Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Thứ Hai sau Chúa Nhật 10 Quanh Năm

Thứ Hai sau Chúa Nhật 10 Quanh Năm



Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 17, 1-6
"Êlia đứng trước tôn nhan Chúa, Thiên Chúa Israel".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Êlia người Thesbê thuộc miền Galaad, tâu vua Acáp rằng: "Có Chúa là Ðấng hằng sống, Thiên Chúa dân Israel, mà tôi đứng trước tôn nhan! Trong những năm sắp tới, sẽ không có sương mà cũng không có mưa, nếu tôi không ra lệnh". Và Chúa đã phán cùng Êlia như sau: "Ngươi hãy bỏ nơi này, đi về hướng đông và ẩn náu tại suối Karit ở phía đông sông Giođan. Nơi đây ngươi sẽ uống nước suối, và Ta đã truyền cho chim quạ nuôi ngươi". Vậy ông trẩy đi và làm như lời Chúa dạy. Ông đến ẩn náu tại suối Karit ở phía đông sông Giođan. Sáng sớm quạ đem cho ông bánh và thịt; ban chiều quạ cũng lại đem cho ông bánh và thịt, và ông uống nước suối.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 120, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8
Ðáp: Ơn phù trợ của tôi do nơi danh Chúa, là Ðấng đã tạo thành đất với trời (c. 2).
Xướng: 1) Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ của tôi do nơi danh Chúa, là Ðấng đã tạo thành đất với trời. - Ðáp.
2) Người chẳng để cho chân ngươi xiêu té, Ðấng bảo vệ ngươi, Người chẳng có ngủ say. Kìa Ðấng bảo vệ Israel, Người không thiếp giấc, không ngủ say. - Ðáp.
3) Chúa sẽ bảo vệ thân ngươi, Chúa là Ðấng che chở ngươi ở bên tay hữu. Mặt trời sẽ không hại ngươi lúc ban ngày, và mặt trăng cũng chẳng hại ngươi về ban đêm. - Ðáp.
4) Chúa sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi điều tai biến, Người sẽ bảo vệ linh hồn ngươi. Chúa sẽ bảo vệ ngươi khi đi, khi tới, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. - Ðáp.


Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 5, 1-12
"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ".
"Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm
: Tám mối phúc thật

Có lẽ người Công giáo nào cũng thuộc nằm lòng Tám Mối Phúc Thật, và có lẽ nhiều người ngoài Kitô giáo cũng đã ít hay nhiều nghe nói đến bản Hiến Chương này. Cũng giống như bản thân Chúa Giêsu, Tám Mối Phúc Thật là dấu chỉ của sự mâu thuẫn. Nếu đối với người Công giáo và nhiều bậc vĩ nhân của nhân loại, Tám Mối Phúc Thật là nguồn cảm hứng cho cuộc sống cao thượng; thì đối với một số người khác, như triết gia Nietzsch chẳng hạn, Tám Mối Phúc Thật chỉ là một lô những đức tính của loài vật, bởi vì chỉ có loài vật mới cúi đầu khuất phục và nhẫn nhục chịu đựng; đối với một số khác nữa, Tám Mối Phúc Thật chỉ là những lời hứa hão về một thứ thiên đàng ảo tưởng, hay nói theo ngôn ngữ của Karl Marx, đó chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng. Vậy đâu là tinh thần đích thực của Tám Mối Phúc Thật?
Bản văn Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay là của thánh Mátthêu. Chúa Giêsu chỉ công bố Tám Mối Phúc Thật một lần duy nhất, nhưng được hai tác giả ghi lại; dĩ nhiên, với hai cái nhìn khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Cái nhìn của Luca có tính xã hội: Luca giải thích các mối phúc thật dưới ánh sáng giáo huấn của Chúa Giêsu về nghèo khó và việc sử dụng của cải trần thế, để từ đó đề cao giai cấp những người nghèo khổ trong xã hội; với Luca, những người nghèo thật sự là những tín hữu tiên khởi của Giáo Hội. Trái lại, Mátthêu quan tâm đến khía cạnh luân lý nhiều hơn: nếu Luca đề cao giai cấp cùng khổ, thì Mátthêu nhấn mạnh đến tinh thần nghèo khó: "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó", do đó theo Mátthêu, con người vào được Nước Trời không đương nhiên vì tình trạng nghèo khó, mà vì thái độ tinh thần của họ; cũng trong cái nhìn ấy, Mátthêu đáng giá về sự đói khát: nếu Luca nói đến những nạn nhân của bất công, tức những người đói khát cơm bánh thực sự, thì Mátthêu lại nhấn mạnh đến sự đói khát công lý nơi con người.
Tổng hợp hai cái nhìn khác nhau của Luca và Mátthêu, chúng ta có thể đưa ra bài học về sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế. Nước Chúa mà Giáo Hội loan báo không chỉ là Thiên Ðàng trong thế giới mai hậu, nhưng đang đến trong cuộc sống tại thế này, qua những giá trị như công bình bác ái, huynh đệ, liên đới. Chính trong những thực tại trần thế mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những thực tại Nước Trời.
Niềm tin của người Kitô hữu thiết yếu hướng về cuộc sống mai hậu: mọi nỗ lực của người Kitô hữu nhằm minh chứng cho mọi người về tính cách siêu việt của cuộc sống và định mệnh của con người. Sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, sống giữa thế gian, nhưng con người phải nhìn về Quê hương đích thực là Thiên Quốc. Tuy nhiên, niềm tin hướng về cuộc sống mai hậu ấy không thể làm cho người Kitô hữu xao lãng với những nhiệm vụ trần thế của họ. Họ phải xác tín rằng chính qua những thực tại trần thế, họ mới có thể gặp được những giá trị của Nước Trời; chính qua những thực tại trần thế, họ mới đạt được cứu cánh vĩnh cửu của họ. Ðây quả là một thách đố lớn lao cho người Kitô hữu ở mọi thời.
Một trong những nguyên nhân khiến người Kitô hữu bị bách hại là bởi vì con người không hiểu được sứ điệp của Tin Mừng. Chúa Giêsu đã bị chống đối và cuối cùng bị treo trên Thập giá là bởi vì những người đương thời không hiểu được sứ điệp và con người của Ngài. Ðó cũng chính là thân phận của người Kitô hữu trong trần thế, nhưng chính khi bị bách hại mà vẫn kiên trì trong niềm tin của mình, người Kitô hữu mới thể hiện được ý nghĩa sứ điệp của Tin Mừng.
Chúa Giêsu đã chẳng nói: khi nào Ta bị giương cao, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta sao? Ðó là sức mạnh và nét hấp dẫn của Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu không chỉ rao giảng, mà còn thể hiện cho đến cùng. Chết để cho sứ điệp Tin Mừng được đón nhận, đó là nghịch lý của Tám Mối Phúc Thật. Cái chết ấy được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của người Kitô hữu, nghĩa là hăng say phục vụ, sống quảng đại, liêm khiết, sống bác ái yêu thương, ngay cả chấp nhận những thua thiệt miễn là không đánh mất niềm tin của mình.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 10 Thường Niên, Năm Chẵn
Bài đọc: 1 Kgs 17:1-6; Mt 5:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng nơi tình yêu của Thiên Chúa quan phòng.
Mọi sự trong thế giới là của Thiên Chúa vì Ngại dựng nên tất cả cho con người hưởng dùng trong những ngày họ sống trong thế gian; nhưng rất nhiều người, thay vì biết cám ơn Thiên Chúa đã ban cho, lại coi những gì mình có là do sức lực và tài khéo của mình, thay vì thờ phượng Người đã dựng nên tất cả lại quay sang thờ phượng những thứ Người đó tạo nên. Tiên tri Isaiah so sánh những người như thế còn thua cả loài vật, vì: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isa 1:3).
Các bài đọc hôm nay muốn nhắc nhở cho con người biết hạnh phúc thật không phải là ở sự hưởng thụ vật chất; nhưng là ở chỗ tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa quan phòng. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah truyền lệnh đóng cửa trời. Mục đích là để cho dân nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa và quay trở về với Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tóm tắt đạo lý của Người trong Bát Phúc; những gì con người phải làm để được Thiên Chúa chúc phúc.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh.
1.1/ Lệnh truyền của tiên tri Elijah: Tiên tri tức giận vì nhà vua và dân chúng đã rời xa Thiên Chúa, vì muốn cho họ mở mắt nhìn thấy đâu là Thiên Chúa thật, ông nói với vua Ahab của Israel rằng: "Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của Israel, Đấng tôi phục vụ: trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh."
Thiên Chúa không những dựng nên cây cối và hạt giống làm thức ăn cho muôn loài, Người còn quan phòng cho mưa nắng, sương gió giúp hạt giống nẩy mầm và tăng trưởng. Nếu thiếu những yếu tố này, hạt giống sẽ không thể mang lại cho con người lương thực. Để giúp nhà vua và con cái Israel nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa, tiên tri được Thiên Chúa cho quyền năng “đóng cửa trời,” để không có mưa hay sương rơi xuống trên mặt đất cho tới khi tiên tri truyền lệnh lại.
Không có mưa hay sương, con người và thú vật sẽ chết vì khát, cây cỏ sẽ khô héo và không sinh lương thực, con người và thú vật sẽ chết vì đói. Tiên tri hy vọng khi con người phải đối diện với nguy hiểm chết vì đói khát, họ sẽ nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa và tin tưởng nơi Ngài.
1.2/ Thiên Chúa quan phòng cho Elijah: Khi không có mưa sương rơi xuống, cả tiên tri Elijah cũng bị ảnh hưởng, nhưng ông tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa biết chỗ nào có nước để tiên tri có nước uống: “Ngươi hãy bỏ đây đi về phía đông, và ẩn mình trong thung lũng Cherith, phía đông sông Jordan. Ngươi sẽ uống nước suối.” Về thức ăn: “Ta đã truyền cho quạ nuôi ngươi ở đấy." Ông ra đi và làm như Đức Chúa truyền: là đến ở thung lũng Cherith, phía đông sông Jordan. Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông; rồi buổi chiều, cũng mang bánh và thịt cho ông. Ông uống nước suối.
Trình thuật trong Sách Các Vua dạy chúng ta bài học: Nếu con người không biết nhận ra và cám ơn những ân huệ Thiên Chúa đã làm, Ngài sẽ cất đi và con người sẽ chết; nhưng nếu con người nhận ra và tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ có cách nuôi dưỡng con người ngay cả trong khi hạn hán, đói khát.
2/ Phúc Âm: Người có phúc là người biết trông cậy hoàn toàn nơi Thiên Chúa.
Có thể nói Bát Phúc là tóm tắt tất cả những gì Chúa Giêsu dạy dỗ con người trong những ngày Ngài rao giảng ở trần gian. Có thể tóm tắt Bát Phúc vào ba điều chính theo chủ đề hôm nay. Con người cần phải tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
2.1/ Trong khi thiếu thốn vật chất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” Có nhiều cách giải thích về cụm từ “tâm hồn nghèo khó.” Trước tiên, chúng ta không thể giản lược vào thiếu thốn vật chất; nhưng rất nhiều lần Chúa Giêsu tuyên bố người giầu có rất khó vào Nước Trời. Lý do đơn giản khi con người có đầy đủ mọi thứ, họ có khuynh hướng không cần Thiên Chúa; tối ngày chỉ lo kiếm nhiều tiền, và khi có nhiều tiền lại tìm kiếm hưởng thụ. Dĩ nhiên Chúa không cổ động lối sống nghèo đến độ không có của ăn nhà ở, con người cần có những thứ căn bản ổn định trước khi có thể phát triển tinh thần. Thứ hai, có người giầu nhưng biết dùng của cải Chúa ban để phân phát cho người nghèo, ủng hộ vào các chương trình phát triển hay nuôi dưỡng ơn gọi, hay mở rộng nhà cửa để tiếp đón những nhà truyền giáo. Có lẽ điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến ở đây là có lòng trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi sự, chứ không thuần nhất chỉ của cải vật chất mà thôi.
2.2/ Trong khi thiếu thốn tinh thần: Hiền lành không có nghĩa khờ khạo để cho người khác muốn làm gì thì làm; nhưng phải biết khi nào và cách thức phản ứng để đạt được kết quả tốt đẹp như ý Thiên Chúa muốn. Trên đường nhân đức, người khao khát được trở nên người công chính là người dễ đạt tới đỉnh trọn lành, vì nếu coi thường hay xem nó không quan trọng, làm sao người đó chịu bỏ công sức để tập luyện! Xót thương tha nhân là điều kiện Chúa đòi để được Chúa xót thương. Ai không có lòng thương xót anh em mình, làm sao dám cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Ơn Phúc Kiến, nhìn thấy Thiên Chúa tỏ tường là mục đích của cuộc đời. Điều kiện Thiên Chúa đòi là tâm hồn trong sạch. Chữ trong sạch ở đây hiểu là “nguyên chất,” không pha trộn với điều gì khác. Nếu hiểu như thế, trong sạch không chỉ giản lược vào phạm vi tình dục; nhưng bao gồm tất cả các mong ước bất chính. Bình an là quà tặng Thiên Chúa ban cho những ai đặt trọn vẹn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Xây dựng bình an là giúp cho con người hoàn toàn tin nơi Thiên Chúa.
2.3/ Trong khi chịu đau khổ: Khi con người chịu đau khổ, họ có thể rơi vào một trong hay trạng thái: (1) than thân trách Thiên Chúa và mất niềm tin tưởng nơi Ngài; (2) nâng tâm hồn lên Thiên Chúa để xin Ngài ghé mắt nhìn tới. Con người dễ hướng lòng lên Thiên Chúa khi thiếu thốn đau khổ hơn là khi sung sướng hạnh phúc. Nhiều thánh mong ước được chịu đau khổ để họ được cảm thấy sự ủi an của Thiên Chúa. Đau khổ vì chính đạo là cơ hội cho con người chứng tỏ niềm tin yêu của họ nơi Thiên Chúa. Khi có dịp để chịu đau khổ vì Chúa, các tín hữu phải hãnh diện vì được thông phần vào Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, và cũng sẽ được thông phần vào vinh quang của Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Vật chất chỉ là những phương tiện của cuộc sống không phải là đích điểm của cuộc đời. Chúng ta đừng vì vật chất mà sống xa Thiên Chúa.
- Chỉ một mình Thiên Chúa mới làm đầy những khao khát hạnh phúc của con người. Để chiếm hữu Thiên Chúa, con người cần khao khát tập luyện các nhân đức.
- Đau khổ vì chính đạo là cơ hội cho chúng ta biểu tỏ đức tin vào Thiên Chúa. Nếu chúng ta ao ước được chịu đau khổ với Đức Kitô, Ngài sẽ cho chúng ta cùng hưởng vinh quang với Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 10 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 5,1-12

* Đặt trong sơ đồ chung của Tin Mừng Mt :
Bắt đầu từ hôm nay, Phụng vụ chọn đọc Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu.
Các bài Tin Mừng từ hôm nay đến Thứ Sáu tuần XII (tức các chương 5-7) nằm trong Bài giảng trên núi, trong đó Chúa Giêsu công bố những giáo lý then chốt của Ngài để ai sống theo thì sẽ được vào Nước Trời.


A. Hạt giống...
Người ta đã quen gọi đây là bản hiến chương Nước Trời. Nước Trời là nước hạnh phúc. Muốn vào nước đó phải có 8 đức tính căn bản là :
  1/ Tâm hồn nghèo
  2/ Hiền lành
  3/ Sầu khổ
  4/ Khao khát nên người công chính
  5/ Xót thương người
  6/ Tâm hồn trong sạch
  7/ Xây dựng hoà bình
  8/ Chịu bách hại vì sống công chính

B.... nẩy mầm.
1. Có thể quy tất cả 8 đức tính ấy vào một đức tính căn bản là "Tâm hồn nghèo". Người có tâm hồn nghèo là người :
            . Mặt tiêu cực : không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này... (nói cách khác : không màng đến nước trần gian)
            . Mặt tích cực : chỉ ước ao sống tốt theo ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành của Thiên Chúa (nói cách khác : được sống trong Nước Trời)
Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói : hạnh phúc đích thực của kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa.
2. Hạnh phúc là gì ? Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.
3. Một hôm khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ :
- Nhân danh Chúa, ta hỏi mi : đâu là nơi hạnh phúc nhất ?
- Dĩ nhiên là thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là một con số không.
- Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng ?
- Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả mọi cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi !
Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc. (Chờ đợi Chúa)
4. "Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa" (Mt 5,11)
Ngày 19-6-1988, cả Giáo hội Việt Nam hân hoan vui sướng vì 117 vị tử đạo đã được phong hiển thánh. Những nỗi đớn đau tủi nhục vì Chúa Kitô của các ngài đã được chúc phúc.
Hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi những khó khăn, đớn đau và tủi nhục trong cuộc chiến cam go loại bỏ tật xấu, dứt khoát với tội lỗi, hay những suy nghĩ tiêu cực nơi chính bản thân. Cuộc chiến ấy đòi hỏi chúng ta phải can đảm.
Xin các thánh tử đao Việt Nam thông truyền cho chúng con dòng máu bất khuất của các ngài và giúp chúng con biết chiếu tỏa tôn nhan Thiên Chúa nơi chính con người và cuộc sống chúng con.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét