Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

35. TÌM HIỂU TỪ NGỮ KINH THÁNH

35. TÌM HIỂU TỪ NGỮ KINH THÁNH


LM. JM. Mười Một, CSsR

Một trong những từ chính yếu trong Kinh Thánh là “tin”. Trong tiếng Hy-lạp Tân Ước, cả danh từ “đức tin” (pistis) và động từ “thực hành hành vi đức tin” (pisteuo) đều có cùng một nguồn gốc. Động từpisteuo được dùng để chỉ “hành vi đức tin,” nghĩa là một sự dấn thân, tin tưởng, cầu xin và tự hiến mình cho Chúa, chứ không chỉ giới hạn vào một số mệnh đề giáo lý phải học, như một số tín hữu hôm nay nghĩ. Sau đó, động từ pisteuo được dịch sang tiếng La-tinh với động từ là credo (tôi tin) và danh từ fides (đức tin). Động từ credo được ghép bởi danh từ cor (cordis=trái tim) và động từ do (đặt để). Vậy, trong thời kỳ đầu của Hội Thánh, nghĩa gốc của lời thưa “Tôi tin” (credo) của một tín hữu khi lãnh bí tích Thánh Tẩy có nghĩa là: “Tôi đặt trái tim tôi vào” [tay Chúa] hoặc “Tôi trao cho [Chúa] trái tim tôi”, có ý diễn tả một sự gắn bó và cam kết dấn thân cho Chúa. Giáo lý đóng vai trò là cái khung cho sự dấn thân đó. Chúa chính là thực tại (res) của giáo lý mà các tín hữu phải gắn bó suốt đời.[1] 

Ý nghĩa sâu xa của từ “tin” thúc bách các tín hữu phải canh tân cách sống đạo của mình và dấn thân cách tích cực hơn. Tìm hiểu ý nghĩa các từ ngữ Kinh Thánh như thế quả là một phương pháp học Kinh Thánh quan trọng và hiệu quả.[2] 

Định nghĩa

Phương pháp tìm hiểu Kinh Thánh bằng cách tìm hiểu ý nghĩa các từ ngữ là dùng “kính hiển vi” để soi xét nguồn gốc, định nghĩa, số lần sử dụng, cách sử dụng từ ngữ nào đó trong Kinh Thánh, nhất là xem từ đó được sử dụng thế nào trong những trang Kinh Thánh cụ thể. Phương pháp này thật quan trọng, vì ví như các cánh cửa dù to hay nhỏ đều tựa trên các bản lề nhỏ bé thì cả bộ Kinh Thánh vĩ đại cũng tựa trên các từ ngữ nhỏ bé, hạn như “tin”, “ân sủng”, “đền tội”, “chúc lành”, “giao ước”, “môn đệ”,… Sau đó, nhờ hiểu chính xác từ ngữ Kinh Thánh, các tín hữu biết cách sống Lời Chúa trong đời sống cụ thể của mình. 

Các bước tìm hiểu từ ngữ Kinh Thánh và áp dụng vào đời sống

1. Chọn từ: Hãy chọn từ nào bạn thích hoặc muốn tìm hiểu sâu hơn.

Ví dụ: Hối hận, ăn năn, thống hối, hối cải (=Repent/ance, tiếng Anh). 

2. Tìm định nghĩa: Dùng từ điển để xác định nghĩa của từ này cũng như các từ phản nghĩa.
Hối hận, ăn năn, thống hối, hối cải: Cảm thấy hối tiếc, ân hận về hành vi trong quá khứ và thay đổi điều đó. 

3. So sánh các bản dịch: Nếu bạn có thể đọc ngoại ngữ nào thì so sánh các bản dịch ngoại ngữ đó, nếu không, hãy so sánh hai bản dịch tiếng Việt đó là của Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn CSsR và Nhóm Phiên Dịch CGKPV. 

Lc 13,3: “Không đâu! Ta bảo các ngươi! Nhưng nếu các ngươi không hối cải, thì hết thảy các ngươi cũng sẽ bị tiêu diệt như thế.” (NTT). “Không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không hối cải, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” (CGKPV). 

4. Tìm từ gốc và nghĩa gốc: Sử dụng các sách công cụ để tìm gốc của từ trong tiếng Híp-ri và Hy-lạp. Bạn có thể sẽ thấy một từ nhưng lại được sử dụng nhiều cách khác nhau.

Trong Tân Ước, từ “repent/ance” được dịch bằng hai từ Hy-lạp khác nhau:  

- Metanoeo: “thay đổi suy nghĩ”

- Metamelomai: “hối tiếc hoặc bày tỏ sự ân hận” 

5. Số lần sử dụng: Dùng sách tra mục từ (concordance) để tìm số lần từ này được sử dụng, nhiều nhất ở sách nào, tác giả nào sử dụng nhiều nhất, tác giả nào sử dụng đầu tiên,…

Trong Tân Ước, từ “repent/ance” được dịch bằng hai từ Hy-lạp khác nhau:  

A. Metanoeo

- Động từ: 34 lần: 5 (Mt), 2 (Mc), 9 (Lc), 5 (Cv), 1 (2Cr), 12 (Kh)

- Danh từ: 24 lần: 3 (Mt), 2 (Mc), 5 (Lc), 6 (Cv), 1 (Rm), 2 (2Cr), 1 (2Tm), 3 (Hr), 1 (2Pr)

B. Metamelomai

Chỉ có động từ và xuất hiện 6 lần: 3 (Mt), 2 (2Cr), 1 (Hr)

Nhận xét thú vị: 

- Tin Mừng thứ tư (Ga) không sử dụng lần nào nhưng Khải huyền tới 12 lần 

- Tác giả Luca sử dụng nhiều nhất 

- Đề tài (từ) này không được nhấn mạnh trong các Thư của Tân Ước 

6. Tìm gốc của từ và nghĩa của nó: Bạn cần nghiên cứu thêm một chút. Hãy dùng các sách công cụ hạn như từ điển, điển ngữ, bách khoa Kinh Thánh và thần học,…

Metanoeo theo nghĩa đen có nghĩa là “hiểu biết sau đó”. Từ này bao gồm hai từ là meta = sau (hàm ý thay đổi), và noeo = hiểu (nous = suy nghĩ). Từ đây, ta có nghĩa: “thay đổi suy nghĩ hoặc mục đích”. Trong Tân Ước, sự thay đổi này luôn theo chiều hướng tốt và ám chỉ một sự thay đổi hoàn toàn tâm hồn và cuộc sống. Không chỉ hàm ý một sự từ bỏ tội lỗi (tiêu cực), từ này cũng hàm ý một sự hướng tới điều tốt lành (tích cực). Nó không chỉ có ý nói đến một tâm tình hối hận vì điều sai trái đã phạm nhưng cũng nhấn mạnh một sự thay đổi suy nghĩ và bước đi trên con đường mới.

Metamelomai bắt nguồn từ meta (sau) và melo (chăm sóc). Nó có nghĩa là hối tiếc hoặc hối hận vì đã làm điều gì đó không nên làm. Nó có nghĩa một nỗi lo lắng đớn đau (đau buồn) vì hành vi sai trái đã phạm. Đây chưa phải là một sự hối cải đích thực. Nó có nghĩa hối tiếc vì đã làm gì đó nhưng không thay đổi suy nghĩ về điều đó. Ví dụ: “Tôi tiếc vì đã bị cảnh sát bắt nhưng tôi không hối hận về điều tôi làm” hoặc “Tôi không chắc tôi sẽ không tái phạm.” Giuđa là một minh họa: Ông hối tiếc vì đã phản bội Chúa (metamelomai, Mt 27,3) nhưng ông không thật lòng hối cải về điều đã làm (metanoeo).  

7. Cách dùng từ này trong Kinh Thánh: Ví dụ: Ed 33,10-20; Mt 3,2; Cv 2,38;…

2Cr 7,9-10: “Thì nay tôi lại vui mừng, không phải vì đã làm cho anh em phải ưu phiền, nhưng vì nỗi ưu phiềnđó đã làm cho anh em hối cải. Thật thế, anh em đã phải ưu phiền theo ý Thiên Chúa, nên chúng tôi không làm thiệt hại gì cho anh em. Quả vậy, nỗi ưu phiềntheo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ: đó là điều không bao giờ phải hối tiếc; còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết.”

8. Áp dụng: Việc học Kinh Thánh chỉ ích lợi nếu được áp dụng. Nhiều kiến thức Kinh Thánh mà không thực hành thì cũng vô ích. Việc tìm hiểu từ ngữ Kinh Thánh nên đi kèm theo câu hỏi: “Ý nghĩa của từ này giúp thăng tiến đời sống thiêng liêng của tôi như thế nào?”  




[1] Dermot Lane, Kinh Nghiệm Về Thiên Chúa, Nguyễn Luật Khoa dịch, 117-120.
[2] Nội dung bài này dựa trên quyển Bible Study Methods, Twelve Ways You Can Unlock God’s Word, 133-145, của Rick Warren, tác giả tác phẩm nổi tiếngThe Purpose Driven Life (Sống Theo Mục Đích).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét