Romano Guardini, bậc thầy của hai vị Giáo Hoàng gần đây nhất
Vũ Văn An
Đối với người Công Giáo Việt Nam, Romano Guardini tương đối là một người xa lạ. Nhưng thực ra, ngài là một trong các thần học gia quan trọng nhất của thế kỷ 20, mà công trình gây ảnh hưởng sâu rộng lên tư tưởng của hai Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Phanxicô, với cuộc sống thơm mùi đạo đức đến nỗi ngày 16 tháng 12 năm 2017, Tổng giáo phận Munich và Freising của Đức đã chính thức mở án phong thánh cho ngài.
Theo tạp chí National Catholic Register, Cha Guardini (1885-1968) gây ảnh hưởng sâu đậm lên Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, phong trào canh tân phụng vụ trước Vatican II và rất nhiều độc giả Công Giáo khắp thế giới.
Theo Christopher Shannon, giáo sư sử tại Christendom College, công trình của Cha Guardini rất hữu ích trong việc giải quyết một số “chia rẽ trong Giáo Hội ngày nay”. Trong khi phụng vụ cách riêng trở thành “bãi chiến trường” kể từ thập niên 1960 giữa “những nhà canh tân muốn rời bỏ truyền thống” và “các nhà duy truyền thống không muốn thay đổi gì cả”, thì Cha Guardini, qua công trình của mình, kêu gọi một cuộc gặp gỡ bản thân sâu sắc hơn giữa tín hữu và Chúa Kitô, nhưng đồng thời phải tôn trọng các hình thức phụng vụ của Giáo Hội.
Theo Shannon, “có một sự kính trọng đối với hình thức và Truyền thống, nhưng cũng có việc nhấn mạnh rằng các hình thức bên ngoài không phải là điều phụng vụ nói về”.
Cuộc tranh luận về tầm quan trọng của qui định và trật tự trong Giáo Hội cũng là lãnh vực trong đó ảnh hưởng của Cha Guardini được nhiều người cảm nhận. Sự chia rẽ về tầm quan trọng này cho thấy qui định của Giáo Hội có đó để “hướng dẫn chúng ta vào sâu hơn trong tương quan với Chúa Kitô”.
Shannon cho hay phần lớn công trình của Cha Guardini “là chiến đấu giành lại khía cạnh chân chính của tự do”. Vì đối với Cha Guardini, tự do là điều bất khả như một cá nhân; tự do đích thực tìm thấy nơi việc phó mình cho Chúa Kitô, Đấng chỉ có thể được tìm thấy “trong Giáo Hội và trong cộng đồng”. Công trình của Cha Guardini thách thức cả hai phía trong Giáo Hội ngày nay bác bỏ thứ ngôn ngữ của “chủ nghĩa duy cá nhân triệt để” bị sử dụng để biện minh cho bất đồng với các giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề tình dục và xã hội.
Cha Guardini được cả hai vị Giáo Hoàng gần đây nhất hết lời ca ngợi. Đức Bênêđíctô nhắc nhớ rằng lời giảng dậy của Cha Guardini gây ấn tượng sâu xa lên ngài lúc ngài còn trẻ vì sự tận tâm của nhà thần học này trong việc tìm kiếm sự thật. Cuốn Tinh thần Phụng vụ (Spirit of the Liturgy) của Cha Guardini là một trong những cuốn sách đầu tiên Đức Bênêđíctô (lúc ấy là Joseph Ratzinger) đọc khi là sinh viên thần học.
Cuốn Tinh thần Phụng vụ (Spirit of the Liturgy) của chính ngài, xuất bản 80 năm sau, đã đặt tựa đề như một đề tặng đối với cha Guardini. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thường trích dẫn cha trong triều Giáo Hoàng của ngài và một lần nữa ca ngợi cha như “một khuôn mặt vĩ đại, một nhà giải thích Kitô giáo về thế giới và về thời của mình”.
Có người như Sandro Magister còn coi Guardini như “cha” của Đức Bênêđíctô XVI vì không những Guardini là “người hướng dẫn Ratzinger hồi trẻ, mà Ratzinger còn không ngừng tiếp nhận gợi hứng từ tư tưởng của vị này”. Theo Magister, Ratzinger không những đọc sách của Guardini mà còn đích thân nghe người được ngài chọn làm “bậc thầy”.
Trong tư cách một thần học gia, một Hồng Y, và cả một Giáo Hoàng nữa, Ratzinger luôn thừa nhận trong các cuốn sách của ngài rằng ngài có ý hướng tiến hành theo các nẻo đường do Guardini vạch ra. Trong cuốn “Chúa Giêsu Thành Nadarét”, ngài tuyên bố ngay ở các dòng đầu tiên rằng ngài lưu tâm đến một trong các cuốn cổ điển của bậc thầy mình: cuốn “Chúa” (The Lord). Và trong “Dẫn nhập vào Tinh thần Phụng vụ” ngài cho thấy ngay từ tựa sách rằng ngài lấy hứng từ một trong các tuyệt tác của chính Guardini, “Tinh thần Phụng vụ”.
Silvano Zucal, giáo sư triết học tại Đại Học Trent và là chủ biên toàn bộ công trình của Guardini được nhà Morcelliana xuất bản tại Ý, cho rằng không kể những gặp gỡ thể lý, giữa Guardini và Ratzinger có nhiều điểm trùng phùng.
“Cả hai đều quan tâm đến việc tái khám phá nét chủ yếu trong Kitô giáo qua việc tìm cách trả lời luận điệu khiêu khích của Feuerbach. Guardini sẽ viết cuốn sách sáng chói của ngài về việc này năm 1938 tựa là “Yếu tính Kitô giáo”, trong khi Ratzinger dành cho chủ đề này cuốn “Dẫn nhập vào Kitô giáo”, viết năm 1968, hiển nhiên là công trình nổi danh nhất và, có lẽ, là quan trọng nhất của ngài”.
Và dĩ nhiên điểm trùng phùng rõ rệt hơn cả là phụng vụ. “Cả hai hợp nhất bởi niềm say mê chung đối với phụng vụ. Để làm nổi bật món nợ của ngài đối với Guardini, Ratzinger đã đặt tựa cho cuốn sách của mình về phụng vụ là “Dẫn nhập vào Tinh thần Phụng vụ” cố ý nhắc đến cuốn “Tinh thần Phụng vụ” của Guardini, xuất bản năm 1918.
Ratzinger viết trong lời nói đầu của cuốn sách trên như sau: “Một trong các công trình đầu tiên tôi đọc sau khi bắt đầu học thần học, đầu năm 1946, là cuốn sách đầu tiên của Guardini, ‘Tinh thần Phụng vụ’, một cuốn sách nhỏ xuất bản Mùa Phục Sinh năm 1918 như là cuốn khai trương cho loạt sách 'Ecclesia orans', do Đan viện trưởng Herwegen hiệu đính, được in lại nhiều lần cho tới năm 1957. Công trình này có thể được coi như khởi thủy của phong trào phụng vụ tại Đức. Nó đóng góp một cách quyết định vào việc tái khám phá phụng vụ, với nét đẹp, sự phong phú tiềm tàng, và sự vĩ đại vượt thời gian của nó, như là tâm điểm sinh tử của đời sống Giáo Hội và người Kitô hữu. Nó đóng góp vào việc làm cho phụng vụ cử hành một cách “thiết yếu” (essential), một từ ngữ được Guardini rất ưa dùng; ước mong là hiểu nó dựa trên bản chất nội tại và mô thức của nó, như lời cầu nguyện được chính Chúa Thánh Thần linh hứng và hướng dẫn, trong đó, Chúa Kitô tiếp tục trở nên hiện diện với chúng ta, đi vào cuộc sống của chúng ta”.
Xa hơn chút nữa, Ratzinger viết, “vì lý do này, tôi cố ý chọn tựa sách để minh nhiên nhắc nhớ tới cuốn cổ điển ấy của nền thần học phụng vụ”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng ca ngợi Cha Guardini như “một tư tưởng gia có nhiều điều để nói với người thời ta”. Khi còn ở chủng viện Dòng Tên, Đức Phanxicô sở hữu cuốn The Lord, công trình của Cha Guardini viết về Con Thiên Chúa. Trong thập niên 1980, lúc còn là một linh mục dòng Tên, Đức Phanxicô chuẩn bị luận án tiến sĩ bằng cách nghiên cứu cha Guardini, dù không hoàn tất việc này.
Đức Cha Barron, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Los Angeles, đặc biệt nối kết Thông điệp Laudato Si’ của Đức Phanxicô với Romano Guardini, người có các công trình được Đức Phanxicô nghiền ngẫm đến trở thành nhân tố xác định ra tư duy của ngài. Thực vậy, Đức cha Barron cho rằng gần như trên mỗi trang của thông điệp này, người ta đều thấy ảnh hưởng của Romano Guardini và việc ngài tấn công thời hiện đại một cách rất đặc trưng.
Đức Cha cho rằng đọc các tiểu luận trong Letters from Lake Como của Guardini, người ta thấy tác giả rất sảng khoái được viếng thăm vùng Hồ này vì ở đây, người ta tìm được sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Nhưng từ thập niên 1920 trở đi, sự hài hòa không còn nữa: nhà cửa xây không những lớn hơn mà còn bất cần môi trường chung quanh, không còn thích ứng với khung cảnh tự nhiên nữa. Ngay cả thuyền bè cũng không còn nhịp nhàng theo sóng nước như xưa. Theo Guardini, người ta đã thuận theo Francis Bacon và nhất là René Descartes trong việc khuyến khích quyền lực lý trí “khuất phục” thiên nhiên. Việc khuất phục này tạo ra các khoa học tân thời và các kỹ thuật liên hệ, nhưng đồng thời tạo ra sự tha hóa, ra xa lạ giữa con người và thiên nhiên. Chủ thể hiện đại trở nên hung hãn và quy ngã nhiều hơn, còn thế giới tự nhiên, đối với họ, đơn giản chỉ còn là điều để họ mặc tình thao túng cho các mục tiêu của họ.
Đó cũng là quan tâm chính của Laudato Si’, mục tiêu là tái tạo một mẫn cảm thực sự có tính vũ trụ, nhờ đó, hữu thể nhân bản và các dự án của họ nằm trong mối liên hệ sinh động, hội nhập với thế giới bao quanh họ.
Tuy nhiên, một cách minh nhiên, Đức Phanxicô trích dẫn cuốn “The End of the Modern World” của Guardini tới 6 lần trong Laudato Si’, tất cả để nhấn mạnh đến việc thay đổi triệt để con người phải chịu do việc kỹ thuật ngày càng thống trị thế giới của chúng ta. Guardini được lưu ý đặc biệt trong chương 3 “Các gốc rễ nhân bản của cuộc Khủng hoảng Sinh thái” và chương 6 “Giáo dục Sinh thái và Linh đạo”.
Nhân tiếp kiến các tham dự viên một hội nghị được bảo trợ bởi Hội “Romano Guardini Stiftung” ngày 13 tháng 11 năm 2105, Đức Phanxicô nói rằng: “tôi tin chắc Guardini là một nhà tư tưởng có nhiều điều để nói với người thời ta, và không chỉ là các Kitô hữu”.
Dịp trên, Đức Phanxicô nhắc đến cuốn The Religious World of Dostoyevsky của Guardini để đi đến nhận định cho rằng Guardini giải thích ý niệm “người ta” (people) bằng cách phân biệt nó cách rõ ràng khỏi chủ nghĩa duy lý của Phái Ánh Sáng vốn chỉ coi là có thực những gì được lý trí nắm bắt và khỏi điều có xu hướng cô lập con người, cắt rời họ khỏi các mối tương quan tự nhiên. Thay vào đó, “người ta” là sự tổng hợp những điều chân chính, sâu sắc, chủ yếu nơi con người. Ta có thể nhận ra nơi người ta, như trong một tấm gương, “trường lực (force field) của hành động Thiên Chúa”. Guardini nói tiếp, người ta “cảm nhận trường lực này hoạt động khắp nơi và tri nhận được mầu nhiệm, sự hiện diện không ngừng không nghỉ. Do đó, Đức Phanxicô muốn nói rằng “người ta” không phải là một phạm trù luận lý học, mà là một phạm trù huyền nhiệm học.
Sandro Magister thì lưu ý đến 4 nguyên lý được Đức Phanxicô dùng làm chương trình hành động của triều giáo hoàng của ngài và được ngài nêu lên trong thông điệp đầu tiên: Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium). Đó là thời gian lớn hơn không gian, hợp nhất thắng vượt tranh chấp, các thực tại quan trọng hơn các ý niệm và toàn bộ lớn hơn từng phần.
Điều đáng lưu ý là trọn phần trong Niềm vui Tin mừng diễn giải 4 nguyên lý trên là lấy từ một chương của luận án tiến sĩ không hoàn tất của Bergoglio trong thời gian ngắn ngủi ngài ở Đức năm 1986. Luận án này nói về Romano Guardini, người được ngài trưng dẫn trong thông điệp.
Điều trên được ngài xác nhận trong một cuốn sách phát hành tại Á Căn Đình năm 2014: “Dù tôi không thể hoàn tất luận án của mình, các nghiên cứu tôi thực hiện hồi đó gúp tôi rất nhiều với những gì sẽ xẩy ra sau đó, bao gồm cả tông huấn ‘Evangelii Gaudium’ vì trọn phần nói về các tiêu chuẩn xã hội trong đó đã lấy từ luận án của tôi về Guardini”.
David Foote, giáo sư sử tại Đại Học St. Thomas, ở Minnesota, cho hay cả hai vị Giáo Hoàng đều ca ngợi sự dấn thân của Cha Guardini trong việc cương quyết suy tư trong lòng Giáo Hội và “phát biểu Tin Mừng một cách xã hội hiện đại có thể nghe”.
Theo Robert Krieg, giáo sư thần học hưu trí của Đại Học Notre Dame, cha Guardini là người “tiên phong” trong việc chuẩn bị cơ sở cho việc canh tân Giáo Hội và nền thần học của Giáo Hội tại Vatican II. Krieg cho rằng các công trình của Cha đã “phục hồi các khía cạnh của đức tin Công Giáo vốn bị đẩy lui vào hậu trường” như tầm quan trọng của việc phát triển lương tâm và việc canh tân phụng vụ.
Từ điển mở Wikipedia thì cho rằng, như một triết gia, Cha Guardini tuy không thiết lập ra trường phái nào, nhưng các học trò cách này hay cách khác bao gồm các nhân vật như Josef Pieper, Luigi Giussani, Felix Messerschmid, Heinrich Getzeny, Rudolf Schwarz, Jean Gebser, Joseph Ratzinger (sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI), và Jorge Mario Bergoglio (sau này là Đức Giáo Hoàng Phanxicô). Riêng Đức Phanxicô trưng dẫn cuốn The End of the Modern World của Cha tới 8 lần trong Thông điệp Laudato Si’ của ngài năm 2015, nhiều hơn bất cứ tư tưởng gia hiện đại nào không phải là Giáo Hoàng.
Christopher Shannon, trong bài “Romano Guardini: Father of the New Evangelization” đăng trên tạp chí Crisis ngày 17 tháng Hai, 2014, còn gợi ý về ảnh hưởng của Guardini đối với Đức Piô XII và Đức Gioan Phaolô II. Theo ông, các ý niệm của Guardini về cộng đồng và phụng vụ đã tìm được sự phê chuẩn trong hai thông điệp Mystici Corporis (1943) và Mediator Dei (1947) của Đức Piô XII. Duyên nợ giữa Guardini và Đức Gioan Phaolô II, theo Shannon, là Max Scheler. Vì cuốn “Tinh thần Phụng vụ” vốn lấy hứng từ cuộc đối thoại giữa tác giả và nhà hiện tượng luận này, người được Đức Gioan Phaolô II lấy làm đề tài cho luận án tiến sĩ của ngài.
Henry Regnery, người xuất bản 13 tác phẩm dịch sang tiếng Anh của Cha Guardini từ những thập niên 1940 và 1950, cho biết thêm ảnh hưởng của Max Scheler đối với Guardini. Trong một diễn văn đọc tại Đại Học Munich nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70, Guardini cho hay: khi được đề nghị giữ ghế giáo sư về môn Triết học Tôn giáo và Thế Giới quan Kitô giáo mới mở tại Đại Học Berlin, cha do dự không muốn nhận phần vì thiếu kinh nghiệm, phần vì cách ghế giáo sư này được mô tả một cách hàm hồ. Chính triết gia nổi danh Max Scheler đã khuyên ngài “Hãy khảo sát, chẳng hạn, các tiểu thuyết của Dostoyevski rồi xem xét chúng dưới chủ trương Kitô giáo của cha, để một đàng, soi sáng chính công trình, và đàng khác, soi sáng chính khởi điểm của cha”.
Regnery cho rằng đó chính là điều Guardini thực hiện suốt 16 năm tại Berlin và trong diễn trình này, điều trở nên rõ ràng với Guardini là thế giới quan Kitô giáo có nghĩa gì: “cuộc gặp gỡ liên tục, ta có thể nói có phương pháp, giữa đức tin và thế giới”. Trong thời gian giảng dậy tại Berlin này, Guardini đã viết các cuốn sách về Platông, Dante, Pascal, Holderlin, Morike, và Rilke, những cuốn sách không hẳn nhằm nói về thần học hay nghiên cứu văn chương, mà là các cuộc gặp gỡ.
Tiểu sử
Cũng theo Wikipedia, Guardini sinh tại Verona, Ý, năm 1885. Gia đình ngài di cư qua Mainz, Đức, khi ngài mới lên một và ngài sống tại đây suốt đời. Ngài học tại Rabanus-Maurus-Gymnasium, một cơ sở chuẩn bị vào Đại Học. Chính Guardini cho biết lúc còn niên thiếu, ngài thường “luôn luôn xao xuyến và rất bối rối lương tâm”. Sau khi học hóa học tại Đại Học Tübingen trong 2 lục cá nguyệt, và học kinh tế tại Munich và Berlin trong 3 lục cá nguyệt, ngài quyết định trở thành linh mục. Sau khi học thần học tại Freiburg im Breisgau và Tübingen, ngài được thụ phong tại Mainz năm 1910. Ngài làm mục vụ trong một thời gian ngắn, sau đó trở lại Freiburg để dọn tiến sĩ Thần học. Ngài nhận bằng tiến sĩ năm 1915 với luận án về Thánh Bonaventura. Sau khi lấy bằng Thạc sĩ (Habilitation) về thần học tín lý tại Đại Học Bonn năm 1922, cũng với luận án về Thánh Bonaventura. Trong suốt thời gian này, ngài cũng làm tuyên úy cho phong trào giới trẻ Công Giáo.
Năm 1923, ngài được cử giữ ghế giáo sư Triết học Tôn giáo tại Đại Học Berlin. Trong khảo luận năm 1935 tựa là "Der Heiland" (Đấng Cứu Thế), ngài phê phán việc Quốc Xã huyền thoại hóa con người của Chúa Giêsu và nhấn mạnh tính Do Thái của Chúa Giêsu. Chính vì thế, năm 1939, Quốc Xã buộc ngài phải từ bỏ chức vụ tại Đại Học Berlin. Từ 1943 tới 1945, ngài sống ần dật tại Mooshausen, nơi người bạn của ngài là Josef Weiger làm cha xứ từ năm 1917.
In 1945, Guardini được bổ nhiệm làm giáo sư tại Phân khoa Triết học của Đại Học Tübingen và tiếp tục giảng dậy về Triết học Tôn giáo. Năm 1948, ngài trở thành giáo sư tại Đại Học Munich, nơi ngài ở lại cho tới khi nghỉ hưu vì lý do sức khỏe năm 1962.
Guardini qua đời tại Munich, Bavaria, ngày 1 tháng 10 năm 1968. Ngài được chôn cất tại nghĩa trang linh mục của Nhà thờ Thánh Philip Neri ở Munich. Di sản của ngài được tặng cho Hàn lâm viện Công Giáo ở Bavaria do ngài đồng sáng lập.
Heinz R. Kuehn, tác giả “The Essential Guardini, An Anthology of the Writings of Romano Guardini”, người từng đích thân gặp gỡ Guardini, kể thêm rằng thời gian học thần học ở Tubingen trong các 1906 và 1907, lần đầu tiên, Guardini được dịp tiếp xúc với “nền phụng vụ đích thực” khi ngài viếng thăm Đan viện Beuron nơi các đan sĩ đi tiên phong trong việc canh tân phụng vụ. Từ đó, phụng vụ trở thành quan tâm đệ nhất và kéo dài suốt đời ngài.
Kuehn cũng cho rằng việc Guardini thích đối thoại có phê phán với các ý tưởng đương thời bị các bậc thầy của ngài ngờ vực và do đó, việc thụ phong đã bị hoãn tới 1 nửa năm. Nên nhớ đây cũng là thời gian có những kết án phái Duy hiện đại của Thánh Giáo Hoàng Piô X.
Ngài vẫn duy trì quan điểm của mình và dù chỉ làm mục vụ một thời gian ngắn, nhưng ngài đã tìm được một cái nhìn thật thông sáng về vai trò mục tử. Theo Kuehn, “tóm lược kinh nghiệm của ngài về thừa tác mục vụ trong những năm tháng này, ngài nhận định: tôi phải nói rằng trước đây tôi đã không tìm thấy mối tương quan nhân bản mà vị mục tử phải có đối với cộng đoàn của ngài. Tuy thế, tôi vẫn xác tín rằng thừa tác mục vụ là hình thức thích đáng của chức linh mục. Thế nhưng, tôi đã không bao giờ tìm được đường đi vào người dân, đi vào cách họ suy nghĩ và đi vào các hình thức quan tâm của họ... Đúng hơn, không khởi đi từ nguyên tắc này hay nguyên tắc nọ mà chỉ từ thái độ bộc phát của tôi đối với các trách vụ mục vụ, tôi thấy mình là loại linh mục anh em không hành động vì chức vụ chính thức nhưng mang chức linh mục trong mình như một sức mạnh mục vụ; người không đối diện với tín hữu như một người sở hữu thẩm quyền nhưng đứng bên cạnh họ. Ngài không thích cung cấp cho họ các thành quả và hướng đi chắc chắn nhưng tham gia với họ trong việc họ tìm kiếm và học hỏi hòng cùng với họ đạt tới các thành quả chung”.
Các trước tác
Năm 1916, theo Kuehn, Guardini được gặp và làm quen cũng như trở thành thân thiết với Ildefons Herwegen, đan viện trưởng đan viện Biển Đức Maria Laach, vốn đã trở thành trung tâm canh tân phụng vụ tại Đức. Lúc đó, đan viện đang xem xét cho xuất bản một loạt chuyên khảo, tựa là Ecclesia Orans (Giáo hội Cầu nguyện), nói về các vấn đề phụng vụ. Khi Guardini đưa cho đan viện trưởng xem một thủ bản các bài giảng khóa của ngài tại Mainz, đan viện trưởng rất có ấn tượng đến nỗi nó đã trở thành chuyên khảo đầu tiên của bộ này dưới tựa đề "Vom Geist der Liturgie" (Tinh thần Phụng vụ). Nó xuất hiện dưới dạng sách vào năm 1918 và lập tức trở thành sách bán chạy nhất ở Đức và cả ở nước ngoài. Cũng do gợi ý của vị đan viện trưởng này, Guardini, như trên đã nói, đã soạn một luận án về Thánh Bonaventura để lấy bằng giảng dạy (habilitation) tại Đại Học Bonn năm 1922.
Cùng lúc ấy, Đại Học Berlin cũng đang đi tìm một người đủ tiêu chuẩn để giảng dậy môn Triết học Tôn giáo và Thế giới quan Công Giáo vừa mới mở. Đại Học này vốn được coi là thành trì của Thệ Phản Đức, nên có nhiều phản bác chống lại việc lập ghế giáo sư này. Một thỏa hiệp đã đạt được, theo đó, ghế này sẽ tháp nhập vào Phân khoa Thần học của Đại Học Breslau nhưng dành cho người chiếm ghế này ở Berlin danh nghĩa “giáo sư khách thường trực”. Khi được trao cho chức vụ này, Guardini khởi đầu không muốn nhận, nhưng sau bạn bè, trong đó có Scheller, người vốn được Karol Wotyla, tức Đức Gioan Phaolô II, sùng mộ, khuyến khích, nên đã chấp nhận.
Ngài chuyển về Berlin năm 1923, cùng năm, cuốn Giáo Hội và Người Công Giáo ra đời. Chính tại đây, danh tiếng giáo sư của ngài được loan truyền rất nhanh và không bao lâu sau, phòng giảng bài của ngài chật ních người, không chỉ là các sinh viên mà cả các giáo sư của các phân khoa khác và thành viên tấng lớp trí thức ưu tú Công Giáo của Berlin nữa.
Nhưng đây cũng là thời kỳ Đức rơi vào hỗn loạn, thời mà Kuehn gọi là “thời của chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa duy tương đối”, thời mọc lên chủ nghĩa Quốc Xã. Năm Cha Guardini chuyển về Berlin, Hitler làm cuộc đảo chánh ở Munich, nhưng thất bại, phải ngồi tù ở pháo đài Landsberg, chính tại đây, hắn viết cuốn Mein Kampf ("Cuộc Chiến Của Tôi") trong đó hắn vẽ ra chi tiết nghị trình hành động của Quốc Xã.
Điều khó cho Cha Guardini là khai triển cá chủ đề cho các giảng khoá của ngài đủ ý nghĩa cho một khán giả đang sống dưới những điều kiện như trên. Rất may, lợi điểm của ngài là Giáo Hội Công Giáo lúc ấy, nhờ ảnh hưởng chính trị của Đảng Trung Tâm, đang nở rộ. Mặt khác, dưới nền Cộng Hòa Weimar, Berlin trở thành trung tâm văn hóa của Âu Châu về nghệ thuật, âm nhạc, kịch nghệ, phim ảnh và văn chương, đem lại cho ngài nhiều điểm tiếp xúc cho các giảng khóa của ngài tương ứng với các quan tâm riêng của ngài về nghệ thuật. Ngài mở rộng các buổi giảng dạy ra cả ngoài phạm vi Đại Học Berlin, như tại nhà thờ dòng Tên kính Thánh Canisius. Ngoài ra, ngài còn dành thì giờ rảnh rỗi cho phong trào giới trẻ Công Giáo Quickborn ("Nguồn Suối Tuổi Trẻ"): làm chủ bút cho tạp chí Schildgenossen ("Đồng chí đồng Khiên Mộc") của phong trào, một tạp chí tuổi trẻ Công Giáo cổ vũ cả ba chiều kích thần học, phụng vụ và văn hóa, trong đó, các bạn trẻ thảo luận kịch nghệ, nghệ thuật, văn chương, chơi nhạc cụ và tham dự tĩnh tâm và hành hương tới các đền thánh.
Điều đáng lưu ý là họ tham dự các Thánh lễ thông thường trong đó, họ hát các bài thánh ca bằng tiếng Đức thay vì tiếng Latinh, thảo luận các bài đọc Kinh thánh của ngày lễ và ngồi quanh bàn thờ với linh muc quay về hướng họ. Họ còn cho cha Guardini hình ảnh về một “Âu Châu Mới” vượt mọi ranh giới quốc gia và sắc tộc và dựa trên truyền tống nhân bản Phương Tây.
Kuehn là người đã tham dự một trong những thánh lễ này của Cha Guardini vào năm 1938 tại nhà nguyện Thánh Bênêđíctô của sinh viên tại khu Berlin Charlottenburg. Ông tả lại bầu khí ở đó: “Nếu tôi muốn giải thích trong một vài lời điều lôi cuốn tôi và cộng đoàn nhỏ bé đến từ mọi nơi ở Berlin tham dự Thánh lễ của Cha Guardini, thì đơn giản chỉ có thế này: Ngài là người, bằng lời lẽ và hành động, lôi kéo chúng tôi vào một thế giới trong đó thể thánh thiêng trở thành rờ mó được một cách đầy thuyết phục và theo nghĩa đen. Nguyên giáng vẻ bề ngoài của ngài cũng đã sáng lên một điều mà đối với tôi không có chữ nào diễn tả nổi ngoài chữ sáng ngời (luminous); trước mặt ngài, người ta giữ im lặng và trở nên hết sức chú ý. Với ngài trên bàn thờ, thể thánh thiêng trở thành trung tâm của vũ trụ”, không phải vũ trụ của tưởng tượng, mà của thực tại hàng ngày...
