Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu Năm A

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu Năm A


BÀI ĐỌC I: Đnl 7, 6-11
"Chúa đã yêu thương và tuyển chọn các ngươi".
Trích sách Đệ Nhị Luật.
Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi là một dân hiến thánh cho Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã chọn các ngươi để làm dân riêng của Người giữa mọi dân tộc trên mặt đất. Không phải vì các ngươi đông số hơn mọi dân tộc khác mà Thiên Chúa gắn bó với các ngươi và tuyển chọn các ngươi, vì thực ra, các ngươi ít số hơn mọi dân tộc khác; nhưng vì Chúa đã yêu thương các ngươi và giữ lời đã thề hứa với tổ phụ các ngươi rằng: Người dùng tay mạnh mẽ mà dẫn đưa và cứu chuộc các ngươi khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaon vua Ai-cập. Các ngươi sẽ biết rằng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, chính Người là Thiên Chúa hùng mạnh, trung thành giữ lời giao ước và lòng thương xót với những kẻ yêu mến Người, và những kẻ tuân giữ lề luật Người cho đến muôn thế hệ. Người báo oán ngay những kẻ thù ghét Người, bằng cách tiêu diệt chúng không trì hoãn, trả báo tức khắc như chúng đã đáng tội. Vì vậy các ngươi hãy tuân giữ điều răn, nghi lễ và lề luật mà ta truyền cho các ngươi hôm nay, để các ngươi thi hành". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 10
Đáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại, từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người (c. 17).
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa! Toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Đáp.
2) Người đã thứ tha cho (ngươi) mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. - Đáp.
3) Chúa thi hành những việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. - Đáp.
4) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Ga 4, 7-16
"Thiên Chúa thương yêu chúng ta trước".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta.
Các con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta: là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng nhận rằng Chúa Cha đã sai Con mình làm Đấng Cứu Thế.
Ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy, và người ấy ở trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Mt 11, 29ab
Alleluia, alleluia! - Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 11, 25-30
"Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho.
"Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng". Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Lòng mến của Thiên Chúa muôn đời tín nghĩa
Ngày lễ Thánh Tâm Chúa Yêsu mà cả trong ba bài đọc không có một lời nào trực tiếp nói đến Trái Tim Người! Ðiều đó không làm chúng ta buồn, vì tuy không có lời nhưng lại đầy ý; không có danh từ nhưng nội dung lại chan chứa. Và điều đó cho chúng ta hiểu lễ Thánh Tâm tuy rất mới, vì chỉ buộc trong cả Giáo hội từ năm 1856 và gần 200 năm sau những cuộc thị kiến và vận động của thánh Magarita Maria Alacoque, nhưng lại có nền tảng xa xưa và xa xưa đến nỗi thoạt đầu Giáo hội không thấy cần phải lập ra lễ này vì ý của nó vẫn được Giáo hội cử hành từ buổi đầu. Do đó việc lập ra lễ Thánh Tâm Chúa Yêsu chỉ có ý làm nổi bật lên một mầu nhiệm hằng tiềm ẩn trong Phụng vụ. Và chúng ta phải suy niệm về mầu nhiệm ấy trong ngày lễ hôm nay.
Ðó là mầu nhiệm về lòng Thiên Chúa yêu thương loài người, biểu lộ nơi lòng Chúa Yêsu yêu thương chúng ta, để chúng ta cũng có một trái tim giống như Người, tức là chia sẻ lòng Người yêu thương hết thảy.

A. Lòng Chúa Yêu Thương Loài Người
Tác giả sách Thứ luật là người thứ nhất có thể giúp đỡ chúng ta suy nghĩ về lòng Chúa yêu thương nhân loại nói chung và cá nhân nói riêng. Ông thuộc thời Cựu Ước. Nhưng tư tưởng của ông rất mới mẻ. Nhiều tác giả trước ông đã nói đến lòng Chúa thương dân. Ông đào sâu những tư tưởng ấy và viết nên đoạn văn chúng ta đọc hôm nay một cách sâu sắc.
Ta nên nhớ đây là thời gian sau Lưu đày. Lối nhìn của tác giả đã chịu ảnh hưởng của thời cuộc. Trước kia dân Dothái nhiều khi cho mình là lớn. Vào thời hoàng đế Salomon chẳng hạn, nữ hoàng phương Nam nghe tiếng đã phải đến thăm. Thành ra người ta tự phụ, coi mình là dân đông đảo. Nhưng sau Lưu đày, ai còn có những tư tưởng như vậy? Assyria đã đè bẹp dân cứng đầu cứng cổ như hòn đá đè trên trái trứng. Tuy nhiên chính lúc nhục nhã ấy, tác giả sách Thứ luật mới thấy tình Chúa đối với dân thật là thắm thiết.
Ông dùng những từ ngữ gợi lên những tương giao phu phụ mà Kinh Thánh vẫn dùng để nói về tương quan giữa Chúa với Dân Người. Ông viết: Người đã đem lòng quyến luyến các ngươi và đã chọn các ngươi... Người yêu mến các ngươi và giữ lời thề... Người trung tín, tín nghĩa với các ngươi... Những từ ngữ đó, đọc trong tương quan phu phụ, sẽ ý nghĩa biết bao và làm chứng Thiên Chúa là người hôn phu lý tưởng, tha thiết gắn bó với người mình thương.
Và như vậy, không phải Dothái là dân tộc to lớn. Ngược lại là dân ít người hơn mọi dân, là dân không ai để ý đến, giống như Ðavít khi còn là đứa trẻ nhỏ nhất, đang phải chăn cừu, không đáng cha sai người đi gọi về khi trong nhà có khách quý là Samuel đến xức dầu cho người Chúa chọn. Nhưng chính đứa bé tóc hoe đó mới là kẻ mà Chúa bảo Samuel: Hãy đứng lên xức dầu cho nó. Chúng ta gợi lại câu chuyện này là vì khi nói Chúa "chọn" Israel, tác giả sách Thứ luật hôm nay dùng chính từ ngữ trong câu chuyện Ðavít. Ông muốn nói lên lòng bao dung quảng đại chiếu cố của Thiên Chúa đối với một dân thật là bé nhỏ. Thế mà Người đã nâng lên bậc công nương và trở nên sản nghiệp hay "kho tàng" của Người, như viết trong giao ước: các ngươi sẽ là dân sở hữu của Ta.
Sách Xuất hành (20,5-6) cũng có đoạn nói đến giao ước giữa Chúa và dân với những lời lẽ như sau: Ta là Thiên Chúa hay ghen tương, phạt tội trên con cháu đến ba bốn đời đối với những ai ghét Ta, và giữ nghĩa dư ngàn với những ai yêu mến Ta và giữ các lệnh truyền của Ta.
Còn ở đây trong đoạn văn Thứ luật này, sau khi nói Thiên Chúa đã gắn bó với dân bằng giao ước, mặc dầu nhỏ bé, tác giả viết: Ta là Thần trung tín, tín nghĩa với những ai yêu mến cho đến ngàn đời, Ðấng oán trả cho mỗi ai thù ghét Người nơi chính thân mình nó.
Thoạt nghe chúng ta không thấy khác bao nhiêu. Nhưng đọc kỹ lại, chúng ta sẽ thấy tác giả sách Thứ luật như đã biến đổi Dung Nhan của Thiên Chúa trong sách Xuất hành. Trước kia chúng ta thấy ngay Người là Ðấng hay ghen tuông phạt tội trên con cháu đến ba bốn đời; còn nơi sách Thứ luật trước hết Người là Thần trung tín, tín nghĩa đến ngàn đời và chỉ phạt tội chính người lỗi phạm.
Như vậy bài sách Thứ luật đã đưa chúng ta gần đến Tân Ước. Và nó cho chúng ta thấy lòng Chúa chan chứa tình thương. Người quyến luyến chiếu cố đến thân phận yếu hèn của chúng ta. Nâng chúng ta lên bậc nghĩa thiết. Trung tín thi thố tình thương cho đến ngàn đời và bất đắc dĩ mới phải phạt tội những ai thù ghét Người. Lời khuyên của sách Thứ luật dĩ nhiên là chúng ta hãy giữ lệnh truyền của Người để lưu lại mãi trong tình Người thương mến. Nhưng điều mà tác giả chưa thấy được là Người vẫn thương tội nhân nơi lòng Chúa Yêsu.

B. Tình Thương Biểu Lộ Nơi Lòng Chúa Yêsu
Ðiều này theo lời Chúa Yêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay, hạng khôn ngoan thông thái không hiểu được, vì Chúa Cha chỉ mạc khải cho những kẻ bé mọn. Thời Tân Ước cũng như Cựu Ước, tình thương của Chúa vẫn tìm đối tượng nơi những kẻ bé nhỏ. Hơn nữa, như Matthêô viết hôm nay, đối tượng ưu việt lại là những người lao đao vác nặng. Chắc chắn, Matthêô không nghĩ nguyên đến những người lam lũ vất vả về phần xác. Chữ "vác nặng" trong Kinh Thánh thường gợi đến gánh nặng của Luật pháp Dothái, của những sức mạnh gò bó con người. Ðó là hạng người được Chúa ưu đãi đến nỗi Người đã sai Con Một của Người xuống thế, để hôm nay tiếng người Con gióng lên: hết thảy hãy đến với Ta và Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức, tức là được cảm thấy nhẹ nhàng, tự do.
Người làm thế nào? Matthêô đã viết: Người mạc khải cho họ mọi sự đã được Chúa Cha trao phó cho Người, để họ biết Cha như Con biết Cha. Những lời tuy trừu tượng nhưng rất thâm sâu. Chính chữ mạc khải đã có nghĩa là vén màn, vén lòng mình ra cho người ta có thể thấy. Phải, ai đến với Chúa Yêsu sẽ được Người mạc khải cho, tức là vén lòng, vén trái tim Người ra cho người ấy được xem. Và xem gì? Người nói: xem tất cả mọi sự mà Chúa Cha đã trao phó cho Người. Và thử hỏi có gì mà Chúa Cha đã không trao phó cho Người? Với lại chúng ta đừng nghĩ ngay đến những sự tầm thường của thế giới chúng ta. Những sự mà Chúa Cha đã trao phó cho Chúa Yêsu để Người vén lòng cho chúng ta được thấy và được nhận lãnh, trước hết phải là những sự mà Phaolô nói: mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng trí loài người chưa bao giờ mường tượng được. Ðó chính là Trái tim của Chúa Cha, tình yêu của Người, sự sống và hạnh phúc vô biên của Thượng Ðế, là chính bản tính của Thiên Chúa. Ðó là những sự mà hạng khôn ngoan thông thái hết sức tìm mà chẳng bao giờ thấy. Và chỉ những ai bé mọn mới được Cha trên trời mạc khải cho, để họ "biết" Cha, như Con biết Cha, nghĩa là để họ mật thiết, thân cận, thắm thiết với Chúa Cha như Chúa Con.
Chúng ta không thể nói thêm, vì ai có thể nói được tình yêu mà chỉ một mình cảm thấy? Chúng ta có kinh nghiệm về tình yêu loài người mà có viết bao nhiêu cuốn tiểu thuyết cũng hãy còn khách quan, nhạt nhẽo. Huống nữa là khi các thánh viết về tình yêu Chúa! Chúng ta chỉ biết rằng: Lời Chúa chân thật. Hôm nay chính Người nói: ai đến với Người, sẽ được Người vén lòng Người lên để thấy tất cả tình yêu của Chúa Cha đã trao phó cho Người, hầu "biết" Chúa Cha tức là hiểu và hiệp thông thắm thiết với Ðấng đã lựa chọn mình vì mình bé nhỏ.
Những lời Phúc Âm ấy thật hợp để suy nghĩ trong ngày lễ Thánh Tầm hôm nay. Và suy nghĩ phải dẫn đến hành động, khi đó những lời thư Yoan sẽ rất quý hóa.

C. Chúng Ta Hãy Yêu Thương Anh Em
Yoan là nhà thần học thâm thúy. Nghe đọc bài thư của ông hôm nay, không dễ hiểu tí nào. Phải đọc đi đọc lại, lượm ra những tư tưởng chủ yếu rồi xếp đặt lại, khi ấy ta sẽ thấy sung sướng.
Tư tưởng của ông thế này: Nếu Thiên Chúa yêu thương ta dường ấy, thì ta cũng phải yêu mến nhau (c.11). Lời khuyên có vẻ quen thuộc. Nhưng xét theo luận lý, dường như không chỉnh; vì nếu Thiên Chúa yêu ta dường ấy, thì ta phải đáp trả chứ sao lại phải yêu mến nhau? Ðặt vấn đề như vậy bó buộc ta phải căn vặn Yoan. Và ông sẽ khai triển cho ta lý luận của ông cũng là thần học về tình yêu.
Thiên Chúa là lòng mến (c.8). Ta biết được như vậy là vì Người đã yêu thương ta. Và không phải đã yêu thương ta bất cứ thế nào. Nhưng Người đã biểu lộ tình thương đặc biệt trong việc sai Con Một Người đến trong thế gian để ta được sống nhờ Ngài. Có thể nói Thiên Chúa đã gửi cả tấm lòng của Người xuống cho ta nơi Con Một Người nhập thể cứu đời. Hơn nữa phải nói mạnh hơn, Người đã gửi cả sự sống và hạnh phúc của Người xuống thế gian nơi Ðức Yêsu Kitô là Ðấng đã được Người "trao phó mọi sự" như Phúc Âm đã nói. Vì yêu thương ta, Thiên Chúa đã đến lưu lại nơi con người Ðức Yêsu Kitô.
Nhưng chưa hết, nơi Ðức Yêsu Kitô, Thiên Chúa còn yêu thương ta đến nỗi đã phó nộp mình vì ta để đền thay tội lỗi ta (c.10). Như vậy, tình yêu Thiên Chúa đã biểu lộ nơi thân hình tử nạn thập giá của Ðức Yêsu Kitô.
Rồi từ nơi cạnh sườn của Ðấng chịu đóng đinh, Nước Thánh Thần đã chảy đến thanh tẩy mọi tâm hồn khiến tình mến của Thiên Chúa đã chuyển đến chúng ta. Chính nhờ được Ðức Yêsu Kitô thông ban Thần Khí của Người cho ta (c.13) mà lòng mến của Thiên Chúa đã nên trọn ở nơi ta (c.12). Lòng mến ấy đã từ Ngôi Cha dàn sang Ngôi Con, dàn sang lòng Ðức Yêsu Kitô, dàn đến chúng ta khi Thần khí Ðức Kitô tràn ngập lòng ta qua cái chết vì yêu thương của Ngài.
Bây giờ mang lòng mến Chúa ở trong mình, chúng ta được ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa lưu lại ở nơi chúng ta. Chúng ta có thể "biết" Người theo nghĩa vừa hiểu vừa mật thiết kết hợp với Người, khiến Ðấng Thiên Chúa mà người thông thái khôn ngoan không thấy được, những kẻ bé mọn như chúng ta lại biết được vì Thiên Chúa đang lưu lại ở nơi chúng ta. Người là tình mến. Người hằng yêu mến. Ở trong ta Người cũng thương yêu. Yêu ai nữa bây giờ? Yêu tha nhân, yêu mọi người. Thế nên kẻ không yêu mến anh em, tất không có Thiên Chúa ở nơi mình, và không biết Người (c.8). Thành ra, nếu Thiên Chúa yêu thương ta dường ấy thì ta cũng phải yêu mến nhau.
Như vậy bài thư Yoan đã đưa tư tưởng của hai bài Kinh Thánh khác trong thánh lễ hôm nay đến chỗ thực hành. Bài sách Thứ luật cho chúng ta thấy lòng mến của Thiên Chúa muôn đời tín nghĩa. Bài Tin Mừng biểu lộ lòng mến đó nơi Ðức Yêsu Kitô hầu thế gian thấy Thiên Chúa yêu thương loài người lao đao vác nặng qua Trái Tim nồng nàn của Chúa Cứu Thế. Thánh Yoan như trỏ cho chúng ta thấy lòng mến chan chứa của Thiên Chúa đang trào ra từ Thánh Tâm Chúa Yêsu Tử nạn Phục Sinh, để chúng ta đón nhận lấy hầu biết Thiên Chúa và biết yêu mến anh em.
Ngày lễ Thánh Tâm do đó là ngày chạy đến với Chúa Yêsu để được nhiều tình mến hầu chỉ còn sống bằng yêu mến. Cứ dấu này làm chứng ta biết Thiên Chúa là chúng ta yêu mến anh em. Vậy, nếu chúng ta chưa yêu mến anh em đủ, thì này thánh lễ đưa chúng ta vào mầu nhiệm Thánh giá, nơi chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã sai Con của Người đến làm hy sinh đền thay vì tội lỗi chúng ta. Chúng ta sẽ nhận được thêm tình mến nếu dự lễ sốt sắng. Và đã dự lễ sốt sắng thì chúng ta cũng phải ra về với nhiều tình mến hơn.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Năm A
Bài đọc: Deut 7:6-11; 1 Jn 4:7-16; Mt 11:25-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa được diễn tả tuyệt vời qua Đức Kitô.
Tình yêu có lẽ là một đề tài được nói đến nhiều nhất trong cuộc sống con người. Điều này không lạ vì tình yêu là động lực chi phối mọi hoạt động của con người. Nhưng khi phải định nghĩa tình yêu là gì, thì mọi người đều lúng túng. Thi sĩ Xuân Diệu định nghĩa “yêu là chết trong lòng một ít.” Định nghĩa này chắc chắn bị nhiều người bác bỏ, nhất là những người đau đớn vì bị tình phụ. Văn sĩ Antoine de Saint-Exupéry định nghĩa “yêu không phải là ngồi nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng.” Định nghĩa này cũng không ổn, vì làm sao kiếm được người nhìn cùng một hướng như mình trong hết mọi sự. Thánh Gioan trong Thư thứ nhất có lẽ cho một định nghĩa sâu sắc và tuyệt vời nhất: “Thiên Chúa là tình yêu.” Tuy nhiên, định nghĩa này có tính cách thần học và cần được diễn giảng cách rõ ràng hơn.
Các bài đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm giúp chúng ta hiểu tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua những biểu lộ rất cụ thể trong lịch sử, và nhất là qua Đức Kitô. Trong bài đọc I, tác giả Sách Thứ Luật nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa đã yêu và chọn lựa dân tộc Israel làm dân riêng của Ngài trước khi họ biết và đáp trả lại. Ngài đã làm giao ước với các tổ phụ để bảo vệ họ và Ngài đã trung thành với giao ước đó suốt đời. Trong bài đọc II, thánh Gioan cũng nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa đã yêu thương con người trước vì Ngài là tình yêu. Thiên Chúa yêu con người đến độ Ngài sẵn sàng hy sinh Người Con Một để đền tội cho con người; hy sinh Người Con Một là hy sinh chính Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu biết mọi con người đều phải vất vả và gồng gánh nặng nề, nên Ngài kêu gọi tất cả hãy đến với Ngài để được Ngài dạy dỗ và cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người.
1.1/ Thiên Chúa đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. Để hiểu những lời này, chúng ta cần phải trở về với Sách Sáng Thế, khi Thiên Chúa chọn Abraham và làm giao ước với ông (Gen 17:5-10). Theo giao ước này, Ngài sẽ cho ông một dòng dõi và sẽ ban Đất Hứa là đất Canaan cho dòng dõi của Abraham cư ngụ. Phần Abraham và dòng dõi của ông, họ phải cắt bì và tuân giữ mọi điều Thiên Chúa truyền dạy. Tác giả Sách Thứ Luật xác quyết lý do duy nhất Thiên Chúa làm những điều này là vì Ngài yêu thương anh em, chứ không phải bất cứ một lý do nào khác: “Thật vậy, anh em là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân.” Điều này hiển nhiên, vì khi Thiên Chúa làm giao ước này, dân tộc Israel chưa có mặt trong cuộc đời, và Abraham chưa có Isaac, người con sẽ sinh ra một dòng dõi.
Thế rồi theo thời gian, dòng dõi Abraham được sinh ra và tăng trưởng qua Isaac và Israel cùng với các con của ông. Vì Giuse, con của Israel, làm quan Tể Tướng bên Ai-cập, ông đã đem cha và các anh em sang định cư bên Ai-cập. Họ đã gia tăng dân số rất nhanh, nhưng bị người Ai-cập đối xử rất dã man và tìm đủ mọi cách để triệt sản. Họ kêu cầu lên Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã dùng ông Moses và Aaron để đưa dân ra khỏi Ai-cập, vào sa mạc để được thanh luyện và gần gũi Thiên Chúa, trước khi tiến vào Đất Hứa. Tác giả Sách Thứ Luật vắn tắt tiến trình này như sau: “Chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharao, vua Ai-cập.”
1.2/ Thiên Chúa của anh em là Thiên Chúa trung thành: Giao ước được ký kết giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Theo truyền thống con người, nếu một bên vi phạm bất cứ điều nào đã ký kết, giao ước sẽ trở nên vô hiệu. Đọc lại lịch sử của dân tộc Israel, một người sẽ nhận thấy Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài đã hứa; phản bội luôn đến từ phía dân tộc Israel. Tác giả Sách Thứ Luật cũng xác quyết điều này: “Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người.”
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa là tình yêu.
2.1/ Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước: Tác giả Thư Gioan thứ nhất dạy chúng ta nhiều điều quan trọng về tình yêu:
(1) Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vì yêu thương con người, và nếu Ngài ghét bỏ điều gì, điều đó sẽ không có mặt trong cuộc đời. Mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa: tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ, anh em, bạn hữu...
(2) Ai yêu thương, người ấy được Thiên Chúa sinh ra: Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh (selem) và đức tính (demut) của Ngài (Gen 1:26; 5:1-3). Con người giống Thiên Chúa nhất ở đức tính con người biết yêu thương. Thánh Gioan xác tín: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.”
(3) Cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa: Ngài đã biểu lộ bằng nhiều cách trong vũ trụ và trong lịch sử; nhưng theo thánh Gioan, cách biểu lộ tuyệt vời nhất là Ngài đã hy sinh cho chúng ta Người Con Một: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.”
(4) Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Thiên Chúa là Người đi bước trước. Ngài yêu thương con người khi họ chẳng có gì đáng yêu cả, khi họ vẫn còn là các tội nhân: “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.”
2.2/ Chúng ta cũng phải yêu thương nhau: Như đã nói trên, điều làm cho con người giống Thiên Chúa nhất là họ biết yêu thương: họ biết yêu thương đáp trả tình yêu Thiên Chúa và biết yêu thương nhau. Thánh Gioan truyền cho các tín hữu của Ngài: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” Tính hỗ tương của tình yêu còn được nhấn mạnh hơn nữa trong Tin Mừng Gioan: “Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Jn 15:9). “Như Thầy yêu mến anh em thế nào, anh em cũng phải yêu mến nhau như vậy” (Jn 13:34).
Có nhiều loại tình yêu khác nhau trong cuộc đời như tình yêu lãng mạn giữa trai gái, tình yêu chung thủy giữa vợ chồng, tình yêu huynh đệ giữa anh em hay những người chung chí hướng, tình yêu thương xót khi gặp người đau khổ... Đức Giáo Hoàng Benedict trong Thông Điệp Deus Caritas Est, # 10-11, cho rằng tất cả tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhưng tất cả tình yêu này đều bất toàn so với tình yêu của chính Thiên Chúa, vì cách nào đó chúng vẫn còn tính vị kỷ. Tình yêu hoàn hảo nhất mà con người cần đạt đến là tình yêu của Thiên Chúa, vì với tình yêu này, con người có thể yêu thương tha nhân như chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Với tình yêu này, con người có thể đáp ứng những đòi hỏi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthew, chương 5, là yêu thương ngay cả kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta...
3/ Phúc Âm: Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan và thông thái (sophos, sunetos) với kẻ bé mọn (nêpios), để nói với khán giả: họ cần có thái độ của trẻ thơ là tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Một thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản họ nhận ra những gì Ngài muốn mặc khải cho họ.
3.1/ Kiến thức về Thiên Chúa: "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."
(1) Chúa Giêsu là người biết về Chúa Cha rõ ràng hơn ai hết: Động từ Hy-lạp dùng ở đây là "epiginôskô," biết như một con người hay sự vật là. Con người hiểu biết về Thiên Chúa với nhiều cấp độ khác nhau; nhưng chỉ có Chúa Giêsu hiểu biết Thiên Chúa trong cấp độ hoàn hảo nhất. Điều này không ngạc nhiên, vì Chúa Giêsu là chính Lời hay tư tưởng của Thiên Chúa. Ngài và Cha Ngài là một.
(2) Con người biết Thiên Chúa qua mặc khải của Chúa Giêsu: Nếu Thiên Chúa không chọn để mặc khải cho con người, con người không bao giờ có thể biết Thiên Chúa. Đức Kitô chính là mặc khải của Thiên Chúa; Ngài đến để mặc khải cho con người biết về Chúa Cha, như Ngài đã tuyên bố với các môn đệ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha.” Hơn nữa, để con người có thể hiểu những mặc khải này, họ cần được Thánh Thần do Chúa Cha sai tới để hướng dẫn và thúc đẩy từ bên trong.
3.2/ Hai điều quan trọng chúng ta cần học hỏi cùng Chúa Giêsu: Người môn đệ tuy vẫn phải mang ách và mang gánh nặng; nhưng họ không mang chúng theo cách của thế gian, mà mang chúng theo cách của Đức Kitô. Để biết mang ách và gánh đúng cách, họ cần phải học với Đức Kitô. Hai nhân đức quan trọng họ cần học nơi Ngài:
(1) Hiền lành: Đây là mối thứ hai trong Bài Giảng Trên Núi. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có quyền tiêu diệt những ai nói những lời xúc phạm, đánh đòn, và giết chết Ngài; nhưng Ngài đã không làm những chuyện đó. Ngài chọn con đường tha thứ: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Ngài hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa. Ngài dạy phải thương yêu, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù. Con người cũng thường có khuynh hướng yêu thích những ai hiền lành, nhã nhặn, và tha thứ.
(2) Khiêm nhường: là nhân đức diệt trừ tính kiêu ngạo, tội đầu tiên trong bảy mối tội đầu. Không ai thích người kiêu ngạo và tâm lý chung chẳng ai thích người hay “nổ.” Khiêm nhường là biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người khiêm nhường biết mọi sự mình có được là do Thiên Chúa ban, nên họ không huyênh hoang lên mặt với người khác; nhưng biết dùng tài năng để mở mang Nước Chúa và phục vụ anh em. Người kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa và luôn bất an vì sợ người khác hơn họ. Họ bất an khi không nhận được những gì họ muốn và khó chịu với mọi người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa trước khi chúng ta có thể đáp trả lại tình yêu của Ngài.
- Tình yêu phải được diễn tả bằng hành động. Chúa Cha biểu lộ tình yêu của Ngài bằng cách hy sinh Người Con Một cho con người. Đức Kitô biểu lộ tình yêu bằng cách hy sinh chết trên trên Thập Giá cho con người. Chúng ta cũng phải biểu lộ tình yêu bằng cách hy sinh cho nhau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét