Trọng tâm của gia đình là tình yêu và hiệp thông. Tình yêu kết hợp giữa cha mẹ, và cởi mở đến con cái. Hiệp thông từ trên xuống dưới, từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đến các thành phần khác trong gia đình mở rộng. Cả khi còn sống hay khi đã qua đời. Làm sao giữa các phần tử, của thế hệ trong một gia đình có thể gắn bó hiểu biết nhau và nhận ra nhau, có sự ràng buộc nào về huyết tộc hơn, so với người khác trong xã hội.

Từ đâu nhận ra và kết thân người này người kia của gia đình mình?

Phải chăng, chính trong các dịp lễ tiết của gia đình, là dịp các phần tử gia đình hiểu biết gắn bó với nhau, có trách nhiệm với nhau, và kéo dài mãi mãi, thế hệ này qua thế hệ khác. Ðây là điểm căn bản và nổi bật chỉ gia đình Á Châu Việt Nam mới có. Thật đáng quí trân trọng và cần duy trì.

Phần bài này xin khai triển, đề cập đến sự liên hệ giữa thế hệ già và trẻ, qua các cách thức lễ tiết trong gia đình về Quan, Hôn, Tang, Tế. Về khao vọng đình đám khi làm Quan hầu như không còn nữa. Và về lễ tiết khi thành Hôn, xin đọc bài của ông bà Long Hằng.

Phạm vì bài này hân hạnh trình bày qua hai phần :

- Căn tính gia đình Việt Nam : nếp sống liên kết trong gia đình, và các nghi lễ gia đình.

- Những điều cần gạn lọc theo cái nhìn của một số tác phẩm văn học.


I. CĂN TÍNH GIA ÐÌNH VIệT NAM

Căn tính gia đình Việt Nam bắt nguồn từ cơ cấu tổ chức nhân sự, đến các nghi lễ trong gia đình và xã hội. Từ cách sinh sống trong nhà, đến tham gia những lễ tiết ngoài làng xóm đã tạo thành văn hóa gia đình.

A. Nếp sống liên Kết trong Gia Ðình

Trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền (12-1948) có ghi rõ : Gia đình là yếu tố tự nhiên và căn bản của xã hội và được xã hội và quốc gia bảo trợ (Ðiều 18, khoản 3) (La famille est l’élément naturel et fondamental de la société et le droit à la protection de la société et de l’État)

Ðối với Việt Nam gia đình còn trở thành nền tảng vững chắc của xã hội. Việt Nam theo phụ hệ và coi trọng tinh thần gia tộc mãnh liệt. Gia đình là sự liên kết chặt chẽ có kẻ trên có người dưới, có kẻ trước người sau và còn bao gồm cả người sống lẫn người đã qua đời.

Con có cha là nhà có phúc

Máu loãng còn hơn ao nước lã

Thà ăn bắp hột chà vôi
Còn hơn giàu có mồ côi một mình.

Con người có cố có ông
Như cây có cội như sông có nguồn


1. Huyết thống phong tục trong gia đình

Trong gia đình Việt Nam sinh sống theo ba giai cấp : Cha mẹ với con cái, anh em chị em với nhau, và họ hàng nội ngoại thân thuộc

a) Cha mẹ và con cái

■ Danh xưng.

Danh từ cha mẹ, mỗi nơi gọi khác nhau. Miền Bắc gọi cha là Bố, Thầy, U, Cậu; gọi mẹ là Mẹ, Mợ, Cái, Bầm. Miền Trung gọi cha là Bô, gọi mẹ là Me, Bụ. Miền Nam gọi cha là Ba, Bô, Tía; mẹ là Má.

Một tuồng rách rưới con như bố
(Than Nghèo, Trần Kế Xương)

Bổ đầu bố lấy tiền, mổ bụng con nhét chữ.
(Phú Thầy đồ dạy học)

Con dại cái (mẹ) mang (Tục ngữ)

Bô đi đàng nào chẳng đến cứu chúng ta
(Lĩnh Nam Chích Quái)

Con hơn cha nhà có phúc (Ca dao)
Ðời cha ăn mặn đời con khát nước (Ca dao)

Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
Con nuôi mẹ con kể từng ngày. (Ca dao)

Con, con mẹ, mà dâu, dâu người ta vậy
(Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng. Lê Qúi Ðôn)

■ Sinh con và đặt tên.

Việt nam có câu ‘‘Một con một của không từ ai’’. Gia đình nào càng đông con nhiều cháu là gia đình hạnh phúc. Không cặp vợ chồng nào lấy nhau mà không mong có con. Sau khi cưới hỏi, ai cũng mong vợ chồng mới có ‘‘tin mừng’’, tức có thai. Và từ đây, vợ chồng chăm sóc tới bào thai, kiêng ăn, cữ làm nặng nhọc, bồi bổ sức khỏe và chuẩn bị ngày ra đời của đứa con đầu lòng. Nhiều bài học vệ sinh, có khi cả mê tín dị đoan giúp ‘‘mẹ tròn con vuông’’. Nhưng trách nhiệm và lo lắng nhiều trong thời kỳ thai nghén, và sinh nở vẫn là người phụ nữ.

Ðàn ông vượt bể có chúng có bạn
Ðàn bà vượt cạn chỉ có một mình.

Trong gia đình Việt Nam, đều mong muốn có con trai, qúi hơn. Thường chúc nhau nhiều con trai.

Từ nay nhắn nhủ thế thường
Sinh con xin chớ ngâm chương mộng hùng.

Giã ơn bà Nguyệt ông Tơ
Sớm đi cầu Thước, tối mơ mộng hùng
Cho mau cửa lại treo cung
Ðể cho cô bế cô bồng cô ru...

Nuôi trẻ cũng qua kinh nghiệm dân gian, ăn ngon mau lớn đủ ngày tháng là an tâm : Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi’’.

Việc quan trọng nhất là đặt tên cho con. Ngày trước, ngay từ khi mới sinh, chưa bắt buộc phải đặt tên cho con ngay. Thường gọi bằng tên xấu xí thông thường: thằng cu, thằng cò, cái đĩ, cái hĩm, cu lớn, cu bé, đĩ lớn, đĩ bé...

Hỡi thằng cu lớn, hỡi thằng cu bé, cu tí, cu tị, cu tì ơi !
Con dậy, con ăn, con ở với ông
Ðể mẹ đi lấy chồng kiếm chút em con.

Con trai đến năm ghi vào ‘‘sổ đinh’’, gọi là ‘‘tên bộ’’ mới bỏ tên xấu, đặt tên đẹp. Còn con gái đến khi lấy chồng mới ghi trong giá thú bằng tên đẹp. Sau khi lấy chồng hoàn toàn được gọi theo tên chồng.

Việc đặt tên rất phức tạp và đa đạng, thuộc lãnh vực ‘‘Tính Danh Học’’, ngoài phạm vi bài này. Trong thực tế, vì di dân, hay chiến tranh khiến nhiều anh em anh em ‘‘đánh nhau mới nhận ra họ hàng’’ là thế. Cả nước có 429 họ, nhưng không phải những ai mang họ Lê, hay Nguyễn là thuộc dòng tộc mình đâu. Vì trong nước biết bao nhiêu người mang họ Lê hay Nguyễn (Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam, tr. 120-123)

■ Trách nhiệm của cha mẹ.

Cha mẹ có trách nhiệm cả hai mặt : vật chất và tinh thần

Ngoài nuôi nấng, học hành chữ nghĩa, học nghề, làm nhà làm cửa, tậu vườn tậu ruộng, dựng vợ gả chồng, lo cho con có ngôi thứ trong làng xã, trong tổng. Theo vòng luẩn quẩn này lại lo cho cháu. Vì thế khi con cháu làm nên khá giả, hay có danh giá, cha me đều cho là hãnh diện. Từ đó, trong gia đình Việt Nam, con cái khó cưỡng lại việc xây dựng của cha mẹ về mọi phương diện, ngay cà việc lấy vợ lấy chồng sớm.

Dạy con từ thuở tiểu sinh
Gần thầy, gần bạn, tập tành lễ nghi
Học cho cách vật trí tri
Văn chương chữ nghĩa, nghề gì cũng thông.

Hết lập gia đình cho con, lại lo cho con có con trai để nối dõi dòng tộc. Thông thường gia đình vẫn thích con trai hơn. Do đó mới có quan niệm ‘‘nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô’’ (một con trai kể là có, mười con gái kể như không). Con gái trong hàng huyết tộc một họ không đáng kể

Con gái là con người ta
Con dâu mới thật mẹ cha mua về.

Trong đám tang, người ta hay hỏi người chết có mấy cây gậy, tức là mấy con trai cầm gậy theo sau quan tài. Trong cáo phó văn tế đám tang, con trai lớn đứng tên trước. Con gái lớn có chồng cũng phải ghi sau các con trai khác. Gia đình đông anh em thật có phúc. Lúc có công có việc anh em là qúi, lại thêm vây cánh bề thế trong làng

Ði việc làng bênh lấy họ
Ði việc họ bênh lấy anh em
Chết cả đống, còn hơn chết một người

Lấy vợ ba bốn năm mà chưa có con đã lo, nếu tới sáu năm mà chưa có con trai, thì có quyền lấy vợ khác. Vì thế mới có luật đa thê.

Trời sao trời ở không công?
Kẻ năm bảy vợ tôi không vợ nào!

Nói thế với những người ham ‘‘với cao’’, chứ nhiều người ‘‘giầu bữa hôm khó bữa mai’’cũng lấy nhau dễ dàng. ‘‘Nồi méo úp vung méo’’ hay ‘‘chồng thấp vợ cao’’ vẫn có duyên như thường, đâu có sao.

■ Bổn phận làm con.

‘‘Có cha mẹ mới có mình, làm con ta ở vô tình sao nên’’ là bài học đầu tiên người con phải ghi trong đầu để nhớ công ơn cha mẹ sinh ra.

Từ đó chữ hiếu phải là bổn phận quan trọng

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con

Nhất là khi khôn lớn, mới thấy công ơn dưỡng dục là to lớn, không gì đền đáp.

Lạy cha ba lạy con quì
Lạy mẹ bốn lạy con đi lấy chồng.

Lập thân mới biết khổ thân
Nuôi con mới biết công ơn sinh thành.

Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc nhờ đâu,
Có cha mẹ, rồi sau có mình.

■ Chung sống dưới một mái nhà.

Tại Việt Nam, đơn thuần là một vợ một chồng chung sống trong một mái nhà với những người con chưa đến tuổi trưởng thành. Nhiều gia đình còn cha mẹ ở chung. Cũng có gia đinh, trên cha mẹ còn có ông bà, kể đến hàng con là bốn đời. Ðặc biệt, những gia đình còn hàng cụ (sinh ra ông bà), kể đến hàng con cuối cùng là năm đời. Trường hợp này gọi là ‘‘Ngũ đại đồng đường’’ (năm đời cùng nhà).

Nhà nào đông con thì khi con cái trưởng thành cha mẹ lo ‘‘dựng vợ, gả chồng’’, cho ở riêng. Phân chia thành nhiều gia đình nhỏ. Tùy theo hoàn cảnh, tính tình, cha mẹ về già sẽ ở chung với con trai trưởng, hay bất cứ con trai nào. Ít khi và gần như chẳng bao giờ ở với con gái, dù có chồng giàu sang. Ông bà cho đến Cụ Kỵ, cũng tùy hoàn cảnh ở với cháu trai, cháu đích tôn.

b) Anh em, chị em trong nhà là cốt nhục của cha mẹ tạo thành, là hạt máu chẻ đôi. Vì thế anh em có sự liên hệ hết sức bền chặt và thân tình yêu thương. Vì thế trong nhà, anh em bất hòa là nỗi khổ tâm nhất của cha mẹ. Người ta ví tình anh em nồng thắm không bỏ nhau ‘‘Anh em như thể tay chân’’. Còn tình vợ chồng dễ xa bỏ nhau như thay áo ‘‘Vợ chồng như áo cởi ngay nên lìa’’.

Thà ăn bắp hột chà vôi
Còn hơn giầu có mồ côi một mình.

Anh em như thể chân tay
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau

Lá lành đùm lá rách

Một người làm quan cả họ được nhờ

Chết cả đống còn hơn sống một người

Chị ngã em nâng

Luật ‘‘Luân thường’’ là trong cùng họ nội không được phép lấy nhau. Nếu lấy nhau là loạn luân. Luật cấm mà tục lệ cũng chê cười. Họ ngoại thì con cô con cậu hay đôi con dì không được lấy nhau. Từ đời cháu trở đi thì được phép. Nếu lấy nhau là loạn luân.

Cháu cậu mà lấy cháu cô
Thóc lúa đầy bồ, giống má nhà ta.

Tình thân sơ là người dưới bậc cha là chú, dưới bậc mẹ là dì. Nên có câu rằng : Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú vú dì.

Khắt khe thường là mẹ chồng nàng dâu và dì ghẻ con chồng. Nên người ta khuyên cô dâu : Mẹ chồng già thì mẹ chồng chết, nàng dâu có nết thì nàng dâu chừa. Và mỉa mai hơn :

Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng.

Ngoài anh em, cần nói thêm về bạn bè và láng giềng. Tuy không phải anh em ruột thịt, nhưng ở gần nhau, lâu năm. Thân tình hơn. Những lúc tắt lửa tối đèn, hoặc hoạn nạn cần đến nhau.

Giầu vì vợ sang về bạn

Xa anh em không bằng láng giềng gần.

Ði việc làng bênh lấy họ, đi việc họ bênh lấy anh em.


c) Họ (Nội, Ngoại) hàng thân thuộc

Trẻ con hàng dưới cùng trong gia đình này là ‘‘Chút’’. Chúng gọi thế hệ cao nhất là Kỵ.

- Là Chắt chúng gọi thế hệ cao thứ hai là Cụ

- Là Cháu (Nội, Ngoại) gọi thế hệ bậc ba là Ông Bà (Nội, sinh ra cha, hay Ngoại, sinh ra mẹ)

Họ Nội là những người thuộc họ của cha. Theo người Bắc, anh chị của cha gọi là bác. Em trai của cha gọi là chú. Em gái của cha gọi là dì. Họ Ngoại là những người thuộc họ của mẹ. Theo người Nam, em gái của mẹ gọi là dì, em trai của mẹ gọi là cậu. Sự phân biệt này được xã hội xếp loại đánh giá. Bên Nội vẫn hơn bên Ngoại.

Con cô con cậu thì xa
Con chú con bác thật là anh em.

Chồng cô, vợ cậu, chồng dì
Trong ba người ấy, chết thì không tang.

Con gái là con người ta
Con dâu mới là con mẹ cha mua về

Máu đào hơn ao nước lã

Vua chúa cấm đoán làm chi
Ðể đôi con dì chẳng lấy được nhau

Cậu chết, mợ ra người dưng
Chú tôi có chết, thím đừng lấy ai.


d) Thiết lập Tộc Phả, Gia Phả,

Gia Phả là gì? Gia nghĩa thông thường là gia đình. Phả là ghi chép vào. Gia Phả là quyển sách (hay sổ) ghi chép thứ tự tổ tiên trong gia đình. Từ đó, có nhiều hình thức ‘‘Gia Phả’’.

Về một người trong gia tộc : tóm gọn những chi tiết : lý lịch thu gọn, sự nghiệp, sơ đồ sinh sản, hôn phối, ngày qua đời, hình ảnh gia tộc, di ngôn.

Tại Việt Nam, Gia Phả dự đoán có từ thế kỷ XI và XII xuyên qua tác phẩm ‘‘Thực Lục’’ và ‘‘Ký Thuật’’ về nhân vật, gia đình liên quan đến lịch sử. Gia Phả luôn có liên hệ đến lịch sử một nước, một dòng tộc... Nhiều gia đình chưa có thói quen lập Gia Phả ‘‘biên’’, nhưng đã có Gia Phả ‘‘ miệng’’, nhớ lại chừng 5 đời. Gia Phả thuộc khoa Thống kê học.

Trong cuốn Gia Phả thường gồm ba phần :

Phần Chính :

- Dẫn nhập, hay ‘‘huấn lệnh của tộc trưởng.

- Biên ghi truyền thuyết tổ tông, những biến chuyển thiên cư.

- Tộc hệ ( theo trước sau) : tên tuổi, ngày và nơi sinh. Tóm lược thân thế, kèm theo hình từng người và phả đồ từng đời.

- Sự nghiệp : lập gia đình,cưới hỏi, tên vợ (nếu có nhiều vợ)

- Con cái, có bao nhiêu dòng con, từng người... Sơ đồ gia tộc

- Biến cố thời cuộc

- Qua đời (ngày, trường hợp nào, lời trăn trối, chúc thư, di ngôn, tang chế, điếu văn...), bản đồ phần mộ, hình mộ phần, nhà thờ, bản đồ nơi định cư, phát triển...

Phần Phụ lục : ghi rõ ngày giỗ kỵ hàng năm, dùng tiền hương hỏa, giường thờ trong nhà, phần mộ, có mua hậu hay không. Ruộng vườn sinh lợI để làm giỗ trong năm.

Phụ biên : Thống kê tác phẩm, giấy bằng ban khen, huy chương. Dư luận sách báo, thơ đề cao (hay cả phê bình chỉ trích) công việc của tiền nhân.

Trong Thánh Kinh, tác giả Thánh sử Matthêu có ghi gia phả của dòng tộc của Chúa Giêsu Kitô và con cháu vua David : Từ Abraham đến vua David là 14 đời. Từ vua David thời lưu đày Babilon là 14 đời. Và từ thời lưu đày đến Chúa Kitô cũng 14 đời. (Mt 1, 1-25).

Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, trong bài giảng phòng đầu tiên cho Giáo Triều Roma vào Mùa Chay 2000, đã nói cảm nghĩ khi đọc Gia Phả này: Khi đọc đoạn Tin Mừng này trong phụng vụ, nhiều khi chúng ta cảm thấy hơi khó chịu. Có người trong chúng ta coi việc đọc môt đoạn văn như vậy thật vô nghĩa, cứ lập đi lập lại một cách nhàm chán. Có người đọc vội vàng, khiến cho các tín hữu chẳng hiểu gì, lại có người cắt ngắn, bỏ bớt đi một số đoạn.

Ðối với chúng tôi, những người Á châu, đặc biệt là đối với tôi một người Việt Nam, việc tưởng nhớ các tiền nhân có giá trị lớn lao. Theo văn hóa Việt Nam, trong niềm hiếu kính, chúng tôi vẫn giữ một cuốn Gia Phả của gia tộc trên bàn thờ trong gia đình. Chính tôi cũng biết được tên của 15 thế hệ các tổ tiên của tôi, từ 1698, khi gia tộc tôi lãnh nhận phép Thánh Tẩy, qua gia phả chúng ta thấy rằng mình thuộc về một lịch sử rộng lớn hơn. Và chúng ta ý thức rõ hơn ý nghĩa lịch sử của mình.

Và ÐHY đã phân tích Gia Phả : Gia Phả Chúa Giêsu Kitô có ba phần: Phần 1 kể tên các tổ phụ. Phần 2 nói đến các vua trước cuộc lưu đày ở Babilon, và phần3 kể tên các vua sau cuộc lưu đày. (Chứng Nhân Hy Vọng, ttr. 25-30).

Tinh thần gia phả và chữ hiếu : Gia Phả trong gia đình ngày nay được giữ gìn cẩn thận, vì nó có giá trị lớn và ảnh hưởng tới sâu rộng, nhắc nhở con cháu giữ gìn danh thơm tiếng tốt cho gia đình và duy trì tình hiếu thảo, ruột thịt. Những dịp giỗ tết, ngay cả cưới hỏi, mừng thượng thọ ông bà, cha mẹ,.. Người ta hay đọc Iại phần di ngôn, phần biến chuyển gia đình, để nhắc lại công ơn khó nhọc của tiền nhân.

Vấn đề thừa kế Hương Hỏa.

Thừa Kế là tài sản cha mẹ để lại. Của nhiều hay ít, tượng trưng gia sản cha mẹ để lại như phúc lộc. Chính vì mang ý nghĩa này mà người hưởng dùng không được bán. Bán tức là đem của châu báu vất đổ đi. Xưa di sản thường là ruộng vườn, vàng bạc, báu vật qúi trong nhà. Di sản cốt để cho con dùng nó mà sinh lợi làm ăn.

Sau khi đã chia gia tài, một phần nhỏ dành cho việc thờ cúng, hương khói ngày giỗ, tết. Ðó là phần Hương Hỏa. Thường là bất động sản. Người con cả có nhiệm vụ giữ phần Hương Hỏa này. Nhiều ít tùy gia cảnh người quá cố để lại.


2. tôn kính tổ tiên

Ðối với người Việt Nam, lòng hiếu thảo và biết ơn đối với tổ tiên rất quan trọng. Thể hiện qua cách đền đáp công ơn ông bà khi còn sống và cả khi qua đời. Con cháu vẫn thực hiện cúng giỗ báo hiếu, ghi nhớ công ơn gây dựng nên cuộc đời mình. Việc cúng giỗ mang sắc thái tín ngưỡng của dân tộc VN, nên gọi là tín ngưỡng tôn kính tổ tiên hay Ðạo Ông Bà.

Người Việt Nam tin rằng con người có hồn và xác. Chết chưa phải là hết. Thể xác có chết, nhưng linh hồn còn tồn tại, lui tới với người thân trong gia đình. Hồn mới thật là cao qúi là tinh anh con người, ‘‘thác là thể phách, hồn là tinh anh’’. Cuộc đời con người đúng là ‘‘sinh ký tử qui’’.

Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết
Thời suy ra trăm nết đều nên
(Nhị Thập Tứ Hiếu, Lý Văn Phức 1785-1849)

Gia đình dòng tộc người Việt Nam không chỉ bao gồm những người đang sống mà còn cả những người đã qua đờì. ‘‘Uống nước nhớ nguồn’’.

Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Có cha có mẹ rồi sau có mình

Người Việt Nam luôn quan niệm ‘‘thờ lúc đã chết, cũng như thờ lúc còn sống’’ (Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn).

Dân gian chê trách con cháu giả hình ma chay cho lớn, mà bỏ bê phụng dưỡng cha mẹ khi về già :

Sống thì con chẳng cho ăn
Chết rồi xôi thịt làm văn tế ruồi.

Chữ Hiếu là của báu, mất đi là mất hạnh phúc. Còn cha mẹ để phụng dưỡng là niềm vui, là hạnh phúc.

Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn không dây.

Cha mẹ chẳng may mất sớm không được phụng dưỡng là bất hạnh là tủi hổ. Con không muốn nhắc nhở đến tuổi già của cha mẹ, vì đó vừa vui vừa lo âu. Có cha mẹ già không dám đi chơi xa. Làm sai trái, sằng bậy sợ để tiếng xấu cho ông bà họ hàng.

Ðạo Hiếu ăn sâu vào tâm khảm của dân Việt, có mãnh lực khiến con cái làm những việc phi thường để cứu cha mẹ. Như trường hợp Nguyễn Trãi làm tới Khai quốc công thần, do lòng hiếu thảo. Thân phụ bị nhà Minh bắt, đem giải về Bắc Kinh, ông quyết đi theo. Ðến cửa Nam Quan, thân phụ nói ‘‘về rửa thù cho cha, khóc làm gì’’. Ông vâng lời, nên công trạng, trả thù thay cha và rửa hận cho nước.


a) Liên hệ đến các tôn giáo khác

Tôn kính Tổ Tiên sống hài hòa và được củng cố bởi các tôn giáo tại Việt Nam. Có thể nói tất cả người Việt Nam, dù theo Phật, Lão, Nho hay Công Giáo, đều có điểm chung là báo hiếu, tôn kính và nhận thức tầm quan trọng về liên của Tổ Tiên với con cháu.

Phật giáo có tính cách thích nghi và hợp với nền văn hóa đại chúng. Phật tác phúc cho người con hiếu thảo, và có những người con hiếu thảo trở thành Phật. Bằng những nghi lễ cầu siêu, nhất là trong ‘‘thờI gian định kiếp’’, 49 ngày trước khi hóa kiếp. Lễ Vu Lan là ngày Phật đại xá qua việc từ thiện của con cháu, mà ông bà cha mẹ đã khuất được hưởng nhờ.

Lão giáo cổ võ tôn kính các Tiên Thánh, các anh hùng dân tộc có công dựng nước, các ân nhân của làng, xóm. Ông bà Tổ Tiên thuộc thế giới thần thiêng, có quyền độ trì cho con cháu đang sinh sống làm ăn. Lão giáo chấp nhận khuyến khích thờ kính Tổ Tiên trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng quần chúng.

Nho Giáo có tinh thần nhập thế mạnh, đi vào đời sống xã hội, củng cố mối tương quan giữa con người với nhau qua các đức tính : nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Nho giáo đã nâng thờ kính Tổ Tiên bằng những luật lệ trong nghi lễ thờ kính Tổ Tiên. (Paul Ðào. DCÂC. 217, 11-2000, tr. 23)

Ðức Khổng Tử nói trong Kinh Lễ : Người quân tử thờ cha mẹ như thờ Trời, và thờ Trời cũng một tâm tình như thờ cha mẹ. Ðó là đạt được bậc hoàn hảo của nhân đức (Kinh Lễ, 24). Nói thế, Ðức Khổng Tử không có ý đặt cha mẹ ngang với Trời quyền năng, nhưng ý nói mối tương quan giữa con cái với cha mẹ, cũng như tương quan giữa nhân loại với Trời. Trong sách Luận Ngữ còn nói mạnh hơn : Người chí hiếu làm tròn bổn phận một người con tốt một cách kính cẩn. Hành vi mang cơm lại cho cha mẹ chưa được coi là có hiếu. Vì con chó con ngựa cũng cho con chúng ăn. Nếu không có sự kính cẩn với cha mẹ thì làm sao khác với súc vật.

Ai không thực hành chữ Hiếu bị xã hội khinh chê và xếp vào hàng súc vật

Làm người đạo Hiếu chẳng rành

Ví loài cầm thú khác mình bao nhiêu.

Trong ‘‘Năm giềng mối’’ của xã hội : Quân-Thần, Phụ-Tử, Phu-Phụ, Huynh-Ðệ, Bằng-Hữu, thì quan hệ Cha-Con là căn bản và quan trọng.

Luật Gia Long xưa rất khắt khe phạt nặng :

- Những người con bất hiếu, tùy nặng nhẹ : đánh 300 trượng, tù 3 năm, treo cổ...

- Sao lãng việc phụng dưỡng cha mẹ : đánh 80 trượng, sa thải công việc, giáng cấp.

- Ðể cha mẹ khổ sở khi về già : đánh 100 trượng, đày đi xa,


b) Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo.

Hiếu thảo là một điểm quan trọng của Giáo lý Công Giáo, được ghi tường tận.

■ Thánh Kinh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều giải thích rõ ràng về bổn phận hiếu thảo với cha mẹ:

Sách Huấn ca (7, 27-28) ghi :

‘‘Cha con, con hãy hết lòng tôn kính,
và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau.
Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành,
công ơn ấy, con sẽ lấy gì đáp đền cho cân xứng?

Sách Châm Ngôn dạy :

Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ
Lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai. (Cn 6, 20-21)
Con khôn giữ lời cha nghiêm huấn,

Kẻ nhạo báng chẳng nghe lời sửa dạy (Cn 13,1).

Phần mộ tổ tiên được coi trọng (St 23, 1-20; 25, 7-10). Khi có ai qua đời người ta vẫn mong ước đem về chôn nơi phần mộ tổ tiên (St 47, 29-31)

Ðiều răn thứ Tư chú trọng và nhấn mạnh tới ‘‘Hãy tôn kính cha và mẹ ngươi, để ngươi được sống lâu trên trái đất mà Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi. (Xh 20, 12). Chính Chúa Kitô đã nhắc lại sức mạnh của điều răn này (x. Mt, 7, 8-13). Ðiều răn thứ Tư là một trong những nền móng của học thuyết xã hội Công Giáo.

■ Sách Giáo Lý Công Giáo, từ số 2214-2219, đã cắt nghĩa tỷ mỷ về việc tôn kính tổ tiên như sau: Sự tôn kính của con cái đối với cha mẹ mình, được nuôi dưỡng bởi sự âu yếm tự nhiên giữa cha mẹ và con cái (số 2214). Ðây là tình cảm tri ân đối với các bậc sinh thành (2215). Thảo kính bằng tuân phục và vâng lời chân thành (2216). Vâng theo đòi hỏi của cha mẹ, vì ích lợi của con cái hoặc vì ích lợi của gia đình. Sự tôn kính này bắt nguồn từ sự kính sợ Thiên Chúa, một trong bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần (2217).

■ Hướng dẫn của Giáo quyền. Ðối với người Công Giáo Việt Nam, việc tôn kính tổ tiên được hướng dẫn một cách hết sức cẩn trọng.

- Huấn dụ của Bộ Truyền Giáo, ngày 10-11-1659, nhắn nhủ hai Ðức Cha Lambert de la Motte và François Pallu, giám mục đầu tiên Ðàng Trong và Ðàng Ngoài : ‘‘Các vị không nên đem đến dân tộc khác xứ sở của qúi vị mà chỉ đem đến đức tin, một đức tin không từ chối cũng không làm tổn thương các nghi thức, các tập tục của bất cứ dân tộc nào, miễn là đất nước đó không có gì là xấu... Vậy nguyên nhân gây nên xa cách và bất hòa là tìm cách thay đổi tập tục riêng của một dân tộc, nhất là những tập tục lâu đời. Ðừng bao giờ so sánh các tập tục đó với các tập tục của các nước Âu Châu. Trái lại, các vị hãy tìm cách làm quen với các tập tục đó. Hãy chiêm ngắm và ca tụng những gì đáng ca tụng.''

- Thông báo của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam họp tại ÐàLạt (14-6-1965)

quyết định áp dụng huấn dụ của Tòa Thánh (8-12-1939), để tỏ tình thần ái quốc lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sỹ, người giáo hữu Việt Nam được phép treo ảnh hình, dựng tượng nghiêng mình bái, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ... Trái lại, để bảo vệ đức tin Công Giáo tinh tuyền, người giáo hữu không được phép làm việc gì trái với giáo lý Công Giáo, như cử hành nghi lễ để phục tùng và lệ thuộc vào một thụ tạo, hay việc dị đoan đốt vàng mã. Trường hợp bất đắc dĩ thì chỉ được tham dự một cách thụ động. Ðối với trường hợp không rõ thế tục hay tôn giáo, nghĩa là không biểu lộ tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo tức là biểu lộ tinh thần tự nhiên thì coi như không trái với đức tin Công Giáo, nên được thi hành và tham dự.

- Quyết định của các Giám Mục Việt Nam tại Nha Trang, ngày 14-11-1974 phổ biến 5 điểm cụ thể sau về kính bái tổ tiên:

- Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện gì mê tín dị đoan.

- Việc đốt hương, nhang, đèn, nến, trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ gia tiên, và giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.

- Ngày giỗ cũng là ngày ‘‘kị nhật’’ được ‘‘cúng giỗ’’ trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì dị đoan mê tín, như đốt vàng mã... và giảm thiểu, canh cải những lễ vật để biểu dương ý nghĩa thành kính biết ơn ông bà, như dâng hoa trái, hương đèn...

- Trong hôn lễ, dâu rể được làm ‘‘lễ tổ, lễ gia tiên’’ trước bàn thờ, giường tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà.

- Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng tôn kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.

- Tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu họp tại Vatican, từ 19-4 đến 14-5-1998.

Trong hội nghị này, các giám mục Việt Nam tham dự đã nêu lên ba chủ đề chính:

- Làm sao nói về Thiên Chúa Cha và Hội Thánh trong khung cảnh nền văn hoá xã hội Việt Nam vốn lấy gia đình làm nền tảng.

- Làm sao nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần nơi mọi người thành tâm, thiện chí, đặc biệt nơi các tôn giáo bạn.

- Làm sao để việc tôn kính ông bà, tổ tiên giúp người ta nhận biết Thiên Chúa, và hiểu rõ về đạo hiếu của người Công Giáo Việt Nam.


■ Những thách đố xưa và nay về tôn kính tổ tiên

Tại sao Công Giáo mang tiếng ‘‘bất hiếu, theo đạo Thiên Chúa là bỏ ông bà tổ tiên’’. GHVN đã phải đương đầu với vấn đề quan trọng là ‘‘Phụng Thờ Tổ Tiên’’. Ðầu thế kỷ 18, việc tranh chấp xảy ra giữa ba nhóm Thừa Sai tại Việt Nam. Căn cứ vào điều thứ nhất trong kinh Mười Ðiều Răn : ‘‘Thứ nhất thờ phượng một Ðức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự’’, các vị Thừa Sai Paris không chấp nhận phụng thờ tổ tiên, vì họ chỉ là tạo vật thôi. Trong khi đó, các Cha Dòng Tên và Phanxicô chủ trương để cho giáo dân Việt Nam thờ kính tổ tiên theo phong tục Việt Nam. Kết quả thế lực Hội Thừa Sai Paris ngày càng mạnh, đảm đang hết phần vụ truyền giáo tại Việt Nam. Và Dòng Tên dần dần bị phai mờ.

Vấn đề ‘‘nghi lễ Trung Hoa’’ được Tòa Thánh xét lại.

Năm 1939, thánh bộ Truyền giáo huấn dụ ‘‘Plane compertum est’’

Ngày nay, điều kiện cốt yếu nơi Ðạo Ông Bà của Việt Nam ở chỗ niềm tin vào nhân tính hồn thiêng bất tử từ cõi linh thiêng. Vì con người là tụ đức của trời đất (thiên địa chi đức).

Ðạo Hiếu của Việt Nam chính là rễ nối với nguồn sức sống của cây. Giờ chết gọi là ‘‘sinh thì’’, là giờ sống. Ông bà tổ tiên có mất nhưng hồn vẫn còn sống nơi cội nguồn sức sống, là Ông Trời, luôn bên cạnh độ trì cho con cháu. Con cháu thường nhớ ngày giỗ, ngày kị để tảo mộ, cầu kinh hơn ngày sinh của ông bà.

Người ta nguồn gốc từ đâu
Gốc từ tiên tổ rồi sau có mình
Công tiên tổ tác thành từ trước
Con cháu sau mới được hiển vinh
Ta nên giỗ tết kính thành
Trông nom phần mộ tỏ tình nhớ ơn.


B. Tinh thần gia đình trong Gia Lễ

Tinh thần gia đình Việt Nam được hun đúc và củng cố qua các dịp lễ tiết trong năm của gia đình. Tình đoàn kết, sự nâng đỡ tương trợ về sinh sống và làm ăn, các lời giáo dục dạy bảo về cư sử giao tiếp và lễ giáo... đều bắt nguồn từ những buổi gặp gỡ, ăn uống trong quanh mâm cơm vào dịp lễ trong năm. Văn hóa gia đình hệ trọng ở chỗ giữ đúng ghi tiết. Những ngày lễ là ngày mọi người trong nhà phải có mặt.

1. Các lễ tiết trong năm

Theo tục lệ Việt Nam, có nhiều lễ tết trong năm, dành cho một nhóm người, hay còn mê tín, như :

- Tết Khai Hạ vào ngày 7 tháng Giêng : ngày đầu xuân, mở cửa hàng, đi xa, khai bút...
- Tết Thượng Nguyên vào Rằm tháng Giêng : ngày trăng tròn đầu năm, tổ chức tại các chùa cho thiện nam tín nữ.
- Tết Hàn Thực vào mồng 3 tháng Ba : ăn đồ nguội.
- Tết Ðoan Ngọ vào mồng 5 tháng Năm : thời tiết đổi mùa từ Xuân sang Hạ ăn rượu nếp, hái lá cây phơi khô đề phòng uống khi bị bệnh thời tiết.
- Tết Trùng Cửu (trùng 2 ngày mồng 9) : dành cho giới lương y.
- Tết Trùng Thập (trùng 2 ngày mồng 10) : dành cho các thầy đồng bóng.
- Tết Cơm Mới vào mồng một tháng Mười : dành cho nhà nông ăn cơm gạo mới.
- Tết Táo Quân vào 23 tháng Chạp : ngay thần Táo (bếp) về trời.

Dưới đây là những ngày lễ xum họp trong gia đình, được cả nước đón mừng lớn và còn mãi.

■ Ngày Tết Nguyên Ðán là ngày của gia đình. Ba ngày Tết là ngày sum họp, vui vẻ thân tình. Trrước hết gặp mặt Thần Linh, qua lễ Ông Táo, lễ Thổ Công, lễ 23 tháng chạp Ông Táo về trờI. NgườI theo tôn giáo nào đi lễ những nơi phụng thờ : nhà thờ, chùa, đình miếu. Thứ đến là gặp Tổ Tiên, vong linh ông bà về gặp lại con cháu, với lòng thành con cháu dọn bánh trái, hoa quả. Quan trọng là gặp lại những người trong nhà, vui tết, chúc tuổi, lì-xì, nghỉ ngơi, thăm hỏi, tặng quà, thanh toán nợ nần...

Dù ai đi bất cứ đâu
Ngày Tết nguyên Ðán rủ nhau cùng về

Mồng một thì ở nhà cha
Mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy

Tháng Giêng ăn tết ở nhà

Tháng Giêng là tháng ăn chơi.

Khôn ngoan đến cửa quan mới biết
Giầu khó ba mươi Tết mới hay.

■ Tết Thanh Minh nhằm những ngày đầu tháng ba.

‘‘Thanh Minh trong tiết tháng ba’’
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

Ðây vừa là hội, vừa là lễ. Cả làng, và tất cả người trong gia đình hội họp lại rồi đi thăm, sửa sang, quét dọn, đặt bông hoa, hay thắp nhang trên tất cả phần mộ của gia đình. Sau đó về nhà cúng bái Tổ Tiên, và ăn uống. Ngày này người ta ra nghĩa trang rất đông như trẩy hội, trở thành tục lệ xã hội. Có nơi người ta đi tảo mộ trong ngày mồng ba Tết, vì con cháu từ xa về còn đông đủ.

Nguyễn Du diễn tả tinh thần ngày hội này :

Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

Riêng người Công Giáo đã dành tháng 11 cầu nguyện, và xin lễ cho các linh hồn. Ngày 2-11, là lễ các Linh hồn, người Công Giáo đi viếng nghĩa trang rất đông.

■ Tết Trung Nguyên (hay ngày Xá Tội Vong Nhân, quen gọi Lễ Vu Lan) nhằm ngày rằm tháng Bảy. Lễ cầu chung cho các linh hồn được siêu thoát, đặc biệt các cô hồn, không ai còn con cháu sống. Nguyễn Du đã diễn tả ngày lễ cho những linh hồn bị quên lãng.

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi bay, lạnh ngắt xương khô.

Và không quên Ngày xá tội vong nhân

Tháng sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng bảy ngày rằm, xá tội vong nhân.

■ Tết Trung Thu dành cho trẻ em diễn ra vào rằm tháng tám. Ngày vui nhất của trẻ nhỏ trong nhà. Tuy là lễ cho con nhưng cha mẹ cũng vui lây, vì thấy con ngoan mau lớn, học hành tiến bộ. Còn cảnh nào vui khi trẻ em ‘‘rước đèn kéo quân’’, ăn bánh trung thu, cha mẹ uống trà dưới ánh trăng thanh, tâm hồn thơi thới, và thơ mộng. Rồi qua tháng sau, cha mẹ đi làm, con cái tiếp tục sách đèn.

Tháng tám chơi đèn kéo quân
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.

■ Tết Cơm Mới tổ chức vào tháng Mười, không nhất định ngày nào, tùy gia đình sau mùa gặt. Mùa này bắt đầu có cốm, gạo mớI, trái hồng, trứng cuốc, và chim ngói. Là của ăn ngon. Người ta thường dùng các thứ đồ ăn ngon và mới này để biếu nhau, đồng thời mừng vì mưa thuận gió hòa, ăn mừng được mùa. Ðiền chủ thưởng công, trả tiền cho tá điền. Và tá điền biếu lại hoa quả trong vườn. Ở đồng chiêm, sau tháng Năm, tức sau vụ chiêm, người ta cũng ăn tết Chiêm, tương tự, không to bằng.

2 Mừng sinh nhật, hay thượng thọ

Ngày nay khá phổ biến trong các gia đình việc tổ chức ngày kỷ niệm sinh nhật, cưới hỏi và mừng tuổi thọ. Ngày này là ngày vui giữa các phần tử gia đình, bạn bè thân thuộc. Chúng ta quan niệm nương tựa nhau ‘‘Trẻ cậy cha, già cậy trẻ’’. Chỉ những người bất hiếu mớI cho cha mẹ già Ià gánh nặng, phải nuôi tốn kém, mất công chăm sóc. Tuổi cha mẹ càng cao, con cái càng hãnh diện và cậy nhờ bảo ban. Ông bà cha mẹ về già dễ tủi thân, lẻ loi và cô đơn. Sum họp gặp gỡ thăm hỏi thân tình có giá trị hơn quà cáp, ăn uống linh đình..

3. Lễ Gia Tiên

Tục phụng sự Tổ Tiên rất thành kính, rất nhân bản và rất thân tình. Người sống luôn nhớ tớI người qua đời, và mong muốn họ bên con cháu mãi mãi. Bỏ Tổ Tiên không thờ phụng là quên nguồn gốc.Tục Việt Nam còn tin vong hồn người đã khuất thường ngự nơi bàn thờ để gần gũi con cháu.

Người Công Giáo không lập bàn thờ cho Tổ Tiên, nhưng vẫn thờ kính Tổ Tiên, qua bàn thờ Chúa.

Sự tin tưởng này đi đến hành động qua cúng bái trong dịp hội họp lễ lớn và quan trọng trong gia đình. Ðó là lễ Gia Tiên. Lễ Gia Tiên được cử hành trước bàn thờ Tổ Tiên trong tất cả các dịp vui buồn của gia đình, do gia trưởng đứng ra chủ lễ. Lễ vật tùy, có thể là bánh trái, rượu, nhang đèn...

4. Lễ Giỗ.

Tình cảm đối với Tổ Tiên Ông Bà rất sâu đậm và thắm thiết nơi người Việt Nam. Biểu hiệu lòng thành hiếu thảo của người sống thế hệ với thế hệ trước bằng việc lập bàn thờ tại nhà và cúng bái trong dịp giỗ. Việc cúng giỗ thể hiện tình thân giữa người sống và ông bà đã qua đời. Là điểm gặp gỡ thế giới hữu hình và vô hình. Dòng họ thị tộc được xây dựng trên cơ sở huyết thống. Ý thức này sinh ra ý thức cột trụ của dòng họ. Mỗi họ có ông tổ chung. Ngày giỗ Ông Tổ gọi là giỗ Tổ. Bàn thờ, hay tủ thờ, hay cái trang, được đặt nơi trang nghiêm trong nhà, để cúng giỗ. Trên bàn thờ để hình người quá cố, hương đèn và cuốn Gia Phả. Ngày giỗ tập họp đông đủ con cháu, cúng hương nến trái cây, vừa ăn uống vừa nhắc lại công ơn người quá cố hay ôn lại những di ngôn.

Ngày giỗ quan trọng đến mức :

Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng mang cho
Hoài công mà gả chồng xa
Một là mất giỗ, hai là mất con.

5. Ma chay

Nền đạo đức gia đình Việt Nam còn nằm trong việc ma chay cho cha mẹ. Khi cha mẹ nằm xuống, bổn phận người con có hiếu là phải tổ chức tang lễ cho đàng hoàng. Ðây là lần trả nghĩa cuối cùng ’’Nghĩa tử là nghĩa tận’’. Sau tang lễ, người con còn để tang lâu năm tùy theo. Và còn tưởng nhớ cha mẹ trong dịp giỗ, tết. Nhiều đám táng rất tốn kém, che mắt người đời.

Sống thì chẳng cho ăn nào
Chết thì cúng giỗ mâm cao cỗ đầy.

Thế gian còn dại chửa khôn
Sống mặc áo rách, chết chôn áo lành.

Sống dầu đèn, chết kèn trống.

Sống về mồ về mả. Ai sống về cả bát cơm.

Nơi người Công Giáo cần tránh cho ‘‘cây xiêu chiều nào sẽ đổ theo chiều ấy’’, và đừng giỡn với tử thần. Trong gia đình có người đau nặng, đau lâu ốm dài hoặc cơn bệnh ngặt nghèo đến bất ngờ, hay gây bất tỉnh. Bên cạnh chạy chữa vể thể xác, phải nghĩ ngay đến chữa trị cấp cứu linh hồn. Thương lấy linh hồn người thân. Tìm ngay linh mục, để ngài lo liệu làm những nghi lễ giúp bệnh nhân thống hối để được chết lành trong tay Thiên Chúa.

Trường hợp bất tỉnh. Bề ngoài, nhiều khi đánh lừa chúng ta. Có vẻ như chết. Nhưng sự sống và ý thức vẫn tồn tại lâu hơn.

Ngày nay, có nhiều đổi mới trong việc cử hành nghi lễ an táng cả đời lẫn đạo. Người Công Giáo được chỉ dẫn tổ chức cẩn thận từ lễ động quan, đến thánh lễ tại nhà thờ, hạ huyệt hoặc hỏa táng. Nhiều người đã hiểu được tầm quan trọng của sự ra đi vĩnh viễn về Nước Hằng Sống của người thân trong gia đình. Phân biệt thế nào là thể xác tiêu tan, và linh hồn bất diệt. Nên đã chuẩn bị về mặt thiêng liêng hơn ma chay bên ngoài.



II. những điều cần gạn lọc

theo cái nhìn của một số tác Phẩm văn Học


Trên đây là phần ghi lại những yếu tố làm nên căn tính của gia đình Việt Nam trước đây. Nhìn chung chúng ta thấy đây là quá trình lâu dài, qua nhiều thế hệ mà có được. Những khía cạnh căn tính này còn được giữ lại trung thực trong các tác phẩm văn học. Chính các văn thi sỹ là người lãnh hội sâu sắc những biến dạng từng giai đoạn của gia đình Việt Nam. Cái gì tốt, hay, đẹp và tinh hoa cần giữ lại, cái gì xấu, không hợp, sỡ dĩ đi đến mê tín dị đoan, làm mất phẩm giá con người... đều được trình bày trong các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Phần thứ hai này, không có tham vọng đề cập đến hết các tác phẩm văn chương, vì quá phong phú và đa dạng. Ðể làm sáng tỏ cho chủ đề, chúng tôi giới hạn trong các tác phẩm văn chương Việt Nam tiêu biểu chính yếu và được xếp vào loại văn học phổ biến hơn là điểm hết trong các tác phẩm văn học.

A. Ca Dao Tục Ngữ

Ca Dao Tục Ngữ do người dân truyền miệng và ghi lại tất cả sinh hoạt xã hội làm ăn, tâm lý, cách xử thế và lễ tiết trong gia đình.

Những nét tinh túy đáng khen và còn giá trị lâu dài.

- Bổn phận đền đáp công ơn sinh thành là bài học đầu tiên của vợ chồng trẻ :

Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ
Câu thơ ba chữ rành rành
Chữ trung chữ hiếu chữ tình là ba
Chữ trung thì để phần cha
Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình.

- Chung thủy vợ chồng :

Anh đi đàng ấy xa xa
Ðể em ôm bóng trăng tà năm canh
Nước non một gánh chung tình
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng.

Ðôi ta đã trót lời thề,

Con dao lá trúc đã kề tóc mai
Dặn rằng : Ai chớ quên ai.

- Vẻ đẹp duyên dáng và tâm hồn cao thượng của phụ nữ :

Lấy chồng thì phải theo chồng
Lấy chồng phải gánh vác giang sơn nhà chồng

Trai thì năm thê bày thiếp,
Gái chính chuyên chỉ có một chồng.

Một chờ, hai đợi, ba trông,
Bốn thương, năm chờ, bảy, tám, chín mong, mười tìm.

- Sức mãnh liệt vô hình của tình yêu :

Yêu nhau tam, tứ núi cũng trèo,
Thất bát sông cũng lội, tứ cửu tam-thập-lục đèo cũng qua.

- Kinh nghiệm mùa màng :

Muốn ăn lúa tháng năm, xem trăng rằm tháng tám
Muốn ăn lúa tháng mười, xem trăng mồng tám tháng tư
Nếu không đổ ánh trăng đi,
Ruộng khô lúa lép lấy gì nuôi anh.

Những thói hư tật xấu bị xã hội kết án, và cần loại bỏ, như :

- Mê tín, dị đoan :

Bà già đi chợ cầu Ðông
Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.
Bói ra ma, quét nhà ra rác
Bốn chín chửa qua, năm ba đã tới.
Mồng năm, mười bốn, hăm ba
Ði chơi cũng thiệt, nữa là đi buôn

- Tục lệ tảo hôn, hay lấy vợ lấy chồng khi còn quá nhỏ.

Lấy chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi bé chẳng nằm cùng tôi
Ðến năm mườI tám đôi mươi
Ðang nằm dưới đất, chồng lôi lên giường.
Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Ði đến chỗ lội, đánh rơi mất chồng.

- Kỵ nhất xã hội xưa không cho tái giá.

Trai tơ ới hỡi trai tơ !
Ði đâu mà vội, mà vơ mẹ dòng?
Mẹ dòng vớ được trai tơ
Ðêm nằm hí hửng như Ngô được vàng;
Trai tơ vớ phải mẹ dòng,
Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu.

- Tệ nạn lấy nhiều vợ :

Tối đến chị giữ mất chồng
Chị cho manh chiếu nằm trong nhà ngoài.

Ba vợ, bảy nàng hầu
Tối nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi.

- Tình cảnh hiếm muộn của gia đinh cũng bị chê trách

Có chồng mà chẳng có con
Khác nào hoa nở trên non một mình

- Nạn cờ bạc sinh ra cơ cực túng thiếu :

Của làm ra để trên gác
Của cờ bạc để ngoài sân
Của phù vân để ngoài ngõ

Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm xóc địa nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp hổ chàng
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà.

- Lười biếng không lo việc nhà của phụ nữ

Chửa tối đã vội đi nằm
Em coi giấc ngủ bằng trăm quan tiền.


B. Những tác phẩm vô danh

Những tác phẩm vô danh viết sau những lời Ca Dao bình dân cũng lên tiếng khen chê nếp sống cha ông. Sở dĩ phải dấu tên khi viết tác phẩm của mình, vì thấy sức mạnh của quần chúng quá mạnh, cứ khăng khăng một mực giữ lấy nếp sống cũ. Mỗi truyện đề cao hay đề nghị sửa đổi một khía cạnh trong xã hội mà gia đình bị ràng buộc. Xin đọc tóm lược nội dung từng truyện sẽ biết.

1. Phan, Trần kể tình duyên trắc trở của Phan Sinh và Trần Kiều Liên. Hai bên đính ước với nhau từ Iúc còn trong thai. Sau một thời gian loạn ly lại cùng nhau sum họp. Các cụ xưa thường răn dạy ‘‘Ðàn ông chớ đọc Phan, Trần’’. Vì trong truyện có đoạn tả Phan Sinh nhớ ngườI yêu sinh ra ốm tương tư, và quá si tình nên định tự tử. Mục đích tác giả còn nhắm đả phá tục lệ gả con quá sớm, ngay khi còn trong bào thai.

2. Quan Âm Thị Kính kể đức nhẫn nhục của bà Thị Kính, vì mắc tiếng oan giết chồng. Bị đuổi về nhà cha mẹ, và cải trang làm trai xin đi tu, lại mắc tiếng thông dâm với Thị Mầu. Vì là người tu hành đắc đạo, nên bà được thành Phật Quan Âm.

Ðoái trông thế sự nực cườI
Như đem trò rối mà chơi khác gì
Phù vân một đóa bay đi
Khi thì áo trắng, lúc thì muông đen (335-338)

3. Bích Câu Kỳ Ngộ (sự gặp gỡ kỳ lạ ở đất Bích Câu) kể truyện thư sinh tên Trần Tú Uyên gặp một nàng Tiên ở Bích Câu (thuộc làng Yên Trạch, Hà Nội). Một hôm sau khi viếng cảnh Chùa về, Tú Uyên bắt gặp một bài thơ bay trước mặt, theo sau một thiếu nữ xinh đẹp, xin hẹn gặp. Hôm sau ra chỗ hẹn, chỉ gặp ông lão bán tranh, hình thiếu nữ đẹp như đã gặp. Anh mua về chưng trong nhà. Mỗi khi đi học về, anh thấy cơm nước dọn sẵn. Sinh nghi, một lần thay vì đi học, anh lén rình, thì thấy thiếu nữ trong tranh bước ra. Thiếu Nữ xưng danh là Giáng Kiều. Sau khi lấy Giáng Kiều, Tú Uyên say sưa rượu chè bỏ bê học hành, đánh đập vợ. Buồn quá, Giáng Kiều bỏ nhà đi. Tú Uyên định tự tử, thì vợ trở về. Hai bên hòa hợp, sinh được con trai tên Chân Nhi. Kết truyện : Tú Uyên và Giáng Kiếu bay lên tiên giới. Chân Nhi ở lại cõi trần.

Qua truyện, lời khuyên căn bản là người dân VN xưa còn tin vào cõi tiên, mơ hồ, bỏ bê học hành, và làm ăn sinh sống, mới cần thiết.

4. Bần Nữ Thán là lời than thở của cô gái có xuân sắc, nhưng vì nghèo, nên không lấy được chồng khá giả. Kết cuộc : nhờ bền chí cũng có ngày kỳ ngộ.

Bắc thang đến cung mây mà hỏi
Biết bao giờ phượng tới cành ngô
Bao giờ bắc lại cầu ô
Mà cho ả Chức, chàng Ngưu tới gần (105-108)

5. Lục Súc Tranh Công là 6 con vật trong nhà (trâu, ngựa, chó, dê, gà, và lợn) tranh nhau về mình có công việc trong nhà như quan hôn tang tế. Chủ nhà phải can thiệp dàn hòa mới yên cửa yên nhà.

Bài học của câu truyện : Tình trạng anh em trong nhà thường bất bình, tổn hại đến tình yêu gia đình.

C. Gia Huấn Ca

Gia Huấn Ca là tập thơ ‘‘bài ca dạy người nhà’’, phương cách giáo dục gia đình của Nguyễn Trãi (1380-1442) chủ ý là đem những điều căn bản trong luân thường diễn ra văn thơ cho các bà mẹ và trẻ em dễ đọc.

- Làm gương đạo hạnh để giáo dục luôn là khuân mẫu cho cha mẹ :

Dạy từ thuở hãy còn trứng nước
Yêu cho đòn, bắt chước lấy người.
Trình, thưa, vâng, dạ, đứng ngồi :
Gái trong kim chỉ, trai ngoài bút nghiên.
Gần mực đen, gần đèn, thì sáng,
Ở bầu tròn, ở ống thì dài
Lạ gì con có giống ai
Phúc đức tại mẫu là lờI thế gian. (229-236)

- Cần kiệm, hiếu khách là hai đức tính phải tập từ nhỏ mới có để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Chắt chiu mà dè dặt mới nên
Coi sóc từ hạt gạo, đồng tiền
Ðừng cậy có, ăn càn tiêu giở
Bữa thường phải xem con ở
Cũng đừng thừa, chớ thiếu làm chi. (70-74)

Trong anh em, thiên tải nhất thì
Sang vì vợ nhưng giầu vì bạn. (79-80).

D. Chinh Phụ Ngâm

Chinh Phụ Ngâm là tác phẩm thơ tuyệt tác của Ðoàn Thị Ðiểm (1705-1748) diễn tả lời than của người vợ trẻ mà chồng đi lính xa lâu không về. Ở nhà, thiếu phụ lẻ loi lạnh lùng, lo cho chồng xông pha trận mạc... mà vẫn thủ tiết chờ ngày chồng trở về.

- Người chồng ở nơi tiền tuyến xa nhà vì công vụ, không quên vợ hiền nơi hậu phương :

Áng công danh trăm đường rộn rã
Những nhọc nhằn nào đã nghỉ ngơi
Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai?
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây. (109-112)

- Vợ ở nhà mong chờ vẫn tròn chữ tiết thủy chung

Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ
Thiếp dạo hài lối cũ rêu in
Gió xuân ngày một vắng tin
Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì. (325-328)

E. Truyện Kim Vân Kiều

Triết lý ‘tài mệnh tương đấu’’ của Truyện Kiều đã được Nguyễn Du (1765-1800) viết ngay đầu tác phẩm. Truyện Kiều cũng thuộc loại sách cấm đọc ‘‘Ðàn bà chớ kể Thúy VânThúy Kiều’’, vì có nhiều cảnh ngược lại với lễ giáo :

Xưa và nay, không thể chấp nhận những lăng nhăng, lả lơi của người con gái như Kiều ở thanh lâu, rồi hết sống với Mã Giám Sinh, lại đến Thúc Sinh, và Từ Hải :

Tiếc thay một đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương
Ðêm xuân một giấc mơ màng
Ðuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ
Nỗi riêng tầm tã tuôn mưa
Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình. (845-852)

Lỡ chân đã bước vào đây
Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non (1009- 1010)

Khi về hỏi liễu Chương đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay (1261-1262)

Nàng thì chiếc bóng song mai
Ðêm thu đằng đẵng, nhặt cài then mây
Sân rêu chẳng vẽ dấu giầy
Cỏ cao hơn thước, liễu giầy vài phân. (2231- 2234)

Ngày xưa và nay vẫn thấy cảnh con gái ăn uống say sưa như Kiều tại nhà Hồ Tôn Hiến, là không được, làm mất đi nét khả ái gia phong.

Trong quân mở tiệc dạ công,
Xôn xao tơ trúc, hội đồng quân quan.
Bắt nàng thị yến dưới màn,
Giở say lại ép cung đàn nhặt lâu. (2565- 2568)

Cấm đọc truyện Kiều còn lý do khác là, cô đã tự ý ‘‘tỏ tình, thề thốt với Kim Tọng mà không hỏi ý cha mẹ’’. Cô đã vượt vòng lễ giáo, ‘‘cha mẹ đặt đâu còn ngồi đó’’

Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong.
Dù khi lá thắm, chỉ hồng
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha. (332-334)

Về đạo lý, Kiều treo cao tấm gương biết trọng phẩm giá, và chung thủy

Ðến điều sống đục, sao bằng thác trong (1028)

Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm (2682)

Dù Kiều có lỗi, khi đi ra ngoài khuôn phép gia đình, thì việc bán mình chuộc cha, hy sinh chữ tình để giữ trọn chữ hiếu, đủ để chuộc lỗi Iầm. Chữ hiếu nơi nàng vẫn còn là bài học quí :

Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót thương tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ. (1041-1 044)

Về mặt bác ái xã hội, thì việc Chung-Uông giúp Kiều cứu cha là việc nghĩa. Kiều khuyên Từ Hải ra hàng là cứu dân chúng là nhân đạo. Tác giả ghi lại những hành động gian ác, tham nhũng của quan lại cần trừng phạt để lành mạnh xã hội.

Kết thúc tác phẩm, tác giả thay cho xã hội kêu gọi : Thời nào cũng thế, nét chung thủy cũng quí và đáng đề cao. (2737-3240).

Cuối cùng tác giả khuyên giữ lấy ‘’thiện tâm’’

Ðã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. (3249- 3252)

F. Nhị thập tứ Hiếu

Nhị Thập Tứ Hiếu gồm ‘‘Hai mươi bốn truyện hiếu’’ của Lý văn Phức (1785-1649). Hai mươi bốn người con hiếu thảo với cha mẹ, không quản ngại khó khăn miễn cha mẹ được an phận tuổi về chiều. Dưới đây xin chọn một vài mẫu gương điển hình :

- Vua Hán Văn bận việc nước vẫn sắc thuốc rồi uống thử trước, xem có chất độc không rồi mới cho mẹ già uống.(Truyện số 2)

- Thầy Tăng Tử Dư đi kiếm củi, nhà có khách, mẹ đã cắn ngón tay, con động lòng về ngay, để phục vụ mẹ.(số 3)

- Thầy Mẫn Tử mồ côi mẹ, lại gặp mẹ ghẻ oan nghiệt. Bà cưng chiều và cho hai con riêng ăn mặc đầy đủ. Còn để Mẫn Tử ăn mặc rách rưới khổ sở. Một hôm, Mẫn Tử kéo xe đưa cha đi dạo chơi, Mẫn Tử xẩy tay, xe đổ làm cha ngã. Cha nhìn con rét lạnh, quần áo rách tả tơi cha động lòng thương cho người con hiếu thảo, đã muộn. (số 4)

- Chàng Thái thuận đi lượm trái dâu trong rừng về nuôi mẹ, gặp bọn cướp. Cướp biết là chàng đi lượm trái cây về nuôi mẹ, liền tha ngay, để về nuôi mẹ sống thêm ít ngày. (số 11).

G. Ðông Dương tạp Chí (năm 1915)

Ðông Dương tạp chí do Ông Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) chủ trương. Ông là người trí thức am hiểu phong tục Việt Nam, ‘‘muốn đem những quan niệm phương pháp mới nào hợp thời để truyền bá trong dân chúng, nhưng cũng chịu khó tìm tòi và biểu lộ cái dở, cái xấu cũng như cái hay, cái ý nghĩa của chế độ, tục lệ xưa của các mê tín dị đoan cũ’’. (Việt Nam Văn Học Sử Yếu, tr. 430).

Ông là người thiết tha về mất còn của dân tộc ta về cả văn hóa và phong tục. Trong tựa đề bản dịch ‘‘Kim Vân Kiều’’, ông viết : Nước Nam ta mai sau, hay dở cũng ở chữ quốc ngữ’’.(Sđd; tr. 428)

Về tổ chức nơi thờ cúng trong làng xã Việt Nam, Ðông Dương có đăng bài của Phan Kế Bính viết đầy đủ trong ‘‘Việt Nam Phong Tục’’, như sau :

Mỗi làng, đầu làng hoặc cuối làng, có một khu đất rộng để làm cho tha ma mộ địa, trong làng có ông gìa bà cả hoặc người nào mất thì cứ đem lại đó mà chôn.

Mỗi chỗ tha ma mộ địa có lập một cái am năm ba gian nhà, xây bệ lộ thiên, đề ba chữ ‘‘hàn lâm sở’’ ( sở rừng xanh = nơi thờ chúng sinh) để thờ chung cả những mồ mả vô chủ, gọi là ‘‘am chúng sinh’’. Mỗi cửa am có một bà đồng ở, sớm tối đèn hương thờ phụng, về ba tháng hè thì cứ ngày rằm, ngày mồng một nấu cháo cúng đổ vào cái lá đa cuộn tròn lại, cắm hai bên dọc đường gọi là cúng các quan, hoặc gọi là cúng bách linh. Cho nên tục có câu rằng cướp cháo thì lá đa, là nói những người vô hậu.

Theo tác giả ‘‘am chúng sinh là nơi thiêng liêng’’... Trong tháng hoặc năm, người trong làng dành từ ba đến một tuần để làm chay, cúng đàn, tưởng nhớ người quá cố, mất nhiều ngày, rình rang và tốn rất nhiều tiền. ‘‘Tục Việt Nam tin qủi thần, người chết có linh hồn, có tri giác như người sống. Dưới âm phủ cũng có kẻ khổ kẻ sướng như trên dương gian’’. Bất hạnh cho những mồ vô chủ, không ai cúng bái.

Cuối bài, tác giả có nhận xét về quan niệm mê tín cúng bái vô lý này :

Nói đến đó, thì am kia đàn nọ, bách linh dẫu thiêng, dẫu chẳng thiêng, dẫu biết dẫu chẳng biết, dẫu có dẫu chẳng có, chẳng kể làm gì, nhưng cũng chua xót mà xin gửi tặng vài ba giọt lệ.

Than ôi! Từ xưa đến giờ biết bao nhiêu người khôn ngoan, biết bao nhiêu người vụng dại, biết bao nhiêu người hưng công, lập nghiệp, biết bao nhiêu người vong thân tán gia, nào hiền, nào ngu, nào phàm, nào thánh, bây giờ ở đâu cả, chẳng qua cũng mù tịt trong một đám cỏ xanh mà thôi. (Ðông Dương Tạp Chí. Lớp mới, số 31,và 32. Sđd, tr. 182).

H. Nam Phong tạp chí

Văn nghiệp và chủ trương đổi mới xã hội của Ông Phạm Quỳnh (1892-1945) xuất hiện trên tạp chí Nam Phong (Gió Nam). Một thời, tờ Báo này đã thành cơ quan chung cho môt số học giả theo đuổi. Báo xuất bản từ tháng 7-1917 đến tháng 12-1934, được 17 năm, và 210 số.

Ngoài mục đích dịch thuật, biên khảo văn chương. Nam Phong còn bảo tồn những điều cốt yếu trong văn hóa cũ về phong tục, và lễ nghi.

● Về nếp sống, cách cư xử lễ phép, Phạm Quỳnh viết :

...‘‘Người ta trong xã hội, trong khi giao tế với nhau, cần phải có lễ phép, dẫu người cao hơn mình, người ngang mình hay người thấp kém mình cũng vậy, kẻ khôn khéo thì tùy nghi mà giảm, nhưng bao giờ cố lễ nhượng mới là người có giáo dục. Nhưng giữ lễ phép không phải tự làm để hạ mình đi mới là tôn trọng người khác, không phải tự nằm rạp xuống đất hay uốn mình làm đôi mới là kính trọng người ta. Cách lễ phép như vậy một là giả dối, hai là đê hèn đều đáng khinh bỉ cả, tưởng người được hưởng sự lễ phép ấy nếu biết cũng nên khinh trước mới là phải. Xét trong cách lễ phép của người mình phần nhiều là như thế cả. Ðối với người dưới tuyệt nhiên không có chút lễ phép gì, thường lấy sự thô bỉ tàn nhẫn mà đối đãi kẻ kém mình, đối với người trên thật đê tiện quá chừng, rụt rè khúm núm, gãi tai, bẩm bẩm thưa thưa, vâng vâng dạ dạ, coi lời ăn tiếng nói, dáng đứng cách ngồi, tưởng phàm người biết trọng cái phẩm giá con người không ai tự hạ như thế cả’’. (Phạm Quỳnh. DANH DỰ LUẬN, Nam Phong, số 25, 7-1919).

● Nền luân lý cổ của dân tộc Việt Nam được tôn trọng và còn giá trị lâu dài.

... Thờ gia đình, mến tổ quốc, phụng tổ tiên, tôn cổ điển, những linh cảm đó nhờ giáo dục vun trồng, thói quen bồi đắp, văn chương cùng phong tục cổ lệ tán dương dần dần tạo thành cho người nước Nam một cái thần trí vững vàng ngay thẳng, một cái tâm địa chắc chắn điều hòa, một cái hồn tinh thiết thực và kiện toàn, có lẽ không được bay bổng cao sang lắm, nhưng khi gặp quan hệ đến vận mệnh gia đình tổ quốc thì cũng có thể hy sinh được’’. Lòng hiếu thảo trong đạo cha con, lòng tiết nghĩa trong đạo vợ chồng, lòng trung thành với nhà vua là trạng thái đặc biệt của lòng ái quốc người Việt Nam... (Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển. tr. 211)

I. Nhóm Tự Lực Văn Ðoàn (1932-1945)

Nhóm Tự Lực Văn Ðoàn do Nhất Linh (1908-1963) sáng lập gồm Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Tú Mỡ, Hoàng Ðạo, Thạch Lam, và nhà hội họa Nguyễn Gia Trí. Song song với thay đổi về lối viết văn, nhóm còn chủ trương thay đổi tư tưởng về lối sống cũ.

● Lòng trung thành của người nữ, một khi đã lấy chồng, dù chồng có bị tù tội, vẫn vừa chờ chồng vừa tận tụy phục vụ bên chồng.

‘‘Ông tú phải đầy Côn Lôn chung thân. Nàng lại đem bà Huân về quê cũ giữ cái guồng tơ khung cửi để lấy tiền phụng dưỡng thay chồng. Như thế đã bốn năm trời. Từ mẹ chồng cho đến người trong họ ai cũng cho phép nàng tái giá. Nàng nhất định không lấy ai cả, quyết giữ lời thề với người cũ. Ông tú ở Côn Lôn cũng mấy bận viết thư về khuyên nàng, bắt nàng lấy ngưới khác, lời lẽ thảm thiết thương. Nàng xem thư chỉ khóc, rồi có khi nào nhớ chồng lên tít trên đồi cao mà đứng trông. Có khi về nhà bố mẹ đẻ ra ngồi quay tơ ngoài sân tưởng tượng đến lúc gặp gỡ người thư sinh từ mấy năm về trước.’’ (Nhất Linh. Người Quay Tơ. Thời Nay, Hà Nội, 1943, tr. 8-9).

● Ðây là hoạt cảnh lễ Gia Tiên trong ngày cưới. Vai chính trong truyện là đôi trai gái ‘‘làm cho có lệ không mảy may cảm động’’. Nhưng ‘‘lễ bố mẹ’’ mang nhiều ý nghĩa về biết ơn cha mẹ và hy sinh cao cả của người con đi lập gia đình mới.

...‘‘ Bỗng có tiếng ở ngoài buồng nói vào :

- Các cô đưa cô dâu ra lễ gia tiên.

Loan lẳng lặng đi theo các cô phù dâu ra. Lờ mờ trong khói pháo, nàng thấy Thân mặc áo thụng xanh đương cúi rạp trước bàn thờ. Ðèn nến sáng choang, lư đồng bóng loáng, khói trầm bay nghi ngút tỏa, hoa cúc vàng tươi xen lẫn với hoa thược dược đỏ thắm, những cảnh lộng lẫy đối với Loan, không có nghĩa lý gì, vì không phải là biểu hiệu của một sự vui mừng. Hàng trăm con mắt đều chăm chú nhìn nàng. Người thẹn nhất lúc đó không phải là Loan, mà là Thân đương nấp sau hai người phù rể, mặt đỏ bừng khi thấy Loan tò mò nhìn thẳng vào mặt. Trong khi bước lên lễ, Loan nghĩ thầm :

- Kể ra thì trông vẻ mặt Thân cũng không có gì đáng ghét lắm.

... Nàng vừa cúi lễ trước bàn thờ vừa có những ý tưởng phức tạp. Lễ tổ tiên bao giờ cũng chỉ làm cho có lệ, nên Loan không thấy mảy may cảm động. Nàng cúi xuống ngẩng lên như cái máy. Nhưng đến khi lễ bố mẹ, Loan tưởng không đời nào quên được vẻ mặt sung sướng của bà Hai lúc đó. Cái sung sướng ấy thật đã an ủi Loan, vì nàng cảm thấy hy sinh của nàng là có nghĩa lý... (Ðoạn Tuyệt. tr. 64-65).

● Khuynh hướng đổi mới tập tục cũ của Văn Ðoàn đã được Nhất Linh trình bày trung thực trong hai tác phẩm ‘‘Ðoạn Tuyệt’’ và ‘‘Lạnh Lùng’’

‘‘Ðoạn Tuyệt’’ là câu chuyện một người đàn bà vì không thể chịu nổi sự áp bách của chế độ đại gia đình và tập tục phải đoạn tuyệt vì gia đình để thoát ly sự áp bức kia.

Trong cuốn ‘‘Lạnh Lùng’’ thì thấy một người đàn bà góa chồng còn trẻ tuổi yêu người khác mà chỉ vì ảnh hưởng và dư luận phải đi vụng trộm với người yêu, phải sống cuộc đời giả dối để giữ danh giá mình và thể diện cho gia đình. (Văn học Sử Yếu. tr. 468)

● Tự do kết hôn xưa nay vẫn gây xung đột, đau khổ, và trở ngại. Khái Hưng đã trình bày trong ‘‘Nửa Chừng Xuân’’. Lộc và Mai tuy đã yêu nhau, và chung sống. Nhưng vì bà Án, mẹ Lộc không ưng và tìm cách phá. Nên hai người phải chia tay. Tác giả tìm ra lối thoát khác là muốn thật sự sung sướng không gì bằng ‘‘hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình để mưu hạnh phúc cho người khác. Bởi thế, sau khi bỏ Lộc, Mai vì biết tự hy sinh cho em trai và cho con mà thấy đời mình sung sướng’’ (Sđd. tr. 468)

● Tình yêu của cha mẹ Việt Nam dành cho con thật cao cả, dưới ngòi bút của Khái Hưng trong truyện ‘‘Anh Phải Sống’’ thật xúc động. Ðời nào cũng thế, tình yêu thật vô bờ và nhắc nhớ ‘‘làm sao cho tròn chứ hiếu mới là đạo con’’.

... Chiếc thuyền nan nhỏ, đầy nước, nặng chĩu.
Hai người cố bơi, nhưng vẫn bị sức nước kéo phăng đi...
Bỗng hai tiếng kêu lên cùng một lúc :
- Trời ơi !

Thuyền đã chìm. Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp.

Chồng hỏi vợ :
- Mình liệu bơi được đến bờ không?
Vợ quả quyết :
- Ðược!
- Theo dòng nước mà bơi. Gối đầu lên sóng !
- Ðược! Mặc em!

Mưa vẫn to, sấm chớp vẫn dữ. Hai người tưởng mình sống trong vực sâu thẳm. Một lúc sau, Thức thấy vợ đã đuối sức, liền bơi lại gần hỏi :

- Thế nào?
- Ðược ! Mặc em!

Vợ vừa nói buông lời thì cái đầu chìm lỉm. Cố hết sức bình sinh nàng lại mới ngoi lên được mặt nước. chồng vội vàng đến cứu. Rồi một tay xốc vợ, một tay bơi. Vợ mỉm cười âu yếm nhìn chồng. Chồng cũng mỉm cười. Một lúc, Thức kêu :

- Mỏi lắm rồi, mình vịn vào vai tôi, để tôi bơi. Tôi không thể xốc nổi mình nữa.

Mấy phút sau chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh tay rã rời. Vợ khẽ hỏi :
- Có bơi được nữa không?
- Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.
- Em buông ra cho mình vào nhé.

Chồng cười :
- Không ! Cùng chết cả.

Một lát, một lát, nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày, chồng lại hỏi :

- Lạc ơi ! Liệu có cố bơi được nữa không?
- Không!... Sao?
- Không. Thôi đành chết cả đôi.

Bỗng Lạc run run khẽ nói :
- Thằng Bò ! Cái Nhớn ! Cái Bé !... Không ! Anh phải sống !

Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi và bờ. (Anh Phải Sống. tr. 11-13)


Nhận định và Hướng về tương lai


Hiện nay, người Việt Nam sống trong nước đã hơn 80 triệu, và ở hải ngoại có khoảng 3 triệu. Nhìn về khía cạnh nhân bản và luân lý đạo đức rất phức tạp. Trong nước, mọi tầng lớp trong gia đình bị phân hóa do tư tưởng vô thần và đầu tắt mặt tối để kiếm cơm manh áo, đã làm mất đi nhiều những tinh túy tốt đẹp của truyền thống dân tộc. Còn tại hải ngoại, tuy ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng tự do và vật chất, cái gốc của gia đình Việt Nam vẫn còn. Nhưng về lâu dài, thế hệ cha ông qua đi, hỏi thế hệ con cháu sau này, còn giữ lại được bao nhiêu!

Bộ mặt và hình ảnh gia đình tại Việt Nam đã thay đổi theo cái nhìn và thực tế xã hội hiện nay. Tình trạng gia đình tại Việt Nam có thể tóm tắt về hai điểm :

● Những điểm tích cực :

Nhiều gia đình giữ được nền nếp gia phong, gần gũi với giáo lý đức tin, vẫn bảo tồn được giá trị như lòng hiếu thảo, tình yêu thương, chung thủy, việc chăm sóc người già và bệnh tật, lòng yêu trẻ và sống hòa thuận trong một gia đình có khi 3, 4 thế hệ chung với nhau.

Nhờ khoa học phát triển, sức khỏe và tuổi thọ từng thành viên nâng cao, tỷ lệ trẻ em chết sơ sinh giảm bớt. Công nghiệp hóa giúp gia đình hưởng nhiều tiện nghi vật chất. Thông tin đại chúng mở rộng, hòa nhập nhanh chóng vào nền văn minh thế giới. Tiến trình đô thị hóa làm cho dân nông thôn tuốn về đô thị, dễ kiếm việc sinh sống.

Các thành viên gia đình có tinh thần sống động về tự do cá nhân, chú ý tới phẩm chất hôn nhân. Vợ chồng ý thức được trách nhiệm trong việc sinh sản và giáo dục.

● Những điễm tiêu cực :

Nguyên nhân làm mất đi những căn tính vẻ đẹp của gia đình Việt Nam do những yếu tố :

Sâu xa nhất là quan niệm sai lầm về tự do cá nhân, và độc lập của hai vợ chồng. Số thanh niên quan hệ tình dục ngoài hôn nhân càng nhiều. Số vụ phá thai hàng triệu ca mỗi năm trong cả nước, dùng thuốc ngừa thai và triệt thai càng nhiều. Ly dị ngày gia tăng. Những sai lầm này do ảnh hưởng báo chí, phim ảnh cổ vũ sống thoải mái dễ dãi.

Nguyên nhân thứ hai là đô thị hóa và công nghiệp hóa với số ngườI nghèo ồ ạt về thành phố, khiến cha mẹ xa con cái, mất hẳn nền giáo dục căn bản. Một số ngườI trẻ bị bóc lột sức lao động và dễ bị xa vào tệ nạn xã hội, lang thang, ma túy, cờ bạc, mãi dâm, bạo lực... (xem bài ‘‘Gia đình VN xưa và nay’’ của Lm. Nguyễn Ngọc Sơn. Hiệp Thông, số 16-17, 4-2003, ttr. 192 - 207; số 118-19, 8-2003, ttr. 166-177; số 22, 1-2004, ttr. 147-153)

Từ tình trạng trên, xin đọc lại một đoạn trong thư chung của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ban hành ngày 11-10-2003, đưa ra nhận định và kêu gọi ‘‘Thánh hóa gia đình’’.

Hình ảnh đẹp về gia đình tại Việt Nam đang có nguy cơ mờ nhạt đi. Nguyên do dễ thấy, nhất là tiến trình ‘‘công nghiệp hóa, đô thị hóa’’. Tiến trình này tự nó đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội như những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh, nhưng đồng thời cũng kéo theo những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong như lôi cuốn một số người đến chỗ hưởng lợi ích kỷ và xa hơn đến lối sống buông thả sa đọa, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm giảm ý thức về phẩm giá sự sống.

Cùng với tiến trình này, hiện tượng di dân ồ ạt về các thành phố lớn để tìm việc làm..Hậu quả là một số cha mẹ phải xa con cái, nên việc giáo dục cơ bản không được lưu tâm đúng mức, một số người trẻ phải rời gia đình đến làm việc nơi xa lạ, nên dễ bị bóc lột sức lao động và mắc phải những tệ nạn xã hội như xì ke, ma túy hay đi vào những hoàn cảnh trong đó nhân phẩm bị coi thường, một số trẻ em bị đẩy ra đường phố sống lang thang.

Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của các phương tiện truyền thông xã hội, một mặt cung cấp những thông tin hữu ích giúp thăng tiến con người, nhưng mặt khác lại du nhập những lối sống thiếu lành mạnh, tác hại đến những nếp sống đạo đức của gia đình như tự do luyến ái, sống chung không cưới xin, dễ dàng sử dụng bạo lực. (Hàng Giám Mục Việt Nam. Trần Anh Dũng, ttr. 534-535).

Còn gia đình Việt Nam hải ngoại, đã ảnh hưởng bởi đời sống tiện nghi, xa hoa, trong các nước văn minh, xin đọc lời nhắn nhủ của ÐGH Gioan Phaolo II : về chăm sóc bảo vệ gia đình :

Tình cảnh cụ thể trong đó gia đình đang sống quả là một sự pha trộn giữa bóng tối và ánh sáng. Sự pha trộn ấy cho thấy lịch sử không đơn thuần là một sự tiến bộ nhất thiết tiến về cái hay hơn, tốt hơn, nhưng là một diễn biến của tự do, và hơn thế nữa còn là một cuộc chiến giữa những mối tự do đối nghịch nhau, nghĩa là nói theo thánh Augustinô, một cuộc xung đột giữa hai tình yêu : một bên là lòng yêu mến Thiên Chúa đến độ coi rẻ chính mình, và một bên là lòng yêu mến mình đến độ coi rẻ Thiên Chúa. Như thế, chỉ có việc giáo dục tình yêu ăn rễ trong đức tin mới có thể đưa người ta đến chỗ khả năng đọc được những dấu chỉ thời đại nơi việc diễn tả cụ thể của tình yêu hai mặt ấy.

Sống trong một thế giới như thế và nhất là dưới ảnh hưởng các phương tiện truyền thông đại chúng, không phải lúc nào tín hữu cũng đã hoặc sẽ tránh được việc bị lây nhiễm tình trạng các giá trị căn bản bị lu mờ, không phải lúc nào họ cũng biết đứng ra đóng vai ý thức phê phán đối với thứ văn hóa về gia đinh vừa nói trên, và đóng vai những người tích cực xây dựng một nền nhân bản đích thực về gia đình.

Giữa những dấu chỉ đáng quan tâm nhất của hiện tượng ấy, các nghị phụ Thượng Hội Ðồng đã đặc biệt nhấn mạnh về sự lan tràn nạn ly dị và ngay cả các tín hữu cũng đòi được tái hôn sau khi ly thân. Về quan niệm chỉ cử hành hôn phối theo phần đời, ngược hẳn ơn gọi của những người được rửa tội là ’’ lấy nhau trong Chúa’’. Về việc cử hành bí tích hôn phối mà không có sống động, nhưng chỉ vì những lý do khác. Về sự phủ nhận những nguyên tắc luân lý đang soi sáng và nâng đỡ việc thực hành tính dục trong hôn nhân cách nhân bản và Kitô giáo. (Familiaris Consortio, số 6 và 7. 1981)

Quả thật, vấn đề mục vụ gia đình là cần thiết và cấp bách. Xin các nhà giáo dục chuyên tâm song song đến giáo dục và văn hóa gia đình. Vì đó là trách nhiệm đối với dân tộc.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Toan Ánh, Nếp Cũ Tín Ngưỡng Việt Nam. Quyển Thượng và Hạ, Xuân Thu. PA. Hoa Kỳ.
- Phan kế Bính, Việt Nam Phong Tục, TP Hồ Chí Minh, 1995.
- Paul Ðào, Tôn kính Tổ Tiên hay Ðạo Ông Bà. Nguyệt san dân Chúa Âu Châu, số 217, 11-2000 ttr. 21-25.
- DƯƠNG QUẢNG HàM, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Ðồng Tháp tái VN tái bản,1993.
- DƯƠNG QUẢNG HàM, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển, SudAsie Paris tái bản, 1986
- Phạm Côn sơn, Gia Lễ Xưa và Nay, Ðồng Tháp, TP Hồ Chí Minh.
- Phạm Côn sơn, Hôn Lễ và Nghi Thức, Ðồng Tháp, TP Hồ Chí Minh.
- Phạm Côn sơn, Nền Nếp Gia Phong, Ðồng Tháp, TP Hồ Chí Minh.
- Phạm Côn sơn, Gia Phả, TP Hồ Chí Minh, 1996.
- CHU HƯƠNG Mâu, Gia Lễ, Xuân Thu, California,
- Nhất Thanh, Ðất Lề Quê Thói (Phong tục Việt Nam). Ðồng Tháp. Việt Nam, 1992
- NGUYỄN LONG THA0, (Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam, CA. Hoa Kỳ, 2003
- NGuyễn Quang Tuyến, Ðạo tôn kính Tổ Tiên, Nguyệt san Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 209, 1-2004, ttr. 18-21.
- Nguyễn Quang Tuyến, Bảo tồn lễ tết cổ truyền Việt Nam. Nguyệt san Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 151, 2-1999, ttr. 9-13

Vietcatholic News