Thánh lễ của ngài là thánh lễ versus populum (hướng về dân chúng), một missa recitala (thánh lễ đọc to) trong đó, người ta đáp lời nguyện của linh mục một cách to tiếng, một điều khá mới mẻ hồi đó.
Kuehn cho rằng các bài giảng trong các thánh lễ này đã được dùng làm bản thảo cho cuốn sách nổi tiếng nhất của ngài tức cuốn The Lord (Chúa).
Như trên đã nói, năm 1939, Quốc Xã sa thải Guardini khỏi Đại Học, giải tán Phong trào Quickborn và đóng cửa trụ sở của nó. Ngài ở lại Berlin 4 năm nữa, viết lách và mở các lớp tập huấn trước nhiều nhóm khán giả Công Giáo khác nhau. Một số các tác phẩm quan trọng, phổ biến và gây ảnh hưởng lâu dài nhất của ngài đã được xuất bản trong thời gian ngài ở Berlin, như Giáo Hội và Người Công Giáo (1923), Các Lá thư từ Hồ Como (1927), Các Dấu chỉ Thánh thiêng” (1929), Chúa (1937), Thế giới và Con người (1939) và Các Suy Niệm Trước Thánh lễ” (1939)...
Kuehn cho rằng chắc chắn các biến động đầy máu của thời Cộng hòa Weimar và chế độ Quốc xã sau đó, cũng như sự phục hưng của Giáo Hội Công Giáo sau Thế chiến I đã có tính quyết định trong việc ngài chọn các chủ đề và đem lại cho các trước tác của ngài chiều sâu và độ phong phú trong các suy tư và sức thuyết phục nơi sự lôi cuốn tinh thần của ngài. Ngài đã trở thành lời nói cửa miệng đối với những người Công Giáo có học (cũng như đối với nhiều người theo các hệ phái khác) và mãi mãi khắp nơi cho tới cả sau khi ngài đã qua đời.
Khi các cuộc không tạc biến Berlin thành đống tro tàn, ngài rời đó vào năm 1943 và như trên đã nói, tới cư ngụ tại nhà xứ của một linh mục vốn là bạn cũ của ngài. Tại đây, ngài đã viết cuốn tự truyện tựa là Berichte iiber mein Leben (Tường trình về Đời Tôi).
Cuối năm 1945, khi Thế chiến II chấm dứt, ngài dạy lại môn Triết học Tôn giáo và Thế giới quan Kitô giáo tại Đại Học Tubingen. Kuehn ghi danh học với ngài và ông nhận định: “mặc dù sự e thẹn bẩm sinh khiến ngài không phải là người ăn nói hùng biện và mặc dù ngài có xu hướng phản ứng dữ dội đối với một cử chỉ gây mất trật tự nhỏ nhoi nhất tại giảng đường, ngài vẫn lôi cuốn số khán giả quá đông gồm sinh viên, nhân viên giảng dậy hầu như mọi môn khác. Bí quyết thật đơn giản: Đây là một con người, sau thời kỳ đẫm máu nhất và đầy biến động nhất của Âu Châu, đã đào sâu yếu tính của viễn kiến thực sự Kitô giáo về thế giới. Ngài không giảng bài theo các nguyên tắc thần học và triết học trừu tượng nhưng theo các thực tại rõ nét và thường là bạo lực của thế giới chúng ta, nối kết chúng với các truyền thống của thế giới phương tây trong tôn giáo, nghệ thuật, văn chương và kiến trúc, và một cách thuyết phục, chứng minh tính giá trị đem lại sự sống của các chân lý cổ xưa nhưng luôn tươi trẻ của Kitô giáo cho một thế hệ đang cố gắng chấp nhận Thế chiến II và các hậu quả của nó.
Năm 1948, Guardini chấp nhận ghế Giáo sư Triết học Tôn giáo và Thế Giới quan Kitô giáo vừa mới được thiết lập tại Đại Học Munich và giữ chức vụ này cho tới năm 1963 lúc được Kark Rahner thay thế. Ngài vẫn rất tích cực, gây nhiều ảnh hưởng và nổi tiếng trong các giảng khóa và viết nhiều như lúc ở Berlin và Tubingen. Ngoài ra, ngài còn giảng mỗi Chúa Nhật trong năm học tại Nhà thờ St Ludwig của Đại Học với số lượng khán giả chật ních Nhà thờ. Trong những năm này, ngài viết các cuốn Ngày tàn của Thế giới Hiện đại (1950). Quyền hành và Trách nhiệm (1951) và Giáo Hội của Chúa (1965). Cho tới lúc ngài qua đời năm 1968, lúc 83 tuổi, ngài viết ít nhất 60 cuốn sách và 100 bài báo mà Hàn lâm viện Công Giáo Bavaria đang thu thập và cho xuất bản thành tuyển tập các trước tác của ngài.
Ảnh hưởng của ngài lan rộng. Không lạ gì, ngài có nhiều danh hiệu: người Phục Hưng, tiền hô của Vatican II, hải đăng trong một thế giới đang ra tối tăm, nhà tiên tri của những điều sắp đến, học giả duy nhân bản theo nghĩa tốt nhất của từ ngữ.
Wikipedia liệt kê một số tác phẩm của ngài được xuất bản bằng tiếng Anh, hầu hết trong thập niên 1990
The End of the Modern World. Sheed & Ward, 1957. Năm 1998, được ISI Books xuất bản ấn bản tái duyệt;
The Art of Praying: The Principles and Methods of Christian Prayer. Sophia Institute Press, 1994.
The Lord. Regnery Publishing, 1996. Với phần dẫn nhập của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger.
The Essential Guardini: An Anthology, hiệu đính bởi Heinz R. Kuehn. Liturgy Training Publications, 1997.
The Spirit of the Liturgy. Crossroad Publishing, 1998.
Living the Drama of Faith. Sophia Institute Press, 1999.
Learning the Virtues. Sophia Institute Press, 2000.
The Death of Socrates. Kessinger Publishing, 2007.
The Rosary of Our Lady. Sophia Institute Press, 1998.
Sacred Signs. CreateSpace Independent Publishing Platform, 2015.
The Humanity of Christ: Contributions to a Psychology of Jesus. Cluny Media, 2018.
The Human Experience: Essays on Providence, Melancholy, Community, and Freedom. Cluny Media, 2018.
The Meaning of the Church. Cluny Media, 2018.
Người có công đầu trong việc quảng bá công trình của Guardini trong thế giới nói tiếng Anh là Henry Regnery. Dù sinh ra trong một gia đình Công Giáo, Regnery tự nhận mình không phải là người Công Giáo. Tuy thế, theo Bradley J. Birzer (https://theimaginativeconservative.org/2013/05/romano-guardini-and-the-personality-of-man.html) và George Panichas (https://theimaginativeconservative.org/2014/05/the-things-that-are-caesars-romano-guardini.html), Henry Regnery đã xuất bản 13 công trình của Guardini, bắt đầu từ những thập niên 1940 và 1950.
Trong cuốn tự truyện “Memoirs of a dissident Publisher” (https://web.archive.org/web/20071201044256/http://www.conservativeclassics.com/books/Dissidentbk/book3.pdf) năm 1979, Regnery cho hay các sách tôn giáo đầu tiên của nhà xuất bản Henry Regnery Company là các sách nói về các vị đại thánh của Walter Nigg, một mục sư Thệ Phản Thụy Sĩ và là giáo sư thần học. Sau đó, là loạt sách “Học hỏi Thần học Kinh thánh” của một số tác giả nổi tiếng. “Nhưng cuối cùng tôi tới kết luận đây không phải là điều chúng tôi mong chờ. Một vài nhân tố dẫn tôi tới chỗ xuất bản các sách Công Giáo, và tới lúc tôi không còn kiểm soát công ty nữa, chúng tôi đã trở thành một trong các nhà xuất bản lớn hơn các sách Công Giáo nghiêm túc và có được một danh sách tôn qúy và rất được kính trọng”.
Một trong những nhân tố đó là hai năm du học ở Âu Châu khiến ông nhìn ra “chúng ta nợ Giáo Hội Rôma món nợ lớn lao trong tư cách nó là người mang truyền thống tôn giáo và văn hóa của nền văn minh của chúng ta. Một truyền thống tôn giáo, rõ ràng đối với tôi, chứng minh chân lý của nó qua chiều sâu đức tin và bình diện thành tựu sáng tạo do nó gợi hứng”. Nhân tố thứ hai, hai người cộng tác của ông là cựu chủng sinh. Họ đề nghị ông xuất bản cuốn The Paschal Mystery của thần học gia người Pháp Louis Bouyer; sau đó là dự án xuất bản ba tác phẩm lớn của Thánh Tôma Aquinô: Về Chân Lý, Bình luận về Siêu Hình Học, và Bình Luận về Đạo Đức HọcNichomachean của Aristốt.
Regnery còn xuất bản các sách của các tác giả Công Giáo khác như Paul Claudel, Jean Danielou, Gertrud von le Fort, Eugene Portalie, Benedict Bauer, Edith Stein, và Louis Colin. Tuy nhiên, ông quả quyết “nhưng có lẽ đóng góp lớn lao nhất của chúng tôi cho tư tưởng tôn giáo đương thời là xuất bản 8 cuốn sách của Romano Guardini, trong số đó, có tác phẩm lớn của ngài là cuốn The Lord”. Regnery gọi ngài là “một trong những nhân vật sừng sững của thời ta”.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét