàn Giáo hội trong Thánh Thần: "Thánh Thần và chúng tôi quyết định..." (Cv 15:28). Thực hành này quả là quan trọng và quyết định; nó đã trở thành nguyên lý hướng dẫn Giáo hội. Nhờ đó, các tông đồ có thể mở rộng chân trời mục vụ, và các tín hữu tham gia sống động. Như vậy, cộng đoàn Giáo hội có được "tâm trí của Đức Kitô" (1 Cr 2:16). Chính vì thế, thánh Phaolô luôn "coi đức tin của cộng đoàn như điểm quy chiếu cho lời dạy dỗ của mình và là tiêu điểm cho sự phục vụ mục vụ của ngài, nêu lên sự trao đổi hữu ích lẫn nhau giữa ngài và các cộng đoàn" (số 19). Thư Gioan cho thấy việc xức dầu Thánh Thần mà người tín hữu nhận lãnh giữ họ vững chắc trong chân lý. "Những môn đệ có được một cảm thức được linh hứng đối với chân lý luôn hiện thực của Lời nhập thể của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu và ý nghĩa của nó cho ngày hôm nay" (số 14). Họ không đi trong sai lầm, nếu họ luôn lắng nghe điều Thần khí phán cho các Giáo hội. "Nhờ vâng phục đức tin, một tặng phẩm của Thần khí, mà các tín hữu có thể nhận biết lời dạy dỗ họ nhận được thật sự là lời dạy dỗ của cùng một Thần khí, và đáp lại những lời dạy dỗ họ được ban tặng" (số 21). Như vậy, ở đây, ta phải nắm vững lối nhìn toàn diện về lời đáp trả của đức tin trước chân lý mặc khải của Thiên Chúa, như Serge-Thomas Bonino, O.P, thành viên của Ủy ban Thần học thế giới, lưu ý.[8] Lối nhìn ấy làm nổi bật vai trò duy nhất của Đức Giêsu là CHÂN LÝ của Thiên Chúa.
2. Cảm thức đức tin theo dòng suy tư của Giáo hội trong lịch sử
Khi tiến vào những nền văn hóa ngoài Do thái, Giáo hội không có những giải pháp làm sẵn. Giáo hội dò dẫm những nẻo đường mới. Trong cuộc lữ hành đức tin ấy, điều đảm bảo cho Giáo hội không gì khác hơn là sự trung tín của Thiên Chúa cũng như một tình yêu chuyên nhất và trung thành dành cho Đức Lang quân. Cắm neo trong Thánh Thần, Tình yêu đó ban cho Giáo hội một thứ bản năng thiêng liêng để biết phải tiến bước như thế nào.[9] Rõ ràng, sự nhận thức siêu nhiên của đức tin vừa mang khía cạnh phản hồi (reactive), xét như một phương thế nhận biết chân lý khi được rao giảng, vừa có khía cạnh chủ động (proactive), tức làm cho các tín hữu đào sâu, hiểu rõ, áp dụng và làm chứng đức tin ấy.[10] Bằng nhiều cách các Giáo phụ xác định tính bất khả ngộ của "toàn Giáo hội, từ các giám mục tới người tín hữu nhỏ bé nhất làm chứng cho đức tin tông truyền". Với các ngài, sự đồng thuận phổ quát của các tín hữu là luận chứng mạnh mẽ để bác bỏ những người lạc giáo. Một số Giáo phụ nhấn mạnh "khả năng chủ quan" của các tín hữu để giữ giáo lý chân thật. Tuy nhiên, đa số các ngài nhấn mạnh rằng toàn thể Giáo hội, chứ không phải chỉ các mục tử, được trang bị để phân định chân lý. Giáo hội có được vị THÀY nội tâm không phải chỉ để thu nhận chân lý mặc khải song cũng phê chuẩn và chuyển giao nó. Giáo hội sơ khai đi theo nguyên lý "đức tin được mọi người mọi chốn luôn luôn nắm giữ" [quod ubique, quod semper, quod ab omnibus creditum est] (số 23). Do đó, điều đáng nói trong thời kỳ này là ngay cả khi các giám mục không tuyên xưng đức tin, thì "các tín hữu hơn là hàng giám mục công bố và giữ gìn truyền thống thần linh được ký thác cho Giáo hội bất khả ngộ" (số 26). Tại sao? Vì đối với các giáo phụ, "chứng từ có tính tiên tri của Dân Chúa như một toàn thể, là một điều có đặc tính khách quan chắc chắn. Toàn thể dân tín hữu không thể sai lầm trong những vấn đề đức tin" bởi nhận được Dầu Thánh Thần được hứa ban từ Đức Kitô, Dầu đó trang bị họ biết phân định đức tin (x. số 25). Rõ ràng, vai trò của Thánh Thần chân lý là thiết yếu tuyệt đối cho cảm thức đức tin nơi tín hữu, cá nhân cũng như Giáo hội. Điều này làm nền cho việc Giáo hội xác định, chẳng hạn, quy điển kinh thánh, hay trong định tín quan trọng về Đức Kitô, về Đức Maria (x. số 26).
Thời Trung cổ Đức Giáo hoàng Bênêđictô XII cũng dựa trên sự đồng thuận của các tín hữu, consensus fidelium, để xác định những giáo lý về hưởng kiến, luyện ngục và trước ngày phán xét. Trong thời Trung cổ các tín hữu cùng nhau tuyên xưng Đức Maria Trinh Nữ vương, bất chấp sự chống đối của một số thần học gia. Vì thế, các tiến sĩ Kinh viện thừa nhận nguyên lý "Giáo hội, congregatio fidelium, không thể sai lầm trong những vấn đề đức tin bởi vì được Thiên Chúa dạy dỗ, được kết hiệp với Đức Kitô Đầu của mình, và được Thánh Thần cư ngụ" (số 28). Đối với thánh Toma, theo nhận xét của Sara Butler, "Như một phẩm tính của đức tin và như một thứ bản năng thiêng liêng, cảm thức đức tin xuất phát từ một đồng cảm tính (affective connaturality) hay một ái lực (affinity) giữa người Kitô hữu biết và yêu đức tin của mình và các sự thật của đức tin".[11]
Trong thời Cải cách, anh chị em Tin lành đã dành chỗ tối thượng, nhưng có tính loại trừ, cho Lời Chúa, khi coi nhẹ TRUYỀN THỐNG ĐỨC TIN và HUẤN QUYỀN; chính Thánh Thần cho cá nhân người tín hữu khả năng giải thích Lời Chúa do chính mình và cho chính mình. Do đó, Truyền thống hay Huấn quyền trở nên thừa thãi. Trước lập trường đó, Giáo hội Công giáo xác định toàn Giáo hội, gồm giáo dân và giáo sĩ, thì bất khả ngộ in credendo (x. số 30). Các thần học gia Công giáo xác định "sự đồng thuận chung của các tín hữu là một trong bốn chuẩn mực để xác định một giáo lý hay thực hành thuộc về truyền thông tông đồ hay không" (số 31). Toàn Giáo hội, được tỏ lộ nơi các công đồng, có "consensus Ecclesiae universalis" (số 32). Tuy nhiên trong thời này, bắt đầu có sự chia tách giữa Giáo hội dạy dỗ (Eccclesia docens) và Giáo hội thụ huấn (Ecclesia discens) mà chỉ có một sự bất khả ngộ "thụ động" thôi.[12] Đứng trước những thách đố và vấn nạn mới như thế, cảm thức đức tin lần đầu tiên, có thể nói như thế, được tìm hiểu một cách hệ thống.[13]
Sang thế kỷ 19, cảm thức đức tin được đào sâu hơn, cách riêng trong trường phái Tubingen. Johann Adam Mohler cho thấy rằng Thánh Thần sinh động, hướng dẫn, và hiệp nhất các tín hữu thành một cộng đoàn trong Đức Kitô, thực hiện nơi họ một "ý thức" đức tin về Giáo hội (x. số 35). Chân Phước Henry Newman nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các tín hữu trong việc bảo tồn và chuyển giao đức tin (x. số 39). Chính ngài đã coi sensus fidei fidelium là locus theologicus (x. số 34), để giải thích Thánh Thần đã gìn giữ Giáo hội trong chân lý như thế nào. Quả vậy, cảm thức đức tin của toàn giáo hội biểu lộ ra nhiều cách khác nhau trong những thời đại khác nhau: hàng giám mục, các vị tiến sĩ, dân chúa, phụng vụ, nghi thức, lễ nghi và phong tục....(x. số 39). Như thế, chiều kích chủ quan của sensus fidei phải nhất thiết gắn bó với yếu tố khách quan là lời dạy dỗ của Giáo hội, bởi lẽ "cảm thức" Kitô hữu của người tín hữu không bao giờ được tách khỏi nội dung của nó (x. số 35). Nhờ vào cảm thức của Giáo hội liên hợp với Kinh thánh, Truyền thống đáng kính, sự đồng thuận của các Giám mục và tín hữu, Đức Piô IX đã tuyên bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm một cách bất khả ngộ (x. số 38). Theo ánh sáng này, xác quyết của Vatican I về tính bất khả ngộ của giáo hoàng phải giả định cảm thức này. Chính vì thế, khi Pastor aeternis xác quyết "tự chúng những định tín ex cathedra của Giáo hoàng về đức tin và phong hóa là bất khả ngộ chứ không phải từ sự đồng thuận của giáo hội" (ex sese non autem ex consensu ecclesiae), thì ta phải hiểu rằng sự đồng thuận này, trước hay sau, như là một điều kiện cho để những giáo huấn ấy có thẩm quyền (x. số 40).
Thế kỷ 20 chứng kiến một sự canh tân về cảm thức đức tin khi suy tư về mầu nhiệm Giáo hội cũng như phát triển nền thần học giáo dân. Những suy tư này trả lại "vai trò tích cực của giáo dân trong việc trao truyền đức tin" (số 41). Chúng cho thấy rõ các tín hữu không thụ động.[14] Yves Congar làm sáng tỏ mối liên hệ chặt chẽ của cảm thức đức tin của giáo hội với chức năng tiên tri của các tín hữu. Giữa Ecclesia docens và Ecclesia discens có tính duy nhất hữu cơ (x. số 38). Hố chia tách này trong quá khứ đang dần được lấp lại, vì chính Giáo hội dạy dỗ trước tiên phải là Giáo hội thụ huấn. Phẩm trật buộc phải lắng nghe chân lý của Thiên Chúa. Và phẩm trật giáo hội dạy dỗ nhằm phục vụ sự hiệp thông. "Giáo hội yêu mến và tin tưởng, nghĩa là thân mình của các tín hữu thì bất khả ngộ khi sở hữu đức tin cách sống động, chứ không phải trong một hành vi hay phán đoán đặc thù nào" (số 43). Công đồng Vatican II tiếp nối nhãn quan này khi xác quyết "Thần khí sự thật khơi lên và nâng đỡ một nhận thức siêu nhiên của đức tin, đảm bảo Giáo hội như toàn thể không thể sai lầm trong vấn đề đức tin" (số 44). Cảm thức đức tin được nhìn như một nhận thức siêu nhiên,[15] cảm thức thâm sâu về những thực tại siêu nhiên,[16] một bản năng thiêng liêng,[17] một trực giác siêu nhiên,[18] một khả năng tích cực (capacity) hay sự bén nhạy nhờ đó họ có thể tiếp nhận và hiểu "đức tin được ban cho các thánh một lần là xong" và được áp dụng trong đời sống hằng ngày(x. số 44). Tính cách phản hồi và chủ động của cảm thức đức tin lại được thấy rõ ở nhận định trên. Tuy nhiên, ta không được hiểu cảm thức đức tin hay sự đồng thuận (consensus) của các tín hữu theo nghĩa xã hội học hay thống kê học (x. số 47). Không phải số đông sẽ quyết định chân lý của Thiên Chúa. Trái lại, cảm thức đức tin này đi vào mọi lãnh vực hiện sinh của người tín hữu trong xã hội và gia đình (x. số 45), là tặng phẩm của Đức Kitô cho người tín hữu nhờ đó họ hiểu, sống và công bố những chân lý mặc khải, cảm thức đức tin cũng là "nền tảng cho công việc loan báo tin mừng của họ" (số 45).
3. Chiều kích cá nhân của cảm thức đức tin
Sự thích hợp của cá nhân tín hữu để phân định đúng trong vấn đề đức tin.[19]
Những tìm hiểu ở trên cho thấy rõ cảm thức đức tin mang lấy hai khía cạnh cá nhân và cộng đoàn giáo hội. Nay ta muốn nói tới cảm thức đức tin dưới góc cạnh cá nhân người tín hữu, sensus fidei fidelis. Đức tin không phải là một thứ trang hoàng nhưng thấm sâu và tác động đến tâm hồn, lương tâm của người tín hữu khiến họ nhạy cảm phân định những điều phù hợp hay không phù hợp với đức tin ấy.
Quả thế, chính Thánh Thần giữ cho đôi chân tín hữu bước đi vững chắc trong đàng đức tin. Dưới chiều kích cá nhân, cảm thức đức tin của người tín hữu là "một thứ bản năng thiêng liêng làm cho người tín hữu phán đoán cách tự phát xem một giáo lý hay thực hành đặc thù nào đó hợp hay không hợp với Tin mừng và đức tin tông truyền" (số 49). Điểm nổi bật văn kiện nhấn mạnh khi bàn đến khía cạnh cá nhân này chính là mối tương giao của chủ thể tin với chính Đức Giêsu. Mối tương giao này mạnh mẽ đến nỗi văn kiện nói đến một thứ "đồng bản tính" (connaturality) mà người tín hữu được thông phần với Chúa Giêsu. Điều này là kết quả của đức tin (x. số 50). Nó là một hình thức của tri thức tự phát và tự nhiên, một thứ tri nhận, aisthesis (perception). Tri thức này thuộc về một trật tự khác với tri thức khách quan liên kết với khái niệm và lý luận. Nó là "tri thức do sự thấu cảm (empathy), tri thức của cõi lòng" (số 50). Vì có sự đồng bản tính (connaturality) với nhân đức tin (x. số 50), cảm thức đức tin nơi người tín hữu một cách tự nhiên "hướng chiều chủ thể tới một đối tượng và một cách tự phát làm họ xa khỏi bất kỳ điều gì nghịch với đối tượng" (số 52). Chỗ khác, tài liệu xác định "Đức tin như nhân đức đối thần làm người tín hữu tham dự vào tri thức mà Thiên Chúa có về chính mình và về mọi sự" (số 53). Tài liệu triển khai khá nhiều ý tưởng cảm thức đức tin nơi người tín hữu như một bản năng, theo nhiều kiểu diễn đạt:
"nhờ ân sủng và những nhân đức đối thần, người tín hữu trở thành "kẻ thông phần vào bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1:4) và một cách nào đó, được đồng bản tính (connaturalised) với Thiên Chúa. Và do đó họ phản ứng một cách tự phát trên nền tảng của bản tính Thiên Chúa được thông phần đó, theo cùng một cách thức mà theo bản năng những sinh vật phản ứng lại điều hợp hay không hợp với bản tính chúng".[20]
Hay
"Như tên gọi (sensus) của nó chỉ ra, nó khá giống với một phản ứng tự phát, tức thời và tự nhiên, và có thể so sánh với một bản năng sinh tử hay một thứ "thiên bẩm" nhờ đó người tín hữu tự phát bám vào điều gì phù hợp và xa tránh điều gì không phù hợp với với chân lý đức tin".[21]
Và
"Cảm thức đức tin của người tín hữu xuất từ nhân đức tin đối thần. Nhân đức đó là một dự thế nội tâm, được tình yêu thúc đẩy, để gắn bó tuyệt đối với toàn thể chân lý được Thiên Chúa mặc khải ngay khi nó được tri nhận là đúng như thế".[22]
Những trích dẫn trên hẳn nhiên cho thấy cảm thức đức tin khác xa với thần học như là kiến thức về đức tin (x. số 55). Cảm thức đức tin "tự nó là bất khả ngộ về đối tượng của mình là đức tin chân thật" (số 55). Nó liên hệ rất mật thiết với nhân đức tin. Chúng ta biết rõ "Nhân đức tin càng đâm rễ trong cõi lòng và tinh thần của người tín hữu và hình thành cuộc sống hằng ngày của họ thì sensus fidei fidelis càng phát triển và kiện cường trong họ" (số 57). Nói khác đi nó tỷ lệ thuận với sự thánh thiện của người tín hữu (x. số 57). Nhận xét này quan trọng để cho thấy rằng một tín hữu thánh thiện có thể nhạy bén trong đức tin hơn cả một thần học gia.[23]
Hơn nữa, nếu đời sống đức tin được đức ái sinh động, thì cảm thức đức tin không thể không liên hệ với đức ái. Tài liệu khẳng định:
"Như Thần khí tình yêu, Đấng truyền tình yêu vào lòng người, Thánh Thần làm người tín hữu rộng mở ra để có thể đạt được một tri thức sâu xa hơn và mật thiết hơn với Đức Kitô là chân lý, trên nền tảng của một sự kết hiệp của đức ái" (số 57).
Rõ ràng, tài liệu muốn nói rằng cảm thức đức tin nơi người tín hữu dẫn lối họ sống đức tin trong những bối cảnh khác nhau của đời sống cá nhân. Càng nỗ lực thực thi đức tin trong thực tại hiện sinh của gia đình, nghề nghiệp, xã hội, người tín hữu sẽ làm giàu kinh nghiệm đức tin của mình (x. số 59).
Như thế, cảm thức đức tin nơi người tín hữu có chức năng phân định giáo lý và thực hành phù hợp với đức tin, phân định điều cốt yếu và điều thứ phụ trong những gì được rao giảng và quyết liệt làm chứng cho Đức Giêsu trong bối cảnh lịch sử và văn hóa đặc thù họ sống (x. số 60). Nhờ cảm thức đức tin nơi người tín hữu, người tín hữu bén nhạy trước những gì nghịch với đức tin, thậm chí có khi chúng đến từ các chủ chăn hợp pháp.[24] Họ phân định được cái gì là cốt yếu và cái gì là thứ phụ trong những gì được rao giảng. Nhờ đó, người Kitô hữu được tự do và đức tin của họ được thanh luyện (x. số 65).
Nếu vậy, rõ ràng cảm thức đức tin nơi người tín hữu dẫn họ vào một đời sống đức tin tích cực, cả trong tâm trí lẫn thực hành. Cảm thức ấy khiến họ tuân theo truyền thống tông truyền, tham gia tích cực vào đời sống Giáo hội, gắn bó với huấn quyền, khiêm nhường và thánh thiện, vui tươi và tự do. Đó là những thái độ cơ bản của những tín hữu với cảm thức đức tin mạnh mẽ. Hiển nhiên sẽ không thể lấy nê cảm thức đức tin để chống báng Giáo hội.[25]
4. Sensus fidei fidelium trong đời sống giáo hội
Sensus fidei fidelium trong đời sống giáo hội hay chiều kích giáo hội của sensus fidei: Bản năng đức tin của chính Giáo hội.[26]
Sẽ không thể đầy đủ nếu không bàn đến khía cạnh cộng đoàn của sensus fidei fidelium, cảm thức đức tin của cộng đoàn tín hữu. Như một toàn thể hiệp nhất, Giáo hội-Hiền thê, Giáo hội-Thân mình Đức Kitô, Giáo hội-Dân Thiên Chúa có được bản năng của đức tin, nếu có thể nói như thế, để bước đi không sai lầm trong thế giới. Tính bất khả ngộ của cảm thức đức tin của giáo hội không đến từ chính Giáo hội, nhưng đến từ Thiên Chùa mà thôi. Ta cũng cần nhấn mạnh đến tính duy nhất hữu cơ của cảm thức đức tin, dù phân biệt hai khía cạnh cá nhân và giáo hội để tìm hiểu.[27] Ghi nhớ điều đó, ta hiểu ra khía cạnh hồi tố và khía cạnh tương lai nơi cảm thức đức tin của Giáo hội. Thực thế, nhờ cảm thức đức tin, Giáo hội luôn được Thánh Thần làm mới lại những cảm nghiệm về Đức Giêsu chết và phục sinh mà Giáo hội công bố nhờ vào Kinh thánh và những chứng nhân. Thánh Thần luôn nhắc cho Giáo hội những gì Đức Giêsu đã nói và đã hiện thực (x. số 68). Giáo hội gắn kết trung thành với Tin mừng của Đức Giêsu Nadarét (x. Gl 1:6-9; 1 Cr 15:1-4). Nhưng cảm thức đức tin của Giáo hội cũng làm Giáo hội tiền dự vào tương lai của Đức Kitô, Đấng đang đến; nhờ cảm thức đức tin, Giáo hội thưởng nếm trước một cách không sai lầm Vương quốc đang trên đường hoàn tất. Dựa trên nền tảng này, cảm thức đức tin của Giáo hội dám tiến vào những hoàn cảnh mới với những thách đố của thời đại một cách bạo dạn, can đảm và sáng tạo trong mục vụ. Ta cần xác tín sự tương tác không thể phân chia giữa khía cạnh hồi tố và khía cạnh tương lai này trong cảm thức đức tin của Giáo hội.
Dựa trên cùng một Dầu Thánh Thần, cùng một đức tin và một phép Rửa, cảm thức đức tin của Giáo hội được sống theo từng vai trò biệt loại trong Giáo hội-Thân mình Đức Kitô, luôn muốn đạt tới consensus fidelium, conspiratio pastorum et fidelium (x. số 71). Theo ánh sáng này, không thể loại bỏ sự đóng góp của giáo dân, vì ơn gọi đặt họ vào giữa lòng thế giới và rất sống động.[28] Quả thế, giáo dân đóng góp nhiều trong những vấn đề luân lý mới đây của Giáo hội mà ta có thể thấy dấu vết trong Rerum Novarum (Lêô XIII, 1896), Dignitatis humanae (Vatican II, 1965), Humanae vitae (1968), Evangelium vitae (1995), Caritas in veritate (2009). Sự chia tách ecclesia docens và ecclesia discens làm lu mờ vai trò tích cực của giáo dân, thì trái lại, mối tương tác giữa khía cạnh cá nhân và cộng đoàn của cảm thức đức tin luôn sinh lợi cho Giáo hội lữ hành. Tuy nhiên, tài liệu cũng khẳng định rõ ràng, phụng vụ, cách riêng phụng vụ Thánh Thể, là nơi chốn đặc trưng và ưu tuyển biểu lộ sự tương tác này. Nơi đây, chủ chăn và tín hữu chỉ làm thành một thân mình hiệp nhất, dấu chỉ và phương thế hữu hiệu của ơn cứu độ cho thế giới. (x. LG 24) Sự tương tác mật thiết giữa tín hữu và chủ chăn trong phụng vụ làm thành một sự vững chắc đức tin được diễn đạt trong châm ngôn lex orandi, lex credendi.
Tài liệu bàn đến mối tương quan sống động của cảm thức đức tin trong Giáo hội với huấn quyền. Không có đối kháng gì ở đây. Đức tin của Dân Chúa không thụ động. Dân Chúa nhận được dầu Thánh Thần và được ban những đặc sủng vì lợi ích của toàn Giáo hội. Hơn nữa, Huấn quyền cũng phải sống cùng một đức tin của Dân Chúa. "Huấn quyền phải quy chiếu tới cảm thức đức tin của toàn Giáo hội",[29] vì không phải một mình Huấn quyền chịu trách nhiệm về đức tin.[30] Thế nhưng, cảm thức đức tin cũng phải được huấn quyền nuôi dưỡng, phân định và phán đoán. Huấn quyền phải phán đoán về sự chân chính của cảm thức đức tin giữa nhiều ý kiến hay suy nghĩ của các tín hữu (số 77). Vì thế, các tín hữu hãy tiếp nhận lời dạy dỗ của huấn quyền vì "như một vấn đề nguyên lý, sự chống cưỡng lại lời dạy dỗ của huấn quyền không tương hợp với cảm thức đức tin chân chính" (số 80). Tài liệu xác quyết mạnh mẽ: "phán đoán về tính chân thực của sensus fidelium một cách tối hậu không thuộc về các tín hữu, cũng không thuộc về thần học, nhưng thuộc về huấn quyền" (số 77). Phân định mà thôi không đủ. Nhất thiết, toàn Giáo hội đi tới tiến trình tiếp nhận như là thiết yếu cho dân tộc lữ hành để bước đi mạnh mẽ trong lịch sử hướng về vương quốc (x. số 78), bởi lẽ điều ấy được tặng phẩm Thánh Thần xác định.
Trong ánh sáng đối thoại, tài liệu cũng cho thấy mối tương giao giữa cảm thức đức tin của Giáo hội và thần học. Như một tín hữu, thần học gia "lệ thuộc vào cảm thức đức tin ấy" (số 81), bởi vì họ phải học hỏi và làm thần học dựa trên đức tin của Dân Thiên Chúa. Thần học gia phải sống trong đức tin Giáo hội trước khi làm thần học. Và họ chỉ là thần học gia chân chính bao lâu họ ở trong đức tin không sai lầm của Giáo hội. Thực vậy, thần học được nuôi dưỡng trong đức tin chân chính của dân Thiên Chúa cũng như phục vụ cho đức tin ấy.
"Thần học gia cần phải tham gia cách hiện thực vào đời sống và phụng vụ của Giáo hội địa phương, để có thể nắm bắt một cách sâu xa, không chỉ bằng đầu óc nhưng còn bằng tấm lòng, bối cảnh thực sự, lịch sử và văn hóa trong đó giáo hội và các tín hữu đang nỗ lực sống đức tin và làm chứng cho Đức Kitô trong thế giới hôm nay" (số 82).
Đoạn văn xác định rõ ràng sự tham gia của thần học gia vào đời sống đức tin của toàn Giáo hội mới làm cho ông bén nhạy trước những chiều sâu thẳm của đức tin mà ông phục vụ.
Đàng khác, thần học, nhờ phương pháp phê bình cũng giúp để cho thấy và minh định nội dung của sensus fidelium. Thần học giúp tinh luyện đạo đức bình dân trước những trào lưu tư tưởng và phong trào mới, vì "sự trung thành với truyền thống tông đồ" (số 83). Nhờ thần học, cảm thức đức tin của Giáo hội tránh được những sai lệch hay lộn xộn (x. số 81), khi cho thấy ý nghĩa chân chính của Kinh thánh, của các định tín, của những nội dung Truyền thống với sự chính xác và rõ ràng hơn (x. số 84).
Trong ánh sáng này, cảm thức đức tin cũng có chỗ đứng trong cuộc đối thoại đại kết. Trước hết, khi các khái niệm sensus fidei, sensus fidelium và consensus fidelium được tìm hiểu kỹ càng, nhiều cộng đoàn giáo hội thấy rõ hơn rằng "một số phần tử của Giáo hội có một trách nhiệm đặc biệt để dạy dỗ và giám sát, với sự cộng tác của các tín hữu" (số 85). Tài liệu nêu ra hai câu hỏi vẫn đang tìm tòi: (1) "Có phải chỉ những giáo lý có được sự đồng thuận chung của tất cả Kitô hữu mới được coi như diễn đạt sensus fidelium và vì thế là chân thật và trói buộc không?" và (2) "Những Kitô hữu ly khai có nên được hiểu là tham gia và đóng góp vào sensus fidelium một cách nào đó không?"
5. Những biểu hiện chân chính của sensus fidei
Khi đã nắm vững những khía cạnh cá nhân và Giáo hội của cảm thức đức tin, chúng ta thấy rõ từng cá nhân tín hữu được thông phần vào sự chắc chắn của đức tin. Việc này đòi hỏi người tín hữu phải trau dồi nơi mình một toàn bộ những dự thế nội tâm gồm những yếu tố Giáo hội, thiêng liêng và đạo đức (số 58). Ta đã rõ đức tin đòi phải được sống. Đức tin được lớn lên bằng việc thực hành đức tin. Đức tin phải được sinh động bằng đức ái. Như thế, sự bén nhạy của đức tin tùy thuộc nhiều vào sự tham gia tích cực vào đời sống Giáo hội. Chỉ mang danh Kitô hữu thì không đủ. Càng nỗ lực trong đời sống cầu nguyện liên lỷ, hiệp thông vào Thánh Thể, tham dự sống động và tích cực trong phụng vụ, sẵn lòng đón nhận và thực thi những giáo huấn của Chúa; tất cả điều đó bộc lộ sự đồng cảm với Giáo hội, sentire cum ecclesia, tạo thành dự thế trước hết và nền tảng. Thái độ sống này khiến người tín hữu lắng nghe Lời Chúa cách chăm chú và sâu xa, không phải trước tiên như một người học thuật, cho bằng với một tâm hồn thuần thục dẫn tới tạ ơn. Chính vì thế, "tham dự phụng vụ là chìa khóa cho sự tham gia vào Truyền thống sống động của giáo hội cũng như tình liên đới với những người nghèo và thiếu thốn mở rộng tâm hồn để nhận biết sự hiện diện và tiếng nói của Đức Kitô" (số 93). Thái độ này không thể đưa tới một lý trí thụ động. Trái lại, nó luôn dành một chỗ đứng cho lý trí trong tương quan với đức tin. Thật vậy, "đức tin thanh lọc lý trí và mở rộng tầm nhìn của nó, song lý trí thanh lọc đức tin và minh định tính nhất quán của nó" (số 93). Phụng vụ không bao giờ là một sự thờ phượng vô lý, song luôn cho thấy lý trí được biến đổi và được canh tân (x. số 93). Thái độ thứ ba là sự gắn bó với huấn quyền. Thái độ chống đối hay coi thường Huấn quyền nghịch hẳn với cảm thức đức tin, vốn từng biết rõ Đức Giêsu đã cho tiếng nói của các Tông đồ một địa vị dứt khoát trong đời sống đức tin (Lc 10:16). Huấn quyền liên kết với Kinh thánh và Truyền thống tận bên trong: ba thực tại này cùng sống hay cùng chết mà thôi (x. số 97). Hai thái độ nội tâm khác chính là niềm vui thánh thiện của tâm hồn khiêm cung tìm kiếm Thiên Chúa trong xây dựng Giáo hội. Quả thế, sự bén nhạy của sensus fidei liên kết chặt chẽ với sự thánh thiện. Tài liệu mạnh mẽ khẳng định:
"Các thánh là những người mang ánh sáng của sensus fidei...Đối với Giáo hội, Đức Maria và tất cả những người thánh thiện, với cầu nguyện và đam mê của họ, là những chứng nhân nổi bật về sensus fidei trong thời đại của họ và cho mọi thời, trong nơi chốn của họ và cho mọi nơi chốn" (số 100).
Như vậy, các thánh không phải chỉ có giá trị cho một thời đại đặc thù nào đó. Các ngài có chỗ đứng dứt khoát cho mọi thời đại. Bởi lẽ, nơi các thánh, "Thánh Thần làm chuyển động tâm hồn và quy nó về Thiên Chúa, mở con mắt tâm trí và ban niềm an vui cho mọi người trong việc thuận theo và tin theo chân lý" (số 102). Được Thánh Thần chuyển động, người tín hữu với cảm thức đức tin mạnh mẽ, sẽ góp phần xây dựng Giáo hội trong sự hiệp nhất (x. số 104).
Với toàn bộ dự thế nội tâm như thế, cảm thức đức tin liên hệ với "lòng đạo bình dân" (popular religiosity). Hẳn nhiên, lòng đạo hay tính tôn giáo (religiosity) là điều tự nhiên đối với con người. Ai ai cũng có những tâm tình tôn giáo. Tuy nhiên, ở đây "lòng đạo bình dân" được hiểu theo một ý nghĩa biệt loại khác; nó "qui chiếu đến sự khôn ngoan của Dân Công giáo" (số 108). Lòng đạo đức bình dân này diễn đạt ra trong nhiều cách thức (x. số 108).
"Sự khôn ngoan đó một cách sáng tạo nối kết điều thần linh và nhân loại, Đức Kitô và Đức Maria, tinh thần và thể xác, hiệp thông và thể chế, con người và cộng đoàn, đức tin và quê mẹ, lý trí và tình cảm và nó cũng là một nguyên lý phân định và một bản năng tin mừng qua đó họ tự phát cảm nhận khi Tin mừng được phục vụ trong Giáo hội và khi nội dung đó bị làm rỗng đi và bị ngột ngạt vì những lợi lộc khác" (số 108).
Lòng đạo bình dân theo văn kiện là "sự tỏ lộ một đời sống đối thần được nuôi dưỡng bằng chính hoạt động của Thánh Thần được đổ vào lòng chúng ta" (số 109). Lòng đạo bình dân, xét như nguyên lý hay bản năng và như một sự phong nhiêu của thực hành Kitô hữu, nảy sinh từ cảm thức đức tin và làm cho cảm thức ấy thêm sáng tỏ. Nó bộc lộ trong nhiều hình thức phượng tự như hành hương, rước kiệu, sùng kính... Hơn nữa, tài liệu còn cho thấy lòng đạo đức bình dân này chính là "một sự hội nhập đức tin vào văn hóa" vậy (số 110). Điểm nổi bật mà tài liệu nêu lên ở đây là mối liên kết giữa cảm thức đức tin và tư cách linh mục cộng đồng thánh thiện của dân Thiên Chúa, một thiên chức có rất nhiều hình thức biểu lộ (x. số 110). Chắc chắn, lòng đạo bình dân vẫn luôn cần được tin mừng hóa một ngày một hơn, thì nó vẫn "biểu lộ nỗi khát khao Thiên Chúa mà chỉ những người đơn sơ và nghèo khó mới có thể biết được" (số 111), như chính Đức Phaolô VI và Đức Phanxicô xác quyết.[31] Như vậy, nguyên tắc này được sáng tỏ lên: tính chất giáo hội của lòng đạo bình dân. Tài liệu viết:
"Mang tính giáo hội có nghĩa là được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, không bị chính trị hóa hay rơi vào bẫy của những ý thức hệ, hiệp thông mạnh mẽ với cả giáo hội địa phương và phổ quát, với các vị mục tử của Giáo hội và với huấn quyền, và mang tính chất truyền giáo mãnh liệt" (số 112).
Như thế, cảm thức đức tin không phải là thứ công luận dân chủ theo nghĩa xã hội và chính trị (x. số 113). Giáo hội không phải là một thực thể chính trị, không phải là một thứ NGO, vì Giáo hội nhận được cấu trúc bên trong và những nguyên lý cai quản của mình từ Đức Kitô (x. số 114). Giáo hội vẫn kính trọng công luận; nhưng cũng rõ, công luận không phải đều là chân lý, và hơn nữa, là chân lý mà Giáo hội phải theo (x. số 115). Giáo hội biết rõ "có những áp lực để làm giảm thiểu vai trò của đức tin trong tranh cãi công cộng hay làm cho giáo lý truyền thống Kitô giáo thỏa hiệp với những quan tâm và ý kiến tân tiến" (số 117). Tài liệu cho thấy nét khác biệt cơ bản giữa ý kiến hay công luận và chân lý đức tin như sau.
"Ý kiến chỉ là một diễn đạt, thường thay đổi và mau qua của dạng thái hay những ước muốn của một nhóm hay văn hóa nào đó, đang khi đó đức tin là âm vang của một Tin mừng có giá trị cho mọi nơi chốn và thời đại" (số 118).
Phân biệt ngắn gọn nhưng rõ ràng. Hơn nữa, trong lịch sử giáo hội, rất nhiều khi sự canh tân đến từ một nhóm thiểu số sống và làm chứng đức tin cách mãnh liệt. Ta phải nhớ rất kỹ:
"Toàn thể Dân Thiên Chúa trong sự hiệp nhất bên trong tuyên xưng và sống đức tin chân thật. Huấn quyền và thần học phải liên lỷ làm việc để canh tân sự trình bày đức tin trong những hoàn cảnh khác nhau, đối diện nếu cần với những ý niệm chủ trị của chân lý Kitô giáo với chân lý thực sự của Tin mừng" (số 119).
Ta ghi nhớ rằng kinh nghiệm của Giáo hội cho thấy rằng đôi khi chân lý đức tin được bảo tồn không phải do những nỗ lực của các thần học gia hay lời dạy của đa số các giám mục, nhưng trong tâm hồn của các tín hữu (x. số 119).
Như vậy, cần thiết biết bao để tham khảo được những trực giác đức tin của các tín hữu. Trong lịch sử, chẳng hạn như trong việc chuẩn bị công đồng Vatican II, Giáo hội đề ra nhiều hình thức tham khảo vì "các tín hữu có quyền lợi, và đôi khi có bổn phận, theo hiểu biết, uy tín và địa vị của mình, để tỏ cho các vị mục tử quan điểm của mình về những gì liên quan đến thiện ích của Giáo hội" (số 120). Quy luật "điều tác động đến mọi người, nên được mọi người thảo luận và phê chuẩn" (số 112) cần tìm được nhiều phương thức thực hành và sẽ đem lại nhiều thiện ích cho mọi người. Tuy nhiên, điều Giáo hội đang phải đối diện lại ở một chỗ khác. Do bởi đức tin yếu kém có khi đa số tín hữu lại tỏ ra dửng dưng hay ít chấp nhận những quyết định của huấn quyền về giáo lý và luân lý. Dĩ nhiên, ta không chối bỏ có một số trường hợp tỏ ra thiếu tham khảo đầy đủ toàn giáo hội (x. 123). Chắc chắn còn có thể có nhiều hình thức tham khảo được phát sinh. Nhưng điều quan trọng hơn chính là các mục tử và tín hữu cần kính trọng những đặc sủng của nhau và lắng nghe những kinh nghiệm và quan tâm của nhau. "Khiêm tốn lắng nghe ở mọi bình diện và tham khảo thích đáng những người liên hệ là những khía cạnh toàn vẹn của một giáo hội sống động và linh hoạt" (số 126).
III. KẾT LUẬN
Tài liệu mang tính học thuật này mời gọi các Kitô hữu tìm hiểu để đức tin cả dưới khía cạnh cá nhân lẫn giáo hội được lớn lên. Nó sẽ giúp chúng ta không bị tròng trành theo những trào lưu thế tục. Nó sẽ giúp chúng ta trân quý hơn đức tin mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Tài liệu mời gọi chúng ta đừng tạo ra một thứ nhị nguyên sai lạc khi coi rằng trong Giáo hội có hai thứ bất khả ngộ, một của huấn quyền, một của dân Chúa. Chỉ có một sự bất khả ngộ của đức tin được Thánh Thần đảm bảo, và huấn quyền có sứ mệnh phục vụ đức tin không thể sai lầm đó. Không chút hồ nghi, đức tin không bao giờ sai lầm; người tín hữu được xức dầu Thánh Thần thông phần vào sự không sai lầm đó bằng một cảm thức đức tin. Cả cộng đoàn dân Chúa cũng như từng cá nhân tín hữu, với sự chân thành sống và thực hành đức tin, đều có khả năng phân định những gì hợp hay trái nghịch với Tin mừng. Hồng ân này khiến cho Giáo hội bước đi vững vàng trong sứ vụ tân phúc âm hóa ngày nay. Cảm thức đức tin giữ người tín hữu luôn trung thành với đức tin tông truyền, song cũng thúc đẩy họ phát triển đức tin ấy để mang lại những giải đáp mới của Tin mừng cho những vấn đề của Dân Chúa đang lữ hành.[32] Thật vậy, cảm thức đức tin của tín hữu sẽ nên tinh ròng hơn khi họ tích cực tham gia vào đời sống Giáo hội. Rõ ràng, cảm thức đức tin là một tặng ân song cũng là một trách vụ để Giáo hội phát triển kho tàng đức tin vì phần ích của nhân loại đang hướng về Nước Thiên Chúa. Đức tin không thể sai lầm của các tín hữu làm chứng về điều thế giới cần thiết nhất để có thể tiến bước vững vàng vào phía trước của lịch sử: ĐỨC GIÊSU KITÔ (x. Cv 3:6-9).
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 84 (Tháng 9 & 10 năm 2014)
[1] X. Serge-Thomas Bonino, O.P. "The Sense of Faith", Observatore Romano, english edition, ngày 4 tháng Bảy, 2014, p.1.
[3] Chúng ta thường đánh đồng thành một cảm thức đức tin. Nhưng, tài liệu này phân định rõ hơn khi nói tới chiều kích cá nhân, với hạn từ "sensus fidei fidelis" và chiều kích cộng đoàn, giáo hội với hạn từ sensus fidei fidelium", dĩ nhiên tài liệu vẫn luôn cho thấy mối liên hệ hữu cơ giữa chúng.
[9] x. Số 50, 51, 52, 54, 62; x. Sara Butler, MSBT, "The Instinct that guides the Church", Obser. Rom. 4 July 2014, p.15.
[24] x. Số 63. Cũng x. Michael Sean Winters, trong "The Sensus Fidei" viết: [The sensus fidei fidelis enables individual believers: 1) to discern whether or not a particular teaching or practice that they actually encounter in the Church is coherent with the true faith by which they live in the communion of the Church (see below, §§61-63); 2) to distinguish in what is preached between the essential and the secondary (§64); and 3) to determine and put into practice the witness to Jesus Christ that they should give in the particular historical and cultural context in which they live (§65)] Ngày 30 tháng Sáu, 2014.
[32] x. Số 127-128.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/sensus-fidelium-cam-thuc-duc-tin-mot-trinh-bay-cua-mot-tin-huu-tu-giao-hoi-tai-viet-nam-42499
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét