Trang

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Mầu nhiệm lên trời: các hoa trái đầu tiên của xác thịt và thần khí

Mầu nhiệm lên trời: các hoa trái đầu tiên của xác thịt và thần khí


“Lên Trời là một bước tiến nữa trong việc thâm hậu hóa sợi dây liên kết của Chúa Kitô với Giáo Hội, và qua Giáo Hội, với toàn thể vũ trụ: ‘Người đã lên… để làm cho vũ trụ được viên mãn’ (Eph 4:10)”.

Thế kỷ thứ tư, một mệnh phụ Rôma giầu có tên là Poemenia đã cho xây một nhà thờ trên Núi Cây Dầu, nơi Chúa Kitô về trời. Thánh điện này có một tháp vòm lộ thiên để tín hữu có thể ngắm bầu trời trong khi cử hành phụng vụ. Ở các thánh điểm khác tại Đất Thánh, khách hành hương luôn tìm cách bước theo dấu chân Chúa Giêsu; còn ở đây, họ ngước mắt hướng lên bầu trời nơi, theo trình thuật của Thánh Luca, Thầy Chí Thánh ra đi lúc Người thăng thiên. Theo lời thầy Luis de León, việc chia tay này với Chúa Giêsu cũng như đám mây “quyện lấy Người” đem Người đi khỏi tầm nhìn của ta cho phép ta đọc mầu nhiệm này trong hoài nhớ. Dòng Thánh Augustinô có dành một bài thơ cho Thăng Thiên để trách Chúa Giêsu ra đi: “Còn Ngài, hỡi Mục Tử thánh thiện, bỏ đoàn chiên Ngài ở lại thung lũng này, sâu hoắm và tối đen, trong cô đơn và sầu khổ, xé nát bầu khí thanh trong, Ngài trẩy về chốn bất tử, an tòan và an ninh ư?”. Bài thơ này tiếp tục than vãn nỗi bất hạnh của những kẻ mất Thầy, những kẻ tội nghiệp và sầu khổ, không còn biết quay về đâu. Thi sĩ Péguy cũng phát biểu cùng một tình cảm này trong Mầu Nhiệm Bác Ái Của Gioan Thành Arc. Các nhà thờ trong thế giới Kitô Giáo, với những đền thánh vĩ đại và các bổn mạng danh tiếng, chẳng bao giờ so sánh được với những người và những nơi từng được chứng kiến từng bước chân của Chúa Giêsu, từng cầu khẩn Người và thậm chí còn được đụng tới vạt áo Người: 

“Hỡi các giáo xứ Pháp, giáo xứ ấy đã được ban điều chưa bao giờ được ban cho các ngươi, điều từ thuở đời đời chưa bao giờ được ban cho bất cứ giáo xứ nào khác… Hạnh phúc thay người phụ nữ đã đổ dầu thơm lên chân Người, đã xức thuốc thơm lên đầu Người… lên chân Người, lên đầu thân thể Người… Mọi đấng thánh nam thánh nữ đang chiêm ngưỡng Chúa Giêsu ngự bên tay phải Chúa Cha. Và ở đó, ở thiên đàng, Người có, người có thân xác làm người của Người, thân xác nhân bản trong trạng thái vinh hiển, vì Người là thế nào thì Người lên Thiên Đàng thế ấy, vào ngày thăng thiên. Nhưng ngươi, chỉ một mình ngươi, ngươi được thấy, ngươi được rờ, người nắm được thân xác nhân bản ấy trong tính nhân loại của nó, trong tính nhân loại chung, từng bước đi ngồi xuống trên mảnh đất chung của chúng ta này”.

Tuy nhiên, các Tin Mừng từng thuật lại việc ra đi của Chúa Kitô không hề cho phép ta đọc cuộc Thăng Thiên một cách hoàn toàn hoài nhớ. Thánh Luca, chẳng hạn, nhấn mạnh tới niềm vui các tông đồ đem trở lại Giêrusalem, một niềm vui lớn gợi nhớ lại việc Đấng Mêxia sinh ra, và do đó đem việc hạ sinh này tới chỗ hoàn tất (xem Lc 2:10 và 24:52). Đây là niềm vui của những người từng gặp gỡ đức tin (xem Cv 8:8 và 15:3), thực sự đã dự phóng niềm vui trọn vẹn của Chúa Thánh Thần, được Chúa Giêsu nói cho các tông đồ hay ở Buổi Tiệc Ly (Ga 16:24 và 17:13). Như thế, các tông đồ đâu có hiểu Thăng Thiên như một mất mát; đúng hơn, các ngài đã được ban cho một dư thừa mới. Chính Chúa Giêsu bảo đảm với các ngài rằng “Thầy đi thì tốt hơn cho các con” (Ga 16:7). Điều này có nghĩa: trong mọi mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Giêsu, Thăng Thiên gần gũi nhất đối với chúng ta; nó là khởi điểm của Đức Tin và của Chúa Kitô và của việc chiêm ngắm con người và việc làm của Người. Như Romano Guardini từng nhận định, trong các trước tác Tân Ước, các thư của Thánh Phaolô, trên thực tế, dễ hiểu nhất đối với người tin, bất chấp tính phức tạp biểu kiến của chúng. Chỉ khi nào lấy giáo huấn của Thánh Phaolô làm hậu cảnh, tín hữu mới có thể tiếp cận các tin mừng nhất lãm mà không sợ giải thích sai lầm chúng. 

Dù điều này xem ra nghịch lý, nó vẫn có ý nghĩa sâu xa: kinh nghiệm của Thánh Phaolô giống kinh nghiệm của ta nhiều hơn cả. Ngài không thấy cũng chẳng rờ được Chúa Giêsu, như những người khác lúc Người còn trên cõi thế; đúng hơn, ngài biết Người qua ánh sáng đức tin và quyền lực Chúa Thánh Thần. Trong khi thánh nữ Maria Mađalêna muốn bám lấy Chúa Kitô phục sinh (xem Ga 20:17) để thánh nữ tiếp tục có được các tiếp xúc với Người theo cách quen thuộc xưa nay, thì thánh Phaolô viết rằng “dù có lần ta đã biết Chúa Kitô theo thân xác, thì nay, ta không còn biết Người như thế nữa” (2Cor 5:16). Không lạ gì Thánh Augustinô coi Lễ Thăng Thiên là đỉnh cao của năm phụng vụ. 

Nguồn suối sự sống Kitô Giáo phát nguyên từ đây, trong cách thế hiện diện khác biệt của Chúa Giêsu, một sự hiện diện đã được khai mạc trên Núi Cây Dầu. Ở lúc Thăng Thiên, tín hữu nhận được các phương hướng chính cho cuộc sống của mình với Chúa Kitô; cấu trúc của nhiệm cục bí tích và của ý nghĩa cùng sứ mệnh của Giáo Hội; và đặc điểm mới của kỷ nguyên Kitô Giáo, trong đó, thời cuối cùng đã khởi đầu. Ta phải hiểu ra sao về tính đồng thời của việc vừa hiện diện vừa vắng bóng được biến cố Thăng Thiên này làm chứng? Để trả lời cho câu hỏi này, ta hãy bắt đầu nghiên cứu trình thuật của Thánh Luca.

1. Trình thuật Lên Trời

Thánh Luca không phải là tác giả duy nhất kể với chúng ta việc Chúa Kitô lên trời. Sự kiện này được làm chứng dưới hình thức này hay hình thức nọ trong toàn bộ Tân Ước. Nó là thành phần trong trình thuật sơ truyền (kerygmatic) thuật lại cuộc đời Chúa Giêsu và sau này, nó đã bước vào Kinh Tin Kính. Tuy thế, tin mừng gia thứ ba là người thuật lại biến cố này một cách chi tiết hơn cả và đem lại cho nó một tầm quan trọng dứt khoát trong công trình soạn tác của mình. Khung cảnh diễn ra tại Giêrusalem, vốn là điểm đến của Chúa Giêsu và là điểm phát khởi sứ mệnh của Giáo Hội. Chính vì thế, Thánh Luca có thể kết thúc tin mừng của ngài bằng biến cố này, rồi thuật lại nó một lần nữa như một thứ khai mào cho Công Vụ. Thăng Thiên là một mầu nhiệm, giống như thần Janus, nhìn cả đàng sau lẫn đàng trước. 



Trước nhất, mầu nhiệm này đi vào quá khứ, đem hành trình của Chúa Kitô đến chỗ hoàn tất. Thánh Luca trình bày cảnh này như để kết thúc đoạn lồng vào (inclusion) thật dài, bắt đầu với các trình thuật tuổi thơ. Ở đây, một lần nữa, Thánh Luca nói tới “niềm vui lớn” từng dùng để mô tả biến cố Truyền Tin (xem Lc 2:10 và 24:52). Mọi sự đều được định vị gần Đền Thờ, nơi các môn đệ thường tới lui để cầu nguyện, và là nơi diễn ra câu truyện của Giacaria, được Thánh Luca sử dụng để khởi đầu tin mừng của ngài. Đàng khác, ta còn được kể về lời chúc lành cuối cùng của Chúa Giêsu, lời chúc lành mà thân phụ Tẩy Giả đã không thể nào ban cho dân chúng được vì ông thiếu đức tin. 

Điều đặc biệt quan trọng là phải chú ý tới mối liên kết giữa Phục Sinh và các lần Chúa Kitô hiện ra. Trình thuật của Thánh Luca cho ta cảm tưởng này: Chúa Giêsu đã sống lại, hiện ra với các môn đệ và lên trời vào ngày thứ nhất trong tuần. Như thế, trình thuật đã làm nổi mối liên kết rất chặt chẽ giữa mọi biến cố vượt qua. Do đó, Thăng Thiên đã kết thúc mọi cuộc hiện ra của Chúa Kitô. Cũng một Chúa Giêsu từng đồng hành với các môn đệ trên đường Emmau và hiện ra với các môn đệ ở Phòng Trên Lầu, đã tự để Người được thấy, được tiếp xúc, đã ăn uống với các môn đệ (Cv 10:41), nay kết thúc thời kỳ mầu nhiệm hiện ra trong thân xác phục sinh của Người. Sự kiện này làm mầu nhiệm Thăng Thiên khác hẳn các trình thuật ngoại giáo về việc được đưa lên trời, và khác với các cuộc lên trời khác được kể trong Cựu Ước, như cuộc lên trời của Tiên Tri Êligia: ở đây, Đấng lên trời là Đấng đã phục sinh; thân xác Người đã chiếm hữu được đặc tính phi thường của thân xác đã được thiêng liêng hóa, đầy vinh quang. Thân xác mất hút sau đám mây là thân xác đã chiến thắng cái chết. 

Thứ hai, Thăng Thiên cũng được cột chặt với lịch sử tiếp theo, được kể trong Tông Đồ Công Vụ. Ở đây, ta nên nhắc lại việc chúc phúc vĩ đại ở đoạn kết Tin Mừng Luca, một chúc phúc trùng hợp với biến cố Thăng Thiên, và do đó được bất tử hóa trong tâm trí các chứng nhân tận mắt (Lc 24:50). Chúa Giêsu ra đi trong một tư thế đáng lưu ý, với đôi tay trải rộng trên các môn đệ. Ta nên hiểu rằng trong Cựu Ước, chúc phúc là một hình thức Thiên Chúa liên tục hiện diện với dân Người giữa mọi thăng trầm của cuộc đời, đặc biệt bao lâu sự hiện diện này đem lại sự sống: Giavê giáng phúc cho mưa cho nắng, làm ruộng đồng mầu mỡ, ban con cháu cho súc vật và con người. Như thế, quả là lầm lẫn khi coi Thăng Thiên như một kết thúc. Đúng hơn, nó đánh dấu buổi đầu của một thời đại tăng trưởng và mầu mỡ mới. Như thế, chương mở đầu Sách Công Vụ không phải là một lặp lại dư thừa: dù nó thuật lại cùng một mầu nhiệm, nhưng đã thuật lại dưới một ánh sáng mới, với một vọng nhìn về tương lai, về các hiệu quả mà mầu nhiệm này sẽ phát sinh trong đời sống Giáo Hội. Khi Chúa Kitô ngự bên tay phải Chúa Cha, tức biến cố đánh dấu đỉnh cao của Thăng Thiên, ta sẽ thấy rõ ta phải hiểu Thăng Thiên như là mầu nhiệm việc Thầy chí thánh tiếp tục hiện diện với các môn đệ suốt giòng lịch sử. Thánh Máccô làm nổi bật viêc này ở phần kết luận Tin Mừng của ngài: sau khi lên trời, Chúa “cùng hoạt động với các môn đệ” (Mc 16:20). Còn trong Công Vụ, chủ đề nước Thiên Chúa và địa vị chúa tể lịch sử của Người (xem Cv 1:6: “thưa Thầy, có phải lúc này là lúc Thầy sắp sửa khôi phục vương quyền cho Israel không?”) đã được tách biệt khỏi quan tâm quá đáng về việc tính toán ngày giờ chính xác cho biến cố tận thế, để hiểu chúng dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đấng sẽ ban cho các tông đồ quyền lực của Người: “Các con không cần biết thời giờ hay kỳ hạn… Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên các con” (Cv 1:7). 

Tính đặc thù của mầu nhiệm này nêu lên nhiều câu hỏi. Trước nhất, là câu hỏi về mối tương quan giữa Thăng Thiên và Phục Sinh. Thăng Thiên có đem lại điều gì mới không? Hay nó chỉ là một khía cạnh khác của Phục Sinh, tức việc nâng Chúa Giêsu lên vinh quang Chúa Cha? Và đâu là ý nghĩa của 40 ngày hiện ra với các môn đệ mà theo Thánh Luca đã kết thúc với việc Chúa Kitô lên trời? Đàng khác, ta cũng phải tìm hiểu mối liên hệ giữa Thăng Thiên và thời của Giáo Hội: Chúa Giêsu hiện diện cách mới mẻ ra sao với các môn đệ đến nỗi họ tràn ngập niềm vui khi thấy Người ra đi (Lc 24:52)? Tại sao Người cần phải ra đi, tại sao sứ mệnh của Người cần được trải dài đến lúc này khi “chúng tôi yêu mến Chúa Giêsu, dù không thấy Người” (xem 1 Pr 1:8)? Trước nhất, ta hãy xem xét mối liên kết giữa Thăng Thiên và Phục Sinh. 

2. Phục Sinh và Thăng Thiên

Hiện nay, đang có lối giải thích rất phổ thông coi Thăng Thiên chỉ là một khía cạnh của Phục Sinh. Nhiều đoạn trong Tân Ước trình bày Phục Sinh như việc trở lại với sự sống và được hiển dương hay được tôn vinh trên cao. Từ đó có thể nói rằng nếu Phục Sinh tự nó đã là việc được nâng cao lên với Chúa Cha rồi, thì biến cố có tính lịch sử là Thăng Thiên đâu có thêm điều gì có tính yếu tính cho Phục Sinh nữa. Thực vậy, Chúa Kitô không cần phải lên trời, nghĩa là bước vào lãnh vực Thần Linh, vì điều này chính là điều đã xẩy ra rồi trong việc phục sinh của thân xác Người. 

Để hỗ trợ cho quan điểm này, ta cần phải nói rằng sự Phục Sinh của Chúa Giêsu không được hiểu đơn giản chỉ là việc “trở lại với sự sống”. Một điều có tính yếu tính vốn phân biệt nó với các phép lạ khác như việc làm cho Ladarô hay làm cho con trai bà góa Thành Naim sống lại. Thân xác ra khỏi mồ của Chúa Giêsu là thân xác không thể hư nát được nữa; thân xác vinh hiển của Người đã tham dự vào sự sống của Thiên Chúa và do đó đã đạt được lối hiện hữu không thể bị khuất phục nữa, một lối hiện hữu được phát sinh mới mẻ cho Thiên Chúa nhờ Thần Khí thánh thiện (xem Rm 1:4). 

Ấy thế nhưng điều này khiến ta tự hỏi: điều gì đặc trưng đối với mầu nhiệm Thăng Thiên? Có thể có những câu trả lời như sau. Ta có thể bác bỏ ngay từ đầu bất cứ lý thuyết nào cho rằng đây chỉ là một việc bất hợp pháp vì đã biến chân lý Kitô Giáo thành một huyền thoại theo kiểu các tôn giáo Hy Lạp lúc ấy. Thực vậy, điều đứng đàng sau hậu cảnh của trình thuật Tân Ước là chứng từ của Cựu Ước, vốn phản ảnh lịch sử của một dân tộc đang lên đường tiến về hướng Giavê; và mục đích của hoạt cảnh Thăng Thiên chính là tính cụ thể hoàn toàn của lịch sử cứu độ, hoàn toàn ngược lại với huyền thoại. Như Walter Kasper từng viết, ở đây mythica antimythica dicunt (huyền thoại bị chính ngôn từ huyền thoại tiêu diệt). 

Tuy nhiên, dù bác bỏ giả thuyết vừa kể, người ta vẫn có thể cho rằng Thánh Luca đơn thuần sáng chế ra một lý thuyết thần học để giải thích điều xẩy ra lúc Phục Sinh, tách biệt hóa một số khía cạnh của mầu nhiệm để rồi khai triển chi tiết cái hiểu của riêng ngài về lịch sử cứu độ. Thời của Chúa Giêsu được nối tiếp bằng thời của Giáo Hội; và Thăng Thiên đảm bảo liên tục tính giữa hai thời này. Tự nó, Thăng Thiên không có vị trí gì cả ngoại trừ để phát biểu cách cụ thể một chân lý nền tảng. Nếu phải rút ra luận lý học của quan điểm này, thì hẳn nhiên đây là một bác bỏ không những chân lý Thăng Thiên như là một biến cố lịch sử cụ thể, mà còn bác bỏ luôn các lần hiện ra sau Phục Sinh nữa. Điều này đặt đức tin vào chỗ sai lầm của thuyết huyễn tượng (docetism); đối với thuyết này, Phục Sinh là một biến cố hoàn toàn nội tâm. 

Một khả thể khác là chấp nhận rằng các lần hiện ra có diễn ra, nhưng phải coi chúng như một thứ quá trình thích nghi của các môn đệ. Họ cần có thời gian để hiểu Phục Sinh, là biến cố đảo lộn hết cái hiểu của họ về thế giới, về con người, và về Thiên Chúa. Họ cần vững tâm đối với chân lý Phục Sinh của Chúa Giêsu, được đụng chạm vào Người bằng thân xác; và điều này đơn thuần đòi một kiên nhẫn thích đáng đối với thân xác. Lối nhìn này có tính đến một sự kiện quan trọng và có lưu tâm thoả đáng tới tính thể xác của Phục Sinh. Tuy nhiên, điều đáng để ý ở đây là: Thăng Thiên không được coi như có liên hệ tới chính Chúa Kitô. Nó chỉ là lần hiện ra cuối cùng sau Phục Sinh, chỉ là một hiện ra nữa trong một loạt hiện ra, chỉ khác biệt vì nó được dùng để kết thúc thời kỳ cần thiết cho việc thiết lập các trụ cột cho Giáo Hội. Tức là, lối giải thích này không phân biệt Phục Sinh và Thăng Thiên trong liên hệ với chính Chúa Giêsu, nhưng chỉ liên hệ tới việc tiếp nhận các biến cố vượt qua của các môn đệ mà thôi. Trong lối nhìn này, trọng điểm của Thăng Thiên chỉ có tính giáo huấn.

Vấn đề bao quanh sự dị biệt giữa Phục Sinh và Thăng Thiên khá tế vi. Quả là khó khi cố gắng hiểu thân xác vinh hiển là như thế nào, càng khó hơn nữa là muốn hiểu một thứ trạng thái trung gian, tức trạng thái Chúa Giêsu từ từ được vinh hiển hóa trong thân xác của Người; khó mà có sự gia tăng gì nơi Người vì Người là Đấng đã hưởng trọn sự viên mãn cuối cùng, tức sự viên mãn dứt khoát và không thể vượt qua được. Tuy nhiên, trước khi giải quyết các khó khăn liên quan tới các quan niệm này, tưởng nên tìm hiểu các từ ngữ của vấn đề, hiểu rõ hơn ở đây muốn nói tới điều gì.

Một đàng, điều chủ yếu là phải nhấn mạnh tới mối liên kết mật thiết giữa hai mầu nhiệm này. Trình thuật của Thánh Luca không tách rời chúng, dù có phân biệt. Một động lực duy nhất đã phát khởi từ Vọng Phục Sinh, kéo dài suốt thời gian có các cuộc hiện ra, và lên tới tột đỉnh ở lúc Thăng Thiên. Ta có thể nói rằng khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, thì Người luôn như một Đấng “đang ở trên đường” từ từ tiến về Chúa Cha; ta không thể “bám” vào Người. Khó có thể nhận ra mặt Người vì đây là gương mặt đang chuyển động hướng về Chúa Cha trên cao; gương mặt Người đã thay đổi, như một âm thanh khi nguồn của nó di chuyển xa ta. 

Như thế, điều chủ yếu là duy trì sự thống nhất của hai mầu nhiệm, như các sách Tin Mừng vốn làm, luôn trình bày Phục Sinh như một sự tôn vinh, hay một việc lên trời, dù chưa minh nhiên dùng chữ Thăng Thiên. Đàng khác, tính thống nhất này ngăn cản ta không được quên sự thật của Phục Sinh, vốn không đơn thuần chỉ là việc trở lại với sự sống, mà đúng hơn là sự viên mãn trong liên hệ với Chúa Cha; sự bất tử vốn được hiểu là việc con người trở thành con cái mới của Thiên Chúa.

Đàng khác, hai biến cố vẫn cần được phân biệt với nhau. Cho dù phải bênh vực tính thống nhất của Phục Sinh và Thăng Thiên, ta cũng vẫn phải tránh không được che dấu việc Chúa tỏ mình ra cho các môn đệ và việc này nữa: các lần Người hiện ra với các môn đệ đều diễn tiến trong một diễn trình thời gian. Theo tác phẩm của Đức HY Walter Kasper về vấn đề này, câu hỏi của chúng ta ở đây được nối kết với đặc điểm lịch sử của Kitô Giáo. Ơn cứu rỗi diễn ra trong lịch sử và do đó sở hữu được tính mới mẻ và bất phản hồi riêng của nó; thực vậy, đó chính là điều bảo đảm cho tính nhưng không của ơn cứu rỗi, không thể coi nó như một điều Thiên Chúa mắc nợ con người, như một điều gì con người có “quyền”, như một nhu cầu mà bản chất của tạo dựng đòi phải có. Như đã nhận định trên đây, chủ trương Thăng Thiên có đặc điểm lịch sử là bác bỏ bất cứ lối giải thích nào muốn biến nó thành một thứ huyền thoại. Vì não trạng huyền thoại nhìn lịch sử chỉ như một chu kỳ lặp đi lặp lại một mẫu biến cố đã được ấn định từ thuở đời đời, một chu kỳ bắt buộc phải diễn ra theo một thứ tất yếu bi thảm nào đó.

Ý niệm sau đây, một ý niệm được Kaspers nhấn mạnh, có tính hết sức chủ yếu: Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu không làm mất thời gian tính của bản tính nhân loại nơi Người; dù đã được hiển vinh, Chúa Giêsu vẫn không bước sang một thứ cảnh vực bên ngoài lịch sử. Nhà thần học người Đức này cho rằng “sự kiện Thánh Luca mô tả việc Chúa Giêsu lên hưởng vinh quang Thiên Chúa như một con đường, theo chúng tôi, có nghĩa là trong và qua sự Phục Sinh của Người, Chúa Giêsu không những tiếp nhận cho mình không gian mà cả thời gian nữa và Người dấu thời gian này trong Thiên Chúa, để đưa ra ánh sáng sự viên mãn của mọi thời gian và kết hợp các thời gian này trong chính Người”. Kasper không nói rõ thêm về sự phân biệt giữa Phục Sinh và Thăng Thiên, dù ngài quả có kết luận rằng sự phân biệt giữa hai mầu nhiệm do Thánh Luca đưa ra nói lên một khía cạnh nền tảng của Phục Sinh, và do đó, hợp lý. 

Một cuộc nghiên cứu gần đây của D.Farrow đã nhấn mạnh tới sự khác nhau giữa hai mầu nhiệm và nhận định rằng làm mờ đường răn giữa hai mầu nhiệm này là một điều nguy hiểm. Thí dụ, Farrow cho rằng có thể có cái nguy cơ thiêng liêng hóa sự Phục Sinh. Nếu Thăng Thiên thực sự không xẩy ra, thì giá trị của khoảng thời gian sau Phục Sinh khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ cũng sẽ không còn; vì lúc đó, người ta có thể giải thích những lần hiện ra này chỉ như những cảm nghiệm chủ quan của các môn đệ mà thôi. Điều này dễ dàng dẫn tới ý tưởng sau: điều xảy ra lúc Phục Sinh là một biến cố ngoại sử (extra-historical), chứ không hẳn là cơ sở và là sự viên mãn của chính lịch sử. Nghĩa là: nếu ta đánh mất Thăng Thiên, thì việc này chắc chắn sẽ dẫn tới một thứ “huyễn tượng luận cánh chung” (eschatological docetism) tức là ta sẽ đánh mất sức nặng và sự rắn chắc của thân xác vinh hiển của Chúa Giêsu. Càng duy trì được tính hiện thực của những lần hiện ra sau Phục Sinh và của Thăng Thiên, ta càng khó bị rơi vào những mơ hồ vừa kể. 

Farrow cũng nhấn mạnh rằng hòa lẫn hai biến cố thành một sẽ rơi vào một lầm lẫn có tính Giáo Hội học. Thực vậy, Thăng Thiên giúp ta nhìn nhận sự kiện này: Chúa Giêsu lìa khỏi ta. Và làm thế, nó bảo đảm sự phân biệt giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúa Giêsu không đơn thuần hiện diện một cách hoàn toàn trong Giáo Hội. Nhìn dưới ánh sáng này, các lời than van của Thầy Luis de Leon, mà chúng ta nhắc tới ở đâu bài này, xem ra không hoàn toàn không có căn bản. 

Farrow cho rằng nếu ta bỏ Thăng Thiên đi, thì điều này sẽ dẫn tới việc tuyệt đối hóa Giáo Hội, như thể sự hiện diện của Chúa Giêsu đã bị Giáo Hội hoàn toàn hoàn hợp (consummated), như thể Giáo Hôi phần nào thay thế hẳn cho Thầy Chí Thánh. Nhờ phân biệt hai cách thế gặp gỡ Chúa Kitô, tức cách gặp gỡ của các nhân chứng đầu tiên và cách gặp gỡ của các tín hữu khác, Thăng Thiên nhắc ta nhớ rằng cách ta tìm thấy Chúa Giêsu không đơn thuần nhờ Phục Sinh, mà nhờ tất cả những gì tiếp theo sau việc Thăng Thiên; ta là những người “không thấy mà tin” (Ga 20:29). 

Ta phải nói gì về đề xuất này? Dù nhận cho quan tâm của Farrow có giá trị đi chăng nữa, ta vẫn phải nói rằng ông đã không lưu ý đủ tới một điểm quan trọng: cách Chúa Giêsu hiện diện với ta sau Thăng Thiên thực ra hoàn hảo hơn cách Người hiện diện với các môn đệ trước Thăng Thiên, và tính vô hình của sự hiện diện này không làm nó bớt có tính xác thân (corporeal). 

Ta phải hòa giải việc cần phải duy trì tính thống nhất của hai mầu nhiệm này với việc cần phải phân biệt chúng ra sao? Tìm hiểu 40 ngày Chúa Giêsu sống với các môn đệ sau Phục Sinh sẽ giúp ta trả lời câu hỏi này. 
3. Bốn mươi ngày sau Phục Sinh của Chúa Giêsu

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu cho phép các môn đệ đước thấy và rờ tới Người; Người ăn uống với họ (Cv 10:41) cho tới ngày Người lên trời. Cái khó mà chúng ta đã thảo luận trên đây, là phải hiểu như thế nào về sự viên mãn vốn đã có ở lúc Phục Sinh dưới ánh sáng sự tôn vinh Chúa Giêsu từ từ diễn ra sau đó. Trong khoảng thời gian tiếp sau cuộc Phục Sinh, có thể nào Thầy Chí Thánh trải nghiệm một sự gia tăng trong vinh quang của Người, cho tới độ điều ta thấy trên Núi Cây Dầu tương ứng thực sự với điều Con Thiên Chúa trải nghiệm?

Bất cứ câu trả lời nào cho câu hỏi trên phải bắt đầu với thân xác phục sinh của Chúa Giêsu, là thân xác, khi được hiển vinh, không trở thành thứ thân xác có tính siêu trần (ethereal corporeality), một thân xác ta khó có thể gọi được là thân xác đúng nghĩa. Đúng hơn, nó là sự viên mãn của điều ta vốn hiểu như là hiện hữu thân xác. Nếu đúng như thế, thì, vì mối liên kết giữa thân xác và thời gian, thời gian tính của thân xác phục sinh không thể đơn thuần biến mất được. Trái lại, lúc này, thân xác vẫn phải có tính “thời gian” một cách càng sâu xa hơn nữa. Chúa Giêsu phục sinh tiếp tục “có” thời gian vì nhân loại và với nhân loại. 

Chiều kích này, một chiều kích ta đã nghiên cứu trên đây nhờ các tìm tòi của Kasper, cũng đã được nhấn mạnh trong nền thần học lịch sử của Hans Urs von Balthasar. Đối với thần học gia này, bốn mươi ngày giữa Phục Sinh và Thăng Thiên là giai đoạn quan trọng trong lịch sử cứu rỗi. Vậy đâu là ý nghĩa của khoảng thời gian này? Balthasar làm nổi bật sự kiện này: Đấng Sống Lại không sống “bên ngoài” thời gian, trong một vĩnh cửu phi thời gian. Trái lại, nay là lúc Người chiếm hữu một thứ thời gian mới, một thứ thời gian đã được làm hoàn hảo, và do đó thoát khỏi mọi thiếu sót vốn là đặc điểm của thời gian tính bằng lịch của ta. Chính lúc hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu muốn xác nhận với họ sự hiện diện liên tục của Người trong lịch sử, một hiện diện đã được làm cho trọn vẹn nhờ sự phục sinh của Người.



Nhà thần học Basel nhấn mạnh tới khả năng của Chúa Giêu trong việc đồng hành với ta trong chính thời gian của ta; ông thấy chứng cớ rõ ràng nhất của khả năng ấy trong 40 ngày này. Như Balthasar từng giải thích, vì sự viên mãn của thời gian trong đó Chúa Giêsu sống sau Phục Sinh không thể thay đổi được, nên việc hiện ra sau Phục Sinh giúp ta hiểu được cách thế Người hiện diện thực sự với ta sau Thăng Thiên. Do đó, Giáo Hội có thể chắc mẩm rằng, bất chấp tính vô hình của Thầy Chí Thánh mình, Chúa Giêsu vẫn đồng hành với Giáo Hội trong cuộc lữ thứ trần gian. Tuy nhiên, đối với Balthasar, có một dị biệt quan trọng ở đây: trong khi Chúa Giêsu cho phép các môn đệ thấy và rờ tới Người trong 40 ngày này, thì nay Người hiện diện với ta trong các bí tích. Nhưng, trong căn bản, vẫn có sự đồng nhất giữa hai giai đoạn này. 

Và vì hình thức thời gian thuộc về Chúa Kitô phục sinh không thể nào thay đổi với việc Thăng Thiên của Người, nên điều cần thiết phải nắm vững là: hình thức thời gian được tỏ hiện trong thời gian 40 ngày này mãi là nền tảng cho mọi hình thức hiện diện khác của Người trong thời gian, trong Giáo Hội, và trong thế giới. Cách thế hiện diện của Người, được tỏ bày trong 40 ngày này, là hình thức tối hậu của thực tại nơi Người. Việc Thăng Thiên của Người không làm Người ra xa lạ với thế giới. Người lồng 40 ngày này giữa Phục Sinh và Thăng Thiên để chỉ cho các môn đệ thấy một cách trực tiếp và rờ mó được thực tại mà với nó Người sẽ mãi mãi ở với họ “mọi ngày cho tới lúc tận cùng thế giới” (Mt 28:20). 

Ta phải nhấn mạnh với Balthasar sự viên mãn của Chúa Giêsu phục sinh, cũng như tính liên tục của việc Người hiện diện cả trước và sau khi lên trời. Tuy nhiên, ta vẫn cần phải tìm hiểu một cách thật chi tiết đâu là sự khác biệt giữa các lần Chúa Kitô hiện ra sau Phục Sinh, và sự hiện diện có tính bí tích của Chúa Giêsu đã lên trời. Há sự thay đổi trong cung cách các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu không có nghĩa một thay đổi ngay trong sự hiện hữu của Thầy Chí Thánh đó sao? Để trả lời câu hỏi này, ta phải đào sâu hơn nữa sự phân tích của ta về bản chất thời gian của Chúa Giêsu sau Phục Sinh. 

Ta nên mô tả ra sao cách thế mới Chúa Kitô cảm nghiệm thời gian? Trước nhất, không hề có đặc điểm “tiêu cực” nào trong cảm nghiệm này cả. Thời gian của Chúa Kitô phục sinh là thời gian đã được thể hiện một cách hết sức viên mãn. Do đó, Chúa Giêsu không “chịu” sự tiếp diễn của thời gian; đúng hơn, thời gian hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của Người. Vì thời gian sau Phục Sinh của Người dư tràn sự sống, nên ta có thể nói rằng Người xác định cách thế để tuôn đổ sự hiện diện của Người ra trong lịch sử, một cách tự quyền như vua chúa. Thời gian này không áp đặt lên Chúa Giêsu như một gánh nặng, mà nó cũng không phải là một vết thương mở toang để qua đó, sự hiện hữu lọt vào. Nó là một thời gian không biết tới buồn chán hay vội vã. Như thế, ta phải nghĩ lại cảm nghiệm của ta về thời gian và nhìn nó dưới một ánh sáng mới, một thời gian đã được gạn sạch mọi tha hóa (alienation) từng xẩy ra cho ta sau Cơn Sa Ngã của nguyên tổ. Nếu lý tưởng cứu rỗi của ta là tuyệt đối kiểm soát được đời mình, thì chắc chắn ta muốn được giải thoát khỏi thời gian, vì giòng chẩy của thời gian không hề nằm dưới quyền thống trị của ta. Việc này đưa tới một quan điểm lý tưởng hóa về cứu rỗi, tức thoát khỏi mọi may rủi tùy thể của lịch sử. Dĩ nhiên, cảm nghiệm của ta về thời gian cũng có thể được nhìn cách khác. Thời gian xem ra có vẻ mâu thuẫn với ảo giác của ta muốn kiểm soát hoàn toàn các khả năng cũng như các liên hệ của ta với thế giới. Bất cứ ai biết nhìn nhận rằng căn tính của họ bị cột vào thời gian đều luôn phải đấu tranh với các yếu tố ở bên ngoài các kế sách riêng của họ: quá khứ đã vượt quá tầm kiểm soát, còn tương lai thì mãi mãi là chuyện họ không biết chắc. Như thế, thời gian bắt ta phải hiểu sự sống như một điều gì đó cởi mở, như một điều gì đó có tương quan. Trong một tầm nhìn như thế, ta có thể thấy thời gian như một mở cửa chào đón người khác, như một hình thức hiện hữu có tính bản vị sẵn sàng chào đón hiệp thông và nhờ thế tự nâng cao hơn chính mình. Thí dụ, thời gian giúp tôi tương quan với những ai đi trước tôi trong đời, mà từ họ, tôi đã nhận được các điều kiện để triển khai lịch sử riêng của tôi. Đàng khác, hiện hữu trong thời gian là điều đem lại sự mới mẻ và sự ngạc nhiên đầy ơn phúc cho từng cuộc gặp gỡ, điều mà tôi vốn không thể nào diễn dịch từ bất cứ tiền đề quá khứ nào. Điều này nữa: sống trong thời gian khiến ta tin chắc rằng chỉ có tình yêu, chỉ có cảm nghiệm hứa hẹn, mới đáp ứng được nhu cầu thống nhất của ta và mới vượt qua được sự phân chia cuộc sống ta thành quá khứ, hiện tại và tương lai. 

Điều trên mang lại cho ta một giải thích tích cực về thời gian. Trước nhất, thời gian, khi dõi nhìn về quá khứ, tự ý thức được việc mình có nguồn gốc từ người khác. Trên căn bản này, thời gian giúp ta khám phá ra: Thiên Chúa là nguồn sự sống và giúp ta biết lắng nghe tiếng gọi của Người và kế hoạch của Người dành cho ta. Điều này có giúp ta hiểu việc Chúa Giêsu sống chiều kích thời gian này như thế nào không? Đấng Sống Lại sống thời gian của Người trong một tâm tình con thảo trong sáng, như cơ hội để Người tiếp nhận các hồng phúc của Chúa Cha; quá khứ của Người khiến Người nhìn nhận rằng Chúa Cha là Nguồn Gốc không ngừng sinh ra Người, luôn luôn hiện diện và luôn luôn hoạt động. Thứ hai, trong chiều kích tương lai của nó, thời gian được coi như một cơ hội đem sự sống đến cho một điều gì đó, mà khi từ ta phát sinh ra, nó sẽ lớn hơn chính ta: đây chính là cảm nghiệm mầu mỡ (fecundity), hay khả năng đem lại sự sống, trao ban cho người khác điều ta đã tiếp nhận được từ Thiên Chúa. Sống hướng về tương lai có nghĩa: sự hiện hữu của ta sẵn sàng mở cửa đón chào việc sinh hoa kết trái. Một lần nữa, Chúa Giêsu cũng đã sống chiều kích này một cách viên mãn. Qua sự Phục Sinh của Người, Người là chính sự hiến tặng sự sống trọn vẹn, một nguồn suối tự thông truyền cho Giáo Hội và sinh hạ Giáo Hội cho Thiên Chúa. Thứ ba, trong giòng chẩy hiện tại của nó, thời gian của ta là một đơn nhất trong đa dạng, một diễn tiến liên tục của quá khứ, hiện tại và tương lai. Ta chỉ có thể vượt qua được sự ngắt quãng hiện nay giữa quá khứ và tương lai, giữa tương lai và hiện tại, nhờ một lời hứa được đưa ra và được duy trì, vì lời hứa bảo đảm tính liên tục cho căn tính của ta trong thời gian. Và bởi thế, lúc Phục Sinh, Chúa Giêsu sống thời gian của Người theo lời hứa hẹn của Thiên Chúa, như một thời gian đã được thống nhất hóa nhờ lòng trung thành của Chúa Cha và nhờ đáp trả trung tín của Chúa Con. 

Như thế, với Phục Sinh, thời gian của Chúa Giêsu đã vượt qua được cửa ngõ sự chết và trở thành một thời gian mới, sống trọn vẹn trong tình yêu dành cho Chúa Cha, Đấng được thừa nhận là Nguồn Gốc và Đích Đến. Phục Sinh đem tới một thời gian thiêng liêng, nghĩa là một thời gian được sống như một cởi mở trọn vẹn cho tương quan (với Chúa Cha và với con người). Theo nghĩa này, ta có thể nói rằng thời gian đã đi vào vĩnh cửu, một vĩnh cửu hiểu như là một trao đổi yêu thương liên tục và năng động giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.

Thời gian phục sinh hay thời gian thiêng liêng là thời gian trong đó, quá khứ được giải thích theo cách thế sinh làm con (filiality), như việc được hạ sinh từ Chúa Cha; tương lai được giải thích như khả năng trao ban sự sống; còn hiện tại được giải thích như một nối kết lòng trung thành với một lời hứa, trong đó, trọn vẹn sự đáp trả của Chúa Con tương ứng với hồng phúc của Chúa Cha. Các phân biệt riêng của thòi gian vẫn không biến mất; thực vậy, các phân biệt này rất chủ yếu nếu ta biết tôn trọng thứ bậc và tính năng động của việc các ngôi vị hiệp thông với nhau. Nhờ sự viên mãn của thời gian, Chúa Giêsu trở thành Chúa của thời gian: Chúa của quá khứ, một quá khứ đến trước Người, trở lui tới tận Ađam, và Chúa của tương lai, một tương lai diễn ra giữa việc Phục Sinh của Người và việc Người sẽ trở lại trong vinh quang. 

Đến đây, ta có thể trở lại với câu hỏi của ta liên quan tới sự phân biệt giữa thời gian trước và thời gian sau Thăng Thiên. Ta đã cho rằng thời gian thiêng liêng của Chúa Kitô đã trở thành sự viên mãn của sức mạnh tương quan. Nó không phải là một trạng thái không có thời gian nhân bản, mà thực ra có nghĩa này: Chúa Kitô đồng hành theo nhịp thời gian của ta một cách còn gần gũi hơn nữa. Bởi thế, Phục Sinh không đem Chúa Kitô ra khỏi thời gian, mà đúng hơn là điều giúp Người dìm mình trọn vẹn hơn trong thời gian. Thực vậy, ta mới là những kẻ không sống trong cái viên mãn của thời gian; chính ta mới là những kẻ đôi lúc cảm thấy thời gian đã qua khỏi ta. Như nhân vật trong tiểu thuyết của Vassily Grossman, chính ta mới là những kẻ xem ra thời gian đã bỏ xa, và nay ta chỉ là “những đứa con ghẻ của thời gian”. 

Thiển nghĩ đặc điểm tương quan này của thời gian nhân bản, một đặc điểm đã nên trọn trong Chúa Giêsu, đã mở ra khả thể có nhiều giai đoạn trong việc Chúa Kitô được tôn vinh. Ở đây, chúng ta không có ý quả quyết rằng thời gian của Chúa Kitô, tự nó, vẫn còn cần được thống nhất và viên mãn. Đúng hơn, chúng ta muốn xem sét thời gian của Chúa Kitô trong tương quan với mọi người đồng loại khác của Người, một tương quan vốn nội tại trong chính thời gian tính. Xét như thế, chỉ khi nào lịch sử đã hoàn toàn chung cục thì thời gian của Chúa Giêsu mới chung cục. Quan niệm thời gian này khiến ta có thể quả quyết rằng Thăng Thiên làm gia tăng sự tôn vinh của Chúa Con. Một gia tăng như thế không nhất thiết hàm nghĩa Chúa Kitô không làm chủ thời gian; đúng hơn, nó cho thấy tình yêu khiêm tốn của Người, Đấng, dù trong vinh quang, vẫn sống phù hợp, trong mọi sự, với sự khiêm tốn nơi các môn đệ của Người là những kẻ vẫn còn sống trong thân xác. Tóm lại, nếu cách thế trong đó Giáo Hội sống thời gian của mình thay đổi, thì sự thay đổi này cũng được phản ảnh nơi Chúa Giêsu. Và do đó, chính chiều kích tương quan trong thời gian của Chúa Kitô đã tạo ra sự tuần tự gồm các giai đoạn khác nhau trong cuộc hiện hữu sau Phục Sinh của Người, mà nổi bật nhất là việc Thăng Thiên và việc Người sẽ đến lại trong vinh quang, vì các thay đổi quan trọng do hai biến cố này đem lại cho đời sống các môn đệ. 

Để hiểu các giai đoạn khác nhau này một cách chi tiết hơn, ta phải lưu ý tới các thay đổi trong phương cách Chúa Giêsu hiện diện với các môn đệ sau khi Người sống lại. Các bản văn Tin Mừng phân biệt thời gian các lần Chúa Kitô hiện ra với thời gian sau khi Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha: chúng là hai cách Người hiện hữu và hành động. Một đàng, thời gian thứ hai hoàn thiện hóa thời gian thứ nhất; nó là sự hiện diện sâu sắc hơn, nhờ đó Kitô hữu có thể đụng chạm tới Chúa Giêsu (xem Ga 20:17), cảm nhận được cảm tình của Người (Ph 2:5) và cùng một tâm trí với Người (xem 1Cor 2:16), vì tiếp nhận được Thánh Thần của Người. Đàng khác, sự giao tiếp này diễn ra nhờ đức tin, chứ không nhờ thị giác (xem Ga 20:29: “Phúc cho những ai không thấy nhưng tin”): có một khoảng cách giữa tín hữu và Chúa Giêsu, đến nỗi bốn mươi ngày cũng có thể được coi như một dự ứng, một ứng trước của sự hoàn hảo hóa trong tương lai, của việc nên trọn sẽ diễn ra vào ngày quang lâm (parousia), vốn là cuộc hiện ra lần chót của Chúa Giêsu (Cv 1:11: “[Người] sẽ trở lại y như cách các ông thấy Người ra đi”).

Quan điểm coi bốn mươi ngày như một dự ứng của cánh chung này từng được Karl Barth nhấn mạnh trong khảo luận của ông về Thăng Thiên. Barth cho rằng có hai dấu chỉ không thể tách biệt nhau đi theo Đấng Sống Lại: ngôi mộ trống một bên và bên kia là việc Người lên trời. Dấu chỉ thứ nhất là dấu chỉ có thể nói là nhìn xuống; bởi thế nó là một dấu chỉ tiêu cực, muốn tuyên xưng rằng Người không còn ở trong số người chết nữa. Không có dấu chỉ này, việc phục sinh của thân xác khó có thể phân biệt được với tính bất tử của linh hồn thiêng liêng; việc phục sinh, trong trường hợp này, chắc chắn sẽ phải giải thích theo lối của phái Ngộ Đạo. Nhưng bên cạnh dấu chỉ này còn một dấu chỉ khác, đó là Thăng Thiên, một dấu chỉ hướng mắt ta lên cao, lên cao mãi, tới tận trời nơi Chúa Giêsu bay lên, và tới tận tương lai, lúc Người trở lại. Dấu chỉ này cho ta thấy rõ: không thể hiểu việc phục sinh của thân xác chỉ như việc trở lại với sự sống nơi dương thế, cho dù sự sống này được quan niệm là tốt hơn sự sống trước đó, không còn lo lắng mà có đầy khả năng. Đúng hơn, trong sự sống Phục Sinh, Thiên Chúa đã chiếm hữu thân xác, đã hoàn toàn dìm thân xác vào trong thể thần linh. Dấu chỉ Thăng Thiên cũng thế, cũng có nghĩa rằng Phục Sinh không phải là việc thoát khỏi lịch sử: vì Phục Sinh tạo ra tương lai tối hậu cho thời gian, nó công bố rằng sự sống của Chúa Giêsu bao hàm trong nó sự chung cục của mọi thế kỷ và vì thế Kitô hữu là người biết tương lai, và biết được tương lai là nhờ ký ức về Thầy Chí Thánh của mình. Như thế, đâu là mối tương quan giữa việc Thăng Thiên của Chúa Giêsu và sự sống mà các môn đệ của Người vẫn đang trải nghiệm trong thời gian? 

4. Thăng Thiên và thời của Giáo Hội

Câu hỏi của chúng ta về ý nghĩa của Thăng Thiên phải được hiểu dưới ánh sáng thời gian nó khai sáng. Vì phần chủ yếu của mầu nhiệm này là việc Chúa Giêsu ngự bên hữu Chúa Cha, một việc được Tân Ước liên kết với sứ mệnh Giáo Hội. Cái hiểu của các sách tin mừng và của nền thần học giáo phụ đã theo sát nút trình tự của thánh vịnh: “Hãy tiếp nhận ngai tòa của Con bên tay phải Ta, trong khi Ta biến các địch thù của Con thành ghế Con tựa chân. Vương trượng quyền uy thống trị của Con Chúa sẽ mở rộng từ Xion” (Tv 110:1-2). Các giáo phụ hiểu “vương trượng” này là sức mạnh vô địch của Giáo Hội truyền giáo, tức việc rao giảng lời bắt đầu từ Giêrusalem nhằm truyền bá Tin Mừng ra khắp mặt đất. 

Như thế, Thăng Thiên không chủ yếu nói tới việc Chúa Giêsu vắng mặt, mà đúng hơn nói tới việc Người hiện diện cách mạnh mẽ giữa dân của Người. Ngữ cảnh phụng vụ trong trình thuật Luca làm nổi bật mối liên kết giữa Thăng Thiên và Giáo Hội. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu ra đi trong lúc ban phép lành, với cánh tay giương cao, một cử chỉ khiến ta nhớ tới việc tư tế chúc lành trong sách Huấn Ca (Hc 50:20-21). Vì lý do này, Heinrich Schlier đã có thể nói rằng đối với Thánh Luca, Thăng Thiên và chúc lành trùng khớp với nhau: cử chỉ trong lúc Chúa Giêsu ra đi là hình ảnh cuối cùng sẽ còn mãi với các môn đệ; Người ra đi trong khi, chứ không sau khi, chúc lành cho các ông. Ta đã nhận xét trên đây rằng trong Cựu Ước, việc Thiên Chúa chúc lành đem lại sự hiện diện liên tục của Người, một sự hiện diện trở thành nội tại nơi các tạo vật, ban cho chúng sự mầu mỡ và phát triển. Thành thử dễ hiểu lý do tại sao hành vi này tạo cơ sở cho sự hiện hữu của Giáo Hội. Trình thuật Luca vì thế phù hợp với câu kết luận của Tin Mừng Mátthêu: “Thầy ở với các con mãi mãi, cho tới ngày tận thế” (Mt 28:20). 

Sự chúc lành này được tiếp liền với việc các môn đệ có mặt tại Đền Thờ. Sau đó, họ họp nhau cầu nguyện với Đức Maria, Đấng, mà theo Thánh Luca, vốn là hình ảnh của Tân Xion. Ở đây, một lần nữa, Thánh Luca lại nhắc lại tên của nhóm Mười Hai, như thể họ được đặt làm cột trụ của Giáo Hội. Nếu ơn gọi nguyên thủy của họ phát khởi từ lời cầu nguyện của Chúa Kitô (Lc 6:12-16), thì nay ơn gọi này được liên kết với việc Người lên trời. Phụng vụ Kitô Giáo phát sinh từ lời cầu nguyện sau khi Chúa Giêsu ra đi này... 

Liệu ta có thể nói rõ thêm về mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội được trình thuật Luca nhắc tới không? Sự quan trọng được Thánh Luca gán cho Đền Thờ cho ta một chỉ dẫn. Tin Mừng Luca kết thúc bằng cách cho ta thấy các môn đệ ca tụng Chúa trong Đền Thờ. Khởi đầu của Công Vụ cũng diễn ra tại đây. Sau đó, trong các chương bẩy và tám của sách Công Vụ, chúng ta được nghe về cái chết của Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên. Trước khi bị giết, ngài đọc một diễn văn dài nhằm nói với những người Do Thái đang mưu toan bắt giam ngài. Các lời tố cáo nói rằng ngài có ý định phá hủy Đền Thờ và phá hoại Lề Luật. Để trả lời, Stêphanô đưa ra một trình thuật về lịch sử cứu rỗi, tập trung vào Đền Thờ.

Lãnh thổ mà Thiên Chúa hứa ban cho Ápraham, mảnh đất thánh thiêng mà trên đó Môsê dấn bước khi chứng kiến gụi gai bừng cháy, đều đáng được ngụ cư vì đó là nơi Thiên Chúa cắm lều. Bài diễn văn của Stêphanô kể lại lịch sử của Môsê và Salômông; nó cũng nhắc tới Chúa Giêsu, Đấng mà vị tử đạo trông thấy đang ngự bên hữu Chúa Cha giữa đám mây trời (Cv 7:56). Lời cáo buộc phạm thượng mang một ý nghĩa đặc biệt nếu đem so sánh với lời cáo buộc Chúa Giêsu trong lúc Người bị vị thượng phẩm xét xử. Cũng bị tố cáo mưu toan phá hủy Đền Thờ, Chúa Giêsu nói tới việc Con Người sẽ tới, ngự bên hữu Chúa Cha giữa đám mây trời (xem Mt 26:64; Lc 22:69). Stêphanô và Chúa của ngài đều bị kết án vì người Do Thái coi việc đồng hóa giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa là điều không thể dung thứ được. Họ hiểu rằng ngồi bên hữu Chúa Cha là ngang hàng với Người. Ở hậu cảnh, là chủ trương cho rằng Thiên Chúa đang xây một Đền Thờ mới, một đền thờ không do bàn tay con người làm nên, mà là chính thân xác vinh hiển của Chúa Giêsu. Đó chính là điều Stêphanô được chiêm ngưỡng khi ngước mắt nhìn lên cao: Đấng được hiển dương, đang ngự bên hữu Thiên Chúa chính là “Đất Thánh” dứt khoát. Người là chung cục việc Thiên Chúa cư ngụ giữa loài người, và là nơi thờ phượng của Kitô hữu. 

Các suy tư của Thánh Phaolô giúp ta thâm hậu hóa hơn nữa các tầm nhìn thông sáng trên của Thánh Luca. Ở đây, chúng tôi xin đơn cử một đoạn quan trọng trong thư gửi tín hữu Êphêsô, là đoạn xoay quanh mầu nhiệm Thăng Thiên. Thánh Phaolô trích dẫn Tv 68, câu 19 mà ngài cho là áp dụng vào việc Chúa Giêsu lên trời và sau đó việc Chúa Thánh Thần hiện xuống: “Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù; Người ban ơn huệ cho con người” (Eph 4:8). Đoạn trích Thánh Vịnh ở ngôi thứ hai, để chỉ Giavê: “Ngài đã lên cao… tiếp nhận lễ dâng của con người”. Ấy thế nhưng phái giáo sĩ Do Thái (rabbi) cho rằng đoạn này nói về Môsê và họ viết là “ban ơn huệ” chứ không “tiếp nhận lễ dâng”, theo nghĩa ban Lề Luật cho dân. Để biến Chúa Kitô thành chủ từ và để chứng minh sự khác nhau giữa Người và Môsê, Thánh Phaolô chú giải rằng Người cần phải đi xuống trước khi có thể đi lên: “ ‘Người đã lên’ nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất?” (Eph 4:9). Xem ra có lý khi cho rằng ở đây, thánh Phaolô có ý nhắc đến việc Nhập Thể (“các vùng sâu thẳm” là trái đất) là việc tương đương với việc Lên Trời để ban ơn huệ cho tín hữu. Các ơn huệ này là để xây dựng Giáo Hội, một điều được Thánh Tông Đồ nói tới ngay sau đó (Eph 4:11-13). Như thế, Thánh Phaolô vừa chứng thực trình thuật của Thánh Luca vừa thêm vào đó một sự kiện quan trọng: mục đích của Thăng Thiên là để Chúa Giêsu “làm cho vũ trụ được viên mãn” (Eph 4:10). Ở đây, Thánh Phaolô sử dụng một động từ hết sức cô đọng về ý nghĩa, cũng cùng từ một gốc với danh từ pleroma từng xuất hiện trước đó trong thư (xem Eph 1:22-23) và sẽ xuất hiện lần nữa ở bên dưới (Eph 4:13: “tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô”). Ở đầu thư của ngài, Thánh Phaolô quả quyết rằng Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, “là sự viên mãn của Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Eph 1:23). Ở đây, ta thấy một nền thần học già dặn về Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô, một thân thể tiếp nhận sự sống từ chính Đầu của mình là Chúa Giêsu. 

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hoàn tất hình ảnh hữu cơ của thân thể bằng hình ảnh phu thê vốn bổ túc cho nó (xem Eph 5:21-23). Giáo Hội là một với Chúa Kitô, không những theo nghĩa hợp nhất mọi chi thể với nhau, mà còn theo nghĩa hiệp thông một thân xác theo kiểu Ađam và Evà. Evà là sự viên mãn của Ađam vừa vì lý do nàng đã trở nên một thân xác với chàng, vừa vì nàng là người sẽ cưu mang dòng dõi chàng, dòng dõi sẽ tràn đầy mặt đất. Ở đây, thân thể xuất hiện như là chiều kích tương quan vì sự sống con người, và do đó như là điều giúp cá nhân vượt quá các biên giới của chính họ: sự kết hợp giữa người đàn bà và người đàn ông để sản sinh ra con cái là nền tảng tối hậu để hiểu tư cách bản vị tập thể của Dân Chúa mà Chúa Giêsu đã nâng lên một bình diện mới qua việc Người Nhập Thể và Thăng Thiên. 

Như thế, sự viên mãn của Chúa Kitô là điều sẽ tạo ra và mở rộng sự hiện diện của Giáo Hội ra khắp thế giới, trong tư cách hiền thê của Người. Dưới ánh sáng này, Eph 4:10 (Thăng Thiên như giây phút Chúa Kitô làm mọi sự nên viên mãn) là nền tảng của Eph 1:22-23 (Giáo Hội là sự viên mãn của Chúa Kitô, Đấng được Chúa Cha lập làm Đầu). Vì Thân Thể Chúa Kitô ở trong Thiên Chúa, vì Chúa Kitô đã lên trời, thậm chí vào tận trung tâm sự sống Thiên Chúa, nên nay Người có thể làm mọi sự, kể cả chính vũ trụ, nên viên mãn, qua Thân Thể Người là Giáo Hội. 

Như thế, một cách rõ ràng, việc Chúa Giêsu lên trời không làm Người tách khỏi thế giới. Vì nay, Đấng Cứu Thế đã bước vào chiều sâu thẳm của Hữu Thể Thiên Chúa, mà từ đó, trọn thế giới đều được Người tới lui. Điều này không có nghĩa Người tan biến vào sự hiện diện khắp nơi của một thuần thần: Người vẫn duy trì mãi mãi đặc điểm xác thân của Người và vì lý do này, cách thế hiện diện mới của Người cũng phải có tính xác thân, không bị giản lược vào sự hiện diện khắp nơi của Thiên Chúa mà cũng không tách rời khỏi không gian và thời gian. Đúng hơn, một tính xác thân như thế hàm nghĩa một sự biến đổi không gian và thời gian, là những điều nay được nối kết với thân xác và thời gian do Phục Sinh khai sáng. 

Như thế, ta hiểu được sự đóng góp chuyên biệt của mầu nhiệm Thăng Thiên. Như đã nói, nhìn dưới ánh sáng của việc Chúa Giêsu trở thành người con tối cao trong thân xác (Rm 1:4; Cv 13:33), Phục Sinh đã là một “việc bước vào trong” Thiên Chúa rồi. Chiếm hữu một thân xác thiêng liêng hóa chỉ có thể có được vì một thời điểm nhất định, tức cánh chung, đã được khai sáng. Thực tại này làm ta khó tưởng tượng được một điều gì mới có thể xẩy ra cho Chúa Giêsu, bất kể trong các lần hiện ra hay trong biến cố Thăng Thiên. Tất cả dường như chủ yếu chỉ là một thao tác sư phạm, một thích nghi đối với nhu cầu của môn đệ. Tuy nhiên, giải thích sư phạm này không phải là giải thích khả hữu duy nhất. 

Ta từng nói rằng thân xác, vốn chìm ngập trong thời gian, là cơ sở cho tính tương quan của sự sống con người. Do đó, thân xác Chúa Giêsu không bao giờ cô đơn cả mà đúng hơn mang trong mình cả một dây nối kết với toàn bộ nhân loại và toàn bộ tạo vật. Sự tròn đầy tuyệt đối của thân xác Người, một vinh quang không nhận bất cứ một gia tăng nào hơn nữa, chỉ có thể đạt được khi thân xác Người, trong sự vinh quang của nó, mặc lấy thân xác của Giáo Hội, và trong thân xác này, mặc lấy toàn bộ vũ trụ. 

Với Phục Sinh, Chúa Kitô đã trọn vẹn ở trong liên hệ với Cha Người rồi, đã thủ đắc được một thân xác vinh hiển, một thân xác có thể thông truyền cách hữu hiệu sự siêu việt của Thiên Chúa. Ấy thế nhưng thân xác này vẫn chưa làm cho mọi sự nên viên mãn nhờ sự hiện diện của Người; quyền lực ban sự sống của Người chưa mở rộng ra khắp vũ trụ. Điều này không nên gán cho bất cứ thiếu sót nào nơi Chúa Giêsu, mà đúng hơn cho sự nhẫn nại đối với sự sống trong thân xác mà các môn đệ của Người cũng như toàn thể Giáo Hội vẫn còn đang phải sống. Vì các môn đệ của Chúa Kitô trước hết phải nắm vững sự thật liên quan đến việc Phục Sinh của Chúa Kitô, họ phải thấy rõ thân xác Người không xa lạ với thân xác ta. Họ vẫn còn cần hiểu ra rằng thân xác này đã mặc lấy toàn thể tạo vật. Do đó, sự tôn vinh thân xác Chúa Kitô không tự động bao hàm việc biến đổi thế giới. 

Ngay cả sau khi các môn đệ đã được chuẩn bị, hai điều vẫn cần phải xẩy ra trước khi vũ trụ được biến đổi: điều thứ nhất, vũ trụ phải đồng hình đồng dạng với thân xác vinh hiển của Chúa Kitô và thứ hai, phải giúp vũ trụ tham dự vào Thần Trí Chúa Kitô. Điều đầu tiên đã diễn ra với việc Lên Trời; điều thứ hai diễn ra lúc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Hai mầu nhiệm này nối kết với nhau rất mật thiết. 

Do đó, như Balthasar từng chỉ ra, bốn mươi ngày này nói lên nền sư phạm của thân xác Chúa Giêsu. Nền sư phạm này làm các môn đệ tràn ngập đức tin, giúp các ông rờ mó được Người, thấy Người, lắng nghe giọng nói của Người một cách mới mẻ. Chính điều này lập các ông thành các trụ cột cho đức tin của Giáo Hội. Thăng Thiên là một bước tiến nữa trong việc thâm hậu hóa mối dây nối kết của Chúa Kitô với Giáo Hội, và qua Giáo Hội, với toàn thể vũ trụ: “Người lên trời… để làm cho mọi sự nên viên mãn” (Eph 4:10). Với chuyển động này, Chúa Kitô vào sâu trong thực tại, chính vì Người đã đạt tới chiều cao của Thiên Chúa. Như thế, không phải Người không ở nơi Thiên Chúa khi lên trời (việc Sống Lại của Người đã là việc Người hoàn toàn ở trong Chúa Cha rồi) nhưng lúc Lên Trời, tương quan mà thân xác Người có với Chúa Cha thủ đắc được chiều kích vũ trụ. Điều này có nghĩa: lúc Lên Trời, Chúa Kitô nhận được từ Chúa Cha một hồng ân mới: qua thân xác Chúa Kitô, Thiên Chúa trở thành hiện diện trong mọi tạo vật; Người sở hữu mọi tạo vật, chiếu sáng mọi nơi còn tối tăm, tăng cường sự hiện diện của Thiên Chúa. 

Việc trên chưa xẩy ra vào Chúa Nhật Phục Sinh và do đó, sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa các môn đệ mang nhiều đặc điểm khác nhau. Một đàng, nó kém sâu sắc, kém có tính bao trùm toàn thể hiện sinh. Đàng khác, nó lại tỏ hiện hơn, rờ mó được hơn, như một hiện diện dự ứng cho chung cục, cho thấy: tuy Chúa Giêsu đã có sự sống viên mãn rồi, nhưng sở dĩ Người còn dấu kín là do tình yêu khiêm tốn của Người đối với con người. 

Thiết nghĩ đến đây ta phải giải quyết một luận bác có thể có. Quả thật, với mầu nhiệm Nhập Thể, thân xác Chúa Giêsu kết hợp với thân xác của mọi con người nhân bản; ở trong thân xác có nghĩa là trở nên một với các anh chị em mình, vì đều là con của cùng một gia đình nhân loại. Tuy nhiên, các cách thức trong đó một kết hợp có thể diễn ra trong thân xác thay đổi khá nhiều, tùy theo các đặc điểm trong mối liên hệ bản thân. Sự kết hợp giữa mẹ và con khác với sự kết hợp giữa anh chị em, và cả hai kết hợp này lại khác với sự kết hợp thành một thân xác giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Sự kết hợp của những người sinh ra từ cùng một thân xác khác với sự kết hợp của những người phải cùng nhau đối diện với cái chết thể xác. Theo cách này, ta có thể hiểu được thứ hợp nhất mới mẻ của thân xác Chúa Kitô với thân xác của mọi người trên căn bản Thăng Thiên, với Chúa Cha như là cùng đích tối hậu của nhân sinh. Điều này giúp ta có được sự phân biệt sau đây. Từ lúc Nhập Thể trở đi, thân xác Chúa Giêsu kết hợp với mọi người vì cùng có Chúa Cha làm nguồn gốc; sự kiện này trở nên hiển nhiên với việc sinh hạ đồng trinh bởi Đức Mẹ. Từ lúc Thăng Thiên, Người nhận được một cách kết hợp mới, một sự kết hợp liên quan tới Chúa Cha như là đích đến tối hậu. Chúa Kitô liên kết thân xác tạo dựng với chính Người, với sự hoàn thành cuối cùng hướng về Thiên Chúa của thân xác này. Đây chính là căn bản của dây nối kết mà các giáo phụ vốn nhấn mạnh giữa Thăng Thiên và Nhập Thể; một số vị đưa ra điều này làm lý do giải thích tại sao Lễ Thăng Thiên đã được cử hành đầu tiên tại Bêlem. 

Chỉ khi nào thực hiện được sự kết hợp kép này với chúng ta, trong nguồn gốc và trong đích đến của ta, Chúa Giêsu mới có thể sai Chúa Thánh Thần đến với ta; vì Chúa Thánh Thần là Đấng có thể thực hiện được việc lịch sử trở nên đồng hình đồng dạng với tính vĩnh cửu của Thiên Chúa. Sự kết hợp mật thiết giữa Thăng Thiên và Hiện Xuống phát sinh từ điều này. Vì Chúa Kitô, từ trong trái tim Thiên Chúa, đã đụng tới trái tim của vũ trụ, vì thân xác Người đã thông truyền cho vũ trụ đích đến mới nơi Chúa Cha, thì nay, Người có thể sai Thánh Thần của Người xuống thế gian để ban ân huệ của Người cho mọi người. Chúa Kitô và Giáo Hội, do đó, đã tạo nên một thân xác và một Thần Trí (xem Eph 4:4, liên quan tới sự kết hợp giữa các Kitô hữu). Khi nhắc tới các hoa trái đầu tiên của Chúa Thánh Thần, mà chính Thánh Phaolô đã nói tới, và là những hoa trái đã được ban cho tín hữu lúc Hiện Xuống, Tertulianô nói đến các hoa trái đầu tiên của thân xác, được Chúa Kitô hiển dương lúc Thăng Thiên như sau: “Như thế, Người để lại cho chúng ta các hoa trái đầu tiên của Thần Khí thế nào, thì Người cũng đã tiếp nhận từ chúng ta các hoa trái đầu tiên của thân xác như vậy”.
5. Người dâng lên Chúa Cha thân xác Người: Thăng Thiên và các bí tích 

Chính vì thân xác mở cửa đưa ta vào lãnh vực tương quan của hiện sinh con người, nên việc Lên Trời theo xác thân của Chúa Giêsu đã biến đổi đời sống của Giáo Hội, và qua Giáo Hội, biến đổi năng động tính từng sinh động hóa vũ trụ. Nói rằng Chúa Kitô làm viên mãn mọi sự bằng sự hiện diện của Người là nói rằng sự sống trong thân xác giờ đây trở nên mới mẻ vì nó đã được nâng lên tới Chúa Kitô. Đây là lý do khiến Thánh Hilariô thành Poitiers giải thích hình ảnh trong Tin Mừng nói về thành phố trên núi không thể nào bị che khuất. Thành phố này chính là thân xác Chúa Giêsu: một thành phố có nhiều dân cư thế nào, thì Chúa Kitô cũng chứa trọn nhân loại trong thân xác của Người như vậy. Như thế, việc hiển dương thân xác Chúa Kitô bao hàm việc hiển dương Giáo Hội, một định chế mà việc làm và việc giảng dạy chính là ánh sáng cho thế gian. Trong Giáo Hội, trong hành động và trong lịch sử Giáo Hội, khả năng của thân xác trong việc biểu lộ thể thần linh như là cùng đích mọi sự đã được đưa lên một độ cao mới. Đó là nhiệm cục bí tích mà ta sẽ lưu tâm dưới đây.

Một yếu tố chính trong niềm tin vào Thăng Thiên là dây nối kết giữa thân xác và Thiên Chúa. Chủ trương này làm ta bỡ ngỡ vì, theo đường lối suy nghĩ của Socrate trong Phaedo, ta thường cho rằng thân xác là một trở ngại đối với mối liên hệ của ta với thể thần linh. Tuy nhiên, theo Thánh Kinh, thân xác là nơi rất tốt để Thiên Chúa tỏ mình ra (34). Sự phục sinh của thân xác, một mục tiêu mà cuộc sống Kitô hữu hướng tới, xác nhận khía cạnh này. Sự viên mãn của thân xác diễn ra khi nó được tràn đầy Chúa Thánh Thần và trở nên thân xác thiêng liêng. Điều này muốn nói thân xác không chống lại Thần Khí, nhưng đúng hơn là bạn đồng hành của Thần Khí, là nơi thích hợp ở trên đời để Người hành động và ngụ cư. 

Điều trên khả hữu vì thân xác là nơi sự sống, nhờ biết mở cửa chào đón thế giới và nhân loại, nên đã khám phá ra ngay trong nó mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng Hóa Công. Chỉ ở trong thân xác, Thiên Chúa mới được tỏ tường. Trong thân xác, Thiên Chúa xuất hiện, không như một đối tượng ngoại tại nào đó được đặt trước mắt ta để ta kiểm soát, cũng không như một chân trời xa tít để con người thèm muốn, một chân trời rất dễ bị hiểu lầm là phóng chiếu hay là ảo ảnh đơn thuần. Thân xác làm chứng rằng chúng ta được tình yêu, một tình yêu đi trước chúng ta, dựng nên và chào đón vào hiện sinh. Giờ đây, thể siêu việt được hiểu như nguồn suối từ đó phát sinh ra mọi sự sống, như một tình yêu nguyên sinh hạ sinh ra ta. Đàng khác, để khám phá mầu nhiệm tình yêu, thân xác đã khởi động một năng động tính để đẩy con người vượt quá chính mình, hướng về hiệp thông với thể siêu việt. 

Nhưng đâu là vai trò của Thăng Thiên trong lịch sử của sợi dây nối kết giữa thân xác và thể thần linh này? Thân xác Chúa Kitô, nay đã hiển vinh, được nối kết với mọi tạo vật một cách mới mẻ. Mầu nhiệm này thông truyền cho vũ trụ tình trạng vinh hiển của thân xác Chúa Giêsu, qua việc nó đặt ra mục tiêu dứt khoát là chính Chúa Cha mà mọi tạo vật đều hướng tới. Như thế, một chân trời mới đã mở ra cho tạo dựng: mọi tạo vật đều đã ở trên thiên đàng, vì mọi loài nay đang di chuyển vào chính trái tim Thiên Chúa. Cho nên, dựa vào Thăng Thiên, thân xác nhận được một ngôn ngữ mới; khả năng của thân xác trong việc công bố Thiên Chúa nay được nâng lên một bình diện mới. Đó là ngôn ngữ bí tích, trong đó, tạo dựng vật chất nói lên mối tương quan đã trở nên trọn hảo hơn với thể siêu việt. Ta thường nghe nói tới ý nghĩa bí tích của vũ trụ: mọi sự trong vũ trụ đều là dấu chỉ sự hiện diện thần linh. Nhưng quan điểm này chắc chắn có cái nguy hiểm của nó: đẩy tới tận cùng, nó có thể dẫn ta tới chỗ quên khuấy mất tính mới mẻ do Chúa Kitô mang tới. Thực vậy, nếu toàn thể vũ trụ đều là bí tích cứu rỗi, thì công trình của Chúa Giêsu sẽ chỉ là dọn đường dư thừa; nó chỉ dọn đường nơi đã có đường rồi. Ấy thế nhưng, bất chấp nguy hiểm nào, vẫn cần phải nói tới tính bí tích của vũ trụ, nếu ta muốn phục hồi cái hiểu nhờ đâu trật tự tạo dựng, từ bên trong, vốn mở cửa chào đón cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Hơn nữa, nếu không được nói tới tính bí tích của vũ trụ, thì ta không tài nào hiểu được đích điểm tối hậu mà vũ trụ đã tiếp nhận được từ Chúa Giêsu, vì đích điểm này sẽ trở thành ngoại tại đối với diễn trình vạn vật. Thực thế, quan điểm hiện đại về thiên nhiên, một quan điểm loại bỏ hoàn toàn tính biểu tượng và tính bí tích của nó, quả đi ngược hẳn lại quan điểm về vũ trụ của Thánh Kinh và của Kitô Giáo: thân xác có tính duy máy móc của thời hiện đại chỉ được Lời (Logos) mặc lấy theo kiểu con rối bị người múa rối thao túng. 

Trong thế quân bình tế vi giữa tính bí tích của tạo dựng và nét mới mẻ của Chúa Kitô, có thể nói, tính thân xác đã cho ta thấy một sự cân bằng rất thích đáng. Như đã nói, chính ở đây, trong thân xác, vũ trụ (nhất là nhờ cuộc gặp gở bản vị) đã mở cửa cho Thiên Chúa. Cho nên, trong tính thân xác, ta thấy có sự trong suốt sơ khởi đối với mầu nhiệm, một tiếp nhận sơ khởi đối với ơn thánh cứu chuộc, được thông truyền qua cảm nghiệm yêu thương. Một hiện diện như thế chắc chắn vẫn còn mỏng manh, chưa có khả năng tiếp tục sáng rực được lâu (chắc chắn sẽ tan vỡ trước cái chết) cũng như không đủ sức mạnh (sẽ bất lực trước tội dửng dưng hay vị kỷ). 

Chính Chúa Kitô, trong việc Nhập Thể, trong sự sống và trong sự chết của Người giữa chúng ta, đã ban cho ngôn ngữ thân xác sự viên mãn của nó, giúp nó tính liên tục quá bên kia sự chết, và một tính nhất quán bất chấp mọi mỏng dòn nhân bản. Từ đây, thân xác có khả năng biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải mình như nguồn gốc và đích đến trong cuộc hành trình này của lịch sử. Trong việc Lên Trời của Người, Chúa Kitô liên kết cách mới mẻ tính vật chất của tạo dựng vào chính Người, bằng cách cho ta thấy: nguồn gốc mọi thân xác là ở nơi Chúa Cha và bằng cách thiết lập ra đích đến tối hậu là Thiên Chúa. Điều được khai sáng ở đây chính là hình thức bí tích rất thích đáng của sự hiện diện trong thân xác. Thăng Thiên trở thành nền tảng của bí tích học, vì nó tái cấu hình (reconfigures) khả năng biểu tượng của thân xác. Đấng Đáng Kính Bede, chẳng hạn, khi so sánh việc Elia lên trời với việc Chúa Giêsu lên trời, đã nói rằng Chúa Giêsu để lại cho Giáo Hội các bí tích, hệt như tiên tri Êlia để lại cho Êlisa chiếc áo khoác của ông. 

Nhấn mạnh tới sợi dây nối kết giữa Thăng Thiên và các bí tích chỉ là đặt chúng vào một viễn tượng thích đáng. Dưới ánh sáng này, điều trước nhất là các bí tích xuất hiện không như là hành động của Giáo Hội mà như là công trình của Chúa Kitô, qua đó, Người hạ sinh ra Nhiệm Thể Giáo Hội. Ta nên nhớ rằng Êphêsô 4:10, trong đó, Chúa Giêsu bay lên để Người làm cho mọi sự nên viên mãn, là nền tảng của Êphêsô 1:22-23, nơi Giáo Hội được coi như sự viên mãn của Chúa Kitô. Điều này làm nổi bật sự kiện này: Giáo Hội được hạ sinh từ các bí tích và chỉ vì lý do này, các bí tích có khả năng xuất hiện trong Giáo Hội. 

Theo chiều hướng này, điều quan trọng là phải nhớ tới ý nghĩa hy sinh trong hành vi lên trời của Chúa Kitô. Điều này đã được Thư Do Thái nhấn mạnh. Thư này trình bày Lên Trời như là đỉnh cao lễ dâng của Chúa Kitô: “chúng ta có vị thượng tế đã băng qua các tầng trời” (Dt 4:14), và đã dâng lễ hy sinh của Người trong nhà tạm không do bàn tay con người làm nên (Dt 9:11), là chính thân xác vinh hiển của Chúa Kitô. Một truyền thống giáo phụ cũng đã liên kết Thăng Thiên với lễ hy sinh. Thực vậy, Hippôlytô nói rằng Chúa Giêsu, khi lên trời, đã đem thân xác Người lên Chúa Cha và dâng con người làm của lễ. Chúa Kitô dâng thân xác hiển vinh của Người cho Thiên Chúa làm hoa quả đầu mùa của tân sáng thế, một sáng thế bao gồm mọi con người. 

Đâu là ý nghĩa của lễ dâng mà Chúa Kitô đã dâng bằng thân xác của Người lên Chúa Cha trên thiên đàng? Về phương diện này, lời giải thích của Thánh Augustinô về lễ hy sinh rất hữu ích. Lễ hy sinh không hệ ở việc tiêu hủy của lễ hiến dâng, mà đúng hơn hệ ở việc Thiên Chúa và con người ở trong nhau, hệ ở việc hợp nhất đạt được trong sự viên mãn của yêu thương. Qua cái chết trên Thánh Giá của Người, Chúa Giêsu hoàn toàn trở nên một với tình yêu của Thiên Chúa, trong một lễ hy sinh hoàn hảo. Cũng thế, nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô như một thân thể, các môn đệ tham dự vào sự hợp nhất của Chúa Kitô với Cha của Người. Do đó, Thánh Augustinô kết luận như sau: “Đây là lễ hy sinh của các Kitô hữu: nhiều người nên một thân xác trong Chúa Kitô”.

Hilariô thành Poitiers nói rằng sau 40 ngày hiện ra với các môn đệ, Chúa Kitô cảm nghiệm cùng một điều như Người đã cảm nghiệm sau 40 ngày ăn chay trong hoang địa: Người thấy đói. Chắc chắn đây là một cái đói đặc biệt: cái đói ơn cứu rỗi nhân loại, một cái đói được thỏa mãn khi Chúa Giêsu, lúc lên cùng Chúa Cha, đã dâng con người nhân bản lên Thiên Chúa và mang ơn cứu rỗi xuống cho con người. Như thế, lễ hy sinh của Thăng Thiên là chính sự hiệp thông trọn vẹn giữa thân xác và Thiên Chúa trong các hoa trái đầu mùa của thân xác Chúa Giêsu. Hậu quả của việc này là từ nay con người có thể tiếp nhận được các hoa trái đầu mùa của Thần Khí. Như thế, lịch sử trở thành một diễn trình trong đó, Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, từ từ trở thành đồng hình đồng dạng với Thần Khí của Đấng Phu Quân mình, vốn là Con Thiên Chúa. Sự viên mãn của việc đồng hình đồng dạng này sẽ đạt được trọn vẹn khi lời lẽ của Thánh Irênê được ứng nghiệm: “thân xác đã chiếm hữu được gia sản của nó nhờ Thần Khí; nó đã từ bỏ chính mình để có thể mặc lấy phẩm tính của Thần Khí; nó đồng hình đồng dạng với Lời Thiên Chúa”. 

Dựa vào điều trên, ta có thể thiết lập được mối liên kết giữa Thăng Thiên và bí tích Thánh Thể, vốn là lễ dâng thân xác Chúa Con lên Chúa Cha. Calvin trước đây đã nối kết hai mầu nhiệm này với nhau. Nhà cải cách này giải thích rằng vì thân xác Chúa Kitô nay đang ở trên thiên đàng, nên nó không thể hiện diện trên bàn thờ được nữa; tuy nhiên, ông nói thêm: bất cứ ai rước Lễ chắc chắn sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Kitô, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần. Như thế, Calvin đã mạnh mẽ làm nổi bật thành tố thần khí học (pneumatological). Ấy thế nhưng bên dưới quan điểm của ông là cái hiểu quá hẹp hòi về tính thân xác: vì thân xác Chúa Kitô nay đang ở trên trời, nên nó không thể đồng thời ở dưới đất. Như ta đã thấy: sự hiện diện của Chúa Giêsu ở trên trời chính là để Người có thể làm mọi sự nên viên mãn; đây chính là cơ sở khiến thân xác Người có khả năng trở nên hiện diện dưới các hình thánh thể. 

Thăng Thiên là mầu nhiệm của hiện diện và khuyết diện. Làm thế nào để có thể kết hợp hai chiều kích này? Nếu ta quả quyết sự hiện diện bằng thân xác của Người, thì điều này há không dẫn ta tới chỗ quá nhấn mạnh tới căn tính của Giáo Hội đó ư? Há ta không nên nói rằng Chúa Giêsu khuyết diện bằng thân xác, và chỉ hiện diện bằng Thần Khí, để tránh khả thể Giáo Hội có thể thay thế Chúa Giêsu đó sao? Trái lại, điều rõ ràng là sự hiện diện thực sự, có tính thân xác của Chúa Kitô trong Thánh Thể đã cung cấp cho ta chìa khóa để hiểu sự tương phản của hiện diện và khuyết diện này. Thực vậy, ta phải phân biệt giữa loại hiện diện của một đối tượng mà nếu đặt trước mặt tôi, sẽ được tôi thăm dò dưới mọi khía cạnh có thể thăm dò được, và loại hiện diện kêu mời tôi vào trong chính nó để có thể tiến tới chỗ biết nó; nó cho phép tôi được bao bọc trong ánh sáng của nó, và vì lý do này, nó không bao giờ để mình bị thống trị bởi chủ thể đang ngắm nhìn nó. Chính loại hiện diện sau được tính thân xác làm cho khả hữu. Thân xác không bao giờ bị đặt trước ta; ta nhìn thế giới từ bên trong thân xác, nghĩa là, từ bên trong chính thực tại đang bảo bọc ta, từ bên trong cái nơi ta đã luôn được tiếp nhận. Bên trong sự hiện diện đang diễn ra trong và nhờ thân xác này, ta có khả năng nhận ra hồng phúc nguyên khởi trước nhất, tức sự hiện diện đầu tiên luôn luôn có đó, ngay trước cả sự hiện diện của con người với chính họ. Chính vì là nguyên khởi, sự hiện diện này không bao giờ bị chiếm hữu cả; đây là lý do giải thích sự mầu nhiệm tại sao nó vừa rất gần gũi mà lại rất khuyết diện đối với ta. Chính trong cách thế này, thân xác đã nói thứ ngôn ngữ của phận làm con (filiation), là thứ ngôn ngữ biểu lộ một hiện diện nguyên khởi vốn đi trước ta nhưng bảo bọc ta. 

Hơn nữa, sự hiện diện thân xác mở ra một không gian trong đó cuộc gặp gỡ bản vị giữa các ngôi vị có thể diễn ra và đồng thời nó khai mở cả một chân trời dẫn tới siêu việt. Một lần nữa, sự hiện diện của yêu thương, vốn được mở ra trong thân xác, không bao giờ bị đặt trước mặt ta, như một đối tượng để ta mặc tình ngắm nghía, chính vì nó đụng tới ta từ bên trong và xác định ta là ai. Nó chỉ có thể được nhìn nhận nếu ta chịu tham dự vào nó và đồng hành hướng về chân trời nó mở ra. Bằng cách này, thân xác nói thứ ngôn ngữ của tân hôn (nuptiality), chào đón mầu mỡ. 

Sự hiện diện bí tích của Chúa Kitô là sự hiện diện thân xác và do đó bao hàm trong nó cảm thức khuyết diện này: nó không thể bị đặt trước mắt ta; nó đi trước ta với một ơn thánh nguyên khởi (chiều kích con thảo) và mời gọi ta lên đường hướng về chân trời mãi mãi tít tắp xa xăm (chiều kích phu thê và mầu mỡ). Thân xác mở cho ta một viễn tượng con thảo vì nó mở cho ta thấy sự hiện diện của Chúa Cha, một hiện diện luôn có trước ta. Nó mở cho ta một chân trời tân hôn trong đó thân xác nên một của Chúa Kitô và của Giáo Hội luôn luôn là một gặp gỡ trong tự do, trong nhu cầu trưởng thành bên trong thời gian, sống hướng về lời hứa tối hậu, chào đón “điều luôn lớn hơn”, mong chờ cuộc gặp gỡ dứt khoát. 

Như một loại suy, ta hãy xem sét một cái mơn trớn hay một cái ôm thân xác: điều mà tay ta hay cánh tay ta muốn giữ chặt lấy luôn luôn vượt quá điều được rờ mó. Có một chiều sâu được thân xác mở ra cho ta, và chiều sâu này thực sự là hậu cảnh tối hậu cho hành động của ta, đó là sự hiệp thông với người ta yêu. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong các bí tích mang một cấu trúc tương tự, thứ cấu trúc của một hiện diện thực sự được tỏ hiện như tình yêu nguyên khởi và tình yêu này hướng ta về đích điểm cánh chung tối hậu. 

Điều hoàn toàn chắc chắn là các bí tích cũng mang theo một tính mới mẻ lớn lao. Kết quả của Thăng Thiên là đây: cấu trúc của sự hiện diện thân xác đã được biến đổi, nguồn gốc được chỉ ra trong thân xác nay ở trong cung lòng Chúa Cha, được nối kết với việc sinh ra Chúa Con từ thuở đời đời; đích điểm ta được hướng dẫn tới chính là tay phải Chúa Cha. Như thế, ta gặp một năng động tính mới mẻ, một năng động tính mở rộng các biên giới của tính thân xác, để thân xác có khả năng tiếp đón trong chính nó sức nặng muôn đời của tình yêu thần linh. Sự biến đổi này đòi hỏi thời gian, một thời gian trong đó Thần Khí và Tân Nương kêu lên “Hãy đến!” Hành trình của Chúa Con khiến Giáo Hội có khả năng vuợt qua con đường giữa hai tọa độ nguồn gốc và đích đến của mình. Như thế, sự hiện diện trong thân xác mở toang một vết thương buộc ta đi tìm một kết hợp trọn vẹn, như Thánh Gioan Thánh Giá từng hát: “Hỡi người yêu dấu, người đang trốn nơi nao, để tôi phải kêu than? Người bỏ trốn như hươu đực sau khi làm tôi bị thương; tôi ra gọi người, nhưng người đã biệt tăm…” (Ca Khúc Thiêng Liêng, I)

Vết thương này không những ảnh hưởng tới tín hữu, nó cũng phải được phản ảnh cả nơi Chúa Kitô nữa, vì Người vốn gần gũi với nhân tính trong thân xác của Người. Thời gian sau Thăng Thiên, tức thời gian Người che mặt, bảo đảm rằng Chúa Giêsu không tách biệt khỏi các đau khổ của ta; vì các đau khổ này đã được Người kết hợp mãi mãi với các vết thương vinh hiển của Người. Do đó, ta có thể đồng hành với Người trong suốt các mầu nhiệm của đời Người trong thân xác và biến ta thành những người đồng thời với Người. Bản văn giáo phụ của Thánh Giustinô Tử Đạo nói rõ khía cạnh này:

“Vì khi các nhà cai trị thiên đàng thấy Người trong bộ dạng xấu xa và méo mó, và chẳng vẻ vang chút nào, đến không nhận ra Người, bèn lên tiếng hỏi: “Vị Vua vinh hiển này là ai?” Thì Chúa Thánh Thần, một là nhân danh Ngôi Cha hai là nhân danh chính ngôi của Người, đã trả lời: “Chúa các đạo binh, chính là vị Vua vinh hiển này”. Vì mọi người sẽ thú nhận rằng không một ai trong số những người chủ trì tại các cổng Đền Thờ ở Giêrusalem dám nói liên quan tới Salômôn… hay liên quan tới hòm bia giao ước “vị Vua vinh hiển này là ai?” (Đối thoại với Trypho, 36, 5-6). 

Các đau khổ của các Kitô hữu bị bách hại đã ghi ấn tượng mạnh mẽ nơi Thánh Giustinô. Vì lý do này, ngài nhìn Chúa Giêsu lên trời, không dưới khía cạnh vinh hiển của Vua Salômôn, mà đúng hơn dưới bộ dạng méo mó vì thương tích và cái chết của Người. Đây là lý do khiến các thiên thần không nhận ra Người và lên tiếng hỏi “Vị vua vinh hiển này là ai?”. Mầu nhiệm Lên Trời bảo đảm dây liên kết giữa thân xác Chúa Giêsu và Giáo Hội; nó bảo đảm rằng Người tiếp tục dự phần vào các đau khổ của ta. Như thể mọi lịch sử đều hội tụ vào trong các thương tích của Chúa Kitô, các thương tích mà Đấng Phục Sinh vẫn duy trì, cùng lên trời với chúng. 

Nói tóm lại, với Thăng Thiên, một điều gì mới mẻ đã diễn ra sau các biến cố Phục Sinh: thân xác vinh hiển của Chúa Giêsu liên kết thân thể Giáo Hội với chính Người, và qua thân thể này, Người liên kết với toàn thể vũ trụ. Một lối mới trong việc sống thực tính thân xác đã xuất hiện trong thế giới; lối sống này, do đó, là lối sống riêng của Đấng Phục Sinh. Nếu trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu nối kết nguồn gốc lịch sử vào chính nguồn gốc của Người là Chúa Cha, thì nay, Người kết hợp việc Người trở về với Chúa Cha với việc lịch sử chuyển dịch về hướng Thiên Chúa. Nó như thể việc đổi hướng để lái các thế kỷ về một mục đích mới. Mọi sự, do đó, được chuẩn bị cho ngày Hiện Xuống, tức giờ phút Chúa Thánh Thần được tràn đổ trên Giáo Hội. Vai trò của Chúa Thánh Thần là hướng dẫn Giáo Hội qua dòng lịch sử, làm đường đi của Giáo Hội luôn đồng dạng với nguồn gốc mà Chúa Kitô đã thiết lập khi Người xuống thế và đích đến mà Người đã thiết lập khi trở về với Chúa Cha. Suốt qua diễn trình này, Chúa Kitô đều hiện diện bằng thân xác qua các bí tích, là các thực thể mở rộng các khả năng của thân xác thành nơi ngụ cư của Thiên Chúa. Thân xác của Người tạo ra một không gian trong đó cuộc gặp gỡ trong tự do có thể diễn ra; trong cuộc gặp gỡ này, Kitô hữu có thể nhận ra nguồn gốc chân thực và cuộc hành trình tiến về đích đến tối hậu của họ: từ Chúa Cha và tới Chúa Cha. 

Phóng dịch bài Mầu Nhiệm Thăng Thiên của Jose Granadas, DCJM, phó chủ tịch Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Nghiên Cứu Hôn Nhân Và Gia Đình tại Đại Học Latêranô ở Rôma, đăng trên Communio số 38 (Xuân 2011).

Vũ Văn An6/1/2014(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét