Trang

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

SỰ CHUYỂN BIẾN KHUNG NÃO TRẠNG TRONG THẦN HỌC VÀ NHỮNG MÔ HÌNH CỦA THẦN HỌC BỐI CẢNH ỨNG DỤNG CHO HUẤN GIÁO

SỰ CHUYỂN BIẾN KHUNG NÃO TRẠNG

TRONG THẦN HỌC VÀ NHỮNG MÔ HÌNH

CỦA THẦN HỌC BỐI CẢNH ỨNG DỤNG CHO HUẤN GIÁO


Lm Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS.


Dẫn nhập
“Từ thuở ban đầu đã có thần học bối cảnh”

Thần học duy nhất hay đa phức? Đồng nhất hay đa dạng? Phải chăng, chỉ có một nền thần học, xưng danh là thần học truyền thống, như một hệ thống tư duy bao trùm tất cả truyền thống thần học, và đã từng được tôn vinh như là mẫu mực, mang hình thái của một thần học thường hằng, bất biến (theologia perennis), không bị ảnh hưởng của thời gian theo những biến chuyển của văn hoá, xã hội qua các thời đại? Thật vậy, ký ức lịch sử cho thấy, diễn tiến thần học không phải thế. Thần học rất đa dạng, với nhiều hình tháiphong phú, nhiều lối trình bàytừ những góc cạnh, và có những phương pháp tiếp cận khác nhau.

Ngay trong Tân Ước, một bộ sách gồm nhiều cuốn sách, đã được biên soạn theo nhiều quan điểm thần học, như chúng ta đọc thấy giữa Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng Gioan. Văn phong của Phaolô cũng thế, nhằm để đưa dân ngoại vào đạo, đã đánh dấu một sự chuyển biến ngôn ngữ hết sức linh động, theo triết hướng Hy lạp và Do Thái. Trong Giáo hội tiên khởi, vì sứ mạng chủ yếu nằm ở chỗ giải thích Kinh thánh và giảng dạy giáo lý, nên các Tông đồ đã cố gắng vận dụng Kinh thánh để minh giải nội dung đức tin vào Đức Giêsu Kitô như là Đấng của Lời Hứa, là lời đáp của Thiên Chúa cho mọi khát vọng của dân Israel, cũng như của muôn dân thiên hạ. Theo nghĩa đó, các ngài đã làm công tác suy tư thần học mang đặc tính bối cảnh, làm cho đức tin được sáng tỏ. Và đặc biệt, để hội nhập văn hóa, đối thoại và liên đới, các ngài đi đến quyết định không đặt lên vai các Kitô hữu gốc dân ngoại gánh nặng của Luật Môsê (Cv 15). Kế đến là thời kỳ các Giáo Phụ, Đông phương và Tây phương, đặc biệt là hai trường phái Alexandriavà Antiokia, đã đi theo những đường hướng thần học, những nguyên lýdiễn dịch rất khác nhau. Rồi vào thuở vàng son của thần học kinh viện, vấn đề tri thức đức tin và khái niệm về sự thật đã được đem ra thảo luận giữa nhiều trường phái thần học khác biệt, thông qua phương pháp suy luận tra vấn qua những câu hỏi của những câu hỏi. Thần học của thánh Tôma, chẳng hạn, dù được xây dựng một cách hệ thống và trật tựmạch lạc, được coi như thần học mẫu mực, dẫn xuất từ những nguyên lý cao nhất, trừ “trên đi xuống”. Thế nhưng,căn bản, đóvẫn là một cố gắng hội nhập, một nỗ lực suy tư và đối thoại với thời đại, thích ứng với một nền văn hóa đang chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng triết học Trung cổ.

Như vậy, có trở về với ký ức và điểm lại những chứng từ lịch sử, chúng ta mới thấy rõ công việc hội nhập của thần học vào các nền văn hóa địa phương cũng như sứ mạng rao giảng Tin Mừng đã diễn ra ngay từ thuở ban đầu. Vì thế, có thể nói rằng, không có hình thái thần học nào mà không mang tính bối cảnh và lịch sử, nghĩa là luôn đòi hỏi phải vận dụng suy tư từ mộtcảnhngữnào đó, để đối thoại, đối chất, cập nhật hóa và nhất là chứng thực cho đức tin. Thế nhưng, tại sao, vào những năm gần đây, thần học bối cảnh mới xuất hiện trở lại vị trí trung tâm trên diễn đàn thần học, và ngày càng trở nên đặc biệt cấp thiết. Chắc chắn không phải là vô lý vô tình. Hơn bao giờ hết, chúng ta đang sống trong một thế giới mà tính đa phức đã trở thành yếu tố đặc trưng: đa nguyên, đa văn hóa, đa tôn giáo, đa chủng tộc, đa diện theo những khái niệm năng động và tiến hoávề con người và cuộc sống. Thế nên, có rất nhiều quan điểm, triết lý về văn hóa, có rất nhiều ý thức hệ về con người và thân phận mà thần học phải đối diện, chưa nói đến mối nguy hiểm đang đe dọa con người hiện nay chính là sự mất quân bình giữa tiến bộ về khoa học kỹ thuật và các giá trị luân lý.

Để tiếp nối dòng suy tư về chủ đề thần học bối cảnh và trách nhiệm huấn giáo, trong bài thuyết trình này, chúng ta sẽ đề cập đến một sự chuyển biến khung não trạng trong thần học nhờ Vatican II và sự bừng dậy của tâm thức lịch sử hậu Công Đồng. Vì đây là những nguyên tố làm cho thần học bối cảnh được chấn hưng, được hồi phục trong tư cách như một chuyên đề. Sau đó, chúng ta sẽ phác họa một cách cô đọng các mô hình hay mẫu thức của thần học bối cảnh. Cuối cùng, xin được đề xướng một vài đóng góp của thần học bối cảnh, và những yếu tố liên quan. Hy vọng có thể được áp dụng vào công cuộc huấn giáo hiện nay.

I.   SỰ CHUYỂN BIẾN KHUNG NÃO TRẠNG TRONG THẦN HỌC

Lý do nào khiến thần học thay đổi từ đồng nhất đến đa dạng và trở về với thần học trong bối cảnh, mang chiều kích lịch sử, đi tới sự đối thoại với con người và cuộc sống? Chúng ta có thể ghi nhận một sự biến chuyển triệt để về khung não trạng hay về qui phạm tri thức trong thần học từ Công Đồng Vatican II. Một Công Đồng được mô tả như là biến cố quan trọng nhất đối với thần học trong thế kỷ 20. Giữa các biến động văn hóa, xã hội chính trị và những biến cố xảy ra trong và ngoài Giáo Hội, Vatican II đã mở ra cho thần học hiện đại một con đường rất mới mẻ, là làm sao đưa nội dung đức tin vào ngày “hôm nay” của thế giới, chứ không thể lập đi lập lại những tín điều rời rạc hay tái khẳng định quá khứ.

Vì thế, điểm đặc trưng của Vatican II, đó là một Công Đồng không nhằm mục đíchchống lại điều gì đó, như đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Vatican II không chuẩn bệnh, “vạch lá tìm sâu”, rồi bình phẩm lên án. Nhưng là một Công Đồng biết cho các tín hữu, cho con người, cho thế giớimột tầm nhìn mới, vượt lên trên chính mình và hướng vọng về ánh sáng của Chân Lý. Công Đồng mong muốn Giáo Hội lên đường gặp gỡ, đối thoại, cộng tác với mọi người, để Tin Mừng được loan báo như một sứ điệp mang sức mạnh khai mở, giải thoát, chiếu toả niềm vui, niềm hy vọng trong ý thức trách nhiệm chung đối với tương lai của cả nhân loại. Trong ý nghĩa đó, thần học ý thức và đón nhận thời đại, phân định những dấu chỉ của thời đại, biết lưu tâm đến con người cụ thể và thế giới sống của họ là ngôn ngữ, bối cảnh văn hóa, lịch sử và xã hội.

Thực ra, thần học không tạo ra đức tin, nhưng có nhiệm vụ giúp cho con người trong thời đại hiểu được đức tin, cảm nhận được một đức tin có khả năng giải thoát và dẫn đi trên đường đến với sự thật, đến với sự sống, nghĩa là vừa để hiểu về chính mình, về chân tính của mình, về cuộc đời và thân phận, vừa là dự phóng cho những ước mơ triển nở, thực hiện toàn mãn và thăng tiến nhân sinh. Có thể nói cách khác, thần học được hiểu như một chức năng làm sao cho con người biết rằng đức tin chính là một cách thế giúp cho họ trở thành người đích thực, chính thực, cao đẹp và xứng đáng với phẩm giá. Bởi vậy, để hoàn thành sứ mạng của mình, thần học không những phải dấn thân trên nhiều nẻo đường, khám phá những con đường mới, để am hiểu về đức tin Kitô giáo,để đáp ứng hay trả lời cho những chất vấn về con người, mà còn phải thực sự nhảy cảm với tất cả những gì liên quan đến con người và thế giới lịch sử nữa. Như những lời đầu tiên của Hiến Chế Gaudium et Spes: “không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”, các môn đệ Chúa Kitô. Như vậy, không thể đoan chứng cho Thiên Chúa, không thể nào rao giảng Tin Mừng hay gieo trồng hạt giống đức tin vào một vùng đất mà không đồng thời ôm lấy những vấn nạn, những thao thức của con người trong chính cuộc sống của họ trên mảnh đất ấy.

Đó là chính cấu tố cơ bản của thần học bối cảnh, như một phương thức suy tư để hiểu biết đức tin Kitô giáo,không phải chỉ dựa vào nguồn mạch Kinh Thánhvà Truyền thống hay Huấn quyền mà thôi, nhưng còndựa trên cơ sở là điều kiện về văn hóa cũng như kinh nghiệm sống của con người từ trong bối cảnh văn hóa đặc thù đó. Thế nên, thần học không đơn thuần là những nỗ lực suy tư có hệ thống về đức tin Kitô giáo, hay đức tin tìm kiếm hiểu biết, nhưng còn là đức tin đi tìm sự nối kết với mọi thực tại trần thế, cũng như đi tìm kiếm sự khai sáng chiếu soi, hoán cải, gợi hứng cho cuộc đời. Nói cách khác, thần học được sáng tạo là để đáp ứng nhu cầu nào đó, trong bối cảnh nào đó, với mục tiêu cất lên tiếng nói và quan điểm của đức tin Kitô giữa lòng một thế giới đa dạng và đa phức, hầu cho câu trả lời của Thiên Chúa trong Đức Kitô, được mạc khải trong Kinh Thánh, đích thực là lời đáp cho con người của từng thời đại và cho tất cả lịch sử. Vậy đâu là những mô hình, mô biểu hay mẫu thức của thần học bối cảnh?

II.     NHỮNG MÔ HÌNH CỦA THẦN HỌC TRONG BỐI CẢNH

Nhà thần họcStephen B. Bevans, một Giáo Sư thuộc Học Viện Công Giáo Chicago, đã phác họa và định nghĩa thần học từ bối cảnh, trong tác phẩm nổi tiếng của ông vào năm 1992, (Models of Contextual Theology), với sáu mô hình kiểu mẫu. Chúng ta có thể dựa theo đó,  trình bày và tóm lược nội dung chính yếu của các mô hình, cũng như nhận định những điểm mạnh, điểm yếu hay những hạn chế khó khăn trong quá trình suy tư thần học và ứng dụng vào thực tế.

1.      Mô Hình Chuyển Ngữ

Mô hình này nhấn mạnh nhiều đến nội dung của Thánh Kinh và Thánh Truyền, đồng thời ý thức và nhìn nhận tầm quan trọng của kinh nghiệm con người trong một nền văn hóa đặc thù. Một cuộc giao lưu hội ngộ như thế trở thành nguồn cho các nỗ lực suy tư để hiểu biết, đào sâu và chuyển đạt đức tin Kitô giáo. Như người nông dân mang hạt giống là những chân lý bất biến của Thánh Kinh, đem gieo trồng vào vùng đất mới là nền văn hóa địa phương. Và ở đây, sứ điệp Tin Mừng, tuy không hề thay đổi, và Truyền Thống Giáo Hội, tuy là phổ quát, nhưng được thích nghi, được thông diễn bằng những ý niệm, biểu tượng, và ngôn ngữ phù hợp với tầm hiểu biết của người dân bản xứ, cũng như thích ứng với những đòi hỏi của truyền thống văn hóa bản địa. Bởi vì mạc khải chính yếu là cho con người, nên đức tin được gieo trồng phải trổ sinh hoa trái, rồi tỏa sáng ngay trong các chiều kích căn bản của nhân sinh. Ở đây, thần học hay sứ mạng rao giảng sứ điệp Kitô giáo hàm chứa một nhiệm vụ tích cựclà dùng ngôn ngữ và những ý niệm tích lũy trong nền văn hóa bản địa để diễn giải bản văn Thánh Kinh cũng như sứ điệp Kitô giáo cách hiện sinh,đụng chạm thực sự tới cuộc sốngcon người.

Như vậy, theo mô hình chuyển ngữ, thần học biết trân trọng sứ điệp Kitô giáo như đã được mạc khải từ trong Thánh Kinh và được Truyền Thống Giáo Hội hay Huấn Quyền giải thích. Thần học cũng biết trân quý những điều tốt đẹptrong tất cả các nền văn hóa và bối cảnh tư duy của con người sống trong các nền văn hóa đó, đồng thời chấp nhận những đòi hỏi chất vấn cũng như sức mạnh làm hoán cải và biến đổi mang tính siêu văn hóa, vượt thời gian của Tin Mừng. Thế nhưng, làm thế nào để xúc tiến những suy tư thần học bối cảnh hay việc rao giảng Tin Mừng trong sự trung thành sáng tạo với Thánh Kinh, Truyền Thống Giáo Hội và Huấn Quyền? Hơn nữa, muốn chuyển dịch chính xác một bản văn gốc là sứ điệp Tin Mừng như được trình bày trong Thánh Kinh và Thánh Truyền sang một ngôn ngữ khác, người làm thần học cần phải thông hiểu hai ngôn ngữ: ngôn ngữ nguyên bản của tác giả và ngôn ngữ của người địa phương. Từ đó, phải dựa vào những đắc thủ của khoa chú giải cũng như triết học diễn giải hiện đại để thấu hiểu một bản văn. Nói cách khác, vừa phải biết đến bối cảnh văn hóa: tại sao lại viết như thế, biết đến tác giả và những thao thức, vừa biết đến độc giả với những tâm tưởng đợi chờ. Nếu không như thế, bản văn sẽ hàm hồ, tự khép kín mình trong cõi riêng thay vì mở rộng ý nghĩa.

2.  Mô Hình Nhân Học

Mô hình nhân học khởi đầu với bản sắc văn hóa, bao gồm những suy tư thần học mang chiều kích “nhân học”. Một mặt, mô hình này đưa ra ánh sáng một khía cạnh thường bị quên lãng, đó là những gì thuộc về đức tin đều liên hệ đến con người, đến môi trường văn hóa của họ. Mặt khác, mô hình này cho thấy những hiểu biết sâu rộng của một nhân học như khoa học xã hội, nhân văn luận, sử học, tâm lý học…sẽ giúp cho thần học khám phá nơi con người những dự kiện thích ứng với đức tin Kitô giáo. Như vậy, mô hình nhân học triệt để nhấn mạnh đến bản sắc văn hóa và nhìn nhận tất cả những gì tốt đẹp tự nhiên nơi con người như để chuẩn bị đón nhận sứ điệp Kitô giáo. Có thể nói, công việc làm thần học, ở đây, trước tiên là phải biết bối cảnh văn hóa, rồi trích dẫn từ đó những tính chất phù hợp để suy tư và đối chiếu với Thánh Kinh và Truyền Thống. Tựa như hạt giống chân lý đã tồn tại sẵn trong mặt đất. Chỉ cần được tưới nước cho đầy đủ, hạt giống nảy mầm tự nhiên. Và như thế, một khi thần học đánh giá tích cực kinh nghiệm con người và chuẩn nhận bối cảnh văn hóa tự bản chất là tốt lành, thì thế giới lịch sử này được coi như tràn ngập sự sống với muôn vẻ đẹp biểu đạt vinh quang Thiên Chúa. Trời đất ở đây như là “bí tích”, hay dấu tích qua đó Thiên Chúa liên tục tỏ mình ra trong chính cuộc sống hàng ngày với con người, giữa đời thường của con người. Kinh nghiệm và văn hóa nhân linh trở thành “trung tâm”các hoạt động của Thiên Chúa, và do đó, cũng là một nguồn bối cảnh chính đáng của thần học.

Chúng ta có thấy được điểm mạnh của mô hình nhân học là sự liên đới và quan tâm đặc biệt đến thực tế cũng như tình huống sống của con người. Ở đây, thần học minh chứng cho sự tốt lành của mọi thụ tạo, và vì vậy có thể đào sâu mạc khải trong tương quan với thế giới lịch sử. Thần học cũng nhận thức được Thánh Kinh và Truyền Thống đã từng được biên soạn và xuất phát từ các nền thần học theo bối cảnh của ngày xưa cũ. Như vậy, có thể nhận diện Kitô giáo dưới một lăng kính mới. Một đàng, không nhất thiết phải xem Kitô giáo như là một tôn giáo ngoại lai, tự động nhập khẩu các ý tưởng thần học từ nước ngoài.Và đàng khác, thần học ý thức hơn nhiệm vụ của mình với một tầm nhìn nhân bản trung thực về cuộc sống và cách sống của con người như là chủ thể văn hóa và lịch sử. Tuy nhiên, thần học cũng phải cẩn thận những quan niệm lãng mạn về văn hóa, những quan niệm thiếu phê phám, nhưng tự động coi tất cả mọi thứ trong văn hóa đều tốt lành và thánh thiện. Bởi vậy, làm thế nào để phân biệt văn hóa và phi văn hóa, phản văn hóa, phong tục và hủ tục? Cũng cần lưu ý rằng một nền văn hóa không bao giờ tĩnh tại và bất biến, nhưng liên tục thay đổi, tự điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Trong quá trình hội nhập và giao lưu tương tác ấy, thần học ý thức hơn về giới hạn của mình. Làm sao có thểxác định một nền văn hóa truyền thống thuần túy tinh tuyền mà không bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các giá trị tiến bộ hay tinh hoa của các nền văn hóa khác trong thế giới “toàn cầu hóa” ngày nay.

3.  Mô Hình Thực Hành

Mô hình thực hành liên quan chủ yếu đến tính chính danh, tính chân thực và khả tín của sứ điệp Kitô giáo. Sự thật trong đức tin không thể tách biệt khỏi con người và cuộc sống. Theo nghĩa này, thần học như là ý thức phản tỉnh của một lối sống, một cách hành xử cụ thể nhất định. Nói khác đi, chính khi làm sự thật mà con người có thể hiểu được sự thật. Bởi vì, đức tin không những khai sáng, soi chiếu tâm trí con người, nhưng còn gợi hứng, thúc đẩy con người cam kết hành động để biến đổi đời sống, và như thế mang lại những thay đổi tích cực trong xã hội. Đức tin chỉ có thể diễn tả dưới hình thái khả tín khi thực hành. Từ viễn tượng đó mà nẩy sinh ra những phản tỉnh điển hình là hình thái thần học giải phóng cũng như thần học chính trị mang chiều kích phát triển cộng đồng, xã hội. Do đó, như một phương pháp thần học, mô hình thực hành gắn bó với một bối cảnh cụ thể, trong một xã hội cụ thể. Tin và sống trở nên một kinh nghiệm duy nhất. Sự thuyết phục của đức tin tiên vàn không phải là sự thuyết phục của một học thuyết hay một lý luận. Cách thức rao giảng hay truyền bá giáo lý hữu hiệu nhất, dễ hiểu nhất vẫn là thực hành, vì đó là chiều kích cơ bản của đức tin, làm cho đức tin có cơ may đơm hoa kết trái và giúp con người sống triệt để hơn trong trách nhiệm đối với xã hội lịch sử, với cộng đồng thế giới.

Thế nhưng, mối tương quan giữa lý thuyết và hành động quả thực không đơn giản. Chúng ta có thể thấy sẽ có khuynh hướng cho rằng giáo lý chính thống không quan trọng bằng thực hành đức tin cách chính thực, cũng như quan niệm chủ trương vấn đề chính yếu là tin và hành động chứ không phải tin và hiểu biết, vì hiểu biết mà không dẫn đến thực hành thì chỉ là lý thuyết? Chính từ đây, chúng ta thấy xuất hiện một nguy cơ giản lược suy tư thần học vào chiều kích chính trị xã hội như một số nền thần học của Châu Á và thần học theo nhãn quan giải phóng, không những đã không đặt nền tảng trên Kinh Thánh, mà còn loại bỏ Truyền thống thần học và Huấn quyền. Thật vậy, làm sao thoát khỏi nguy cơ đồng hóa khát vọng cứu độ theo nghĩa thần học và sứ điệp Kitô giáo với các thực tại chính trị trong xã hội con người? Làm sao thực hành niềm tin không trở thành một thứ sinh hoạt chính trị đối lập với các thế lực chính trị khác?

4.  Mô Hình Tổng Hợp

Mô hình tổng hợp là con đường của đức tin đi tìm sự nối kết, tìm cách đối thoại liên tục với tất cả mọi thực tại. Mô hình này là một cách thức tổng hợp ba mô hình trên đây (chuyển dịch, nhân học và thực hành) để tạo ra không gian cho một cuộc trao đổi sáng tạo cũng như để duy trì được thế quân bằng cần thiết giữa bối cảnh của Tin Mừng, văn hóa, truyền thống và sự đổi thay trong cuộc sống xã hội. Bởi đó, như là đức tin dấn thân vào một cuộc đối thoại đa phương, thần học vừa cố gắng bảo vệ tầm quan trọng của sứ điệp Tin Mừng và di sản quý báu của các công thức tín lý truyền thống, vừa nhìn nhận vai trò cần thiết của bối cảnhbao gồm cả sự đa dạng của những kinh nghiệm chịu ảnh hưởng theo bối cảnh. Như thế mỗi bối cảnh đều có những yếu tố, những sắc thái độc đáo, không nhất thiết tạo nên mâu thuẫn, nhưng ngược lại, có thể bổ túc dung hòa với sự  đa dạng của những kinh nghiệm từ các bối cảnh khác. Có đối thoại giữa những bối cảnh khác nhau mới có thể phong phú hóa lẫn nhau và làm cho nội dung của đức tin được tỏa sáng muôn sắc màu. Nói khác đi, nếu con người sống cuộc đời mình xuyên qua những những gặp gỡ với người khác, thì từ bối cảnh sống của chính mình cũng có thể khám phá ra các giá trị mới và không ngờ từ trong bối cảnh của người khác. Đối thoại và trao đổi cho thấy sự phong phú, đồng thời kiểm chứng sự hòa điệu đích thực âm hưởng từ trong các bối cảnh như Kinh Thánh, Truyền thống và văn hóa con người. Thật vậy, thần học phải có khả năng tổng hợp, nghĩa là đối thoại với những bối cảnh và đối diện với những câu hỏi không ngừng được đổi mới, vì chính qua những bối cảnh và câu hỏi như thế mà đức tin mới có thể diễn tả cách sống động.

Ở đây, chúng ta thấy được điểm mạnh của mô hình tổng hợp. Thần học là một tiến trình cởi mở cơ bản, một cuộc đối thoại liên tục của đức tin đi tìm sự sống và sự hòa điệu. Đối thoại để tổng hợp, tổng hợp để đưa đến khai thông, gặp gỡ giữa các bối cảnh, các nền văn hóa trong chân lý của đức tin. Nhờ đó, có thểlàm cho bản sắc văn hóa riêng biệt sáng tỏ hơn trong quá trình tổng hợp. Chính trong ý nghĩa đó, thần học trân trọng và làm chứng cho tính ​​phổ quátchính thực của đức tin Kitô giáo. Tất cả mọi ngườitrong mọi bối cảnh đều có thể học hỏi từ nơi mỗi người khác, để hiểu biết chính cuộc đời mình. Như vậy, thần học là một hành trình suy tư theo bối cảnh và tìm kiếm tri thức trong sự đối thoại thường xuyên với quá khứ, nối tiếp truyền thống và mở ra với tương lai, ngõ hầu hướng tới sự duy nhất của đức tin Kitô giáo. Tuy nhiên, nếu chúng ta cố gắng chấp nhận để cho người khác chất vấn cũng như có quyền chất vấn người khác, thì coi chừng trong quá trình trao đổi có thể lộ diện nguy cơ rơi vào vòng lẩn quẩn của các ý niệm hay trò chơi triết lý về văn hóa, để rồi xa rời chứng từ nguyên thủy của Kinh Thánh. Cũng có thể đề cao nền văn hóa nước mình đến độ thỏa hiệp với chân lý và loại trừ các nền văn hóa khác. Bởi vậy, cần lưu ý rằng những điều tích cực trong bất cứ nền văn hóa nào cũng không đủ để diễn tả chân lý của Tin Mừng.

5.  Mô Hình Nghịch Văn Hóa

Thần học theo mô hình này nhận thức con người sống tại thế và tại thể là hiện hữu trong cáctình huống lịch sử, thời điểm nhất định và bối cảnh văn hóa cụ thể. Vì thế, tìm kiếm cách thức, ngôn ngữ để diễn tả và diễn giải là một đòi hỏi nội tại của một đức tin sống động có khả năng chiếu soi và đáp ứng lại những nhu cầu thiết thực của con người. Tuy nhiên, nếu để cho sứ điệp của Tin Mừng thực sự bén rễ sâu trong bối cảnh văn hóa của con người, thần học cần phải thách đố và thanh lọc chính bối cảnh văn hóa đó. Như một mảnh đất cần phải được làm sạch cỏ và bón phân tưới nước hầu sẵn sàng cho những hạt giống có thể được gieo trồng và mọc lên tươi tốt. Chính từ đây, thần học được hiểu như một chức năng tự chủ và trách nhiệm, vừa hội nhập và thu dụng những yếu tố tích cực của một nền văn hóa, vừa phê phán những yếu tố tiêu cực ngược lại với sứ điệp Kitô giáo. Như thế, có thể chữa lành những thương tật của chính nền văn hóa đó với sức mạnh của Tin Mừng.

Điểm mạnh của mô hình nghịch văn hóa là thần học bắt nguồn từ Thánh Kinh, đặc biệt là truyền thống ngôn sứ và trung thành với sứ điệp của Tin Mừng. Thần học vừa có thể hội nhập vào cuộc sống của con người, vừa gợi ý canh tân, cải thiện cuộc sống con người trong mọi tình huống văn hóa, xã hội và lịch sử. Có như thế, thần học mới phân biện được những yếu tố tương thích và trái nghịch với Tin Mừng, những yếu tố phi đạo đức, thiếu nhân bản và những khiếm khuyết của mọi tình huống sống. Vì vậy, phải rao giảng Tin Mừng như thế nào hầu có thể chất vấn những hoàn cảnh tệ đoan, giúp giải thoát con người và giúp cho nền văn hóa tự thăng hóa chính mình. Tuy nhiên, mô hình này có thể gặp phải khó khăn, chẳng hạn như rất dễ bị phê bình là chống văn hóa hay phản văn hóa. Trong quá khứ, đã có những trường hợp, những cáo buộc đã từng xảy ra cho các nhà truyền giáo.

6. Mô Hình Siêu Nghiệm

Mô hình này chủ yếu tập trung vào người thông truyền sứ điệp hơn là sứ điệp được truyền thông. Điều đặc biệt quan trọng không nhất thiết là việc biên soạn hay sản xuất được một hệ thống hoàn chỉnh các văn bản thần học, cho bằng là con người chân chính của nhà thần học, của người biên soạn như một chủ thể chính thực, đáng tin cậy, lấy kinh nghiệm gặp gỡ sống động làm nội dung của sứ điệp. Vì thế, thần học theo mô hình siêu nghiệm được trình bày, không chỉ bằng nỗ lực suy tư, hay tìm kiếm một ngôn ngữ chính xác phù hợp với nền văn hóa của từng thời đại, hầu xác định đối tượng của đức tin, mà con bằng chính kinh nghiệm chủ vị đến với đức tin nữa. Một mặt, để chính người làm công tác thần học hay người rao giảng Tin Mừng ngày càng thâm tín và đức tin của họ không ngừng được đào sâu, thanh luyện. Mặt khác, để người nghe lời rao giảng có thể hiểu và cảm nhận được cùng một nội dung của đức tin đã được trải nghiệm như thế đó. Bởi vậy, mô hình này cũng hàm ý rằng, tuy con ngườicó bị chi phối bởi những điều kiện về lịch sử và văn hóa, nhưng tâm trí con người vẫn có thể hoạt động như một kinh nghiệm siêu việt trên tất cả những gì khác biệt về lịch sử và văn hóa để đón nhận sự thật của đức tin vượt trên tất cả. Nói cách khác, con người có thể đón nhận tri thức đức tin như một cảm nghiệm siêu việt từ bên trong, đặc biệt là khi đức tin đáp ứng những chờ đợi và hy vọng sâu xa nhất của con người.

Trong mô hình thần học này, chúng ta nhận thấy chia sẻ kinh nghiệm lòng tin cũng là một cách thức làm thần học và rao giảng sứ điệp Kitô giáo. Truyền đạt Tin Mừng theo đúng nghĩa thì không chỉ dừng lại ở việc nói với ai về điều gì đó, nhưng còn là nỗ lực tự thông truyền kinh nghiệm của mình trong một bối cảnh. Và như thế, có thể gây vang hòa, gợi hứng cho những kinh nghiệm từ các bối cảnh khác. Sự thật là vì con người có khả năng tra vấn, đặt câu hỏi về tất cả, đó là khả năng lên đường tìm kiếm, khả năng suy niệm và siêu nghiệm, nên con người không chỉ bằng lòng với những ý tưởng hay ý niệm, mà còn hướng đến một kinh nghiệm tâm linh nữa. Kinh nghiệm này có thể trở thành nguồn cho những suy tư thần học trong bối cảnh siêu nghiệm. Thế nhưng, vì tất cả ngôn ngữ con người đều bất cập trong việc thông truyền kinh nghiệm đức tin, nên thần học phải vận dụng rất nhiều hình thái tiếp cận loại suy, các biểu tượng và hình ảnh trong văn hóa của con người để diễn dịch kinh nghiệm nhân linh về các thực tại siêu việt ấy.

III.   NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA THẦN HỌC BỐI CẢNH CHO HUẤN GIÁO

Sau khi đã sơ lược những khái niệm cơ bản về thần học bối cảnh với những mẫu thức hay những mô hình vừa được suy diễn trên đây, chúng ta có thể đặt câu hỏi: liệu thần học bối cảnh có được những gì để đóng góp cho công cuộc huấn giáo? Và nếu được đem ra ứng dụng, chúng ta có dám hy vọng rằng huấn giáo, như bước khởi đầu của việc làm thần học bối cảnh, có thể mở ra những hướng chiều thiên về mục vụ, ngõ hầu đáp ứng những khát vọng, những câu hỏi của con người ngày nay, hơn là chỉ bằng lòng với những chiều hướng trình bày “tín lý” theo kiểu cứng nhắc của các tín điều đã được định tín, hay chỉ đơn thuần lập lại những dữ liệu đã có sẵn.

1.  Một khởi điểm mới

Vì thần học là đức tin đi tìm hiểu biết ngay trong lòng cuộc sống, đối diện với nhiều hoàn cảnh khác nhau, nên vấn đề được đặt ra là làm thế nào để công việc huấn giáo như bước khởi đầu của việc làm thần học được hội nhập văn hóa? Nếu trước đây thần học được hiểu như là những nỗ lực suy tư, những cố gắng minh giải nội dung đức tin qua con đường suy luận chặt chẽ, dựa vào các ý niệm hay phạm trù triết học, để thấu hiểu cũng như truyền đạt, thì ngày nay trong nền thần họcbối cảnh, con người trong cuộc sống là khởi điểm. Thật vậy, người làm thần học hay huấn giáo phải tự đặt cho mình những câu hỏi về bối cảnh văn hóa, xã hội và môi trường sống của con người ở đây như thế nào? Họ đang khát mong chờ đợi điều gì nhất? Họ quan niệm hay đã từng quan niệm thế nào về “Thượng Đế”, về “Đấng Tối Cao”, về Trời”, về “Ai đó thần linh” siêu việt, về thần thánh, về thiên nhiên, vạn thể, về đạo lý, cảm thức thánh thiêng của cuộc sống, về ông bà tổ tiên, cội nguồn, về thân phận đời người, hạnh phúc và đau khổ, về cái chết và sự sống vĩnh hằng, về khởi nguyên và cùng tận của lịch sử, về bên kia thế giới?

Từ đó, nếu không quên rằng con người luôn sống trong bối cảnh cụ thể và đặc thù, thì thần học hay huấn giáo mới thấy rằng sứ điệp của Tin Mừng đáp ứng như thế nào cho con người trong từng bối cảnh và phải trả lẽ làm sao cho những vấn đề hay thách đố mà đức tin phải đối diện. Và như vậy, chúng ta thấy rõ được giá trị của việc tiếp xúc với con người qua sự quan tâm thực sự tới những hoàn cảnh của họ. Kinh Thánh cũng tỏ lộ cho chúng ta biết Thiên Chúa đã không đứng bên ngoài hay bên trên lịch sử, nhưng đã có sáng kiến đến với con người, đứng trong bối cảnh, đồng hành và ngỏ lời trong tương quan sống động với con người.Chính Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa cũng đã khởi đầu như thế. Như nhận định của Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo:

Chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người để dẫn đưa họ đến ánh sáng thần linh, thì các môn đệ của Người đã thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết người họ chung sống, và phải đàm thoại với họ, để nhờ chính việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú mà Thiên Chúa đã rộng ban cho các dân tộc; đồng thời các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc Âm chiếu soi những ân huệ đó... (Ad Gentes, 11).

Trong viễn tượng đó, đức tin chính là lời đáp cho những câu hỏi mà con người đặt ra, cũng như cho chính câu hỏi về con người. Tin Mừng cứu độ luôn là cho và vì con người trong chính bối cảnh sống của họ. Phải chăng đối tượng của thần học huấn giáo không chỉ là Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn là con người trên con đường tìm kiếm chân lý với những câu hỏi trong những câu hỏi, những cảm nghiệm tâm linh và những khắc khoải chính đáng của họ.

2.  Một chất liệu thần học mới
Dựa theo mô hình tổng hợp và ít nhiều kết hợp chặt chẽ với sự hiểu biết về ba mô hình chuyển ngữ, nhân học và thực hành của thần học bối cảnh, chúng ta có thể thấy vấn đề giao lưu đối thoại giữa Kitô giáo với nền văn hóa bản địa trở thành một sự kiện phổ quát, ngày càng được cảm nhận sâu sắc. Như Hiến Chế về Giáo Hội đã xác định:

Giáo hội xem tất cả những gì là chân thật và thiện hảo nơi họ như một sự chuẩn bị cho Tin Mừng và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho để cuối cùng họ nhận được sống (Lumen Gentium, 16).

Trong viễn tượng này, văn hóa nhân loại được nhìn nhận cách tích cực như là sự chuẩn bị cho sứ điệp của Tin Mừng, và một cách nào đó cũng có giá trị như chất liệu thần học huấn giáo trong bối cảnh, như một lối sư phạm chuẩn bị cho Đức Kitô. Chúng ta có thể đọc thấy trong Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo:

Ðể có thể làm chứng về Chúa Kitô một cách hữu hiệu, chính các Kitô hữu phải lấy lòng kính trọng và tình bác ái mà liên kết với những người ấy, phải biết mình là thành phần của nhóm người mình chung sống, và tham gia đời sống văn hóa, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động khác nhau trong đời sống nhân loại, lại phải làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo của những người ấy; phải lấy làm sung sướng và kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong họ (Ad Gentes, 11).

Thật vậy, nếu Thần Khí như “Gió muốn thổi ở đâu thì thổi” (Ga 3,8), và vẫn tiếp tục hoạt động trong cuộc sống và lịch sử, trong văn hoá, tư tưởng và mảnh đất đời người, thì thần học huấn giáo cũng cần biết nhận diện và thu dụng những “hạt giống chân lý”, những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hoá, trong các trong các thần thoại, các chuyện cổ tích, và truyền thống dân gian. Để rồi chính đạo lý của Đức Kitô khi được trình bày sẽ đem lại ánh sáng đích thực cho những thao thức dò dẫm của con người trong các truyền thống văn hoá đặc thù ấy. Và một khi, như Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu nhìn nhận, “đã được tinh lọc và đổi mớisẽ trở thành những cách thức diễn tả chính xác đức tin duy nhất của Giáo hội” (THGHAC, 21).

Chẳng hạn như danh xưng của Trời và những quan niệm về Trời, vừa có thể hiểu theo nghĩa tự nhiên (trời xanh, trời cao, bầu trời, mặt trời), vừa được nhân cách hóa trong tương quan liên vị hay trong tín ngưỡng dân gian (ông Trời, Ý Trời, Trời sinh Trời dưỡng, Trời định, Trời an bài phù hộ, cũng đừng trách Trời gần xa, và lạy Trời mưa xuống...). Ngay cả việc tôn kính, lòng hiếu thảo đối với ông bà tổ tiên (sống tết, chết giỗ), hay niềm tin vào sự tồn tại của những người đã chết (khuất núi, khuất bóng, qui tiên). Thần học huấn giáo có thể đối chiếu những ý niệm văn hóa đặc thù với giáo lý về sáng tạo, về sự chăm sóc quan phòng của Thiên Chúa trong trời đất, về mầu nhiệm phục sinh kẻ chết, về lời cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, về mầu nhiệm hiệp thông chư Thánh. Như thế các giá trị và các hình thức tư tưởng của văn hóa bản địa trở thành những phương tiện đối chiếu thuận lợi cho sứ mạng rao giảng sứ điệp Kitô giáo của thần học huấn giáo.

3.  Ngôn Ngữ và những Ý Niệm

Như trong một thời gian dài, các khái niệm hay lý luận triết học đặc trưng của một nền văn hoá đã có thể đóng góp hữu ích cho suy tư thần học, trong nỗ lực đối thoại với từng thời đại. Ngày nay, cũng vậy, để sứ điệp Tin Mừng được thông truyền và thông diễn, công việc thần học huấn giáo cần đến một cấu trúc ngôn ngữ và những ý niệm phù hợp với tầm hiểu biết của người dân bản xứ trong một bối cảnh văn hóa đặc thù. Đó chính là trật tự và những ý niệm của ngôn ngữ biểu tượng, của các dấu chỉ, các truyện cổ tích hay câu chuyện ngụ ngôn triết lý như một phương pháp để suy luậnvà trình bày,để thông hiểu và thông diễn ý nghĩa chứng từ nguyên thuỷ của Kinh Thánh. Cũng như qua các “dụ ngôn” về Nước Thiên Chúa của Đức Giêsu, gồm các ngôn từ kể ra một câu chuyện đầy những ẩn dụ, mà những gì là vô hình, vắng diện có thể lên tiếng và hiện diện, thì tại sao không thay thế các phương pháp tiếp cận cổ điển đối với thần học bằng hình thái và chức năng tác tạo của ngôn ngữ, của biểu tượng, của các ý niệm quen thuộc trong kho tàng văn hóa bản địa. Chính qua ngôn ngữ và biểu tượng, dù là ngôn ngữ “loại suy”tượng hình trong các câu chuyện, trong mọi lãnh vực của nghệ thuật: văn chươngtruyền thống, ca dao tục ngữ, dân ca, thi ca, âm nhạc, hội hoạ, phim ảnh, kịch nghệ, điêu khắc, con người có thể lắng nghe, cảm nhận đáp lời và đi vào trong mối liên hệ sinh động với mạc khải, với sứ điệp của Tin Mừng, với truyền thống, qua những ý niệm và hình thái ngôn ngữ, nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa của họ.

4.  Chia Sẻ Cảm Nghiệm

Trong một nền văn hóa Đông Phương mà bản sắc đặc trưng là trọng quan hệ tình nghĩa, tìm kiếm mối giao hảo, tương quan gắn bó, thích sống thuận theo tự nhiên, hòa điệu với vạn thể, hợp tình trong ứng xử và linh hoạt trong tập thể, cũng như nhận thức thì không thiên nhiều về lối phân tích, giải thích, quy nạp tổng hợp các tri thức, cho bằng thiên về cảm nghiệm, trực giác hay trực cảm với thực tại, thì phải chăng phát động nhận nhức theo cảm nghiệm để chia sẻ cảm nghiệm và khơi lên những cảm nghiệm khác là một cách thức thích hợp cho thần học huấn giáo cũng như sứ vụ truyền thông sứ điệp của Tin Mừng? Điều này cũng đòi hỏi người làm công tác thần học huấn giáo phải là người có cảm nghiệm đậm sâu về đạo lý Kitô giáo, như đã để cho con người và cuộc đời mình được Tin Mừng biến đổi. Chính từ đó, như những chứng nhân trung thực của đức tin, họ biết mình tin vào một Thiên Chúa như thế nào, và biết những điều mình tin tưởng, nên cũng hiểu được mình là ai, và cần đi con đường nào, để diễn dịch cảm nghiệm tâm linh theo những thực tại siêu việt ấy. Chia sẻ cảm nghiệm thuộc về nhận thức, không theo nghĩa học thuật khoa bảng của trí năng, cho bằng của cảm năng hay tâm cảm. Và vì thế, chia sẻ cảm nghiệm có thể trở thành cơ hội cho sự hiệp thông các tâm hồn. Vừa giúp cho người thông truyền sứ điệp, vừa giúp cho người thuận tình lắng nghe khai mở tâm trí với nhau, để cùng nhau cảm nghiệm một đức tin sống động, và qua đó chỉ ra cho nhau lý lẽ và hướng sống. Đây cũng là một phương pháp của thần học tường thuật “từ dưới lên” và “từ bên trong” bao gồm việc suy tư và thông truyền sứ điệp bằng hình thức chia sẻ những gì cảm nhận được cũng như được cảm nhận, qua những câu chuyện vắn hay dài, qua những mẫu chuyện đời dưới ánh sáng của Lời Chúa trong các nhóm sinh hoạt giáo lý, các Cộng Đoàn Kitô cơ bản, hay thần học giáo dân. Hơn nữa, để tạo âm vang trong lòng người, phương pháp tường thuật hay chia sẻ cảm nghiệm tập chú, không phải đơn thuần trên bản thân đức tin, nhưng trên thái độ mà đức tin ấy khơi lên trong ý thức, trong kinh nghiệm và thực hành Kitô giáo.

Kết luận

Và để kết luận. Thật tình rất khó kết luận, nghĩa là thu gọn những vấn đề của thần học bối cảnh, các mẫu thức thần học và khái niệm về sứ vụ huấn giáo vào một bài thuyết trình. Hơn nữa, công việc suy tư thần học bao giờ cũng là một hành trình liên tục của đức tin đi tìm hiểu biết, tìm nối kết, tìm khai sáng, tìm ơn hoán cải và tìm nguồn sống. Chỉ biết rằng, với sáu mô hình thần học, như trong mô hình chuyển ngữ, thì đức đi tìm cách thích nghi, thích ứng vào một bối cảnh văn hóa; mô hình nhân học là để tìm ra mọi phương thế duy trì và phát huy bản sắc văn hóa; mô hình thực hành là đức tin đi tìm hành động chính thực; mô hình nghịch văn hóa chủ trương tìm kiếm tiếng nói ngôn sứ, chất vấn để canh tân văn hóa; trong khi mô hình tổng hợp mời gọi đối thoại tương tác giữa mọi thành phần; và cuối cùng mô hình siêu nghiệm khởi xướng sự chuyển biến khung não thần học bằng việc thông truyền đức tin theo hình thái cảm nghiệm.

Tuy nhiên, những suy diễn trên đây, chưa phải là những mệnh đề định hướng, chưa phải là những minh định xác quyết cho thần học huấn giáo theo bối cảnh. Thế nên, xin tạm kết thúc, ở đây, như một cố gắng đóng góp những suy tư có tính cách khai mở, động não mời gọi những suy tư mới hơn nữa và những thực hành kế tiếp. Thật vậy, có thể nói, thần học vẫn luôn là thần học trong bối cảnh, trong lịch sử huấn giáo. Đó là những nỗ lực suy tư đi tìm hiểu biết và mọi phương cách để thi hành sứ vụ rao giảng sứ điệp Kitô giáo của Tin Mừng, để thông truyền đức tin, không phải chỉ đơn thuần dựa vào nguồn Thánh Kinh, Thánh Truyền, mà còn mang chiều kích nhân học, dựa vào nguồn của những kho tàng văn hóa văn chương đặc thù. Nhưng thần học, dù đa dạng đến mấy, thì cũng vẫn chỉ có một tâm điểm là Đức Giêsu Kitô và ơn cứu độ cho thế giới, được đoan chứng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Người Đấng có thể thoả mãn tất cả những khát vọng sâu xa của con người, và một cách nào đó,cũng tiềm ẩn, được diễn tả trong các thần thoại và văn chương truyền thống của nhân loại. Như vậy, sự đa dạng của thần học theo bối cảnh và huấn giáo không phải là mâu thuẫn với sự duy nhất của đức tin, nhưng ngược lại, diễn tả hay thể hiện một đức tin sống động, năng động, đối thoại và sáng tạo trong lịch sử, và vì thế, còn mở ngõ cho những suy tư không cùng.

http://giaolyductin.net/newsview/vn/1172/SU-CHUYEN-BIEN-KHUNG-NAO-TRANG--TRONG-THAN-HOC-VA-NHUNG-MO-HINH--CUA-THAN-HOC-BOI-CANH-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét