Cuối cùng, ta nên khảo sát việc Blondel đã quả quyết ra sao trong chi tiết, bằng cách phân tích các nấc hoặc mức độ hành động của con người, luận điểm tổng quát mà chúng ta vừa rút ra. Trước tiên, người ta phải khảo sát xem liệu họ có thể thoát khỏi vấn đề vận mệnh bằng cách phần nào từ chối coi hành động một cách nghiêm túc hay không. Đó là thái độ tài tử (dilettantisme). Người tài tử, người hợp với mọi thứ mà không hiến mình cho bất cứ thứ gì, người muốn chơi và tận hưởng đẹp, nhưng không thực sự hành động, từ chối lựa chọn bất cứ điều gì và thực hành một loại xa lánh (détachement) phổ quát nào. Nhưng người ta chỉ xa lánh mọi thứ vì họ muốn gắn bó với bản thân họ mà thôi và thần thánh hóa sự độc lập của riêng mình. Việc từ khước lựa chọn vẫn là một lựa chọn, không ước muốn vẫn là một ước muốn. Người ta không tránh được vấn đề số phận và hành động vì khi họ tin đã dẹp được nó thì thật ra đã lại nêu nó ra một lần nữa. Lúc đó, liệu họ có cung cấp cho nó một giải pháp tiêu cực hay không? Nói cho ngay, đây không thể là thái độ tài tử, nhưng là thái độ bi quan, một thái độ không còn hệ ở việc không muốn gì nữa, mà là muốn điều không là gì cả (vouloir le rien), là muốn hư vô. Sự mâu thuẫn nội tại của một thái độ như vậy, nếu có thể, thậm chí còn rõ ràng hơn. Một cách nào đó, hoán vị Cogito (tôi suy nghĩ) của Descartes vào việc phân tích ý chí, Blondel muốn chứng minh rằng nỗ lực của Schopenhauer trong việc tiêu diệt nơi mỗi người mọi ước muốn phát xuất từ một ước muốn sâu xa hơn: không muốn là muốn cái không. "Người ta không thể lên đoạn đầu đài suy nghĩ và mong muốn: về chuyện ước muốn hiện hữu>, ước muốn không hiện hữu, ước muốn không ước muốn, vẫn luôn có chữ chung này, ước muốn, một chữ, do sự hiện diện tất yếu của nó, đang thống trị mọi hình thức hiện hữu hoặc hư vô hóa, và xếp đặt các thể đối lập nhau một cách đầy quyền tối cao” (L’Action, trang 37). Như thế, có thể rút ra một kết luận đầu tiên, với nhiều hậu quả: trong các hành động của tôi, trong thế giới, trong tôi, bên ngoài tôi, tôi chưa biết ở đâu hay ở thứ gì, có điều gì đó.



Một khi việc phủ nhận vấn đề này và giải pháp tiêu cực của nó bị loại bỏ, con đường sẽ được mở ra để triển khai hành động. Việc phê phán chủ nghĩa bi quan đã làm xuất hiện một sự lạc quan tối thiểu, ít nhất theo nghĩa ý chí không liên quan đến hư vô, nó phải có một đối tượng. Đối tượng này là gì? Dữ kiện sơ đẳng nhất là cảm giác. Nhưng cảm giác thể hiện một sự bất nhất và không mạch lạc, buộc chúng ta phải vượt qua nó. Con người là một hữu thể, để bảo đảm sự hiện hữu của mình, muốn biết phải dựa vào điều gì. Để làm điều này, họ tổ chức các hiện tượng thành hệ thống. Như Blondel nói, bạn không thể vịn vào điều gì này khi trực giác có tính cảm giới về nó cho chúng ta một tiết lộ ngay lập tức: trong chúng ta, có nhu cầu tìm kiếm sự bí mật của ngay việc nó xuất hiện, đằng sau những vẻ bề ngoài của nó. Khoa học phát sinh từ sự không đầy đủ của cảm giác. Đặc điểm căn bản của nó là tính khách quan: mục tiêu của nó là tổ chức toàn bộ các hiện tượng thành một hệ thống khách quan. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được bằng hoạt động của chính chủ thể, người mà nó dù sao cũng cố gắng giản lược. Không có hệ thống nếu không có một sức mạnh liên kết xây dựng nên nó. Nhận thức đơn giản về tính tất định giả thiết và bao hàm ý thức về tự do. "Ước chi người ta nhìn vào con đường đã đi qua trong giai đoạn cuối cùng này từ điểm mà chúng ta muốn có một điều gì đó. Từ trực giác đầu tiên thuộc cảm giới, vốn có vẻ đơn giản chỉ vì nó không rõ ràng và nhất thiết mãi không nhất quán, phát sinh ra nhu cầu khoa học. Nhưng khoa học thực chứng không tìm thấy trong chính nó sự thống nhất và sự gắn bó chặt chẽ mà nó vốn trổi vượt nhưng không giải thích được; trong cảm giác thô sơ, vốn đã xuất hiện một sự tò mò mà nếu không có nó thì thậm chí sẽ không có bất cứ cảm giác nào thế nào, thì mọi chân lý tích cực cũng đòi sự trung gian của một hành động, sự hiện diện của một chủ thể như thế vì nếu không sẽ không thể có chân lý tích cực nào” (L’Action, trang 101).

Khi nêu ra đối tượng, người ta nêu ra chủ thể, và khi khẳng định hiện tượng, người ta đặt tư tưởng vào đó. Liệu tư tưởng cá nhân này, ngược lại, có thể tự lấy mình làm đủ không? Rõ ràng là không. Chủ nghĩa duy ngã (solipsisme) và vị kỷ là không thể chủ trương được. Theo Blondel, ý thức cởi mở hai cách, quá bên kia và ở trên kia: nó múc thức ăn của nó từ môi trường bao la mà nó tự tóm gọn trong chính nó và nó tự mở rộng ra mọi chiều kích của vũ trụ. Hành động “là ý định trong hành động”. Trước hết, nó là “ý định sống động trong sinh vật và mô phỏng các năng lực khó hiểu mà từ đó nó đã xuất hiện” (trang 146). Nhưng nó không thể bị giới hạn trong giới hạn của đời sống cá nhân. Không có quyết tâm nào được thể hiện trong thâm cung của một con người mà không lưu tâm tới thế giới bao quanh, không tìm kiếm ở đó một ngẫu hợp, mà không kích động ở đó một Hành động tương ứng. Hành động là phó mình cho vũ trụ, là tổ chức một thế giới phù hợp với mong muốn của mình. Và điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách chuyển từ hành động cá nhân sang hành động xã hội. Tất cả phép biện chứng của Blondel, từ nay trở đi, đều theo diễn tiến của hành động từ lãnh vực cá nhân tới điểm tại đó ý chí, vốn luôn thúc đẩy chuyển động mở rộng này, đang chờ đợi và đòi hỏi sự ngẫu hợp mật thiết với những người khác. Vì sự hợp tác với những người khác là không đủ. Ước muốn của ý chí mới thử thách nhu cầu kết hợp thực sự và toàn diện: tình yêu như đối tượng mà nó hướng tới một cách không thể cưỡng được. Chính theo cách đó, ý chí của con người tạo ra một gia đình, nơi mà sự kết hợp của hai hữu thể cùng một lúc vừa được ước muốn vừa bất khả được khách quan hóa và hiện thực hóa nơi đứa con, tạo ra tổ quốc vượt ra ngoài các tình cảm gia đình và đi trước tình cảm đối với nhân loại như một tổng hợp nguyên thủy và đã được xác định giữa tất cả những thực thể này, cuối cùng tạo ra nhân loại, vốn học cách biết nhìn thấy nơi nô lệ, nơi người dã man, nơi người nghèo, nơi người bệnh hoặc liệt lào một bản thân khác. "Quy luật của thái độ vị kỷ chủ động và chinh phục là tự mâu thuẫn với chính nó và phần nào thay đổi suy nghĩ của nó muốn tự mở rộng đến những gì mà thoạt đầu nó có vẻ bác bỏ. Mang cả một dân tộc trong mình và tạo ra một linh hồn với nó không còn đủ nữa: có thể nói, con người khao khát nên duyên với chính nhân loại và chỉ tạo với nó một ý chí duy nhất” (tr. 274-275).

Chúng ta đang ở tận cùng chưa? Vẫn chưa. Vì chính nhân loại cũng chỉ tồn tại nhờ Tất cả những gì chứa nó và những gì nó chứa. Để cân bằng ý chí được ước muốn với ý chí ước muốn sâu sắc hơn của nó, ước muốn phần nào đã liên tiếp đồng hóa tất cả những gì tự trình diện với nó. Tuy nhiên, như Malebranche nói, nó vẫn cần luôn phải tiến xa hơn nữa. Vì không có gì hữu hạn có thể làm nó hài lòng. Và ngay trong chuyển động bất định và luôn luôn bất thỏa mãn này, điều vô hạn, cách nào đó vẫn hiện diện, ít nhất dưới hình thức phủ định. Nhu cầu điều vô hạn này, cá nhân có thể cố gắng để thỏa mãn, bằng cách đặt điều vô hạn vào một số đối tượng hữu hạn mà họ đã gặp trên đường đời của họ. Từ đó xuất hiện nhiều hình thức hoạt động mê tín dị đoan khác nhau, trong cố gắng cân bằng hành động của con người với ý chí của con người. Nhưng ý hướng này mâu thuẫn khi biến điều tương đối thành điều tuyệt đối, điều hữu hạn thành điều vô hạn. Điều này dường như dồn chúng ta vào một sự bế tắc thực sự: "Không thể không nhận ra sự không đầy đủ của toàn bộ trật tự tự nhiên và không thử nghiệm nhu cầu tiếp theo: không thể tìm thấy trong mình các phương tiện để thỏa mãn nhu cầu tôn giáo này. Nó nhất thiết, nhưng nó không thể thực hiện được”(tr. 319). Nói cách khác, ý chí nhất thiết phải tự muốn nó nhưng nó không thể đạt được điều đó một cách trọn vẹn. Lối thoát duy nhất cho nó là tự mở ra đón một Ý chí khác sẽ làm cho nó hiện hữu. Vì vậy, vai trò của triết học là dẫn đến một lựa chọn mà việc giải quyết lựa chọn này không thuộc về nó. Chúng ta hãy làm rõ điều này. Có thể nói, hành động được mở sẵn từ trên cao. Suy tư quan niệm cho nó một giả thuyết giúp nó cuối cùng tự thể hiện và khóa lại chiếc khóa: đó là giả thuyết hồng ân thần linh. Triết học không thể biết hồng ân này có thật hay không. Nó chỉ thai nghén ra ý tưởng về nó, và ý tưởng này đối với nó là một giả thuyết cần thiết. Việc lựa chọn ủng hộ hay chống lại giả thuyết này là tùy thuộc vào người phải đối diện với giả thuyết này. Ý niệm siêu nhiên là một phần của triết học, nhưng thực tại của nó thì chỉ có thể khẳng định bằng ý thức tự do. Nhưng điều nhà triết học vẫn có thể làm là cho biết trong những điều kiện nào thì lựa chọn hợp lý. Tôn giáo nào khẳng định đã hoàn thành hành động của con người sẽ phải trả lời các đòi hỏi của phép biện chứng triết học, nghĩa là phải xuất hiện vào một thời điểm nào đó từ bên ngoài, trong lịch sử hoặc, nếu bạn thích, có nguồn gốc siêu nhiên. Blondel thậm chí còn cho rằng tôn giáo giả định mà ông đang nghiên cứu các điều kiện này phải có các tín điều và áp đặt một thực hành theo nghĩa đen, vì chính sự dị trị sẽ xuất hiện như một điều kiện nghịch lý của quyền tự trị. Việc Kitô giáo thực sự là tôn giáo này và việc nó cho phép ý chí được tự ước muốn trọn vẹn và hành động được tự hoàn thành, chỉ có kinh nghiệm tôn giáo mang ra sống trọn vẹn mới có thể làm chứng được. Nhưng ở cuối cuốn sách của mình, trong điều liên quan đến việc này, Blondel đã lưu ý đưa ra lời chứng cá nhân này, đồng thời nhấn mạnh một lần nữa nó cần phải vượt quá triết học một cách vô hạn. “Tùy thuộc ở triết học việc chứng minh sự cần thiết phải nêu ra một giải pháp thay thế: Có hay không? Nó phải làm ta thấy rằng, một mình, câu hỏi duy nhất và phổ quát này, một câu hỏi bao trùm toàn bộ số phận của con người, tự áp đặt lên mọi người một cách nghiêm ngặt tuyệt đối. Có hay không? Nó cũng phải chứng minh rằng người ta không thể, trên thực tế, không tự tuyên bố ủng hộ hay chống lại điều siêu nhiên này: Có hay không? Một lần nữa, cũng thuộc về nó, việc khảo sát các hậu quả của giải pháp này hay giải pháp nọ và đo lường khoảng cách mênh mông giữa chúng: nó không thể đi xa hơn cũng như không thể nói đúng tên của nó, bất luận có hay không. Nhưng, nếu được phép thêm một chữ, chỉ một chữ thôi, vượt ra ngoài phạm vi khoa học nhân văn và thẩm quyền của triết học, thì, đứng trước Kitô giáo, chữ duy nhất có khả năng diễn đạt phần này, phần tốt nhất, phần chắc chắn vốn không thể truyền đạt vì nó chỉ nảy sinh từ sự thân mật của một hành động hoàn toàn có tính bản thân, một chữ tự nó là một Hành động, phải nói đó là : có (c’est)”(tr. 492).

Về phía Công Giáo, hành động được đón nhận không tệ lắm. Nhưng chúng ta thường thấy trong đó một loại hộ giáo chủ quan hơn, một loại hộ giáo ở ngưỡng cửa. Về phía Đại Học, nó làm dấy lên nhiều e ngại. Người ta thậm chí đã từ chối gần 2 năm, không dành cho Blondel một chức vụ giáo dục đại học lấy lý do ông thực hiện một công trình không phải triết học, mà là hộ giáo. Và Brunschvicg, trong một bài đánh giá trên Tập san Revue métaphysique et de morale, vào tháng 11 năm 1893, khi thấy ông tiến tới lối hộ giáo dị trị và thực hành đạo Công Giáo theo nghĩa đen, đã cảnh cáo ông sẽ gặp “trong số những kẻ bênh vực quyền của Lý trí những địch thủ lịch sự nhưng kiên quyết”. Chính để trả lời cùng một lúc cho các hiểu lầm của người này và các phản chứng của những người kia mà Blondel đã cho công bố, trong Annales de philosophie chrétienne (sáu bài báo, từ tháng Giêng đến tháng Bảy năm 1896), Lá thư về các đòi hỏi của tư tưởng đương thời trong các vấn đề hộ giáo và về phương pháp triết học trong nghiên cứu vấn đề tôn giáo. Đó là một kiểu bênh vực và minh họa cho hành động. Đối với người Công Giáo, ông chứng minh sự bất cập về mặt triết học của các phương pháp hộ giáo khác nhau được sử dụng cho đến nay và đối với những người không tin, ông chứng minh tính hợp pháp thuần lý của dự án của ông. Vì việc này, ông đặt lại một cách mạnh mẽ và rõ ràng chính vấn đề hành động. “Trong hai chữ cần phải giải thích, nhưng ngay lập tức cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột, tư tưởng hiện đại với tính nhạy cảm đố kị coi khái niệm nội tại như điều kiện của chính triết học, nghĩa là nếu, trong số các ý niệm đang thịnh hành, có một kết quả mà nó gắn liền với như một tiến bộ nào đó, thì chính là ý niệm rất đúng trong cốt lõi của nó, rằng không gì có thể xâm nhập vào con người, một chủ thể vốn không ra ngoài mình và không hề đáp ứng nhu cầu mở rộng, và với họ, không có chân lý nào đáng kể và giáo lệnh nào đáng chấp nhận, dù như một sự kiện lịch sử, hay như một giáo huấn truyền thống, hay như một nghĩa vụ được thêm vào từ bên ngoài nếu, một cách nào đó, không có tính tự trị và nội tại. Thế mà, mặt khác, chỉ thuộc Kitô hữu và chỉ thuộc người Công Giáo điều gì là siêu nhiên - không phải chỉ là điều siêu việt theo nghĩa siêu hình đơn giản của chữ này, bởi vì cuối cùng người ta có thể giả thiết các sự thật và các hiện hữu cao hơn chúng ta được chúng ta khẳng định từ tâm khảm như là nội tại hết thẩy - và đúng là siêu nhiên, nghĩa là con người không thể rút ra từ chính mình những gì người ta cho là có thể áp đặt lên tư tưởng và ý chí của họ” (Premiers Écrits, t. II, tr. 34). Và giải pháp là học thuyết siêu việt và phương pháp nội tại hàm ngụ lẫn nhau. “Vậy thì, phương pháp nội tại hệ ở điều gì nếu không phải là đặt thành phương trình trong chính ý thức điều chúng ta xem ra đang suy nghĩ, ước muốn và làm với điều chúng ta làm, chúng ta muốn và chúng ta nghĩ trong thực tế: đến nỗi trong các phủ định hoặc những mục đích được ước muốn một cách giả tạo sẽ lại tự tìm được những khẳng định sâu sắc và những nhu cầu không thể cưỡng lại được mà chúng vốn ngụ hàm” (tr. 39). Chính ý niệm nội tại chỉ được thể hiện trong ý thức chúng ta qua sự hiện diện của ý niệm siêu việt. Như thế, triết học và thần học có thể hỗ trợ lẫn nhau trong khi vẫn tôn trọng tính độc lập tương đối của nhau. Bằng cách này, một bước tiến lớn đã được vượt qua hướng tới điều Blondel luôn có ý định: làm cho một triết lý hành động phục vụ cho việc cấu thành một triết học thực sự về tôn giáo.

Một bước tiến mới đã được vượt qua với việc công bố trên tạp chí La Quinzaine (tháng 1 đến tháng 2 năm 1904) ba bài báo có tựa đề Histoire et dogme. Lần này, một cách bạo dạn phi thường và thành công trọn vẹn, nhà triết học của hành động sẽ giải quyết một vấn đề có tính tôn giáo rõ ràng, vốn chia rẽ những người cùng thời với ông, và ông sẽ chứng minh phương pháp và học thuyết của ông cho phép giải quyết nó ra sao. Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng duy hiện đại. Nhờ lên sơ đồ, người ta có thể nói rằng xét cho cùng, và tuân theo luận lý học nội tại mà may mắn thay, họ không theo đến cùng, những người theo chủ nghĩa giáo điều và những người theo chủ nghĩa lịch sử đã chống đối nhau. Blondel gọi thuyết duy hướng ngoại (extrinsécisme) là quan niệm của nhóm người đầu. Họ chỉ chấp nhận khoa học của quá khứ ở tước hiệu ban đầu và tạm thời, để cung cấp cho khoa hộ giáo một điểm xuất phát dưới hình thức các dấu chỉ khả giác hoặc phép lạ; sau đó, người ta cám ơn nó vì các dịch vụ của nó. “Kinh thánh được bảo đảm trong tổng thể, chứ không phải trong nội dung của nó, mà nhờ con dấu bên ngoài của Đấng thần linh: tại sao cần chứng thực các chi tiết của nó. Nó đầy tính khoa học tuyệt đối, cố định trong chân lý vĩnh cửu của nó; tại sao phải tìm kiếm các điều kiện nhân bản và ý nghĩa tương đối của nó? (Premiers Écrits, t.II, p. 158-159). Ông gọi là chủ nghĩa lịch sử quan niệm của nhóm người sau. Thí dụ, nơi Loisy chẳng hạn, nó sẽ dẫn đến việc biến lịch sử thành thước đo những gì người ta có thể biết. Trong dài hay ngắn hạn, nó sẽ trục xuất siêu nhiên. Trong cả hai trường hợp, sự ly hôn giữa tín điều và lịch sử rất rõ ràng, và nếu người ta tiếp tục thừa nhận điều này hay điều nọ của chúng, thì đó giống như hai thực tại riêng biệt không thông đạt với nhau: một bên là Đấng Kitô vĩnh cửu, Đấng Kitô-Thiên Chúa, đối tượng của một đức tin bên ngoài, mặt khác là Đấng Kitô tử sinh, Đấng Kitô-làm người chịu sự phán xét của lịch sử. Chống lại hai thái độ này, mà mỗi thái độ nói lên một phần của sự thật, nhưng đều làm sai lệch sự thật bởi chủ nghĩa độc quyền của họ, Blondel cố gắng khám phá ra nguyên tắc nhờ đó, sự tổng hợp lịch sử và giáo điều có thể hoạt động trong khi vẫn tôn trọng tính độc lập và sự liên đới của chúng. Nguyên tắc này là việc phân tích hành động, một việc phân tích cho phép không phải việc phát minh ra nó, nhưng việc hiểu nó tốt hơn. Giữa chủ nghĩa duy hướng ngoại, vốn quan niệm tín điều như một khối phi thời gian, không có liên hệ với lịch sử, không có sự phát triển, hạn chế chúng ta từ bên ngoài và được người ta duy trì như một kho chứa đã chết khô mà họ tự đặt mình làm người trông coi duy nhất chính trực và chủ nghĩa duy sử vốn có xu hướng tách các niềm tin Kitô giáo khỏi các sự kiện được nhà sử học quan sát, vốn đòi cho điều vừa kể một quyền tự chủ hoàn toàn và muốn giải thích mọi điều bằng sự tiến hóa trong khi bác bỏ khỏi thực tại coi như ngoại sử bất cứ điều gì mang tính tín điều, Blondel khám phá ra mối liên kết có thể hòa giải và làm chúng sinh động và không là gì khác ngoài hành động của Thiên Chúa trong Giáo hội của Người, tóm lại là Truyền thống, được định nghĩa như "thử nghiệm tập thể của Chúa Kitô đã được kiểm chứng và thể hiện trong chúng ta”(tr. 218). Truyền thống hoạt động là trung gian cần thiết giữa lịch sử và tín điều. Vì Thiên Chúa không chỉ hiện diện trong các bản văn của Kinh thánh, mà còn trong Giáo hội của Người, nơi Người hành động, nên Truyền thống phải dựa cùng một lúc trên cả các bản văn lẫn một điều gì đó khác với chúng, "trên kinh nghiệm luôn hoạt động cho phép nó, ở một số khía cạnh nhất định, mãi làm chủ các bản văn thay vì bị nô lệ nghiêm ngặt đối với chúng” (trang 204). Không phải là chiếc kho cố định cũng không phải là một chồng đống những điều mới lạ, Truyền thống hoạt động là một sức mạnh chắc chắn bảo thủ và kiềm chế ở bề mặt, nhưng lại kích thích ở cốt lõi bằng cách hình thành một cách rõ ràng từ từ những gì mà quá khứ luôn mang ra sống một cách mặc nhiên.

Sau Lá thư, các chủ trương liên quan đến Blondel phần nào bị đảo ngược. Giới đại học ngưỡng mộ ông ở con số các đồng nghiệp của họ - và trong số những người vĩ đại nhất. Nhưng khi đọc lại - hoặc đọc – cuốn Hành động dưới sự soi sáng của ông, nhiều nhà thần học tin rằng họ đã phát hiện ở đó cả hàng ngàn sai sót mà thoạt đầu họ đã không thấy và buộc tội nó đã phủ nhận giá trị của sự thật khi khiến nó phụ thuộc vào hành động – mà chính họ không hiểu ý nghĩa. Chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa duy tín, chủ nghĩa tự nhiên, đó là những thuật ngữ đã tới tấp gán cho Blondel một cách thiếu cân nhắc. Lúc đầu ông từ khước trả lời. Bạn bè – đứng đầu trong số này, chúng ta phải kể Laberthonnière, Wehrlé, Valensin, Mallet - đã làm việc này cho ông. Sau đó, ông bước vào cuộc đấu, và đặc biệt trả lời trong Annales de Philosophie chretienne, một tập san mà ông đã mua bằng tiền của mình và đã giao cho người bạn của mình là Cha Laberthonnière trông coi. Nhưng thư từ của Blondel kể từ đó đã tiết lộ cho chúng ta biết ông đã phải chịu đựng những cuộc tấn công này như thế nào. Có vẻ như vô nghĩa nếu dừng lại ở đó vì ngày nay mọi người đều đồng ý về sự bất nhất của họ. Tuy nhiên, chúng khiến ông nghĩ rằng ngoài những lời chỉ trích thiếu thiện chí, còn có những hiểu lầm chủ yếu vì Hành động chỉ là tác phẩm phiến diện. Vì vậy, ông quyết định chấm dứt cuộc tranh cãi, ít nhất về phía ông, và im lặng chuẩn bị một công trình tổng thể sẽ kết liễu nó dứt khoát bằng cách làm sáng tỏ tư tưởng của ông hơn. Công trình tổng thể này chính là bộ sách bốn cuốn, mà bây giờ chúng ta phải khảo sát.

Kỳ sau: Công trình Bốn cuốn

  Vietcatholic News