Từ khi nào chúng ta không còn tối thiểu tôn trọng nhau?
Ronald Rolheiser, 2022-03-21
Chúng ta đã mất đi từ khi nào? Từ khi nào chúng ta mất đi ý thức thâm căn cố đế luôn mãi xác nhận, dù bất đồng hoặc thậm chí ghét bỏ nhau như thế nào, chúng ta vẫn phải đồng ý về cách cư xử, tôn trọng và lễ độ tối thiểu với nhau?
Chúng ta đã mất đi điều đó, chí ít cũng mất một phần lớn rồi. Từ cấp độ cao như chính phủ cho đến diễn đàn bình dân nhất trên mạng xã hội, chúng ta đang chứng kiến cái chết của sự tôn trọng, lịch sự và thành thực cơ bản. Dường như không một ai chịu trách nhiệm cho cách cư xử cơ bản hay thành thực nữa. Những chuyện thông thường chúng ta phải phạt trẻ con như chửi thề, khinh miệt sắc tộc, chế nhạo, nói dối, và vô lễ thẳng mặt nhau, bây giờ lại ngày càng được chấp nhận. Đáng ngại hơn là chúng ta thấy mình có lý do chính đáng về mặt đạo đức khi làm thế. Làm người lễ độ, tôn trọng và lịch sự không còn được xem là nhân đức mà là yếu đuối. Lễ độ đã chết.
Ẩn sau chuyện này là gì? Làm thế nào mà chúng ta chuyển từ coi trọng quy tắc xã giao thành một tình trạng đang diễn ra trên mạng xã hội thời nay? Ai cho phép chúng ta chấp thuận để làm như thế trên mặt xã hội và thiêng liêng?
Triết gia Pháp Blaise Pascal từng viết câu nói trứ danh: “Con người không bao giờ làm việc ác một cách trọn vẹn và hớn hở cho bằng lúc họ làm việc đó theo xác quyết tôn giáo”. Nhiều người trích lại câu này sau vụ khủng bố 11-9, như thể họ nhận ra được chuyện này trong chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, khi việc giết người hàng loạt được công chính hóa và được xem là việc làm cần thiết phải làm nhân danh Thượng Đế.
Chắc chắn chúng ta dễ thấy chuyện này nơi người khác, vì Chúa Giêsu đã nói, chúng ta thấy rác nơi mắt người rõ hơn là thấy xà trong mắt mình. Niềm tin sai lầm đã làm cho những kẻ khủng bố hồi giáo chấp nhận phá vỡ mọi quy luật đạo đức này và cũng chính nó cũng đang bắt rễ khắp nơi vào lúc này. Tại sao lại thế? Nhiệt tâm kiểu tôn giáo cho những gì họ tin là đúng và niềm tin cho rằng, có thể đối xử tệ bạc vì chính nghĩa chân lý, thời nay tâm thức này đang áp đảo mọi nơi chính nó làm cho chúng ta chấp nhận mình trở nên bất kính, bất lương và lỗ mãng nhân danh sự thật, sự thiện và Thiên Chúa. Lề lối tự xem mình hành động như ngôn sứ biến chúng ta thành những chiến binh chân lý.
Nhưng chính nó là thứ xa rời chân lý nhất. Thù hận và bất kính luôn là phản đề với tính chất ngôn sứ. Như lời linh mục Dòng Tên Mỹ Daniel Berrigan, ngôn sứ là người mang lời thề yêu thương chứ không phải lời thù hận. Như Chúa Giêsu, ngôn sứ khóc thương cho bất kỳ “thành Giêrusalem” nào đáp trả hành động ngôn sứ của Ngài bằng thù hận. Một ngôn sứ không bao giờ xem nhẹ mệnh lệnh bất khả xâm phạm là phải luôn biết tôn trọng và thành thực, bất chấp chúng ta làm vì chính nghĩa gì. Không có một chính nghĩa cao lớn nào, dù là về mặt xã hội hay thiêng liêng, có thể cho chúng ta quyền miễn trừ những quy luật lễ độ nhân văn cơ bản.
Nhiều người phản đối chuyện này, nói rằng chính Chúa Giêsu cũng đã gay gắt với những ai chống đối Ngài. Đúng là Ngài đã gay gắt. Nhưng Ngài không bất kính và vô lễ. Hơn nữa, ẩn dưới những thách thức Ngài dành cho những kẻ chống đối, luôn có một tình thương đồng cảm thiết tha của người cha người mẹ hướng đến đứa con hoang đàng, chứ không phải là sự thô bỉ đê tiện mà ngày nay chúng ta thấy nơi chính phủ, trên mạng xã hội và trong sự hận thù không đội trời chung của nhiều hệ phái tư tưởng thời nay.
Chân lý có thể gay gắt và đương đầu với chúng ta bằng những thách thức dữ dội, nhưng nó không bao giờ bất kính. Bất kính là dấu hiệu không thể lầm lẫn rằng người đó không đúng, rằng người đó không có đạo đức tốt, và với chúng ta, có thể nói rằng, người đó không nói chuyện với Thiên Chúa, với sự thật, với điều thiện. Người nào bất chấp những quy luật căn bản của tình yêu, người đó là tiên tri giả, chỉ biết chăm chăm vào tư lợi và sự thật nào có lợi cho mình.
Thật không dễ để giữ cân bằng trong thời đại chua cay này. Cám dỗ ngả theo một hệ tư tưởng và làm thỏa mãn mình, có vẻ là thứ con người không thể cưỡng lại. Tuy nhiên, dù chúng ta ngả theo hướng nào, tả hay hữu, sẽ luôn đi kèm với một mức độ biện minh, vô lễ, bất kính và bất lương nào đó. Cùng với đó, là cả sự tự công chính hóa như những người đã chống đối Chúa Giêsu và tin rằng họ có lý do chính đáng để bất kính và bạo lực nhân danh Thiên Chúa.
Thời đại cay đắng, vô số thù hận và dối trá, sự phân cực đối chọi lẫn nhau, tất cả cám dỗ của chúng ta chạy theo lối hành xử tự nhiên là mắng chửi, bất kính, thiếu lịch sự và bất lương, bất kỳ khi nào có một sự thật hay dối trá có lợi cho chúng ta. Ngược đời thay, thách thức cho chúng ta là hướng ngược lại. Với sự sụp đổ lễ độ của thời này, tiếng gọi của sự thật và từ Thiên Chúa phải thận trọng, kỹ lưỡng và cương quyết hơn bao giờ hết.
Chúng ta sẽ sống với nhau đến vô tận, cùng ngồi chung một bàn. Chúng ta hay những người bất đồng với chúng ta, đâu có chuẩn bị để ngồi lại bên cùng một chiếc bàn, diện đối diện với thù hận, bất lương, bất kính và bất đồng, như thể chiếc bàn đó có thể bị gạt qua một bên bằng bạo lực và quyền lực.
Đến tận cùng, không phải tất cả mọi người ngồi vào bàn tiệc vĩnh hằng đều thích người kia ở đời này, nhưng tất cả sẽ phải tử tế, tôn trọng và thành thực nhất ở đời sau.
J.B. Thái Hòa dịch
http://phanxico.vn/2022/03/22/tu-khi-nao-chung-ta-khong-con-toi-thieu-ton-trong-nhau/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét