II. – Bộ sách bốn cuốn

Blondel gọi bộ sách bốn cuốn là tổng hợp các sách về: La Pensée [Tư tưởng] (2 tập), L’Être et les êtres [Hữu thể và các hữu thể] (1 tập), la nouvelle Action [Hành động mới] (2 tập) và La Philosophie et l’Esprit Chrétien [Triết học và Tinh thần Kitô giáo] (2 tập). Cuốn cuối cùng vừa kể có nhiều thiếu sót. May mắn, nó đã được bổ sung bởi hai nghiên cứu khai triển rất tốt, Le Sens chrétien và De l'Assimilation, được viết vào khoảng năm 1930, mà Blondel đã để lại trong tư thế sẵn sàng để in và nhà xuất bản đã tập hợp lại sau khi ông qua đời với tựa đề: Exigences philosophiques du christianisme [Các Đòi hỏi Triết học của Kitô giáo]. Nhưng, dù sao, những cuốn sách về L'Esprit Chrétien vẫn mang lại ý nghĩa cho trọn công trình của Blondel và thể hiện ý định triệt để của ông. Chính ông đã chính thức tuyên bố rằng không có chúng, Tư tưởng, Hữu thể và các hữu thể, Hành động mới sẽ mãi còn mờ mịt.



Trong một lá thư được công bố bởi Archives de Philosophie (1961, trang 119-122), ông khẳng định rằng L'Esprit Chrétien tạo thành "vương miện không thể thiếu và là nền tảng của tòa nhà" và chỉ một mình nó đã đưa ra "lời giải thích và biện minh cho các kết luận mà bộ ba đã tiến tới, vẫn còn bỏ ngỏ một cách phần nào đó gây chưng hửng”. Bằng chứng nữa là ở cuối cuốn Hành động thứ hai, ông đã xóa các trang dành cho tín điều, cho thực hành tôn giáo, cho mối liên hệ giữa nhận thức và hành động, vốn mang lại ý nghĩa thực sự cho luận án năm 1893 để chuyển những vấn đề này sang L' Esprit Chrétien. Như vậy, nếu người ta muốn chính xác, thì đây không phải là bộ ba, nhưng luôn phải nói đến bộ bốn. Chúng ta hãy phân tích các tác phẩm cuối cùng này một cách ngắn gọn hơn; thay vì tạo nên một triết học thứ hai, trái lại, chúng hoàn thiện điều luôn luôn là ý định của Blondel, ít nhất kể từ năm 1882.

La Pensée là một điều hoàn toàn khác với một lý thuyết đơn giản về nhận thức. Với chủ nghĩa duy tâm, một chủ nghĩa vốn cho rằng người ta không thể nói về sự ra đời của tư tưởng, ý niệm được sinh ra không như một thế giới, Cuốn này chống đối việc phân tích khởi nguyên của tư tưởng và các nấc nó tự phát đi lên. Nó cũng triển khai một cách tuyệt vời sự phát triển hữu cơ của tư tưởng, từ khi nó ra đời một cách tối tăm trong vũ trụ cho đến khi nó nở rộ trong đời sống tri thức qua sinh vật, tâm thần và ý thức. Như trong hành động, phương pháp là biện chứng. Luôn là việc khám phá những gì hàm ngụ trong mỗi suy nghĩ và chứng minh rằng một lỗ hổng, vốn cố hữu trong nó và chia nó thành hai yếu tố, liên tục buộc nó phải vượt qua chính nó. Cùng một lúc, đây vừa là biện chứng của tự nhiên, vừa là biện chứng của tinh thần. Một mặt, đây là một lời bình luận sâu sắc về một công thức của Bossuet mà Blondel rất yêu mến: chúng ta không bao giờ khai thác hết một ý niệm nhỏ nhất của chúng ta. Muốn hiểu rõ lý do của nó không khác gì cố gắng giải thích vũ trụ.

Các nhà triết học hầu như luôn giả thiết sự hiện hữu của hai thực tại riêng biệt: một có tính vật chất, một có tính tinh thần, và họ nghiên cứu các mối tương quan của chúng, bằng cách cố gắng dẫn chúng lại với nhau. Chính trong định đề này, giống như "đầu tiên, phải tránh nói dối, [sau đó] là ảo tưởng triệt để", Maurice Blondel nhìn thấy điểm xuất phát sai lầm đã làm hư gần như mọi nền triết lý. Một mặt, thế giới vật chất - vô cơ hay hữu cơ - không đủ cho chính nó. Đối với chúng ta, nó không những là "sự lừa dối có hệ thống" mà African Spir đã nói tới, mà nó còn không ổn định, cùng một lúc vừa nhiều vừa là một, có chức năng kép, vừa tách biệt vừa đoàn kết cùng một lúc. “Không thể có hiểu lầm căn để nào hơn giả thuyết về một vũ trụ, dùng để nâng đỡ như một khối nguyên liệu thô trọn bộ sự phát triển tiếp theo của các hữu thể kể cả các hữu thể thiêng liêng, cho đến lúc giải quyết được vấn đề vận mệnh của các tinh thần” (tập I, trang 16). Mặt khác, tư tưởng tự nó lại càng không đủ. Không gì ấu trĩ hơn quan niệm về một chủ thể suy nghĩ, không biết xuất phát từ đâu, nhưng đối diện với một đối tượng – với thế giới chẳng hạn - không hề sẵn sàng đón nhận họ. Thực thế, suy nghĩ là một sự kiện có tính vũ trụ. Bên kia các trạng thái ý thức hoặc tiềm thức, chúng ta phải tìm ngay trong thế giới vật chất điều một mình nó khiến chúng trở nên khả hữu. Tư tưởng không đột nhiên nảy sinh từ hư vô: nó được moi ra trong vũ trụ, một vũ trụ mang lại tính độc nhất. Đó là tư tưởng vũ trụ, nhập thể một cách sâu sắc và tồn hữu một cách thực chứng.

Bằng cách phân tích tư tưởng có tính vũ trụ này, chúng ta nhanh chóng phát hiện ra sự mâu thuẫn vốn thúc đẩy nó. Một mặt, trên hết nó là việc tìm kiếm tính thống nhất, tính khả niệm và liên đới: vũ trụ xuất hiện với chúng ta như tư tưởng cùng một lúc vừa tản mác vừa hiệp lực cùng phấn đấu hướng tới điều một [l’un]. Nhưng mặt khác, thế giới vừa nhiều vừa là một: nó chỉ được tạo ra và được suy nghĩ dưới khía cạnh thay đổi. Và hai khuynh hướng này - hướng tới một và nhiều - không chỉ đơn giản được đặt cạnh nhau hoặc liên kết với nhau; chúng hàm ngụ lẫn nhau, chúng mời gọi nhau. “cũng như chúng ta không thể hình dung thế giới mà không xé nó ra từng mảnh và không đặc thù hóa nó, chúng ta cũng không thể nhìn thấy và suy nghĩ về các bộ phận mà không liên đới chúng và đặt chúng trong tương quan với vũ trụ ”(t. I, tr. 13). Chúng ta hãy gọi yếu tố đơn nhất và phổ quát là noetic [ý], yếu tố đa dạng và đa nguyên là pneumatique [thần khí]: chúng ta nên nói rằng vũ trụ được tạo thành từ hai khuynh hướng không bao giờ tự đồng nhất hoặc tách biệt. Hay đúng hơn vũ trụ không được tạo thành: nó tự tạo nhờ vào hai khuynh hướng có vẻ trái ngược nhau này, nhưng hợp nhất và bằng chính sự bất khả giản lược của chúng đã tạo nên sự tiến bộ. Như thế, không phải là thuyết nhất nguyên hay thuyết nhị nguyên, mà là sự liên đới của các khía cạnh hợp đồng: vũ trụ là một diễn trình trở nên hoạt động theo một khuynh hướng kép và liên tục mở ra cho một sự phát triển không những theo chiều dài, nhưng còn theo chiều sâu và cô đọng [concentration]. “Giả thiết rằng các hữu thể được tạo dựng trong tính cố định của chúng và thế giới là một tập hợp các sự vật tồn hữu đồng thời hoặc nối tiếp nhau, như những yếu tính cố định hay thậm chí như một sự tiến hóa đa dạng, là hiểu sai sự liên đới tạo nên bi kịch lịch sử. Là buộc bản thân bỏ qua khởi nguyên thiêng liêng, là khởi nguyên, từ những nguồn gốc xa xôi nhất, vốn tác động toàn bộ tự nhiên để dẫn trọn bộ diễn trình trở nên gắn liền với mục đích tối cao; thực thế, chỉ duy có mục đích này mới có thể mang lại cho các mầm thực tại một sự nhất quán và một sự hoàn hảo đáp ứng mong muốn tiềm ẩn của tự nhiên, vốn hết sức bất lực không thể tự mình hiện thực hóa được, Initiun aliquod createurae ab alio perficiendum [bất cứ khởi đầu của tạo vật nào cũng đều phải được hoàn thiên nhờ điều khác]”(t. I, tr. 23).

Do đó, từ chương đầu tiên, các tiền đề siêu hình cũng như phương pháp đã được đặt ra. Phần còn lại của tác phẩm sẽ chỉ mô tả khởi nguyên về thời gian của tư tưởng, điều có thể gọi là việc ra đời ba lần của nó. Trước hết, tư tưởng chỉ thực sự xuất hiện với chính nó, chỉ trở thành "tư tưởng tư duy" bằng dấu hiệu: đó là sự kiện nhân bản đúng nghĩa. Sự ra đời thứ hai của nó diễn ra khi tư tưởng tự nâng mình lên khỏi ý thức đơn giản về bản thân để ý thức được Tư tưởng vượt quá nó, khi nó hiểu rằng để khẳng định bản thân nó phải khẳng định một Tư tưởng siêu việt. Sẽ không có “tư tưởng tư duy” khi không có “tư tưởng về Tư tưởng”. Suy nghĩ là suy nghĩ về Thiên Chúa. Nhưng việc khẳng định đơn giản về một Tư tưởng ở trong mình không đủ để hoàn thành tư tưởng của chúng ta. Và lúc đó, vấn đề quyết định nảy sinh là phải biết liệu tư tưởng của chúng ta, vốn không thể tự thỏa mãn, không nên tự đặt mình vào trạng thái tiếp nhận một cách hữu hiệu Đấng, một mình Người mới có thể thỏa mãn nó. Sự ra đời thứ ba và cuối cùng của tư tưởng, hành vi mang tính quyết định của nó, diễn ra khi nó chuẩn bị việc kết hợp với nguyên tắc hoàn thiện, nhận thức và hạnh phúc của nó - sự kết hợp mà nó không thể thực hiện bằng lực riêng của nó, nhưng nó có thể tự chuẩn bị bằng cách thỏa mãn trước các đòi hỏi của nó. Tư tưởng chỉ được hoàn thành bằng cách cho đi chính nó.

Phép biện chứng của hai tập này đã nhanh chóng được lên sơ đồ như trên. Động cơ là tương quan của hai hình thức tư tưởng đối lập nhau và nhưng mời gọi nhau. Hai tư tưởng trong mỗi suy nghĩ của chúng ta! Biết bao triết gia, thí dụ Platông với sự phân biệt của ông giữa sự tiến bộ của suy lý luận lý học và sự chiêm niệm trực quan, Pascal với sự phân biệt tinh thần hình học và tinh thần tinh tế, Newman, có lẽ trước nhất, với sự phân tích kép về nhận thức thuần lý và nhận thức thực tại, đã nhìn thấy điều đó. Nhưng vẫn chưa có ai có thể rút tỉa được sự thật đơn giản này: “Tư tưởng của chúng ta mặc hai hình thức xét riêng thì không đủ, không kết nối với nhau một cách rõ ràng, do đó người ta không thể xác định được cả trong hữu thể riêng biệt của chúng lẫn trong sự liên hợp của chúng, một sự liên hợp, giống như bất cứ sự phát sinh nào của tự nhiên, diễn ra trong đêm tối và một kiểu vô thức” (t. II, tr. 41). Chắc chắn, chúng ta không nên dừng lại ở sự phủ nhận biểu kiến này. Các xung đột nội tâm dần dần được khắc phục, hoặc ít nhất được di chuyển và xích lại gần nhau hơn với một độ rõ ràng khiến giải thích được ý nghĩa và mục đích của chúng. Nhưng vẫn còn một sự mù mờ nào đó của thuật ngữ khi trả lời vấn đề về nguồn gốc. Và chắc chắn sự việc nên như vậy, “vì, trong chính việc suy nghĩ của chúng ta, chúng ta phải tích hợp nhiều điều hơn là tư tưởng” (t. II, tr. 411). Đó là việc chúng ta phải làm cho chảy trở lại nó tất cả những gì nhận được từ hữu thể, tất cả những gì hành động có thể dạy chúng ta và cung cấp cho chúng ta. Sự phân tích tư tưởng không bao giờ tự đóng kín vào chính nó, nó mời gọi những phân tích khác về hữu thể và hành động: nếu tư tưởng đã là hữu thể, thì nó không phải là hữu thể cho một mình nó. Từ quan điểm ít nhất về hình thức, l’Être et les êtres tạo thành kiệt tác của bộ bốn. Tất cả những điều làm cho La Pensée ra nặng nề và đôi khi khiến nó khó đọc đều bị loại bỏ. Nhiều - hoặc ít – khỏi những lối đi vòng và quay trở lại này. Đó là một sự đi lên liên tục, một loại tiến tới chầm chậm, sau đó là sự đi lên qua các hữu thể cho đến tận Hữu Thể. Hay nói cho chính xác hơn, lần đầu tiên người ta đứng trước một loại hữu thể học cụ thể trong đó, không phải khái niệm tổng quát về hữu thể, mà là các hữu thể trong thực tại đặc biệt của chúng và sự tồn hữu riêng của chúng được nghiên cứu. Tóm lại, vấn đề được khảo sát chính là vấn đề sự tương hợp của các hữu thể ngẫu nhiên và của Hữu thể tất yếu. Nếu Thiên Chúa hiện hữu, nếu thậm chí Người là Đấng duy nhất mà người ta có thể nói Người hiện hữu một cách tuyệt đối, thì liệu người ta có thể khẳng định, và theo nghĩa nào, về các hữu thể được tạo dựng là chúng hiện hữu không? Để trả lời câu hỏi này, tác giả tiến hành một cuộc điều tra rộng lớn qua các tạo vật. Vật chất hiện hữu; sinh vật sống và chết hiện hữu; các con người hiện hữu; các xã hội hiện hữu; toàn bộ vũ trụ, trong tính toàn diện khả giác và khả niệm, hiện hữu. Tuy nhiên, không một tạo vật nào cũng như toàn thế giới làm cạn kiệt hữu thể: chúng đòi hỏi một điều khác, chúng giống như các cấp độ của hữu thể, mà thực tại chỉ có thể tồn hữu bằng cách bám lấy hữu thể, vốn chỉ có nó mới tự hiện hữu mà thôi. Như thế, kinh nghiệm mà chúng ta có được về hữu thể chỉ ngang bằng với bản thân nó khi khẳng định Hữu thể tuyệt đối: mọi hữu thể đều không đủ để đáp ứng yêu cầu đầu tiên của chúng ta về hữu thể. Nhưng các hữu thể tương đối và ngẫu nhiên này cũng có một thực tại nào đó và tính nhất quán. Bằng chứng là thực sự người ta có thể nghi ngờ một đối tượng, nhưng không thể nghi ngờ mọi đối tượng: người ta chỉ phủ nhận bộ phận bằng cách khẳng định toàn bộ hoặc, như hiện tượng học đương thời đã nói, sự nghi ngờ đặc thù luôn hoạt động ở chân trời thế giới. Như thế, cuộc điều tra đầu tiên dẫn đến một kết luận kép có tính tạm thời: "Không có gì trong điều được cách sử dụng hiện nay gọi là các hữu thể hoàn toàn đáp ứng điều mà việc suy tư đã khám phá là thiết yếu trong ý niệm tự phát về hiện hữu này, và, tuy nhiên, chúng ta không thể tiêu diệt tất cả những thực tại này, những thực tại tuy không nhất quán một cách tuyệt đối, nhưng hỗ trợ lẫn nhau, đến mức không bao giờ chúng ta nghĩ tới việc phá hủy tất cả với nhau trong tư tưởng của mình”(tr.143).

Do đó, người ta được dẫn đến một “thăm dò trung tâm” cho phép họ khẳng định hữu thể như một thể tuyệt đối, như một sự hoàn hảo, như chính Thiên Chúa. Thể tuyệt đối hiện hữu: không thể nào nó không hiện hữu, vì nó tự mình hiện hữu. Lập luận hữu thể học, thiếu sót nơi các tạo vật, sẽ nhận được giá trị trọn vẹn trong Thiên Chúa. “Ý niệm siêu việt, khi được phân tích chính xác, kéo theo sự khẳng định về thực tại của chính thể siêu việt này” (tr.164). Ý niệm Hữu thể trong nó và tự nó có tính “tự khẳng định”. Nhưng Maurice Blondel không dừng lại ở đó. Một mặt nêu lên sự hiện hữu tương đối của các hữu thể và mặt khác, sự hiện hữu tuyệt đối của Hữu thể không hẳn để đưa ra giải pháp cho bằng làm nảy sinh một vấn đề. Nếu Hữu thể tuyệt đối, theo định nghĩa, là thể tìm thấy trong mình sự đầy đủ của chính mình, câu hỏi lại được đặt ra là: chúng ta nên cấp thực tại nào cho những hữu thể khác? Đây là kết luận kép tạm thời đầu tiên cần phải được lặp lại và minh giải. Ở đây, há không có một mâu thuẫn nghịch lý sao: các hữu thể ngẫu nhiên đòi, dù cho sự tồn hữu của chính chúng, sự hiện hữu của một Hữu thể tất yếu, nhưng khi người ta vươn tới Hữu thể tất yếu thì dường như Hữu thể này tự mình đã đủ cho chính mình và họ không còn hiểu được sự hiện hữu của các hữu thể ngẫu nhiên. Do đó, cần phải phân tích "các mối liên hệ giữa các hữu thể đang trong diễn trình trở thành vốn tạo vấn đề và Hữu thể trong đó không có vấn đề nào cả, ngoại trừ trong tương quan với trật tự ngẫu nhiên, với nguồn gốc, với ý nghĩa và số phận của vũ trụ” (tr. 329).

Để giải quyết nghịch lý biểu kiến, cần phải kết hợp, thay vì chống đối, các quan niệm về diễn trình trở thành và củng cố các hữu thể. Cuốn La Pensée đã quả quyết rằng hầu hết mọi lầm lỗi đều xuất phát từ việc người ta củng cố các hữu thể ngẫu nhiên, coi chúng như đã được xác định và có tính dứt khoát. Trong thực tế, hữu thể của các tạo vật không tự đặt mình đối đầu với Hữu thể của Đấng Tạo dựng và không hề có việc tìm kiếm một số thỏa thuận bên ngoài giữa chúng với nhau. Vũ trụ tự nhiên và thiêng liêng không tạo thành một việc đặt các bên cạnh bên nhau, mà là một kết nối thực sự, trong đó mỗi bên đều có vị trí và vai trò của mình. Nói chính xác hơn, mối kết nối giữa các bên này tạo thành một bi kịch trong đó, mỗi bên đóng vai số phận mình. Con người và thế giới đang trong quá trình trở thành: tính bất ổn của đối tượng cũng lớn như tính bất ổn của chủ thể. Trong yếu tính của nó, vũ trụ chưa được hoàn tất, mở ra cho một sự phát triển vô thời hạn, sẵn sàng cho bi kịch lịch sử, một bi kịch sẽ tiết lộ nó, cách nào đó, cho chính nó. Nhưng câu chuyện này có một ý nghĩa, diễn trình trở thành này có xu hướng hướng tới một mục tiêu. Các tạo vật chỉ có thể đạt tới mục đích của mình, một điều thực sự tự củng cố trong hữu thể, bằng cách hợp tác vào mục đích phổ quát, theo ý muốn của một mình Hữu thể trong chính mình. Và như thế, có một chuẩn tắc không chỉ có tính quy định, mà còn có tính cấu thành ra các hữu thể. Bên dưới luận lý học thông thường về các khái niệm, có một luận lý học về các hữu thể mà Blondel gọi là luận lý Quy phạm [Normative]. Đó không chỉ là một luận lý học lý tưởng, mà còn là một thực tại hữu thể học. Nó là việc “nghiên cứu có phương pháp nhằm mục đích nghiên cứu và cung cấp quá trình mẫu chuẩn mà nhờ đó các hữu thể thể hiện kế sách mà từ đó chúng phát xuất, vận mệnh mà chúng đang hướng tới” (tr. 255). Trái ngược với luận lý học mâu thuẫn, vốn là luận lý học loại trừ, luận lý học quy phạm cụ thể hiểu rằng, trong thực tại hữu thể học, các lực đẩy nhau mà không loại trừ nhau. Ý thức phát sinh từ một sự phân chia, một sự đối lập, nghĩa là sự đấu tranh của các sức mạnh. Cũng như một ý tưởng là một ý tưởng cố định, một hành động không phải là một hành vi, mà là một sự kiện đơn giản của tự nhiên. Ánh sáng của mỗi ý niệm tóm lược cả một hệ thống lực lượng; bằng hành động lý tưởng mà chúng có đối với nhau, các lý do hành động (motifs) đặt các sức mạnh mà chúng đại diện vào thế cạnh tranh. Sự suy tư không hề trì trệ, nó là lực của các lực.

Như thế, ý thức về một động cơ hành động hoặc một ý tưởng không có tác dụng nếu không có ý thức về các động cơ khác hoặc ý tưởng khác. Và các động cơ và ý tưởng không phải là những điều trừu tượng không liên quan gì đến cuộc sống: chúng hết thẩy giống như một bản tóm tắt và tổng hợp các lực lượng và khuynh hướng, đến nỗi chính ý thức cũng có thể được định nghĩa như một hệ thống có qui định của các sức mạnh. Thành thử, nếu, trong vũ trụ, tư tưởng dựa trên hữu thể, thì các hữu thể, tới một mức độ nào đó, luôn chứa trong mình một phôi thai của tư tưởng. Như thế, cuốn L’Être et les êtres tự nối kết với cuốn La Pensée và chuẩn bị cho cuốn la nouvelle Action.

Sau những trang này, vốn là các trang mạnh mẽ nhất và mới mẻ nhất trong tác phẩm, phần cuối cùng tạo thành một loại bài hát ca ngợi tự nhiên. Người ta hiểu đối với Blondel, như chính ông nói, đến mức nào L'Action là một công trình "tình cờ", có nguy cơ làm ông bị hiểu lầm bằng cách chỉ thu hút sự chú ý vào riêng chủ thể mà thôi. Cuốn L’Être et les êtres có lẽ là phép biện chứng đẹp đẽ nhất và chặt chẽ nhất về tự nhiên mà chúng ta có trong ngôn ngữ Pháp, nhưng là một tự nhiên bám lấy tinh thần hay đúng hơn được tinh thần thấu nhập. Trong những trang nên được so sánh với những trang của Teilhard de Chardin (và so sánh cũng là để đánh dấu các khác biệt), Blondel mô tả và phóng lớn “vai trò chuẩn tắc, khởi nguyên hữu thể (ontogénitique), không thể thiếu, không thể phá hủy của chức năng do vật chất đảm nhiệm trong kế hoạch tổng thể và tối cao của tạo thế” (tr. 261). Đó là vì chức năng riêng của "thực tại siêu phàm" nơi vật chất là vừa để phân biệt vừa để kết hợp, bởi vì chính nhờ nó mà chúng ta tách mình ra khỏi hữu thể khác và khỏi Hữu thể trong chính nó, nhưng nhờ nó, chúng ta cũng tham gia vào đó. Như thế, vật chất xuất hiện như được liên kết với mọi hữu thể tạo dựng, như một biểu thức phổ quát nói lên tính ngẫu nhiên của chúng, và chắc chắn người ta có thể nói rằng tính vật chất trong mỗi hữu thể đó là thước đo khoảng cách của chúng với Thiên Chúa. Nhưng nếu vật chất là bạn đồng hành của hữu thể, thì cuộc sống là một cái đà chứa sẵn các rủi ro sa ngã, nhưng cũng là một sự chuẩn bị mà không có nó các hữu thể tinh thần không thể hiện hữu. Đến nỗi vật chất dứt khoát xuất hiện như một điều có thể được sinh động hóa, sự sống xuất hiện như điều có thể tinh thần hóa, cuối cùng tinh thần xuất hiện như điều có khả năng khao khát Thiên Chúa (capax entis capax Dei). Và, nói tóm lại, chính trong việc trở nên chậm chạp của chúng và chuyển động của chúng hướng về Thiên Chúa mà các hữu thể thực sự đạt tới chỗ củng cố được hữu thể của chúng. Sử thi vĩ đại về toàn bộ sáng thế, một sử thi vốn chỉ được hiện thực hóa bằng khát vọng hướng tới Thể Tuyệt đối. Thiên Chúa đã tạo ra các hữu thể vì chúng, nhưng chúng chỉ hiện hữu bao lâu hiện hữu vì Người.

Cuốn L’Être et les êtres, một cuốn vốn muốn trở thành và là một công trình của sáng kiến tinh thần cũng như sự nhất quán thuần lý, đã kết thúc một cách khéo léo với một “kết luận khai vị” nhằm mục đích thiết lập một công trình sau này dựa trên các chân lý đã được xác lập. Đây là một dẫn nhập vào khoa học hành động, mà vị trí căn bản của nó như một trung gian giữa suy nghĩ và hiện hữu từ nay đã được hiểu rõ hơn. Blondel luôn gán tầm quan trọng lớn nhất cho vấn đề vinculum substantiale (sợi dây bản thể) và ông đã dành một luận án nhỏ bằng tiếng Latinh của mình cho khái niệm này nơi Leibniz. Sau hai cuốn sách đầu tiên của bộ bốn, điều hình như rõ ràng hơn là hành động chính là mối liên kết chủ yếu và quan yếu, sự kết hợp giữa điều có thực và điều lý tưởng: trong nó hội tụ điều phổ quát và điều đặc thù, đó là vinculum đang thể hiện. Nó được định vị như thế. Blondel vốn không hài lòng khi luôn nghe mình được gọi là triết gia của hành động. Từ nay, sự hiểu lầm này được xóa bỏ và người ta thấy rõ ràng rằng hành động, đặt nền tảng trên hữu thể, cũng ngụ hàm tính khả niệm, trong những gì nó coi là thiết yếu, theo định luật của một trí hiểu và một ý chí có chủ quyền. Hơn nữa, công trình mới không phải là việc đơn giản lấy lại luận án. Tập đầu tiên, hoàn toàn mới, nghiên cứu từ một quan điểm siêu hình về vấn đề các nguyên nhân đệ nhị đẳng và hành động thuần túy. Vì một vấn đề khá tương tự với vấn đề của l’Être et les êtres chắc chắn nảy sinh: làm thế nào xác định được bản chất và chỉ rõ mối tương quan của Nguyên nhân đệ nhất và Nguyên nhân đệ nhị? Theo thuật ngữ hiện đại, người ta gần như có thể nói rằng toàn bộ tập này nghiên cứu sâu về mối tương quan giữa các quan niệm ưng thuận [consentement] và tạo dựng, hoặc nếu người ta thích, tính hoạt động trong chính tính thụ động, “tính chủ động chịu đựng” (pâtir actif). Do đó, đối tượng của nó là xác định bản chất nguyên khởi của hành động. Tập thứ hai nghiên cứu hành động "đang thực hiện" nghĩa là điều tạo nên sự phát triển có phương pháp và bổ ích của nó. Ở một mức độ lớn, nó là việc soạn lại luận án năm 1893, mà nó đã lấy lại nhiều đoạn văn thật dài, chỉ cố gắng làm chính xác hơn để tránh sự phản đối, đôi khi sửa đổi thuật ngữ và nhất là lược bỏ phần kết luận, mà các vấn đề của phần này được chuyển qua cuốn L'Esprit Chrétien. Dù sao, điều gây chú ý cho cuốn la nouvelle Action không hẳn là những gì được thêm vào cho bằng cách nó được liên kết với mọi nỗ lực suy lý trước đó. Như thế, sự thống nhất của ba cuốn sách xuất hiện một cách hoàn toàn rõ ràng và ý định ban đầu và trường kỳ của Blondel được hoàn toàn thanh thoát. “Khắp nơi, một tính hai mặt tạm thời tự áp đặt lên chúng ta, mà chúng ta chỉ ý thức được nhờ một khuynh hướng tự nhiên và không thể xóa nhòa hướng tới sự thống nhất: bất kể, ngay từ đầu, chúng ta đã thấy mình đối đầu với tư tưởng vũ trụ, hay chúng ta xem xét các quá trình của cuộc sống và ý thức trong suốt diễn trình trở thành, hay chúng ta lục lọi Hành động của mình để tìm kiếm mối dây nối kết giữa điều có thực và điều lý tưởng, giữa thực hành và suy đoán, khắp nơi, chúng ta đều gặp ở trung tâm mọi thực tại ngẫu nhiên, một sự bất cập, không hề làm nản lòng, nhưng mở ra một lĩnh vực tiếp theo và áp đặt một sáng kiến dưới sự thúc đẩy của một kích thích mật thiết và bởi sự lôi cuốn của một mục đích cao hơn. Như thế, trong tất cả những gì đang hiện hữu và trong tất cả những gì chúng ta là, trong tất cả những gì chúng ta biết, muốn và làm, một thể vô tận hiện diện khắp nơi, như một cái nêm cắm sâu, không phải để chia cắt, nhưng để thắt chặt và củng cố. Do đó, tư tưởng của chúng ta phải nhận ra nó ở đó, Hành động của chúng ta phải chào đón nó ở đó. Do đó, mà có đặc điểm kép nơi phương pháp của chúng ta: kết nối có tính thuần lý toàn diện, đến mức và bao gồm điều siêu lý (supra-rationel) vốn là điều vô lượng và siêu việt; sự trung thành của ý thức với chuẩn mực thân thiết của nó, đến mức và bao gồm cả việc hiến mình cho chân lý hằng sống, và là nguồn vui ”(L’Action, t. II, p. 14).

Mục đích của bộ ba là quay ngược lại tất cả các sự kiện để khám phá những gì chúng ngụ ý và để làm nổi bật tính cách chưa hoàn tất, thậm chí không thể hoàn tất của tất cả những suy nghĩ, hiện hữu, hành động mà các tạo vật dễ chịu ảnh hưởng. Tính liên tục với cuốn L'Action đầu tiên khá rõ ràng: luôn cùng một kế sách, luôn cùng một phương pháp hàm ngụ và tích hợp cùng một lúc. Một kết luận kép đã đạt được, tạo nên như chứng thư triết học và chân lý tối cao của nó: không thể dẹp bỏ toàn bộ trật tự của sự vật này, một trật tự vốn tự áp đặt một cách bất khả chống cưỡng lên ý thức và tạo thành một vũ trụ nhất quán trong tất cả các bộ phận của nó; không thể khóa nó trong chính nó và không thể đem toàn bộ các phác thảo, chuyển động và mong muốn vốn tạo nên tính năng động của tự nhiên và của tinh thần tới một thể thống nhất khả niệm. Vì vậy, triết học với tư cách là triết học có một công trình cuối cùng cần phải hoàn thành: khảo sát việc một tôn giáo phải thoả mãn các điều kiện nào nếu muốn làm cho việc hoàn thành trở nên khả hữu và liệu Kitô giáo có thỏa mãn những điều kiện này hay không. Theo quan điểm của phép biện chứng hành động, vốn chỉ là một bộ phận của triết học tổng thể, mặc khải xuất hiện như một điều giúp đặt hành động thành một phương trình trong ý thức. Cuốn L’Esprit Chrétien đảm nhận lại nhiệm vụ này, khuếch đại nó và trên hết là chỉ rõ nó: nó tạo thành một triết học tôn giáo, hay nói chính xác hơn, là một triết học về Kitô giáo, còn chính xác hơn nữa, vì cách diễn đạt này còn gây tranh cãi, là một triết lý về Công Giáo. Một triết lý Kitô giáo về tinh thần liên tục có nguy cơ nhầm lẫn; một triết lý của tinh thần Kitô giáo giải cứu được tính tự chủ trong khi khám phá ra các mối liên hệ.

Do đó, bởi vì nó chứa đựng toàn bộ những suy đoán triết học, nên “bộ ba” cho biết rõ những khát vọng và những thiếu sót của chúng ta. Nhưng mục đích trực tiếp của nó là đặt chúng vào tương quan với "các sự ân cần, hứa hẹn, các đại lượng bồi bổ” mà Kitô giáo mang lại. Khoa phê bình triết học và mặc khải Kitô giáo có thể và phải giúp nhau giải quyết vấn đề tối cao về vận mệnh. Điều này không ngụ ý chủ nghĩa duy tín (fidéisme) hay chủ nghĩa tự nhiên hoặc thậm chí là ý định hộ giáo. Làm một triết gia là phải phê bình một cách hợp phương pháp, thậm chí có hệ thống, toàn bộ mọi hoạt động của con người. Kể cả tôn giáo. Lý trí phán xét mọi điều mà không lấy mình làm thước đo mọi điều. Nếu chỉ có con người mới có thể và phải lựa chọn dứt khoát hoặc phò hoăc chống lại siêu nhiên, thì triết học phải đánh giá tính khả niệm của nó. Quả quyết rằng Kitô giáo khả niệm, thì đó là điều Blondel sẽ chứng kinh và điều này nhất quán trong chính nó và nhất quán với toàn bộ các đòi hỏi được bộ ba rút ra. Như thế, cuốn L’Esprit Chrétien mở ra một bước đột phá triết học mới: đó là bước đột phá của một nền Triết học, của một nền Phê bình về Tôn giáo. Nó cung cấp một khía cạnh kép. Một mặt, tư tưởng thuần lý đã làm sáng tỏ các đòi hỏi và nguyện vọng mà mặc khải phải đáp ứng: cần phải khảo sát xem đây có phải là trường hợp của Kitô giáo hay không. Mặt khác, nếu điều này thực sự là như vậy, đến lượt nó, mặc khải này phải nuôi dưỡng chính lý trí, phóng to nó lên cách nào đó và cho phép nó một sự phát triển mà có lẽ chính tự mình nó, nó cũng không biết đến. Bởi thế, kế sách đã được phác thảo rõ ràng và mạnh mẽ. Phải thừa nhận rằng Blondel đã hoàn thành nó không tệ lắm và, đối với một nhiệm vụ vừa mới vừa khó khăn, ông mới chỉ làm được việc mở đường. Tuy nhiên, ông đã rút ra được một ý niệm chính, một ý niệm sẽ phải được lặp lại và làm rõ nét bản chất sâu sắc của triết học cũng như bản chất của tôn giáo: các mầu nhiệm Kitô giáo khác nhau phải giải quyết các bí ẩn triết học, ở cấp độ cao hơn không thể tiếp cận được về phương diện tự nhiên.

Ngoài ra, vì thuật ngữ triết học chỉ sự mơ hồ (ambiguïté) đã được áp dụng cho Merleau-Ponty, nên người ta có thể định nghĩa toàn bộ tư tưởng và thái độ của Blondel như một triết học bí ẩn: triết gia là người di chuyển giữa những bí ẩn, cũng như Kitô hữu là người di chuyển giữa những mầu nhiệm. Các bí ẩn triết học và các mầu nhiệm Kitô giáo đáp ứng lẫn nhau và thúc đẩy lẫn nhau một cách nào đó, không phải theo một suy nghĩ đường vòng, mà tuân theo một "phương pháp vòng xoáy" (méthode cycloïdale) - một chút giống như, theo Teilhard de Chardin, "đường xoắn ốc" (spirale) là hình ảnh của biến hóa. Một lần nữa, vì việc mở rộng mới này của lĩnh vực triết học đã được thực hiện muộn màng, với nhiều điểm yếu và thậm chí thất bại, nên đây là điều người ta phải đồng ý; nhưng vì ở đây có một nỗ lực mới mẻ và mạnh mẽ phi thường, có tính triết học đúng nghĩa, nên điều này dường như cũng là điều không thể phủ nhận.

Kỳ sau: Thân phận triết gia
 
Vietcatholic News