Trang

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Thứ Sáu sau Chúa Nhật 11 Quanh Năm

Thứ Sáu sau Chúa Nhật 11 Quanh Năm

  
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 11, 1-4. 9-18. 20
"Người ta xức dầu cho Gioas và reo lên: Vạn tuế đức vua".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, khi bà Athalia, mẹ vua Ocôsia, thấy con mình chết, nên đứng lên giết tất cả dòng dõi nhà vua. Nhưng Giô-saba, con gái của vua Giôram và là chị của Ocôsia, cứu được Gioas, con của Ocôsia khỏi số các con của vua bị sát hại, và giấu nó trong phòng ngủ làm một với bà vú, để bà Athalia không thấy nó và nó khỏi bị giết. Nó ở trong đền thờ Chúa với bà Giôsaba cách bí mật được sáu năm, thời gian bà Athalia cai trị đất nước.
Năm thứ bảy, ông Gioiađa sai người đi tìm các sĩ quan và quân lính, ông đưa họ đi với ông vào đền thờ Chúa. Người ký giao ước với họ, bảo họ thề trong đền thờ Chúa và cho họ thấy con của nhà vua.
Các sĩ quan làm tất cả những điều tư tế Gioiađa truyền dạy: Mỗi người đem các thuộc hạ theo mình, những người lính vào canh ngày Sabbat cũng như kẻ ra canh, đều đến cùng tư tế Gioiađa. Ông trao cho họ giáo mác và khí giới của Ðavít để trong đền thờ Chúa. Mỗi người cầm khí giới đứng từ bên tả đến bên hữu đền thờ và bàn thờ, hộ vệ chung quanh đức vua. Tư tế Gioiađa dẫn hoàng tử ra, đặt triều thiên lên đầu người và trao cho người quyển giao ước. Người ta phong người làm vua và xức dầu cho người. Họ vỗ tay reo lên: "Vạn tuế đức vua!"
Athalia nghe tiếng dân chúng chạy đến, thì đi với dân vào đền thờ Chúa. Bà Athalia thấy vua đứng trên toà như thói thường, có ca sĩ và đội kèn đứng kề bên, và toàn dân trong xứ hân hoan kèn hát, bà liền xé áo mình, kêu lên rằng: "Mưu phản! Mưu phản!" Nhưng Gioiađa truyền cho các sĩ quan đang cầm đầu toán binh lính rằng: "Các ngươi hãy đuổi bà ấy ra khỏi đền thờ, và hễ ai theo bà, thì chém luôn". Vị tư tế nói: "Ðừng giết bà trong đền thờ Chúa". Họ ra tay bắt và lôi bà đi theo đường ngựa vào đến gần cung điện và giết bà tại đó.
Gioiađa ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với vua và dân, để họ trở nên dân Chúa; và ký giao ước giữa vua và dân. Toàn dân trong xứ đều ùa vào chùa Baal, phá huỷ các đền thờ, đập tan các bức tượng, và giết luôn thầy cả Mathan trước bàn thờ. Tư tế Gioiađa đặt các toán canh giữ đền thờ Chúa. Toàn dân trong xứ hân hoan, và thành đô được bằng yên: vì bà Athalia bị giết trong đền vua.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 131, 11, 12.13-14. 17-18
Ðáp: Chúa đã kén chọn Sion làm nơi cư ngụ cho mình (c. 13).
Xướng: 1) Chúa đã thề hứa cùng Ðavít một lời hứa quả quyết mà Người sẽ chẳng rút lời. Rằng: "Ta sẽ đặt lên ngai báu của ngươi một người con cháu thuộc dòng giống của ngươi". - Ðáp.
2) Nếu các con ngươi tuân giữ điều ước của Ta, và những luật lệ mà Ta ban ra dạy chúng, thì cả con cháu chúng cũng được muôn đời ngồi cai trị trên ngai báu của ngươi. - Ðáp.
3) Bởi chưng Chúa đã kén chọn Sion, đã thích lựa Sion làm nơi cư ngụ cho mình. Người phán: "Ðây là nơi nghỉ ngơi của Ta tới muôn đời, Ta sẽ cư ngụ nơi đây, vì Ta ưa thích". - Ðáp.
4) Tại đó, Ta sẽ gầy dựng một uy quyền cho Ðavít, sẽ chuẩn bị ngọn đèn sáng cho người được Ta xức dầu. Ta sẽ bắt những kẻ thù ghét người tủi hổ, nhưng triều thiên của Ta chiếu sáng rực rỡ trên mình người. - Ðáp.
  
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 6, 19-23
"Kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó. Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?"
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Hai tư tế

Trong điện Vatican, có treo một bức họa nổi tiếng của Rafaelo mang tên là "trường phái Athène", mô tả dung mạo và sứ điệp của hai triết gia Hy Lạp là Aristote và Platon. Danh họa Rafaelo mô tả Aristote đứng vững trên mặt đất, một tay cầm cuốn sách luân lý, một tay chỉ xuống mặt đất; còn Platon thì được vẽ hai chân chỉ chạm nhẹ mặt đất, một tay cầm cuốn sách, một tay chỉ về trời cao. Trong hai tư thế khác nhau này, Rafaelo muốn nói lên khía cạnh nổi bật của thiên tài Hy Lạp, đồng thời là hai chiều kích căn bản của ơn gọi làm người, đó là chinh phục mặt đất, đồng thời vượt qua vật chất, vượt khỏi tầm mức những gì thấy được; vừa dấn thân trong lãnh vực trần thế, vừa biết hướng về trời cao và những giá trị đời đời.
Tin mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay cũng mời gọi chúng ta đang sống trong ơn gọi trên trần gian, nhưng hãy biết hướng về trời cao, nơi tích chứa của cải đích thực. Tin Mừng nhắc đến hai tư tưởng: một mời gọi con người hướng về trời, một mời nói lên vai trò của mắt, không phải mắt thân xác, nhưng là mắt tinh thần, mắt đức tin hướng dẫn cuộc sống con người. Suy nghĩ kỹ, chúng ta có thể nhận ra được liên hệ giữa hai tư tưởng này. Sự tăm tối tinh thần là điều đáng sợ hơn cả, vì không nhận thấy đâu là điều phúc thật của con người. Do mù quáng tinh thần và chỉ nhận của cải, danh vọng, quyền bính là phúc thật, con người sẽ tìm cách có được những thứ ấy càng nhiều càng tốt. "Kho tàmg của con ở đâu, thì lòng con ở đó". Ðó là định luật tâm lý tự nhiên của con người. Nếu tôi chỉ nhìn thấy lý tưởng của mình trong việc thu tích của cải, danh vọng, quyền thế, thì làm sao tôi có thể hướng nhìn trời cao và số phận đời đời của con người.
Xin Chúa thanh tẩy và soi sáng con mắt tinh thần chúng ta, để chúng ta có thể nhận ra đâu là điều thiện hảo và qui hướng về đó mà tiến tới.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 11 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Kgs 11:1-4, 9, 18-20; Mt 6:19-23.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng.
Khi Thiên Chúa hỏi vua Solomon ông muốn xin bất cứ điều gì trên đời, Ngài sẽ ban cho ông! Ông không xin sang giàu, uy quyền, danh vọng, sức khỏe... Ông chỉ xin cho được khôn ngoan để hiểu biết điều đúng từ những điều sai lầm. Thiên Chúa rất hài lòng và ban cho ông được trở thành người khôn ngoan nhất trên đời đến nỗi trước ông và sau ông, không ai được như thế. Vì có khôn ngoan, nên ông có tất cả các thứ khác.

Các bài đọc hôm nay nhằm sáng tỏ một lần nữa tầm quan trọng của khôn ngoan trong cuộc sống con người. Trong bài đọc I, vì thiếu khôn ngoan nên khi chồng chết, bà hoàng hậu Dân Ngoại Athaliah ra lệnh giết tất cả các cháu của bà để cai trị xứ Judah. Toan tính của bà không qua được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vẫn còn một đứa cháu còn sót lại để làm vua nối dòng vương triều của David. Bà đã bị dân chúng giết và vứt xác bên ngoài Đền Thờ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải biết dùng khôn ngoan để phân biệt: của hư nát với của vững bền, kho tàng hư nát với kho tàng vững bền, mắt sáng và mắt tối.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vì thiếu khôn ngoan, hoàng hậu Athaliah bị chết như kẻ vô danh.

1.1/ Hận thù chồng chất thêm hận thù: Bà Athaliah là con vua Ahab và hoàng hậu Jezebel, bà và kết hôn với Jehoram, con của bà Jehosaphat (2 Kgs 8:18). Mẹ nào con đó, Bà là người gian ác và thờ thần Baal. Khi Ahaziah là con của bà và Jehoram bị ám sát chết bởi Jehu một năm sau khi Jehoham qua đời, Bà Athaliah đứng lên ra lệnh tiêu diệt tất cả hoàng tộc để cai trị dân chúng.
Nhưng bà Jehosheba, ái nữ vua Joram và là chị của vua Ahaziah, đã ẵm Joash, con vua Ahaziah, lén đưa cậu ra khỏi số các hoàng tử sẽ bị sát hại, giấu trong phòng ngủ cùng với người vú nuôi. Như thế, cậu bé đã được giấu khuất mắt bà Athaliah, và cậu không bị giết. Cậu Joash ở lại với bà Jehosheba trong Nhà Đức Chúa, lẩn trốn ở đó sáu năm, suốt thời bà Athaliah cai trị xứ sở. Joash là cháu ruột của bà Athaliah và cháu họ của bà Jehosheba.

Lịch sử Do-thái không cho bà Athaliah không phải là người cai trị hợp pháp. Nếu bà Athaliah thành công trong kế hoạch cai trị, nhà David sẽ tuyệt tự; nhưng Thiên Chúa đã quan phòng mọi sự và bà Athaliah phải trả nợ máu, họ đã lấy gươm giết chết Bà trong đền vua sau 6 năm cai trị.

1.2/ Toàn dân trong xứ kéo tới đền Baal mà phá huỷ các bàn thờ và tượng thần: Jehoiada là thượng tế trong thời bà Athaliah cai trị. Năm thứ bảy, ông Jehoiada sai người đi mời các vị chỉ huy một trăm quân thuộc đạo binh Carites và thuộc đoàn thị vệ. Ông cho họ vào trong Nhà Đức Chúa với ông. Ông kết ước với họ, bắt họ tuyên thệ trong Nhà Đức Chúa, và cho họ được thấy hoàng tử. Các vị chỉ huy một trăm quân làm đúng mọi điều tư tế Jehoiada đã truyền. Mỗi vị chỉ huy đem theo người của họ, những người đang phiên trực ngày Sabbath, cùng với những người hết phiên trực ngày Sabbath. Họ đến với tư tế Jehoiada. Mục đích của thượng tế Jehoiada là muốn cho dân chúng tin tưởng vào hoàng tử Joash có đủ hậu thuẫn để lên ngôi làm vua.

Toàn dân trong xứ kéo tới đền Baal mà phá huỷ các bàn thờ và tượng thần. Còn Mattan, tư tế của thần Baal, thì họ giết ngay trước các bàn thờ. Rồi thượng tế Jehoiada đem theo các vị chỉ huy một trăm quân, quân Carites, các thị vệ và toàn dân trong xứ. Họ rước vua từ Nhà Đức Chúa xuống, sau đó đi qua Cửa Các Thị Vệ mà tới đền vua. Vua Joash ngự lên ngai vua. Toàn dân trong xứ thì vui mừng, mà thành vẫn không động tĩnh.

2/ Phúc Âm: Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.

2.1/ Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời: Con người có thói quen tích trữ; nhưng phải biết khôn ngoan để tích trữ những gì không hư hoại và vào nơi tích trữ an toàn không ai có thể động tới được. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ so sánh về kho tàng dưới đất với kho tàng trên trời.

(1) Kho tàng dưới đất: Nhiều người nghĩ tiền là tiện nhất và nhẹ nhàng, nên họ đã cẩn thận bao bọc tiền có được đem chôn dưới đất. Ít lâu sau cần tiền họ đào đất mang lên, tiền đã mục nát và trở thành vô giá trị. Người khác cho chẳng gì bằng của ăn như gạo, bột mì, khoai sắn; nên họ cho xây những vựa to để chưa thực phẩm. Vài năm sau ra thăm, họ thấy vựa đã bị chuột cắn phá, gạo và lúa mì bị tràn đầy mối mọt. Người khác rút kinh nghiệm và kết luận chẳng gì bằng vàng bạc, vừa không mất giá, vừa không bị mối mọt, và họ yên trí cất giấu. Nhưng cất đâu cũng chẳng khỏi “tai vách, mặt rừng.” Họ bị kẻ trộm đến khoét vách lấy đi vàng bạc, và những đồ quí giá.

(2) Kho tàng trên trời: Những gì con người có thể làm và tích trữ trong kho tàng trên trời. Trước tiên là những việc lành phúc đức được thu tóm trong 7 mối thương phần xác và 7 mối thương phần linh hồn. Bảy mối thương xác là: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ bệnh cùng kẻ ở tù, cho khách độ nhà, chuộc kẻ làm tôi mọi, và chôn xác kẻ chết. Bảy mối thương linh hồn: lấy lời lành khuyên người, mở lòng kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ khinh dể ta, nhịn kẻ làm mất lòng ta, cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết. Thứ đến, là những hiểu biết về Thiên Chúa và tình yêu dành cho Ngài. Hai điều này không thể tách rời vì chúng ta không thể yêu người ta không biết. Kiến thức về Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta yêu Ngài mỗi ngày một hơn. Sau cùng, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài, và Ngài mời gọi chúng ta trở nên hoàn thiện giống như Ngài. Tiến trình nên hoàn thiện không phải chỉ dứt bỏ tội lỗi; nhưng còn phải tập luyện các nhân đức nữa.

2.2/ Nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng: Chúa Giêsu dạy: "Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” Mắt sáng mới thấy đường. Mắt mù, loạn thị và loạn sắc sẽ ảnh hưởng trên tầm nhìn của con người. Người mù lòa sẽ khổ vô cùng vì cả vũ trụ đối với anh là một màu đen. Đi đâu anh cũng phải có người hướng dẫn, nếu không sẽ bị té ngã vì những đồ vật trước mặt.

Như mắt sáng cần cho thân thể thế nào, sự khôn ngoan cũng cần cho đời sống tinh thần như vậy. Ít người chịu để ý đến sự mù lòa của trí khôn và tâm hồn; nhưng ảnh hưởng của nó trên con người còn lớn hơn là sự mù lòa trên cơ thể. Những người mù vẫn có thể được cứu độ nếu họ có một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa, như anh mù Bartimê thành Jericho hay người mù từ lúc mới sinh trong chương 9 của Tin Mừng Gioan.

Để hiểu điều này, chúng ta hãy suy niệm về câu truyện Chúa chữa người mù từ lúc mới sinh trong Gioan. Những người biệt phái và Do-thái nghĩ họ sáng mắt và hiểu biết mọi sự; nhưng họ đã không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của họ, lại còn lên mặt kiêu căng, phách lối nên họ đã không nhận được ơn cứu độ như người mù. Nếu chúng ta có mắt sáng nhưng không nhận ra sự thật và sự khôn ngoan, để rồi lầm đường lạc lối trong những cám dỗ và tội lỗi của thế gian, người khác bảo sao chúng ta làm vậy, thì mắt sáng có làm lợi gì cho chúng ta đâu!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Chúng ta phải học hỏi để có khôn ngoan nhận ra những sai lạc của thế gian và những tăm tối của cuộc đời. Kho tàng ở đâu, lòng chúng ta ở đó. Hãy lo tích trữ cho mình những của cải vững bền trong kho tàng trên trời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 11 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)


Mt 6,19-23

A. Hạt giống...
Hai cụm từ quan trọng của đoạn Tin Mừng này là "Kho tàng" và "Con mắt".

1. Kho tàng tượng trưng cho những giá trị mình coi trọng. Chúa dạy đừng tích trữ kho tàng dưới đất chứa những của cải vật chất, vì nó không bền (ten sét, mối mọt, trộm cắp). Nhưng hãy tích trữ kho tàng trên trời (những việc lành) vì rất bền vững và an toàn không bao giờ hư mất.

2. Con mắt sáng tượng trưng cho lương tâm lành mạnh. Ai có lương tâm lành mạnh thì toàn thể cuộc sống người đó sẽ sáng ngời. Ngược lại ai mà lương tâm hắc ám thì cả cuộc đời tối đen.

B.... nẩy mầm.

1. Nếu kho tàng tượng trưng cho những thứ mà người ta coi trọng, thì hiện nay kho tàng của tôi là gì ?

Chúa nói tất cả mọi kho tàng dưới đất đều không an toàn. Tôi nghĩ xem "kho tàng" của tôi có thực sự an toàn không ?

2. "Kho tàng của con ở đâu thì lòng con ở đó" : một trắc nghiệm nữa để giúp tôi biết kho tàng của tôi ở đâu, đó là nhớ xem những khi cầu nguyện lo ra, những khi vừa bừng mắt thức dậy, và những lúc ngồi suy nghĩ vẫn vơ, tôi hay nhớ tới cái gì ? nhớ tới ai ?

3. "Con mắt là đèn soi". Câu này cũng khuyến cáo tôi hãy cẩn thận về những điều tôi nhìn xem và những cách tôi nhìn xem.

- Những điều tôi nhìn xem : Tốt hay xấu ? Có lợi hay tai hại ? Muốn biết, hãy nhớ lại một số cảnh tượng mà tôi đã xem sau đó để lại trong lòng tôi những dư âm gì.

- Những cách tôi nhìn xem : tôi nhìn người nghèo hèn thế nào ? tôi có thấy Chúa trong những thứ tôi nhìn không ?

4. "Đèn của thân thể là con mắt" (Mt 6,22)

Em thì quờ quạng trước chiếc gậy trên tay, em thì bám vào vai bạn và cả hai cùng lấn bước. Nơi lớp học, các em dùng những bàn tay nhỏ bé của mình để đọc từng chữ...
Tôi chạnh lòng khi nhìn thấy cảnh tượng này ở một trường khiếm thị. Bất chợt ánh mắt tôi dừng lại ở một em đeo Thánh giá trước ngực. Tiến lại gần, tôi làm quen với em và được biết trước khi vào trường này, mẹ em đã đưa cây Thánh Giá cho em và bảo : "Đèn của thân thể con người là mắt, còn đây chính là cây đèn của con."

Tôi hỏi em : "Em có vui không ?" Thật hạnh phúc, em đáp "Có chớ anh. Em đã mất con mắt của thân thể, nhưng thật sự con mắt tâm hồn em vẫn sáng."

Nghe lời xác quyết ấy, tôi giật mình tự nghĩ : "Con mắt tâm hồn có bị tắt không nhỉ ?"
Lạy Chúa, xin thắp sáng lên trong tâm hồn con ngọn lửa hồng tình yêu Chúa. (Hosanna)
Ln.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét